Tác giả: Tom Miller
Dịch giả: Đoàn Duy
Nhà xuất bản Hội nhà văn, 2018, 329 trang
Kí hiệu: Vt 545
Dưới thời ông Tập Cận Bình, Trung Quốc đã trỗi dậy một cách quyết đoán và cứng rắn hơn nhiều so với dưới thời các chính phủ tiền nhiệm. Sự quyết đoán và cứng rắn này được đánh dấu bằng ba dịch chuyển quan trọng trong chính sách ngoại giao. Thứ nhất, Trung Quốc đã dịch chuyển phương châm từ “giấu mình chờ thời” sang “phấn đấu để thành công”, nhấn mạnh một Trung Quốc chưa tranh giành vị trí dẫn đầu nhưng sẽ phất cờ. Điều này báo hiệu những xu hướng của chủ nghĩa can thiệp nước lớn. Thứ hai là dịch chuyển ưu tiên về phạm vi ảnh hưởng. Trước đây, hoạt động kinh tế tấp nập với Đông Nam Á và với khái niệm lợi ích cốt lõi, ngay cả khi Trung Quốc mở rộng cả phạm vi này bao gồm Senkaku/Điếu Ngư, dường như phạm vi ảnh hưởng của Trung Quốc mới chỉ giới hạn ở khu vực Đông Á. Tuy nhiên với việc nêu lên Sáng kiến Vành đai và Con đường, Trung Quốc đã mở rộng ảnh hưởng của mình tra một phạm vi trải dài từ Đông Á sang Trung Á và Nam Á. Thứ ba là dịch chuyển phương pháp tiếp cận. Trung Quốc dường như đã quyết định đặt các ưu tiên về chủ quyền lên trên các lợi ích kinh tế và bảo vệ chủ quyền bằng tổng hợp nhiều sức mạnh.
Châu Á có hơn 40 quốc gia, trong đó 15 nước có chung đường biên giới với Trung Quốc. Chính sách đối ngoại của Trung Quốc dưới thời ông Tập Cận Bình vì thế đã nhấn mạnh tầm quan trọng của ngoại giao láng giềng. Tom Miller đã có một lựa chọn chính xác khi chọn xem xét về quan hệ của Trung Quốc với Châu Á. Với tiêu đề ấn tượng “Giấc mộng châu Á của Trung Quốc: công cuộc xây dựng đế chế dọc theo con đường tơ lụa mới”, cuốn sách đã ngầm gửi đi thông điệp cho thấy Trung Quốc muốn ở vị trí trung tâm của một Châu Á đa dạng và năng động, một Châu Á gắn chặt với lợi ích Trung Quốc từ xa xưa đến hiện tại. Cuốn sách gồm 6 chương. Trong đó, chương một: “Nhất đới, nhất lộ”: tài trợ cho con đường tơ lụa mới đề cập đến Sáng kiến Vành đai và con đường; ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB); cuộc chạy đua vũ trang về cơ sở hạ tầng của Châu Á. Trong chương hai: Tây tiến: kinh tế học về quyền lực ở Trung Á, tác giả lại nói về Tân Cương, Trung Á và Nga. Chương ba: Dưới sức nóng của mặt trời: xuôi theo dòng Mekong, đề cập tới Lào và Campuchia. Còn ở chương 4: Mơ về California: làm thế nào Trung Quốc “đánh mất” Myanmar, tác giả đề cập đến vùng đất cửa ngõ vào vịnh Bengal. Ở chương 5: Chuỗi ngọc trai: nỗi sợ hãi và lòng oán hận ở Ấn Độ Dương, tác giả nói về Ấn Độ Dương, Pakistan, Ấn Độ và Sri Lanka. Cuối cùng, trong chương sáu: Vùng biển sôi sục: tham vọng của Trung Quốc vẽ lại bản đồ vùng Biển Đông thì tác giả có đề cập đến Việt Nam.
Tác giả Tom Miller đã giới thiệu về “Giấc mộng châu Á của Trung Quốc” như một phần của “Giấc mộng Trung Quốc” do ông Tập Cận Bình đề xướng. Vì thế, những sáng kiến tiêu biểu trong vòng 5 năm qua như “Sáng kiến Vành đai và Con đường đã được đưa lên đầu cuốn sách. Được khởi xướng vào năm 2013 và đến sau Đại Hồi 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc, Sáng kiến Vành đai và Con đường đã chính thức được đưa vào điều lệ Đảng (sửa đổi). Điều đó khẳng định quyết tâm chính trị của Trung Quốc trong việc thực hiện sáng kiến này giai đoạn tới. Bên cạnh đó, thắng lợi ngoại giao quan trọng của Trung Quốc trong việc kêu gọi được 57 nước gia nhập vào Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á đã gửi đi một thông điệp rõ ràng đối với Mỹ, đó là Trung Quốc có thể tự mình thành lập các định chế tài chính quốc tế mới nếu không được đảm bảo về lợi ích tốt hơn trong các định chế cũ. Tuy nhiên, quan trọng hơn cả, sự mở rộng ảnh hưởng kinh tế và đi liền với ảnh hưởng ngoại giao của Trung Quốc ra khu vực còn giúp Trung Quốc thử nghiệm vai trò mới cho các chính sách ngoại giao của mình.
Cung cấp nguồn từ liệu khá dày dặn cùng với những phân tích chuyên sâu tập trung vào quan hệ của Trung Quốc với Châu Á, cuốn sách sẽ là tài liệu tham khảo thực sự hữu ích cho bạn đọc khi nghiên cứu về vấn đề này.
Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách tới bạn đọc.
Thực hiện: Hà Hậu, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á