Hạ Thị Lan Phi1
Tóm tắt: Năm 2020, đại dịch COVID-19 đã lây lan nhanh và mạnh, khiến ngành công nghiệp giải trí và truyền thông trên toàn thế giới nói chung, Nhật Bản nói riêng dường như bị “đóng băng”. Các mảng kinh doanh cốt lõi như âm nhạc, kịch, biểu diễn nghệ thuật, giải trí và sự kiện Thế vận hội 2020 không thể tổ chức. Sân vận động, nhà hát và địa điểm chế tác, kinh doanh phim ảnh buộc phải đóng cửa hoặc thu hẹp do phải tuân thủ các biện pháp ngăn ngừa lây nhiễm, chuỗi cung ứng bị chia cắt. Thiệt hại trên thị trường toàn cầu ước tính lên tới 16-17 nghìn tỷ yên và dự kiến sau khi đại dịch qua đi sẽ mất ít nhất hai năm để phục hồi lại ngành công nghiệp này. Bài viết đề cập đến thực trạng, tương lai ngành nghệ thuật biểu diễn, một trong những ngành được cho là thiệt hại nặng nề nhất do tác động của đại dịch COVID-19 tại Nhật Bản.
Từ khóa: Nghệ thuật biểu diễn, biểu diễn sân khấu, Nhật Bản
1. Sơ lược quy mô thị trường nghệ thuật biểu diễn trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát ở Nhật Bản[1]
Thuật ngữ “nghệ thuật biểu diễn” xuất hiện lần đầu ở Anh vào năm 1711, khi đó cụm từ này xuất hiện để phân biệt với các loại hình nghệ thuật thị giác khác như nghệ thuật tạo hình. Nghệ thuật biểu diễn bao gồm một số lĩnh vực như âm nhạc, múa, kịch, opera, nhạc kịch, ảo thuật, múa rối, xiếc, ngâm thơ, tấu hài,… Khái niệm nghệ thuật biểu diễn mà bài viết sử dụng bao gồm biểu diễn âm nhạc và biểu diễn sân khấu. Trong đó biểu diễn âm nhạc gồm: nhạc pop; nhạc cổ điển; diễn ca (thể loại âm nhạc của Nhật Bản/enka), nhạc pop thời Showa (kayokyoku); nhạc jazz; âm nhạc dân gian và các thể loại khác. Biểu diễn sân khấu gồm nhạc kịch; Kabuki, Noh, Kyogen; hài kịch; múa ba lê; khiêu vũ.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện nay, khi khoa học kĩ thuật, đặc biệt là công nghệ và truyền thông phát triển thì khái niệm nghệ thuật biểu diễn trước hết chia làm hai thể loại, đó là nghệ thuật biểu diễn trực tiếp[2] và nghệ thuật biểu diễn trực tuyến[3], trong cả hai thể loại này đều bao gồm các loại hình biểu diễn sân khấu nêu trên. Ở Nhật Bản, tính cho đến thời điểm trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra thì khái niệm nghệ thuật biểu diễn trực tuyến ít được nhắc đến, cho nên khi nói đến nghệ thuật biểu diễn thường được hiểu là nghệ thuật biểu diễn trực tiếp.
Theo kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu PIA về “Quy mô thị trường giải trí trực tiếp hàng năm”, năm 2019 thị trường nghệ thuật biểu diễn trực tiếp của Nhật Bản đã đạt mức cao kỷ lục kể từ năm 2000, đạt 629,5 tỷ yên (tăng 7,4% so với năm 2018), đây là một trong số ít thị trường liên tục tăng trưởng ngay cả khi dân số của Nhật Bản ngày càng giảm. Đặc biệt, thị trường trình diễn âm nhạc trực tiếp (live music) đã tăng hơn gấp đôi trong 10 năm, đạt 387,5 tỷ yên vào năm 2018; 423,7 tỷ yên trong năm 2019. Theo thông báo của Hiệp hội Thu âm Nhật Bản, doanh số bán phần mềm âm nhạc bao gồm các bản ghi âm như CD và video âm nhạc như DVD vào năm 2019 là 229,1 tỷ yên, doanh số phân phối âm nhạc cũng đã tăng lên trong những năm gần đây.
Biểu đồ 1: Quy mô thị trường nghệ thuật biểu diễn trực tiếp của Nhật Bản từ năm 2010-2020 (đơn vị tính: tỷ yên)
Nguồn: PIA Research Institute (2020), 2020年のライブ・エンタテインメント市場は、対前年約8割減に。 ぴあ総研が試算値を下方修正 (2020.10.27配信) (Viện Nghiên cứu PIA(2020), Thị trường giải trí trực tiếp của Nhật Bản giảm 80% so với năm trước), https://corporate.pia.jp/news/detail_live_ enta_20201027.html.
