Tóm tắt: Từ sau tiến trình dân chủ hóa (năm 1987), trên cương vị cường quốc tầm trung (middle power), Hàn Quốc có quan hệ với các thể chế quốc tế, góp phần tăng cường vị thế và ảnh hưởng toàn cầu, cũng như thúc đẩy tầm nhìn đa phương của mình. Dưới thời Tổng thống Moon Jae-in, Hàn Quốc tiếp tục là nhân tố tích cực trong các thể chế đa phương, đặc biệt là cấu trúc an ninh đa phương tiêu biểu như Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Bài viết khái quát tầm nhìn của Hàn Quốc trong việc phát triển quan hệ với NATO, giải thích các động lực chủ yếu cho việc Hàn Quốc ngày càng tích cực phát triển quan hệ với liên minh, và bước đầu nhận định về xu hướng vận động của quan hệ Hàn Quốc - NATO cho đến hết nhiệm kỳ Tổng thống của Moon Jae-in.
Từ khóa: Hàn Quốc, NATO, ngoại giaođa phương, Moon Jae-in, cường quốc tầm trung
1. Dẫn nhập
Từ thời Tổng thống Kim Young-sam (1993-1998), Hàn Quốc chính thức xem ngoại giao đa phương như một “trụ cột” chiến lược giúp thúc đẩy lợi ích quốc gia và xây dựng một bản sắc “cường quốc[1]tầm trung” (middle power identity) khi tồn tại trong một không gian địa chính trị đầy bất ổn2.[2]Hiện nay, ngoại giao đa phương được Hàn Quốc ưu tiên để triển khai chính sách đối ngoại tự chủ và năng động hơn. Về lâu dài, phương thức ngoại giao này góp phần hình thành một mạng lưới các tương tác quyền lực giúp Hàn Quốc nâng cao vị thế quốc gia[3].Thật vậy, thay vì đầu tư cho quyền lực cứng (hard-power) để khẳng định vai trò của mình, Hàn Quốc chú trọng xây dựng một cấu trúc các quan hệ đan xen để đảm nhận vai trò công dân toàn cầu tích cực, chủ động đóng góp các ý tưởng và nguồn lực, kiến tạo cho hòa bình và an ninh trong những lĩnh vực là thế mạnh của quốc gia này.
Thể chế hóa hợp tác khu vực thông qua con đường đa phương là cách tiếp cận xuyên suốt (dù có sự khác biệt nhất định về nội dung, phạm vi và phương thức thực hiện) trong chính sách đối ngoại của Hàn Quốc từ sau khi chuyển sang con đường dân chủ hóa.Có thể kể đến các khuôn khổ hợp tác khu vực do các tổng thống Hàn Quốc khởi xướng nhằm tìm kiếm và hiện thực hóa những biện pháp xây dựng lòng tin giữa các quốc gia trong khu vực, tiêu biểulà đề xuất của Roh Tae-woo về Hội nghị tham vấn sáu bên cho Đông Bắc Á, tầm nhìn của Kim Young-sam về toàn cầu hóa, ý tưởng của Kim Dae-jung về một Cộng đồng Đông Á, sáng kiến Hợp tác Đông Bắc Á của Roh Moo-hyun,sáng kiến châu Á mới của Lee Myung-bak, sáng kiến Hòa bình và Hợp tác Đông Bắc Á của Park Geun-hye, và chiến lược thúc đẩy “Cộng đồng Đông Bắc Á mở rộng cùng chia sẻ trách nhiệm” của Moon Jae-in[4].
Nhìn rộng ra, việc phát triển quan hệ với các thể chế đa phương, đặc biệt là các thể chế an ninh, có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy lợi ích quốc gia, tạo sự đan xen lợi ích về nhiều khía cạnh, giúp làm sâu sắc các giá trị chung, cũng như tạo nhiều cơ hội để tăng cường các hành động phối hợp. Trong trường hợp Hàn Quốc, việc theo đuổi chủ nghĩa đa phương với thể chế an ninh lâu đời tại châu Âu như NATOgiúp Hàn Quốc vượt khỏi các hạn chế về địa chính trị của quốc gia này và thúc đẩy lợi ích quốc gia, đặc biệt là ở lĩnh vực an ninh.
Tuy nhiên, do Hàn Quốc và NATO hiện diện ở hai không gian địa lý xa cách với lịch sử tương tác khá hạn chế, không có cam kết đảm bảo an ninh lẫn nhau trong trường hợp một bên bị tấn công (như Điều 5 của Hiệp ước Washington 1949[5]),đồng thời, trọng tâm của NATO “luôn đã và sẽ là châu Âu Đại Tây Dương”[6],nên mối quan hệ Hàn Quốc - NATO chưa nhận được sự quan tâm đúng mức.Bên cạnh đó, mối quan tâm địa chiến lược của Hàn Quốc với các cường quốc trong khu vực luôn là ưu tiên hàng đầu và an ninh trên bán đảo Triều Tiên vẫn trong tình trạng bấp bênh khiến các nghiên cứu chủ yếu tập trung vào những tương tác giữa Hàn Quốc với các chủ thể trong khu vực Đông Bắc Á, gần đây là mở rộng sang khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, hơn là quá trình phát triển và chiều sâu của quan hệ Hàn Quốc - NATO từ góc nhìn ngoại giao đa phương. Do đó, nghiên cứu này bổ sung vào chủ đề hợp tác an ninh đa phương giữa Hàn Quốc và NATO.
