Trần Ngọc Nhật1
Tóm tắt:Trước thực trạng nền kinh tế trì trệ, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng qua từng năm, đầu tư tư nhân giảm, nợ đọng kéo dài, nhằm ngăn chặn sự suy yếu của nền kinh tế và thúc đẩy các lĩnh vực ngành nghề mới, Chính phủ Nhật Bản đã tập trung hỗ trợ toàn diện các ngành kinh doanh cạnh tranh mới trong bối cảnh toàn cầu hóa, đặc biệt là chương trình cụm liên kết ngành. Các cụm liên kết ngành ở Nhật Bản chủ yếu tập trung vào các hoạt động sáng tạo đổi mới, như là các nghiên cứu, phát triển, hình thành lĩnh vực kinh doanh mới trong ngành công nghiệp. Hiện nay, Nhật Bản đang ở giai đoạn thứ ba – giai đoạn phát triển bền vững của dự án cụm liên kết ngành (từ 2011-2020) với những khái niệm, chính sách phát triển cụ thể của từng khu vực.
Từ khóa: Cụm liên kết ngành,ngành công nghiệp, chính sách, Nhật Bản
1. Phát triển cụm liên kết ngành ở Nhật Bản trong giai đoạn tự phát triển bền vững[1]
Cụm liên kết ngành là sự tập trung về vị trí địa lý của các ngành công nghiệp nhằm tận dụng các cơ hội qua liên kết địa lý. Các doanh nghiệp trong khu, cụm sẽ chia sẻ các yêu cầu và các mối quan hệ bên trong với nhà cung cấp và khách hàng. Các mối quan hệ bên trong doanh nghiệp đòi hỏi các dịch vụ bổ sung từ các nhà tư vấn, đào tạo và huấn luyện, các tổ chức tài chính, các doanh nghiệp chủ chốt. Cụm liên kết ngành tạo ra lực lượng lao động, hàng hóa xuất khẩu và dịch vụ chất lượng cao, kết nối quan hệ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các trường đại học, viện nghiên cứu, các quỹ hỗ trợ và các bên hữu quan.
Trong giai đoạn tự phát triển bền vững, Nhật Bản đã ban hành nhiều chương trình phát triển cụm liên kết ngành. Đây là hoạt động quan trọng của Chính phủ Nhật Bản nhằm tạo mạng lưới vững chắc để hình thành cụm công nghiệp trong các khu vực, với mục tiêu nhằm phát triển các ngành kinh doanh mới, tăng trưởng lĩnh vực liên doanh liên kết với các trường đại học. Các tổ chức, hiệp hội về chính sách hội tụ ngành được hình thành, đặt nền móng cho chính phủ hướng dẫn, thực thi các chiến lược về cụm ngành. Đặc biệt, mục tiêu tạo ra đổi mới bằng việc cắt giảm các chi phí giao dịch giữa các liên doanh thông qua cải cách thể chế.
Hoạt động triển khai chương trình phát triển cụm liên kết ngành của Nhật Bản bắt đầu chậm hơn một số quốc gia khác và có đặc điểm riêng. Ban đầu, một trong những hướng đi chính của chính phủ là các chính sách tập trung phát triển khu vực, trong khi quá trình tạo ra hệ thống tương tác giữa các khu vực tư nhân-nghiên cứu-cơ quan chính phủ vẫn chưa được phát triển đầy đủ, hoàn toàn. Bên cạnh đó, vẫn tồn tại một số rào cản về thể chế, như thiếu hụt khung cơ sở pháp lý.
Đến năm 2013, Nhật Bản thông qua Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ, và đổi mới với tầm nhìn dài hạn về một xã hội kinh tế lý tưởng. Chính phủ xây dựng một số chương trình hỗ trợ các hoạt động phát triển đổi mới.Nhật Bản được biết đến là một quốc gia ủng hộ rộng rãi các công ty mạo hiểm với một số chương trình hỗ trợ liên doanh tại Nhật Bản, luôn hỗ trợ kịp thời, cần thiết cho các doanh nghiệp mới (bảng 1).
