Tóm tắt:Sau gần 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao cấp đại sứ (1992-2019), quan hệ Việt Nam- Hàn Quốc đã dần nâng cấp từ “quan hệ đối tác toàn diện trong thế kỷ XXI” (2002), lên quan hệ “đối tác hợp tác chiến lược” (2009). Gần 30 năm hợp tác đó, mối quan hệ giữa hai bên được coi là một điển hình mẫu mực.Bài viết đi sâu phân tích bối cảnh quốc tế đã tác động đến quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc, những nội dung hợp tác (chính trị, an ninh, kinh tế, văn hóa – xã hội), từ đó đưa ra những đánh giá và định hướng phát triển mối quan hệ hợp tác giữa hai nước trong tương lai.
Từ khóa: Quan hệ đối tác hợp tác chiến lược, Việt Nam – Hàn Quốc, chính trị, an ninh, kinh tế, văn hóa, xã hội
1. Bối cảnh quốc tế mới tác động đến mối quan hệ hợp tác Việt Nam-Hàn Quốc[1](1990-2019)[2]
Trên con đường phát triển, trong gần 30 năm qua (1992-2019)[U1] , mối quan hệ hợp tác Việt Nam-Hàn Quốc đã được nâng cao cả về số lượng và chất lượng trong bối cảnh thế giới có rất nhiều những biến động, thay đổi. Có thể khái quát lại như sau:
Thứ nhất, xu thế toàn cầu hóa, khu vực hóa kinh tế ngày càng gia tăng, đã trở thành xu hướng chủ đạo, bất chấp những biểu hiện của chủ nghĩa bảo hộ, cực đoan. Nền kinh tế toàn cầu hóa từ năm 1990 đến nay là một nền kinh tế tri thức với vai trò chủ đạo dẫn dắt của cuộc cách mạng công nghệ.Nó có vai trò cực kỳ to lớn trong sự phát triển kinh tế - xã hội với những thành tựu mới cho các quốc gia trên thế giới.
Thứ hai, thế giới đã trải qua những giai đoạn phát triển thăng trầm, những cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính châu Á (1997-1998), khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu (2008-2009 đến nay), khủng hoảng nợ công châu Âu (2009 đến nay) và các cuộc khủng hoảng khác nữa ở châu Âu như: khủng hoảng khủng bố, khủnghoảng di cư, khủng hoảng Brexit, khủng hoảng mô hình phát triển và đặc biệt ở châu Á đã xảy ra cuộc khủng hoảng hạt nhân ở bán đảo Triều Tiên. Tuy vậy, cuối cùng thế giới vẫn vận động và phát triển không ngừng theo xu hướng ngày càng phát triển và tiến bộ hơn…
Thứ ba, những xu hướng tiêu cực, cực đoan trên thế giới đang nổi lên như chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa dân túy, dân tộc cực đoan, chủ nghĩa đơn phương mạnh lên, có nguy cơ lấn át chủ nghĩa đa phương. Cùng với sự suy yếu của các cơ chế quản trị toàn cầu và khu vực, nhưng những xu hướng dân túy, dân tộc cực đoan, chủ nghĩa đơn phương đó không phải là xu hướng chủ đạo, dẫn dắt thế giới.
Thứ tư, sự cạnh tranh quyết liệt giữa các cường quốc ở khu vực, trên toàn cầu đã khiến cho mâu thuẫn về lợi ích chiến lược, dân tộc, sắc tộc, kinh tế…ngày càng gay gắt. Dù sự cạnh tranh gay gắt này diễn ra trong nhiều vấn đề, ở nhiều điểm nóng, nhưng cuối cùng trên thực tế, giữa các cường quốc luôn có một cự ly an toàn, tránh biến cạnh tranh chiến lược thành đối đầu trực tiếp.
Thứ năm, thế giới, khu vực vẫn đang vận động theo xu hướng lấy hòa bình, hợp tác, phát triển là xu hướng chủ đạo, nó chi phối đường lối phương hướng, phát triển của tất cả các nước hiện nay. Tuy vậy, các nước vẫn phải cảnh giác đối phó với nguy cơ các thế lực cường quyền sử dụng bạo lực gây xung đột, chiến tranh, bất chấp luật pháp- dòng chảy cơ bản, chủ đạo dẫn đến mọi hành động của các nước trên thế giới hiện nay[3].
Từ những động thái chính của bối cảnh quốc tế như đã được khái quát tổng kết ở trên, xem xét vào mối quan hệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong gần 30 năm qua, có thể nhận thấy rằng các nhân tố đó đã có tác động sâu sắc đến sự phát triển trong mối quan hệ hợp tác giữa hai bên.
