Huỳnh Tâm Sáng1, Phan Văn Tìm2
Tóm tắt: Bài viết phân tích khả năng nâng cấp “Bộ tứ” (The Quad) gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ thành một NATO phiên bản châu Á qua tìm hiểu nhận thức của từng quốc gia thành viên và quan điểm của Trung Quốc về kịch bản này. Trên cơ sở đó, các tác giả chỉ ra những giới hạn đối với khả năng hình thành một liên minh quân sự chính thức tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhằm đối trọng với Trung Quốc. Dự báo “Bộ tứ” có thể phát triển thành một khuôn khổ hợp tác quốc phòng đa phương kiểu mới, hỗ trợ các quốc gia kiềm chế Trung Quốc, thay vì trở thành một khuôn khổ hợp tác được thể chế hóa chặt chẽ và mang tính ràng buộc như NATO.
Từ khóa: Bộ tứ, NATO châu Á, Trung Quốc, hợp tác đa phương
1. Dẫn nhập
Sau gần một thập kỷ gián đoạn, “Bộ tứ” (The Quad), một cách gọi khác của “Đối thoại Tứ giác An ninh” (Quadrilateral Security Dialogue), hoặc “Bộ tứ Kim cương” đã[1]được[2]“hồi sinh”[3] qua cuộc gặp gỡ của các quan chức ngoại giao 4 nước gồm Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN 2017. Từ thời điểm đó, sự hội tụ về tầm nhìn của “Bộ tứ” từng bước được củng cố, trong đó, quan ngại về Trung Quốc là động lực cơ bản đằng sau sự hồi sinh và quyết tâm gắn kết hơn giữa các nước này[4].
Thách thức từ sức mạnh ngày một gia tăng và cách hành xử của Trung Quốc, nổi bật là trong các vấn đề mà Trung Quốc gọi là “lợi ích cốt lõi” (core interests) như ở Biển Đông, Hồng Kông và Đài Loan, đã tạo động lực cho bốn nền dân chủ lớn tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương xích lại gần nhau, tạo tiền đề cho một khuôn khổ hợp tác quốc phòng đa phương nhằm ứng phó và từng bước kiềm chế Trung Quốc. Với sự “hồi sinh” của “Bộ tứ” và thách thức từ Trung Quốc, các nhà phân tích và hoạch định chính sách đã có nhiều tranh luận xung quanh vấn đề này: liệu “Bộ tứ” có khả năng được cấu trúc để trở thành một Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của châu Á hay không? Bên cạnh đó, giới truyền thông Trung Quốc đã xem cuộc gặp gỡ của các thành viên “Bộ tứ” từ thời điểm năm 2017 và một số động thái hợp tác gắn bó hơn sau đó như những bước đi đầu tiên hướng đến sự hình thành của một “NATO châu Á”[5]. Các quan chức và chuyên gia quân sự Trung Quốc cũng công khai bàn về khả năng “Bộ tứ” phát triển thành “NATO châu Á”, chủ yếu từ góc độ phản đối sự hình thành của một liên minh đa phương trong khu vực nhằm kiềm chế ảnh hưởng ngày càng rộng lớn của cường quốc này[6].
2. Nhận thức của “Bộ tứ” về sự cần thiết của “NATO châu Á” và phản ứng của Trung Quốc
Ý tưởng về một “NATO châu Á” được đề cập trong những năm 1950, khi Ngoại trưởng Mỹ John Foster Dulles dưới thời Tổng thống Dwight D. Eisenhower (1953-1957) đã kêu gọi Mỹ xây dựng một liên minh quân sự ở Đông Nam Á để đối phó với Liên Xô và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa mới thành lập[7]. Tuy nhiên, một khuôn khổ liên minh đa phương ở châu Á dựa trên mô hình NATO đã không trở thành hiện thực, thay vào đó là một mạng lưới liên minh song phương với các đồng minh và đối tác qua mô hình “trục và nan hoa” (hub and spokes). Không giống các đồng minh châu Âu, các đối tác an ninh của Mỹ ở châu Á thường né tránh các thỏa thuận an ninh đa phương. Điều này được cho là do năng lực vật chất của các quốc gia châu Á nhìn chung còn yếu (vì vừa trải qua quá trình đấu tranh giành độc lập), thiếu vắng một bản sắc châu Á chung trong một khu vực quá rộng lớn, những ngờ vực trong khu vực đối với Nhật Bản và sự can dự của phương Tây cùng định kiến của Mỹ đối với châu Á như một khu vực kém phát triển về mặt chính trị so với các thành viên NATO[8].