Bảng 1: Chương trình hỗ trợ khởi sự kinh doanh tại Nhật Bản
I. Các chương trình trợ cấp |
II. Ưu đãi đầu tư và biện pháp thuế |
III. Chương trình cho vay |
IV. Tư vấn quản lý |
1. Trợ cấp khởi nghiệp: chương trình trợ cấp một phần kinh phí cần thiết cho các doanh nhân trẻ để bắt đầu khởi nghiệp tại địa phương dựa các doanh nghiệp gia đình. |
1. Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp: gồm các quỹ đầu tư mạo hiểm tư nhân và một số quỹ khác do Cục hỗ trợSMEs (các doanh nghiệp nhỏ và vừa) của Nhật Bản đầu tư hỗ trợ các doanh nghiệp mạo hiểm từ 5 năm tuổi trở xuống. |
1. Quỹ hỗ trợ tăng cường năng lực của các doanh nghiệp vừa và nhỏ: cung cấp các khoản vay lãi suất thấp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhận hỗ trợ từ các tổ chức hỗ trợ uy tín. |
1. Chương trình hỗ trợ chuyên nghiệp cho doanh nghiệp mới khởi nghiệp: các chuyên gia, các nhà tư bản hàng đầu, luật sư, kế toán hỗ trợ các doanh nghiệp mạo hiểm với tiềm năng phát triển mạnh. |
2. Chương trình trợ cấp tái sinh các doanh nghiệp nhỏ: hỗ trợ phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới và mở rộng kênh phân phối của các doanh nghiệp nhỏ. |
2. Ưu đãi thuế hỗ trợ khởi nghiệp (Angel Tax Incentives): chương trình ưu đãi thuế đối với các nhà đầu tư đầu tư vào các công ty trẻ. |
2. Chương trình cho vay khởi nghiệp: cung cấp các khoản vay không có bảo đảm, và không an toàn cho những người đang lập kế hoạch khởi nghiệp ở giai đoạn 2. |
2. Hỗ trợ sáng tạo kinh doanh: chương trình xây dựng cổng thông tin kết nối SMEs và những người nhận được hỗ trợ. |
|
3. Các hoạt động đầu tư của quỹ Innovation Network Cooporation Nhật Bản: Innovation Network Cooporation đầu tư vào các doanh nghiệp mạo hiểm và các dự án để thương mại hóa các công nghệ tiên tiến |
3. Bảo lãnh khởi nghiệp: chương trình do các tổ chức tài chính tư nhân đảm bảo khoản vay lên đến 25 triệu Yên cho những người muốn khởi nghiệp và các doanh nghiệp trẻ dưới 5 năm tuổi. |
3. Các tổ chức hỗ trợ chứng nhận: cung cấp các dịch vụ hỗ trợ dựa trên Đạo luật hỗ trợ tăng cường năng lực kinh doanh SMEs. |
|
|
4. Quỹ quasicapital: chương trình cung cấp quỹ dài hạn cho các khoản mua trọn gói để phát triển kinh doanh. |
|
Nguồn:Natallia Victorovna Kuznetsova và Alexandrovna Vorobeva (2016),Clustering as Modern Concept of Regional Development- Expericence of Japan.
1.1. Mục tiêu của dựán cụm liên kết ngành
Thực tiễn các nước cho thấy rằng, các cụm liên kết ngành với quy mô đầy đủ sẽ liên tục tạo ra được các hoạt động đổi mới sáng tạo nhưng chỉ có thể hình thành sau một quá trình dài nỗ lực của cả nền kinh tế. Về cơ bản, để thực hiện dự án cụm liên kết ngành, các biện pháp, chính sách đều được soạn thảo với tầm nhìn thực thi trong thời gian dài hạn – nhiều thập kỷ. Mục tiêu cuối cùng của dự án là hình thành được các cụm liên kết ngành với các đặc điểm sau:
(1) Phản ứng đổi mới dây chuyền.
Để xây dựng cụm liên kết ngành, gồm một mạng lưới rất rộng lớn các ban ngành, tổ chức tham gia: các công ty, trường học, học viện giáo dục và nghiên cứu, các tổ chức hỗ trợ công nghiệp và nhiều cơ quan chính phủ, như các cơ quan địa phương, văn phòng khu vực cùng họp bàn, đề xuất, ý kiến và đưa ra các chiến lược, các viễn cảnh, chính sách cho từng ngành công nghiệp địa phương. Thông qua đó, tất cả các bên liên quan sẽ cùng hiểu rõ vấn đề đang gặp phải tại khu vực địa phương mình.Đồng thời, các nhóm công ty, học viện, tổ chức, các ban ngành cũng thường xuyên tổ chức họp, trao đổi trực tiếp, hình thành “Mạng lưới nhân lực minh bạch” (transparent human networks), một mạng lưới nhân lực gồm những người có trách nhiệm, quan hệ thân thiết, tin tưởng lẫn nhau. Mạng lưới là một công cụ giao tiếp để mọi người trao đổi thông tin và hợp tác vì dự án. Mỗi mạng lưới là một yếu tố nòng cốt, tập hợp thành một mạng lưới lớn hơn, sau đó phát triển thành một cụm liên kết ngành[2].
