Sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, do sự thay đổi về Luật Pháp nhân tôn giáo cũng như sự biến động của đời sống xã hội, số lượng các tổ chức tôn giáo mới ở Nhật Bản tăng lên nhanh chóng. Ngoài các tổ chức mới thành lập, còn có các tổ chức đã ra đời trước khi kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ hai, song bây giờ mới có điều kiện để phát triển mạnh mẽ. Trong số đó, Soka Gakkai (創価学会- Sáng giá Học hội) là tổ chức Phật giáo mới, có số tín đồ đông đảo, tham gia nhiều lĩnh vực như giáo dục, xuất bản, chính trị... Đặc biệt, ảnh hưởng của Soka Gakkai ở các quốc gia ngoài Nhật Bản cũng khá đáng kể, hội Soka Gakkai quốc tế (Soka Gakkai International - SGI) hoạt động tại 192 quốc gia và vùng lãnh thổ. Một tổ chức Phật giáo mới ra đời từ năm 1930 ở Nhật Bản lại có sức hấp dẫn như vậy, chính là nhờ vào giáo lý chặt chẽ, thiết thực và cách truyền giáo và tổ chức hoạt động linh hoạt, bám sát hoàn cảnh thực tế.
Cộng đồng có vai trò quan trọng trong sự phát triển của một quốc gia. Cộng đồng là nơi mà các cư dân kết nối chặt chẽ, giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhau giải quyết khó khăn, tạo ra môi trường sống an tâm, an toàn, đồng thời cư dân cùng với chính quyền nỗ lực cải thiện các điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội, giúp cho cộng đồng đó phát triển, đóng góp vào sự phát triển của quốc gia. Bài viết tìm hiểu sự biến đổi của cộng đồng ở Nhật Bản từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai đến nay và phân tích những nguyên nhân dẫn đến sự biến đổi này, đồng thời chỉ ra những vấn đề mà cộng đồng đang phải đối mặt.
Tuy là một đồng minh quan trọng của Mỹ, chia sẻ nhiều giá trị dân chủ với các thành viên của Bộ tứ và quan ngại về sự “trỗi dậy” của Trung Quốc, Hàn Quốc vẫn chưa có nhiều động thái tham gia vào thể chế khu vực này. Việc Hàn Quốc “né tránh” can dự vào Bộ tứ đã đặt ra nhiều vấn đề, nổi bật là mức độ gắn bó trong quan hệ đồng minh Mỹ - Hàn, vai trò cường quốc tầm trung của Hàn Quốcvà cam kết của Hàn Quốc đối với hoà bình và an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Từ thực tiễn nêu trên, bài viết tìm hiểu những thuận lợi và thách thức của Hàn Quốc trong việc gia nhập Bộ tứ cũng như đưa ra một số nhận xét về khả năng tham gia và cam kết của Hàn Quốc đối với Bộ tứ nói riêng và an ninh khu vực nói chung.
“Con đường tơ lụa kỹ thuật số” (Digital Silk Road - DSR) được Trung Quốc giới thiệu vào năm 2015 trong sách trắng chính thức của chính phủ nước này, như một hợp phần của Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI). Kể từ khi DSR được công bố, các dự án DSR trở thành một trong những ưu tiên chính sách của giới lãnh đạo Trung Quốc. Bài viết đi vào tìm hiểu mục đích, quá trình thực hiện Con đường tơ lụa kỹ thuật số của Trung Quốc, từ đó gợi mở bước đầu cho những lựa chọn của Việt Nam.
Kinh tế tuần hoàn còn gọi là kinh tế không phế thải, nghĩa là tất cả các chất thải, sản phẩm phụ, phế phụ phẩm, thiết bị, công cụ, vật liệu... đã qua sử dụng, còn trong quá trình sản xuất này sẽ trở thành nguyên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất khác, quay vòng liên tục và cuối cùng không để lại chất thải. Những năm qua, Nhật Bản và Hàn Quốc là hai quốc gia khá thành công trong phát triển kinh tế tuần hoàn ở Đông Bắc Á, bài viết phân tích thực trạng và những thành công của từng quốc gia trong việc xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn, từ đó gợi mở cho sự phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.