Sự “trỗi dậy” của Trung Quốc được xem như thách thức lớn nhất, đồng thời là động lực cho một liên minh quân sự tại châu Á. Vào năm 2014, học giả thuộc trường phái chủ nghĩa hiện thực tấn công John J. Mearsheimer đã cảnh báo mối nguy từ sự trỗi dậy của Trung Quốc: “Có bằng chứng quan trọng cho thấy những quốc gia như Ấn Độ, Nhật Bản và Liên bang Nga, cũng như các quốc gia nhỏ như Singapore, Hàn Quốc và Việt Nam lo sợ trước sự vươn lên của Trung Quốc và họ đang tìm nhiều cách nhằm kìm hãm Trung Quốc. Sau cùng, họ sẽ tham gia vào liên minh đối trọng do Mỹ dẫn đầu để ngăn cản sự trỗi dậy của Trung Quốc, như cách mà Anh, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản và ngay cả Trung Quốc đã liên kết lực lượng với Mỹ xuyên suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh để kiềm chế Liên Xô”[9]. Với tham vọng chiến lược là trở thành một siêu cường, từng bước đẩy lui ảnh hưởng của Mỹ ra khỏi khu vực, qua đó viết lại các quy tắc có lợi cho mình, Trung Quốc không hề giấu giếm ý định tiếp tục mở rộng sự hiện diện quân sự ở khu vực, hiện đại hóa quân đội (nhất là hải quân) để giành được ưu thế áp đảo về quân sự ở khu vực. Thật vậy, Trung Quốc ngày càng quyết liệt trong các tranh chấp lãnh thổ, từ chối tuân theo các chuẩn mực quốc tế trong giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp và coi lợi ích quốc gia vượt lên các cách tiếp cận hòa bình. Nước này tiến hành hàng loạt hành động gây rối và cưỡng chế trong bối cảnh hiện đại hóa quân sự mạnh mẽ, điều này cũng truyền đi một thông điệp đáng ngại về khả năng cấu trúc an ninh khu vực bị phá vỡ bởi Trung Quốc[10].
Nhu cầu về một cấu trúc an ninh đa phương gắn liền với sự hiện diện và vai trò lớn hơn của Mỹ ở châu Á. Là một cường quốc đóng vai trò dẫn dắt “Bộ tứ”, Mỹ đã bày tỏ ý định tìm kiếm một liên minh quốc phòng chính thức với Nhật Bản, Ấn Độ và Australia. Tại cuộc họp bên lề Diễn đàn Đối tác chiến lược Mỹ - Ấn vào tháng 8/2020, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun cho rằng khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương “thiếu các cấu trúc đa phương mạnh mẽ” như NATO hay Liên minh châu Âu (EU), vì vậy ông gợi ý “chắc chắn sẽ có một lời mời được đưa ra vào một thời điểm nhất định nào đó, để chính thức hóa một cấu trúc đa phương như vậy”[11]. Nhu cầu thành lập một NATO châu Á được coi là phù hợp với sự điều chỉnh chiến lược của Mỹ nhằm gia tăng ảnh hưởng và bảo vệ lợi ích của siêu cường tại khu vực, trong bối cảnh thách thức địa chính trị do Trung Quốc mang đến ngày càng rõ nét.
Dưới thời Tổng thống Donald Trump, tầm nhìn về một cấu trúc an ninh vững chãi dưới sự lãnh đạo của Mỹ càng rõ ràng hơn bao giờ hết, cụ thể là với chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” (FOIP) mà “Bộ tứ” là một trong những trụ cột chủ chốt giúp kết nối bốn cường quốc dân chủ nhằm duy trì một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Năm 2019, Mỹ nêu đích danh Trung Quốc đã “làm suy yếu hệ thống quốc tế từ bên trong bằng cách khai thác các lợi ích của nó, đồng thời làm xói mòn các giá trị và nguyên tắc của trật tự dựa trên luật lệ”[12]. Với việc xem Trung Quốc như một “cường quốc xét lại” (revisionist power)[13], Mỹ đã công khai khẳng định Washington có xung đột cả về mặt ý thức hệ và chiến lược với Bắc Kinh. Tương tự như mục đích ra đời của NATO tại châu Âu vào năm 1949 là nhằm đẩy lui ảnh hưởng của Liên Xô và chủ nghĩa cộng sản ở châu Âu[14], Mỹ cũng muốn xây dựng một khuôn khổ hợp tác an ninh tương tự tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhằm kiềm chế Trung Quốc. Nhìn rộng ra, những tính toán này nhằm củng cố lợi ích và vai trò lãnh đạo của Mỹ ở cả góc độ khu vực lẫn toàn cầu.
Chính quyền Joe Biden đang tiếp nối tham vọng xây dựng một NATO châu Á từ thời Tổng thống Donald Trump, với mục đích ngăn chặn ảnh hưởng ngày một lớn mạnh của Trung Quốc. Ông Biden đã gọi Trung Quốc là “đối thủ đáng gờm nhất”[15] và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc gắn kết, hợp tác với các đồng minh và đối tác, đặc biệt tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Mặc dù vậy, Jake Sullivan, cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống Joe Biden đã làm rõ: “Bộ tứ không phải là liên minh quân sự cũng không phải là một NATO mới”[16]. Tuy nhiên, theo lời của Đô đốc Philip Davidson, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ (USINDOPACOM), “sự xói mòn của khả năng răn đe thông thường đối với Trung Quốc” là mối nguy hiểm lớn nhất mà Mỹ và các đồng minh phải đối mặt trong khu vực; ông Davidson hy vọng “Bộ tứ” có thể mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực thay vì chỉ bó hẹp trong vấn đề an ninh[17]. Do đó, không khó hiểu khi có ý kiến cho rằng Hội nghị thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo trong “Bộ tứ” diễn ra vào tháng 3/2021 là bước đầu hướng tới thành lập một “NATO mini”[18].