2. Những nội dung nổi bật trong quan hệ Hàn Quốc-NATO
Trong Chiến tranh Lạnh, về cơ bản, Hàn Quốc và NATO khá bận rộn với các chương trình nghị sự của riêng mìnhvà hiếm khi có những tương tác rõ rệt. Một số quốc gia châu Âu đã tham dự vào Chiến tranh Triều Tiên, nhưng không phải với tư cách là một phần của NATO. Hơn nữa, dù có các hoạt động hợp tác kinh tế giữa nhiều nước châu Âu với Hàn Quốc nhưng những mối quan hệ kinh tế này không bị NATO trừng phạt[7].
Liên hệ có tính thực tế đầu tiên giữa Hàn Quốc và NATO khởi nguồn từ bài phát biểu của Ngoại trưởng Hàn Quốc Ban Ki-moon tại Hội đồng Bắc Đại Tây Dương (NAC) vào tháng 12/2005. Ngoại trưởng Hàn Quốc bày tỏ hy vọng Hàn Quốc và NATO cùng khám phá các khả năng hợp tác trên cơ sở chia sẻ các giá trị chung như tự do cá nhân, dân chủ, nhân quyền và pháp quyền[8]. Từ đây, hai bên bắt đầu triển khai các hoạt động đối thoại và hợp tác.Tại Hội nghị thượng đỉnh Riga năm 2006, NATO khẳng định chia sẻ lợi ích chiến lược và cam kết tăng cường hoạt động với các “quốc gia tiếp xúc” (contact countries) dựa trên các lợi ích chung, với Hàn Quốc là một trong số đó.
Kể từ Hội nghị thượng đỉnh Bucharest năm 2008, trong nhận thức của NATO, Hàn Quốc là quốc gia không thuộc khu vực châu Âu - Đại Tây Dương nhưng có lợi ích chung trong việc ổn định các khu vực bất ổn (như Afghanistan). Trên cơ sở nhận thức rằng hai phía đều có lợi to lớn trong việc chống khủng bố và đảm bảo cung cấp năng lượng cho các thị trường toàn cầu, NATO xếp Hàn Quốc vào nhóm “các đối tác toàn cầu” (partners across the globe)[9] mà NATO chú trọng phát triển quan hệ nhằm tích hợp các nguồn lực an ninh của Hàn Quốc với liên minh[10].Hai bên đã triển khai tham vấn chính sách cấp cao thường xuyên. Bên cạnh đó, các chương trình làm việc hàng năm như tập trận chung, hành động phối hợp, đào tạo và tư vấn ngôn ngữ, trao đổi thông tin, giúp Hàn Quốc và NATO chia sẻ các mối quan tâm chiến lược và tăng cường hiểu biết lẫn nhau[11].Đáng chú ý, cùng với Australia, New Zealand và Nhật Bản thì Hàn Quốc được coi trọng như quốc gia châu Á - Thái Bình Dương cùng chí hướng (like-minded Asia-Pacific Partners)[12],góp phần khẳng định quốc gia này là nhân tố quan trọng trong tổng thể chính sách của NATO đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Vào năm 2012, Hàn Quốc và NATO ký kết Chương trình Hợp tác Đối tác Cá nhân (IPCP)[13](được gia hạn gần đây nhất vào tháng 11/2019) để “chính thức hóa” mối quan hệ và xác định một số lĩnh vực ưu tiên cho đối thoại và hợp tác. Những nội dung hợp tác nổi bật là tăng cường khả năng cho lực lượng vũ trang Hàn Quốc để sát cánh cùng các lực lượng đồng minh trong hoạt động hỗ trợ hòa bình đa quốc gia, chống lại mối đe dọa khủng bố và các thách thức an ninh như phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, cướp biển và an ninh mạng, hợp tác cứu trợ thiên tai trong khuôn khổ Chương trình Khoa học vì Hòa bình và An ninh của NAT[14].Sau khi về cơ bản đã định hình quỹ đạo của mối quan hệ thì hợp tác giữa Hàn Quốc và NATO được triển khai cụ thể hơn.
Có ba lĩnh vực hợp tác chính trong quan hệ Hàn Quốc - NATO[15].Thứ nhấtlà, xây dựng năng lực và khả năng tương tác. Kể từ năm 2014, Hàn Quốc là một bên tham gia vào khuôn khổ Sáng kiến Khả năng Tương tác Đối tác (PII)[16], nhằm đảm bảo các liên kết giữa hai bên tiếp tục được duy trì và làm sâu sắc hơn.Các hoạt động mà Hàn Quốc và NATO đầu tư bao gồm nâng cao hiểu biết và khả năng tương tác thông qua trao đổi các nhân viên quân sự và dân sự, tham gia các hoạt động giáo dục, đào tạo và tập trận chung, hợp tác trong lĩnh vực tiêu chuẩn hóa và hậu cần. Hai bên cũng duy trì đối thoại chính trị mạnh mẽ ở tất cả các cấp. Tổng thư ký NATOAnders Fogh Rasmussen đã đến thăm Hàn Quốc vào tháng 4/2013 và thảo luận vấn đề an ninh trên bán đảo Triều Tiên với Tổng thống Park Geun-hye và các thành viên hàng đầu trong Chính phủ Hàn Quốc[17].Vào tháng 10/2014, Phó Tổng thư ký NATO Alexander Vershbow tham gia Đối thoại Quốc phòng Seoul (SDD) và Diễn đàn Sáng kiến Hòa bình và Hợp tác Đông Bắc Á (NAPCI) tại Hàn Quốc[18].Hội đồng Bắc Đại Tây Dương đã gặp gỡ các đại diện Hàn Quốc là Ngoại trưởng Yun Byung-se và Thứ trưởng Ngoại giao Ahn Chong-ghee lần lượt vào tháng 10 và tháng 12/2016[19]. Các nhà lãnh đạo hai phía đã thảo luận cách làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác của Liên minh với Hàn Quốc, cam kết tiếp tục hợp tác trong vấn đề Afghanistan và chia sẻ mối quan tâm về bán đảo Triều Tiên.
