Trang chủ

Sự chuyển động của Nhật Bản dưới thời Thủ tướng Abe Shinzo

Đăng ngày: 19-10-2022, 02:18 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2021, Số 3

Tóm tắt: Ngày 28/8/2020, Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo đã chính thức tuyên bố từ chức vì lý do sức khỏe, nhằm tạo điều kiện cho đất nước tiếp tục phát triển. Trong gần 8 năm cầm quyền của mình, ông Abe đã cống hiến cho “đất nước mặt trời mọc” những thành tích khá quan trọng như: vực dậy nền kinh tế với học thuyết “Abenomics”;gia tăng năng lực quân sự đưa Nhật Bản từ “nước lớn kinh tế” thành “nước lớn chính trị”; đổi mới chính sách an ninh đối ngoại, từ “an ninh lệ thuộc” sang “an ninh tự chủ”. Thậm chí còn tạo cơ hội “tái chiếm” ngôi vị số 2 thế giới về kinh tế. Vì thế, giới nghiên cứu và dư luận đã có những đánh giá tích cực về ông - Một Thủ tướng tại vị lâu nhất trên chính trường Nhật Bản.

Từ khóa:Nhật Bản, Abe Shinzo, nước lớn chính trị, an ninh tự chủ

 

1. Học thuyết kinh tế “Abenomics”[1]

Ngay sau khi lên nắm quyền vào hồi cuối năm 2012, ôngAbe đã đưa ra học thuyết kinh tế có tên gọi là Abenomics,với 3 mục tiêu:nới lỏng tiền tệ, kích thích tài khóa và cải cách cơ cấu kinh tế.Trong những năm đầu tiên của nhiệm kỳ, Abenomics đã đạt được những thành công đáng kể bởi giải pháp in thêm tiền và tăng cường chi tiêu công nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã in thêm tiền nhưng khống chế lạm phát ở mức 2%, đưa ra gói kích thích kinh tế 114 tỷ USD cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và tăng chi tiêu quốc phòng, an ninh[2].

Đến năm cuối 2015, Abenomics (giai đoạn 2) chính sách nới lỏng tiền tệ đã gắn kết hai mục tiêu kinh tế và an sinh xã hội  nhằm gia tăng động lực. Theo đó, mục tiêu tăng trưởng được đẩy lên mức 600 nghìn tỷ yên so với con số 490 nghìn tỷ yên trước đó. Tăng cường các biện pháp hỗ trợ nuôi và sinh con nhằm khắc phục tình trạng già hóa dân số, phấn đấu giữ mức 100 triệu dân vào năm 2065, đồng thời cải thiện an sinh xã hội[3].

Trong giai đoạn thứ hai Abenomics đã sử dụng hiệu ứng từ sự kết hợp một loạt các chính sách khác nhau như: tiền tệ táo bạo, tài khóa linh hoạt, cải cách cơ cấu nhằm đưa GDP đạt mức 600 nghìn tỷ yên vào cuối năm 2020. Các biện pháp nới lỏng tiền tệ vẫn nhắm tới, lạm phát mục tiêu, phá giá đồng yên, lãi suất âm và sửa đổi luật ngân hàng… đã đạt được hiệu quả tốt hơn. Chính sách tài khóa linh hoạt hơn, cùng với chương trình cải cách cơ cấu bằng việc thúc đẩy đầu tư tư nhân, gia tăng kết nối kinh tế toàn cầu, tăng cường nguồn nhân lực và thị trường càng được đẩy mạnh hơn.

Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Thủ tướng Nhật Bản Abe đã thay thế vai trò của Mỹ trong việc dẫn dắt các nỗ lực đàm phán và đã đạt được thỏa thuận về Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương(CPTPP), hiệp định đã được ký kết ngày 8/3/2018.Ngoài ra, ông Abe còn luôn luôn tìm kiếm một sự cân bằng về kinh tế và an ninh, nhất là trong các quan hệ với Mỹ, Trung Quốc và Nga.Thủ tướng Abe cũng rất coi trọng các thỏa thuận đa phương. Theo FTA Nhật Bản – EU, tới năm 2035 nước này sẽ loại bỏ thuế đối với khoảng 94% hàng hóa nhập khẩu từ EU và châu Âu cũng sẽ loại bỏ hàng rào thuế quan theo từng giai đoạn đối với khoảng 99% hàng nhập khẩu từ Nhật Bản[4].

Để khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động do già hóa dân số, Thủ tướng Abe đã khởi xướng cuộc “Cách mạng robot” (2015). Tamotsu Nomakuchi, chủ tịch Tập đoàn Mitsubishi Electric được giao nhiệm vụ đứng đầu ngành công nghiệp robot, cho biết sẽ phấn đấu đạt doanh thu từ 600 tỷ yên (4,9 tỷ USD) lên 2,4 nghìn tỷ yên vào năm 2020. Theo Hội đồng sáng kiến Cách mạng robot (RRIC), công nghệ robot tiềm năng rất lớn, giải quyết nhiều vấn đề cấp bách như, tình trạng thiếu lao động, giải phóng sức lao động cho con người, nâng cao năng suất trong nhiều lĩnh vực, từ nông nghiệp, công nghiệp, giao thông… cho đến y tế chăm sóc sức khỏe con người[5]. Theo Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp (METI), Nhật Bản còn là nhà cung cấp hàng đầu thế giới về robot công nghiệp, thu nhập đạt 340 tỷ yên năm 2012, chiếm trên 50% thị trường robot toàn cầu, 90% thị phần robot quan trọng, đặc biệt là trong ngành công nghiệp chính xác và cảm biến lực.

