Trang chủ

Nhìn lại lịch sử quan hệ Bhutan – Trung Quốc

Đăng ngày: 10-10-2022, 15:30 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2021, Số 3

Tóm tắt: Về mặt địa lý, Bhutan và Trung Quốc đại lục không có sự tiếp giáp trực tiếp. Vương quốc Bhutan và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa chưa bao giờ duy trì quan hệ ngoại giao chính thức. Trong lịch sử, mối quan hệ giữa Bhutan và Trung Quốc diễn ra thông qua Tây Tạng. Trung Quốc trở thành láng giềng của Bhutan khi nước này chiếm đóng Tây Tạng (1959), vùng lãnh thổ mà Bhutan có mối quan hệ sâu sắc về văn hóa, huyết thống và tôn giáo. Mặc dù Bhutan và Trung Quốc không có quan hệ ngoại giao trực tiếp hay thương mại hợp pháp, nhưng mối quan tâm ngày càng tăng của Trung Quốc ở Nam Á khiến cho nước này quan tâm đến Bhutan.Bài viết phân tích quan hệ Bhutan- Trung Quốc trong lịch sử và xem xét vấn đề tranh chấp biên giới giữa hai nước.

Từ khóa: Bhutan, Trung Quốc, quan hệ, biên giới, tranh chấp


T

rong suốt chiều dài lịch sử Bhutan, nước này về cơ bản là một phần của hệ thống Himalaya và không phải một phần của hệ thống Nam Á. Những tương tác trực tiếp của Bhutan về chính trị và kinh tế được thực hiện với các nhà nước và lãnh thổ vùng Himalaya như Tây Tạng và[1]Sikkim. Sự tương tác giữa Bhutan và Ấn Độ (cho đến giữa thế kỷ XVIII) diễn ra dưới hình thức ảnh hưởng tôn giáo và văn hóa (Phật giáo), quan hệ kinh tế và chính trị giữa Ấn Độ và Bhutan chỉ bắt đầu sau khi người Anh đặt chân đến Assam và quan tâm đến Tây Tạng[2].Bắt đầu từ giữa thế kỷ XIX, Bhutan chịu ảnh hưởng của Ấn Độ thuộc Anh. Từ đó, Ấn Độ trở thành nhân tố quyết định trong sự phát triển và quan hệ đối ngoại của Bhutan. Điều này không chỉ xuất phát từ sự gần gũi về địa lý giữa Ấn Độ và Bhutan mà còn là một lựa chọn được cân nhắc kỹ lưỡng của giới tinh hoa thống trị ở Bhutan, mong muốn tiếp tục thúc đẩy những kết nối kinh tế và chính trị với Ấn Độ[3]. Vì vậy, những thay đổi trong quan hệ Bhutan – Trung Quốc chịu tác động chủ yếu bởi những thay đổi trong vị trí của Bhutan đối với Ấn Độ và bầu không khí của mối quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc.

1. Quan hệ Bhutan - Trung Quốc giai đoạn 1900-1960

Lịch sử quan hệ giữa Bhutan và Trung Quốc có thể được xem xét thông qua những kết nối giữa Bhutan và Tây Tạng. Bhutan đã kết nối với Tây Tạng trên nhiều khía cạnh. Trên thực tế, nhà nước – dân tộc Bhutan có nguồn gốc từ một nhà sư Tây Tạng, Shabdrung Ngawang Namgyel, người đã đến Bhutan vào năm 1616 ở tuổi 23[4].Các sự kiện xảy ra ở Tây Tạng trong khoảng thời gian từ năm 1900 đến 1960 đã đẩy Bhutan ra khỏi quỹ đạo an ninh – chính trị vùng Himalaya gắn với Tây Tạng-Trung Quốc. Đồng thời, những hoạt động của người Anh từ giữa thế kỷ XIX đã kéo Bhutan vào quỹ đạo an ninh – chính trị Nam Á do Anh thống trị. Điều này cuối cùng dẫn đến việc chính phủ Bhutan đóng cửa biên giới phía bắc của đất nước với Tây Tạng năm 1960. Hiệp ước Sinchula (1865) và Hiệp ước Punakha (1910) giữa Bhutan và Chính phủ Ấn Độ thuộc Anh là kim chỉ nam cho mối quan hệ giữa Ấn Độ và Bhutan, trong đó người Anh tại Ấn hứa không can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Bhutan, còn Bhutan chấp nhận sự hướng dẫn và tư vấn của chính quyền Anh Ấn trong những vấn đề liên quan đến quan hệ đối ngoại[5].