Kể từ khi Việt Nam và Đài Loan ký kết Hiệp định Hợp tác lao động giữa hai bên vào năm 1999, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia cung cấp nguồn lao động phổ thông nước ngoài lớn cho hòn đảo này. Tuy nhiên, số lượng lao động làm việc tại Đài Loan càng lớn thì số lượng lao động bỏ trốn cũng càng nhiều. Để thúc đẩy hơn nữa hợp tác lao động giữa hai bên, cần xem xét những gì đã đạt được cho đến nay và những vấn đề còn tồn tại để đưa ra các giải pháp có thể tăng cường hơn nữa hợp tác lao động giữa hai bên trong những năm tới. Bài viết phân tích tình hình xuất khẩu lao động của Việt Nam sang Đài Loan trong hai thập niên qua;nêu lên vấn đề lao động bỏ trốn và đề xuất giải pháp.
Sự phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo (AI) đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến an ninh thông tin và tâm lý của xã hội. Bài viết* đánh giá tác động của sự phát triển ngành công nghiệp AI và những mâu thuẫn kinh tế, xã hội và chính trị tại Nhật Bản; đồng thời, đánh giá các tranh cãi trên trường quốc tế liên quan đến mối đe dọa ngày càng tăng của việc sử dụng trí tuệ nhân tạo với mục đích xấu (Malicious Use of Artificial Intelligence - MUAI) trong nước; phân tích làm rõ các trường hợp thực tế của MUAI trong hiện tại và những trường hợp có thể xảy ra trong tương lai gây ra thiệt hại nghiêm trọng đến an ninh thông tin và tâm lý của xã hội.
Nghề thủ công truyền thống Nhật Bản từng có vị trí quan trọng trong nền kinh tế, nhưng nay đang phải đối mặt với thời kỳ khủng hoảng chưa từng có. Những biến động của bối cảnh kinh tế, xã hội, đặc biệt là ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 đã khiến các doanh nghiệp thủ công truyền thống Nhật Bản đứng trước nhiều thách thức và buộc họ phải thay đổi để không bị phá sản. Trong quá trình đó, đã có một số doanh nghiệp không thể trụ vững, nhưng cũng có những doanh nghiệp đã tìm cho mình được hướng đi mới, đáng kỳ vọng.
Bắt nạt vốn là chuyện muôn thuở xảy ra giữa các học sinh trong trường học ở khắp các quốc gia trên thế giới, song hiếm khi lại chứa đựng nhiều điểm khác biệt và để lại hậu quả nghiêm trọng như tại Nhật Bản. Từ nhiều năm nay, bắt nạt đã trở thành vấn đề nổi cộm trong môi trường học đường ở Nhật Bản và thu hút mối quan tâm của dư luận xã hội. Đặc biệt, trong bối cảnh những năm gần đây, mục tiêu nhấn mạnh về chất lượng của môi trường giáo dục đã dẫn đến việc xem xét và hành động mạnh mẽ hơn đối với vấn đề bắt nạt. Bài viết trình bày một số nguyên nhân chủ yếu và sâu xa làm nảy sinh vấn đề bắt nạt ở trường học Nhật Bản.
Bài viết nêu một số khái niệm cơ bản về chính phủ điện tử của Hàn Quốc và các tổ chức quốc tế. Tiếp theo đó, tác giả đi sâu vào phân tích mục tiêu, chiến lược hoạt động để phát triển mô hình này của Chính phủ Hàn Quốc,cũng như các kết quả đạt được và mặt hạn chế trong bốn giai đoạn phát triển là giai đoạn mở đầu (1978-1986), giai đoạn hinh thành nền tảng cơ bản (1987-1996), giai đoạn xúc tiến thực hiện (1997-2002), giai đoạn phát triển chính phủ điện tử với tốc độ cao (2003-2012).