Được sự tài trợ của Quỹ phát triển Hàn Quốc học (KSPS) và Viện Nghiên cứu Hàn Quốc học Trung ương (Hàn Quốc), trong hai ngày 26-27/6/2014, tại trụ sở số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) đã tổ chức Hội thảo quốc tế “Nghiên cứu Hàn Quốc tại Việt Nam: Thành quả và phương hướng” với sự tham dự của các học giả, giảng viên… đến từ nhiều đơn vị nghiên cứu, trường đại học… của cả Việt Nam và Hàn Quốc.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Trần Quang Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á đã điểm lại những thành tựu trong mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Việt Nam và khẳng định: “Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, Hàn Quốc và Việt Nam có những tiềm năng to lớn có thể bổ sung cho nhau trong quá trình hợp tác và phát triển. Chính vì vậy, chỉ sau hơn 20 năm, một khoảng thời gian không dài so với lịch sử hàng ngàn năm của hai dân tộc, quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc đã phát triển lên một tầm cao mới, trở thành tấm gương điển hình về quan hệ hợp tác song phương trong khu vực”. Tiến sĩ, Viện trưởng hy vọng Hội thảo sẽ trở thành dịp để các học giả và các cơ quan hữu quan của hai nước cùng nhìn nhận và đánh giá một cách khách quan những thành tựu đạt được trong công tác nghiên cứu Hàn Quốc tại Việt Nam trong hơn 20 năm qua, chỉ rõ những hạn chế, bất cập và nguyên nhân để cùng đề xuất các định hướng, giải pháp nhằm thúc đẩy hơn nữa công tác nghiên cứu Hàn Quốc tại Việt Nam phục vụ kịp thời và tốt hơn nữa cho mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam - Hàn Quốc.
TS. Trần Quang Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á phát biểu khai mạc tại Hội thảo |
Với 12 tham luận được trình bày tại 3 phiên làm việc và 1 tọa đàm bàn tròn các đại biểu đã cùng nhau thảo luận về nhiều vấn đề xung quanh thực trạng nghiên cứu tại Việt Nam về Hàn Quốc trong hơn 20 năm qua; đánh giá những vấn đề đặt ra trong nghiên cứu Hàn Quốc tại Việt Nam trong thời gian sắp tới và luận bàn các giải pháp nhằm thúc đẩy các nghiên cứu, đào tạo về Hàn Quốc tại Việt Nam.
GS. Kim Keong IL, Viện Nghiên cứu Hàn Quốc học Trung ương (Hàn Quốc) phát biểu tại Hội thảo |
GS. Kim Keong IL, Viện Nghiên cứu Hàn Quốc học Trung ương, khi đánh giá về lịch sử và thực trạng nghiên cứu Hàn Quốc học trong thời đại toàn cầu hóa đã cho rằng: Sự ra đời và phát triển của ngành Hàn Quốc học như thế nào đi chăng nữa thì xuất phát điểm chính vẫn là để khắc phục những quan điểm nghiên cứu mang tính thực dân, đồng thời đề cao tính dân tộc và xây dựng bản sắc dân tộc… Điểm đáng tiếc là các nghiên cứu được thực hiện tại các quốc gia khác nhau đã đưa ra những ý kiến khác nhau đôi khi là đối lập. Vì vậy, dù ở bất kể khu vực nào, quốc gia nào, các nghiên cứu về Hàn Quốc cũng cần phải được thúc đẩy nhằm tăng cường sự hiểu biết về Hàn Quốc và chia sẻ mối quan tâm liên tục về quốc gia này…
Theo PGS.TS. Hoàng Văn Việt (Trường Đại học KHXH&NV thành phố Hồ Chí Minh), Hàn Quốc học ở Việt Nam bất đầu chính thức được đào tạo năm 1992 ở Hà Nội, năm 1994 ở thành phố Hồ Chí Minh và khởi động nghiên cứu chính thức vào năm 1998 tại Ban Hàn Quốc học thuộc Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á nên những kết quả nghiên cứu về Hàn Quốc học còn khá khiêm tốn, nội dung vấn đề nghiên cứu chưa đồng đều, phương pháp chưa thống nhất đặc biệt là với những nghiên cứu có liên quan đến đời sống chính trị Hàn Quốc.
TS. Võ Hải Thanh, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á trình bày tham luận tại Hội thảo |
Đánh giá về tình hình nghiên cứu kinh tế Hàn Quốc tại Việt Nam, TS. Võ Hải Thanh (Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á) nhận định: Tính đến thời điểm hiện tại, có khoảng 300 bài viết, công trình nghiên cứu có liên quan tới Hàn Quốc trên lĩnh vực kinh tế; Số lượng sách xuất bản vào khoảng 20 quyển, bài tạp chí và hội thảo khoảng 250 bài… Tuy nhiên, chất lượng các công trình nghiên cứu này còn chưa con, do bị hạn chế về các điều kiện thực hiện nghiên cứu (chủ yếu là nghiên cứu tại chỗ - desk study), bên cạnh đó việc tiếp cận các tài liệu bằng tiếng Hàn Quốc cũng là một trong những hạn chế mà các nghiên cứu viên tại Việt Nam chưa vượt qua được do hầu hết chỉ biết tiếng Anh là chủ yếu…
Điểm qua tất cả các nghiên cứu triển khai trên các lĩnh vực như: văn hóa, lịch sử, văn học, xã hội…các tham luận cũng cho thấy một thực trạng là các nghiên cứu còn rất mỏng và yếu. Vấn đề lưu trữ và kết nối thông tin giữa các cơ sở đào tạo và nghiên cứu trong cả nước vẫn còn bỏ ngỏ. Trong khi đó, nhu cầu được tiếp cận, chia sẻ thông tin, tri thức về ngành Hàn Quốc học của các học giả, các nhà nghiên cứu, giảng dạy và những người quan tâm khác lại rất lớn…
Đại biểu và khách mời chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo |
Trên cơ sở tổng hợp các ý kiến tham luận, TS. Trần Quang Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thiết lập mạng lưới các đơn vị nghiên cứu về Hàn Quốc và số hóa nguồn tư liệu nhằm thúc đẩy các nghiên cứu, đào tạo ngành Hàn Quốc học tại Việt Nam. Trong thời gian tới, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á sẽ là đơn vị đầu mối, từng bước hoàn thành kế hoạch kết nối các nhà khoa học nghiên cứu, giảng dạy về Hàn Quốc học tại Việt Nam trên hai phương diện con người và tài nguyên số