Hiệp ước Sinchula được sửa đổi vào năm 1910, trong đó có một điều khoản xác định Bhutan trở thành quốc gia bảo hộ của Chính phủ Ấn Độ thuộc Anh. Sau năm 1910, Trung Quốc có những nỗ lực lôi kéo Bhutan, vừa bằng cách thuyết phục, vừa bằng cách cưỡng chế khi cần, nhưng Hiệp ước Punakha đã cản trở mọi nỗ lực của Trung Quốc. Những nỗ lực của Trung Quốc trong việc khẳng định quyền làm chủ đối với Bhutan và coi Bhutan là chư hầu của nước này được thể hiện trong những bức thư của quan chức cấp cao (Amban) Trung Quốc tại Lhasa gửi người cầm quyền Bhutan yêu cầu ông tuân thủ các mệnh lệnh như việc lưu thông tiền Tây Tạng của Trung Quốc ở Bhutan. Bức thư của quan chức Trung Quốc gửi nhà cầm quyền Bhutan năm 1910 với chức vụ Dev Raj, một chức vụ đã bị giải thể sau khi thể chế quân chủ cha truyền con nối được thiết lập ở Bhutan năm 1907, thể hiện sự cố ýthay đổi một sự việc đã rồi. Nhưng lập trường vững chắc của Chính phủ Ấn Độ thuộc Anh đã dập tắt mọi nỗ lực của Trung Quốc từ trong trứng nước. Từ đó cho đến năm1947 khi người Anh rời khỏi Ấn Độ, Bhutan là quốc gia nằm dưới sự bảo hộ của chính quyền Ấn thuộc Anh và Trung Quốc không cố gắng can thiệp vào công việc của Bhutan[6]. Như vậy, có thể nói, Hiệp ước 1910 là yếu tố chính ngăn cản Trung Quốc phát triển mối quan hệ với Bhutan.

Lịch sử cho thấy, khi quan hệ Bhutan - Ấn Độ thân thiện, quan hệ Bhutan – Trung Quốc rơi vào trạng thái căng thẳng. Và ngược lại, khi quan hệ Bhutan – Trung Quốc căng thẳng, quan hệ Bhutan - Ấn Độ trở nên thân thiện. Sau khi Ấn Độ được trao trả nền độc lập vào năm 1947, nước này cam kết tôn trọng quyền tự quyết và sự thống nhất (sovereignty and integrity) của Bhutan[7]. Mối quan hệ Ấn Độ - Bhutan trở nên gắn bó mật thiết. Cùng lúc, quan hệ Bhutan – Trung Quốc ngày càng trở nên căng thẳng do quan điểm khác với Trung Quốc về lãnh thổ Bhutan và những hành động của nước này ở Tây Tạng. Từ năm 1857, người Trung Quốc thường xuyên lên tiếng rằng, Nepal, Bhutan, Sikkim và Tây Tạng đều là một phần của “đế chế Trung Hoa”[8]. Năm 1930, Mao Trạch Đông được cho là đã tuyên bố rằng, biên giới chính xác của Trung Quốc bao gồm Burma, Bhutan, Đài Loan, Nepal, Hàn Quốc và các đảo Ryuku[9].Giai đoạn căng thẳng ở vùng Himalaya bắt đầu khi Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa chiếm đóng Tây Tạng năm 1950. Thủ tướng Nehru tuyên bố tại Quốc hội Ấn Độ rằng, Ấn Độ không cho phép biên giới Himalaya bị xâm phạm, và rằng việc bảo vệ Bhutan, Nepal và Sikkim là trách nhiệm của Ấn Độ[10]. Thủ tướng Nehru có thể xoa dịu căng thẳng khu vực trong một vài năm bằng cách thúc đẩy quan hệ hữu nghị với Trung Quốc.

Năm 1954, chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa công bố “A Brief History of China” [Lịch sử Trung Hoa giản lược] trong đó một phần đáng kể lãnh thổ của Bhutan được bao gồm trong lãnh địa của Trung Quốc thời tiền sử[11]. Năm 1958, một bản đồ khác của Trung Quốc tuyên bố một dải đất rộng khác của Bhutan (thuộc về Trung Quốc) và sau đó, người Trung Quốc được cho là đã “chiếm đóng” khoảng 300 dặm vuông lãnh thổ Bhutan ở phía bắc và đông bắc Bhutan[12].Làn sóng phản ứng nổi lên khi cuộc nổi dậy ở Tây Tạng lên cao trào năm 1958-59 và quan hệ Ấn – Trung tụt dốc. Năm 1960, lãnh đạo Trung Quốc ở Lhasa (thủ phủ Tây Tạng) nhắc đến việc “giải phóng” Bhutan và các nhà nước tiền tuyến vùng Himalaya khỏi sự kiểm soát “sai trái”của“đế quốc Ấn Độ” (imperial India)[13].

Tất cả những biểu hiện trên của Trung Quốc đã khiến cho Bhutan lo ngại và trở nên thận trọng trong mối quan hệ với Trung Quốc. Sự kiện diễn ra tại Tây Tạng năm 1959 có tác động mang tính quyết định đối với sự chuyển hướng trong chính sách đối ngoại của Bhutan đối với Trung Quốc và Ấn Độ. Cảnh ngộ của Đức Dalai Lama thứ 14 và hàng nghìn người Tây Tạng khác, sự đối xử nhẫn tâm của Trung Quốc đối với những người đồng đạo láng giềng năm 1959 đã làm tổn thương sâu sắc tầng lớp tinh hoa cũng như dân chúng ở Bhutan. Vì vậy, năm 1960, Bhutan quyết định đóng cửa hoàn toàn việc buôn bán, thương mại với Tây Tạng (Trung Quốc) và rút đại diện của nước này khỏi Lhasa và các viên chức ở phía tây Tây Tạng[14]. Từ đó về sau, Bhutan chuyển hướng chính sách thúc đẩy mối quan hệ với nước láng giềng phía nam (Ấn Độ) trong hoạt động thương mại và những lĩnh vực hợp tác khác[15].

