Ngày 25/10/2022, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á đã có buổi tiếp và trao đổi khoa học với Đại sứ quán Hàn Quốc tại Hà Nội. Tham dự buổi làm việc, về phía Đại sứ quán Hàn Quốc tại Hà Nội có ông Wee Joon-seok, Tham tán công sứ, bà Nguyễn Bích Ngọc, trợ lý Ban Chính trị và bà Nguyễn Kim Ngân, cán bộ Đại sứ quán Hàn Quốc tại Hà Nội; về phía Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á có TS. Nguyễn Thị Thắm, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc, Triều Tiên, PGS.TS. Phạm Hồng Thái, nghiên cứu viên cao cấp, Ths. Lê Hồng Hạnh, chuyên viên Phòng Quản lý khoa học và Hợp tác Quốc tế.
Viện Nghiên cứu Đông Bắc trao đổi khoa học với Đại sứ quán Hàn Quốc tại Hà Nội.
Đại diện phía Đại sứ Hàn Quốc tại Hà Nội, ông Wee Joon-seok đã bày tỏ sự cảm ơn chân thành đến Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á về việc sẵn lòng tiếp đón và trao đổi với Đại sứ quán Hàn Quốc. Hai bên đã cùng trao đổi về tình hình Triều Tiên gần đây và việc phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Nhìn từ góc độ nghiên cứu, các học giả của Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á đã đưa ra các nhận định sau:
- Trong những năm gần đây, Triều Tiên đã thể hiện rõ ưu tiên cho phát triển kinh tế, đặt mục tiêu phát triển kinh tế lên hàng đầu bên cạnh việc hiện đại hóa quân đội, kiên định chế độ chính trị của mình.
- Tình hình thế giới hiện nay tiềm tàng nhiều biến động khó lường như cuộc khủng hoảng Nga-Ucraina, cạnh tranh quyền lực giữa Mỹ và Trung Quốc và gần đây là nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu có thể khiến cho các bên liên quan cần có một cái nhìn toàn diện hơn.
- Ba yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến việc phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên gồm: yếu tố Mỹ, chính sách của Hàn Quốc và chính sách của Triều Tiên. Quan hệ Hàn - Mỹ gần đây đã được tăng cường thành mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện toàn cầu. Còn Triều Tiên vẫn luôn khẳng định họ phát triển vũ khí hạt nhân là để bảo vệ chính họ trước những nguy cơ an ninh.
- Các lệnh trừng phạt về kinh tế đang dần bộc lộ những hạn chế nhất định. Điều này có thể nhận thấy thông qua trường hợp cấm vận Nga gần đây. Vì ở trong thời đại toàn cầu hóa nên mọi quốc gia, mọi nền kinh tế đều có sự liên quan, gắn kết, không thể cắt đứt một mắt xích mà không gây ảnh hưởng đến các mắt xích khác và toàn bộ hệ thống.
- Việt Nam đã từng trải qua những năm tháng chia cắt và cấm vận nên hiểu rõ giá trị của thống nhất, của hòa bình và hợp tác quốc tế. Việt Nam luôn tôn trọng, tuân thủ các qui ước quốc tế, là một thành viên có trách nhiệm trong các tổ chức quốc tế, tích cực đóng góp cho hòa bình và thịnh vượng chung của toàn khu vực và trên thế giới. Việt Nam luôn mong muốn bán đảo Triều Tiên luôn giữ gìn được hòa bình và phát triển
Ông Wee Joon-seok bày tỏ sự đồng tình với quan điểm của các chuyên gia và cũng thông báo một số biện pháp chính sách của Tân Tổng thống đối với Triều Tiên cũng như bình luận về tình hình khu vực và quốc tế Ông đánh giá cao kết quả của buổi làm việc và mong muốn tiếp tục có sự hợp tác, trao đổi thường xuyên giữa Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam với Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á.
Buổi làm việc kết thúc trong không khí sôi nổi và hiệu quả. Sau buổi làm việc, hai bên đã cùng nhau chụp ảnh kỷ niệm.
Hai bên cùng nhau chụp ảnh kỷ niệm
Lê Hạnh