Thứ hai là, hỗ trợ cho các hoạt động và sứ mệnh do NATO dẫn đầu, đặc biệt là đóng góp vào các nỗ lực ổn định chính trị ở Afghanistan. Giai đoạn 2010-2013, Hàn Quốc tham gia vào Lực lượng Hỗ trợ An ninh Quốc tế (ISAF)[20] do NATO dẫn đầu, thành lập nhóm tái thiết tại thành phố Charikar (thuộc tỉnh Parwan) để giúp xây dựng năng lực của chính quyền trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, phát triển nông thôn và quản trị. Hàn Quốc cũng đóng góp cho Quỹ Tín thác Quân đội Quốc gia Afghanistan, với số tiền quyên góp lên đến 200 triệu USDtrong giai đoạn 2011-2016 và đang hỗ trợ tài chính, góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội của quốc gia Trung Đông này. Hàn Quốc tái khẳng định cam kết đóng góp 45 triệu USD mỗi năm (từ năm 2018 đến năm 2020),để nâng cao năng lực của Lực lượng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Afghanistan, tiếp tục ủng hộ kinh phí cho quỹ đa phương hỗ trợ tái thiết các lực lượng an ninh Afghanistan cho đến năm 2024[21].Bên cạnh đó, hải quân Hàn Quốc cũng hợp tác với hải quân Nhật Bản và NATO chống lại mối đe dọa cướp biển ở vịnh Aden, hỗ trợ các tàu buôn di chuyển qua vùng biển ngoài khơi vùng Sừng châu Phi[22].
Thứ ba là, hợp tác trong lĩnh vực không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Thông qua các hoạt động chia sẻ thông tin và đối thoại, các thành viên NATO thống nhất ủng hộ mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên. Tại Hội nghị thượng đỉnh NATO 2018 ở Brussels, NATO hoan nghênh các nỗ lực hòa bình nhằm phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Các thành viên NATO cũng lên án mạnh mẽ các tuyên bố và hành động khiêu khích của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân (CHDCND) Triều Tiên, xem chúng là mối đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình, an ninh và ổn định của khu vực và quốc tế.
Nhìn chung, quan hệ Hàn Quốc - NATO phát triển từ giữa thập niên đầu của thế kỷ XXI, với đặc trưng cơ bản là tính chất đa phương và được duy trì thông qua việc hai bên tăng cường tương tác trong các khuôn khổ nhằm thể chế hóa quan hệ. Về cơ bản, Hàn Quốc ngày càng đóng vai trò năng động qua gia tăng đối thoại chính trị và hợp tác thiết thực hơn với NATO[23].Những nội dung chủ yếu trong quan hệ Hàn Quốc - NATO thuộc vào tầm nhìn phát triển các thỏa thuận đối tác linh hoạt để tạo điều kiện cho Hàn Quốc đóng góp hiệu quả vào chương trình an ninh chung, dù Hàn Quốc không phải là thành viên của liên minh.
3. Động lực thúc đẩy quan hệ Hàn Quốc-NATO
Trước tiên, Hàn Quốc xem NATO là thể chế an ninh đa phương quan trọng để gửi gắm tầm nhìn chính trị và lan tỏa nhận thức về các vấn đề an ninh khu vực, đặc biệt là vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Trong lịch sử, Hàn Quốc đã có nhiều đóng góp thiết thực cho an ninh trên bán đảo Triều Tiên thông qua khởi xướng các nỗ lực hợp tác đa phương. Tiêu biểu là Đối thoại An ninh Đông Bắc Á (NEASED) do Tổng thống Kim Young-sam đề xuất năm 1994 và hoạt động kêu gọi hợp tác an ninh đa phương ở nhiều diễn đàn của Tổng thống Kim Dae-jung và Roh Moo-hyun. Gần đây nhất là Sáng kiến Hòa bình và Hợp tác Đông Bắc Á (NAPCI) được đề xuất vào năm 2014, như một trụ cột chủ yếu của chính sách “chính trị niềm tin” (trustpolitik) do Tổng thống Park Geun-hye khởi xướng[24]. Hiện nay, Hàn Quốc đang phát triển một cách tiếp cận mang tính kiến tạo đối với CHDCND Triều Tiên, trái với lập trường cứng rắn của Tổng thống Lee Meung-bak[25].Cụ thể, chính quyền Moon Jae-in đã sớm đưa ra chính sách hội nhập kinh tế giữa hai miền Triều Tiên nhằm mục đích xây dựng “Cộng đồng Đông Bắc Á mở rộng cùng chia sẻ trách nhiệm” (NEAPC)[26]dựa trên hai trụ cột là “hòa bình”(Peaceful Korean Peninsula) và “thịnh vượng” (New Economic Map), với mục tiêu lâu dài là xây dựng một nền hòa bình vĩnh viễn trên bán đảo Triều Tiên.