2. Quan hệ Bhutan - Trung Quốc giai đoạn 1960-2000

Khi quan hệ Bhutan - Trung Quốc xuống dốc thì quan hệ Bhutan - Ấn Độ lại tăng tốc. Năm 1961, Druk Gyalpo và Thủ tướng Jigme Palden Dorji thăm New Delhi và có lẽ đã đạt được những thỏa thuận không chính thức về trách nhiệm quốc phòng và huấn luyện các phái đoàn quân sự của Ấn Độ đối với Bhutan, cũng như viện trợ kinh tế và tư cách thành viên trong các tổ chức quốc tế của Bhutan trong những năm kế tiếp, bắt đầu từ Kế hoạch Colombo[16]. Kế hoạch phát triển chính thức của Bhutan bắt đầu từ năm 1961 với cách tiếp cận thận trọng đối với hiện đại hóa thông qua cải thiện cơ sở hạ tầng kinh tế và giáo dục. Ấn Độ trợ giúp 100% tài chính và kỹ thuật cho Bhutan trong hai kế hoạch 5 năm đầu tiên[17].Năm 1961, một đội quân nhỏ của Ấn Độ đã thực hiện chuyến đi bộ vất vả xuyên Bhutan, quan sát Tây Tạng tận mắt, và không lâu sau đó, Tổ chức Đường biên giới Ấn Độ (Indian Border Roads Organization) khởi công xây dựng một con đường lớn nối Tây Bengal với thị trấn biên giới Phuntsholing ở Bhutan, vượt qua rặng núi đến Thimphu[18].

Về phía Trung Quốc, sau khi hợp nhất Tây Tạng vào lãnh thổ Trung Quốc, nước này theo đuổi chính sách “cây gậy và củ cà rốt” đối với Bhutan[19]. Một mặt, Trung Quốc hỗ trợ sự phát triển của Bhutan thông qua những hứa hẹn về viện trợ kinh tế và mặt khác tiếp tục có yêu sách đối với lãnh thổ của Bhutan. Khi Ấn Độ thất bại trong cuộc chiến tranh biên giới với Trung Quốc năm 1962, chính sách của Bhutan với Trung Quốc và Ấn Độ có sự thay đổi. Bhutan tuyên bố trung lập trong suốt cuộc xung đột biên giới Ấn – Trung năm 1962. Nghi ngờ khả năng bảo vệ Bhutan của Ấn Độ trước Trung Quốc, Bhutan trong một vài năm đã “lần đầu tiên” sử dụng chiến lược “cân bằng” nước lớn tương tự như Nepal. Tuy nhiên, cuối cùng, Bhutan bác bỏ mô hình Nepal và theo đuổi chính sách thận trọng đáp ứng lợi ích an ninh khu vực của Ấn Độ, đồng thời mở rộng mối quan hệ của mình với thế giới bên ngoài[20].

Những thay đổi trong chính sách của Bhutan vào cuối thập niên 1960 đã dẫn đến những thay đổi trong mối quan hệ giữa Bhutan và Trung Quốc vào đầu thập niên 1970. Cuối thập niên 1960, Bhutan bắt đầu đa dạng hóa chính sách đối ngoại và tham gia tích cực hơn vào chính trị quốc tế. Điều này dẫn đến 4 sáng kiến chính sách quan trọng: (i) một kế hoạch hiện đại hóa từng bước cho đất nước; (ii) thận trọng và từng bước khẳng định chủ quyền; (iii) thiết lập mối quan hệ với nhiều nước khác và (iv) trở thành thành viên của nhiều tổ chức quốc tế. Điều này dẫn đến sự gắn kết tích cực hơn của Bhutan đối với Trung Quốc. Năm 1971 là một dấu mốc quan trọng trong mối tương tác giữa Bhutan và Trung Quốc. Trung Quốc bỏ phiếu ủng hộ tư cách thành viên của Bhutan tại Liên Hợp Quốc, theo đó công khai công nhận nước này là một quốc gia độc lập. Bhutan bỏ phiếu ủng hộ việc khôi phục vị trí hợp pháp của Trung Quốc trong Liên Hợp Quốc vào năm 1971 và 1974. Tuy nhiên, cũng trong năm 1971, Quốc vương Bhutan có tuyên bố ủng hộ mạnh mẽ chính sách của Ấn Độ đối với nhà nước mới thành lập ở Bangladesh, điều gây khó chịu cho Trung Quốc[21].

