Trang chủ

QUAN HỆ GIỮA VIỆT NAM VÀ HÀN QUỐC TRÊN LĨNH VỰC VĂN HOÁ GIÁO DỤC TỪ 1992 ĐẾN NAY

Đăng ngày: 3-03-2014, 13:21 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2009 » Số 12

Sự giao thoa văn hoá trong khu vực cũng như trên thế giới có tác động và ảnh hưởng nhất định đến quan hệ của Việt Nam – Hàn Quốc. Lịch sử đã để lại dấu ấn trong mối bang giao giữa hai nước. Qua các thời kỳ, quan hệ hai nước đã có những diễn biến phức tạp và có nhiều thăng trầm. Để duy trì  và phát triển mối quan hệ đó rực rỡ như ngày nay, hợp tác trên lĩnh vực văn hoá – giáo dục là một trong những yếu tố quan trọng giúp Chính phủ và nhân dân hai nước hiểu nhau hơn, hai dân tộc xích lại gần nhau hơn vì hoà bình, ổn định và sự phát triển của hai nước, trong khu vực cũng như trên thế giới.

Ngày nay không một quốc gia nào phát triển thịnh vượng mà lại đóng kín cửa. Các nước trên thế giới, các tổ chức quốc tế có nhu cầu hợp tác với nhau để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, hỗ trợ và chia sẻ lẫn nhau. Phát triển mối quan hệ về văn hoá – giáo dục đã trở thành nhu cầu hàng đầu của nhiều quốc gia trên thế giới. Có thể nói, thế kỷ XXI là thế kỷ của sự giao thoa văn hoá, trong sự giao thoa đó có cạnh tranh, có chọn lọc, có pha trộn và đan xen lẫn nhau. Việt Nam – Hàn Quốc là một trong những mẫu hình phản ánh hiện trạng đó.

Việt Nam và Hàn Quốc là hai nước Đông Á, có nhiều nét tương đồng về lịch sử, văn hoá. Việt Nam ở Đông Nam Á, Hàn Quốc ở Đông Bắc Á nhưng cả hai nước đều ở vị trí bán đảo nối liền với đại lục và nhìn ra đại dương. Tính bán đảo và đại dương tạo ra nhiều điều kiện địa - văn hoá gần gũi của hai nước.

Trên nền tảng nông nghiệp trồng lúa, cơ cấu xã hội, tổ chức xóm làng, gia đình của hai nước cũng có nhiều nét tương đồng  trong truyền thống như kính trọng người lớn tuổi, coi trọng gia đình, bạn bè và láng giềng.

Xuất phát từ nền văn hoá ẩm thực, lấy gạo làm lương thực chính, cư dân hai nước thích ăn rau củ, thuỷ sản và đều dùng đũa. Người Hàn Quốc trồng lúa gạo, lúa mì, lúa mạch nhưng vẫn thích ăn cơm như người Việt Nam. Món Kim Chi của Hàn Quốc cùng hương vị với món dưa muối phổ biến của người Việt Nam.

Trong lịch sử sinh tồn và phát triển lâu dài của mình, hai nước đã nhiều lần phải đương đầu với hoạ xâm lược của nhiều thế lực lớn mạnh. Lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm đó đã hun đúc nên tinh thần yêu nước và ý thức dân tộc sâu sắc của nhân dân mỗi nước. Trải qua những năm tháng gian khổ, Việt Nam và Hàn Quốc đã tái thiết đất nước trên nền đổ nát của chiến tranh.

Hai nước nằm trong khu vực ảnh hưởng của văn hoá Trung Quốc và đều sớm tiếp nhận nhiều ảnh hưởng của nền văn minh nổi tiếng này. Tuy nhiên, trên cơ sở một cội nguồn văn hoá bản địa bền vững, những yếu tố ngoại nhập đều phải thích nghi, kết hợp với điều kiện nội sinh, làm phong phú nền văn hoá dân tộc và nâng cao bản sắc dân tộc. Khổng giáo vào Hàn Quốc cũng như vào Việt Nam đều phải kết hợp với văn hoá và tín ngưỡng dân gian. Cả hai nước đều sớm có một nền giáo dục và thi cử phát triển theo tinh thần Nho giáo. Chữ Hán vào Việt Nam được đọc theo âm Việt thành chữ Hán - Việt và người Việt dùng chữ Hán ghi âm Việt thành chữ Nôm. Cũng gần như thế, người Hàn Quốc tiếp nhận chữ Hán và từ đó tạo ra chữ Idu và chữ Hanji. Thế kỷ XV người Hàn Quốc sáng tạo ra chữ Hangul theo hệ chữ cái. Về tôn giáo: Phật giáo và Thiên Chúa giáo cũng sớm du nhập vào hai nước.

2. Thực trạng

Từ năm 1990 đến nay, thông qua nhiều kênh, văn hoá Hàn Quốc đã đến với người Việt Nam. Sự du nhập của văn hoá Hàn Quốc vào Việt Nam là một sự du nhập chủ động theo chính sách chính trị, kinh tế và văn hoá có định hướng của hai nước. Trước hết là hợp tác về kinh tế, sau đó là hợp tác về giáo dục, khoa học và giao lưu văn hóa nghệ thuật cũng ngày càng phát triển, xứng đáng với tầm vóc của mối quan hệ hợp tác toàn diện trong thế kỷ XXI. Hai nước cùng có nhiều nét tương đồng trong văn hoá truyền thống do đó dễ có được sự đồng cảm.

Văn hoá Hàn Quốc còn đến với Việt Nam thông qua những lưu học sinh, công nhân làm việc và học tập tại Hàn Quốc, qua nhu cầu học tập ngôn ngữ Hàn Quốc, hiểu biết về văn hoá, lịch sử Hàn Quốc của người Việt Nam.