Ngoài ra Nhật Bản còn mở cửa cho người lao động nước ngoài. Tính tới cuối năm 2017, có 1,28 triệu lao động nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại nước này, trong đó lao động Trung Quốc chiếm gần 30%, Việt Nam (19%), Philippines (12%) và Brazil (9%). Năm 2019, số lao động nước ngoài ở Nhật Bản đạt mức cao kỷ lục, tính đến tháng 10 là 1.658.804 người, tăng 190.000 người, tương đương 13%, so với năm 2018. Theo đó, số lao độngTrung Quốc là418.000 người, Việt Nam 401.000 người, Philippines 179.000 người. Đến tháng 4/2019, Nhật Bản đã đổi mới quy chế công dân để đón nhận thêm nhiều lao động nước ngoài. Trong đó có chính sách lưu trú mới theo chương trình “kỹ năng đặc định”, khiến cho 520 lao động nước ngoài được hưởng chế độ lưu trú mới này[6].

Với Học thuyết Abenomics của Thủ tướng Abe, kinh tế Nhật Bản đã đạt được những thành tựu nổi bật. GDP thực tế đã tăng 6,3% so với những năm trước đó. Đặc biệt GDP danh nghĩa sau 5 năm đã tăng trưởng hơn 10%. Tình hình tài chính được cải thiện, tổng thu chi của Nhà nước và địa phương đã tăng lên khoảng 22 nghìn tỷ yên; cán cân tài chính được cải thiện rõ rệt, thâm hụt ngân sách giảm mạnh từ 8,8% xuống 2,8%. Thêm nhiều việc làm, tỷ lệ thất nghiệp giảm, niềm tin của giới doanh nghiệp và người dân gia tăng.

Với hàng loạt chính sách và biện pháp cụ thể, nền kinh tế Nhật Bản đã thu hút một lượng lớn đầu tư từ nước ngoài (FDI), đẩy tỷ lệ sở hữu nước ngoài đối với các cổ phiếu niêm yết lên mức kỷ lục 31,7% (2014), trước đó năm 2012 là 28%. Và đến năm 2019, tỉ lệ này vẫn giữ mức cao 29,6%[7]. Mặc dù, mục tiêu cải cách cơ cấu kinh tế vẫn còn hạn chế, bởi năng suất thấp, dân số già hóa nhanh, lao động thiếu linh hoạt.

Năm 2019 chính sách Abenomics tiếp tục dựa trên “ba mũi tên”, song mũi tên thứ 3 (cơ cấu kinh tế) vẫn chưa phát huy hiệu quả, do sự triệt tiêu lẫn nhau của các giải pháp kinh tế vĩ mô như: kích cầu tiêu dùng đầu tư và nâng cao đời sống mất cân đối; thu nhập cho người lao động tăng song song với mức tăng lạm phát và thuế giá trị gia tăng... Vì thế, ngay từ đầu năm 2019, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản từ 1,2% xuống còn 1% trong bối cảnh kế hoạch tăng thuế tiêu dùng của chính phủ nước này từ tháng 10/2019 sẽ tác động mạnh đến nhu cầu của người tiêu dùng[8] (dự báo này đượcđưa ra trong thời gian chưa có đại dịch Covid-19).

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Bộ Tài chính Nhật Bản mới đây cho biết, trong quý II/2020 GDP nước này sụt giảm khoảng 27,8%, gấp gần hai lần so với mức giảm trong cuộc đại khủng hoảng năm 2008, mặc dù nhiều gói kích cầu và nới lỏng tiền tệ vẫn được tung ra.

Việc ứng dụng Học thuyết kinh tế Abenomics của Thủ tướng Abe trong cả hai nhiệm kỳ đã mang lại những thành tựu đáng khích lệ, khiến diện mạo của nền kinh tế Nhật Bản được cải thiện rõ rệt. Sự hồi sinh của nền kinh tế Nhật Bản đã được ghi nhận trong nước, khu vực và thế giới. Vì thế, theo dự báo của giới chuyên gia, mặc dù ông Abe không còn tại vị bởi lý do sức khỏe, Học thuyết Abenomic của ông vẫn sẽ tiếp tục được người kế vị theo đuổi và công cuộc chống giảm phát, vực dậy nền kinh tế Nhật Bản vẫn hứa hẹn nhiều triển vọng khi đại dịch Covid-19 kết thúc.

2. Tăng cường năng lực quân sự

Được biết ngay từ năm 1975, Nhật Bản đã huy động hơn 10 cơ quan của Nhà nước nghiên cứu “Chiến lược tổng hợp hướng đến thế kỷ XXI”. Theo đó, Nhật Bản khẳng định, kiên quyết thay đổi hình ảnh “kinh tế mạnh, chính trị yếu”, “xóa bỏ vết tích chiến bại”, chuyển hướng từ “nước lớn kinh tế” sang “nước lớn chính trị”, tạo ra một “thế kỷ Nhật Bản huy hoàng”[9].