Bên cạnh đó, Tổng thống Moon Jae-in tăng cường hợp tác với NATO và kêu gọi liên minh có tiếng nói chính trị lớn hơn trong vấn đề Triều Tiên. Vào tháng 9/2017, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Suh Choo-suk đã tiếp phái đoàn thuộc ủy ban An ninh và Quốc phòng (DSC) của Hội đồng Nghị viện NATO,thảo luận cách thức tăng cường hợp tác quốc phòng và nhấn mạnh mối quan tâm của NATO đối với hòa bình và an ninh trên bán đảo Triều Tiên[27].Vào tháng 11 cùng năm, trong buổi tiếp Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg tại Seoul, Tổng thống Moon Jae-in khẳng định Hàn Quốc sẽ quan hệ chặt chẽ với NATO và kêu gọi hợp tác mạnh mẽ hơn, đặc biệt là trong lĩnh vực quân sự, để giải quyết hòa bình vấn đề hạt nhân của Triều Tiên[28].Tháng 9/2018, một phái đoàn gồm các nghị sĩ NATO đã đến thăm Seoul và Khu phi quân sự (DMZ) để thảo luận về chương trình hạt nhân của Triều Tiên và một loạt các vấn đề an ninh khu vực khác. Chuyến thăm của phái đoàn NATO đặc biệt quan trọng vì diễn ra vào thời điểm Hội nghị thượng đỉnh liên Triều giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo tối cao Triều Tiên Kim Jong-un tại Bình Nhưỡng[29].
Việc Hàn Quốc chia sẻ những thách thức trong vấn đề Triều Tiên, nhấn mạnh nhu cầu tìm kiếm hòa bình trên bán đảo qua đối thoại và phi hạt nhân hóa,và kêu gọi vai trò lớn hơn của NATO tại các diễn đàn đa phương đều thuộc vào tổng thể tầm nhìn thúc đẩy hòa bình bán đảo Triều Tiên của quốc gia này. Ủng hộ chủ nghĩa đa phương trong giải quyết các vấn đề an ninh khu vực giúp Hàn Quốc khẳng định vai trò chính trị mang tính kết nối và kiến tạo. Khi các cường quốc khu vực, với những tính toán khác biệt, có xu hướng theo đuổi lợi ích quốc gia hơn là đầu tư vốn chính trị cho một cấu trúc an ninh khu vực bền vững thì những nỗ lực của Hàn Quốc rất đáng được ghi nhận. Ở một góc nhìn rộng hơn, vị thế cường quốc tầm trung giúp Hàn Quốc sở hữu tính “chính danh” trong việc thúc đẩy nền ngoại giao đa phương, thay vì bị nghi ngờ về tham vọng kiểm soát các cấu trúc đa phương.
Bên cạnh đó, ngoại giao đa phương với NATO giúp Hàn Quốc tăng cường mức độ đan xen về lợi ích để giải quyết các thách thức dựa trên chủ nghĩa đa phương (multilateralism)thay vì chủ nghĩa cá nhân (individualism), thúc đẩy quá trình chia sẻ kinh nghiệm và những bài học thành công trong quản trị. Hợp tác an ninh với NATO giúp Hàn Quốc tham khảo kinh nghiệm hàn gắn châu Âu từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, đặc biệt là các biện pháp xây dựng lòng tin, với ít nhiều giá trị hữu ích cho việc giải quyết vấn đề Triều Tiên.
Vào năm 2018, trong cuộc tiếp xúc với phái đoàn NATO tại Hàn Quốc, phía Hàn Quốc đã đề nghị hai bên tìm kiếm các phương thức tăng cường hợp tác[30].Ở chiều ngược lại, NATO quan tâm nhiều hơn đến các thách thức an ninh bên ngoài châu Âu và mong muốn chung tay với Hàn Quốc để giải quyết chúng. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, vào tháng 6/2020, nhận định thách thức mà NATO phải đối mặt trong thập kỷ tới là to lớn và châu Âu hay Mỹ đều không thể tự mình đưa ra các giải pháp khả thi. Ông Stoltenberg vạch ra một tầm nhìn đến năm 2030 dựa trên hợp tác với các đối tác chủ chốt để giải quyết các thách thứcvà Hàn Quốc là một trong những trụ cột: “Chúng ta cần hợp tác chặt chẽ hơn nữa với các quốc gia cùng chí hướng, như Australia, Nhật Bản, New Zealandvà Hàn Quốc” để “ủng hộ một thế giới được xây dựng dựa trên tự do và dân chủ, không dựa trên bắt nạt”[31].Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Chủ tịch Ủy ban Quân sự NATO Stuart Peach đã điện đàm với Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc Park Han-ki vào tháng 5/2020 và yêu cầu quân đội Hàn Quốc chia sẻ kinh nghiệm phòng chống dịch COVID-19 dựa trên hệ thống y tế tiên tiến và những thành tựu phòng chống dịch của quốc gia này[32].
Củng cố bản sắc của Hàn Quốc trong vai trò cường quốc tầm trung là động lực to lớn cho việc thúc đẩy quan hệ Hàn Quốc - NATO. Ủng hộ NATO, thể chế đa phương trên lĩnh vực an ninh, là một bộ phận trong tổng thể chính sách thúc đẩy chủ nghĩa đa phương của Hàn Quốc. Sau khi chuyển đổi sang nền dân chủ từ thời Tổng thống Roh Tae-woo (năm 1987), Hàn Quốc bắt đầu nỗ lực định vị vai trò cường quốc tầm trung trong các vấn đề khu vực và quốc tế[33].Tầm nhìn này mang tính xuyên suốt và thúc đẩy một chủ nghĩa đa phương thông qua các hành động phối hợp với NATO ở các lĩnh vực thuộc nền ngoại giao chuyên biệt (niche diplomacy) giúp Hàn Quốc thể hiện mình là một công dân toàn cầu có trách nhiệm.