Có lẽ hơn ai hết, Mỹ rất muốn biến “Bộ tứ” thành một “NATO châu Á”, trong đó mỗi quốc gia thành viên đồng ý bảo vệ lẫn nhau, phản ứng lại bất kỳ cuộc tấn công quân sự nào nhằm vào các thành viên khác, tương tự như điều khoản số 5 của NATO. Mục đích cốt lõi của “NATO châu Á” là hướng vào Trung Quốc, tạo nên thế trận quốc phòng bao vây, mang tính răn đe. Nếu Trung Quốc leo thang quân sự hoặc xung đột quân sự với bất kỳ thành viên nào của “Bộ tứ” thì hành động trả đũa sẽ được kích hoạt. Một liên minh quân sự do Mỹ lãnh đạo sẽ mang lại lợi thế vượt trội cho Mỹ về mặt chiến lược lẫn thực địa, giúp Mỹ chiếm thế “thượng phong” trong bất kỳ cuộc đối đầu tiềm tàng nào với Trung Quốc[19]. Đồng thời, Mỹ hy vọng một khi liên minh quốc phòng tại khu vực được thành lập, các quốc gia thành viên sẽ mua vũ khí từ Mỹ thay vì tìm đến các quốc gia khác. Cụ thể, vào tháng 3/2021, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, trong chuyến thăm Ấn Độ, đã truyền thông điệp rằng các đồng minh và đối tác của Mỹ nên tránh mua thiết bị quân sự của Nga. Viễn cảnh này sẽ mang đến những lợi ích và cơ hội to lớn hơn cho ngành công nghiệp quốc phòng của Mỹ.
Trái với những nỗ lực và các tuyên bố cứng rắn từ Mỹ, các quốc gia thành viên còn lại trong “Bộ tứ” khá dè dặt trước ý tưởng về một “NATO châu Á”. Vào tháng 10/2020, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga bày tỏ, Mỹ và các đồng minh, bao gồm Nhật Bản, không hề có ý định thành lập một khối tương tự như NATO[20]. Ấn Độ, vốn có truyền thống không liên kết, quan tâm hơn đến các vấn đề liên quan đến lợi ích chung như an ninh hàng hải, hợp tác chống chủ nghĩa khủng bố, chuỗi cung ứng, hỗ trợ nhân đạo hơn là hình thành một liên minh quân sự như thời Chiến tranh Lạnh[21]. Một cựu quan chức ngoại giao Ấn Độ cảnh báo Ấn Độ sẽ không nhận được bất kỳ lợi ích nào nếu tham gia vào một NATO của châu Á[22]. Sự phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc cũng khiến Australia quan ngại, buộc nước này phải tính toán kỹ lưỡng trước cân nhắc tham gia vào một liên minh quân sự chính thức để kiềm chế Trung Quốc[23].
Phản ứng trước sự trở lại của “Bộ tứ”, Trung Quốc đã chỉ trích mạnh mẽ và nhận định liên minh các nền dân chủ này đang nỗ lực kiềm chế Trung Quốc[24]. Những chỉ trích từ phía Trung Quốc cũng là dễ hiểu bởi quốc gia này có những vấn đề nhạy cảm trong quan hệ song phương với các thành viên của “Bộ tứ”. Trung Quốc và Mỹ hiện đang ở trong cuộc cạnh tranh chiến lược gay gắt trên nhiều phương diện kể từ khi Tổng thống Donald Trump phát động cuộc chiến tranh thương mại vào năm 2018. Trong khi đó, quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Australia đang ở mức thấp nhất sau khi Thủ tướng Scott Morrison kêu gọi cộng đồng quốc tế chung tay điều tra nguồn gốc đại dịch COVID-19[25]. Đáp lại các động thái của Australia, Trung Quốc đã tiến hành trả đũa thông qua trừng phạt thương mại lên một số hàng hóa của Australia. Với Ấn Độ và Nhật Bản, Trung Quốc hiện có những tranh chấp lâu dài về lãnh thổ, đôi khi vấn đề này là cội nguồn cho những tranh cãi, xung đột và đối đầu.