Trong liên kết ngành, các vấn đề về nền tảng, kiến thức, nguồn lực của các nhóm tham gia, như công nghệ, bí quyết, chuyên môn, thông tin sẽ được chia sẻ tự do và miễn phí. Khi thiết lập mối quan hệ hợp tác với các nhóm công nghiệp ngoài ngành thì nguồn lực mới, các chuỗi giá trị sẽ được thông tin đến các bên, tạo nên một hiệu ứng đồng nhất, đẩy nhanh quá trình đổi mới, đột phá.Hoạt động của cụm liên kết ngành của một khu vực sẽ đánh thức làn sóng đổi mới, lan tỏa đến khu vực khác và kích thích các cụm công nghiệp tại địa phương đó, tạo ra các làn sóng đổi mới lớn hơn, mạnh mẽ hơn, lan tỏa từ khắp nước Nhật Bảnrồi đến toàn thế giới. Đó cũng là một trong các mục tiêu của dự án hội tụ ngành.
(2) Tối ưu hóa các ngành công nghiệp và đẩy mạnh trách nhiệm vì môi trường.
Sự phát triển của các cụm liên kết ngành và các hoạt động đổi mới sáng tạo sẽ phá bỏ những tích tụ, trì trệ trong các ngành công nghiệp hiện nay, kích thích lưu thông nguồn vốn, công nghệ và các nguồn lực. Về vấn đề quản lý doanh nghiệp, các công ty vừa có thể tập trung vào đào tạo, phát triển được nguồn lực cốt lõi của công ty, vừa có thể thuê ngoài từ các bên khác và tổ chức lại những sự phân bổ không hiệu quả. Quá trình tái cơ cấu bên cạnh những nỗ lực sẽ giúp công ty có thể sắp xếp hợp lý các hoạt động tổ chức quản lý, tăng tính hiệu quả, có thể liên kết hoặc giải thể các quan hệ bán thể chế (quasi-organization relations) với các công ty khác.
Các hoạt động đổi mới, phát triển diễn ra liên tục trong các tổ chức công nghiệp góp phần tối ưu hóa hệ thống công nghiệp trong toàn khu vực, giúp các nguồn lực căn bản trở nên mạnh hơn, nhanh chóng thích ứng, phù hợp với các thay đổi về điều kiện kinh doanh, nâng cao khả năng cạnh tranh của nền công nghiệp địa phương trên trường quốc tế. Các hoạt động này diễn ra toàn nước Nhật Bản, tối ưu hóa toàn bộ nền công nghiệp và thúc đẩy các doanh nghiệp quan tâm hơn đến vấn đề thay đổi môi trường.
(3) Xây dựng thương hiệu, thúc đẩy quá trình hình thành và tăng tính cạnh tranh của các ngành công nghiệp quốc tế.
“Mạng lưới nhân lực minh bạch”sẽ xúc tác tạo ra lực hướng tâm lớn hơn trong địa phương, thu hút các nhóm công ty, trong một ngành công nghiệp nhất định liên kết với nhau, cùng với các trường đại học, các viện nghiên cứu, các chuyên gia và các bên tham gia khác, tăng tính tương tác.Khi các hoạt động hợp tác trong khu vực, giữa giới khoa học – doanh nghiệp – các cơ quan nhà nước, giữa các công ty với nhau, giữa các ngành công nghiệp khác nhau được biết đến rộng rãi hơn qua các phương tiện truyền thông, hoặc khi các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ có được uy tín, danh tiếng nhất định, được đưa tin trong và ngoài nước thì cụm ngành công nghiệp đó sẽ được biết đến nhiều hơn, ngay lập tức được công nhận trong và ngoài nước Nhật Bản, địa phương đó sẽ được xem như là một nhãn hiệu mang tính quốc tế.Khi địa phương đó nổi tiếng, các công ty sẽ nhận được các yêu cầu đơn hàng về sản phẩm, dịch vụ từ các khách hàng tương lai trong và ngoài nước nhiều hơn. Khi các khách hàng tiềm năng hiểu được sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao, các giao dịch kinh doanh ít rủi ro thì các doanh nghiệp và địa phương cũng sẽ đạt được nhiều cơ hội thương mại hơn, xác suất giao dịch thương mại thành công cao hơn. Thêm vào đó, địa phương có thể thu hút nhiều doanh nghiệp, các nguồn nhân lực hơn nữa.