Trong lĩnh vực an ninh, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng thuộc Quốc hội Hàn Quốc Kim Young-woo khi tiếp các quan chức NATO tại Seoul vào tháng 9/2017 đã khẳng định Hàn Quốc mong muốn trở thành một quốc gia “xuất khẩu an ninh toàn cầu, thay vì một nhà nhập khẩu” và luôn nỗ lực mở rộng ảnh hưởng của mình như một “lãnh đạo cường quốc tầm trung”trong các hoạt động hòa bình và an ninh toàn cầu[34].Phối hợp với NATO trong tiến trình thúc đẩy hòa bình ở Afghanistan và tăng cường an ninh hàng hải ở vịnh Eden giúp Hàn Quốc hiện thực hóa chính sách “xuất khẩu an ninh” trên cơ sở một nền ngoại giao đa phương năng động.
Là quốc gia thuộc khu vực Đông Bắc Á với nhiều diễn biến an ninh phức tạp và chủ nghĩa dân tộc tồn tại dai dẳng, Hàn Quốc cần duy trì các liên kết chính trị với đồng minh truyền thống là Mỹ, song song với đẩy mạnh ngoại giao đa phương với thể chế có nền tảng vững chắc như NATO.Tiếp cận đa phương với NATO trong vấn đề Triều Tiên giúp Hàn Quốc đạt được sự ủng hộ và hỗ trợ ngoại giao lớn hơn, cũng như thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là châu Âu, về chính sách đối ngoại trách nhiệm và xây dựng.
Thông qua đối thoại thường xuyên về hoạch định chính sách quốc phòng, Hàn Quốc và NATO chia sẻ các diễn biến an ninh quan trọng và cấp thiết. Tham dự các cuộc họp và các diễn đàn đối thoại của NATO giúp Hàn Quốc tận dụng các kênhsong phương và đa phương để triển khai các chương trình hợp tác cụ thể với từng thành viên NATO cũng như phát triển hợp tác quốc phòng với các nước lớn[35]. Những hoạt động trên góp phần nâng cao vai trò cường quốc tầm trung của Hàn Quốc, giúp Hàn Quốc gửi gắm các thông điệp chính trị trong các chương trình nghị sự và tăng cường lòng tin với các quốc gia đối tác thuộc mạng lưới đối tác toàn cầu của NATO.
4. Thay lời kết
Hoạt động ngoại giao đa phương của Hàn Quốc với NATO đạt được những bước tiến đầy khích lệ.Quá bán nhiệm kỳ Tổng thống của Moon Jae-in, chính sách của Hàn Quốc vẫn thể hiện tính liên tục mặc dù Hàn Quốc đối diện với nhiều thách thức như cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung, mâu thuẫn trong quan hệ với CHDCND Triều Tiên, sức ép của Mỹ đối với việc Hàn Quốc phải trả thêm chi phí quốc phòngvà sự phức tạp của đại dịch COVID-19. Tính liên tục của chính sách được củng cố bởi đặc trưng trong nền chính trị Hàn Quốc là các cam kết của Tổng thống gắn liền với nhiệm kỳ 5 năm và được triển khai với một lực lượng hỗ trợ to lớn. Thêm vào đó, Tổng thống Moon Jae-in đang thúc đẩy nền ngoại giao cường quốc tầm trung của Hàn Quốc, với điểm nhấn là kiên trì theo đuổi chủ nghĩa đa phương[36].Do đó, việc Hàn Quốc duy trì quan hệ tích cực với NATO sẽ khó có sự “đảo chiều”, ít nhất là cho đến hết năm 2022.
Tuy vậy, thách thức cho ngoại giao đa phương của Hàn Quốc với NATO có thể xuất hiện trong thời gian tới, mặc dù dấu hiệu của nó chưa thật sự nổi bật. Thách thức đến từ mối quan ngại ngày càng tăng của NATO đối với sự “trỗi dậy” của Trung Quốc tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Các thành viên liên minh đã đề xuất cách tiếp cận toàn cầu đối với các vấn đề an ninh, thay vì các giải pháp tập trung vào châu Âu và Bắc Mỹ thường định hình chương trình nghị sự của liên minh trước đây. Khi NATO nhấn mạnh “cách tiếp cận toàn cầu” thay cho “sự hiện diện toàn cầu”[37] thì các quốc gia đối tác ở khu vực Đông Bắc Á là Hàn Quốc và Nhật Bản có khả năng phải chia sẻ một số gánh nặng an ninh như là “quốc gia đối tác thân cận”. Điều này không loại trừ khả năng Hàn Quốc phải cân nhắc một cách tiếp cận cứng rắn hơn đối với Trung Quốc trong vấn đề an ninh và kinh tế. Nếu NATO cứng rắn hơn đối với Trung Quốc và kêu gọi sự ủng hộ của Hàn Quốc thì Hàn Quốc sẽ rơi vào tình thế khó khăn. Một mặt, Hàn Quốc phải duy trì quan hệ trong các khuôn khổ hợp tác an ninh với NATO và tạo sự đan xen giữa lợi ích khu vực (Đông Bắc Á) và lợi ích toàn cầu của tổ chức. Mặt khác, Hàn Quốc cần duy trì sự ổn định trong mối quan hệ với Trung Quốcdo cường quốc này có mối quan hệ gắn kết với CHDCND Triều Tiên hơn hẳn bất kỳ quốc gia nào trong khu vực. Đồng thời, Trung Quốccũng là quốc gia duy nhất có thể tạo các đòn bẩy chiến lược đối với CHDCND Triều Tiên[H1] [38].