2. Xung lực mới thúc đẩy mối quan hệ hợp tác chiến lược giữa hai nước [U2]
Gần 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao cấp Đại sứ Việt Nam – Hàn Quốc (22/12/1992), mối quan hệ hợp tác giữa hai nước đã trải qua nhiều bước phát triển mạnh mẽ, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh,văn hóa – thể thao – du lịch, khoa học – công nghệ, giáo dục – đào tạo, giao lưu nhân dân các địa phương, hợp tác lao động…
Về kinh tế, hiện nay Hàn Quốc là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam, đứng thứ nhất về đầu tư, thứ hai về ODA (sau Nhật Bản), thứ ba về thương mại (sau Trung Quốc và Liên minh châu Âu(EU)).
Cụ thể, về đầu tư, tính đến tháng 10/2018, trong tổng số 128 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam, Hàn Quốc đứng thứ nhất, có 7.323 dự án còn hiệu lực, với tổng số vốn đăng ký là 61,2 tỷ USD (chiếm 18,3% tổng vốn đầu tư). Trong 10 tháng đầu năm 2018, Hàn Quốc đứng thứ 2/104 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam với vốn đăng ký 6,5 tỷ USD, chiếm 23,4% tổng vốn đầu tư. Trong đó có dự án nhà máy POLYPROPYLENE và kho ngầm chứa khí dầu mỏ hóa lỏng tại Việt Nam với vốn đầu tư 1,2 tỷ USD do tập đoàn Hyosung đầu tư tại tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu. Hàn Quốc đã đầu tư vào 19 lĩnh vực, chủ yếu là công nghiệp gia công, chế tạo, bất động sản, xây dựng..., tập trung nhiều vào các địa phương của Việt Nam như: Bắc Ninh, Hà Nội, Đồng Nai, Hải Phòng, Thái Nguyên…[4].Số liệu cập nhật tính đến ngày 20/10/2019, Hàn Quốc đứng thứ 1/132 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với 8.269 dự án với số tiền là 66,6 tỷ USD [5].
Về thương mại, Việt Nam là một trong hai nước ASEAN đã ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương với Hàn Quốc. Kim ngạch thương mại hai nước đạt 65,7 tỷ USD trong năm 2018, chiếm khoảng 40% tổng kim ngạch thương mại giữa Hàn Quốc và ASEAN. Hai nước là đối tác thương mại rất quan trọng của nhau, các mặt hàng của hai bên có tính bổ sung, bổ trợ cho nhau. Hàn Quốc cung cấp nguồn linh kiện, máy móc, thiết bị thúc đẩy sản xuất tại Việt Nam.Còn Việt Nam là điểm tựa để các tập đoàn công nghiệp Hàn Quốc duy trì năng lực cạnh tranh toàn cầu[6]. Theo TTXVN/Vietnam+, xuất khẩu của Việt nam sang Hàn Quốcnăm 2017 đạt 14,8 tỷ USD, năm 2018 đạt 18,2 tỷ USD, 10 tháng đầu năm 2019 đạt 16,7 tỷ USD. Tương tự, xuất khẩu của Hàn Quốc sang Việt Nam đạt giá trị lớn, năm 2017 đạt 46,96 tỷ USD, năm 2018 đạt 47,7 tỷ USD, 10 tháng đầu năm 2019 đạt 39,4 tỷ USD[U3] . Dự kiến đến năm 2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai bên đạt 100 tỷ USD[7]. Hai bên sẽ thực hiện biện pháp nhằm cân bằng cán cân thương mại (Việt Nam nhập siêu nhiều), đẩy nhanh quy trình đánh giá, kiểm nghiệm, tăng cường và hỗ trợ công nghệ đối với quá trình sản xuất, chế biến, tiêu thụ để nâng cao kim ngạch thương mại các mặt hàng nông thủy sản, thực phẩm chế biến của Việt Nam.
Về viện trợ ODA, Hàn Quốc là đối tác cung cấp ODA lớn thứ hai cho Việt Nam (sau Nhật Bản) và Việt Nam là nước nhận viện trợ ODA lớn nhất của Hàn Quốc. Hàn Quốc đã hỗ trợ 1,2 tỷ USD vốn vay ưu đãi từ Quỹ hợp tác kinh tế (EDCF) cho giai đoạn 2012-2015 và 1,5 tỷ USD cho giai đoạn 2016-2020, tập trung vào 3 lĩnh vực: tăng trưởng xanh, xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực. Nhìn chung các dự án ODA của Hàn Quốc đều nằm trong lĩnh vực ưu tiên cao của Việt Nam, đã được triển khai đúng tiến độ, có mức giải ngân tăng đều qua các năm.
Về hợp tác lao động, Hàn Quốc là thị trường nhập khẩu lao động lớn thứ hai của Việt Nam (sau Đài Loan) và Việt Nam là nước xuất khẩu lao động lớn thứ hai của Hàn Quốc (sau Trung Quốc). Hiện nay, Việt Nam có hơn 48.000 lao động đang làm việc tại Hàn Quốc. Hàn Quốc đã bỏ chế độ tu nghiệp sinh Việt Nam, áp dụng chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (EPS) từ năm 2004, thông qua việc ký Bản ghi nhớ về hợp tác lao động (gia hạn hàng năm). Hai nước đang triển khai thí điểm đưa lao động tại một số địa phương Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc theo thời vụ trong lĩnh vực nông nghiệp[8].