Một khi tên tuổi của địa phương được xem như là một thương hiệu quốc tế, thì cụm liên kết ngành tại địa phương đó sẽ tạo ra được lực hướng tâm, thu hút được ngày càng nhiều doanh nghiệp, nguồn nhân lực và sự đầu tư từ khắp thế giới, gia tăng sự quy tụ của các nguồn lực quốc tế và chất lượng các nguồn lực. Khi các cụm liên kết ngành như vậy được hình thành trên khắp cả nước, Nhật Bản sẽ trở thành trung tâm toàn cầu về đổi mới, công nghệ đột phá. Đây cũng là mục đích thứ ba của dự án hội tụ ngành.
1.2. Các ưu tiên hàng đầu
1.2.1. Ưu tiên các ngành công nghiệp hàng đầu.
Các chính sách được tiến hành đồng bộ và tập trung. Phong cách quản lý được chuyển đổi và các chính sách được đảm nhiệm bởi những chuyên gia, quản lý trong ngành. Theo đó, các ngành quan trọng được ưu tiên hàng đầu. Các ngành công nghiệp ưu tiên hàng đầu là các ngành tạo ra tác động lan tỏa tích cực đáng kể cho các ngành khác trong nền kinh tế cũ cũng như những ngành thân thiện với môi trường. Trong trường hợp cần đưa một ngành có nguy cơ ô nhiễm vào danh mục ưu tiên thì phải đảm bảo cơ chế giám sát và điều tiết để đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về môi trường, tránh những chi phí to lớn về môi trường và xã hội trong tương lai. Nếu không, việc can thiệp của chính phủ không giúp sửa chữa thất bại thị trường trong khi tạo ra gánh nặng và sự biến dạng trong nền kinh tế. Đặc biệt, các cơ quan địa phương, các tổ chức thực thi chính sách công nghiệp của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp (METI) cần phải hành động ngay, sớm nhất có thể.
Khi các nhân viên của các cơ quan địa phương, các tổ chức cần liên hệ với các trường học, các công ty hoặc các đơn vị khác để thu thập thông tin về tình hình thực tế của ngành công nghiệp, nhu cầu đối với chính sách, đánh giá chính sách, thì các thông tin dữ liệu thu được sẽ có giá trị cao hơn. Các sáng kiến của các cơ quan địa phương cũng được đánh giá cao trong quá trình thiết kế, lập kế hoạch và thực thi các chính sách liên kết ngành[3]. Do đó, khi các chính sách ngành được thông qua, được sửa đổi hay bãi bỏ, các đánh giá của các cơ quan địa phương sẽ được ưu tiên hàng đầu khi nhóm chính sách công nghiệp và kinh tế khu vực hoạch định, phát triển khung chính sách và các gói thầu dự án.
1.2.2. Hướng dẫn sử dụng các biện pháp, chính sách.
Chính sách cụm liên kết ngành có thể là các cam kết của chính phủ, bao gồm một loạt các can thiệp cụ thể trong chính sách của chính phủ nhằm mục đích đẩy mạnh các nhóm cụm liên kết ngành hiện có và/hoặc tạo thuận lợi cho các chính sách mới sắp ra đời. Đây được xem như là khung chính sách cơ bản nhất, tạo tiền đề cho các hạt nhân tham gia trong cụm liên kết ngành và thu hút các sáng kiến liên kết cụm mới[4].Các chính sách cụm liên kết ngành không chỉ hỗ trợ các hoạt động liên kết mạng lưới, thiết lập các tổ chức mạng lưới quản lý và cung cấp hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ mà còn được lên kế hoạch chiến lược chuyên môn cụ thể, gắn kết có tính hệ thống với các chính sách khuôn khổ khác rộng lớn hơn khuôn khổ chính sách ngành, ban, khu vực địa lý.Trên thực tế, các dự án liên kết ngành về cơ bản được thực thi nhằm đảm bảo xây dựng hệ thống mạng lưới nòng cốt. Khi cần sử dụng các công cụ khác hỗ trợ hoạt động nghiên cứu phát triển, hiệp hội công ty, đẩy mạnh kênh quảng cáo, các doanh nghiệp, phát triển nguồn nhân lực hay các đối tác khác, bộ, ban, ngành, cơ quan, các tổ chức sẽ áp dụng các công cụ chính sách, biện pháp theo chiến lược. Đặc biệt, các công cụ chính sách của METI được các cơ quan địa phương thực hiện chặt chẽ, các đơn vị tham gia chịu trách nhiệm hoạt động liên kết ngành nên nắm vai trò chủ đạo trong việc áp dụng các biện pháp, chính sách phù hợp với tầm nhìn xây dựng cụm liên kết ngành. Các cơ quan địa phương cũng chủ động trong việc tự xây dựng các tổ chức địa phương hoạt động độc lập trong công cuộc phối hợp hình thành cụm liên kết ngành.