Quy mô thị trường âm nhạc năm 2019 ước tính là 424 tỷ yên, tăng 9,4% so với năm trước. Sự gia tăng này là nhờ vào số lượng các buổi biểu diễn tại các tụ điểm lớn với sức chứa từ 40.000 người trở lên. Bên cạnh đó, nhờ vào việc tăng số lượng buổi biểu diễn tại các tụ điểm có sức chứa từ 1.000 đến 2.000 người, thị trường sân khấu năm 2019 cũng tăng trưởng mạnh mẽ. Điển hình như những tụ điểm Cool Japan Park Osaka (WW Hall) 1.138 chỗ mới mở vào tháng 2/2019 ở thành phố Osaka; Shibuya Public Hall 1.956 chỗ mở cửa hoạt động vào tháng 10/2019 ở quận Shibuya, Tokyo; Nhà hát Văn hóa và nghệ thuật dân gian 1.300 chỗ, được khai trương vào tháng 11/2019 tại quận Toshima, Tokyo... Việc mở các địa điểm này đã giúp cho thị trường nghệ thuật biểu diễn của Nhật Bản năm 2019 đạt khoảng 205,8 tỷ yên, tăng 3,6% so với năm 2018. Đây là một trong những lĩnh vực đã được kì vọng sẽ có những đóng góp không nhỏ vào sự tăng trưởng của thị trường công nghiệp văn hóa của Nhật Bản trong tương lai.
2. Tác động của đại dịch COVID-19 đến thị trường biểu diễn trực tiếp của Nhật Bản
Đầu năm 2020, không chỉ Nhật Bản mà cả thế giới đã bị chấn động bởi sự lây lan nhanh chóng của vi rút corona. Khi chưa có vắc xin, chưa có phương pháp chữa trị triệt để thì phong tỏa và cách ly dường như là những “đơn thuốc” hữu hiệu nhất để ngăn chặn sự lây lan và sự sụp đổ của nền y tế các nước. Chính vì vậy, không chỉ các quốc gia có nền y tế kém phát triển mà cả các quốc gia có nền y tế tiên tiến cũng lần lượt ban bố lệnh phong tỏa toàn bộ lãnh thổ. Ở những quốc gia này, nhà hát; rạp chiếu phim; phòng trưng bày nghệ thuật; viện bảo tàng;… đã đóng cửa trước khi các lệnh phong tỏa quốc gia được ban bố, đây được coi là những nơi nguy hiểm, có nguy cơ lây nhiễm cao cần tránh xa. Sự ngưng trệ của dòng người và dòng tiền trong một thời gian dài đã làm cho ngành nghệ thuật biểu diễn chịu tổn thất vô cùng to lớn, đời sống sinh hoạt của những cá nhân làm trong lĩnh vực này gặp rất nhiều khó khăn. Cũng trong bối cảnh chung đó, vào ngày 26/2/2020, khi đại dịch COVID-19 lan rộng, Chính phủ Nhật Bản đã ban bố lời kêu gọi người dân thực hiện tốt ba điều để phòng chống dịch bệnh lây lan: tránh không gian kín không thông gió, tránh những chỗ tập trung đông người và tránh tiếp xúc gần[4]. Như đã trình bày ở trên, những không gian để trình diễn nghệ thuật trực tiếp, như nhà hát, sân khấu trình diễn,… đều là nơi hội tụ ba điều mà chính phủ khuyến cáo người dân nên tránh xa. Thủ tướng đương nhiệm Abe Shinzo đã yêu cầu các nhà hát, phòng hòa nhạc, rạp chiếu phim,… phải đóng cửa; nhiều sự kiện bị hủy bỏ hoặc hoãn lại. Dịch bệnh đã làm cho một ngành đang trên đà phát triển mạnh mẽ ngay cả trong khi nền kinh tế đang trì trệ, dân số ngày càng giảm như ngành biểu diễn nghệ thuật trực tiếp của Nhật Bản cũng gặp phải rất nhiều khó khăn và trở thành ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong các ngành thuộc lĩnh vực văn hóa. Đến đầu tháng 4/2020, tình trạng khẩn cấp được ban bố, chính phủ ban lệnh ngừng tất cả các hoạt động vui chơi, giải trí nên không có buổi biểu diễn hoặc chiếu phim nào được tổ chức. Đến ngày 25/5/2020, khi số ca nhiễm có xu hướng giảm thì tình trạng khẩn cấp mới được dỡ bỏ, các rạp chiếu phim được phép hoạt động trở lại. Từ tháng 6 đến tháng 7, tỷ lệ chỗ ngồi và số lượng người được phép tham gia các sự kiện đã dần được nới lỏng, song vào thời điểm này số người nhiễm bệnh lại gia tăng nên thực chất việc nới lỏng vẫn chưa được thực hiện. Đến tháng 9/2020, chính phủ đã cho phép nới lỏng từng lĩnh vực nhưng các hoạt động biểu diễn nghệ thuật trực tiếp và trình chiếu phim vẫn còn bị hạn chế. Các ngành này hoạt động phải dựa trên “Chính sách cơ bản về các biện pháp chống nhiễm trùng coronavirus mới”[5], trong đó quy định các buổi biểu diễn và chiếu phim được tổ chức phải tuân thủ chặt chẽ các quy định về biện pháp phòng chống lây nhiễm, như hạn chế số lượng khán giả đến rạp, quy định khoảng cách giữa các khán giả (yêu cầu để các ghế trống),...