Sau hai năm thiết lập quan hệ ngoại  giao, tháng 8-1994, Đại sứ Hàn Quốc Pắc Kun U và Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã ký Hiệp định Văn hoá tại Hà Nội (hiệp định có hiệu lực trong vòng 5 năm và tự động gia hạn 5 năm 1 lần). Hai nước đã thống nhất chia sẻ những kinh nghiệm quản lý, các phương pháp, điều kiện, kỹ thuật; xúc tiến hợp tác giáo dục và khoa học; giao lưu giữa các viện nghiên cứu văn hoá - nghệ thuật; hợp tác giữa các hội văn học - nghệ thuật, hội nhà văn, hội mỹ thuật, hội nghệ sĩ sân khấu, hội nghệ sĩ múa, hội nhạc sĩ, hội nghệ sĩ nhiếp ảnh... Điều này chứng tỏ văn hoá là một trong những lĩnh vực hợp tác mà hai bên rất coi trọng. Một tháng sau khi Hiệp định về Văn hoá được ký kết, tháng 9 năm 1994, Hội hữu nghị Việt- Hàn cũng được thành lập tạo cơ sở cho nhiều hoạt động giao lưu văn hoá, nghệ thuật, triển lãm, điện ảnh,… diễn ra thường xuyên ở cả hai nước.  Hai nước đã thông qua Chương trình trao đổi văn hoá giai đoạn 2005-2008. Hoạt động chính bao gồm hợp tác và trao đổi giữa bảo tàng của hai bên; trao đổi kinh nghiệm, thông tin, tư liệu cũng như chuyên gia trong lĩnh vực văn hoá nghệ thuật; đẩy mạnh sự hiểu biết về nền văn học truyền thống cũng như đương đại của Việt Nam và Hàn Quốc thông qua trao đổi tạp chí về văn học, thông tin về hoạt động văn học, dịch và in ấn các tác phẩm văn học đương đại nổi tiếng.

Ngày 24 tháng 8 năm 2001 trong chuyến thăm Hàn Quốc của Chủ tịch nước Trần Đức Lương, hai bên đã ra Tuyên bố chung Việt Nam – Hàn Quốc. Tuyên bố chung cho thấy vai trò của văn hoá – giáo dục là lĩnh vực được hai bên hết sức quan tâm. Hai nguyên thủ quốc gia khẳng định lại: việc giao lưu trên các lĩnh vực văn hoá và nghệ thuật đã tạo ra nền tảng vững chắc cho quan hệ song phương thông qua việc tăng cường hiểu biết và tương đồng về văn hoá giữa hai nước. Hai vị cũng nhất trí mở rộng hơn nữa giao lưu và hợp tác trên các lĩnh vực đa dạng như văn hoá, giáo dục, nghệ thuật, kỹ thuật, thể thao và du lịch. Hai vị cũng nhất trí tăng cường giao lưu thanh niên, những người lãnh đạo tương lai của hai nước.

Tháng 11/2006, Hàn Quốc thành lập Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á, đặt tại Hà Nội.

Đặc biệt, ngày 12-11-2007, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc đã phối hợp với Bộ Ngoại giao và Thương mại, Bộ Văn hóa và Du lịch cùng Ủy ban Thông tin Quốc gia của Hàn Quốc tổ chức Tuần Văn hóa Việt Nam tại Xơ-un nhằm giới thiệu về cuộc sống, con người, những nét đặc trưng của nền văn hóa truyền thống, phong phú, giàu bản sắc dân tộc của Việt Nam. Những sự kiện quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc cũng được giới thiệu với người dân Hàn Quốc trong dịp này.

Từ ngày 12 đến ngày 16 tháng 11 năm 2007 tại Hàn Quốc chương trình ‘‘Những ngày văn hoá Việt Nam’’ mang tên ‘‘Vietnam – the Hidden Charm in Seoul’’ được tổ chức nhân kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hàn Quốc. Chương trình do Bộ Ngoại giao Hàn Quốc và Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch Việt Nam đồng tổ chức. Đặc biệt trong buổi lễ bế mạc ‘‘Những ngày văn hoá Việt Nam’’ được ban tổ chức mời khoảng 100 gia đình cô dâu Việt Nam gồm cả chồng và con đang sống tại Hàn Quốc cùng với 100 du học sinh Việt Nam với hy vọng mang chút hương vị quê hương Việt Nam tới những người con đang sống xa tổ quốc. Nhân dịp này tại Việt Nam từ ngày 22/11 đến ngày 02/12/2007 cũng diễn ra tuần lễ Văn hoá ‘‘Hàn Quốc năng động’’.

Ngày 04/03/2008 diễn ra cuộc trưng bày ‘‘Nghệ thuật thủ công truyền thống và văn hoá Việt Nam’’ đây là hoạt động giới thiệu văn hoá Việt Nam tại Hàn Quốc với quy mô lớn nhất từ trước tới nay.

Ngày 12 tháng 10 năm 2009 Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã tiếp Bộ trưởng Ngoại giao và Thương Mại Hàn Quốc Yu- Miêng- Hoan, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khẳng định Việt Nam mong muốn tăng cường và mở rộng mối quan hệ toàn diện với Hàn Quốc và tin tưởng rằng chuyến thăm Việt Nam sắp tới  của Tổng thống Li –Miêng- Bắc sẽ là dấu mốc quan trọng góp phần đưa quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc hướng tới tương lai đầy triển vọng.

Nhận lời mời của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Tổng thống Li Miêng Bắc và phu nhân đã thăm chính thức Việt Nam từ ngày 20 đến ngày 22 tháng 10 năm 2009. Nhân chuyến thăm, hai bên đã ra Tuyên bố chung Việt Nam – Hàn Quốc về thiết lập quan hệ ‘‘Đối tác hợp tác chiến lược’’.