1.3. Các hoạt động chính trong chính sách cụm liên kết ngành
1.3.1. Thiết lập mạng lưới chính phủ - học viện -công nghệ tại các vùng miền.
Tính đến cuối năm 2005, “Mạng lưới nhân lực minh bạch” đã kết nối hơn 9.800 doanh nghiệp vừa và nhỏ trên toàn quốc, hợp tác với hơn 290 trường đại học, bao gồm cả các trường kỹ thuật.Chính phủ đã thành lập một tổ chức với mục tiêu khuyến khích, thúc đẩy hình thành các cụm ngành, xây dựng mạng lưới liên kết với các tổ chức liên quan, phối hợp cùng các doanh nghiệp và các trường đại học tham gia. Các hoạt động tuyên truyền, đào tạo, giao lưu hợp tác giữa doanh nghiệp và trường đại học thường xuyên được tổ chức và được đánh giá cao. Thông tin, sách báo điện tử được phổ cập rộng rãi. Hệ thống thông tin dữ liệu về doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu, các tổ chức hỗ trợ ra đời.
1.3.2. Đẩy mạnh phát triển công nghệ sử dụng nguồn lực địa phương.
Doanh nghiệp và các trường đại học trong vùng phối hợp triển khai các dự án phát triển công nghệ (các dự án nghiên cứu và phát triển khu vực). Tính đến giữa giai đoạn 2, đã có hơn 300 dự án trong tổng số 1.130 dự án thành công khi đưa vào thực tiễn.Một ví dụ trong những nghiên cứu ứng dụng thực tiễn thành công lớn là việc sản xuất được bánh răng có độ chính xác cao, đột phá hiệu quả về tăng – giảm tốc. Đây là sản phẩm sáng tạo dựa trên công nghệ của nhà sản xuất và hoạt động nghiên cứu liên kết ngành.
1.3.3. Thúc đẩy sự sáng tạo và phát triển của các công ty liên doanh, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ thành lập, bao gồm cả về xây dựng cơ sở hạ tầng.
Nhật Bản đã hoàn thành mục tiêu thiết lập các văn phòng khu vực tại khắp các địa phương, xây dựng mạng lưới liên kết cùng các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp vừa và nhỏ, trường học, viện nghiên cứu, cùng triển khai tổng cộng 19 dự án trên toàn nước Nhật Bản. Có hơn 300 hạ tầng cơ sở được xây dựng sẵn trên toàn nước, bao gồm cả các cơ sở được tài trợ bởi Tổ chức Đổi mới khu vực và các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMRJ) và 400 chuyên gia quản lý sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp[5]. Dựa trên các mạng lưới đã xây dựng được, chính phủ khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào liên kết ngành mở rộng thêm các công ty mới, hỗ trợ các doanh nghiệp muốn liên kết, liên doanh với các nguồn tài nguyên trí tuệ từ phía các trường đại học và các tổ chức khác. Một công ty mới bắt đầu kinh doanh sẽ được các doanh nghiệp khác, các trường đại học, các cơ quan chính phủ hỗ trợ tài trợ dự án nghiên cứu phát triển của riêng mình.
1.3.4. Hỗ trợ phát triển các kênh thị trường mới thông qua hợp tác cùng các công ty thương mại.
Tổ chức Xúc tiến Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) xúc tiến các hoạt động mở rộng thị trường nước ngoài và các giao dịch quốc tế qua các sự kiện kết nối kinh doanh, triển lãm sản phẩm, thiết lập hệ thống đại diện thương mại, phối hợp tổ chức các hoạt động marketing, quảng cáo. Trong các dự án được khảo sát, dự án về những sáng tạo trong sản xuất của công nghệ sinh học tại Tokai vẫn giữ liên lạc với các đối tác của họ - phía Bắc Carolina, Hoa Kỳ. Ngoài ra, chiến lược phát triển siêu cụm ngành ở Hokkaido – do các cơ quan chính phủ và các doanh nghiệp tư nhân, bao gồm cả các công ty IT, đã được gửi đến Thẩm Dương, Trung Quốc, một vài công ty đã nhận được yêu cầu liên kết hợp tác.