Theo dữ liệu đã được Viện Nghiên cứu PIA trình bày trong “Báo cáo chuyên sâu về tình hình tác động của đại dịch COVID-19 đối với nền kinh tế” tại kỳ họp lần thứ 5, được tổ chức vào ngày 24/3/2020 và báo cáo này đã được bổ sung, sửa đổi vào ngày 29/5/2020 thì cho đến thời điểm này toàn quốc đã giảm khoảng 200.000 buổi biểu diễn nghệ thuật và trình diễn trò chơi, thiệt hại tương đương khoảng 360 tỷ yên. Báo cáo cũng dự đoán tình hình này sẽ tiếp tục diễn ra cho đến tháng 1/2021 và có nguy cơ còn tăng cao. Các nhà nghiên cứu văn hóa đã ví von rằng, vầng hào quang của ngành biểu diễn nghệ thuật đã bị dập tắt và đại dịch COVID-19 như “một cú phanh đột ngột” đối với thị trường biểu diễn trực tiếp ở Nhật Bản. Cũng theo dự tính của Viện nghiên cứu PIA, trong khoảng thời gian từ tháng 2/2020 đến tháng 1/2021, số buổi biểu diễn ca nhạc, sân khấu và sự kiện thể thao đã bị hủy, bị hoãn là khoảng 432.000 buổi với khoảng 229 triệu lượt khán giả (kết quả dự tính này được công bố vào tháng 5/2020). Quy mô của thị trường giải trí trực tiếp năm 2020 được dự tính là 130,6 tỷ yên, giảm 79,3% so với năm trước (kết quả dự tính công bố ngày 25/10/2020).
Trong số đó, biểu diễn âm nhạc là ngành chịu ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng. Năm 2020, doanh thu của ngành này đã giảm 83,1% so với cùng kỳ năm 2019, từ 423,7 tỷ yên (tăng 9,4% so với năm 2018) xuống còn 71,4 tỷ yên[6]. Nhìn lại xu hướng của nền biểu diễn âm nhạc năm 2020 thì hầu hết các buổi biểu diễn âm nhạc trực tiếp không được tổ chức, do một loạt các thông báo như “yêu cầu ngừng tổ chức các sự kiện thể thao và văn hóa có quy mô lớn như các buổi biểu diễn hòa nhạc” ngày 26/2, thông báo về “tình trạng khẩn cấp” ngày 25/5,… Vào tháng 6/2020, lệnh “nới lỏng” đã được công bố, các buổi tổ chức sự kiện, biểu diễn nghệ thuật,… dần dần được phép hoạt động trở lại. Tuy nhiên, một mặt do yếu tố tâm lý sợ lây nhiễm nên số lượng khán giả đến rạp đã giảm rõ rệt, mặt khác do yêu cầu giãn cách xã hội, các rạp hát chỉ được phép bán 50% số ghế, nên các chương trình biểu diễn quy mô lớn tại các hội trường, sân khấu, nhà vòm đã không thể tổ chức như bình thường do không có lợi nhuận. Sau một năm chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, ngày 31/12/2020 hàng loạt nhóm nhạc tuyên bố ngừng hoạt động, điển hình như Sandaime J Soul Brothers[7] (xuất thân từ nhóm Exile Tribe[8]), AAA[9], Southern All Stars[10] Nogizaka forty-six[11],… Ước tính số buổi biểu diễn mà các nhóm nhạc phải hủy tổng cộng khoảng 50 buổi với khoảng 2,37 triệu khán giả trong vòng một năm.