Về du lịch, trong những năm gần đây Hàn Quốc nổi lên là một trong những thị trường cung cấp khách du lịch trọng điểm của Việt Nam (lớn thứ hai sau Trung Quốc). Năm 2017, có1,5 triệu lượt khách du lịch Hàn Quốc tới Việt Nam, tăng 56% so với cùng kỳ năm 2016. Còn khách Việt Nam sang du lịch ở Hàn Quốc đạt khoảng 325.000 lượt người, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2016. Trong 9 tháng của năm 2019, khách du lịch Hàn Quốc đến Việt Nam đạt 3,14 triệu lượt người, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước. Còn khách du lịch Việt Nam đến Hàn Quốc trong 10 tháng đầu năm 2019 đạt hơn 440.000 lượt người, tăng 37,3% so với cùng kỳ năm trước. Hiện trung bình mỗi tháng có hơn 1.000 chuyến bay thẳng giữa hai nước[9].
Về cư dân hai nước đang sinh sống ở hai nước của nhau, theo thống kê của Cục Xuất nhập cảnh Hàn Quốc, tính đến hết tháng 6/2019, cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống ở Hàn Quốc có hơn 216.000 người. Còn cộng đồng người Hàn Quốc đang sinh sống ở Việt Nam cũng có hơn 150.000 người, phần lớn là doanh nhân.Hiện nay, gần 60 tỉnh thành địa phương của hai nước đã kí kết và đang triển khai hiệu quả các thỏa thuận hợp tác. Chính phủ hai nước đang thúc đẩy đàm phán hiệp định tương trợ tư pháp trong các lĩnh vực dân sự, thương mại,… nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng, tạo điều kiện để công dân mỗi nước, yên tâm sinh sống, làm việc tại nước bạn”[10].
Về văn hóa – giáo dục, hai nước đã kí kết hiệp định văn hóa vào tháng 8/1994, bản ghi nhớ về hợp tác văn hóa nghệ thuật, thể thao và du lịch tháng 10/2008, cùng nhiều thỏa thuận hợp tác giao lưu thanh niên và giáo dục khác.Hai bên thường xuyên trao đổi các đoàn văn hóa nghệ thuật, tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật, triển lãm điện ảnh. Năm 2006, Hàn Quốc đã thành lập Trung tâm văn hóa Hàn Quốc tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đã chọn Hàn Quốc là đối tác chiến lược thông tin trong giáo dục-đào tạo[11].
Từ ngày 21/11 đến 02/12/2007, Việt Nam cũng đã tổ chức tuần lễ văn hóa “Hàn Quốc năng động”. Đặc biệt, Hàn Quốc đã rất hoan nghênh Việt Nam tổ chức “Tuần lễ Việt Nam - Hàn Quốc” với nhiều hoạt động phong phú đa dạng. Hàn Quốc ủng hộ Việt Nam tổ chức thành công hoạt động kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội (2010), hai bên thỏa thuận tiếp tục xem xét các biện pháp tăng cường giao lưu văn hóa hai nước. Trong khuôn khổ “Tuần lễ Việt Nam – Hàn Quốc” ngày 24/10/2010, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Hà Nội đã khai mạc Triển lãm giáo dục Hàn Quốc với hơn 40 gian hàng của các trường đại học, cao đẳng hàng đầu của Hàn Quốc thuộc các lĩnh vực khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, các khoa học nghệ thuật[12].
Về quốc phòng an ninh, hai bên đang duy trì cơ chế “Đối thoại chiến lược cấp thứ trưởng về ngoại giao – quốc phòng – an ninh”, “Đối thoại an ninh Việt - Hàn cấp thứ trưởng” và “Đối thoại Quốc phòng Việt-Hàn cấp thứ trưởng”; đã ký Bản ghi nhớ hợp tác về bảo mật, an toàn thông tin (28/6/2012), Bản ghi nhớ về bảo mật thông tin quân sự (21/7/2014), Biên bản thỏa thuận về khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh (14/6/2016), Tuyên bố tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng đến năm 2030 (4/2018)[13].
Về hợp tác tư pháp, quan hệ hợp tác giữa Tòa án Việt Nam và Tòa án Hàn Quốc được triển khai từ năm 2002. Dự án Tăng cường năng lực Trường Cán bộ Tòa án (nay là Học viện Tòa án) là dự án hợp tác nổi bật nhất nhằm đào tạo, bồi dưỡng thẩm phán, cán bộ tòa án, đào tạo nâng ngạch các chức danh trong hệ thống tòa án, góp phần nâng cao chất lượng công tác xét xử, giải quyết các loại án. Chính phủ hai nước đang thúc đẩy đàm phán ký Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự, thương mại nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng, tạo điều kiện để công dân mỗi nước yên tâm sinh sống, làm việc tại nước kia[14].
