Tóm tắt: Bài viết phân tích quá trình Nhà nước Hàn Quốc nuôi dưỡng sự hình thành của tầng lớp trung lưu trong thập niên 1960 và 1970. Thông qua các chính sách công nghiệp hóa rút gọn, hỗ trợ nhà ở, thiết lập các hệ giá trị và quy tắc xã hội mới, nhà nước đã xây dựng tầng lớp trung lưu thành chủ thể phát triển mới. Trong thập niên 1960, giai tầng này thực hành lối sống chăm chỉ lao động, có kỷ luật và tiết kiệm. Sang thập niên 1970, khi của cải xã hội dồi dào, giới trung lưu được định hướng theo đuổi lối sống tiêu dùng, tiện nghi, hiện đại và có văn hóa. Giới trung lưu ra đời không chỉ là sản phẩm tất yếu của quá trình công nghiệp, hiện đại hóa mà còn là kết quả của những chủ trương chính trị, vừa góp phần nâng cao vị thế quốc gia, vừa đảm bảo tính chính danh của nhà nước cầm quyền.
Từ khóa: tầng lớp trung lưu, công nghiệp hóa, lối sống, văn hóa, Hàn Quốc
1. Giới thiệu
Theo Từ điển Oxford, mục từ tầng lớp trung lưu (middle class) chỉ những người không quá giàu và cũng không quá nghèo. Tầng[1]lớp[2]này nằm ở giữa giai[3]cấp thượng lưu (elite/upper class) và giai cấp lao động (working class) trong thang phân tầng xã hội, có vị thế và thu nhập trung bình trong xã hội. Từ điển Xã hội học của John Scott và Gordon Marshall định nghĩatầng lớp trung lưubao gồm tất cả những người có nghề chuyên nghiệp hưởng lương, quản lý, công chức, bác sĩ, giáo viên, nhân viên văn phòng…[4]
Nhà xã hội học Anthony Giddens cho rằng tầng lớp trung lưu bao gồm một phổ rộng lớn những người làm việc ở lĩnh vực khác nhau từ kinh doanh dịch vụ cho tới giáo dục, y khoa[5]. Trong khi đó, Robert Rothman xây dựng mô hình khái quát về phân tầng xã hội ở các quốc gia công nghiệp hóa với năm giai cấp cơ bản: (1) giai cấp tinh hoa/thượng lưu (elite class); (2) giai cấp trung lưu lớp trên (upper middle class); (3) giai cấp trung lưu lớp dưới (lower middle class); (4) giai cấp lao động (working class); (5) giai cấp hạ lưu/nghèo (poor/lower class). Theo đó, giai cấp trung lưu lớp trên và lớp dưới được xác định dựa theo nghề nghiệp với đặc điểm trung là có trình độ chuyên môn[6].Ở Hàn Quốc, thuật ngữ tầng lớp trung lưu thường được dùng để chỉ những người lao động chuyên môn hưởng lương hay công nhân cổ cồn trắng (white-collar workers)[7].
Các nghiên cứu về tầng lớp trung lưu ở các nước đang phát triển chủ yếu sử dụng cách tiếp cận của Marx Weber[8] và Pierre Bourdieu[9]. Cách tiếp cận của Weber xác định tầng lớp trung lưu dựa trên nghề nghiệp và thu nhập trong khi Bourdieu chú trọng đến văn hóa và lối sống tiêu dùng của tầng lớp này. Weber xem các giai tầng được hình thành bởi các điều kiện mang tính cấu trúc như nghề nghiệp, thu nhập, trình độ học vấn còn Bourdieu lại quan tâm nhiều sự khác biệt trong đời sống văn hóa, xã hội của các giai tầng cũng như những khuôn mẫu ứng xử mà giai tầng đó tạo ra. Điểm chung của Weber và Bourdieu là cho rằng tầng lớp này ra đời cùng với công nghiệp hóa ở châu Âu. Từ đó, nhiều nghiên cứu xem tầng lớp trung lưu là một “sản phẩm tự nhiên” của phát triển kinh tế và hiện đại hóa.
Tuy nhiên, Hàn Quốc là một trường hợp khá đặc biệt. Sự hình thành và phát triển của tầng lớp trung lưu không hoàn toàn tự nhiên mà là một chủ trương chính trị rõ ràng của nhà nước để phát triển đất nước và đảm bảo tính chính danh của chế độ. Chính quyền Tổng thống Park Chung Hee xem sự phát triển của tầng lớp trung lưu là chìa khóa để công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Các chính sách cụ thể được thực thi nhằm nuôi dưỡng và phát triển tầng lớp này trong hai thập niên 1960 và 1970 sau quá trình thảo luận chính trị và học thuật khá sôi động.
