Trang chủ

NHÀ VĂN NHẬT BẢN THẾ KỶ XX

Đăng ngày: 18-06-2020, 09:10 | Danh mục: Giới thiệu sách

Tác giả: Đào Thị Thu Hằng

Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2018, 301 trang

Kí hiệu: Vv2912

Văn học Nhật Bản vẫn là một bí ẩn, thách thức chưa được giải mã một cách đầy đủ đối với Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Tuy Nhật Bản cùng nằm trong khu vực đồng văn với Việt Nam song nền văn học, văn hóa của nước này có những khác biệt rất rõ ràng. Thế kỷ XX, văn học Nhật Bản nở rộ nhiều tài năng và đạt được những tầm cao mới không chỉ ở trong nước mà cả trên thế giới. Đây là một nền văn học có truyền thống lâu đời. Nhiều thế hệ nhà văn kế tiếp nhau đã tạo nên một diện mạo văn chương Nhật Bản đặc thù. Học hỏi phương Tây mà không đánh mất bản sắc là một trong những tiêu chí sống còn để cách tân văn chương, người Nhật đã làm rất tốt điều này so với các nước khác.

Trong ý thức xây dựng một bộ mặt văn chương mang tầm cỡ nhân loại, người Nhật rất xem trọng việc phổ  biến văn học Nhật ra thế giới. Có thể nói, hầu hết những tác phẩm xuất sắc của Nhật đều được chuyển dịch sang tiếng Anh. Nhiều tác phẩm văn học Nhật được dịch ra tiếng Việt cũng từ tiếng Anh. Người Nhật đã có sự kế thừa  và phấn đấu vì một nền văn chương Nhật bền bỉ và liên tục. Đầu thế kỷ XX, nổi lên các gương mặt như Tanizaki Junichiro, Akutagawa Ryunosuke, giữa thế kỷ là Kawabata Yasunari, Abe Kobo, Oe Kenzaburo và cuối thế kỷ là Murakami Haruki, Banana Yoshimoto… Đây là những gương mặt tiêu biểu của nền văn học Nhật Bản và là nội dung mà cuốn sách “Nhà văn Nhật Bản thế kỷ XX” giới thiệu tới bạn đọc.

Những giá trị và đóng góp của văn học Nhật Bản cho nhân loại đến nay là không thể chối cãi. Nếu tính cả nhà văn Anh gốc Nhật thì Nhật Bản đã được trao tặng ba giải thưởng Nobel văn học và nhiều ứng viên tiềm năng cho các Nobel văn học tiếp theo. Với nền dân chủ tiến bộ, đề cao vai trò và ý thức cá nhân, chấp nhận cạnh tranh lành mạnh, xã hội tạo điều kiện cho mỗi cá nhân phát huy hết tiềm năng vốn có của mình, kết quả là trong lĩnh vực nghệ thuật văn chương, người Nhật đã hình thành được một đội ngũ nhà văn đa phong cách với năng lực sáng tạo phi thường. Có thể nói, ở những chừng mực nhất định, thế giới có những xu hướng nghệ thuật tiên phong gì thì ở Nhật những đều có các xu hướng đó. Nhà văn Nhật với tố chất Á Đông bền bỉ, khiêm nhường và không ngừng học hỏi đã thể hiện những quan sát và cách sử dụng ngôn từ độc đáo, làm ngây ngất trái tim hàng triệu bạn đọc khắp năm châu.

Có thể thấy Nhật Bản đổi mới  văn học sớm hơn rất nhiều so với văn học châu Á, có khuynh hướng hiện đại ngay từ thời hiện đại. Văn học đương đại hiện nay của Nhật Bản hoàn toàn không có khoảng cách so với văn học phương Tây. Đối với văn xuôi hiện đại Việt Nam, văn học Nhật Bản cũng có những ảnh hưởng, điểm tương đồng và khác biệt nhất định trong  lối viết, đề  tài, chủ đề… Thế nhưng ở Việt Nam, việc nghiên cứu và giảng dạy văn học Nhật Bản vẫn còn khá mới mẻ. So với các nhà nghiên cứu trên thế giới, giới nghiên cứu Việt Nam đến với văn học Nhật Bản khá muộn, gần như sang đến thế kỷ XXI chúng ta mới bắt đầu nhìn lại Nhật Bản với những góc nhìn khá nhỏ hẹp. Cuốn sách ““Nhà văn Nhật Bản thế kỷ XX” tập trung vào 8 tác giả tiêu biểu của nền văn học Nhật Bản trong thế kỷ XX sẽ trở thành nguồn tham khảo thực sự hữu ích và lí thú cho các bạn đọc khi tìm hiểu, nghiên cứu về nền văn học đầy bí ẩn của xứ sở hoa anh đào này.

Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách tới bạn đọc!

Thực hiện: Hà Hậu, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

0thảo luận