Về hợp tác nông nghiệp, Hàn Quốc tích cực hỗ trợ Việt Nam triển khai mô hình nông thôn mới, nổi bật nhất là Chương trình hạnh phúc tại Quảng Trị và Lào Cai[15].
Về hợp tác khoa học kỹ thuật, năm 1995, Việt Nam – Hàn Quốc đã ký kết Hiệp định về hợp tác khoa học và công nghệ cấp chính phủ. Trong lĩnh vực công nghệ cao, Ban quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc và Khu Công viên khoa học Chung Nam - Hàn Quốc đã ký thỏa thuận hợp tác (tháng 6/2010). Dự án Vườn ươm công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc tại thành phố Cần Thơ đã khánh thành ngày 14/11/2015. Hiện Việt Nam và Hàn Quốc đang xúc tiến đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án Viện Khoa học kỹ thuật Việt Nam - Hàn Quốc (V-KIST). Hợp tác về sở hữu trí tuệ được tăng cường thông qua việc trao đổi cán bộ, thông tin, đào tạo cán bộ theo các chương trình đào tạo của Cục Sở hữu trí tuệ Hàn Quốc (KIPO), Trung tâm đào tạo quốc tế về sở hữu trí tuệ (IIPTI), hợp tác trong lĩnh vực tự động hóa quản lý sở hữu trí tuệ, thực thi quyền và các vấn đề liên quan đến Hiệp ước Hợp tác Sáng chế (PCT). Về năng lượng nguyên tử, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam và Viện Nghiên cứu năng lượng nguyên tử Hàn Quốc đã ký Bản ghi nhớ hợp tác kỹ thuật trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử (3/2007)[16].
3. Đánh giá mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam – Hàn Quốc (22/12/1992 – 30/11/2019) và định hướng phát triển trong tương lai
Nhân dịp tham dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 30 năm quan hệ đối ngoại ASEAN – Hàn Quốc (11/2019), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có những đánh giá đầy đủ về mối quan hệ hợp tác đối tác chiến lược giữa hai nước như sau: “Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao (ngày 22/12/1992), quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc đã phát triển và đạt được nhiều thành quả to lớn, thực chất với những con số ấn tượng về hợp tác trên hầu hết các lĩnh vực. Trải qua gần 30 năm, quan hệ hai nước đã phát triển nhanh chóng với hai lần nâng cấp từ quan hệ “Đối tác toàn diện trong thế kỷ XXI” (năm 2002) lên quan hệ “Đối tác hợp tác chiến lược” (vào năm 2009). Việc trao đổi thường xuyên các đoàn các cấp, đặc biệt là các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao, đã cho thấy sự tin cậy chính trị giữa hai bên ngày càng được củng cố.Việt Nam coi Hàn Quốc là đối tác quan trọng hàng đầu trên các lĩnh vực.Ngược lại, Hàn Quốc cũng đặt Việt Nam là đối tác trọng điểm trong chính sách Hướng Nam mới của mình"[17].
Trước hết, cần khẳng định rằng hợp tác kinh tế là một trụ cột chính trong tổng thể quan hệ song phương Việt Nam-Hàn Quốc. Gần 30 năm qua, Hàn Quốc luôn dẫn đầu về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam, với sự góp mặt của hầu hết các tập đoàn lớn của Hàn Quốc, đứng thứ hai về hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), thứ ba về hợp tác thương mại, du lịch với Việt Nam. Ngược lại, Việt Nam cũng là đối tác thương mại thứ tư của Hàn Quốc với kim ngạch 2019 ước đạt 67 tỷ USD (chiếm 40% tổng kim ngạch ASEAN-Hàn Quốc). Sự kiện rất đáng chú ý là, trong chuyến thăm Việt Nam của Ngài Tổng thống Hàn Quốc, Moon Jae In (3/2018) hai nước đã nhất trí thúc đẩy hợp tác thương mại phát triển cân bằng, bền vững với quyết tâm chung vai sát cánh đạt mục tiêu kim ngạch thương mại song phương đạt 100 tỷ USD vào năm 2022.
Hai là,giao lưu nhân dân và hợp tác trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, văn hóa, giáo dục, thể thao, du lịch…giữa hai nước cũng phát triển hết sức mạnh mẽ. Trên tinh thần hướng tới tương lai và tôn trọng lẫn nhau vì sự phát triển vững chắc của quan hệ hai nước, Chính phủ và nhân dân Việt Nam trước sau luôn mong muốn sẽ tiếp tục thúc đẩy mở rộng và làm sâu sắc, hiệu quả hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam - Hàn Quốc trên tất cả các lĩnh vực, triển khai hiệu quả các cơ chế đối thoại, hợp tác về ngoại giao, an ninh, quốc phòng, kinh tế, đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước nhằm đưa quan hệ song phương tiếp tục phát triển lên tầm cao mới theo tinh thần của Tuyên bố chung vào tháng 3/2018.
