Trang chủ

NHỮNG CÂY BÚT KIỆT XUẤT TRONG VĂN HỌC NHẬT BẢN HIỆN ĐẠI

Đăng ngày: 17-02-2012, 16:32 | Danh mục: Giới thiệu sách

Tác giả: Nguyễn Tuấn Khanh Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 2011, 473tr. Văn học Nhật Bản hiện đại nói chung được các học giả người Nhật chia thành 2 giai đoạn là trước chiến tranh và sau chiến tranh, hoặc 3 giai đoạn là thời Duy tân Minh trị, Taisho và Showa. Một số học giả khác quan niệm về tính hiện đại có phần cởi mở hơn. Bên cạnh những nhà văn Nhật Bản kiệt xuất trong giai đoạn từ năm 1868 đến 1989, các học giả này cho rằng không thể không đề cập đến một số cây bút xuất sắc thuộc lớp sau, coi họ là những tiếng nói độc đáo, hấp dẫn nhất của văn học Nhật Bản hiện đại, là một dạng thức mới mẻ của nền văn xuôi cuối thế kỷ XX và đầu XXI.
Trong khuôn khổ của cuốn sách này, tác giả đã giới thiệu một cách khái quát về cuộc đời, sự nghiệp, những tác phẩm nổi tiếng và đóng góp của 9 cây bút kiệt xuất trong nền văn học Nhật Bản hiện đại, đó là: Mori Ogai, là nhà văn lớn đầu tiên đã trực tiếp thể nghiệm cuộc sống, tư duy và tình cảm Châu Âu. Ông nghiên cứu sâu rộng văn học, triết học Châu Âu và viết phê bình văn học. Ông có công đưa vào văn học Nhật Bản tiểu thuyết cỡ vừa và thể loại tự truyện rất phát triển trong văn học Nhật Bản - tiểu thuyết lịch sử. Khuynh hướng đấu tranh cho tự do cá nhân, chống gông cùm phong kiến cũng được thể hiện sắc nét trong các tác phẩm của ông. Natsume Soseki học văn học và ngôn ngữ ở Anh. Ông hiểu biết rộng văn hóa phương Tây, đồng thời tinh thông thiền học và văn hóa cổ điển Trung Hoa. Trong nhiều tác phẩm, ông thường phân tích cái tôi, nói lên nỗi cô đơn của người trí thức trong một xã hội tư sản mang nhiều tàn tích phong kiến, sự bế tắc của các nhân và tư tưởng hoài nghi. Tanizaki Junichiro được coi là cây bút xuất sắc viết về những xung đột nội tâm giữa Đông và Tây. Ngòi bút ông mang nặng sắc thái duy mỹ mà không bận tâm đến cái đạo lý đi cùng cái đẹp. Tiểu thuyết của ông được đánh dấu bởi tình dục bệnh hoạn và chủ nghĩa duy mỹ rất Tây hóa. Akutagawa Ryunosuke là nhân vật nổi bật nhất trong 15 năm thời đại Taisho. Tuy thấm nhuần văn hóa phương Tây, nhưng ông lại thường lấy đề tài rất đa dạng trong văn học cổ Nhật Bản và Trung Hoa.Tác phẩm của ông trở về gốc truyện truyền thống nhưng cách phân tích tâm lý nhân vật thì hiện đại, miêu tả khách quan chứ không đi sâu vào cái tôi, pha trộn hiện thực và huyền ảo, văn chương hóa mỹ nhưng súc tích. Chủ đề chính trong toàn bộ sáng tác của ông là bộ mặt đạo đức của con người. Kawabata Yasunari là nhà lý luận hàng đầu của trường phái Tân Cảm giác, mặc dù ông thường được xem là một mẫu mực về truyền thống Nhật Bản thanh khiết. Ông là người Nhật đầu tiên giành được giải thưởng Nobel Văn học vào năm 1968. Các tác phẩm của ông bộc lộ rõ nét truyền thống Nhật Bản, tôn vinh vẻ đẹp hư ảo trong đời sống thiên nhiên và trong định mệnh con người. Mishima Yukio trở thành nhà văn duy mỹ danh tiếng, giàu có, hiểu biết uyên bác cả văn hóa phương Đông lẫn phương Tây. Ông thường miêu tả những tâm trạng bệnh hoạn, thế hệ thanh niên hậu chiến hoang mang trước hiện tại, ít gắn bó với dĩ vãng. Sáng tác của ông phản ánh cuộc xung đột giữa ảnh hưởng phương Tây và các giá trị truyền thống. Noma Hiroshi nổi tiếng không chỉ là một tiểu thuyết gia, một cây bút viết tiểu luận xuất sắc, mà còn là một môn đồ của chủ nghĩa Marx, một con người thấm nhuần tư tưởng từ bi bác ái của Phật giáo. Ông không chỉ là một cây bút có phong cách riêng mà còn là người phát ngôn đầy uy tín đối với thế hệ bất hạnh của giới trí thức Nhật Bản. Kenzaburo Oe là nhà văn Nhật Bản thứ 2 được nhận giải thưởng Nobel Văn học cao quý. Mặc dù tiếp thu nhuần nhuyễn các di sản văn hóa và trí tuệ của thế giới phương Tây, các tác phẩm của ông vẫn xem xét một cách kỹ lưỡng những mối quan hệ sống còn giữa các nhân với thể chế chính trị xã hội bằng một văn phong thấm nhuần sức mạnh tưởng tượng của truyền thống dân gian với chủ nghĩa hiện thực dị nghịch. Haruki Murakami được coi là một trong những tiếng nói đọc đáo và hấp dẫn nhất không chỉ của Nhật Bản mà của văn học thế giới, là một dạng thức mới mẻ của nền văn xuôi thế kỷ XXI. Sự trăn trở về thân phận con người, hành trình đi tìm ý nghĩa đích thực của cuộc sống, nỗi băn khoăn trước hiện thực nổi chìm của xã hội thời hậu công nghiệp luôn là những dấu ấn đậm nét trong tác phẩm của ông. Như vậy có thể thấy, thông qua 473 trang sách, tác giả đã cung cấp cho bạn đọc những hiểu biết khái quát và rõ nét nhất về 9 cây bút kiệt xuất trong văn học Nhật Bản hiện đại. Họ đã có những đóng góp to lớn cho nền văn học của Nhật Bản cũng như thế giới. Với nội dung trên, cuốn sách đã thực sự thu hút được nhiều đối tượng bạn đọc và là tài liệu vô cùng bổ ích khi nghiên cứu về vấn đề này. Thực hiện: Hà Hậu, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á Đăng WEBSITE Nghiên cứu Nhật Bản ngày: 26-7-2011.

0thảo luận