Trong cuốn sách “Nhật Bản đứng đầu”, học giả nổi tiếng người Mỹ viết: “Với cơ cấu chính trị và sức mạnh kinh tế như hiện nay, không có nước nào có thể cùng tham gia lãnh đạo thế giới bằng Nhật Bản”.Năm 1967, Nhật Bản đề ra “Ba nguyên tắc” cam kết cấm xuất khẩu vũ khí để thể hiện ý muốn hòa bình, xóa đi sự quan ngại của thế giới đối với việc tái quân sự hóa của Nhật Bản. Tuy nhiên, năm 1983 các nguyên tắc trên cũng được sửa đổi, theo đó Nhật Bảncó thể cung cấp công nghệ vũ khí cho Mỹ[10]. Tiếp đó, Nhật Bản và Mỹ đã ký hiệp định “quan hệ đối tác mang tính toàn cầu” (1989).

Ngày 27/12/2011 (trước khi ông Abe làm Thủ tướng) Chính phủ Nhật Bản đã thông qua quyết định nới lỏng lệnh cấm vận xuất khẩu vũ khí để tăng ngân sách quốc phòng nhằm thực hiện hiện đại hóa quân đội, đặc biệt là không quân và hải quân; tăng cường sự can dự, đối phó với mọi thách thức tại khu vực; thúc đẩy khả năng xuất khẩu vũ khí. Ông Satoru Mizushima, nhà sáng lập Tập đoàn Ganbare Nippon luôn ủng hộ Thủ tướng Abe, tuyên bố: “Cứ trưng ra hình ảnh một nước Nhật yếu ớt, kẻ thù sẽ lấn tới. Chẳng có lý do gì chúng ta để bị dẫm chân cả trong khi chúng ta có lực lượng hải quân đứng thứ 3 trên thế giới”[11].

Trên cương vị Thủ tướng từ cuối năm 2012, ông Abe Shinzo tiếp tục thực hiện tham vọng “nước lớn chính trị” của Nhật Bản đã ấp ủ từ lâu với hàng loạt động thái đối nội, đối ngoại, nhất là chính sách an ninh đối ngoại, thắt chặt hơn quan hệ với Mỹ dưới thời Tổng thống Trump, gia tăng tiềm lực quốc phòng, xây dựng cơ chế, tạo dựng hành lang pháp lý để quân đội Nhật mở rộng phạm vi hoạt động ra bên ngoài lãnh thổ… Tuyên bố của Thủ tướng Abe có thể coi là sự chín muồi của những tham vọng đã ấp ủ trong hơn 4 thập kỷ qua.

Ngày 4/1/2018, Thủ tướng Nhật Bản Abe nói rằng, môi trường an ninh của nước này đang trong “tình trạng nghiêm trọng nhất” kể từ Chiến tranh thế giớithứ hai vì những hành động khiêu khích “không thể chấp nhận” của nước ngoài. Tuy nhiên, theo giới phân tích đây là lý do trực tiếp để Nhật Bản “ra quân”, còn nguyên nhân sâu xa phải kể đến đó là các yếu tố cần và đủ để Nhật Bản thực hiện tham vọng “nước lớn chính trị” của mình vốn được giới lãnh đạo, nghiên cứu chuẩn bị từ năm 1975.

Trên trường quốc tế, tuyên bố thừa nhận một “trật tự thế giới đa đối tác” của Tổng thống Mỹ Barack Obama năm 2010 và  chính sách “Nước Mỹ trước tiên” của Tổng thống D. Trump, cùng với việc nhấn mạnh sự “bình đẳng”, “cân bằng”, “cùng có lợi”, “có đi, có lại” trong quan hệ quốc tế… khiến giới nghiên cứu và dư luận cho rằng một thế giới “đa cực, đa trung tâm” đang trong quá trình định hình[12].

Đón nhận thời cơ chiến lược nêu trên, Nhật Bản tiếp tục triển khai chính sách an ninh đối ngoại mới, độc lập tự chủ hơn; sẵn sàng để quân đội Nhật Bản tham gia tác chiến với đồng minh và đối tác ở nước ngoài; sửa đổi hiến pháp, chia sẻ trách nhiệm với Mỹ, thể hiện vai trò “nước lớn quân sự”; chủ động “đảo chiều” tư duy “kinh tế đi trước” trong giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ với Nga, tăng cường quan hệ và công nhận vị thế trung tâm của ASEAN ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương…

Nhật Bản đã tăng ngân sách quốc phòng lên mức 5.260 tỷ yên (48,12 tỷ USD) năm 2018. Một phần ngân sách dự kiến sẽ được dành cho việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa mới do Mỹ chế tạo có tên là Aegis Ashore. Đây là phiên bản trên mặt đất của hệ thống Aegis triển khai trên tàu. Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng đề nghị ngân sách để mua tên lửa đánh chặn kiểu mới SM-3Block IIA cho tàu Aegis và để chế tạo radar tiên tiến có khả năng phát hiện và theo dõi đường bay của tên lửa đạn đạo từ bên ngoài.

Ngoài ra, các khoản chi tiêu khác trong ngân sách quốc phòng của Nhật Bản bao gồm 88,1 tỷ yên dành cho việc mua 6 máy bay chiến đấu tàng hình F-35, 70 tỷ yên dành cho kế hoạch mua một tàu ngầm mới và 100 tỷ yên dành cho 2 tàu chiến loại nhỏ[13], nhằm tăng cường năng lực của lực lượng phòng vệ bờ biển nước này tại khu vực phía Nam quần đảo Miyakojima và Amami Oshima để sẵn sàng đối phó với những hành động leo thang căng thẳng.