Về hợp tác văn hoá – xã hội: ‘‘Hai bên thoả thuận tăng cường hợp tác trong lĩnh vực văn hoá, du lịch, giáo dục, thanh thiếu niên, nghệ thuật, phát thanh truyền hình, thể thao nhằm nâng cao sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước và nhất trí cho rằng, sự giao lưu nhân sự giữa hai nước, đặc biệt là thanh thiếu niên, có vai trò quan trọng trong sự phát triển quan hệ hướng tới tương lai giữa hai nước. Hai bên thoả thuận sẽ xem xét các biện pháp cụ thể nhằm làm sống động hơn nữa hoạt động giao lưu thanh thiếu niên.

Phía Việt Nam hoan nghênh việc lần đầu tiên ‘‘Tuần lễ Việt Nam – Hàn Quốc’’ được tổ chức tại Việt Nam với nhiều hoạt động văn hoá đa dạng. Phía Hàn Quốc ủng hộ phía Việt Nam tổ chức thành công hoạt động kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Hai bên thoả thuận tiếp tục xem xét các biện pháp nhằm tăng cường hơn nữa giao lưu văn hoá giữa Việt Nam và Hàn Quốc’’.

Trong khuôn khổ của ‘‘Tuần lễ Việt Nam – Hàn Quốc’’, ngày 24/10, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội đã khai mạc triển lãm giáo dục Hàn Quốc, với hơn 40 gian hàng của các trường đại học, cao đẳng hàng đầu Hàn Quốc thuộc các lĩnh vực khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, các khoá học nghệ thuật...

Trong chuyến thăm, Tổng thống Li Miêng Bắc cũng gặp gỡ và nói chuyện với các sinh viên khoa tiếng Hàn của Đại học Quốc gia Hà Nội. Ông đã kể cho sinh viên nghe về cuộc đời và sự nghiệp của ông. Ông chia sẻ những kinh nghiệm đó cho sinh viên để nói lên rằng, việc học tập và sẵn sàng vượt qua thử thách là những phẩm chất hết sức giá trị và cần thiết cho sự thành công. Con người Việt Nam và Hàn Quốc cùng có truyền thống hiếu học, cần cù lao động, thông minh và sáng tạo. Nếu hợp tác giáo dục được đẩy mạnh và quan tâm xứng đáng với tiềm năng của hai nước sẽ tạo điều kiện cho sự phát triển vững chắc cho các thế hệ tương lai của hai nước.

Tổng thống Li Miêng Bắc cũng đã vào lăng đặt vòng hoa và thăm viếng lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điều đó cho thấy Ngài tổng thống, đại diện cho nhân dân Hàn Quốc đã bày tỏ tình cảm sâu sắc và mến phục khi lần đầu tiên đặt chân đến Việt Nam trên cương vị tổng thống. Ông nói ‘‘Tôi rất khâm phục người Việt Nam đã khép lại quá khứ để hướng tới tương lai’’.

Trong lĩnh vực điện ảnh, hai nước khuyến khích hợp tác giữa các hãng phim, các tổ chức nghề nghiệp và hội đoàn nghề nghiệp có liên quan; tăng cường hợp tác và trao đổi trong lĩnh vực phát thanh - truyền hình. Đặc biệt Ủy ban Phát thanh - Truyền hình Hàn Quốc và Bộ Văn hóa - Thông tin Việt Nam ủng hộ các chuyến thăm lẫn nhau của cán bộ cấp cao nhằm thúc đẩy sự phát triển ngành phát thanh - truyền hình ở cả hai nước.

Ở Việt Nam, làn sóng văn hoá Hàn Quốc (The Wave of Korea Cultures) bao gồm điện ảnh, âm nhạc, nhưng mạnh mẽ nhất vẫn là những bộ phim truyền hình như “Cảm xúc” và “Hoa cúc vàng” (1997), sau đó là phim “Yumi- tình yêu của tôi”, “Anh em nhà bác sĩ” (1998) được đài truyền hình TP. Hồ Chí Minh (HTV) cho phát sóng. Cũng trong năm 1998, Bộ phim “Ước mơ vươn đến một ngôi sao” đã xâm nhập vào Việt Nam được trình chiếu trên các Đài truyền hình Đồng Nai, Bà Rịa- Vũng Tàu, Kiên Giang. Từ năm 1997 đến tháng 5-1999, tổng cộng đã có 14 phim truyền hình Hàn Quốc được phát sóng trên các Đài truyền hình Việt Nam. Năm 1999 có 45 lượt phim được phát sóng, năm 2000, số lượt phim Hàn Quốc được trình chiếu tăng lên là 60. Hiện nay, trung bình mỗi ngày hơn 20 lượt phim Hàn Quốc được phát sóng, chiếm 40% tổng số phim truyền hình được phát sóng trên các đài truyền hình Việt Nam.

Làn sóng Hàn Quốc phần nào có tác động đến lối sống, kinh tế, xã hội, thói quen tiêu dùng… của quần chúng Việt Nam. Đó là các trào lưu mô phỏng Hàn Quốc từ các trang điểm, thời trang, điện thoại di động, đồ điện tử cho đến phong trào học tiếng Hàn, du lịch đến Hàn Quốc, giải phẫu thẩm mỹ…Tập đoàn LG điện tử với quảng cáo của diễn viên Lee Young Ae bốn năm liền độc chiếm ngôi đầu thị trường máy điều hoà nhiệt độ ở Việt Nam. Năm 2000, sự hâm mộ diễn viên Kim- Nam- Joo cũng đã đưa những sản phẩm mỹ phẩm của LG lên hàng thứ nhất.