Trước khả năng “Bộ tứ” thành lập một liên minh quốc phòng mà Trung Quốc gọi là “NATO của châu Á”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân đã lớn tiếng chỉ trích: “Khi ông Pompeo nói về việc xây dựng một liên minh toàn cầu chống lại Trung Quốc, ông ta chỉ đang nói những điều vô nghĩa. Ông ta sẽ không thấy cái ngày ấy, và người kế tục của ông ta cũng vậy vì ngày đó không bao giờ đến”[26]. Trong chuyến công du đến Malaysia vào tháng 10/2020, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nhận định: “Trên thực tế, chiến lược [Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương] nhắm tới việc xây dựng cái gọi là NATO của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương với nền tảng là cơ chế “Bộ tứ” gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia”[27]. Truyền thông và giới học thuật Trung Quốc đã đưa nhiều lý do để phản bác về tương lai của một “NATO châu Á”, nổi bật là ý kiến cho rằng do tầm ảnh hưởng sức mạnh kinh tế hiện nay của Trung Quốc, các nước khó lòng mà thoát khỏi sự lệ thuộc vào “công xưởng lớn nhất thế giới” này[28].
Diễn ngôn chính trị cũng như truyền thông Trung Quốc đã đánh giá thấp ý tưởng thành lập một NATO phiên bản châu Á, như ông Vương Nghị vào năm 2018 từng mỉa mai về “Bộ tứ” và Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, coi đây chỉ là động thái của Mỹ nhằm “giật tít” và sẽ sớm tan vỡ “như bọt biển ở Thái Bình Dương hay Ấn Độ Dương”[29]. Tuy nhiên, Trung Quốc có lẽ vẫn lo sợ kịch bản này xảy ra. Ngay sau cuộc họp thượng đỉnh lần đầu tiên giữa các lãnh đạo trong “Bộ tứ” vào tháng 3/2021, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã cảnh báo: “Các nước liên quan nên từ bỏ tâm lý Chiến tranh Lạnh và thành kiến về ý thức hệ, không hình thành các bè phái độc quyền và hãy hành động theo hướng có lợi cho đoàn kết, thống nhất và ổn định khu vực”[30].
3. Khả năng phát triển của “Bộ tứ” thành một “NATO châu Á”
Bối cảnh lịch sử và môi trường quan hệ quốc tế hiện nay có những khác biệt so với thời điểm khoảng 70 năm về trước (khi NATO ra đời), với mạng lưới các tương tác quyền lực phức tạp hơn, lợi ích giữa các quốc gia đan cài hơn, và tính chất cạnh tranh và hợp tác trong cùng một quan hệ cũng sâu sắc hơn. Vì thế, “Bộ tứ” không nhất thiết phải trở thành một “NATO châu Á”, thay vào đó, nhóm tứ cường có thể phát triển thành một khuôn khổ hợp tác quốc phòng đa phương kiểu mới, đóng vai trò hỗ trợ các quốc gia trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương ứng phó với sự “trỗi dậy” của Trung Quốc. Nói cách khác, “Bộ tứ” nên hướng tới thành lập một liên minh “phòng thủ hợp tác” (collaborative defence) thay vì liên minh “phòng thủ tập thể” (collective defence) như NATO[31], vì một số lý do sau đây:
Thứ nhất, một liên minh phòng thủ tập thể sẽ có tính ràng buộc và đòi hỏi sự cam kết chặt chẽ từ các thành viên; tuy nhiên tính gắn kết của NATO đang bị thách thức và do đó, có khả năng làm giảm tính hấp dẫn của tổ chức như một mô hình tham khảo mà “Bộ tứ” có thể đang hướng tới. Nguyên tắc phòng vệ tập thể được quy định trong Điều 5 của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương. Theo đó, bất kỳ cuộc tấn công vũ trang nào vào một hoặc một số thành viên “sẽ được coi là một cuộc tấn công chống lại toàn bộ liên minh”, do đó, các thành viên sẽ ngay lập tức đáp trả[32]. Tuy nhiên, nguyên tắc phòng vệ đã khiến NATO lúng túng trong việc xác định mục tiêu hoạt động sau khi Liên Xô, đối thủ chủ yếu và cũng là động lực chính cho sự ra đời của NATO, tan rã.
Hơn nữa, NATO - mô hình được kỳ vọng sẽ trở thành khuôn mẫu cho hợp tác quốc phòng tại châu Á - đang bộc lộ những hạn chế và trở nên lỗi thời bởi các rạn nứt từ bên trong. Trong buổi phỏng vấn với The Economist vào năm 2019, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã chỉ trích “NATO bị chết não”[33]. Dưới thời Tổng thống Donald Trump, Mỹ triển khai chính sách đối ngoại với khẩu hiệu “nước Mỹ trên hết” (American First) mang đậm màu sắc chủ nghĩa dân tộc. Tổng thống Donald Trump đã làm xói mòn những cơ chế đa phương, và một trong số đó là NATO. Mối quan hệ giữa Mỹ với các thành viên NATO có những bất hòa, mà nguyên nhân hàng đầu là việc nhiều quốc gia NATO không tuân thủ quy định đóng góp tối thiểu 2% GDP cho ngân sách chung, trong bối cảnh Mỹ kêu gọi các thành viên NATO chia sẻ gánh nặng chi phí cùng với cường quốc này. Thêm nữa, việc người dân Anh bỏ phiếu ủng hộ Brexit đã tạo tiền lệ, khiến các nước châu Âu phải suy nghĩ về vấn đề đoàn kết, duy trì ảnh hưởng, cũng như hợp tác an ninh tại khu vực, bởi lẽ Anh là quốc gia có đóng góp lớn cho ngân sách quốc phòng của NATO[34]. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng thừa nhận Anh là cầu nối an ninh chủ chốt giữa châu Âu và liên minh, tuy nhiên “cây cầu đó đã bị gãy”[35].