2. Sứ mệnh của tầng lớp trung lưu
Park Chung Hee cho rằng để xây dựng và phát triển, Hàn Quốc cần phải thực hiện những cải cách xã hội triệt để về thể chế và tinh thần dân tộc. Tổng thống Park cho rằng chính quyền của Rhee và Chang trước đó thiếu tính chính danh và tham nhũng trầm trọng, do đó thất bại trong việc cải thiện đời sống nhân dân. Do đó, một mặt chính quyền Park Chung Hee thực thi những chính sách quyết liệt diệt trừ nạn tham nhũng, cải cách bộ máy hành chính nhà nước, mặt khác phát triển các ngành công nghiệp định hướng xuất khẩu.
Cùng vớiquá trình cải cách thể chế và kinh tế, Tổng thống Park khuyến khích công dân thay đổi nhận thức và thái độ, điều mà ông gọi là “cuộc cách mạng tinh thần”. Chính quyền Park đặt mục tiêu xây dựng một cơ thể xã hội mới mà mỗi công dân là một tế bào có lối sống mới. Park Chung Hee tin rằng sự phát triển của mỗi quốc gia phụ thuộc vào tinh thần và sự tận hiến của công dân. Theo logic này, của cải vật chất được làm ra dồi dào khi xã hội chuyển đổi hệ thống giá trị và mỗi cá nhân thay đổi thế giới quan[10]. Ông kêu gọi người dân phát triển tinh thần tự cường, tránh u sầu, thất vọng và buồn chán[11]. Dưới thời Park Chung Hee, nhà nước đã cố gắng xây dựng một hệ giá trị xã hội mới, tạo ra các chủ thể để vượt qua những truyền thống văn hóa vốn là rào cản của tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Nhà xã hội học người Mỹ Gorski chỉ ra rằng nhà nước chỉ có thể quản trị công dân thông qua việc thiết lập các quy tắc xã hội. Vấn đề làm bằng cách nào nhà nước có thể thiết lập các quy tắc này hiệu quả. Với Gorski thì nhà nước cần xác lập số nhóm cụ thể để thực thi hiệu quả, truyền bá các quy tắc và giúp chúng ngấm dần vào toàn bộ dân số[12]. Trong trường hợp Hàn Quốc, nhà nước xác định nhiệm vụ này là của tầng lớp trung lưu. Tầng lớp này cấu thành bởi những công dân sống có quy tắc, làm ăn hiệu quả, có lối sống hiện đại thay vì luẩn quẩn với các định chế văn hóa cổ truyền của xã hội tiểu nông. Đầu thập niên 1960, các chính trị gia và học giả tin rằng sự phát triển của tầng lớp trung lưu có thể khai sáng phần thủ cựu còn lại của xã hội và phát triển một nền văn hóa của riêng Hàn Quốc[13].
Năm 1966, nhà nước và các đảng phái chính trị bắt đầu xem xét vấn đề tầng lớp trung lưu một cách nghiêm túc. Đảng đối lập dành sự quan tâm tới tầng lớp trung lưu (jungsanchung) trong cuộc họp vào đầu năm 1966 bằng cách lập luận rằng sự phát triển của tầng lớp này là một vấn đề cấp bách. Lãnh đạo đảng đối lập (Minjungdang) cho rằng tầng lớp trung lưu chính là lực lượng dẫn dắt nền dân chủ và thống nhất dân tộc, và điểm cốt yếu cần quan tâm là bảo vệ và duy trì các lợi ích kinh tế của chính tầng lớp này. Đảng Cộng hòa dân chủ cầm quyền (Minjugonghwadang) nhấn mạnh vào lợi ích của tầng lớp trung lưu và cho rằng nuôi dưỡng tầng lớp trung lưu mới cần thông qua việc hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ và xây dựng hệ thống phúc lợi xã hội tốt. Bất chấp sự khác biệt về tư tưởng, giới chính trị Hàn Quốc đã đạt được sự đồng thuận về vai trò của tầng lớp trung lưu: chủ thể của quá trình hiện đại hóa và giữ vững ổn định xã hội.
Trong quan điểm của các chính trị gia và học giả Hàn Quốc thời điểm đó, tầng lớp thượng lưu có thể liên minh với các lực lượng nước ngoài để mở rộng thị trường và bảo vệ lợi ích bản thân trong khi các tầng lớp thấp thiếu năng lực kinh tế và trình độ lao động. Chỉ có tầng lớp trung lưu là lực lượng đứng vững trước các cám dỗ bên ngoài, không sa vào các chính sách thực dân kinh tế và không dao động đối với chủ nghĩa dân tộc[14]. Theo đó, với định hướng chính trị trung dung và tư duy duy lý, tầng lớp trung lưu là thành tố lý tưởng để xây dựng một quốc gia mới. Tầng lớp này cũng là lực lượng chính thực thi “cuộc cách mạng thầm lặng” nhằm giảm bất bình đẳng xã hội, xây dựng một quốc gia thịnh vượng với sự ổn định cao. Họlà những người lao động chăm chỉ và có phẩm chất công dân chất lượng cả về văn hóa và xã hội. Họ không bị rằng buộc bởi các lợi ích ngắn hạn giống như tầng lớp thượng lưu và có thể đoán trước những biến chuyển với tư duy duy lý hơn nhiều so với tầng lớp lao động. Quan trọng hơn, giai tầng này có thể gieo mầm những đặc trưng tốt đẹp về văn hóa lao động, lối sống cho toàn bộ xã hội. Nuôi dưỡng và cải thiện điều kiện kinh tế xã hội của tầng lớp trung lưu, Hàn Quốc sẽ đạt được hiện đại hóa.
