Trang chủ

Hội thảo khoa học “Những vấn đề lý luận, phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu đảm bảo an ninh con người trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế”

Đăng ngày: 14-12-2014, 17:04 | Danh mục: Hoạt động khoa học, Đề tài cấp Nhà nước

Sáng ngày 10/12/2014, tại hội trường tầng 12, trụ sở 1A, Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á đã tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Những vấn đề lý luận, phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu đảm bảo an ninh con người trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế” với sự tham dự của PGS.TS. Phạm Duy Đức, chủ nhiệm Chương trình KX 03/11-15, nhiều đại biểu đến từ các viện nghiên cứu chuyên ngành của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Nghiên cứu An sinh Xã hội và Phát triển hòa nhập, Viện Văn hóa Phát triển (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), Đại học Quốc gia Hà Nội...

 

TS. Trần Quang Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á và TS. Đặng Xuân Thanh, chủ nhiệm đề tài đồng chủ trì Hội thảo

 

Hội thảo là một trong nhiều hoạt động của Đề tài cấp Nhà nước KX.03.14/11-15 do TS. Đặng Xuân Thanh – nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á - làm chủ nhiệm. TS. Trần Quang Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á và TS. Đặng Xuân Thanh, chủ nhiệm Đề tài, đồng chủ trì Hội thảo.

Thuật ngữ “an ninh con người” xuất hiện từ năm 1994 trong Báo cáo Phát triển con người của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và kể từ đó đến nay, chủ đề này đã thu hút sự quan tâm của đông đảo giới học giả quốc tế. Tuy nhiên, nhiều vấn đề vẫn tiếp tục được thảo luận, nghiên cứu như: bản chất của vấn đề an ninh con người hiện nay, các yếu tố đang và sẽ ảnh hưởng đến việc bảo đảm an ninh con người trên phạm vi toàn cầu và trong phạm vi mỗi quốc gia, con người phải làm gì để vượt qua thách thức, bảo đảm cho sự phát triển tự do và bền vững của chính mình...

Trong báo cáo đề dẫn “An ninh con người: từ lý luận đến thực tiễn ở Việt Nam”, TS. Đặng Xuân Thanh nhấn mạnh: An ninh con người đặt trọng tâm vào việc bảo vệ cuộc sống và phẩm giá của từng cá nhân, cộng đồng, thoát khỏi sự thiếu thốn và thoát khỏi sự sợ hãi. Kết cấu an ninh con người gồm 7 thành tố cơ bản là: an ninh cá nhân, an ninh môi trường, an ninh kinh tế, an ninh chính trị, an ninh cộng đồng, an ninh sức khỏe và an ninh lương thực. Khái niệm an ninh con người là sự bổ sung quan trọng cho khái niệm an ninh quốc gia và phát triển con người. Trong giai đoạn hiện nay và sắp tới, an ninh và phát triển của Việt Nam đang phải đối mặt với các thách thức to lớn, cần chính thức đưa vấn đề an ninh con người vào chương trình xây dựng pháp luật, mở rộng chiến lược bảo vệ an ninh tổ quốc để bao gồm cả chiều cạnh an ninh con người, chủ động tham gia vào các diễn đàn quốc tế về an ninh con người.

 

Toàn cảnh Hội thảo

TS. Đặng Xuân Thanh, chủ nhiệm đề tài trình bày báo cáo tại Hội thảo


Theo TS. Đặng Xuân Thanh, bảo vệ quyền con người là một trong những nội dung trọng tâm của đảm bảo an ninh con người ở Việt Nam. Hiến pháp sửa đổi bổ sung năm 2013 đã khẳng định những nội dung cơ bản về quyền con người. Tuy nhiên, cần luật hóa đầy đủ các quy định về quyền con người ghi trong Hiến pháp. Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quyền con người. Khẳng định nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia. Thực hiện các quyền con người cần tiến hành đồng thời với các biện pháp ngăn chặn các cuộc chiến tranh, xung đột, khủng bố, đói nghèo, dịch bệnh, tội phạm xuyên quốc gia… các thách thức đe dọa hòa bình và phồn vinh của mọi quốc gia.

Các tham luận khác tại Hội thảo cũng đã xem xét an ninh con người dưới nhiều góc độ khác nhau. Đó là:

- “An ninh việc làm trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế: kinh nghiệm thế giới và bài học cho Việt Nam” của TS. Nguyễn Hữu Dũng, Viện Nghiên cứu An sinh xã hội và Phát triển hòa nhập. Báo cáo nêu lên những nhận thức cơ bản về an ninh việc làm trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế; những xu hướng, kinh nghiệm cơ bản về an ninh việc làm của thế giới như đảm bảo quyền việc làm cho người lao động, việc làm có năng suất cao và được tự do lựa chọn tiến đến việc làm chất lượng và việc làm xanh; an ninh việc làm trong di chuyển lao động và di chuyển thể nhân quốc tế; đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động trên thế giới; an ninh việc làm trong khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế. Và rút ra bài học cho Việt Nam.

- Báo cáo “Thách thức an ninh con người trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế” của TS. Nguyễn Mạnh Hùng, Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông, nêu lên những thách thức mới đặt ra đối với an ninh con người từ bất ổn của nền kinh tế toàn cầu, quan điểm và tác động của toàn cầu hóa đối với an ninh con người, quản trị toàn cầu và an ninh con người.

- “Chỉ số an ninh con người: kinh nghiệm lượng hóa chỉ số HIS, IHSI của một số nước và khả năng áp dụng vào Việt Nam” do ThS. Nguyễn Cao Đức, Trung tâm Phân tích và Dự báo trình bày.

- Báo cáo “Kinh nghiệm xử lý bất ổn ở miền Nam Thái Lan từ tiếp cận an ninh con người” của TS. Võ Xuân Vinh, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á phân tích quan điểm của Thái Lan về an ninh con người; việc giải quyết bất ổn chính trị, sắc tộc, tôn giáo ở miền nam Thái Lan. Theo TS. Võ Xuân Vinh, do chú trọng phương thức giải quyết bất ổn thông qua an ninh nhà nước, an ninh lãnh thổ hơn là an ninh con người nên những kết quả mang lại chưa thực sự như chính phủ nước này mong đợi.

Có thể nói, ở cấp độ quốc tế, các chủ trương và biện pháp vĩ mô để đảm bảo an ninh con người trong điều kiện hiện nay đã được tuyên bố rất rõ ràng, vấn đề là làm sao các tổ chức quốc tế có thể phối hợp với từng quốc gia để thực hiện. Và, quan trọng hơn là mỗi quốc gia phải nỗ tự lực và xây dựng chương trình riêng, phù hợp với điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa của mình để đưa an ninh con người thành một nội dung trong chính sách phát triển của nước mình.

Hội thảo nhận được nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận với nhiều quan điểm, cách tiếp cận về những vấn đề liên quan đến việc đảm bảo an ninh con người Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đang được đẩy mạnh hiện nay./.

 

Nguồn

0thảo luận