Lúc đầu, với chiến lược tiếp thị, các doanh nghiệp Hàn Quốc thường cung cấp cho phía Việt Nam những bộ phim với giá thấp hoặc miễn phí để tiếp cận quảng cáo trên ti vi. Bình quân, chi phí mà doanh nghiệp Hàn Quốc bỏ ra là từ 1000 - 1200 USD cho mỗi tập phim nhập khẩu vào Việt Nam, trong khi chi phí cho 1 phút quảng cáo trên ti vi có giá khoảng 3600 USD. Bằng cách tài trợ bộ phim, các doanh nghiệp Hàn Quốc vừa tiết kiệm được chi phí quảng cáo, vừa quảng bá được thương hiệu mạnh mẽ hơn hẳn các đối thủ cạnh tranh cùng lĩnh vực.

Hợp tác về giáo dục là một trong những nội dung quan trọng để Việt Nam và Hàn Quốc tiến tới tầm “Quan hệ đối tác toàn diện trong thế kỷ XXI”  như hai nước đã từng đưa ra tuyên bố chung vào tháng 8-2001. Việt Nam -  Hàn Quốc đã ký kết những hiệp định như Hiệp định Hợp tác Giáo dục tháng 03/2000 và Hiệp định Hợp tác Giáo dục và đào tạo ngày 31/05/2005. Đó là cơ sở pháp lý nhằm tăng cường hơn nữa về hợp tác giáo dục đào tạo giữa hai nước.

Ngày 22/10/2007 Bộ trưởng Giáo dục và Phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc Kim- Shin- Il đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân, về giáo dục và nhân lực.

Ngày 09/10/2008 Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân cùng 21 quan chức của Văn phòng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hiệu trưởng các trường Đại học Việt Nam đã bắt đầu chuyến thăm và làm việc tại Hàn Quốc nhằm thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Những năm qua, hợp tác giáo dục giữa hai nước thể hiện ở những nội dung như: trao đổi tài liệu thông tin; cử cán bộ giảng dạy, giáo sư Việt Nam sang nghiên cứu tại Hàn Quốc; hỗ trợ dạy nghề; cấp học bổng…Ngoài ra, Chính phủ Hàn Quốc cũng đã hỗ trợ cho Việt Nam một số cơ sở vật chất quan trọng như: dự án nâng cấp Trường trung học Công nghiệp Hà Nội, dự án xây dựng Trường Kỹ thuật Công Nghiệp Việt - Hàn và Trường Công nhân Kỹ thuật Cơ - điện Quy Nhơn. Thông qua Tổ chức Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA), Hàn Quốc cũng hỗ trợ xây dựng 40 trường tiểu học tại Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Trung tâm Thư viện Điện tử tại Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh. Tổ chức Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc đã cử 1042 thực tập sinh, 28 chuyên gia, 02 giáo viên Taekwondo và 76 tình nguyện viên sang Việt Nam, thường xuyên mời giáo viên Việt Nam sang giảng dạy tại 04 trường đại học có khoa tiếng Việt. Hàn Quốc đã nhận 25 nghìn lượt sinh viên và tu nghiệp sinh Việt Nam sang Hàn Quốc đào tạo và nâng cao trình độ.

Tại Hàn Quốc, Khoa tiếng Việt của trường Đại học Ngoại ngữ Hàn Quốc có từ rất sớm, năm 1967. Đến năm 1991, khi hai bên xúc tiến mạnh mẽ việc thiết lập mối bang giao cũng chính là thời điểm nhu cầu học tiếng Việt ở Hàn Quốc tăng nhanh. Đáp lại, năm 1993, ngành Hàn Quốc học và tiếng Hàn cũng được đưa ra vào chương trình giảng dạy của các trường đại học Việt Nam.

Gần đây, xuất phát từ việc rất nhiều các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam, những phiên dịch và nhân viên thông thạo tiếng Việt ngày càng gia tăng. Trước đây Hàn Quốc chỉ có khoa tiếng Việt tại Trường Đại học Ngoại ngữ Hàn Quốc. Đến nay, tại Seoul đã có thêm 2 trường Đại học mở khoa Việt Nam học và 2 trường đại học khác tiến hành đào tạo tiếng Việt cho các sinh viên thuộc khoa Thương mại Châu Á. Ở Việt Nam cũng đang nổi lên phong trào học tiếng Hàn rất mạnh mẽ. Trong 28 nước dự thi kỳ thi năng lực tiếng Hàn (TOPIK) năm 2005, Việt Nam xếp thứ 3 với 1281 thí sinh, chỉ đứng sau Nhật Bản (7998 thí sinh), Trung Quốc (6003 thí sinh).

Quá trình trao đổi, nghiên cứu, tăng cường hiểu biết giữa Việt Nam và Hàn Quốc có thể tóm lược như sau:

- Tình hình nghiên cứu về Hàn Quốc tại Việt Nam

Việt Nam và Hàn Quốc tăng cường hợp tác giáo dục thông qua các chương trình giảng dạy tiếng Hàn ở Việt Nam cũng như nhiều lưu học sinh Việt Nam đã tốt nghiệp đại học, cao học và tiến sĩ tại Hàn Quốc. Trước năm 1975, việc học tiếng Hàn chủ yếu bằng con đường du học sang Bắc Hàn. Nhưng sau khi hai nước thiết lập mối quan hệ ngoại giao (1992), từ năm 1994, ngành Hàn Quốc học đã được xây dựng và phát triển. Đối với Việt Nam, việc phát triển ngành Hàn Quốc học giúp cho quan hệ giao lưu và hợp tác về văn hoá- khoa học giữa hai nước Việt - Hàn ngày càng phát triển. Năm học 1992- 1993, khoa Ngữ văn thuộc trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG Hà Nội) chính thức mở chuyên ngành Ngôn ngữ và Văn hóa Hàn Quốc với thời gian đào tạo là 2 năm. Năm 1993, trường tiếp tục mở chuyên ngành Hàn Quốc học thuộc Khoa Đông Phương học, còn Trung tâm Văn hoá và Đào tạo tiếng Hàn cũng được mở tại Trường Đại học Sư phạm - ĐHQG Hà Nội nhằm phục vụ cho sinh viên ngữ văn và một số người quan tâm đến Hàn Quốc.