Một mặt, Trung Quốc lôi kéo Bhutan vào các năm 1974-1975, mặt khác Trung Quốc gia tăng các cuộc tấn công Ấn Độ vì cho rằng nước này “thôn tính” Sikkim. Quốc vương Bhutan tránh những lời chỉ trích công khai; ông đã đích thân đến thăm New Delhi và được Thủ tướng Indira Gandhi trấn an rằng, Ấn Độ không có ý đồ nào đối với Bhutan[22].Sau khi chính quyền Indira Gandhi thất bại trước liên minh Janata trong cuộc bầu cử năm 1977, có một sự hiểu lầm tiềm tàng khác giữa Thimphu và New Delhi tại Hội nghị thượng đỉnh NAM ở Havana năm 1979 khi Bhutan bỏ phiếu khác với Ấn Độ về vị trí của phái đoàn Campuchia[23]. Quốc vương Bhutan không có mối quan hệ tốt với chính quyền mới ở Delhi và thậm chí mong muốn làm mới Hiệp ước 1949 giữa Bhutan và Ấn Độ[24]. Nhân dịp này, Trung Quốc cũng tích cực thể hiện sự sẵn sàng thiết lập quan hệ ngoại giao với Bhutan và hỗ trợ sự phát triển của Bhutan. Tuy nhiên, Quốc vương Bhutanđã không đáp lại thiện chí của phía Trung Quốc, và ngoại giao khéo léo giữa Thimphu và New Delhi đã giúp khôi phục bầu không khí thân thiện và thực chất của mối quan hệ đôi bên cùng có lợi giữa Ấn Độ và Bhutan[25]. Chính phủ hoàng gia Bhutan đã không sử dụng “thẻ bài Trung Quốc” để cân bằng ảnh hưởng giữa hai nước láng giềng khổng lồ như trường hợp Nepal. Bộ trưởng Ngoại giao Bhutan, Lyonpo Dawa Tsering (1992) nói: “Bhutan chấp nhận thực tế rằng, an ninh và vận mệnh của nước này được bao bọc ở Nam Á. Chúng tôi nằm ở phía nam của dãy Himalaya và hơn 30 năm trước, chúng tôi đã gắn số phận mình với Ấn Độ[26].

Mặc dù Bhutan bắt đầu mở rộng quan hệ đối ngoại với bên ngoài thông qua Liên Hợp Quốc vào thập niên 1970, nhưng những trao đổi trực tiếp giữa các quan chức Bhutan và Trung Quốc về vấn đề biên giới chỉ bắt đầu vào thập niên 1980 và với sự tán thành của Ấn Độ khi Ấn Độ và Trung Quốc bắt đầu tiến trình bình thường hóa mối quan hệ song phương.Theo lời mời của Chính phủ hoàng gia Bhutan, người phụ trách lâm thời của Trung Quốc tại Ấn Độ, Ma Muming, đã tham dự lễ đăng quang của Quốc vương Jigme Singye Wangchuk. Các chuyến thăm song phương hạn chế nhưng thường xuyên bắt đầu từ năm 1980, đồng thời những tương tác thông qua các kênh đa phương khác tạo nền tảng quan trọng cho các cuộc gặp gỡ của các nhà lãnh đạo và quan chức Trung Quốc và Bhutan. Năm 1984, các cuộc đàm phán biên giới song phương bắt đầu, giúp cung cấp một diễn đàn mới cho sự gặp gỡ tương tác thường xuyên của hai bên. Đại sứ Trung Quốc tại Ấn Độ thường xuyên đến thăm Bhutan từ năm 1994, trong khi đó, Đại sứ Bhutan tại Ấn Độ đi thăm Trung Quốc năm 2000[27].

Mặc dù vậy, tương tác giữa Bhutan và Trung Quốc trong hầu hết các lĩnh vực vẫn ở mức tối thiểu hoặc không đáng kể[28]. Thương mại giữa Trung Quốc và Bhutan chỉ đạt 1,954 triệu USD vào năm 2000, 1,6 triệu USD vào năm 2001 và xấp xỉ 1 triệu USD vào năm 2002[29].Bất chấp những lời đề nghị từ phía Trung Quốc, hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, văn hóa và các lĩnh vực khác vẫn chưa hình thành[30].Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố rằng, “theo yêu cầu của chính phủ hoàng gia Bhutan, Trung Quốc đã cung cấp một số lượng nhỏ học bổng Chính phủ cho phía Bhutan nhưng chưa có sinh viên Bhutan nào được cử sang học ở Trung Quốc”; không có báo cáo chính thức về bất kỳ người Bhutan nào nhận được học bổng Trung Quốc[31].Tuy nhiên, vào năm 2000, hai chính phủ đã đạt được thỏa thuận về việc duy trì lãnh sự danh dự của Bhutan tại Đặc khu hành chính Macao của Trung Quốc và vào năm 2001- 2002, bộ phận kiểm toán của hai nước đã bắt đầu chuyến thăm trao đổi đầu tiên[32].

3. Vấn đề tranh chấp biên giới Trung Quốc – Bhutan

Trung Quốc chia sẻ đường biên giới với 14 nước, trong đó Bhutan là quốc gia nhỏ nhất. Ngược lại, Bhutan chỉ có chung đường biên giới với hai quốc gia là Trung Quốc và Ấn Độ. Trung Quốc và Bhutan có chung đường biên giới dài 470 km và từ lâu đã có những khác biệt về cách phân định. Hiện nay, hai bên phân định theo đặc điểm tự nhiên, đó là đầu nguồn của thung lũng Chumbi ở phía Tây Bắc và đỉnh của dãy Himalaya ở phía Bắc. Trong các cuộc đàm phán biên giới giữa Bhutan và Trung Quốc, các khu vực tranh chấp được chia thành các phần Trung và Tây Bắc. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với 764 km2 bao phủ phía Tây Bắc (269 km2) và vùng trung tâm của Bhutan (495 km2). Trong khi phần phía Tây Bắc bao gồm Doklam, Sinchulung, Dramana và Shakhatoe ở các quận Samste, Haa và Paro, phần trung tâm bao gồm thung lũng Pasamlung và Jakarlung ở quận Wagduerphodrang.