Ngành biểu diễn sân khấu trực tiếp cũng giảm 71,2% so với năm 2019, từ 205,8 tỷ yên (tăng 3,6% so với năm 2018) xuống 59,2 tỷ yên[12]. Các buổi biểu diễn quy mô lớn của Takarazuka và Nhà hát Shiki, chiếm tỷ trọng lớn trên thị trường, tuy đã hoạt động trở lại, quy mô thị trường đang có dấu hiệu phục hồi, từ tháng 11/2020 đã được phép bán kín 100% chỗ ngồi, nhưng do tâm lý e ngại của khán giả nên sự phục hồi vẫn còn chậm, kể cả ở khu vực sân khấu và các rạp nhỏ.
3. Chính sách hỗ trợ của chính phủ
Ngay sau khi đại dịch bùng nổ, nhiều quốc gia trên thế giới đã ban hành những chính sách hỗ trợ cho ngành văn hóa nghệ thuật nói chung, nghệ thuật biểu diễn nói riêng. Chính phủ Nhật Bản cũng đã triển khai một số chương trình hỗ trợ tài chính trong đại dịch, như chương trình trợ cấp 100.000 yên tiền mặt (2 lần) cho tất cả cư dân đang sinh sống ở Nhật Bản, không phân biệt điều kiện tài chính, quốc tịch (nếu là cư dân người nước ngoài phải có thị thực từ 3 tháng trở lên và có tên trong “Danh sách thường trú cơ bản” tính đến ngày 27/4); chương trình trợ cấp cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, người làm việc tự do, còn được gọi là “Chương trình trợ cấp hỗ trợ duy trì doanh nghiệp” nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp bị sụt giảm doanh thu do đại dịch. Cụ thể, các doanh nghiệp vừa và nhỏ được trợ cấp tối đa 2 triệu yên, doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ (kinh doanh cá thể); những người làm việc tự do, được hỗ trợ tối đa 1 triệu yên (đây là tiền trợ cấp nên không cần phải hoàn trả)[13]…
Ngoài những chính sách hỗ trợ của chung chính phủ, các địa phương cũng có những chính sách riêng hỗ trợ cho các tổ chức, doanh nghiệp cá nhân đang hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Điển hình như Kyoto, một thành phố cổ kính, thành phố du lịch, mang đậm tính lịch sử và văn hóa của Nhật Bản, sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát, chính quyền thành phố đã thành lập “Quỹ hỗ trợ khẩn cấp hoạt động văn hóa nghệ thuật thành phố Kyoto”[14] nhằm giúp đỡ các tổ chức, cá nhân đang hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật ứng phó với tác động của đại dịch COVID-19. Những đối tượng có đủ điều kiện nhận hỗ trợ từ quỹ này là những tổ chức, cá nhân đang hoạt động trong các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật đã được quy định từ Điều 8 đến Điều 12 trong “Đạo luật cơ bản về văn hóa và nghệ thuật”[15], gồm: (1) văn học, âm nhạc, nghệ thuật, nhiếp ảnh, kịch, múa (Điều 8); (2) phim, hoạt hình, nghệ thuật hoạt hình sử dụng máy tính và các thiết bị điện tử khác (nghệ thuật truyền thông) (Điều 9); (3) Gagaku, Noh, Bunraku, Kabuki, Kumiodori và các nghệ thuật truyền thống khác của Nhật Bản (Điều 10); (4) Kodan (kể chuyện), Rakugo, Rokyoku, Mandan, Manzai, ca hát và các nghệ thuật biểu diễn khác (Điều 11); (5) văn hóa lối sống (nghi lễ trà, kado, ikebana), thư pháp, văn hóa ẩm thực, các loại hình văn hóa khác liên quan đến lối sống) và văn hóa giải trí truyền thống (cờ vây, Shogi và các trò giải trí dân gian khác) (Điều 12). Quỹ nhằm hỗ trợ, khuyến khích các hoạt động văn hóa và nghệ thuật, nên đối với lĩnh vực văn hóa ẩm thực, quỹ hỗ trợ cho những hoạt động mang tính “phổ biến văn hóa ẩm thực” thông qua các hoạt động như bài giảng, dự án lớp học nấu ăn dành cho phụ huynh và trẻ em…, không áp dụng cho các hoạt động mang mục đích cung cấp thực phẩm, đồ uống. Số tiền cố định khoảng 300.000 yên cho mỗi đơn đăng ký. Cá nhân đủ tư cách nhận hỗ trợ là những cá nhân hoặc một nhóm các cá nhân đáp ứng các điều kiện sau: (1) những doanh nghiệp, cá nhân có địa chỉ trụ sở, nhà hoặc là những cá nhân, tổ chức có địa chỉ ngoài thành phố Kyoto nhưng có hoạt động biểu diễn nghệ thuật tại thành phố Kyoto (ví dụ: có dự án biểu diễn tại các địa điểm như Trung tâm nghệ thuật Kyoto; Nhà hát Rohm Kyoto; Theater E9 Kyoto,…); (2) những công ty, tổ chức, cá nhân có những hoạt động liên quan đến quảng bá và phổ biến nghệ thuật văn hóa trong khu vực thành phố Kyoto (bao gồm những người đã sản xuất và biểu diễn tại các cơ sở nằm ở thành phố Kyoto, như biểu diễn tại Trung tâm nghệ thuật Kyoto và Nhà hát Rohm Kyoto, cũng như những người đã trưng bày các sản vật văn hóa tại phòng trưng bày trong thành phố); (3) những cá nhân, tổ chức do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 bị mất cơ hội tổ chức, tham gia các hoạt động liên quan đến văn hóa nghệ thuật và dự kiến bị giảm thu nhập.
