Nhật Bản và Trung Quốc là hai nước láng giềng lớn, có ảnh hưởng quan trọng trong không gian địa chính trị vùng Đông Bắc Á nói riêng và Viễn Đông nói chung. Lịch sử quan hệ này có từ lâu và thăng trầm theo những biến cố quan trọng trong tiến trình lịch sử thế giới và giữa hai nước với nhau. Trong bối cảnh quốc tế hiện nay, đặc biệt khi ý tưởng Cộng đồng Đông Á được hình thành và phát triển, mối quan hệ Nhật -Trung càng trở nên có ý nghĩa hơn đối với khu vực này cũng như đối với quốc tế nói chung.
Những năm gần đây, mối quan hệ song phương này đã đạt được một số tiến bộ quan trọng. Không chỉ trong lĩnh vực kinh tế, các lĩnh vực khác như văn hóa, kể cả chính trị cũng có những điểm sáng mang tính khả quan.
Tuy nhiên, đằng sau những lấp lánh ngoại giao “hữu nghị” ấy, trong quan hệ hai nước vẫn còn đó những trở ngại tiềm tàng, có thể bùng phát thành những cơn địa chấn vào bất kỳ thời điểm nào thuận lợi, làm rung chuyển hai quốc gia này và ảnh hưởng tới các nước xung quanh trong và ngoài khu vực.
Tìm hiểu sâu hơn những trở ngại tiềm tàng này trong mối quan hệ Nhật - Trung có thể là một đóng góp nhỏ giúp tìm ra những giải pháp hữu dụng và thực tế, thúc đẩy mối quan hệ hai nước trở nên thiết thực hơn. Việc làm này cũng góp phần làm tăng thêm những hy vọng có cơ sở cho ổn định và an ninh trong khu vực.
Những trở ngại tiềm tàng này tập trung thành 3 nhóm chính: 1) Ký ức lịch sử; 2) Tranh chấp lãnh thổ và 3) Vị thế nước lớn.
I. Ký ức lịch sử
Hai dân tộc Nhật Bản và Trung Hoa có truyền thống văn hoá lâu đời và luôn tự hào về truyền thống lịch sử cũng như mọi khía cạnh đời sống tinh thần khác. Đặc biệt họ tự hào về tính tự tôn dân tộc của mình. Trong quan hệ ngoại giao hai nước trong lịch sử, đặc biệt vào thời kỳ hiện đại có một số vấn đề để lại, đã và đang là trở ngại thực sự, ảnh hưởng đến sự phát triển quan hệ song phương. Có 2 trở ngại nổi bật là: a) Nhận thức về một số vấn đề lịch sử và b) Vấn đề liên quan đến ngôi đền Yasukuni
a) Nhận thức về một số vấn đề lịch sử
Cho đến nay, trong tâm khảm người dân và chính giới hai nước luôn hằn rõ những ký ức về một cuộc chiến tranh đã từng diễn ra giữa hai nước vào giai đoạn những năm 1930-1940 của thế kỷ XX.
Chiến tranh đã xảy ra. Quân Nhật đã chiếm đóng Trung Quốc trong một thời gian nhất định. Hậu quả của cuộc chiến chưa chấm dứt. Trong ký ức người dân hai nước cho đến hiện nay vẫn còn những nhận thức khác nhau về nguyên nhân và hậu quả của nó.
Ngay sau khi quân Nhật đầu hàng quân Đồng Minh năm 1945, giữa Nhật và Trung Quốc đã có những giải quyết với nhau về hậu quả của cuộc chiến này. Trên thực tế, khi đó Nhật Bản đồng ý bồi thường chiến tranh cho Trung Quốc và, “lấy làm tiếc và hoàn toàn nhận trách nhiệm đã gây thiệt hại to lớn cho nhân dân Trung Quốc trong thời gian chiến tranh” ([2]). Tuy nhiên, những năm sau này nhiều diễn biến diễn ra đã không như ý muốn của dư luận hai nước.
Người Trung Quốc coi cuộc chiến của Nhận Bản tại nước họ là cuộc chiến tranh xâm lược. Tuy nhiên, sự khác biệt trong nhận thức giữa hai bên là mức độ thiệt hại về con người và vật chất mà hai bên đưa ra. Thí dụ, phía Trung Quốc đưa ra con số thiệt hại về người là 35 triệu người và thiệt hại về vật chất là trên 600 tỷ USD([3]) nhưng theo tài liệu của Nhật Bản thì những số liệu tương đương chỉ là 10 triệu người và 300 tỷ USD([4]). Từ những nhận thức khác biệt này, đến nay việc bồi thường chiến tranh mà Nhật Bản phải thực hiện đối với Trung Quốc vẫn chưa được thực hiện.
Đây là một trong những thách thức trong quan hệ Nhật - Trung hiện vẫn khó có thể giải quyết được trong một thời gian nhất định.