1.3.5. Hoạt động hợp tác cùng các tổ chức tài chính.
Tổ chức các hội nghị tài chính hỗ trợ cụm liên kết ngành, liên kết với các tổ chức tài chính: Cơ quan dịch vụ tài chính FSA đã lập một kế hoạch hành động nhằm tăng cường chức năng các mối quan hệ ngân hàng khối hiệp hội tài chính nhằm hỗ trợ cụm liên kết ngành được tổ chức ở 11 khối trong nước Nhật Bảnvới 447 thành viên tổ chức tài chính tham gia và 69 cuộc hội thảo được tổ chức. Trong đó, 160 tổ chức tài chính đã tham gia thành lập “Hệ thống cầu nối các khoản tài trợ liên quan đến kế hoạch cụm công nghiệp”. Các khối hiệp hội liên tục tổ chức các buổi tuyên truyền hướng dẫn kế hoạch kinh doanh, giải thích các chính sách, biện pháp của cụm liên kết ngành, tổ chức các buổi tham quan các tổ chức nghiên cứu, các phòng thí nghiệm cộng đồng. Với sự trợ giúp của khối hiệp hội, nhiều tổ chức quỹ đã ra đời nhằm hỗ trợ quan hệ đối tác giữa các trường học - doanh nghiệp – cơ quan chính phủ, hỗ trợ cả dự án liên kết ngành và phát triển các doanh nghiệp mới.
1.3.6. Các hoạt động hỗ trợ khác.
Chương trình “Vườn ươm khởi nghiệp” đã đào tạo và trau dồi kỹ năng với các phương pháp toàn diện và liên tục. Tổ chức chương trình đào tạo nuôi dưỡng nguồn nhân lực cốt lõi trong hoạt động liên kết công nghệ - học viện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhằm đáp ứng nguồn nhân lực cho nhu cầu liên kết phối hợp ba bên học viện -công nghệ - doanh nghiệp; chương trình bồi dưỡng nhân lực cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của các trường kỹ thuật thực hành.Hơn 400 nhà quản lý tham gia hỗ trợ các doanh nghiệp. Trong số đó, có hơn 100 doanh nghiệp được đánh giá là đặc biệt quan trọng trong dự án phát triển cụm liên kết ngành[6].
2.Đánh giá chính sách phát triển cụm liên kết ngành ở Nhật Bản
2.1. Một số nghiên cứu về vai trò, tác động của các tổ chức tài chính đối với chính sách phát triển cụm liên kết ngành
Nghiên cứu của Ter Wal (2013) cho thấy rằng các công ty nhỏ, như các công ty spin-off và start-up công nghệ cao, đóng vai trò quan trọng trong việc tạo dựng mạng lưới liên kết. Sau làn sóng sáp nhập đầu thế kỷ XXI, Nhật Bản phân chia thành 4 ngân hàng thành phố lớn: Tokyo - Mitsubishi - UFJ, Sumimoto- Mitsu, Mizuho và Resona. Các ngân hàng thành phố này đều có trụ sở nằm tại các đô thị trọng điểm, bên ngoài khu vực mục tiêu về cụm liên kết ngành. Hàng loạt các chi nhánh địa phương, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, đã bị phá sản sau các cuộc sáp nhập lớn. Điều này cho thấy các ngân hàng thành phố Nhật Bản không có động cơ mạnh để đầu tư vào việc xây dựng mối kết nối chặt chẽ với các công ty trẻ ở các khu vực xung quanh bằng việc đưa ra các lời khuyên tư vấn hay thu thập thông tin vô hình, không được kiểm chứng.
Trong khi đó, ngân hàng khu vực là các ngân hàng thương mại nhỏ hơn, các chi nhánhhoạt động trong cùng một quận. Mặc dù không có hạn chế pháp luật nào về khu vực hoạt độngnhưng ngân hàng khu vực vẫn tập trung hoạt động trong chỉ một tỉnh hoặc khu vực lân cận, có điều kiện thuận lợi để giữ vững mối liên hệ chặt chẽ với các công ty hợp tác nằm cùng khu vực.
Văn phòng cho vay tại các ngân hàng khu vực đều có địa chỉ liên lạc cá nhân của giám đốc và quản lý của các công ty nhỏ địa phương cũng như của nhà cung cấp, các khách hàng và thành viên của cộng đồng địa phương. Tất cả các ngân hàng khu vực đều là thành viên của Hội đồng Tài chính hỗ trợ cụm liên kết ngành (Industrial Cluster Support Finance Council). Trong một số cụm ngành, lãnh đạo của các ngân hàng khu vực hàng tháng sẽ họp hội nghị bàn về vấn đề hỗ trợ tài chính cho cụm liên kết ngành trong cùng một khu vực. Một số ngân hàng khu vực còn cung cấp khoản vay hỗ trợ cụm liên kết ngành cho các doanh nghiệp theo chính sách trợ cấp cụm ngành.Nhóm cuối cùng – các tổ chức hỗ trợ tài chính địa phương khác, bao gồm liên ngân hàng (sougo ginko), tổ chức tín dụng (shinyo kinko); hiệp hội tín dụng (shinyo kuminai), các hợp tác xã nông nghiệp/thủy sản (nokyo/gyokyo) – là các ngân hàng địa phương cỡ nhỏ, không được tham gia vào các hoạt động tài chính rủi ro cao mà tập trung vào lưu giữ tiền gửi và các khoản vay cá nhân[7].