Vào thời điểm đầu thập niên 1960, tầng lớp trung lưu ở Hàn Quốc còn rất mỏng. Theo các báo cáo của Liên Hợp Quốc, Hàn Quốc là một trong những nước nghèo nhất thế giới với thu nhập trung bình thấp hơn 150 USD. Những người lao động chuyên môn, nhà quản lý, giới cổ cồn trắng ở Hàn Quốc còn rất ít và nông dân vẫn chiếm đa số. Tuy nhiên, những thảo luận về tầng lớp trung lưu trong giai đoạn này có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Chính quyền Tổng thống Park cần một giai tầng chăm chỉ lao động đểtiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa mà không đe dọa đến sự ổn định xã hội. Tầng lớp này sẽ có cuộc sống đầy đủ, tiện nghi và là tiêu chuẩn sống mới của xã hội Hàn Quốc trong tương lai gần. Đây chính là triết lý chính trị đằng sau sự phát triển của tầng lớp trung lưu ở Hàn Quốc trong giai đoạn tiếp theo.
3. Công nghiệp hóa và sự phát triển của tầng lớp trung lưu
Trong khi các diễn ngôn chính trị còn khá trừu tượng thì hàng ngày hàng giờ tiến trình công nghiệp hóa của Hàn Quốc đã tạo ra một tầng lớp trung lưu mới ở các đô thị.
Thập niên 1960 Hàn Quốc khá thành công với ngành công nghiệp nhẹ xuất khẩu song Park Chung Hee vẫn tin rằng phát triển kinh tế cần dựa trên công nghiệp nặng. Với ông, khuyến khích công nghiệp nặng đồng nghĩa với việc xây dựng nền kinh tế tự chủ, hiện đại hóa đất nước. Để đạt được mục tiêu này, việc hình thành đội ngũ kỹ sư, lao động chuyên môn, nhà quản lý là rất quan trọng, cùng với đó là sự phát triển của khoa học và công nghệ.
Thập niên 1970 chứng kiến sự phát triển vũ bão của các chaebol ở Hàn Quốc. Park Chung Hee rất ưa thích các tập đoàn như Hyundai hay Daewoo bởi họ sẵn sàng đầu tư vào công nghiệp nặng[15]. Các chaebol được hưởng rất nhiều ưu đãi và hỗ trợ từ phía chính phủ. Năm 1974, 10 chaebol lớn nhất của Hàn Quốc chiếm tới 15% GNP của Hàn Quốc, tăng lên gần 50% vào năm 1980 và chiếm 2/3 vào năm 1984[16]. Các chaebols phát triển tác động mạnh đến thị trường lao động Hàn Quốc. Nhu cầu lao động có trình độ chuyên môn tăng mạnh kéo theo sự phát triển của hệ thống giáo dục và đào tạo nghề.
Giai đoạn 1963-1983, số lượng các nhà chuyên môn, quản lý, nhân viên văn phòng tăng rất nhanh, từ 6,7% lên 16,6%[17]. Cũng trong thời gian này, số lượng kỹ sư tăng gấp mười lần và số lượng nhà quản lý tăng gấp đôi. Lương của họ cũng cao gấp bốn lần so với công nhân sản xuất[18].Bên cạnh đó, phúc lợi xã hội dành cho tầng lớp này cũng rất ổn định do các doanh nghiệp ăn nên làm ra. Các chaebol thu hút được hầu hết nguồn nhân lực chất lượng bởi lương cao và chế độ phúc lợi tốt trong bối cảnh hệ thống an sinh xã hội công còn khá hạn chế.Trong năm 1960, hầu hết những người có trình độ học vấn cao đều mong muốn làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước, song sang năm 1970, khu vực doanh nghiệp mới là nơi hấp dẫn nhất đối với các sinh viên tốp đầu[19].