Thứ hai, các thành viên “Bộ tứ” nói riêng và các quốc gia khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nói chung có lợi ích đan xen với Trung Quốc về kinh tế. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất và quan trọng nhất của Nhật Bản, Australia và Ấn Độ[36]. Với mức độ phụ thuộc quá lớn vào nền kinh tế Trung Quốc, các thành viên “Bộ tứ”, ít nhất trong ngắn hạn, khó có thể đưa ra quyết định thành lập một liên minh quân sự nhằm chống lại Trung Quốc, vì làm như vậy, các quốc gia như Australia, Nhật Bản có thể sẽ phải chịu phí tổn rất cao từ hành vi cưỡng ép kinh tế của Trung Quốc. Đặc biệt là khi Trung Quốc ngày càng dựa vào các biện pháp kinh tế để răn đe hoặc trừng phạt các chính phủ hoặc công ty nước ngoài vượt qua lợi ích của Trung Quốc trong những vấn đề mà Trung Quốc cho là “nhạy cảm”[37].
Thứ ba, mở rộng các thành viên trong một khuôn khổ hợp tác quốc phòng đa phương chính thức sẽ vướng phải trở ngại từ sự phối hợp giữa Mỹ và các quốc gia liên quan. Để hình thành một khuôn khổ như vậy, Mỹ cần sự ủng hộ mạnh mẽ hơn từ các đồng minh và quốc gia cùng chí hướng (like-minded countries). Tuy nhiên, bản thân các đồng minh của Mỹ là những quốc gia “không bình thường” (abnormal states): Nhật Bản phải lệ thuộc vào “ô bảo hộ” an ninh của Mỹ và “chủ nghĩa hòa bình trong Hiến pháp thời hậu chiến vẫn ăn sâu vào xã hội Nhật Bản”[38], Hàn Quốc nằm dưới sự chỉ huy an ninh chung với Mỹ và Hàn Quốc vẫn duy trì chiến lược cân bằng trong quan hệ với Mỹ và Trung Quốc[39]. Trong khi đó, Đài Loan, đồng minh trên thực tế của Mỹ nhưng lại không được Mỹ công nhận là một quốc gia độc lập, cũng khiến Mỹ ở trong tình trạng lưỡng nan. Mỹ không thể chấp thuận Đài Loan tham gia vào một liên minh quốc phòng chính thức ở châu Á, nhưng không thể bỏ rơi quốc đảo, vì điều này có thể làm giảm lòng tin và tạo tâm lý nghi kỵ các cam kết của Mỹ từ các đồng minh khác[40].
Cuối cùng, các thành viên ASEAN đều tỏ ra quan ngại trước ý tưởng về một “NATO châu Á”, điều gợi lại những ký ức đau thương về sự phân cực, đối đầu ý thức hệ và sự khó xử khi phải “chọn phe”. Khác với Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh, giờ đây các nước trong khu vực Đông Nam Á phụ thuộc rất lớn vào nền kinh tế Trung Quốc[41], do đó, một tính toán sai lầm hoặc công khai thể hiện sự ủng hộ đối với việc hình thành một liên minh quân sự chính thức, với mục tiêu là Trung Quốc, có thể trực tiếp “chọc giận” cường quốc này. Để đồng thời duy trì độc lập và tận dụng các lợi ích kinh tế từ nhiều phía, đa số các quốc gia Đông Nam Á đều mong muốn cân bằng mối quan hệ với Mỹ và Trung Quốc, thay vì phải “chọn phe”[42].
Những bước phát triển của “Bộ tứ” chắc chắn luôn được ASEAN theo sát. Mặc dù “Bộ tứ” đã cam kết tôn trọng và ủng hộ “sự thống nhất và vai trò trung tâm của khối”[43], cũng như Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP)[44] do ASEAN đưa ra vào năm 2019, nhưng vấn đề là ASEAN chủ yếu tập trung vào kinh tế và né tránh các vấn đề an ninh, đặc biệt là khi đề cập đến Biển Đông, một trong những điểm nóng địa chính trị trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc[45]. Bên cạnh đó, gia tăng căng thẳng Trung - Mỹ có thể làm thay đổi kế hoạch ban đầu của “Bộ tứ” và biến Đông Nam Á một lần nữa trở thành một đấu trường nguy hiểm của cạnh tranh nước lớn[46]. Do đó, những liên kết quốc phòng cố kết hơn và khả năng thể chế hoá “Bộ tứ” chặt chẽ hơn với chỉ dấu nhằm vào Trung Quốc sẽ khiến các quốc gia Đông Nam Á quan ngại về tình thế phải chọn phe, hoặc Trung Quốc hoặc “Bộ tứ”. Thậm chí, ASEAN có thể vấp phải khó khăn lớn hơn trong quá trình điều chỉnh chính sách đối ngoại mang xu hướng xích lại gần hơn với “Bộ tứ”, trong khi vẫn quan ngại về vấn đề cân bằng trong các quan hệ ngoại giao và giữ vững tự chủ trong chính sách đối ngoại.