Trước năm 1984, quan điểm của Ấn Độ trong vấn đề biên giới Bhutan – Trung Quốc là, vấn đề biên giới Bhutan – Trung Quốc là một phần không thể tách rời với tranh chấp biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ, và rằng, Bhutan chỉ có thể tiếp cận Trung Quốc thông qua Ấn Độ. Trên thực tế, tất cả các liên lạc giữa Thimphu và Bắc Kinh về vấn đề này đều đi qua con đường của New Delhi. Phía Ấn Độ cho rằng, theo các điều khoản của Hiệp ước năm 1949 giữa Bhutan và Ấn Độ thì New Delhi là cơ quan hợp pháp duy nhất giải quyết vấn đề này. Năm 1959, Thủ tướng Nehru có trao đổi với Thủ tướng Chu Ân Lai: “Theo mối quan hệ hiệp ước với Bhutan, Chính phủ Ấn Độ là cơ quan duy nhất có thẩm quyền giải quyết với các chính phủ khác về vấn đề liên quan đến quan hệ đối ngoại của Bhutan. Do đó, việc sửa chữa các sai sót trong bản đồ Trung Quốc liên quan đến biên giới của Bhutan với Tây Tạng là một vấn đề cần được thảo luận cùng với biên giới của Ấn Độ với vùng Tây Tạng của Trung Quốc trong cùng khu vực[33].

Ấn Độ đã cố gắng giải quyết vấn đề Trung Quốc xâm nhập biên giới Bhutan với Bắc Kinh nhưng phía Bắc Kinh nhất quyết từ chối nói chuyện với Ấn Độ về biên giới Trung Quốc – Bhutan. Bắc Kinh khẳng định quan điểm rằng, Bhutan nên nói chuyện trực tiếp với Trung Quốc về vấn đề tranh chấp biên giới[34].Cuối cùng, vào năm 1984, đàm phán biên giới trực tiếp giữa Bhutan và Trung Quốc bắt đầu. Trung Quốc không giấu giếm mong muốn đạt được các thỏa thuận biên giới với tất cả các nước láng giềng, và sẵn sàng “hào phóng” với các nước như Bhutan khi thương lượng. Bhutan chuẩn bị kỹ lưỡng cho các cuộc đàm phán bằng việc thu thập các chứng cứ tài liệu về quyền sở hữu đất và quyền chăn thả của cư dân địa phương trong các khu vực mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trong các năm 1982-1983, trước khi các cuộc đàm phán bắt đầu. Các nguyên tắc tiến hành đàm phán biên giới được xây dựng trong năm cuộc họp đầu tiên. Sau đó, các vấn đề liên quan đến lãnh thổ tranh chấp và sự khác biệt trong phân định ranh giới mô tả trên bản đồ được giải quyết. Đến năm 1993, chínvòng đàm phán đã được tổ chức. Cuộc đàm phán lần thứ 19 được tổ chức ở Thimphu vào tháng 1/2010. Có nguồn tin cho rằng, đến năm 1992, Trung Quốc đã rút lại đáng kể các yêu sách về lãnh thổ, cả ở các quận Ha và Lhuntshi, bởi vì Bhutan đã đưa ra đầy đủ bằng chứng tư liệu về các quyền chăn thả và thu thuế để chứng minh quyền sở hữu.Các nguồn đáng tin cậy khác ca ngợi kỹ năng của Bhutan trong việc lưu giữ các tài liệu liên quan đến quyền đất đai và sự vững vàng của phía Bhutan trong các cuộc đàm phán theo nguyên tắc. Được biết, các cuộc đàm phán giữa Bhutan và Trung Quốc không bàn đến khu vực xung quanh ngã ba Bhutan, Ấn Độ và Tây Tạng, là khu vực tranh chấp giữa Trung Quốc và Ấn Độ[35].

Một số vòng đàm phán biên giới mang tính bước ngoặt giữa Bhutan và Trung Quốc có thể kể đến:

-      Trong vòng đàm phán thứ 11 năm 1996, Trung Quốc đề nghị với Bhutan về một thỏa thuận trọn gói, trong đó Trung Quốc đồng ý trao đổi thung lũng Pasamlung và Jakarlung ở miền trung Bhutan, để lấy vùng đồng cỏ Doklam, Sinchulung, Dramana và Shakhatoe ở Tây Bắc Bhutan. Tuy nhiên, chính phủ Bhutan đã từ chối thỏa thuận này[36].

-      Trong vòng đàm phán biên giới lần thứ 12 năm 1998 tại Bắc Kinh, hai bên đã ký một thỏa thuận về việc duy trì hòa bình và yên ổn tại các khu vực biên giới Trung Quốc-  Bhutan. Theo Điều 3 của hiệp định, cả hai bên đồng ý rằng, giải pháp cuối cùng cho vấn đề biên giới vẫn chưa đạt được, tuy nhiên, cần thiết phải duy trì hòa bình và giữ nguyên hiện trạng của biên giới trước tháng 3/1959, và không bên nào được hành động đơn phương thay đổi hiện trạng của biên giới[37].