Lương cao, công việc ổn định, phúc lợi xã hội tốt và trình độ chuyên môn cao khiến vị thế xã hội của tầng lớp trung lưu liên tục tăng. Chỉ trong giai đoạn ngắn, giai tầng này đã trở thành biểu tượng của sự phát triển. Họ khiến tổng sản phẩm quốc nội tăng nhanh bởi sự tận hiến và chăm chỉ lao động. Họ còn là những “chiến binh công nghiệp” mang về rất nhiều ngoại tệ từ các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi. Nói cách khác, tầng lớp này vừa mang lại kinh tài, vừa nâng cao vị thế trên trường quốc tế cho Hàn Quốc. Có thể nói, trong thập niên 1970,chính sách chuyển đổi kinh tế công nghiệp nặng do các chaebol làm mũi nhọn đã thúc đẩy tầng lớp trung lưu phát triển nhanh chóng và chính họ ngày càng khẳng định vị thế và vai trò của mình.
4. Lối sống và văn hóa
Vào giai đoạn 1960-1980, một gia đình trung lưu lý tưởng của Hàn Quốc là người chồng có trình độ chuyên môn, đóng góp cho sự phát triển của kinh tế đất nước và người vợ tiết kiệm, quản lý tốt tài chính gia đình. Trong bài phát biểu tại Đại học Quốc gia Seoul năm 1961, Park Chung Hee kêu gọi toàn bộ người dân Hàn Quốc phải thắt lưng buộc bụng và các gia đình trung lưu đi đầu trong việc thực hiện lời kêu gọi này của ông.
Nhà nước nhấn mạnh đến các quy tắc, tính kỷ luật trong đời sống hàng ngày.Kỷ luậttrong chính trị, kinh tế và gia đình được xem là hành động yêu nước, đóng góp cho sự thịnh vượng của đất nước. Tiết kiệm là một giá trị sống được đề cao và thực hành trong khi sự xa hoa, lãng phí được coi là điều xấu xa cần loại bỏ.Thông qua các chiến dịch tuyên truyền, chính sách thắt lưng buộc bụng và kỷ luật được triển khai rộng rãi. Các chính sách này dựa trên cơ sở giới, gắn vai trò của phụ nữ là người quản lý tài chính gia đình.
Những phụ nữ thuộc tầng lớp thượng lưu thường mua sắm các mỹ phẩm nước ngoài đắt tiền, nội thất xa xỉ, quần áo hàng hiệu và bị chỉ trích là phung phí và gây hại cho nền kinh tế Hàn Quốc. Thậm chí, nhiều trí thức cho rằng sử dụng mỹ phẩm nhập khẩu được xem là hành động thiếu đạo đức và không yêu nước, có thể làm tổn thương nền kinh tế. Sự phung phí không chỉ diễn ra ở tầng lớp thượng lưu. Chính quyền Tổng thống Park cũng thấy nhiều nông hộ lãng phí tiền bạc vào các phong tục truyền thống không cần thiết như cưới treo, tang ma hay thờ cúng tổ tiên. Để giải quyết vấn đề này, Hàn Quốc ban hành Luật Nghi lễ và Gia đình năm 1969. Theo đó, cấm tổ chức tiệc cưới, tang ma phô trương, tốn kém và yêu cầu tổ chức đơn giản, tiết kiệm các sự kiện tương tự. Park Chung Heelập luận phát triển kinh tế chỉ có thể đạt được khi các hành vi lãng phí và thiếu năng suất được loại bỏ.
Kết quả là nhà nước và các phương tiện truyền thông đại chúng xác định phụ nữ như là chủ thể chính thực hiện lối sống kỷ luật, tiết kiệm cả trong gia đình và ngoài xã hội. Người vợ trong gia đình trung lưu vừa thực hiện vai trò kinh tế, vừa thực hiện vai trò đạo đức. Một người vợ trung lưu thông thái và tiết kiệm sẽ quản lý kinh tế gia đình duy lý và đây được xem là chìa khóa của phát triển kinh tế quốc dân. Tiến kiệm tiền bạc và tích lũy tài sản từ trong mỗi gia đình chính là nền tảng để duy trì sự ổn định nền kinh tế. Theo đó, phụ nữ trở thành người vận động cho các chính sách phát triển. Họ được giáo dục để tiết kiệm tiền bạc và quản lý tài chính gia đình hợp lý từ những việc nhỏ nhất như sử dụng điện, nước. Các tờ tạp chí phổ biến thời điểm đó cũng thường đăng hình ảnh người phụ nữ trung lưu có lối sống tiết kiệm và kỷ luật.