Thách thức nữa trong nhận thức lịch sử về cuộc chiến tranh này là việc vào những cuối thế kỷ XX và vào thập niên đầu thế kỷ XXI, Nhật Bản liên tiếp sửa chữa và xuất bản những cuốn sách giáo khoa lịch sử mới([5]) dạy cho học sinh, trong đó có những quan điểm mà Trung Quốc cho rằng Nhật Bản đã “xuyên tạc lịch sử” liên quan đến cuộc “xâm lược” của Nhật Bản tại Trung Quốc vào những năm từ 1937 đến 1945.
Bị dư luận phản đối nhiều nhất là quan điểm “mới” của Nhật Bản về nguyên nhân nước này phát động “Chiến tranh Đại Đông Á” (the Great East Asian War). Nhật Bản cho rằng họ phát động cuộc chiến tranh đó là nhằm tuyên bố sự tồn tại và quyền tự vệ của mình, đồng thời giải phóng Châu Á khỏi sự thống trị của Âu Mỹ.
Trung Quốc đã kịch liệt phản đối và coi việc sửa sách giáo khoa lịch sử là một biểu hiện của ý đồ phục hồi chủ nghĩa quân phiệt Nhật, là một thái độ không thân thiện của phía Nhật Bản. Chính vì nguyên nhân này vào thời điểm sau khi cuốn sách giáo khoa lịch sử mới của Nhật Bản được phát hành, tại Trung Quốc đã diễn ra một làn sóng phản đối dữ dội của sinh viên và nhân dân Trung Quốc tại nhiều thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Thiên Tân … Tình hình này sẽ khó được làm phai mờ trong ký ức của người dân Trung Quốc trong nhiều năm tới.
Liên quan đến ký ức lịch sử trong quan hệ giữa hai nước còn một vấn đề gai góc khác là ngôi đền Yasukuni.
b) Vấn đề liên quan đến ngôi đền Yasukuni
Một trong những trở ngại làm quan hệ Nhật - Trung những năm gần đây có những căng thẳng nhất định liên quan đến ngôi đền thờ mang tên Yasukuni. Vậy đền thờ Yasukuni là gì và tại sao lại quan trọng đến nỗi gây căng thẳng trong quan hệ song phương Nhật -Trung?
Đền Yasukuni trước đây có tên là Tokyo Shokonsha (Tokyo chiêu hồn xã) được Thiên Hoàng Minh trị cho xây dựng tưởng nhớ những người đã hy sinh trong trận chiến Boshin, cuộc nội chiến mở ra thời kỳ Phục hưng Minh Trị bắt đầu từ năm 1868.
Trên cơ sở ngôi đền này, ngày nay Yasukuni được mở mang và hiện là nơi thờ tự của 2,5 triệu linh hồn lính Nhật bị chết trong tất cả các cuộc chiến tranh, kể cả 14 người mà Tòa án Quốc tế liệt vào hạng tội phạm chiến tranh loại A. Đền Yasukuni được dùng thực hiện 3 chức năng chủ yếu: 1-Sự hiện hiện của ngôi đền tạo mối gắn kết biểu tượng giữa Thiên Hoàng, binh lính và những người khác như vợ con, cha mẹ của họ…; 2-Làm nơi cử hành nghi lễ tôn vinh quân nhân tử trận thành kami (thần). Mọi binh lính Nhật tử trận đều được tưởng niệm ở Yasukuni khiến họ trở thành kami-thần; 3-Nơi thực hiện nghi lễ làm biến đổi cảm xúc của thân nhân những người tử trận. Với những lý do này ngôi đền trở thành một thiết chế tư tưởng là biểu tượng của tinh thần dân tộc Nhật Bản.
Việc các Thủ tướng Nhật Bản, đặc biệt là dưới thời cựu Thủ tưởng Junichiro Koizumi luôn đến thăm hoặc có hành động tưởng niệm gửi đến ngôi đền này đều bị Trung Quốc và một số nước châu Á khác kịch liệt phản đối.
Mới đây ngay trước thềm chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Nhật Bản Taro Aso sang thăm Trung Quốc, nước này đã bày tỏ thái độ giận dữ khi ông gửi một cây cảnh đến ngôi đền chiến tranh Yasukuni đầy tranh cãi, và cảnh báo động thái này có thể phủ bóng đen lên chuyến thăm Bắc Kinh của ông Aso.
Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Jiang Yu cho biết, Chính phủ Trung Quốc bày tỏ “lo ngại sâu sắc và không hài lòng” về việc Thủ tướng Aso gửi cây cảnh đến ngôi đền Yasukuni của Tokyo, ngôi đền mà nhiều người cho là biểu tượng cuộc xâm lược Nhật Bản trước và trong Thế chiến II ([6]).