Năm 2019, Thủ tướng Abe đã phê duyệt sách Trắng quốc phòng Nhật Bản. Theo đó, Mỹ, Trung Quốc, Triều Tiên, Nga là những nước có ảnh hưởng lớn đến chính sách quốc phòng, an ninh của Tokyo; quan hệ đồng minh Nhật - Mỹ vẫn được coi là một trong ba trụ cột của chính sách quốc phòng (phòng thủ riêng, quan hệ đồng minh và hợp tác an ninh đa phương). Tuy nhiên, trật tự các mối đe dọa được xác định trong sách Trắng quốc phòng năm 2019 đã có sự thay đổi. Trung Quốc thế chỗ Triều Tiên và trở thành mối đe dọa chủ chốt về an ninh đối với Nhật Bản. Mối đe dọa từ Triều Tiên được xếp thứ ba, cho dù Bình Nhưỡng đã tiến hành các vụ phóng tên lửa tầm ngắn có thể vượt qua hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis do Mỹ sản xuất. Nga nay đã được xếp ở vị trí thứ tư[14].

Vì thế, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã có báo cáo dự toán ngân sách quốc phòng cho năm tài khóa 2020 với mức 5.320 tỷ yên (50 tỷ USD)[15]. Đây là mức cao kỷ lục trong bối cảnh căng thẳng liên tục gia tăng tại khu vực Đông Á và đánh dấu năm thứ 8 liên tiếp Nhật Bản tăng ngân sách quốc phòng. Nhật Bản đã mua sắm nhiều máy bay tàng hình và các vũ khí tiên tiến khác từ Mỹ. Quân đội Nhật Bản đã yêu cầu được cấp 1,1 tỷ USD để mua 9 chiếc tiêm kích tàng hình F-35, trong đó có 6 chiếc có khả năng cất cánh thẳng đứng, để có thể hoạt động trên các tàu sân bay giống như trực thăng.

Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, Nhật Bản chưa thể tăng mạnh ngân sách quốc phòng hơn nữa. Vì muốn có được vũ khí chiến lược, Nhật Bản phải kiểm tra chặt chẽ hiệu quả sử dụng kinh phí, trong đó bao gồm cả việc mua các thiết bị quốc phòng đắt tiền sản xuất trong nước. Đây là một trong những động thái chuẩn bị các yếu tố cho việc sửa đổi hiến pháp, theo đó quân đội Nhật Bản có phạm vi hoạt động rộng hơn, bao gồm cả việc tham gia tác chiến ở nước ngoài.

Những năm gần đây, Nhật Bản ưu tiên “cải thiện môi trường an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương” và “đóng vai trò lãnh đạo trong việc giải quyết tranh chấp”, nhằm phục hồi kinh tế, bảo đảm an ninh hàng hải và mở rộng ảnh hưởng tại khu vực. Cùng với việc tăng cường quan hệ đồng minh với Mỹ, Nhật Bản thúc đẩy hợp tác với Australia, Ấn Độ, các nước ASEAN, củng cố các mối quan hệ đối tác nhằm thúc đẩy hòa bình và an ninh, đồng thời góp phần ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Tham vọng “nước lớn chính trị” của Nhật Bản, cùng với sự xuất hiện những nhân tố thuận lợi mới về kinh tế, chính trị, đối nội, đối ngoại… khiến giới nghiên cứu và dư luận cho rằng, cam kết “tăng cường năng lực quân sự” vào thời điểm hiện nay của Thủ tướng Abe là phù hợp, nhằm tiến tới việc sửa đổi Hiến pháp hòa bình năm 1946 và nâng cao vị thế của Nhật Bản trong cấu trúc an ninh “đa cực, đa trung tâm” hiện đang trong quá trình định hình là phù hợp.

3. Đổi mới chính sách an ninh đối ngoại

Đổi mới chính sách an ninh đối ngoại là một quá trình. Tuy nhiên, trong gần 8 năm cầm quyền của Thủ tướng Abe chính sách này đã được hoàn thiện và triển khai mạnh mẽ đáp ứng kịp thời nhu cầu thực tiễn, nhất là sự chuyển động trong cấu trúc an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương và trên phạm vi toàn cầu. Trong sách Xanh ngoại giao do Thủ tướng Abe cho công bố năm 2014, Nhật Bản đã thể hiện sự quan ngại về tham vọng biển của Trung Quốc và khẳng định quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo của mình. Được biết, chỉ 1 năm sau khi ông Abe nhậm chức thủ tướng, vào cuối năm 2013, Nhật Bản đã công bố chiến lược an ninh mới với trung tâm là chính sách ngoại giao và quốc phòng, nhằm đảm bảo an ninh quốc gia, đóng góp cho hòa bình và ổn định khu vực và thế giới. Giới phân tích cho rằng, đây là những bước chuyển quan trọng theo hướng đưa Nhật Bản trở thành “nước lớn về quân sự”.

Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, quan hệ Nhật-Mỹ đã bị che lấp bởi cục diện đối đầu hai cực. Khi đó, báo chí Trung Quốc đã tuyên truyền rằng, chính sách đối ngoại của Nhật Bản lệ thuộc vào Mỹ và “chỉ có thể nghe theo Mỹ”. Trước năm 1970, dưới “cái ô bảo vệ an ninh” của Mỹ, Nhật Bản thực hiện “đường lối Yoshida” với những nội dung: ưu tiên phát triển kinh tế, kiểm soát tăng trưởng quân bị, áp dụng thái độ kín tiếng trong các vấn đề quốc tế, nên Nhật Bản không thể có chiến lược an ninh độc lập[16].