Sử dụng hiệu quả sổ chi tiêu gia đình được xem là chiến lược tiết kiệm phổ biến và hiệu quả của những phụ nữ trung lưu mẫu mực. Năm 1967, nhà nước thành lập Ủy ban Phụ nữ sống tiết kiệm, phối hợp với khoảng hai mươi hiệp hội phụ nữ và triển khai chiến dịch khuyến khích các bà vợ sử dụng sổ thu chi gia đình (gagyebu). Bằng việc ghi chép tỉ mỉ các hoạt động chi tiêu, phụ nữ có thể biết được mô thức tiêu dùng của gia đình và cắt giảm các chi phí không cấp thiết, từ đó tăng tích lũy. Dưới sự hỗ trợ của chính phủ, một số tạp chí phụ nữ tổ chức cuộc thi thường niên cho sổ chi tiêu gia đình và công bố những cuốn sổ tốt nhất, tiết kiệm nhất. Một cuốn sổ đẹp là nơi ghi chép toàn bộ hoạt động chi tiêu của gia đình và giúp dành khoảng 30% thu nhập để tiết kiệm. Sau đó, nhà nước in ấn và công bố các cuốn sổ đạt giải nhằm tôn vinh “những người vợ tốt” và làm gương cho những người khác. Bằng các chiến dịch này và thực hành lối sống khắc khổ, tỷ lệ tiết kiệm của người dân ở Hàn Quốc cao bất thường so với nhiều quốc gia phát triển khác: tăng 22,2% trong giai đoạn 1960-1979[20].
Phụ nữ quản lý tốt tài chính gia đình là thể hiện tình yêu nước rất thiết thực, giúp chồng họ yên tâm cống hiến cho công việc, mang ngoại tệ về cho đất nước. Hình ảnh của họ mẫu mực và hiện đại, khác xa so với những phụ nữ trác táng, bỏ bê gia đình hay quyết ly hôn với chồng phải ra nước ngoài làm việc. Họ cũng được tôn vinh và phân biệt với những phụ nữ có trình độ học vấn thấp và làm việc trong các công xưởng nhỏ hẹp. Trong các bộ phim truyền hình, phụ nữ trong gia đình trung lưu luôn là những người vợ, người mẹ tốt, sống kỷ luật, tiết kiệm và tìm mọi cách bảo vệ gia đình.
Tầng lớp trung lưu không chỉ thực hành lối sống khổ hạnh, năng suất cả ở nhà và nơi làm việc, họ còn là biểu tượng cải thiện mức sống và sự giàu có của quốc gia. Kể từ khi chính phủ triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế năm 1962, Hàn Quốc đạt được tăng trưởng kinh tế đáng kinh ngạc. GNP tăng từ 82 USD năm 1961 lên 266 USD năm 1970, tỷ lệ tăng trưởng hàng năm tăm 12,6%. Xuất khẩu tăng từ 10 triệu USD vào năm 1964 lên 10 tỷ USD năm 1978. Với nguồn lực kinh tế dồi dào, nhà nước đã đầu tư mạnh để cải thiện đời sống của giới trung lưu.
Chính phủ xây dựng nhiều khu chung cư để giải quyết vấn đề thiếu nhà ở cho tầng lớp trung lưu. Năm 1966, thị trưởng thủ đô Seoul công bố xây dựng 40.000 căn hộ cho tầng lớp này. Chủ các căn hộ này chủ yếu là người trẻ và có trình độ học vấn. Theo thống kê, hơn một nửa những người mua căn hộ có trình độ đại học trở lên, làm việc trong các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước và trường học. Cho dù không giàu có song họ lại có thu nhập khá ổn định. Sống trong các căn hộ trở thành hình ảnh gắn liền với tầng lớp trung lưu và cũng định hình lối sống và văn hóa của nhóm xã hội này.
Các căn hộ thường được trang bị khu bếp, nhà vệ sinh sạch sẽ, có thiết bị điện tiện dụng, hệ thống nước sạch, bếp ga và đặt ở những nơi gần siêu thị, bãi đỗ xe, trường học. Khác với ngôi nhà truyền thống (hanok) thường có bếp và nhà vệ sinh bên ngoài, các căn hộ mới xây đảm bảo sự riêng tư và tự do cho các thành viên gia đình. Nói cách khác, căn hộ được xem là “văn minh” hơn so với nhà truyền thống. Mặt bằng sinh hoạt thay đổi đã tạo ra sự thay đổi lớn về lối sống. Nó giải phóng người vợ khỏi những công việc gia đình (xách nước, bổ củi, đun nấu thủ công, giặt giũ bằng tay…) và khiến họ không phải lo lắng về an ninh. Căn hộ dễ sang lau dọn hơn so với các kiểu nhà khác và phụ nữ cũng không cần phải lo dự trữ củi, chịu đựng khói than để sưởi ấm ngôi nhà vào mùa đông.Trong thập niên 1970, nhiều phụ nữ Hàn Quốc cho rằng lợi ích lớn nhất của các khu chung cư chính là lối sống tiện dụng[21].