Ba là, trong bối cảnh tình hình thế giới hiện nay đang diễn biến nhanh chóng, phức tạp, hai nước cần tiếp tục chia sẻ thông tin và kinh nghiệm, tăng cường trao đổi, hợp tác tại các diễn đàn đa phương quốc tế và khu vực, đặc biệt là trong đó có các diễn đàn Liên Hợp Quốc, ASEAN- Hàn Quốc, Hợp tác Mekong- Hàn Quốc, để giải quyết tốt các thách thức mang tính toàn cầu, các vấn đề an ninh phi truyền thống như an ninh năng lượng, an ninh lương thực; góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định, an toàn và tự do hàng hải của khu vực cũng như trên thế giới dựa trên luật pháp quốc tế và các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc.
Bốn là, đánh giá về tiềm năng mở rộng hợp tác kinh tế giữa hai nước trong tương lai như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: “Tôi khẳng định rằng tiềm năng hợp tác của hai nước Việt Nam-Hàn Quốc là rất lớn và toàn diện trên các lĩnh vực. Hàn Quốc hiện là nước phát triển với năng lực mạnh mẽ về vốn, khoa học công nghệ và kinh nghiệm phát triển phong phú, đang tham gia sâu vào các chuỗi giá trị toàn cầu, đang cần một thị trường trẻ, rộng lớn để tiếp tục đà phát triển. Việt Nam là quốc gia đang cải cách, phát triển năng động, chủ động hội nhập quốc tế. Việt Nam là một điểm đến thích hợp với cơ cấu dân số vàng với gần 100 triệu người, gần 70% đang ở độ tuổi 15-64, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 2.800 USD; được các tổ chức đánh giá tín dụng uy tín của quốc tế đánh giá tích cực"[18]. Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu sắc hiện nay, vẫn đang là thành viên tích cực và có nhiều đóng góp của nhiều khuôn khổ hợp tác khu vực và quốc tế, bao gồm cả các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với những cam kết sâu rộng, toàn diện hơn. Đồng thời, hiện naygiữa hai nước còn có những "nhân tố đặc trưng", đã góp phần đưa quan hệ hai nước trở nên gần gũi và thân thiết hơn, tạo thuận lợi cho việc mở rộng hợp tác đầu tư hai bên. Hai bên đã thiết lập được các cơ chế đối thoại về hợp tác kinh tế cấp Phó Thủ tướng, Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế, khoa học, kỹ thuật, Ủy ban hỗn hợp về hợp tác năng lượng, công nghiệp, thương mại để có thể trao đổi cụ thể, chuyên sâu, trực tiếp giải quyết các vấn đề về kinh tế song phương. Bên cạnh đó, văn hóa giữa hai nước Việt Nam - Hàn Quốc có nhiều nét tương đồng, hiểu biết sâu về phong tục, tập quán của nhau, cộng đồng dân cư của nước này tại nước kia đông đảo; giao thông đi lại giữa hai nước ngày càng thuận lợi với khoảng 1.000 chuyến máy bay/tháng; các cảng biển của Việt Nam nằm trên tuyến đường vận tải dầu và các nguồn tài nguyên khác của Hàn Quốc. Việc Hàn Quốc hiện giữ vị trí số một trong các nhà đầu tư nước ngoài trực tiếp tại Việt Nam với sự góp mặt của hầu hết các tập đoàn lớn đã minh chứng rằng các doanh nghiệp Hàn Quốc luôn nhìn thấy những tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam. Ví dụ như, hiện nay, 58% doanh thu smartphone trên toàn cầu của Samsung là đến từ hợp tác sản xuất tại Việt Nam. Việt Nam luôn hoan nghênh và khuyến khích các nhà đầu tư Hàn Quốc hãy tăng cường đẩy mạnh và mở rộng đầu tư vào Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực như công nghiệp hỗ trợ, điện tử, năng lượng, công nghệ cao, phát triển nông nghiệp hiện đại, cơ sở hạ tầng, đô thị thông minh, khu công nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, hướng tới tăng trưởng tương lai.Đặc biệt là việc Hàn Quốc đã hỗ trợ Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn Hàn Quốc. Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã luônkhuyến khích các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, thân thiện với môi trường, chú trọng chuyển giao công nghệ mới, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để thích ứng và tận dụng các cơ hội của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đúng như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhận định: "Với quan điểm đồng hành cùng doanh nghiệp và là “một chính phủ liêm chính, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp”, Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, công bằng, phát triển nguồn nhân lực và cải thiện cơ sở hạ tầng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Hàn Quốc”[19].