Hiện nay Việt Nam có 10 trường đại học đào tạo ngành Hàn Quốc học và bộ môn tiếng Hàn với tổng cộng 45 lớp học, 1350 sinh viên, mỗi năm có khoảng 400 sinh viên tốt nghiệp. Các trường đại học khác như Đại học mở Bán công Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Dân lập Bình Dương, Đại học Cần Thơ, Đại học Nha Trang cũng giảng dạy tiếng Hàn như bộ môn ngoại ngữ thứ hai. Ngoài ra, Ban Nghiên cứu Hàn Quốc học cũng được Viện nghiên cứu Đông Bắc Á (thuộc Viện Khoa học Xã Hội Việt Nam) thành lập vào ngày 23 - 02 - 1998;  Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc của Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội (thành lập năm 2006); Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc của Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (thành lập năm 2008).

Bên cạnh đó, cũng kể đến một số trung tâm ngoại ngữ và các công ty xuất khẩu lao động đã mở lớp dạy tiếng Hàn ngắn hạn (khoảng 2- 3 tháng) cho lao động Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc.

Về phương tiện nghiên cứu (tổ chức hội nghị hội thảo, soạn giáo trình, sách dịch, in ấn, máy móc…) cho đến nay vẫn còn chủ yếu nhờ tài trợ của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA). Ngoài ra, các quỹ Hàn Quốc cũng hỗ trợ cho việc phát triển Hàn Quốc tại Việt Nam như Quỹ Giao lưu Quốc tế Hàn Quốc (KF- Korea Foundation), Quỹ Phục hưng Học thuật Hàn Quốc (KRF- Korea Research Foundation), Hiệp hội Giáo dục tiếng Hàn Quốc tế (IAKLE- International Association of Korean Language Education)…Một số doanh nghiệp Hàn Quốc như Samsung, Kum Ho, LG, Ngân hàng Han II…cũng tham gia tài trợ cho việc phát triển Hàn Quốc học tại Việt Nam. Năm 1996, Tập đoàn Samsung đã tự nguyện đưa 1 triệu USD vào Quỹ Giao lưu Quốc tế Hàn Quốc (KF) nhằm mục đích trao đổi văn hoá Hàn - Việt.

Nhìn chung, việc nghiên cứu Hàn Quốc tại Việt Nam trong thời gian qua tuy còn khiêm tốn nhưng cũng đã đạt được những kết quả nhất định. Trong giai đoạn từ năm 1993 đến năm 2000, chỉ có các trường tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đào tạo ngành Hàn Quốc học nhưng từ năm 2001, ngành học này đã được mở rộng ra các địa phương: miền Bắc có 3 trường, miền Trung có 2 trường, miền Nam có 4 trường. Trong giai đoạn từ 1993- 1997, số sinh viên ngành Hàn Quốc học ít hơn so với các ngành khác như Trung Quốc học, Nhật Bản học…Nhưng từ năm 1998, số lượng học viên liên tục tăng. Số sinh viên bình quân các lớp ngành Hàn Quốc học từ 22 người (năm 2000) đã tăng lên 30 người (năm 2005). Các cuộc toạ đàm, hội thảo khoa học giữa hai nước cũng tăng lên, phần lớn các cuộc hội thảo này diễn ra ở các trường Đại học có giảng dạy tiếng Hàn và Hàn Quốc học trong nước. Năm 2008, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội và Viện Nghiên cứu Hàn Quốc học Trung ương đã phối hợp tổ chức Hội thảo quốc tế Hàn Quốc học khu vực Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 9.

Tuy vậy, việc nghiên cứu và phát triển ngành Hàn Quốc học tại Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn như:

+ Ban nghiên cứu Hàn Quốc học chưa thực sự trở thành một cơ quan nghiên cứu khoa học vững mạnh như các trung tâm nghiên cứu khác tại Việt Nam.

+ Nguồn nhân lực giảng dạy tiếng Hàn tại Việt Nam vẫn còn phụ thuộc vào các tình nguyện viên của KOICA khá nhiều. Các tình nguyện viên này là những người không được đào tạo về kỹ năng giảng dạy tiếng Hàn, luôn bị xáo trộn nên chất lượng giảng dạy chưa cao và chương trình dạy thiếu tính nhất quán.

+ Hàn Quốc học hiện nay nghiêng về phát triển những kỹ năng ngôn ngữ tiếng Hàn hơn là trang bị kiến thức toàn diện nhằm đào tạo những chuyên gia về Hàn Quốc.

+ Giáo trình đào tạo tiếng Hàn chủ yếu do phía Hàn Quốc cung cấp mà thiếu hẳn những giáo trình do Việt Nam biên soạn. Thậm chí, các học viên có lúc phải học tiếng Hàn thông qua ngôn ngữ thứ ba như tiếng Anh.