4. Thay lời kết
Với những thách thức như đã phân tích, “Bộ tứ” nên phát triển thành một thể chế liên kết hướng đến hợp tác quốc phòng đa phương, nhưng không mang tinh thần điều 5 của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương. Bởi lẽ, trong một liên minh hợp tác phòng vệ, các quốc gia với quan hệ quốc phòng song phương hoặc ba bên sẽ tương tác linh hoạt hơn nhằm đối phó với các mối đe dọa ở mỗi thời điểm và khu vực cụ thể, cũng như cấu trúc các mối quan hệ sao cho phù hợp với lợi ích của mình nhất[47]. Đồng thời, với những nhận thức khác nhau về mối đe dọa từ Trung Quốc, một liên minh như vậy sẽ giúp các quốc gia trong “Bộ tứ” phân bổ nguồn lực tương thích thuận tiện hơn, đồng thời phản ứng nhanh chóng hơn so với một tập thể cần sự nhất trí của cả khối. Quan trọng là, các thành viên “Bộ tứ” cũng không chịu áp lực buộc phải hành động theo kỳ vọng của Mỹ, hoặc cảm nhận rằng mình đang được Mỹ bảo hộ về an ninh. Đề xuất này tỏ ra khả thi và thực tế khi các nước trong “Bộ tứ” đã tồn tại nhiều mối quan hệ song phương và ba bên nhằm gắn kết bốn quốc gia lại với nhau. Chẳng hạn, cơ chế đối thoại chiến lược ba bên đã có các mối quan hệ tam giác như: Australia - Nhật Bản - Mỹ, Ấn Độ - Nhật Bản - Mỹ, Australia - Ấn Độ - Nhật Bản; hợp tác quốc phòng song phương đã có cơ chế đối thoại 2+2 như cơ chế đối thoại giữa Ấn Độ và Mỹ (năm 2018), Ấn Độ và Nhật Bản (năm 2019), Ấn Độ và Australia (năm 2017)[48].
Hiện tại, “Bộ tứ” vẫn chưa sẵn sàng nâng cấp cơ chế liên kết chính trị và ngoại giao thành một “NATO châu Á”. Tuy nhiên, tham vọng và sự quyết đoán của Trung Quốc có thể là chất xúc tác khiến “Bộ tứ” tiến dần đến một khuôn khổ tự vệ tập thể, với những điều khoản bảo vệ lẫn nhau hoặc trả đũa hạn chế trong trường hợp an ninh của các thành viên bị đe dọa. Bên cạnh đó, “Bộ tứ” vẫn có thể tích hợp các quốc gia tầm trung cùng chí hướng vào các khuôn khổ hợp tác linh hoạt hơn dưới dạng “Bộ tứ+” (Quad Plus) mà không nhất thiết phải đề cao hợp tác về an ninh như là điều kiện chủ yếu cho các kết nối đa phương. Đồng thời, với sự hỗ trợ tích cực cho các quốc gia còn lại trong “Bộ tứ”, Mỹ vẫn có thể giúp các đối tác nâng cao năng lực quân sự để bảo vệ an ninh và đóng góp vào tiến trình hợp tác đa phương khu vực. Cho đến nay, có lẽ thành tựu mà “Bộ tứ” gặt hái lớn nhất là việc lan tỏa nhận thức rõ ràng hơn về sự trỗi dậy không hòa bình của Trung Quốc, sự hạn chế của các cơ chế hợp tác an ninh hiện nay ở châu Á và nhu cầu thiết lập cơ chế an ninh đa phương hữu hiệu hơn để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực, hành vi áp đặt từ phía Trung Quốc và buộc cường quốc này phải kiềm chế, cũng như tính toán đến các rủi ro trong chính sách đối ngoại.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] TS., Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh
[2] Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh
[3] Đối thoại Tứ giác An ninh (Quadrilateral Security Dialogue) do Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo khởi xướng năm 2007 nhận được sự ủng hộ của Phó Tổng thống Mỹ Dick Cheney, Thủ tướng Australia John Howard và Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh.
[4] Euan Graham, “The Quad deserves its second chance”, trong Andrew Carr (ed.) (2018), Debating the Quad, The Centre of Gravity Series, p. 6.