Chính phủ Bhutan sau đó đã tuyên bố rằng Trung Quốc đã vi phạm các quy định của thỏa thuận, rằng các binh lính Trung Quốc đã xâm nhập vào lãnh thổ Bhutan[38].Pema Wangchuk, Thư ký về Biên giới Quốc tế của Bhutan phát biểu trước Quốc hội Bhutan rằng, bất chấp sự phản đối của Bhutan, người Trung Quốc đang xây dựng một con đường giữa Zuri và sườn núi Phuteogang mà bỏ qua thung lũng Charithang đang tranh chấp[39].

Điều lưu ý khi so sánh biên giới Bhutan trước năm 1959 và biên giới nước này chấp nhận từ 2009 đến nay là bản đồ của Bhutan đã thay đổi. Diện tích của Bhutan đã thay đổi. Cuốn CIA World Factbook năm 2008 đưa ra con số về diện tích của Bhutan là 47.000 km2; tuy nhiên, trong cuốn CIA World Factbook năm 2009 đã giảm diện tích của Bhutan khoảng 18,31% xuống còn 38.394 km2[40]. Trang web của Chính phủ Bhutan cũng đưa ra con số 38.394km2[41]. Bản đồ của Bhutan cũng có sự thay đổi và Bhutan lưu hành hai bản đồ cũ và mới ở trong nước. Trang web của Chính phủ Bhutan (3/2010) đưa ra bản đồ cũ bao gồm dãy núi Kula Kangri, và người Bhutan coi Kula Kangri là đỉnh núi cao nhất ở Bhutan. Tuy nhiên, tờ báo chính thức của Trung Quốc, People’s Daily nhắc đến Kula Kangri như là một phần của khu tự trị Tây Tạng[42]. Điều đánglưu ý là, người dân Bhutan biết về sự thật này và đại biểu Quốc hội Bhutan cũng yêu cầu chính phủ giải thích điều này[43], nhưng vẫn chưa có lời giải thích nào trên trang web chính thức của chính phủ. Trang web của Bộ Nông nghiệp Bhutan có đề cập một cách không chính thức về sự thay đổi này[44]. Như vậy, có thể là trước năm 2008, Bhutan đã sử dụng một bản đồ không chính xác hoặc nước này đã nhượng một số lãnh thổ cho Trung Quốc, bao gồm đỉnh Kula Kangri[45].

Bhutan và Trung Quốc có cách tiếp cận và kỳ vọng khác nhau đối với việc giải quyết vấn đề tranh chấp biên giới. Đối với Bhutan, vấn đề biên giới là thách thức an ninh lớn nhất và rất quan trọng đối với tương lai của nước này trên cương vị một “quốc gia – dân tộc”. Vì vậy, Bhutan xem việc giải quyết vấn đề biên giới tự nó là mục tiêu hướng đến và mong muốn vấn đề được giải quyết nhanh chóng[46]. Đối với Trung Quốc, đàm phán biên giới với Bhutan dường như chỉ là một phần trong chiến lược lớn hơn của nước này ở Nam Á. Vì vậy, Trung Quốc sử dụng các tranh chấp biên giới và những cuộc đàm phán tiếp diễn để phục vụ cho những mục đích chiến lược lớn hơn. Sự khác biệt về cách tiếp cận về cơ bản là do sự khác biệt về sức mạnh và diện tích của hai nước. Sự khác biệt này là nhân tố chi phối tiến trình giải quyết vấn đề biên giới Bhutan – Trung Quốc.

Quan hệ cạnh tranh chiến lược Ấn Độ - Trung Quốc ở Nam Á cũng khiến cho vấn đề biên giới Bhutan – Trung Quốc trở nên phức tạp hơn. Trung Quốc, do những cân nhắc chiến lược trong quan hệ với Ấn Độ, mong muốn có được nhiều nhất vùng lãnh thổ ở khu vực phía tây trong cuộc tranh chấp với Bhutan. Khu vực phía tây gần ngã ba (tri-junction) của biên giới Ấn Độ - Bhutan – Trung Quốc cách không xa “vùng cổ gà” của Ấn Độ (còn gọi là Hành lang Siliguri), là điểm kết nối Ấn Độ đại lục với các bang phía đông bắc. Lý do khiến Trung Quốc có yêu sách ở khu vực phía tây có thể là do tính chất chiến lược của biên giới phía tây[47]. Vì vậy, Bhutan phải đối diện với một tình thế tiến thoái lưỡng nan ở khu vực này. Bhutan vừa phải quan tâm đến những lo ngại của Ấn Độ, đồng thời phải tìm ra một giải pháp nhanh chóng cho vấn đề biên giới vì an ninh của chính mình.