- Tình hình nghiên cứu về Việt Nam tại Hàn Quốc

Việc dạy và học tiếng Việt tại Hàn Quốc bắt đầu từ khi Hàn Quốc can dự vào cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. ‘‘Tháng 9 năm 1964, khi Chính phủ Hàn Quốc bắt đầu gửi quân sang Việt Nam thì việc học tiếng Việt trở thành một nhu cầu cấp bách trong quân sự. Từ tháng 01- 1965, Cơ quan Tình báo Quân đội (MIG) Hàn Quốc mở lớp học tiếng Việt đầu tiên để đào tạo cho sĩ quan cấp uý. Cùng năm đó, Bộ Tình báo Trung Ương (CIA) Hàn Quốc cũng mở đào tạo giảng viên tiếng Việt. Tiếp theo, Trường huấn luyện CIA chính thức mở khoá tiếng Việt với số sinh viên đào tạo khoá đầu tiên là 20 người’’.

Cuối năm 1965 Hàn Quốc gửi thêm quân chiến đấu sang Việt Nam kéo theo rất nhiều doanh nghiệp, thương nhân, chuyên gia kỹ thuật…do đó, nhu cầu sử dụng và giảng dạy tiếng Việt ngày càng tăng lên. Năm 1967, Trường Đại học Ngoại ngữ Hàn Quốc (HUFS) chính thức mở khoa tiếng Việt để đáp ứng nhu cầu học tiếng Việt này. Nhưng sau năm 1975,  khi quan hệ giữa hai nước gần như bị cắt đứt thì nhu cầu sử dụng tiếng Việt tại Hàn Quốc gần như không còn nữa, các sinh viên khoa tiếng Việt ở trường HUFS tìm cách đổi qua học các khoa khác.

Tháng 12- 1992, việc hai nước thiết lập mối quan hệ ngoại giao cũng là lúc nhu cầu học tiếng Việt lại tăng lên. Hiện nay, tại Hàn Quốc có tất cả 4 trường Đại học dạy tiếng Việt: Trường Đại học Ngoại ngữ Hàn Quốc (HUFS), Trường Đại học Ngoại ngữ Pusan (PUFS), Trường Đại học Young San (TP.Pusan), Trường Đại học Chung Woon (tỉnh Chung Nam).

Bên cạnh các trường đại học có khoa đào tạo tiếng Việt, một số trường khác cũng có bộ phận nghiên cứu, giảng dạy về Việt Nam như Khoa Đông Nam Á học của trường Cao học Khu vực Quốc tế (thuộc HUFS), Khoa lịch sử phương Đông của trường Cao học - Đại học Quốc gia Seoul…

PUFS có hội Hàn Quốc nghiên cứu Việt Nam (thành lập tháng 12- 1999), đã có hơn 70 thành viên với những hoạt động chính như công bố những công trình nghiên cứu về Việt Nam, tổ chức các cuộc hội thảo, toạ đàm, xuất bản tạp chí “nghiên cứu Việt Nam” (The Vietnamese Review)…Các trường đại học khác như HUFS, đại học Kyung Nam, Đại học Chung Joo…Đều có trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á, trong đó có bộ phận nghiên cứu Việt Nam. Ngoài ra, trung tâm nghiên cứu Đông - Tây rất chú trọng nghiên cứu kinh tế Việt Nam. Viện Nghiên cứu Chính sách Kinh tế Đối ngoại (KIEP )của Hàn Quốc cũng đang nghiên cứu về kinh tế Việt Nam và đã cho ra đời một số công trình được đánh giá cao.

Như vậy, có thể tóm lược tình hình nghiên cứu Việt Nam ở Hàn Quốc qua 3 giai đoạn:

1. Giai đoạn 1965- 1975: Việc đào tạo tiếng Việt chủ yếu phục vụ cho quân đội Hàn Quốc tham chiến tại Việt Nam. Giáo trình, tài liệu hầu hết dựa vào các tài liệu Mỹ, Nhật…, nhu cầu học tiếng Việt của Hàn Quốc lúc này chưa thực sự cao.

2. Giai đoạn 1975- 1992: Việt Nam và Hàn Quốc bị gián đoạn quan hệ, người Hàn Quốc không tìm thấy mục đích gì trong việc học tiếng Việt.

3. Giai đoạn 1992- 2008: Cùng với các doanh nghiệp Hàn Quốc đổ xô vào Việt Nam, phong trào học tiếng Việt ở Hàn Quốc thực sự bùng phát. Từ những năm 1992 - 1993, các trường Đại học Hàn Quốc như HUFS, PUFS đã mời những giáo sư Việt Nam sang Hàn Quốc giảng dạy. Các trường Đại học Hàn Quốc cũng liên kết, kết nghĩa với các trường Việt Nam nhằm mục đích trao đổi giáo trình, giảng viên, sinh viên du học, giao lưu hợp tác nghiên cứu…

Nhìn chung, từ năm 1992 đến nay quá trình đào tạo tiếng Việt ở Hàn Quốc phát triển rất mạnh nhưng vẫn còn một số hạn chế. Hiện nay, tiếng Việt ở Hàn Quốc vẫn bị xếp vào nhóm những ngôn ngữ đặc biệt, chưa được chính phủ, Bộ Giáo dục hay các trường đại học ở Hàn Quốc dành cho những sự quan tâm, hỗ trợ đáng kể. Chương trình đào tạo tiếng Việt tại Hàn Quốc vẫn chú trọng nhiều ở kỹ năng giao tiếp, phiên dịch, dịch thuật…chứ chưa hướng đến mục đích đào tạo các chuyên gia Việt Nam. Chương trình đào tạo sau đại học ở Hàn Quốc vẫn chưa có một khoa nào về Việt Nam.

Trong tương lai, để tiếng Việt cũng như ngành Việt Nam học có thể phát triển thì các cấp chính phủ, Bộ Giáo dục và các trường đại học ở Hàn Quốc cần có những chế độ đặc biệt dành cho sinh viên, nghiên cứu sinh, chuyên gia Việt Nam học…nhằm tạo những cơ hội du học thực tập, học bổng chi phí nghiên cứu.