Năm là,khi bình luận về việc hai bên cần phải làm gì để đẩy mạnh giao lưu nhân dân, nhất là hiện nay ngày càng có đông sinh viên Việt Nam học tập tại Hàn Quốc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “Lấy người dân là chủ thể trong phát triển đất nước và quan hệ giữa hai nước, Việt Nam luôn coi giao lưu nhân dân là trụ cột, nền tảng vững chắc để phát triển quan hệ song phương với Hàn Quốc. Vào thời điểm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao gần 30 năm trước đây, khó có thể hình dung được mức độ gắn bó, gần gũi giữa nhân dân hai nước như hiện nay với khoảng 4 triệu lượt người qua lại trong một năm và trên 1.000 chuyến bay hàng tháng giữa hai nước, khoảng 200.000 công dân mỗi nước đang sinh sống, học tập và làm việc trên lãnh thổ của nhau, bao gồm cả khoảng 65.000 gia đình đa văn hóa Việt - Hàn. Đặc biệt từ đầu thế kỷ XIII, hậu duệ nhà Lý Việt Nam đã đến và đang sinh sống trên đất nước của các bạn.Thành công của đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên trưởng Park Hang Seo đã truyền cảm hứng rất lớn đến người dân hai nước, góp phần vun đắp cho mối quan hệ bền chặt Việt Nam - Hàn Quốc. Tôi rất đồng tình với nhận định của Ngài Tổng thốngMoon Jae-in cho rằng quan hệ giữa hai nước đang ở mức rất tốt trên tất cả các lĩnh vực và như "anh em trong một nhà"[20].
Thời gian qua, trong bối cảnh quốc tế đầy biến động, nhưng Chính phủ Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp mới để tạo thuận lợi cho giao lưu nhân dân hai nước.Chính phủ và nhân dân Việt Nam đánh giá cao các biện pháp tích cực của Chính phủ Hàn Quốc nhằm đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian cấp thị thực nhập cảnh cho công dân Việt Nam. Chắc chắn rằng thời gian tới, Hàn Quốc sẽ tiếp tục triển khai nhiều biện pháp tích cực hơn nữa nhằm đóng góp vào sự phát triển của giao lưu nhân dân, trong đó có việc tạo điều kiện thuận lợi về cấp thị thực nhập cảnh cho công dân Việt Nam. Có thể khẳng định rằng Hàn Quốc là nước có trình độ phát triển tiên tiến, văn hóa Hàn Quốc có sức lan tỏa, nhiều nét tương đồng với văn hóa của người Việt Nam, do đó ngày càng có nhiều người trẻ Việt Nam sang học tập và làm việc tại Hàn Quốc. Đây sẽ là nguồn nhân lực chất lượng cao đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế Việt Nam - Hàn Quốc, là cầu nối vững chắc cho quan hệ hai nước trong tương lai. Chính phủ và nhân dân Việt Nam luôn hyvọng rằng Hàn Quốc sẽ tạo thêm nhiều cơ hội cho các sinh viên, lưu học sinh Việt Nam học tập nghiên cứu, thực tập tại các cơ sở nghiên cứu khoa học, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ cao, tiên tiến và tại các tập đoàn hàng đầu, để những người trẻ Việt Nam có thể học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, có cơ hội phát huy thế mạnh, năng lực của bản thân, đóng góp cho phát triển chung của hai nước. Sự hợp tác của doanh nghiệp và giao lưu của người dân Việt Nam - Hàn Quốc trong tương lai chính là sợi dây kết nối bền chặt cho quan hệ hai nước vươn lên tầm cao mới”.
Sáu là, khi đánh giá về triển vọng hợp tác an ninh, chính trị giữa hai nước trong tương lai, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu:"Lập trường nhất quán của ASEAN và của Việt Nam là ủng hộ phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên, kêu gọi các bên duy trì đà đối thoại, thực hiện đầy đủ các thỏa thuận đã đạt được, hướng tới mục tiêu duy trì hòa bình, lâu dài, bền vững trên bán đảo Triều Tiên. Trên cương vị Chủ tịch ASEAN vào năm 2000, Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy vai trò, tiếng nói và đóng góp tích cực cho việc đảm bảo hòa bình, ổn định và an ninh trong khu vực và trên thế giới, trong đó có bán đảo Triều Tiên. Đồng thời, Việt Nam cùng các nước ASEAN đề nghị Hàn Quốc hợp tác gìn giữ hòa bình, thượng tôn luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982, bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông, nơi có tuyến hàng hải quốc tế quan trọng mà nhiều hàng hóa thương mại Hàn Quốc lưu chuyển qua nơi đây"[21].
Tóm lại, trong bức tranh tổng thể quan hệ ASEAN-Hàn Quốc 30 năm qua, chính phủ và nhân dân Việt Nam vui mừng nhận thức rằng quan hệ song phương Việt Nam - Hàn Quốc đang phát triển tốt đẹp trên tất cả các lĩnh vực cũng chính là một nhân tố thuận lợi, đóng góp tích cực cho việc củng cố và tăng cường quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Hàn Quốc trong tương lai[22].