Nay vì sự chuyển động của cấu trúc an ninh khu vực và toàn cầu, Mỹ ngày càng không thể cung cấp và bảo đảm an ninh đầy đủ cho Nhật Bản (nhất là từ sau chiến tranh Việt Nam), bản thân Nhật Bản cũng đang tìm cách độc lập hơn về chính trị, kinh tế, ngoại giao và quốc phòng đối với đồng minh và đối tác. Ngay từ tháng 6/1980, cơ quan tư vấn của Thủ tướng Nhật Bản đã trình báo cáo nghiên cứu mang tên “Chiến lược bảo đảm an ninh tổng hợp” (Báo cáo số 80), trong đó nhấn mạnh, “Nhật Bản cần thiết phải tự bảo đảm an ninh và ổn định quốc gia, sử dụng tổng hợp sức mạnh kinh tế, sức mạnh ngoại giao và sức mạnh sáng tạo văn hóa”. Từ đó, một dấu mốc quan trọng là Nhật Bản đã bắt đầu hoạch định chiến lược an ninh quốc gia sau chiến tranh.

Trong “Báo cáo số 94” của Nhật Bản (1994) đã đưa ra “Chiến lược bảo đảm an ninh mang tính xây dựng năng động”, trong đó đã thể hiện tư tưởng “an ninh hợp tác” đậm đặc hơn, việc tự chủ phòng vệ bắt đầu được coi trọng. “Báo cáo số 04” (2004) Nhật Bản đưa ra “Chiến lược bảo đảm an ninh thống nhất”, trong đó nhấn mạnh, thông qua kết hợp giữa “tự nỗ lực” bản thân với “quan hệ đồng minh” và “hợp tác quốc tế”, với hai mục tiêu và nhiệm vụ lớn là “bảo vệ an ninh Nhật Bản” và “cải thiện môi trường an ninh quốc tế”, tính tự chủ phòng vệ được nâng lên vị trí quan trọng. Tiếp theo trong “Báo cáo số 09” và “Báo cáo số 10”, Nhật Bản đưa ra “Chiến lược bảo đảm an ninh hợp tác đa tầng”, trong đó nhấn mạnh, Tokyo cần áp dụng các biện pháp tích cực, chủ động hơn trên tinh thần bảo vệ an ninh tự thân, xác lập vị trí cốt lõi của tư duy “tự phòng vệ” tức là chuyển từ “an ninh lệ thuộc” sang “an ninh tự chủ”[17].

Được biết, ngay từ những năm 1990 của thế kỷ trước, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đã tham gia nhiều nhiệm vụ ở nước ngoài như: gìn giữ hòa bình quốc tế, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn khẩn cấp, chi viện chống khủng bố, hộ tống tàu chống cướp biển... Do đó, trên thực tế Nhật Bản đã hoàn thành mục tiêu chuyển đổi từ “phòng vệ lãnh thổ” sang “can dự nước ngoài”[18]. Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đã trở thành một lực lượng vũ trang có sự kết hợp trong và ngoài nước về chức năng phòng thủ và tấn công[19].

Nhật Bản đã xây dựng một căn cứ quân sự nước ngoài đầu tiên tại Cộng hòa Djibouti kể từ sau khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai, đồng thời cũng tham gia diễn tập song phương với một số nước và tiến hành thăm viếng hải quân. Sự phát triển, chuyển đổi chức năng của Lực lượng Phòng vệ có thể thấy được thông qua nội dung chính của 4 bộ “Đại cương kế hoạch phòng vệ” của Nhật Bản, bao gồm: (1) “Đại cương 76” (1976) đưa ra trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh; (2) “Đại cương 95” (1995) giai đoạn đầu sau Chiến tranh Lạnh; (3) “Đại cương 04” (2004) sau sự kiện 11/9/2001 đã xác định 3 chức năng cho Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản; (4) “Đại cương 10” (2010) đã xác định 3 chức năng lớn trong bối cảnh Mỹ đẩy mạnh chiến lược xoay trục về châu Á-Thái Bình Dương và quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ không ngừng được củng cố, tăng cường[20].

Vì thế, cựu Thủ tướng Nhật Bản Junichiro Koizumi từng tuyên bố: “Tôi cho rằng, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản trên thực tế chính là quân đội. Đây là vấn đề đương nhiên và Hiến pháp Nhật Bản sớm muộn sẽ phải thừa nhận Lực lượng Phòng vệ là quân đội”. Quan điểm nêu trên của các thủ tướng tiền nhiệm đã được Thủ tướng Abe kế thừa. Sau khi giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Thượng viện, Thủ tướng Abe và Đảng LDP đã sử dụng ưu thế mang tính tổ chức trên phạm vi cả nước, truyền bá tư tưởng sửa đổi Hiến pháp đến toàn dân, đồng thời đưa ra nhiều khái niệm như “quân đội chính quy”, “quân đội phòng vệ” để phân tán sự quan ngại của người dân đối với việc “quân đội hóa” Lực lượng Phòng vệ của Nhật Bản[21] (khác với Hiến pháp năm 1946 do Mỹ soạn thảo).

Khi xem xét đến chuyển đổi tính chất của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, có một sự thực cơ bản cần phải thừa nhận là: Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đã hoàn thành sự chuyển đổi tính chất và ý nghĩa thực của nó. Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản hiện nay đã mang dáng dấp của một quân đội chính quy hiện đại, có đầy đủ các quân, binh chủng, biên chế, thể chế hoàn bị, năng lực tác chiến mạnh, vũ khí trang bị tiên tiến.