3.  Những thách thức

Việc trong quá khứ Hàn Quốc đã đưa quân tham gia chiến tranh tại Việt Nam nhằm đổi lấy viện trợ kinh tế và quân sự của Mỹ, trong thời gian này quân Hàn Quốc đã gây nhiều tội ác với nhân dân Việt Nam và vẫn còn ảnh hưởng đến tâm lý một số người Việt Nam.

Những vấn đề xã hội: năm 2005 có 5822 trường hợp đàn ông Hàn Quốc lấy vợ Việt Nam, chiếm 18,7% và tỉ lệ cao nhất (trừ Hàn Kiều Trung Quốc) trong số 38.180 cuộc hôn nhân giữa đàn ông Hàn Quốc với phụ nữ nước ngoài. Hiện tượng các cô dâu Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc là điều tự nhiên nhưng vẫn xảy ra một số tệ nạn như thương mại hoá phụ nữ, xúc phạm nhân phẩm, lừa gạt…từng có lúc tạo nên những căng thẳng ảnh hưởng đến mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước. Cũng như các đường dây sex tour, đối tượng tội phạm…từ Hàn Quốc vào Việt Nam, tình trạng gia tăng người Việt Nam phạm pháp trên đất Hàn Quốc cũng là những vấn đề xã hội mà hai bên phải phối hợp giải quyết.

Giao lưu văn hoá một chiều: Gần đây, văn hoá đại chúng Hàn Quốc như phim truyền hình, điện ảnh, âm nhạc…đang xâm nhập mạnh vào Việt Nam, trong khi sự quảng bá của văn hoá Việt Nam vào đất nước Hàn Quốc lại rất ít ỏi. Văn hoá là cội nguồn, tâm hồn của mỗi dân tộc, nên nếu giao lưu văn hoá một chiều như vậy là điều dễ nhạy cảm, có thể gây nên những phản kháng dẫn đến sự xung đột.

Có thể nói, làn sóng Hàn Quốc được xem là một hình thức của chủ nghĩa thương mại văn hoá hay chủ nghĩa đế quốc văn hoá kiểu mới. Rõ ràng, làn sóng Hàn Quốc đã mang chức năng đòn bẩy kinh tế nên Chính phủ Hàn Quốc xem đây là cả một chiến lược văn hoá. Trên thực tế, chúng ta không hề phủ nhận làn sóng Hàn Quốc đã phần nào đóng vai trò là cầu nối văn hoá giữa Hàn Quốc và Việt Nam. Nhưng nếu chỉ thông qua những bộ phim truyền hình trên các kênh ti vi thì sự giao lưu này sẽ rất đơn điệu và phiến diện, dễ tạo cho công chúng Việt Nam cái nhìn sai lệch về văn hoá Hàn Quốc.

4. Kiến nghị và giải pháp

Về hợp tác giáo dục – đào tạo: Trong những năm tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam cần định hướng thực hiện một số công việc chính trong hợp tác giao dục với Hàn Quốc như sau:

- Đàm phán và ký kết Hiệp định về vấn đề tương đương văn bằng giáo dục giữa hai nước.

- Triển khai mạnh mẽ hơn nữa việc thực hiện dự án cử công dân Việt Nam đi đào tạo tại Hàn Quốc theo đề án đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) ở Hàn Quốc bằng ngân sách nhà nước.

- Phê duyệt cho phép thực hiện một số chương trình liên kết giữa các cơ sở đào tạo đại học hai nước về việc đào tạo cán bộ, sinh viên Việt Nam với nguồn kinh phí do phía Việt Nam cấp.

- Tạo điều kiện cho phép các cơ sở giáo dục của Hàn Quốc có đủ điều kiện cần thiết được mở văn phòng đại diện, cơ sở liên kết và cơ sở độc lập để thực hiện các hoạt động giáo dục tại Việt Nam.

- Tăng cường hoạt động trao đổi hợp tác giáo dục với Bộ Giáo dục và Khoa học Hàn Quốc cũng như các trường đại học của Hàn Quốc, bao gồm: Hàng năm thường xuyên trao đổi đoàn cấp Bộ để tăng cường trao đổi thông tin về giáo dục giữa hai nước.

- Tổ chức các hoạt động giáo dục giữa hai nước do hai Bộ Giáo dục chủ trì, ví dụ như: triển lãm giáo dục, hội nghị, hội thảo về giáo dục...

- Tăng cường hợp tác đào tạo trình độ đại học và sau đại học giữa hai nước, trong đó chú trọng việc cấp học bổng cho công dân Việt Nam đi đào tạo tại Hàn Quốc về một số lĩnh vực mà Việt Nam cần là: khoa học cơ bản, các ngành khai thác khoảng sản thiên nhiên, dầu khí, vật liệu mới, công nghệ sinh học, tự động hoá... và mở rộng phạm vi số trường đại học nhận đào tạo lưu học sinh Việt Nam.

- Tăng cường số lượng cán bộ giảng dạy các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu của hai nước được sang Hàn Quốc hoặc Việt Nam để trao đổi, nghiên cứu về các ứng dụng khoa học kỹ thuật được hai nước quan tâm.

- Phòng công tác lưu học sinh của Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc cần thường xuyên có liên hệ chặt chẽ với các trường đại học của Hàn Quốc hiện có lưu học sinh Việt Nam theo học và đề nghị các trường phối hợp cung cấp thông tin báo cáo định kỳ 6 tháng, 01 năm về toàn bộ lưu học sinh Việt Nam đang theo học tại trường để thực hiện tốt công tác quản lý lưu học sinh. Tăng cường công tác quản lý số lưu học sinh du học tự túc tại Hàn Quốc.