Không chỉ Kyoto mà tất cả các địa phương trên toàn Nhật Bản đều có “Quỹ hỗ trợ khẩn cấp hoạt động văn hóa nghệ thuật” của địa phương. Cục Văn hóa, các phòng văn hóa tại các địa phương đều có các cổng thông tin giải đáp và hướng dẫn các cá nhân, tổ chức kê khai thụ hưởng các gói hỗ trợ này. Bên cạnh đó, còn một số quỹ hỗ trợ cho các gia đình, cá nhân gặp khó khăn được vay tiền sinh hoạt, như: Quỹ vay phúc lợi - được Hội đồng Phúc lợi xã hội ở tất cả các tỉnh, thành phố Nhật Bản mở ra hỗ trợ các hộ gia đình gặp khó khăn phải nghỉ việc do dịch bệnh; Quỹ vay khẩn cấp hạn mức thấp, quỹ này chủ yếu dành cho các hộ gia đình bị sụt giảm thu nhập do tạm thời nghỉ việc, mức vay tối đa là 200.000 yên; Quỹ hỗ trợ tổng hợp chủ yếu dành cho các hộ gia đình có thành viên đang thất nghiệp hoặc bị sụt giảm thu nhập. Với điều kiện hộ gia đình có từ 2 người trở lên, mức vay tối đa là 200.000 yên/tháng; hộ có 1 người được vay tối đa 150.000 yên/tháng, thời gian cho vay là 3 tháng.
4. Hướng đi mới cho biểu diễn nghệ thuật tại Nhật Bản
Như trình bày ở trên, sau khi tình trạng khẩn cấp được dỡ bỏ, các sự kiện văn hóa có quy mô lớn đã được tổ chức lại, ngành biểu diễn nghệ thuật đã có những dấu hiệu phục hồi. Có lẽ vì nhu cầu giải trí cao, sau một thời gian bị hạn chế tiếp xúc, nhiều khán giả “cốt lõi” đã mua vé xem biểu diễn, nhưng đa số vẫn kiềm chế vì dịch bệnh chưa được kiểm soát tốt. Ngày 3/11/2020, ban nhạc rock The Yellow Monkey đã có buổi biểu diễn thành công rực rỡ tại Tokyo Dome với 19.000 khán giả tham dự. Ngày 10- 11/10/2020 đã có khoảng 40.000 người tham dự lễ hội âm nhạc Osaka Genki Park được tổ chức tại Công viên kỷ niệm Expo’70 ở Osaka,… Điều này cho thấy các sự kiện âm nhạc có quy mô lớn có thể được tổ chức một cách an toàn.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các nhà quản lý kinh tế, văn hóa, trong một vài năm tới quy mô thị trường biểu diễn nghệ thuật sẽ không có khả năng đạt được doanh thu như năm 2019. Ngành công nghiệp biểu diễn buộc phải thay đổi để tồn tại và phải xây dựng một mô hình kinh doanh mới để thúc đẩy ngành này phát triển. Một yêu cầu đặt ra là tuy hiện tại ngành biểu diễn nghệ thuật đang khủng hoảng nhưng các nhà làm văn hóa không lãng phí thời gian mà cần chuẩn bị cho một bước tiến dài để hướng tới một kỷ nguyên mới tiếp theo. Năm 2021 sẽ buộc phải là năm đầu tiên đánh dấu bước chuyển đổi của ngành giải trí trực tiếp, bao gồm sản xuất, phân phối,… cùng tồn tại với virus corona, hi vọng thị trường sẽ được cải thiện và hồi phục vào năm 2022. Không chỉ riêng ngành biểu diễn, mà tất cả các ngành từ sản xuất đến cung cấp dịch vụ đều buộc phải chuyển đổi phương thức hoạt động, nhìn nhận đại dịch COVID-19 từ một góc tích cực hơn, coi