Hiện nay, ngoài vũ khí hạt nhân và vũ khí mang tính tấn công chiến lược, thực lực phòng vệ của Nhật Bản đã đứng vào hàng tiên tiến trên thế giới (riêng hải quân đứng thứ ba). Trong tương lai, Nhật Bản sẽ thông qua phát triển có trọng điểm các trang bị trên biển, trên không cỡ lớn, tầm xa và thông tin hóa như: máy bay vận tải, tàu chiến cỡ lớn, tên lửa tầm trung và tầm xa; tăng cường năng lực điều động chiến lược; khắc phục điểm yếu trên phương diện vũ khí mang tính tấn công; duy trì ưu thế vũ khí khi tác chiến trên biển, trên không, phản ánh sự chuyển đổi từ “lực lượng phòng vệ” sang “quân đội chính quy”.

Từ những năm cuối thế kỷXX, đầu thế kỷ XXI, Chính phủ Nhật Bản đã bắt đầu có kế hoạch nới lỏng từng bước “Ba nguyên tắc xuất khẩu vũ khí”. Ngày 26/7/2013, Ủy ban Nghiên cứu Phương hướng Phát triển Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đã trình Chính phủ Nhật Bản báo cáo định kỳ về sửa đổi “Đại cương kế hoạch phòng vệ”, trong đó nhấn mạnh, Nhật Bản “cần nhanh chóng tăng cường nền tảng công nghệ và sản xuất quốc phòng của lực lượng phòng vệ tiềm năng”, “xây dựng quan hệ hợp tác lâu dài, ổn định giữa chính phủ và tư nhân, tích cực thúc đẩy quân sự chuyển sang dân sự trang bị quốc phòng, nâng cao sức cạnh tranh quốc tế của các tổ chức công nghiệp quốc phòng”[22].

Các chuyên gia phân tích cho rằng, mục tiêu chuyển từ “tự tiêu hóa” sang “cạnh tranh nước ngoài” của vũ khí trang bị do Nhật Bản sản xuất đã được gấp rút triển khai thực hiện, sự chuyển đổi trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng của Nhật Bản cũng đã được đẩy mạnh và Nhật Bản sẽ nhanh chóng khẳng định vị thế của một cường quốc quân sự trong khu vực và trên thế giới.

Ngày 1/4/2014, Chính phủ của Thủ tướng Abe đã chính thức phê duyệt chính sách mới về xuất khẩu vũ khí nhằm làm thay đổi đáng kể những hạn chế trong việc xuất khẩu vũ khí và tăng cường quan hệ với các đồng minh cũng như tạo động lực cho sự phát triển của ngành công nghiệp quốc phòng. Chính sách mới này tập trung vào việc sửa đổi “3 nguyên tắc” cấm xuất khẩu vũ khí được lập ra năm 1967, thay vào đó, những đối tượng mà Nhật Bản được phép xuất khẩu vũ khí bao gồm: các cơ quan, tổ chức có liên quan đến các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, Tổ chức cấm vũ khí hóa học… và các quốc gia được cộng đồng quốc tế giao đảm nhận những nhiệm vụ cụ thể. Theo đó: (1) Chính phủ Nhật Bản có thể cấp phép xuất khẩu một số loại vũ khí;  (2) cho phép xuất khẩu vũ khí phục vụ cho mục đích hợp tác quốc tế; (3) đưa các thiết bị quân sự hư hỏng ra nước ngoài sửa chữa.

Ngày 15/11/2013, với đề xuất của Thủ tướng Abe, Thượng viện Nhật Bản cũng đã thông qua dự luật sửa đổi “Luật Lực lượng Phòng vệ” với đa số phiếu tán thành, trong đó có 2 điểm mới sửa đổi quan trọng: Một là, cho phép Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản mở rộng biện pháp vận chuyển ở nước ngoài khi xảy ra sự cố khẩn cấp ở bên ngoài lãnh thổ. Hai là, cho phép Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản mở rộng đối tượng vận chuyển ở nước ngoài trong tình huống khẩn cấp[23].

Như vậy, mục tiêu “nước lớn chính trị” đã được Nhật Bản ấp ủ từ năm 1975 và từng bước thể hiện trong mỗi giai đoạn chiến lược cụ thể. Tuy nhiên, trước sự lấn lướt của Trung Quốc và sự hạn chế thực lực của Mỹ tại khu vực,với tư duy chiến lược nhạy bén Thủ tướng Abe Shinzo đã sớm nhận thấy sự cần thiết phải thể hiện vị thế “nước lớn chính trị” của mình đối với đồng minh và đối tác. Sự “chủ động, tích cực” đảm bảo an ninh, ổn định khu vực và thế giới là trách nhiệm ngày càng lớn của Nhật Bản, khiến cho vấn đề sửa đổi “Hiến pháp Hòa bình” do Mỹ soạn thảo năm 1946 và Luật Lực lượng Phòng vệ” càng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết./.

 

Nguyễn Nhâm1


TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Việt Dũng, “Chuyển đổi quân sự Nhật Bản: Bước cuối cùng là sửa Hiến pháp”, https://anh135689999.violet.vn/entry/chuyen-doi-quan-su-nhat-ban-buoc-cuoi-cung-la-sua-hien-phap-9538069.html.

2. Ngọc Huân, “Nhật Bản sẽ tăng ngân sách quốc phòng lên mức kỷ lục?”, http://tinnuocnhat.com/nhat-ban-se-tang-ngan-sach-quoc-phong-len-muc-ky-luc-d1123.html.