Máy giặt, tủ lạnh và ti vi đen trắng được gọi là “ba báu vật” (samsin’gi), biểu tượng cho cuộc cách mạng đời sống thường ngày diễn ra vào cuối thập niên 1960. Mặc dù các thiết bị này không rẻ nhưng chúng nhanh chóng phổ biến trong các gia đình trung lưu Hàn Quốc ở đô thị. Khảo sát năm 1978 cho thấy tất cả các nhân viên chính phủ, ngân hàng, doanh nghiệp đều có ti vi ở nhà, 96% có tủ lạnh, 64% có máy giặt, 42,7% có đàn piano và 2,7% có ô tô[22].Những vật dụng vốn là thứ xa xỉ trong thập niên 1960 đã trở nên khá phổ biến trong các gia đình trung lưu ở đô thị trong thập niên sau đó. Tầng lớp trung lưu chuyển dần từ lối sống tiết kiệm, khắc khổ sang lối sống tiêu dùng. Nói cách khác, một sự thay đổi đáng kể đã diễn ra chỉ trong hai thập niên. Trong thập niên 1960, các diễn ngôn chính trị về tầng lớp trung lưu tập trung vào sự đóng góp cho quá trình hiện đại hóa đất nước bằng lối sống kỷ luật và khổ hạnh thì sang thập niên 1970 giai tầng này là chủ thể phát triển mới thông qua chủ nghĩa tiêu dùng và lối sống hiện đại.
5. Khát vọng trung lưu
Cho dù xã hội Hàn Quốc đã thay đổi rất nhiều trong hai thập niên 1960, 1970 với sự lớn mạnh của tầng lớp trung lưu có lối sống hiện đại, tiện nghi thì đại bộ phận công nhân trong các công xưởng vẫn sống với mức lương thấp và điều kiện khó khăn[23]. Lương của công nhân sản xuất chỉ tăng 10% trong giai đoạn này[24]. Tuy vậy, dưới chế độ của Park Chung Hee, không có một phong trào phản kháng xảy ra trên diện rộng nào trong giới công nhân. Chính phủ hứa hẹn rằng thành quả kinh tế cuối cùng sẽ được phân phối cho toàn bộ dân số[25]. Hi vọng về việc thoát khỏi điều kiện làm việc nghèo nàn để di động lên tầng lớp trung lưu giữ cho giới công nhân tiếp tục làm việc.Bất chấp bất bình đẳng xã hội ngày càng tăng, đời sống tiêu dùng thoải mái, nhà ở tiện nghi của tầng lớp trung lưu là hình ảnh đầy hấp dẫn với tầng lớp dưới và sẽ sớm đến với họ trong tương lai gần.
Có thể nói, tầng lớp trung lưu đã thực hiện khá thành công vai trò kép mà nhà nước mong đợi. Một mặt, tầng lớp này đã gieo mầm và phổ biến lối sống kỷ luật, tiết kiệm và tự lực. Mặt khác, giai tầng này cũng tạo ra giấc mơ tiêu dùngthông qua việc mua sắm và sử dụng các vật dụng hiện đại, từ đó cải thiện tiêu chuẩn sống. Qua đó, giai tầng này vừa thực hiện hiệu quả hệ tư tưởng vừa đảm bảo tính chính danh của chế độ. Tầng lớp trung lưu còn xây dựng nên một lối sống mới, văn hóa mới nặng tính duy lý. Ở phương diện này, giới trung lưu phản ánh một hình ảnh tưởng chừng đầy mâu thuẫn: kỷ luật, khắc khổ và tiêu dùng thoải mái. Nhưng thực ra, thông điệp lại rất rõ ràng: nếu bạn làm việc chăm chỉ và sống khổ hạnh, bạn sẽ bước chân vào giới trung lưu, tận hưởng lối sống tiện nghi, hiện đại và có văn hóa.
Trong một bài phát biểu năm 1967, Tổng thống Park tuyên bố “vào những năm 1970, mọi người sẽ tận hưởng thời gian giải trí với gia đình, các bà nội trợ sẽ quản lý gia đình một cách tiết kiệm trong những ngôi nhà hiện đại với nhà bếp tối tân”[26]. Trong một lần khác, ông cho rằng khi kết thúc Kế hoạch phát triển kinh tế lần thứ III, lối sống đặc trưng của Hàn Quốc là mỗi gia đình có thể mua ô tô và đi dã ngoại vào cuối tuần[27].Hình ảnh lý tưởng về một xã hội tương lai là ở đó đại bộ phận dân chúng có thể hưởng dụng lối sống trung lưu, có thể sở hữu nhà riêng, các vật dụng hiện đại và tham gia các hoạt động giải trí.