Thay lời kết
Trong bối cảnh kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ đối ngoại giữa ASEAN - Hàn Quốc (1989-2019) và tiến tới kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc (1992-2022), mối quan hệ hợp tác đối tác chiến lược giữa hai nước ngày càng gắn bó chặt chẽ, sâu sắc, toàn diện,từng bước được nâng cấp từ quan hệ “đối tác toàn diện trong thế kỷ XXI” (năm 2002) lên quan hệ “đối tác hợp tác chiến lược” (năm 2009). Hiện nay, mối quan hệ hợp tác giữa hai nước được coi là một điển hình mẫu mực.Điều đó cho thấy sự tin cậy chính trị giữa hai nước ngày càng được củng cố, nâng cao.Việt Nam luôn coi Hàn Quốc là đối tác quan trọng hàng đầu trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế.Hợp tác kinh tế là một trụ cột chính trong quan hệ song phương hiện nay.Hàn Quốc đang dẫn đầu về đầu tư trực tiếp nước ngoài, đứng thứ hai về hỗ trợ phát triển chính thức, thứ ba về hợp tác thương mại du lịch tại Việt Nam.Hai bên đã quyết tâm đưa hợp tác thương mại vào năm 2020 lên đến 100 tỷ USD.Còn Hàn Quốc luôn coi Việt Nam là đối tác trọng điểm trong chính sách hướng Nam của mình.Giao lưu nhân dân và hợp tác trên các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, văn hóa, giáo dục, thể thao,…giữa hai nước cũng đang phát triển hết sức mạnh mẽ. Trên tinh thần hướng tới tương lai và tôn trọng lẫn nhau, nhân dân hai nước sẽ tiếp tục thúc đẩy, mở rộng, làm sâu sắc hiệu quả hơn nữa mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam- Hàn Quốc trên tất cả các lĩnh vực.
Đinh Công Hoàng1
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Chu Đức Dũng, Phạm Anh Tuấn, Nghiêm Tuấn Hùng (2019), “Bối cảnh quốc tế sau khủng hoảng 2008-2009 và triển vọng đến năm 2030”, Những vấn đề kinh tế và chính trị thế giới, số 5 (277), tháng 5-2019.
2. Nguyễn Hồng Điệp, “Phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam - Hàn Quốc lên tầm cao mới”, https://baotintuc.vn/chinh-tri/phat-trien-quan-he-doi-tac-hop-tac-chien-luoc-viet-nam-han-quoc-len-tam-cao-moi-20181202091818166.htm.
3. Thông tấn xã Việt Nam/Vietnam+, “Hợp tác thương mại và đầu tư Việt Nam – Hàn Quốc phát triển mạnh mẽ”, https://www.vietnamplus.vn/hop-tac-thuong-mai-va-dau-tu-viet-namhan-quoc-phat-trien-manh-me/609321.vnp.
4. An Bình, “Đưa quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc lên tầm cao mới”, https://kiemsat.vn/dua-quan-he-viet-nam-han-quoc-len-tam-cao-moi-56029.html.
5. Thông tấn xã Việt Nam/Vietnam+,“Hợp tác thương mại và đầu tư Việt Nam – Hàn Quốc phát triển mạnh mẽ”,https://www.vietnamplus.vn/hop-tac-thuong-mai-va-dau-tu-viet-namhan-quoc-phat-trien-manh-me/609321.vnp.
6. “Thông tin cơ bản về Đại Hàn Dân quốc và Quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc”,http://www.mofahcm.gov.vn/vi/mofa/cn_vakv/ca_tbd/nr040818112237/ns070621160315.
7. Nguyễn Văn Dương, “Quan hệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc trên lĩnh vực văn hóa – giáo dục từ năm 1992 đến nay”, http://www.inas.gov.vn/642-quan-he-giua-viet-nam-va-han-quoc-tren-linh-vuc-van-hoa-giao-duc-tu-1992-den-nay.html.
8. “Việt Nam và Hàn Quốc ký Hiệp định sản xuất chương trình truyền hình”, https://tuoitre.vn/viet-nam-va-han-quoc-ky-hiep-dinh-san-xuat-chuong-trinh-truyen-hinh-20190326154030639.htm.
9. Tài liệu cơ bản về Hàn Quốc và quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc, http://www.mofahcm.gov.vn/vi/mofa/cn_vakv/ca_tbd/nr040818112237/ns190504162834.
10. “Thủ tướng: Quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam - Hàn Quốc sẽ phát triển mạnh mẽ”, https://baotintuc.vn/chinh-tri/thu-tuong-quan-he-doi-tac-hop-tac-chien-luoc-viet-nam-han-quoc-se-phat-trien-manh-me-20191124214921226.htm.