Một nghiên cứu của Inui và các cộng sự (2015) về ngân hàng ở Nhật Bản cho thấy rằng một doanh nghiệp bắt đầu xuất khẩu hàng hóa dịch vụ khi công ty vay mượn từ các ngân hàng liên kếtsẽ được nhiều hơn so với các công ty xuất khẩu khác. Nhiều doanh nghiệp tham gia vào cụm liên kết ngành là những công ty trẻ/nhỏ bị giới hạn hoạt động trong khu vực địa lý tương đối nhỏ thì các ngân hàng nên cung cấp các thông tin đặc biệt có giá trị để doanh nghiệp có thể tìm hiểu, tiếp cận được với nhiều cơ hội kinh doanh.
2.2. Một số nghiên cứu đánh giá về tác động của các chính sách
Các công cụ chính sách nhằm hình thành các mạng lưới liên kết không bị giới hạn về vấn đề tổ chức các cuộc hội thảo trao đổi, hội nghị, triển lãm, phân chia điều phối viên, phát triển các kênh bán hàng quốc tế với hỗ trợ từ JETRO, tạo điều kiện liên kết kinh doanh giữa các công ty khác ngành nhưng phù hợp với thể chế kinh tế.
Nhấn mạnh về tầm quan trọng của các mạng lưới liên kết chính là các chính sách công nghiệp gần đây của Nhật Bản. Những năm trước, Chính phủ Nhật Bản trực tiếp quyết định vị trí địa lý của các công ty theo các mục tiêu phát triển khu vực công nghiệp mới hoặcgiảm bớt tắc nghẽn giao thông trong trung tâm thành phố. Nghiên cứu của Okubo và Tomiura năm 2012 đánh giá tác động của các chính sách di chuyển công nghiệp trong những năm 1980, bao gồm cả khu vực khoa học công nghệ cao (Technopolis and Intelligent Location) và về vấn đề phân bổ năng suất tại Nhật Bản, cho thấy rằng các chính sách như vậy đã làm giảm năng suất của các công ty khi chuyển ra khỏi khu vực tắc nghẽn. Các dự án phát triển vùng đã thu hút được ngành công nghệ đặc biệt (với Technopolis: sản xuất công nghệ cao; với Intelligent Location: dịch vụ phần mềm và thông tin) cùng với đa dạng lĩnh vực trong mỗi cụm liên kết ngành (ví dụ: công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, các hoạt động xã hội định hướng tái chế)[8].
Vai trò của trợ cấp đã giảm đi đáng kể từ khi chính sách công nghiệp chuyển từ các biện pháp can thiệp trực tiếp sang gián tiếp tạo thuận lợi. Mặc dù gói chính sách về phát triển cụm liên kết ngành đã bao gồm cả trợ cấp trực tiếp cho nghiên cứu và triển khai (R&D), hiệp hội ngành công nghiệp-doanh nghiệp-học viện đã giới hạn trợ cấp công cho các dự án R&D chung. Nghiên cứu của Nishimura và Okamuro năm 2011 so sánh ảnh hưởng của trợ cấp trực tiếp với hỗ trợ điều phối gián tiếp đến hoạt động của các công ty, như bán hàng và lợi nhuận, nhận thấy rằng trong các khu vực cụm ngành của Nhật Bản, hỗ trợ gián tiếp đem lại hiệu quả cao hơn hỗ trợ trực tiếp.
Các cụm liên kết ngành ở Nhật Bản được triển khai, thiết kế theo các nhóm công ty địa phương. Trong những bước đầu phát triển, các quy định về địa lý với đường biên rõ ràng được nới lỏng. Không có yêu cầu tối thiểu hay tối đa nào về đặc điểm của một khu vực. Các công ty sẽ không tự động nhận được trợ cấp chỉ bằng việc nằm trong một khu vực cụm ngành. Điều này trái ngược hẳn với các chính sách phát triển khu vực về vấn đề định vị vị trí trong các giai đoạn trước. Chính phủ không chỉ hỗ trợ mạng lưới liên kết trong các cụm liên kết ngành, mà còn cả các công ty ngoài ngành nhằm thúc đẩy giao lưu trao đổi ý tưởng, tăng cơ hội giao thương.