Kết luận

Tóm lại, khi hầu hết các quốc gia trên thế giới phải tìm ra những đối sách trước một Trung Quốc đang trỗi dậy thì Bhutan cũng không phải là một ngoại lệ. Bhutan – quốc gia láng giềng nhỏ nhất của Trung Quốc – không thể né tránh hay thờ ơ với người khổng lồ trong khu vực. Giống như nhiều nước Nam Á khác, Bhutan cũng phải thực hiện tiết mục “đi trên dây” giữa hai người khổng lồ kinh tế và quân sự ở khu vực[48].Quan hệ Bhutan – Trung Quốc chịu tác động bởimột số yếu tố quan trọng,đó là quyền lợi, chính sách và những mối quan tâm của Bhutan; là những mục tiêu chiến lược của nước Trung Quốc đang trỗi dậy; và sự năng động của khu vực Nam Á trong đó, nhân tố Ấn Độ có vai trò chính yếu. Đối với Bhutan, duy trì sự độc lập và chủ quyền là vấn đề lợi ích quốc gia quan trọng. Nằm giữa hai láng giềng không lồ khiến cho Bhutan luôn lo lắng về những vấn đề xảy ra xung quanh biên giới. Vì vậy, các chuyên gia về Bhutan chỉ ra rằng, những vấn đề an ninh chiếm phần lớn sự chú ý của nhà nước Bhutan ngay cả trong thời bình[49].

 

Lê Thị Hằng Nga1

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

  1. “Special Agency Set up to settle sea, land disputes”, China Daily, 6 May 2019. http://www.Chinadaily.com/cn/China/2009-05/06/content7746562.htm.

2. CIA World Factbook, 2009, https://www.cia.gov/library/publications/download/download-2009/index.html.

  1. Dorji, Penjor, “Security of Bhutan: Walking between Giants”, Centre for Bhutan Studies,http://www.bhutanstudies.org.bt.
  2. Government of Bhutan, 2010.
  3. Hasrat, Bikram Jit (2010),History of Bhutan: Land of the Peaceful Dragon (Thimpu: Education Department of Bhutan).
  4. Border Talks proposed for January 2010,Kuensel, 7 December 2009. http://www.kuenselonline.com/modules.php?name=newsfile=article&sid=14160.
  5. Manorama Kohli, Bhutan-China Border Talks, Notes, May-June 1984.
  6. Mathou, Thierry, “Bhutan-China Relations: Towards a new step in Himalayan politics”, Centre for Bhutan Studies, http://www.bhutanstudies.org.bt.
  7. Mehta, Dalip, (2007), “India and Bhutan”, in Atish Sinha and Mohta Madhup (eds), Indian Foreign Policy: Challenges and Opportunities, Academic Foundation, New Delhi, pp. 569-82.
  8. Misra, R. C., “Bhutan – China Relations”, China Report, March April 1981.
  9. MOFA, PRC, 2003,https://www. fmprc.gov.cn/mfa_eng/.
  10. National Assembly of Bhutan, 1996.
  11. Parmanand, (1998),The politics of Bhutan: Retrospect and Prospect, Pragati Publication, Delhi, p. 162.
  12. Pranav Kumar, “Sino-Bhutanese Relations: Under the shadow of India – Bhutan friendship”, China Report 46: 3 (2010): 243-252.
  13. Sing, Nagendra, (1978),Bhutan: A Kingdom in the Himalayas, Thomson Press, New Delhi.
  14. Surjit Mansingh, (1984),India’s search for power, Sage publication, New Delhi, tr. 296f.
  15. Surjit Mansingh, “China – Bhutan Relations”, China Report 30: 2, 1994.
  16. Ura, Karma, “Perceptions of Security”, Centre for Bhutan Studies, 2004. http://www.cbs.org.bt.
  17. Yadav, L.B., (1996),Indo-Bhutan Relations and China Interventions, Anmol Publications, New Delhi, p. 66.

 

Some Features of Bhutan – China Relations

Le Thi Hang Nga

Geographically, Bhutan and mainland China do not have direct contiguity. The Kingdom of Bhutan and the People’s Republic of China have never maintained formal diplomatic relations. Historically, relations between Bhutan and China took place through Tibet. China became a neighbor of Bhutan when it occupied Tibet (1959), a territory where Bhutan had deep cultural, familial and religious ties. Although Bhutan and China do not have direct diplomatic or commercial relations, China’s growing interest in South Asia has brought its attention to Bhutan. The paper analyzes the Bhutan – China relations in history and its border dispute issue between the two countries.

  • Thông tin tác giả:

TS. Lê Thị Hằng Nga, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu Ấn Độ và Châu Á, Viện NC Ấn Độ và Tây Nam Á, Viện Hàn lâm KHXH VN. Địa chỉ: Số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội. ĐT: 0936102688; Email: hangngadph@gmail.com



[1] TS., Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam

[2] Pranav Kumar, “Sino-Bhutanese Relations: Under the shadow of India – Bhutan friendship”, China Report 46: 3, 2010, tr. 243-252.

[3] Surjit Mansingh,“China – Bhutan Relations”, China Report 30:2,1994, tr. 176.

[4] Hasrat, Bikram Jit (2010), History of Bhutan: Land of the Peaceful Dragon, Thimpu: Education Department of Bhutan.

[5] Sing, Nagendra (1978),Bhutan: A Kingdom in the Himalayas, Thomson Press, New Delhi.

[6] R. C. Misra,“Bhutan – China Relations”, China Report, March April 1981.