Việt Nam theo học và đề nghị các trưường phối hợp cung cấp thông tin báo cáo định kỳ 6 tháng, 1 năm về toàn bộ lưưu học sinh Việt Nam đang theo học tại trường  để thực hiện tốt hơn công tác quản lý lưưu học sinh. Tăng cưường công tác quản lý số lưưu học sinh du học tự túc tại Hàn Quốc.

Về trao đổi văn hoá: Văn hoá là gốc của mỗi dân tộc, mỗi đất nước. Đẩy mạnh trao đổi văn hoá giữa hai nước với các hình thức phong phú, phù hợp với nguyên tắc của thị trường là một trong các giải pháp quan trọng để không ngừng vun đắp truyền thống hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước. Chú trọng gia tăng hợp tác kinh tế song phải gắn với việc phát triển các quan hệ văn hoá chính trị xã hội. Phối hợp các mặt trong quan hệ hiện nay là đòi hỏi của thực tiễn của cuộc sống, của hiệu quả hợp tác chung. Chính vì vậy đi liền với hợp tác kinh tế phải chú trọng thúc đẩy giao lưu văn hoá để nâng cao sự đồng cảm, thông hiểu lẫn nhau trong hợp tác nói chung. Việc đẩy mạnh giao lưu văn hoá, giáo dục giữa các trường đại học của hai bên sẽ tạo nền tảng vững chắc cho quan hệ lâu dài của các thế hệ kế tiếp.

Trong tương lai hai bên cần phải đẩy mạnh hơn nữa những hoạt động giao lưu văn hoá đa dạng, ở cấp độ cao về mọi mặt như xuất bản, dịch thuật, văn học, nghệ thuật truyền thống, sân khấu… Ngoài ra, Việt Nam và Hàn Quốc cần phải nỗ lực hơn để giảm sự chênh lệch và giao lưu một chiều trong quan hệ bằng các biện pháp như tăng cường hợp tác sản xuất chung những bộ phim, đẩy mạnh quảng bá văn hoá Việt Nam vào Hàn Quốc…

5. Triển vọng

Về hợp tác trao đổi văn hoá: Những năm qua, lĩnh vực này đã có tiến triển nhưng cũng gặp khó khăn về tài chính, cần thường xuyên trao đổi các đoàn nghệ thuật theo con đường nhà nước. Đây là một trong những nội dung trọng tâm cần thúc đẩy để tăng thêm độ công khai hoá và giới thiệu về Hàn Quốc cũng như Việt Nam ở mỗi bên.

Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo: Hiện nay, Hàn Quốc có: ‘‘419 cơ sở giảng dạy đại học với 66.862 giảng viên’’ và ‘‘Uỷ ban Khoa học & Công nghệ Quốc gia có 3 bộ phận nghiên cứu và 19 tổ chức nghiên cứu thuộc chính phủ hoạt động trong lĩnh vực KHKT mà uỷ ban quản lý. Với một đội ngũ giảng viên, các nhà khoa học kiến thức uyên bác, giầu kinh nghiệm. Đây sẽ là cơ sở rất tốt cho việc hợp tác giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học giữa Việt Nam và Hàn Quốc.

Với nhiều lý do, việc đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực giáo dục đào tạo với Hàn Quốc cần được thúc đẩy mạnh mẽ hơn theo hướng ngoài sự hợp tác ở cấp nhà nước nên tích cực, đẩy mạnh hơn nữa việc triển khai hình thức hợp tác song phương giữa các trường đại học, các cơ quan khoa học của hai nước để trao đổi kinh nghiệm giảng dạy, kinh nghiệm nghiên cứu khoa học, trao đổi chuyên gia, giáo trình, đồ dùng và thiết bị dạy học...

Tất cả những phân tích ở trên chưa phải là danh sách đầy đủ các lĩnh vực và phương hướng ưu tiên hợp tác Hàn - Việt, nhưng chừng đó cũng đủ có thể khẳng định rằng, hợp tác song phương giữa Việt Nam và Hàn Quốc là rất có triển vọng. Vấn đề là ở chỗ hai bên cần phải đưa ra được các biện pháp cụ thể để biến những tiềm năng hợp tác giữa hai nước thành hiện thực, tương xứng với quan hệ đối tác toàn diện giữa Việt Nam – Hàn Quốc, góp phần vào công cuộc phát triển ở mỗi nước.

 

NGUYỄN VĂN DƯƠNG

(Trường Cao đẳng Giáo dục)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Bộ Ngoại giao, Tuyên bố chung Việt Nam- Hàn Quốc về hợp tác toàn diện, ngày 08/02/2001.

2. Trung Nghĩa và Kim Hyun Jae (1999), Phim và diễn viên Hàn Quốc yêu thích, Nxb trẻ, TP.HCM.

3. Cơ quan Thông tin Hải ngoại Hàn Quốc, Hàn Quốc đất nước và con người; www.korea.net

4. Kim Gi Tae, (2002), Về việc dạy và học tiếng Việt tại Hàn Quốc, thời kỳ chuyển biến của Việt Nam, Nxb Văn hoá Jo Myeng.

5. Bộ Ngoại giao, Tuyên bố chung Việt Nam- Hàn Quốc về việc thiết lập quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược, ngày 22/10/2009.

6. Đại học Quốc gia Seoul - Đại học Quốc gia Việt Nam: Bộ giáo trình Hàn Quốc học số 1 SNU-VNU. “Lịch sử Hàn Quốc”.

7. Nguyễn Văn Ánh, Đỗ Đình Hãng, Lê Đình Chỉnh, Hàn Quốc Lịch sử - Văn hoá, Nxb Văn hoá, 1996.

8. Korea – it’s history and culture, published by Kerean Overseas Information Service copyringht 1996.

9. Website Đảng cộng sản Việt Nam.

10. Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam, www.hanquocngaynay.com

0thảo luận