thời gian này là khoảng dừng để nhìn nhận, đánh giá lại và cải tiến hoạt động như giảm giờ làm việc, giảm khối lượng công việc tại các địa điểm sản xuất, nâng cao hiệu quả công việc, cải tiến dịch vụ phù hợp với tình hình dịch bệnh và theo yêu cầu của khán giả, như việc đa dạng hóa các loại vé, thay đổi hình thức bán vé và giá dao động tùy theo chỗ ngồi,… Ngay như ngành công nghiệp âm nhạc trong những năm gần đây, thị trường CD tiếp tục bị thu hẹp, việc chuyển đổi sang dịch vụ đăng ký số vẫn còn hạn chế, với một tỷ lệ người đăng kí thấp, dù trên thế giới đã trở thành một xu thế phát triển không còn mới. Ngay cả trong lĩnh vực phân phối trực tuyến thì Nhật Bản vẫn tụt hậu về mặt công nghệ và dịch vụ kỹ thuật số so với nền công nghiệp K-POP của Hàn Quốc, một nền công nghiệp âm nhạc đã sẵn sàng để tấn công thị trường toàn cầu. Vì vậy, theo các nhà quản lý và kinh doanh văn hóa Nhật Bản thì cần phải coi đại dịch COVID-19 như một cơ hội mới cho ngành biểu diễn nghệ thuật nói riêng, ngành văn hóa, dịch vụ nói chung để thay đổi và tìm ra hướng đi mới.
Một lần nữa, ngành biểu diễn nghệ thuật nói riêng, ngành giải trí trực tiếp nói chung đã chứng minh rằng cho dù có khủng bố, chiến tranh, bệnh tật hay bùng phát đại dịch, ngành này cũng không thể bị diệt vong, mà trong những khó khăn đến tột cùng vẫn tìm ra được một hướng đi mới. Khi dịch bùng phát, thời gian ở nhà của mỗi một cá nhân tăng cao, thì dịch vụ cung cấp nhạc và video trực tuyến cho người tiêu dùng đã tăng đáng kể, tạo ra những bước đột phá to lớn cho ngành công nghiệp này. Chỉ riêng từ ngày 19 tháng 9 đến ngày 20 tháng 8 năm 2020, công ty Netflix[16], một công ty lớn tầm cỡ thế giới của Mỹ, đã có được 2 triệu thuê bao mới tại Nhật Bản. Ngoài ra, việc kéo dài thời gian làm việc tại nhà đã thúc đẩy sự phát triển của ngành kinh doanh đặt hàng qua mạng do Amazon.com làm đại diện và là một yếu tố thúc đẩy mọi người tham gia vào lĩnh vực kinh doanh ngành công nghiệp giải trí.
Ngày 25/1/2021, Viện Nghiên cứu PIA đã công bố kết quả điều tra “Quy mô thị trường trực tuyến mất phí trong nước năm 2020”. Theo công bố này, quy mô thị trường trực tuyến trong nước năm 2020 của Nhật Bản đạt khoảng 44,8 tỷ yên, từ khoảng tháng 5 năm 2020 thị trường này có xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ. Viện nghiên cứu này cũng đã tiến hành một cuộc khảo sát “Tìm hiểu thực tế về nghe nhìn trực tuyến có trả phí” với 30.000 người, độ tuổi từ 18 đến 69 tuổi, qua hành vi bỏ tiền mua vé qua mạng internet để xem các buổi biểu diễn trực tuyến. Kết quả thu được là 18,8% số người được hỏi đã xem trực tuyến có trả phí vào năm 2020. Trong đó tỷ lệ khán giả nữ từ độ tuổi thanh niên (18-29 tuổi) chiếm tỷ lệ cao nhất (39,8%).