[7] Hasrat, Bikram Jit(2010),History of Bhutan: Land of the Peaceful Dragon, Thimpu: Education Department of Bhutan.

[8] Parmanand (1998),The politics of Bhutan: Retrospect and Prospect, Pragati Publication, Delhi, tr. 162.

[9] Parmanand (1998),The politics of Bhutan: Retrospect and Prospect, Pragati Publication, Delhi, tr. 163.

[10] Surjit Mansing,“China – Bhutan Relations”, China Report 30: 2, 1994.

[11] Pranav Kumar, Sino-Bhutanese Relations: Under the shadow of India – Bhutan friendship, China Report 46: 3, 2010, tr. 245.

[12]Dorji, Penjor “Security of Bhutan: Walking between Giants”, Centre for Bhutan Studies. http://www. bhutanstudies.org.bt.

[13] Yadav, L.B. (1996),Indo-Bhutan Relations and China Interventions, Anmol Publications, New Delhi, p. 66.

[14] Mathou, Thierry,“Bhutan-China Relations: Towards a new step in Himalayan politics”, Centre for Bhutan Studies, http://www.bhutanstudies.org.bt.

[15] Surjit Mansing, “China – Bhutan Relations”, China Report 30:2,1994, tr. 178.

[16] Surjit Mansing, “China – Bhutan Relations”, China Report 30:2, 1994, tr. 178.

[17] Surjit Mansing, “China – Bhutan Relations”, China Report 30:2, 1994, tr. 178.

[18] Surjit Mansingh, “China – Bhutan Relations”, China Report 30:2, 1994, tr. 178.

[19] Dorji, Penjor,“Security of Bhutan: Walking between Giants”, Centre for Bhutan Studies. http://www. bhutanstudies.org.bt.

[20] Pranav Kumar, “Sino-Bhutanese Relations: Under the shadow of India – Bhutan friendship”, China Report 46: 3, 2010, tr. 246.

[21]Surjit Mansing, “China – Bhutan Relations”, China Report 30:2, 1994, tr. 176.

[22]Surjit Mansing, “China – Bhutan Relations”, China Report 30:2, 1994, tr. 179.

[23]Surjit Mansing, “China – Bhutan Relations”, China Report 30:2, 1994, tr. 179.

[24]Surjit Mansing, “China – Bhutan Relations”, China Report 30:2, 1994,  tr. 180.

[25] Surjit Mansingh, (1984)India’s search for power, Sage publication, New Delhi, tr. 296f.

[26]Trích lại trong Surjit Mansingh, “China – Bhutan Relations”, China Report 30:2,1994, tr. 180.

[27] Dorji, Penjor, “Security of Bhutan: Walking between Giants”, Centre for Bhutan Studies. http://www. bhutanstudies.org.bt

[28]Pranav Kumar, “Sino-Bhutanese Relations: Under the shadow of India – Bhutan friendship”, China Report 46: 3, 2010, tr. 246.

[29] Dorji, Penjor,“Security of Bhutan: Walking between Giants”, Centre for Bhutan Studies. http://www. bhutanstudies.org.bt.

[30] Pranav Kumar, “Sino-Bhutanese Relations: Under the shadow of India – Bhutan friendship”, China Report 46: 3, 2010, tr. 246.

[31] Pranav Kumar, “Sino-Bhutanese Relations: Under the shadow of India – Bhutan friendship”, China Report 46: 3, 2010, tr. 246.

[32] Dorji, Penjor, “Security of Bhutan: Walking between Giants”, Centre for Bhutan Studies. http://www. bhutanstudies.org.bt.

[33] Manorama Kohli, “Bhutan-China Border Talks”, Notes, May-June 1984.

[34] Parmanand, (1998), “The politics of Bhutan: Retrospect and Prospect”, Pragati Publication, Delhi, tr. 168.

[35] Surjit Mansingh, “China – Bhutan Relations”, China Report 30:2,1994, tr. 184.

[36] National Assembly of Bhutan, 1996.

[37] MOFA, PRC, 2003,https://www.fmprc.gov. cn/mfaeng/.

[38]“Border Talks proposed for January 2010”,Kuensel, 7 December 2009. http://www.kuenselonline.com/modules. php?name=newsfile=article&sid=14160.

[41] Government of Bhutan, 2010.

[42]People’s Daily, 2008.

[44] Pranav Kumar, “Sino-Bhutanese Relations: Under the shadow of India – Bhutan friendship”, 2010, China Report 46: 3.

[45] Pranav Kumar, “Sino-Bhutanese Relations: Under the shadow of India – Bhutan friendship”, China Report 46: 3, 2010.

[46] Pranav Kumar, “Sino-Bhutanese Relations: Under the shadow of India – Bhutan friendship”, China Report 46: 3, 2010, tr. 248.

[47] Pranav Kumar, “Sino-Bhutanese Relations: Under the shadow of India – Bhutan friendship”, China Report 46: 3, 2010, tr. 248.

[48] Surjit Mansingh, “China – Bhutan Relations”, China Report 30:2,1994, tr. 186.

[49] Ura, Karma, “Perceptions of Security”, Centre for Bhutan Studies, 2004,http://www.cbs.org.bt.

0thảo luận