2.3. Một số điểm nổi bật trong chính sách cụm liên kết ngành ở Nhật Bản
Qua phân tích chính sách cụm liên kết ngành ở Nhật Bản, có thể rút ra một số điểm nổi bật sau:
Thứ nhất, Nhật Bản chú trọng và khuyến khích việc xây dựng và thực thi các chính sách “từ dưới lên”, với sự tham gia của các công ty tư nhân và các bên liên quan tại địa phương. Sự tham gia của địa phương và doanh nghiệp giúp cân bằng và hài hòa lợi ích của địa phương với nguyện vọng của nhà nước, đồng thời, các chính sách sẽ phù hợp hơn với những đặc thù và định hướng phát triển của từng vùng.
Thứ hai, các chính sách cụm liên kết ngành của Nhật Bản chú trọng trong việc thúc đẩy hình thành những mạng lưới kết nối giữa doanh nghiệp, trường học và các tổ chức nghiên cứu, khuyến khích thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu và mở rộng phạm vi của những mạng lưới này.
Thứ ba, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một trong những chính sách then chốt nhằm duy trì khả năng cạnh tranh của cụm liên kết ngành. Nhật Bản luôn đảm bảo nguồn cung lao động có tay nghề trong dài hạn thông qua các chương trình thu hút sinh viên, xây dựng các chiến lược quốc gia về nâng cao năng lực quản lý, tổ chức các chương trình dạy nghề và đào tạo kỹ thuật, đào tạo và nghiên cứu cho các trường đại học, các trung tâm nghiên cứu.
Thứ tư, Nhật Bản triển khai và đảm bảo các chính sách kinh tế vĩ mô tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực thi chính sách cụm liên kết ngành và cho sự phát triển của các cụm liên kết ngành, đặc biệt là SMEs trong cụm. Ngoài ra các chính sách này cũng đảm bảo cụm liên kết ngành là công cụ thúc đẩy năng lực cạnh tranh, đổi mới và tăng trưởng.
Kết luận
Nhật Bản là một trong những nước có cấu trúc cụm liên kết ngành phát triển nhất với một cụm ngành cụ thể, đặc trưng. Các cụm liên kết ngành ở Nhật Bản chủ yếu tập trung vào các hoạt động sáng tạo đổi mới, như là các nghiên cứu, phát triển, hình thành lĩnh vực kinh doanh mới trong ngành công nghiệp. Hiện nay, Nhật Bản đang ở giai đoạn thứ ba – giai đoạn tự phát triển bền vững của dự án cụm liên kết ngành (từ 2011-2020) với những khái niệm, chính sách phát triển cụ thể của từng khu vực.
Từ kinh nghiệm phát triển cụm liên kết ngành ở Nhật Bản có thể thấy rằng, điều đầu tiên cần làm là phải có hướng đi, chính sách quy hoạch tốt. Trong khi chưa có một cụm liên kết ngành nào ở Việt Nam phát triển hoàn thiện, đúng nghĩa thì Nhà nước cần phải có những công cụ, biện pháp kích thích cụm liên kết ngành phát triển, như phát triển các cơ sở hạ tầng và các chương trình ưu đãi, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo lập các mạng lưới liên kết. Nhà nước cũng cần chú trọng nghiên cứu phát triển, liên kết các doanh nghiệp và trung tâm nghiên cứu để có thể tận dụng tốt các lợi thế cạnh tranh về vị trí địa lý, phát triển các nghiên cứu có ứng dụng thực tiễn cao trong công nghiệp.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] ThS., Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
[2]Toshihiro Kose,“Second Term Medium Second Term Medium-range Industrial Cluster Program”,Research Institute of Economy, Trade and Industry, https://www.rieti.go.jp/users/cluster-seminar/pdf/023_e.pdf.
[3]JETRO,“Incentive Programs”,https://www.jetro.go.jp/en/invest/support_programs/incentive/.
[4]Directorate-General for Internal Market, Industry, Entrepreneurship and SMEs (2016), Smart Guide to Cluster Policy, European Commission, May.
[5]Toshihiro Kose,“Second Term Medium Second Term Medium-range Industrial Cluster Program”,Tlđd.
[6]Toshihiro Kose,“Second Term Medium Second Term Medium -range Industrial Cluster Program”,Tlđd.
[7]Okubo Toshihiro and Okazaki Tetsuji, Tomiura Eiichi,“Industrial Cluster Policy and Transaction Networks: Evidence from firm-level data in Japan”,Research Institute of Economy, Trade and Industry, 2016, https://www.rieti.go.jp/jp/publication/dp/16e071.pdf
[8]Okubo Toshihiro and Okazaki Tetsuji, Tomiura Eiichi,Tlđd.