Cuối thập niên 1970, báo chí đã phản ánh sự thay đổi đáng kể về không gian xã hội đô thị ở Hàn Quốc. Theo đó, sở hữu xe hơi cá nhân và tham gia các hoạt động giải trí cuối tuần chiếm dung lượng chủ yếu. “Xe của tôi” và “nhà của tôi” trở thành cụm từ phổ biến nhất trên truyền thông và đó là giấc mơ thành hiện thực của nhiều người. Không gian đô thị với những toà nhà cao tầng, các căn hộ chung cư và ô tô tràn ngập đường phố chính là biểu tượng của sự thịnh vượng mới và hiện đại của Hàn Quốc. Nhân vật chính trong bức tranh này chính là giới trung lưu. Ô tô, căn hộ, những kỳ nghỉ hè được xem là đặc trưng của lối sống trung lưu thời kỳ này.
Cuối năm 1977, cuộc khảo sát với 2000 hộ gia đình của Bộ Văn hóa và Thông tin cho thấy tăng trưởng kinh tế nhanh khiến người dân nhìn nhận tình cảnh hiện tại lạc quan hơn. Nhiều gia đình công nhân cho rằng mức sống hiện tại của họ là tương đương và tự nhận diện mình là thành viên của giới trung lưu.Dựa trên nghề nghiệp và sở hữu nhà ở, một số nghiên cứu ước tính tầng lớp trung lưu chiếm khoảng 30% dân số Hàn Quốc vào thời điểm đó[28].Cuộc khảo sát cho thấy phát triển kinh tế còn làm tăng niềm tự hào dân tộc:88,8% đồng ý rằng kinh tế Hàn Quốc sẽ sớm tự chủ và 52,4% tin đất nước sẽ sánh ngang với các cường quốc trên thế giới. Niềm tin vào chính phủ cũng tăng lên: 80,4% tin rằng tham nhũng sẽ giảm trong 4 đến 5 năm tới. Lời hứa về một tương lai trung lưu tốt đẹp khiến người dân lãng quên những bất bình đẳng xã hội đang ngày một tăng. Một số nhóm sinh viên và học giả cấp tiếp chỉ trích các chính sách phát triển thiếu công bằng của nhà nước và đòi hỏi phải phân phối công bằng hơn các kết quả tăng trưởng. Tuy nhiên, những phản biện của họ không đạt được hiệu quả cao.
6. Kết luận
Với sự giúp sức của giới tinh hoa, các cơ quan truyền thống, nhà nước đã gieo mầm và phổ biến một tầm nhìn phát triển đất nước gắn liền với giới trung lưu có lối sống hiện đại và tiện nghi. Thông qua tầng lớp trung lưu, chính phủ đã huy động được sự đồng thuận và tin tưởng của dân chúng để thực thi các chính sách phát triển kinh tế.Giai cấp trung lưuở Hàn Quốc đã lớn lên trong bối cảnh công nghiệp hóa rút ngắn chủ yếu do khu vực tư nhân thực hiện dưới sự bảo trợ của nhà nước. Trong diễn ngôn của nhà nước, tầng lớp này là một nhóm xã hội mới có trình độ học vấn cao, sở hữu trình độ chuyên môn, làm việc trong các doanh nghiệp có thu nhập và phúc lợi ổn định. Trong giai đoạn đầu, họ cần thực hành lối sống kỷ luật, tiết kiệm và dần chuyển sang lối sống tiện nghi, tiêu dùng, hiện đại và có văn hóa khi của cải xã hội đã dồi dào.
Trường hợp của Hàn Quốc cho thấy giới trung lưu không chỉ là “sản phẩm tự nhiên” của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nó được hình thành có chủ đích với quyết tâm chính trị rõ ràng và các chính sách cụ thể trên cả phương diện kinh tế, văn hóa và xã hội. Giới trung lưu vừa mang sứ mệnh gieo mầm, thực thi và phổ biến các quyết sách chính trị, vừa là lực lượng giữ vững sự ổn định xã hội. Họ cũng góp phần quan trọng nâng cao vị thế quốc gia và đảm bảo tính chính danh của chế độ. Mặt khác, đầu tư cho tầng lớp trung lưu không có nghĩa là tạo sự căng thẳng hay mâu thuẫn giữa các giai tầng. Trái lại, nó tạo ra một không gian đầy hấp dẫn cho sự di động đi lên đối với tầng lớp lao động. Sự hiện hữu của lối sống tiện nghi, hiện đại, có văn hóa giúp nhà nước quản trị khá mượt mà tiến trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa.
Nguyễn Hoài Sơn1, Nguyễn Thành Trung2, Trần Anh Tuấn3
1. Hsiao, Hsin-Huang M., ed (1993), Discovery of the Middle Classes in East Asia, Taipei, Academia Sinica.
2. Kim, Chaeyun (1966), “Modernization and the Middle Class: The Sociological Perspective”, Chosun Ilbo (3).
3. Liechty, Mark (2003), Suitably Modern: Making Middle Class Culture in a New Consumer Society, Princetion, University Press.
4. Nelson, Laura C. (2000), Measured Excess: Status, Gender, and Consumer Nationalism in South Korea, NY, Columbia University Press.