Dù vẫn cần nhiều nỗ lực để thúc đẩy quan hệ Hàn Quốc - NATO nhưng về cơ bản, chính sách ngoại giao đa phương của Hàn Quốc với NATO có nhiều bước tiến rất cụ thể và nhìn chung là có những đóng góp rất thiết thực vào hòa bình thế giới. Thúc đẩy ngoại giao đa phương với NATO giúp Hàn Quốc nâng cao vị thế cường quốc tầm trung, đưa quốc gia Đông Bắc Á này vào một cấu trúc an ninh đa phương rộng lớn với các tương tác rộng mở. Bằng cách này, Hàn Quốc, trong vai trò một cường quốc hạng hai (second-tier power), có khả năng tạo ra những biến đổi lâu dài và tích cực, qua đó, đóng góp thiết thực hơn cho hòa bình và an ninh khu vực cũng như thế giới.
Huỳnh Tâm Sáng1
TÀI LIỆU THAM KHẢO
South Korea’s multilateral diplomacy: The case of SouthKorea – NATO relationship
Abstract
After its democratic transition in 1987, South Korea, with its middle-power engagement with international institutions, has contributed to enhancingits status and global influence, as well as promoting a multilateral vision. Under President Moon Jae-in, South Korea has continued to play an active role in multilateral institutions, especially a prominent multilateral security frameworklike the North Atlantic Treaty Organization (NATO). This article aims to outline South Korea’s vision of fostering multifaced relations with NATO, clarify the main drivers of South Korea’s engagement with the security alliance, and identify the potential trajectory of the South Korea - NATO relationship until the end of Moon Jae-in’s presidential term concluding in 2022.
Keywords: South Korea, NATO, multilateral diplomacy, Moon Jae-in, middle power.
Địa chỉ liên lạc:
TS. Huỳnh Tâm Sáng
Khoa Quan hệ quốc tế
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, TP. Hồ Chí Minh.
Số 10-12 Đinh Tiên Hoàng, quận 1, TP. Hồ Chí Minh
ĐT: 0974433209; Email: huynhtamsang@gmail.com
[1]TS.,Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn , Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh
[2] Leif-Eric Easley andKyuri Park, “South Korea’s mismatched diplomacy in Asia: middle power identity, interests, and foreign policy”, International Politics, Vol. 55, 2018, pp. 242-263.
[3] Sook-Jong Lee, “South Korea as New Middle Power: Seeking Complex Diplomacy”, East Asia Institute Security Initiative, Working Paper 25, 2012, p. 2.
[4]Sung-mi Kim, “South Korea’s Middle-Power Diplomacy: Changes and Challenges”, Research Paper, Chatham House, 2016, https://www.chathamhouse.org/sites/default/files/publications/research/2016-06-22-south-korea-middle-power-kim.pdf, Lee Shin-wha, “South Korea’s Middle Power Multilateral Diplomacy: Optimistic and Pessimistic Views”, The Asan Forum, Vol. 8, No. 6, 2020, http://www.theasanforum.org/south-koreas-middle-power-multilateral-diplomacy-optimistic-and/, truy cập ngày 21/11/2020.
[5] Tham khảo thêm nội dung và ý nghĩa của Điều 5: “Collective defence - Article 5”, NATO, 25/11/2019, https://www.nato.int/cps/en/natohq/topics_110496.htm; và những đánh giá về khả năng của các hành động đáp trả trên thực tế: “How NATO’s Article 5 works,” The Economist, 09/03/2015, https://www.economist.com/the-economist-explains/2015/03/09/how-natos-article-5-works, truy cập ngày 22/11/2020.
[6]“Multilateral security cooperation: ''From conflict to cooperation''”, NATO, 30/10/2014, https://www.nato.int/cps/en/natohq/opinions_114268.htm, truy cập ngày 23/11/2020.
[7] Geunwook Lee, “Understanding South Korea’s Security Concerns: Analysis for NATO’s Partnership with the Republic of Korea”, trongAlexander Moens and Brooke A. Smith-Windsor (eds.) (2016), NATO and the Asia-Pacific, Rome: NATO Defense College, p. 184.
[8]“Korea – NATO”, Embassy of the Republic of Korea to the Kingdom of Belgium and the European Union, http://overseas.mofa.go.kr/be-en/wpge/m_7453/contents.do, truy cập ngày 21/11/2020.
[9] Trong khuôn khổ Các đối tác toàn cầu (PATG), NATO phân loại một số quốc gia để nhấn mạnh vị thế đặc biệt của họ. Đó là Afghanistan, Australia, Iraq, Nhật Bản, Mông Cổ, New Zealand, Pakistan và Hàn Quốc. Tuy nhiên,Afghanistan và Iraq nằm ngoài logic hoạt động đã vạch ra vì tình trạngan ninh mong manh của hai quốc gia này làm dấy lên những nghi ngờ về khả năng đóng góp vào các hoạt động của NATO trong tương lai. Markus Kaim, “Reforming NATO’s Partnerships”, Stiftung Wissenschaft und Politik Research Paper, 2017, p. 14.
[10] Paul Gallis, “The NATO Summit at Bucharest, 2008”, CRS Report for Congress, 24/3/2008, https://www.everycrsreport.com/files/20080324_RS22847_968d8db3b1094959cea735c2d22115ad73643d27.pdf. truy cập ngày .
