Trang chủ

HỢP TÁC KINH TẾ NHẬT BẢN - TÂY ÂU THỜI KỲ 1946 -1995

Đăng ngày: 25-07-2011, 11:50 | Danh mục: Ấn Phẩm

 

 

 

Chiến tranh Thế giới Thứ hai kết thúc tạo ra thời cơ cho Nhật Bản và các nước Tây Âu nối lại các quan hệ song phương. Đặc biệt là sau khi Hiệp ước Brettonwoods được ký năm 1944 tại Hoa Kỳ, sức mạnh đồng đôla bắt đầu thay thế đồng bảng Anh. Điều này buộc người Tây Âu phải tìm ra một phương thức mới củng cố sức mạnh của mình.

Quan hệ kinh tế Nhật Bản-Tây Âu đã trải qua nhiều thăng trầm gắn liền với sự biến đổi của tình hình kinh tế thế giới của “người khổng lồ kinh tế” Nhật Bản và sự tăng cường từng bước sức mạnh bên trong của Tây Âu.

Nhằm cung cấp những tìm hiểu bước đầu về thực trạng của hợp tác kinh tế giữa Nhật Bản và Tây Âu trên hai phương diện chủ yếu là thương mại và đầu tư trực tiếp gắn liền với nhu cầu phát triển của cả hai phía theo nguyên tắc hợp tác và cạnh tranh trong các thời kỳ khác nhau kể từ sau Chiến tranh Thế giới Thứ hai đến những năm 1990, PGS. TS Ngô Xuân Bình, đã cho ra đời cuốn sách “Hợp tác kinh tế Nhật Bản - Tây Âu thời kỳ 1946-1995”. Cuốn sách gồm bốn chương như sau:

Chương I: Sự tiến triển của Châu Âu và thách thức với Nhật Bản. Trong chương này, tác giả trình bày một bức tranh khá toàn diện về thực lực, ưu thế và bất lợi của Tây Âu và sự thách thức của Nhật Bản trong quá trình hợp tác và cạnh tranh với nhau.

Chương II: Quan hệ thương mại tác giả trình bày chặng đường phát triển quan hệ thương mại giữa Nhật Bản và Tây Âu và đặc trưng của mỗi giai đoạn phát triển quan hệ hợp tác kinh tế hai bên. Từ những bước khởi đầu không dễ dàng đến sự gia tăng nhịp độ buôn bán; những phản ứng từ hai phía và việc đi tìm nghuyên nhân của những yếu kém để từ đó rút ra một số nhận xét về quan hệ thương mại hai bên.

Chương III: Đầu tư trực tiếp. Chương này đề cập tới đầu tư trực tiếp của Nhật Bản vào Châu Âu, tìm kiếm hội nhập và xúc tiến đầu tư, mở rộng quy mô đầu tư trực tiếp. Đồng thời, giới thiệu về ngành công nghiệp ô tô của Nhật Bản tại Châu Âu và đánh giá hiệu quả đầu tư trực tiếp của Nhật Bản vào khu vực này.

Chương IV: Cạnh tranh trong một số lĩnh vực điển hình. Chương này đề cập tới chiến lược cạnh tranh của Nhật Bản ở Tây Âu trong một số lĩnh vực điện tử.

Với lối trình bày khoa học, dễ hiểu, cuốn sách đã tái hiện được một bức tranh khá toàn diện về quan hệ hợp tác kinh tế Nhật Bản - Tây Âu trên hai phương diện thương mại và đầu tư  trực tiếp. Đây là nguồn thông tin bổ ích cho các độc giả Việt Nam, các sinh viên chuyên ngành quan hệ quốc tế, các nhà Nghiên cứu Nhật Bản, Nghiên cứu Châu Âu và những người quan tâm đến lĩnh vực hợp tác Nhật Bản-Tây Âu tham khảo.

 

Hà Thị Hậu

0thảo luận