[5] Ashok Rai (2018), “Quadrilateral Security Dialogue 2 (Quad 2.0) – a credible strategic construct or mere “foam in the ocean”?”, Maritime Affairs, Vol. 14, No. 2, pp. 138-148.
[6] Mrittika Guha Sarkar (2020), “China and Quad 2.0: Between response and regional construct”, Maritime Affairs, Vol. 16, No. 1, pp. 110-130.
[7] Victor D. Cha (2010), “Powerplay: Origins of the U.S. Alliance System in Asia”, International Security, Vol. 34, No. 3, pp. 158-196.
[8] Ryo Sahashi, “Security Arrangements in the Asia-Pacific: A Three-Tier Approach” trong William T. Tow and Rikki Kersten (eds.) (2012), Bilateral Perspectives on Regional Security: Australia, Japan and the Asia-Pacific Region, Palgrave Macmillan, pp. 214-240.
[9] John J. Mearsheimer (2014), “Can China Rise Peacefully?”, The National Interest, Vol. 25, No. 1, pp. 1-40.
[10] Caitlin Byrne (2020), “Securing the ‘Rules-Based Order’ in the Indo-Pacific”, Security Challenges, Vol. 16, No. 3, pp. 10-15.
[11] Jesse Johnson, “With eye on China, U.S. aims to 'formalize' four-nation 'Quad' security grouping”, The Japan Times, https://www.japantimes.co.jp/news/2020/ 09/01/asia-pacific/china-us-quad/.
[12] “Indo-Pacific Strategy Report: Preparedness, Partnerships, and Promoting a Networked Region” (2019), US Department of Defense, p. 7.
[13] “National Security Strategy of the United States of America” (2017), The White House, p. 25.
[14] Jeffrey A. Larsen, “Projecting Stability in a New Cold War: a NATO Mission?” trong Ian Hope (ed.) (2018), Projecting Stability: Elixir or Snake Oil?, NATO Defense College, pp. 29-40.
[15] “Remarks by President Biden on America’s Place in the World”, The White House, https://www.whitehouse. gov/briefing-room/speeches-remarks/2021/02/04/remarks -by-president-biden-on-americas-place-in-the-world/.
[16] “Press Briefing by Press Secretary Jen Psaki and National Security Advisor Jake Sullivan”, The White House, https://www.whitehouse.gov/briefing-room/press-briefings/2021/03/12/press-briefing-by-press-secretary-jen-psaki-march-12-2021/.
[17] Brad Lendon, “China building offensive, aggressive military, top US Pacific commander says”, CNN, https://edition.cnn.com/2021/03/10/asia/us-pacific-commander-china-threat-intl-hnk-ml/index.html.
[18] Liu Zheng, “How US plans for first Quad summit with leaders of Japan, Australia and India could be first steps towards ‘mini-Nato’ to counter Chinese influence”, South China Morning Post, https://www.scmp.com/news/china/ diplomacy/article/3120916/how-us-plans-first-quad-summit-leaders-japan-australia-and.
[19] Paul Antonopoulos, “US wants to convert QUAD into “Asian NATO””, InfoBrics, http://infobrics.org/post/317 39/.
[20] Kiyoshi Takenaka, “Japan's Suga opposes actions that boost tension in South China Sea”, Reuters, https://www.reuters.com/article/japan-southeastasia-idIN KBN2760BJ.
[21] “‘India building ‘Asian NATO’ through Quad?’ S Jaishankar answers”, Hindustan Times, https://www. hindustantimes.com/india-news/india-building-asian-nato-through-quad-s-jaishankar-answers/story-zBVAmTRIeX hnukEcHb8DbJ.html.
[22] M. K. Bhadrakumar, “India gains nothing from an ‘Asian NATO’”, Asia Times, https://asiatimes.com/ 2020/09/india-gains-nothing-from-an-asian-nato/.
[23] Lavina Lee, “Assessing the Quad: Prospects and limitations of Quadrilateral cooperation for advancing Australia’s interest”, Lowy Institute, https://www. lowyinstitute.org/publications/assessing-quad-prospects-and-limitations-quadrilateral-cooperation-advancing-australia.
[24] Yang Xiyu, “Washington’s attempt to exploit QUAD to contain China will not succeed”, Global Times, 7/2/2021, https://www.globaltimes.cn/page/202102/1215232.shtml.
[25] Colin Packham, “Australia says world needs to know origins of COVID-19”, Reuters, https://www.reuters. com/article/us-health-coronavirus-australia-china-idUSKC N26H00T.
[26] “Farewell to Pompeo! Observations on the ‘diplomatic legacy’ of the US’ ‘worst-ever secretary of state’”, Global Times, https://www.globaltimes.cn/page/202101/1213423. shtml.
[27] Ananth Krishnan, “China’s Foreign Minister says U.S. using Quad to build ‘Indo-Pacific NATO’”, The Hindu, https://www.thehindu.com/news/international/china-fm-calls-us-indo-pacific-strategy-a-huge-security-risk/article32844084.ece.