5. Woo-Cumings, Meredith, ed (1999), The Development State, Ithaca: Cornell University Press.
The Formation and Development of Middle Class during the 1960s and 1970s in South Korea
Nguyen Hoai Son, Nguyen Thanh Trung
This article examines the process through which the state nurtured urban middle class formation and development during the 1960s-1970s in South Korea. The Korean state created the middle class as a subject development by implementing industrial policies, housing supports, and enforcing social values and discipline. In the 1960s, the middle class practiced hard-working and frugal lifestyles. In the 1970s, they were oriented toward pursuiting comfortable, modern and cultured consumer lifestyle. In South Korea, the middle class was not only a “natural product” of economic development and modernization but also a result of political-ideological project to enhance the national status and strengthen the regime’s political legitimacy.
Key words: Middle Class, Industrialization, Lifestyle, Culture, South Korea
[1]Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
[2]Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
[3]Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
[4]Scott, Johnand Gordon Marshall (2009),A Dictionary of Sociology - Third Edition Revised, New York, Oxford University Press, tr. 469-470.
[5]Giddens, Anthony (2001),Sociology - 4th edition, UK, Polity Press, tr. 694.
[6]Rothman, Robert A. (2005),Inequality and Stratification: Race, Class and Gender - 5thedition, United States of America, Pearson Prentice Hall, tr. 43, 60, 61.
[7] Davis, Diane E (2004), Discipline and Development: Middle Classes and Prosperity in East Asia and Latin America, Cambridge, tr. 253.
[8]Maximilian Carl Emil Weber (1864-1920) là nhà kinh tế học và xã hội học người Đức, ông được nhìn nhận là một trong bốn người sáng lập ngành xã hội học và quản trị công đương đại.
[9]Pierre Bourdieu (1930-2002) là nhà xã hội học, nhà nhân loại học,nhà triết họcngười Pháp. Tác phẩm của Bourdieu chủ yếu nói về sự năng động của quyền lực trong xã hội, và đặc biệt là những cách thức đa dạng và tinh tế trong đó quyền lực được chuyển giao và trật tự xã hội được duy trì trong và qua nhiều thế hệ.
[10] Kim, Bohyun(2006), Economic Development During the Park Chung Hee Regime: Nationalism and Development, Seoul, tr.30.
[11] Shin, Bum S.(1970), Major Speeches by Korea’s Park Chung Hee, Seoul, tr. 286-290.
[12] Gorski, Philip S.(1993), “The Protestant Ethic Revisited: Disciplinary Revolution and State Formation in Holland and Prussia”, American Journal of Sociology 99 (2), tr.270.
[13] Cha, Gi-Byung (1965), “Abused Nationalism: Nationalism Is Not Only a Political Campaign Slogan”, Sasanggye 13 (5), tr. 101-107.
[14] Cha, Gi-Byung (1965), Sđd, tr. 105.
[15]Clifford, Mark L. (1998), Trouble Tiger: Businessmen, Bureaucrats, and Generals in South Korea, Armonk, NY, tr. 113.
[16]Lie, John (1998), Hand Unbounded: The Political Economy of South Korea, Standford, University Press, tr. 81.
[17]Koo, Hagen (1991), “Middle Classes, Democratization, and Class Formation: The Case of South Korea”, Theory and Society (20), tr. 485.
[18]Amsden, Alice (1989), Asia’s Next Giant: South Korea and Late Industrialization, NY, Oxford University Press, tr. 171.
[19]Clifford, Mark L. (1998), Sđd, tr. 124.
[20]Kohli, Atul (2004), State-Directed Development: Political Power and Industrialization in the Global Periphery, NY, Cambridge University Press, tr. 209.
[21]Lett, Denise P. (1998), In Pursuit of Status: The Making of South Korea’s “New” Urban Middle Class, Cambridge, Harvard University Asia Center, tr. 116.
[22] Kim, Bohyun(2006), Sđd, tr. 67.
[23] Công nhân Hàn Quốc có giờ làm việc nhiều nhất thế giới: 50,3 giờ/tuần năm 1960 và tăng lên 52,3 giờ/tuần năm 1970 trong khi lương chỉ tăng từ 35,85 USD lên 45,16 USD trong giai đoạn này.
[24]Kim, Eun M (1997), Big Business, Strong State: Collusion and Conflict in South Korean Development, 1960-1990, NY, State University of New York Press, tr. 122-123.
[25]Lim, Banghyun (1973), Modernization and Intellectuals, Seoul, tr. 60.
[26] Shin, Bum S(1970), Sđd, tr. 47.
[27] Shin, Bum S(1970), Sđd, tr. 240.
[28]Kim, Kyong-Dong (1993), “Studies on the Middle Class in Korea: Some Theoretical and Methodological Considerations”, Discovery of the Middle Classes in East Asia, Taipei, tr. 171.