3. Kyodo, “Nội các Nhật Bản thông qua dự luật phê chuẩn FTA với EU”, https://baoquocte.vn/noi-cac-nhat-ban-thong-qua-du-luat-phe-chuan-fta-voi-eu-81038.html.

4. Huy Lê, “Cuộc cách mạng robot ở Nhật Bản”, https://baotintuc.vn/ho-so/cuoc-cach-mang-robot-o-nhat-ban-ky-1-20150906195938729.htm

5. Minh Luân, “Nhật Bản với mong muốn tái vũ trang”, http://antg.cand.com.vn/Su-kien-Binh-luan-antg/Nhat-Ban-voi-mong-muon-tai-vu-trang-304906/.

6. Đức Lê, “Đôi nét về chính sách quốc phòng của Nhật Bản”, http://tapchiqptd.vn/vi/binh-luan-phe-phan/doi-net-ve-chinh-sach-quoc-phong-cua-nhat-ban/5234.html.

7. BM, “Nội các Nhật Bản thông qua các dự thảo luật sửa đổi chính sách an ninh”, https://nhandan.com.vn/tin-tuc-the-gioi/noi-cac-nhat-ban-thong-qua-cac-du-thao-luat-sua-doi-chinh-sach-an-ninh-232283/.

8. Phương Mai,“Kinh tế Nhật Bản trước những lực cản”, https://nhandan.com.vn/tin-tuc-the-gioi/kinh-te-nhat-ban-truoc-nhung-luc-can-375337/.

9. Nguyễn Nhâm, “Nhật Bản có trở lại ngôi vị số 2 trong nền kinh tế toàn cầu?”, https://dangcongsan.vn/the-gioi/tin-tuc/nhat-ban-co-tro-lai-ngoi-vi-so-2-trong-nen-kinh-te-toan-cau-516461.html.

10. Hoàn Nguyên, “OECD hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu vì Covid-19”, https://thoibaonganhang.vn/oecd-ha-du-bao-tang-truong-toan-cau-vi-covid-19-98593.html.

11. Nguyễn Nhâm, “Vì sao Nhật Bản “Tăng cường năng lực quân sự” vào thời điểm hiện nay?”, http://fujico.edu.vn/tin-tuc/vi-sao-nhat-ban-tang-cuong-nang-luc-quan-su-vao-thoi-diem-hien-nay.html.

12. Nguyễn Nhâm,“Nhật Bản liệu có tái quân sự hóa”, https://nhandan.com.vn/ho-so-tu-lieu/nhat-ban-lieu-co-tai-quan-su-hoa-385112/

13. Nguyễn Nhâm, “Thế giới “đa cực, đa trung tâm” đang định hình rõ nét?”, https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/the-gioi-da-cuc-da-trung-tam-dang-dinh-hinh-ro-net-712216.vov.

14. Nguyễn Nhâm, “Đâu là điểm mới trong Sách Trắng quốc phòng Nhật Bản 2019?”, https://www.vov.vn/the-gioi/quan-sat/dau-la-diem-moi-trong-sach-trang-quoc-phong-nhat-ban-2019-965528.vov.

15. Nguyễn Nhâm, “Những điểm mới trong chính sách an ninh đối ngoại của Nhật Bản”, https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/nhung-diem-moi-trong-chinh-sach-an-ninh-doi-ngoai-cua-nhat-ban-342609.vov.

16. Tuấn Sơn,“Dự toán ngân sách quốc phòng Nhật Bản năm 2020 đạt mốc kỷ lục 50 tỷ USD”, https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/tin-tuc/du-toan-ngan-sach-quoc-phong-nhat-ban-nam-2020-dat-moc-ky-luc-50-ty-usd-590087.

17. Thanh Trần, “Chiến lược kích thích kinh tế Abenomics sẽ ra sao khi Thủ tướng Nhật Bản từ chức?”, https://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-quoc-te/chien-luoc-kich-thich-kinh-te-abenomics-se-ra-sao-khi-thu-tuong-nhat-ban-tu-chuc-327252.html.

18. Hà Thu, “Abenomicssẽ về đâu khi Thủ tướng Nhật Bản từ chức?”, https://vnexpress.net/abenomics-se-ve-dau-khi-thu-tuong-nhat-ban-tu-chuc-4153776.html.

 

 

Japan’s Movement under Prime Minister Abe Shinzo

Nguyen Nham

On August 28, 2020, Japanese Prime Minister Abe Shinzo officially announced his resignation for health reasons, in order to facilitate the country to continue developing. During his nearly eight years in power, PM Abe has devoted to "the country of the rising sun" with important achievements such as: reviving the economy with the theory of "Abenomics"; increasing military capacity to turn Japan from "economic big country" to "political big country"; renewing foreign security policy from "dependent security" to "autonomous security". Researchers and public opinion have had positive reviews about him - the longest serving Prime Minister in Japanese politics.

 

Thông tin cá nhân

 

Họ và tên: Nguyễn Nhâm

Cấp bậc:    Đại tá (nghỉ hưu)

Chức vụ:   Nguyên Chủ nhiệm Khoa KTCT Học viện Chính trị - BQP

Học vị:      Cử nhân kinh tế và Tham mưu chiến lược, cán bộ Nghiên cứu Viện Chiến lược Quốc phòng – BQP

Tel:         0977372113; 0368265123

Email:       nguyennham1941@gmail.com

 


[1]Viện Chiến lược Quốc phòng, Bộ Quốc phòng

[2]Hà Thu, “Abenomics sẽ về đâu khi Thủ tướng Nhật Bản từ chức?”,https://vnexpress.net/abenomics-se-ve-dau-khi-thu-tuong-nhat-ban-tu-chuc-4153776.html.