[28] Xie Wenting, Zhang Hongpei, “Quad cannot replicate NATO, given internal divergence and China’s economic clout”, Global Times, https://www.globaltimes.cn/ page/202103/1218189.shtml; Zhu Ying, “Containing China: Will the Quad become an Asian mini-NATO?”, Think China, https://www.thi nkchina.sg/containing-china-will-quad-become-asian-mini-nato.
[29] “Foreign Minister Wang Yi Meets the Press”, Ministry of Foreign Affairs of the People's Republic of China, 9/3/2018, https://www.fmprc.gov.cn/mfa_eng/zxxx_6628 05/t1540928.shtml.
[30] “No "Exclusive Cliques" Should Be Formed: China On Quad Summit”, The Economic Times, https:// economictimes.indiatimes.com/news/defence/no-exclusive-cliques-should-be-formed-china-on-first-quad-summit/articleshow/81513901.cms.
[31] Charlie Lyons Jones, “Why the Quad should focus on collaborative not collective defence”, The Strategist, https://www.aspistrategist.org.au/why-the-quad-should-focus-on-collaborative-not-collective-defence/.
[32] Bruno Tertrais (2016), “Article 5 of the Washington Treaty: Its Origins, Meaning and Future”, NATO Defense College, No. 130, pp. 1-8.
[33] “Emmanuel Macron in his own words”, The Economist, https://www.economist.com/europe/2019/11/07/emmanu el-macron-in-his-own-words-english.
[34] Năm 2019, Anh đóng góp thứ hai về quốc phòng cho NATO, chỉ sau Mỹ. Năm 2020, Mỹ chi trả hơn 22% cho ngân sách chung, trong khi đóng góp của Đức là 14,76%, và Pháp và Anh chỉ dưới 10,5% ở mỗi quốc gia. “Finance and economics annual statistical bulletin: international defence 2020”, Ministry of Defense, 17/12/2020; “Trump: What does the US contribute to Nato in Europe?”, BBC, 30/7/2020, https://www.bbc.com/news/world-44717074.
[35] Julian Borger, “What will Brexit do to Britain's place in the world?”, The Guardian, https://www.theguardian. com/politics/2016/jun/25/what-will-brexit-do-to-britain-place-in-the-world.
[36] Debasish Roy Chowdhury, “Quad is Key to Biden's Strategy in Asia, But the Four-Way Alliance Is Ambiguous and Contradictory”, TIME, https://time.com/5947674/quad-biden-china/.
[37] Gloria Xiong, “Beijing increasingly relies on economic coercion to reach its diplomatic goals”, The Washington Post, https://www.washingtonpost.com/politics/2020/07/ 23/beijing-increasingly-relies-economic-coercion-reach-its-diplomatic-goals/.
[38] Mahima Duggal, “No, the Quad won’t be an ‘Asian NATO’”, Asia Times, https://asiatimes.com/2021/03/no-the-quad-wont-be-an-asian-nato/.
[39] Min Ye, “Understanding the Economics-Politics Nexus in South Korea–China Relations”, Journal of Asian and African Studies, Vol. 51, No. 1, pp. 97-118.
[40] Zhuoran Li, “A NATO In Asia? Not Going to Happen”, National Interest, https://nationalinterest.org/blog/reboot/ nato-asia-not-going-happen-175370.
[41] Yu Hong, “Wake-up call for ASEAN countries: Curb over-reliance on China and seize opportunities of global supply chain restructuring”, Think China, https://www. thinkchina.sg/wake-call-asean-countries-curb-over-relian ce-china-and-seize-opportunities-global-supply-chain.
[42] Jonathan Stromseth (2019), “Don't Make Us Choose: Southeast Asia in the Throes of US-China Rivalry”, Brookings Institution, pp. 1-31.
[43] “Quad Leaders’ Joint Statement: “The Spirit of the Quad””, The White House, https://www. whitehouse.gov/ briefing-room/statements-releases/2021/03/12/quad-leaders-joint-statement-the-spirit-of-the-quad/.
[44] “ASEAN Outlook on the Indo-Pacific”, ASEAN, 23/6/2019, https://asean.org/asean-outlook-indo-pacific/.
[45] Jack Detsch, “Biden Looks to Contain China—but Where’s the Asian NATO?”, Foreign Policy, https://foreignpolicy.com/2021/03/26/biden-china-asian-nato/.
[46] Rifki Dermawan, “Is the Quad’s Revival a Threat to ASEAN?”, The Diplomat, https://thediplomat. com/2021/03/is-the-quads-revival-a-threat-to-asean/.
[47] Charlie Lyons Jones, “Why the Quad should focus on collaborative not collective defence”, The Strategist, https://www.aspistrategist.org.au/why-the-quad-should-focus-on-collaborative-not-collective-defence/.
[48] Jeff M. Smith, “The Quad 2.0: A Foundation for a Free and Open Indo–Pacific”, The Heritage Foundation, https://www.heritage.org/global-politics/report/ the-quad-20-foundation-free-and-open-indo-pacific.