[11]“NATO’s relations with Contact Countries”, NATO, 9/4/2009, https://www.nato.int/summit2009/topics_en/12-contact_countries.html, truy cập ngày 21/11/2020.
[12] Rebecca R. Moore, “NATO’s Partners in the Asia-Pacific: Casualties of the Pivot Toward Europe?”, Asia Research Institute, 24/5/2017, https://theasiadialogue.com/2017/05/24/natos-partners-in-the-asia-pacific-casualties-of-the-pivot-toward-europe/.
[13] Chương trình Hợp tác Đối tác Cá nhân (IPCP) là văn kiện mang tính tiêu chuẩn, thường được phát triển hai năm một lần, với sự phối hợp chặt chẽ giữa đối tác và các thành viên NATO, được cấu trúc sao cho phù hợp với lợi ích và mục tiêu của đối tác và NATO. IPCP được phê duyệt bởi Hội đồng Bắc Đại Tây Dương (NAC) và đối tác. “Partnership tools”, NATO, 24/6/2016, https://www.nato.int/cps/en/natohq/topics_80925.htm.
[14]“The Republic of Korea: a partner in tackling global security challenges”, NATO, 13/4/2013, https://www.nato.int/cps/en/natolive/news_99791.htm.
[15]“Relations with the Republic of Korea”, NATO, 6/12/2018, https://www.nato.int/cps/en/natohq/topics_50098.htm.
[16] Sáng kiến Khả năng Tương tác Đối tác (PII) được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh Wales năm 2014 nhằm đảm bảo tính bền vững cho quan hệ giữa NATO và các đối tác. Theo đó, các đối tác có thể đóng góp vào việc quản lý khủng hoảng trong tương lai, bao gồm các hoạt động do NATO dẫn đầu và, nếu có, đối với Lực lượng Ứng phó NATO. Hiện PII bao gồm 24 đối tác, với mối quan tâm và cam kết tăng cường hỗ trợ nhau trong trường hợp diễn ra các khủng hoảng trong tương lai, tham gia các cuộc họp của các ủy ban và cơ quan của NATO được tổ chức theo mô hình “Nền tảng khả năng tương tác” (IP). “Partnership Interoperability Initiative”, NATO, 3/11/2020, https://www.nato.int/cps/en/natohq/topics_132726.htm, truy cập ngày 18/11/2020.
[17]“Opening remarks”, NATO, 12/4/2013, https://www.nato.int/cps/en/natohq/opinions_99528.htm.
[18]“NAPCI: Solving the Asian Paradox”, NATO, 29/10/2014, https://www.nato.int/cps/en/natohq/opinions_114190.htm?selectedLocale=fr.
[19]“NATO welcomes deepening cooperation with the Republic of Korea”, NATO, 6/10/2016; “The Second Vice Minister of Foreign Affairs of the Republic of Korea visits NATO”, NATO, 15/12/2016, https://www.nato.int/cps/en/natohq/news_135693.htm.
[20] NATO dẫn đầu Lực lượng Hỗ trợ An ninh Quốc tế (ISAF) tại Afghanistan từ năm 2003. Được sự ủy quyền của Liên Hợp Quốc, ISAF giúp phát triển các lực lượng an ninh Afghanistan để đảm bảo quốc gia này không trở thành nơi trú ẩn an toàn cho những kẻ khủng bố. Từ năm 2011, trách nhiệm an ninh dần được chuyển giao cho các lực lượng Afghanistan. Quá trình này đã hoàn tất và nhiệm vụ của ISAF cũng hoàn thành khi các lực lượng Afghanistan đảm nhận toàn bộ trách nhiệm thực thi an ninh vào cuối năm 2014. “ISAF's mission in Afghanistan (2001-2014) (Archived)”, NATO, 1/9/2015, https://www.nato.int/cps/en/natolive/topics_69366.htm.
[21]“S. Korea vows contributions to Afghan support fund until 2024”, Yonhap News, 20/10/2020, https://en.yna.co.kr/view/AEN20201020003900325.
[22] Jay Maniyar, “Japanese and South Korean engagements in the Horn of Africa”, National Maritime Foundation, 21/11/2020, https://maritimeindia.org/japanese-and-south-korean-engagements-in-the-horn-of-africa/.
[23] Rebecca R. Moore, “Partners, the Pivot, and Liberal Order”, trong Trine Flockhart (ed.), Cooperative Security: NATO’s Partnership Policy in a Changing World, Danish Institute for International Studies Report, 2014, p. 78.
[24] Niklas Swanström, “The Case for Multilateralism: The Korean Peninsula in a Regional Context”, Institute for Security and Development Policy, Focus Asia, 2020, https://isdp.eu/content/uploads/2020/06/The-Case-for-Multilateralism-FA-02.06.20.pdf.
[25] Sau khi nhậm chức, Tổng thống Moon Jae-in đã tuyên bố: “Chúng ta không bao giờ có thể để xảy ra chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên một lần nữa. Và đó là lý do chúng ta phải tìm cách giải quyết vấn đề thông qua đối thoại và các biện pháp hòa bình”. Ông cũng kêu gọi đối thoại với CHDCND Triều Tiên, đưa ra một lộ trình nhằm mục đích hòa giải với Triều Tiên, bao gồm ký một hiệp ước hòa bình thay thế thỏa thuận đình chiến và đảm bảo an ninh của chế độ Triều Tiên để đổi lại phi hạt nhân hóa. Kim Gamel, “South Korea offers olive branch to North with proposal for border talks”, Stars and Stripes, 17/7/2017, https://www.stripes.com/news/pacific/south-korea-offers-olive-branch-to-north-with-proposal-for-border-talks-1.478356, truy cập ngày 20/11/2020.