Vietnam – Korea Cooperation Relations in the new international context
Dinh Cong Hoang
Nearly 30 years after the establishment of diplomatic relation (1992-2019), the relationship between Vietnam and Korea has gradually been upgraded from "comprehensive partnership in the twenty-first century" (2002), to "strategic cooperation partnership" (2009). During nearly 30 years of cooperation, the relationship between the two countries was considered a typical modern. The article analyzes depthly the international context that has affected Vietnam - Korea relations, the contents of cooperation and evaluate of the cooperative relationship between the two countries in the future.
[1]TS., Viện Nghiên cứu châu Phi và Trung Đông
[2]Năm 2019 là năm Hàn Quốc tổ chức Hội nghị cấp cao kỷ niệm 30 năm quan hệ đối ngoại ASEAN - Hàn Quốc (11/1989 - 11/2019), nhân dịp này Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã thăm chính thức và tham dự hội nghị tại Hàn Quốc. Đây là cột mốc quan trọng ghi nhận mối quan hệ hợp tác đối tác chiến lược giữa hai nước Việt Nam - Hàn Quốc.
[3] Chu Đức Dũng, Phạm Anh Tuấn, Nghiêm Tuấn Hùng (2019), “Bối cảnh quốc tế sau khủng hoảng 2008-2009 và triển vọng đến năm 2030”, Tạp chí Những vấn đề kinh tế và chính trị thế giới, số 5(277),tr.3-11.
[4]Nguyễn Hồng Điệp, “Phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam - Hàn Quốc lên tầm cao mới”,https://baotintuc.vn/chinh-tri/phat-trien-quan-he-doi-tac-hop-tac-chien-luoc-viet-nam-han-quoc-len-tam-cao-moi-20181202091818166.htm.
[5]Thông tấn xã Việt Nam/Vietnam+, “Hợp tác thương mại và đầu tư Việt Nam – Hàn Quốc phát triển mạnh mẽ”,https://www.vietnamplus.vn/hop-tac-thuong-mai-va-dau-tu-viet-namhan-quoc-phat-trien-manh-me/609321.vnp.
[6]An Bình, “Đưa quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc lên tầm cao mới”,https://kiemsat.vn/dua-quan-he-viet-nam-han-quoc-len-tam-cao-moi-56029.html.
[7]Thông tấn xã Việt Nam/Vietnam+, “Hợp tác thương mại và đầu tư Việt Nam – Hàn Quốc phát triển mạnh mẽ”, Tlđd.
[8]Nguyễn Hồng Điệp, “Phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam - Hàn Quốc lên tầm cao mới”, Tlđd.
[9]Nguyễn Hồng Điệp, “Phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam - Hàn Quốc lên tầm cao mới”, Tlđd; Thông tấn xã Việt Nam/Vietnam+, “Hợp tác thương mại và đầu tư Việt Nam – Hàn Quốc phát triển mạnh mẽ”, Tlđd.
[10]Nguyễn Hồng Điệp, “Phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam - Hàn Quốc lên tầm cao mới”, Tlđd; Thông tấn xã Việt Nam/Vietnam+, “Hợp tác thương mại và đầu tư Việt Nam – Hàn Quốc phát triển mạnh mẽ”, Tlđd.
[11] “Thông tin cơ bản về Đại Hàn Dân quốc và Quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc”, http://www.mofahcm.gov.vn/vi/mofa/cn_vakv/ca_tbd/nr040818112237/ns070621160315.
[12] Nguyễn Văn Dương, “Quan hệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc trên lĩnh vực văn hóa – giáo dục từ năm 1992 đến nay”,http://www.inas.gov.vn/642-quan-he-giua-viet-nam-va-han-quoc-tren-linh-vuc-van-hoa-giao-duc-tu-1992-den-nay.html.
[13]Tài liệu cơ bản về Hàn Quốc và quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc,http://www.mofahcm.gov.vn/vi/mofa/cn_vakv/ca_tbd/nr040818112237/ns190504162834.
[14]Tài liệu cơ bản về Hàn Quốc và quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc, Tlđd.
[15]Tài liệu cơ bản về Hàn Quốc và quan hệ Việt Nam – HànQuốc, Tlđd.
[16]Tài liệu cơ bản về Hàn Quốc và quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc, Tlđd.
[17]“Thủ tướng: Quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam Hàn Quốc sẽ phát triển mạnh mẽ”, https://baotintuc.vn/chinh-tri/thu-tuong-quan-he-doi-tac-hop-tac-chien-luoc-viet-nam-han-quoc-se-phat-trien-manh-me-20191124214921226.htm.
[18]“Thủ tướng: Quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam- Hàn Quốc sẽ phát triển mạnh mẽ”,Tlđd.
[19]“Thủ tướng: Quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam- Hàn Quốc sẽ phát triển mạnh mẽ”,Tlđd.
[20]“Thủ tướng: Quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam- Hàn Quốc sẽ phát triển mạnh mẽ”,Tlđd.