Ngày 25/6, với mục đích hỗ trợ những nhân viên phục vụ biểu diễn, ban nhạc Southern All Stars đã tổ chức buổi biểu diễn tại Yokohama Arena. Đây là buổi biểu diễn được tổ chức giống như một buổi biểu diễn trực tiếp thông thường, có sự tham gia của 400 nhân viên. Điểm khác là không có khán giả đến rạp, buổi biểu diễn được phát trực tiếp trên mạng internet và đã có hơn 180.000 người mua vé xem. Ngày 12/7, trong buổi biểu diễn của Gen Hoshino[17] tại Shibuya Club Quattro[18] cũng đã có khoảng 100.000 người mua vé xem trực tuyến. Sau đó, các buổi biểu diễn trực tuyến được đánh giá cao như buổi hòa nhạc tốt nghiệp Mai Shiraishi của nhóm nhạc Nogizaka46[19] và buổi biểu diễn cuối cùng của nhóm nhạc nữ Keyakizaka46; buổi biểu diễn trực tiếp không có người giám sát tại sân vận động quốc gia của Arashi; buổi biểu diễn của B'z trong 5 tuần liên tiếp… đã thu hút một lượng khán giả tương đối lớn xem trực tuyến. Các buổi phát sóng trực tiếp đã sử dụng triệt để màn hình LED khổng lồ 360 độ và công nghệ XR để sản xuất video. Thêm vào đó, ngành công nghiệp âm nhạc đã phát động quỹ “Music Cross Aid” để hỗ trợ các doanh nghiệp và nhân viên tham gia vào ngành công nghiệp trực tuyến, điều này đã tạo ra các đầu mối liên hệ với các bộ và cơ quan chính phủ cũng như các công ty trong các ngành khác, mở rộng kết nối theo chiều ngang. Thúc đẩy sự hợp tác khác nhau bằng cách xây dựng mạng lưới với các ngành khác ngoài ngành công nghiệp âm nhạc sẽ góp phần vào sự phát triển của ngành công nghiệp trực tuyến trong tương lai. Bằng cách này, ngành công nghiệp trực tiếp đang thay đổi để tốt hơn.
Biểu diễn trực tuyến tránh được nguy cơ lây nhiễm COVID-19, không có giới hạn về dung lượng và địa điểm. Hơn thế nữa, sau khi kết thúc biểu diễn thì nội dung chương trình còn có thể được sản xuất và phát hành video. Đặc biệt, biểu diễn trực tuyến có một ưu điểm vượt trội so với biểu diễn trực tiếp là không giới hạn phạm vi kết nối với khán giả. Khán giả xem biểu diễn không chỉ tại Nhật Bản, tại địa điểm đang diễn ra buổi biểu diễn, mà còn có thể được kết nối với khán giả ở khắp nơi trên thế giới. Cho nên, tuy đây chỉ là một biện pháp khẩn cấp, được sản sinh trong bối cảnh đại dịch COVID-19, nhưng nó cũng mở ra một hướng kinh doanh mới, giúp mở rộng nguồn thu, tăng lợi nhuận cho lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật. Các nhà kinh tế văn hóa dự đoán rằng, cho dù sau này khi dịch bệnh đã được khống chế thì biểu diễn trực tuyến vẫn có cơ hội phát triển mạnh mẽ, nó đã được tạo ra để đáp ứng một phân khúc khách hàng và mở rộng thể loại sản phẩm, giúp cho sự trải nghiệm, sự thưởng thức văn hóa của khách hàng ngày càng được phong phú hơn.
Biểu 2: Tỷ lệ nghe nhìn trực truyến có trả phí
Nguồn: ぴあ総研がオンラインライブ視聴に関する実態調査を実施:有料型オンラインライブ、5人に1人が視聴 (Viện Nghiên cứu PIA thực hiện điều tra thực trạng về việc nghe nhìn online: Cứ 5 người có 1 người nghe nhìn trực tuyến có trả phí), https://corporate.pia.jp/news/detail_live_enta_20210215.html.
Tóm lại, có thể nói rằng năm 2020 đại dịch COVID-19 đã đem đến những tổn thất nặng nề cho ngành nghệ thuật biểu diễn Nhật Bản, một ngành vốn liên tục tăng trưởng trong suốt hai thập kỷ qua. Quy mô thị trường giảm gần 80% so với năm 2019, nhà hát, rạp chiếu phim,… gần như phải đóng cửa do thực hiện lệnh phòng chống dịch bệnh. Đời sống của những người hoạt động trong lĩnh vực này gặp rất nhiều khó khăn. Trong bối cảnh đó, các nhà sản xuất, kinh doanh và hoạt động trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật buộc phải tìm ra hướng đi mới cho sự tồn tại của ngành. Nhờ có sự phát triển của công nghệ, hình thức biểu diễn nghệ thuật trực tuyến được phát huy và đã thu được những thành quả nhất định. Có thể nói, từ một góc độ nào đó đại dịch COVID-19 lại là tác nhân tích cực thúc đẩy quá trình cạnh tranh, dẫn đến hợp nhất giữa ngành công nghiệp giải trí và viễn thông phát triển nhanh hơn, mạnh mẽ hơn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. PIA Research Institute (2020), 2020年のライブ・エンタテインメント市場は、対前年約8割減に。ぴあ総研が試算値を下方修正(2020.10.27配信)(Viện Nghiên cứu PIA (2020), Thị trường giải trí trực tiếp của Nhật Bản giảm 80% so với năm trước), https://corporate.pia.jp/news/detail_live_enta_20201027.html.