[26] Ba nội dung chính trong sáng kiến NEAPC: tăng cường hợp tác ba bên Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản và nối lại Đàm phán sáu bên, xây dựng NEAPC bằng cách kết nối hợp tác an ninh đa phương và cộng đồng kinh tế, và nâng tầm ASEAN và Ấn Độ lên đối tác kinh tế, chính trị và chiến lược ngang tầm với bốn cường quốc làMỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Nga. Lee Jaehyon, “Korea’s New Southern Policy: Motivations of ‘Peace Cooperation’ and Implications for the Korean Peninsula”, The Asan Institute for Policy Studies, Policy Brief, 21/6/2019, http://en.asaninst.org/contents/koreas-new-southern-policy-motivations-of-peace-cooperation-and-implications-for-the-korean-peninsula/.
[27] Phái đoàn NATO đã đánh giá cao sự “vươn mình” của Hàn Quốc. Phái đoàn nhận định sự “trỗi dậy” của Hàn Quốc sau những tàn phá của chiến tranh Triều Tiên để trở thành cường quốc tầm trung năng động, hiện đại diễn ra trong ba giai đoạn: giai đoạn đầu là công nghiệp hóa và phát triển kinh tế, tiếp theo là xây dựng nền dân chủ, đến những nỗ lực hiện nay nhằm xây dựng một hệ thống phúc lợi trong nước tương xứng vị thế quốc gia đã đạt được trên toàn cầu. NATO Parliamentary Assembly, “Mission Report: Republic of Korea 11-14 September 2017”, 19 March 2018.
[28]“NATO Secretary General arrives in the Republic of Korea”, NATO, 2/11/2017, https://www.nato.int/cps/en/natohq/news_148189.htm?selectedLocale=en.
[29]“South Korean officials hopeful that Moon-Kim Summit will overcome the stalemate over the North Korean nuclear programme, NATO Parliamentarians told”, NATO Parlimentary Assembly, 26/9/2018, https://www.nato-pa.int/news/south-korean-officials-hopeful-moon-kim-summit-will-overcome-stalemate-over-north-korean.
[30] NATO Parliamentary Assembly, “Mission Report”, Republic of Korea, 17-20 September 2018.
[31]“NATO must become more political and global, says alliance chief Jens Stoltenberg”, Euronews, 08/06/2020, https://www.euronews.com/2020/06/08/nato-must-become-more-political-and-global-says-alliance-chief-jens-stoltenberg.
[32] “NATO yêu cầu quân đội Hàn Quốc chia sẻ kinh nghiệm đối phó dịch COVID-19”, KBS World Radio, 5/5/2020, http://world.kbs.co.kr/service/news_view.htm?lang=v&Seq_Code=45512.
[33] Roh Tae-woo là Tổng thống Hàn Quốc đầu tiên sử dụng thuật ngữ “cường quốc tầm trung” (middle power). Với bài phát biểu tại Viện Hoover vào năm 1991, Tổng thống Roh Tae-woo khẳng định Hàn Quốc sẽ “tìm kiếm những vai trò mới như một cường quốc tầm trung”, và mô tả Hàn Quốc như một cường quốc tầm trung, một nền kinh tế thị trường tự do thành công với cam kết tham gia tích cực vào các diễn đàn đa phương để theo đuổi chương trình nghị sự an ninh của mình. Soon-ok Shin, “South Korea's elusive middlepowermanship: regional or global player?”, The Pacific Review, Vol. 29, No. 2, 2016, pp. 187-209.
[34]NATO Parliamentary Assembly, “Mission Report: Republic of Korea 11-14 September 2017”, 19 March 2018.
[35]“Moon Jae-in’s policy towards multilateral institutions: Continuity and change in South Korea’s global strategy”, Institute for European Studies, 2019, pp. 4-7.
[36] Trong bài phát biểu tại kỳ họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào tháng 9/2020, Tổng thống Moon Jae-in đã kêu gọi cộng đồng quốc tế chung tay chống dịch COVID-19 và phối hợp để đạt được một thỏa thuận hoà bình trên bán đảo Triều Tiên, nhằm tiến tới một kỷ nguyên hòa bình, hòa hợp. Song song đó, ông nhấn mạnh: “Chúng ta phải khôi phục chủ nghĩa đa phương đối với trật tự quốc tế”. Kyle Ferrier, “South Korea President Stresses Peace, Inclusiveness, and Multilateralism at UN”, The Diplomat, 23/9/2020, https://thediplomat.com/2020/09/south-korea-president-stresses-peace-inclusiveness-and-multilateralism-at-un/.
[37] Sebastian Sprenger, “NATO chief seeks to forge deeper ties in China’s neighborhood”, Defense News, 8/6/2020, https://www.defensenews.com/global/europe/2020/06/08/nato-chief-seeks-to-forge-deeper-ties-in-chinas-neighborhood/.
[38]Byung-Kook Kim, “Between China, America, and North Korea: South Korea’s Hedging,” trong Robert S. Ross and Zhu Feng (eds.) (2008), China’s Ascent: Power, Security, and the Future of International Politics, Cornell University Press, pp. 191-217.
[H1]Viết câu ngắn, rõ ràng hơn