[3]Nguyễn Nhâm, “Nhật Bản có trở lại ngôi vị số 2 trong nền kinh tế toàn cầu?”,https://dangcongsan.vn/the-gioi/tin-tuc/nhat-ban-co-tro-lai-ngoi-vi-so-2-trong-nen-kinh-te-toan-cau-516461.html.

[4]Kyodo, “Nội các Nhật Bản thông qua dự luật phê chuẩn FTA với EU”, https://baoquocte.vn/noi-cac-nhat-ban-thong-qua-du-luat-phe-chuan-fta-voi-eu-81038.html.

[5] Huy Lê,“Cuộc cách mạng robot ở Nhật Bản”,https://baotintuc.vn/ho-so/cuoc-cach-mang-robot-o-nhat-ban-ky-1-20150906195938729.htm.

[6]Phương Mai, “Kinh tế Nhật Bản trước những lực cản”, https://nhandan.com.vn/tin-tuc-the-gioi/kinh-te-nhat-ban-truoc-nhung-luc-can-375337/.

[7] Thanh Trần, “Chiến lược kích thích kinh tế Abenomics sẽ ra sao khi Thủ tướng Nhật Bản từ chức?”, https://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-quoc-te/chien-luoc-kich-thich-kinh-te-abenomics-se-ra-sao-khi-thu-tuong-nhat-ban-tu-chuc-327252.html.

[8] Hoàn Nguyên,“OECD hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu vì Covid-19”, https://thoibaonganhang.vn/oecd-ha-du-bao-tang-truong-toan-cau-vi-covid-19-98593.html.

[9] Nguyễn Nhâm,“Vì sao Nhật Bản “Tăng cường năng lực quân sự” vào thời điểm hiện nay?”http://fujico.edu.vn/tin-tuc/vi-sao-nhat-ban-tang-cuong-nang-luc-quan-su-vao-thoi-diem-hien-nay.html

[10] Nguyễn Nhâm,“Nhật Bản liệu có tái quân sự hóa”, https://nhandan.com.vn/ho-so-tu-lieu/nhat-ban-lieu-co-tai-quan-su-hoa-385112/.

[11] Minh Luân,“Nhật Bản với mong muốn tái vũ trang”, http://antg.cand.com.vn/Su-kien-Binh-luan-antg/Nhat-Ban-voi-mong-muon-tai-vu-trang-304906/.

[12]Nguyễn Nhâm, “Thế giới “đa cực, đa trung tâm” đang định hình rõ nét?”, https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/the-gioi-da-cuc-da-trung-tam-dang-dinh-hinh-ro-net-712216.vov.

[13] Ngọc Huân,“Nhật Bản sẽ tăng ngân sách quốc phòng lên mức kỷ lục?”, http://tinnuocnhat.com/nhat-ban-se-tang-ngan-sach-quoc-phong-len-muc-ky-luc-d1123.html.

[14]Nguyễn Nhâm, “Đâu là điểm mới trong Sách Trắng Quốc phòng Nhật Bản 2019?”, https://www.vov.vn/the-gioi/quan-sat/dau-la-diem-moi-trong-sach-trang-quoc-phong-nhat-ban-2019-965528.vov.

[15] Tuấn Sơn,“Dự toán ngân sách quốc phòng Nhật Bản năm 2020 đạt mốc kỷ lục 50 tỷ USD”, https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/tin-tuc/du-toan-ngan-sach-quoc-phong-nhat-ban-nam-2020-dat-moc-ky-luc-50-ty-usd-590087.

[16]Nguyễn Nhâm, “Những điểm mới trong chính sách an ninh đối ngoại của Nhật Bản”, https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/nhung-diem-moi-trong-chinh-sach-an-ninh-doi-ngoai-cua-nhat-ban-342609.vov.

[17]Nguyễn Nhâm, “Những điểm mới trong chính sách an ninh đối ngoại của Nhật Bản”, Tlđd.

[18]Nguyễn Nhâm, “Những điểm mới trong chính sách an ninh đối ngoại của Nhật Bản”, Tlđd.

[19]Nguyễn Nhâm, “Những điểm mới trong chính sách an ninh đối ngoại của Nhật Bản”, Tlđd.

[20]Đức Lê, “Đôi nét về chính sách quốc phòng của Nhật Bản”, http://tapchiqptd.vn/vi/binh-luan-phe-phan/doi-net-ve-chinh-sach-quoc-phong-cua-nhat-ban/5234.html.

[21] Việt Dũng,“Chuyển đổi quân sự Nhật Bản: Bước cuối cùng là sửa Hiến pháp”, https://anh135689999.violet.vn/entry/chuyen-doi-quan-su-nhat-ban-buoc-cuoi-cung-la-sua-hien-phap-9538069.html

[22]Nguyễn Nhâm, “Những điểm mới trong chính sách an ninh đối ngoại của Nhật Bản”, Tlđd.

[23] BM,“Nội các Nhật Bản thông qua các dự thảo luật sửa đổi chính sách an ninh”,https://nhandan.com.vn/tin-tuc-the-gioi/noi-cac-nhat-ban-thong-qua-cac-du-thao-luat-sua-doi-chinh-sach-an-ninh-232283/.

0thảo luận