2. 日本経済新聞 (2020), 新型コロナ禍 文化の担う役割とは (Báo Kinh tế Nhật Bản (2020), Vai trò của văn hóa trong thời dịch bệnh Corona?), https://www.nikkei.com/article/DGX MZO58412300T20C20A4AA1P00/.
3. 文化芸術基本法 (Luật cơ bản về văn hóa nghệ thuật), https://www.bunka.go.jp/seisaku/ bunka_gyosei/shokan_horei/kihon/geijutsu_shinko/kihonho_kaisei.html.
4. ぴあ総研がオンラインライブ視聴に関する実態調査を実施:有料型オンラインライブ、5人に1人が視聴 (Viện Nghiên cứu PIA thực hiện điều tra thực trạng về việc nghe nhìn online: Cứ 5 người có 1 người nghe nhìn trực tuyến có trả phí), https://corporate.pia.jp/news/ detail_live_enta_20210215.html.
[1] TS., Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
[2] Tiếng Nhật là ライブ・エンタメ (live-entertainment).
[3] Tiếng Nhật làオンラインライブ視聴.
[4] Tiếng Nhật là 3 密 (密閉(みっぺい)・密集(みっしゅう)・密接(みっせつ)).
[5] 新型コロナウイルス感染症対策の基本的対処方針 (Chính sách ứng phó cơ bản đối với các biện pháp chống lại các bệnh truyền nhiễm do coronavirus mới).
[6] 武井保之(2020).2021年は「新たなライブエンタメ」元年へ 疲弊する業界で進む「明るい変革」とは (Takeita Motsuno (2020), Năm 2021 là năm đầu tiên “thay đổi tươi sáng” của ngành công nghiệp giải trí trực tiếp vốn đang rệu rã, https://news.yahoo.co.jp/byline/ takeiyasuyuki/20201224-00214065/.
[7] Một nhóm nhạc nam gồm bảy thành viên, ra mắt vào năm 2012.
[8] Nhóm nhạc pop, gồm 14 thành viên nam.
[9] Nhóm được thành lập thông qua các cuộc thi âm nhạc, gồm năm thành viên nam và ba thành viên nữ.
[10] Còn được gọi bằng chữ viết tắt Sazan và SAS, một ban nhạc rock Nhật Bản được thành lập vào năm 1974. Ban nhạc bao gồm Keisuke Kuwata, Yuko Hara, Kazuyuki Sekiguchi, Hiroshi Matsuda và Hideyuki "Kegani" Nozawa.
[11] Nogizaka 46 là một nhóm nhạc nữ Nhật Bản do Akimoto Yasushi quản lý.
[12] Takeita Motsuno (2020), Năm 2021 là năm đầu tiên “thay đổi tươi sáng” của ngành công nghiệp giải trí trực tiếp vốn đang rệu rã, Tlđd.
[13] 新型 コロナウイルスのために、仕事 が休 になったり、仕事 がなくなったりし て、生活費 (生活 するためのお金 )に困 っているみなさま (Hỗ trợ tiền sinh hoạt cho những người mất việc, nghỉ việc do COVID-19), https://www.mhlw.go.jp/content/000621849. pdf.
[14] 京都市文化芸術活動緊急奨励金 (Quỹ Hỗ trợ khẩn cấp cho hoạt động nghệ thuật văn hóa thành phố Kyoto).
[15] 文化芸術基本法 (Luật cơ bản về văn hóa nghệ thuật), https://www.bunka.go.jp/seisaku/bunka_gyosei/shokan_horei/kihon/geijutsu_shinko/kihonho_kaisei.html.
[16] Netflix Inc. là dịch vụ truyền dữ liệu video theo yêu cầu trên toàn cầu và cho thuê DVD trả phí tại Hoa Kỳ, nơi DVD và đĩa blu-ray được gửi thông qua thư điện tử bởi Permit Reply Mail. Công ty thành lập vào năm 1997 và có trụ sở tại Los Gatos, California. Công ty bắt đầu dịch vụ đăng ký trả phí từ năm 1999.
[17] Diễn viên, ca sĩ kiêm sáng tác nhạc được yêu thích ở Nhật Bản.
[18] Địa điểm tổ chức biểu diễn nghệ thuật tại Tokyo.
[19] Nogizaka46 (乃 木 坂 46, Nogizaka Forty-six) là được coi là “đối thủ chính thức" của nhóm AKB48. Bao gồm các nhóm nhạc nữ Sakurazaka46 (hay còn gọi là Keyakizaka46), Yoshimotozaka46 và Hinatazaka46 đều do Akimoto Yasushi quản lý.