Nguyên nhân cơ bản để Trung Quốc phản đối những hành động mà các Thủ tướng Nhật Bản tưởng niệm tại ngôi đến này gồm:
- Việc thăm viếng và tôn vinh binh lính Nhật Bản bị chết trong chiến tranh, trong đó bao gồm cả 14 tội phạm chiến tranh loại A là hành động làm sống lại chủ nghĩa quân phiệt Nhật, cổ vũ cho quá khứ chiến tranh của Nhật([7]);
- Là việc làm xúc phạm các nạn nhân chiến tranh châu Á([8]);
- Các nhà lãnh đạo Nhật Bản coi thường và xuyên tạc sự thật lịch sử, coi thường các dân tộc láng giềng([9])
Tờ “Nhân dân Nhật báo” tại Trung Quốc cho rằng, ông Koizumi đến thăm đền Yasukuni là tự tạo ra căng thẳng trong quan hệ Trung-Nhật bởi lẽ ông coi trọng đối nội hơn đối ngoại. Đồng thời, cùng với tờ “Thời báo Đài Bắc”, tờ “Nhân dân Nhật báo” cho rằng, có 4 lý do để ông Koizumi đến thăm đền Yasukuni gồm: Một là, tâm lý tự tôn dân tộc, luôn tự đề cao sự ưu việt của dân tộc Nhật Bản. Hai là, Nhật Bản là quốc gia phát triển nhất Châu Á, quan hệ tâm lý không tương xứng tạo tâm lý tự đại cho Nhật Bản ở Châu Á. Ba là, do tính toàn cầu của kinh tế Nhật Bản, nước này đặc biệt coi trọng các khu vực ngoài Châu Á. Bốn là, Nhật Bản và Mỹ hình thành đồng minh trong vấn đề an ninh. Sau khi Mỹ phát động “cuộc chiến chống khủng bố năm 2001, những thay đổi trong chính sách Viễn Đông của Mỹ đòi hỏi Nhật Bản phải có “trách nhiệm hơn” đối với an ninh khu vực([10])
Những lý giải trên phản ánh một phần sự thật những gì đang diễn ra hiện nay trong quan hệ song phương Nhật- Trung. Cả hai nước hiện tại đang muốn tăng cường ảnh hưởng của mình trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Hai nước tự tạo ra những căng thẳng dựa vào những nguyên cớ “mềm” như những nguyên nhân lịch sử, trong đó có vấn đề sách giáo khoa, có vấn đề ngôi đền Yasukuni…, hy vọng đạt được ưu thế trong cuộc chiến ngoại giao([11]).
Cần nhấn mạnh thêm rằng, vấn đề đền Yasukuni trong quan hệ Nhật - Trung sẽ còn là trở ngại lâu dài trong quan hệ song phương hai nước. Lý do thật sâu xa chính là ở chỗ người Trung Quốc không chấp nhận cái “tinh thần võ sĩ đạo” của Nhật Bản thông qua việc phong thần cho những người lính của mình để họ được đưa vào thờ và trở thành “bất tử” tại đền Yasukuni, cái cách mà người Nhật giáo dục lòng yêu nước bởi ý thức tự cao dân tộc của mình. Ở đây, yếu tố “sức mạnh mềm” là động lực cạnh tranh ngầm giữa hai nước.
II. Tranh chấp lãnh thổ
Bên cạnh việc cạnh tranh “mềm” như vừa đề cập ở phần trên, những năm gần đây, đặc biệt sau khi Luật biển năm 1982 ra đời, cùng với việc nhận thức được tầm quan trọng của tài nguyên biển, cuộc tranh chấp nhiều khi căng thẳng giữa hai nước có biên giới biển này đã diễn ra không ngừng và chưa có kết quả rõ ràng.
Hai nước tranh chấp nhau tại hai điểm nóng: 1) tài nguyên và quyền làm chủ tại lòng máng biển Okinawa và 2) chủ quyền đối với quần đảo Điếu Ngư (tiếng Trung) hay Senkaku (tiếng Nhật) trên Biển Hoa Đông thuộc Thái Bình Dương.
1) Giữa Nhật Bản và Trung Quốc là Biển Hoa Đông. Trước đây, nơi này là vùng biển hòa bình. Tuy nhiên, từ khi Luật biển năm 1982 có hiệu lực, giữa hai nước láng giềng bắt đầu có những tranh chấp tại vùng biển giàu có tài nguyên và hải sản này.
Trung Quốc cho rằng, thềm lục địa biển Hoa Đông là phần kéo dài tự nhiên của lục địa Châu Á, từ lãnh hải Trung Quốc vươn ra ngoài về hướng Đông, đến lòng máng biển Okinawa. Điều này không được dư luận Nhật Bản hoan nghênh. Quan điểm của người dân và chính phủ đất nước Mặt trời mọc cho rằng, hai nước Trung Quốc và Nhật Bản có chung thềm lục địa ở biển Hoa Đông, và có thể giải quyết vấn đề thềm lục địa hai nước chồng lấn nhau bằng phương pháp phân giới theo đường trung tuyến. Cho tới nay, Trung Quốc vẫn chưa chấp nhận đề xuất đó của phía Nhật.
Cả hai nước đều tuyên bố đây là vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của mình. Điều quan trọng là, tại vùng biển này có nguồn trữ lượng dầu mỏ và khí đốt tự nhiên, nguồn năng lượng quan trọng mà cả hai nền kinh tế lớn nhất nhì châu Á đang rất cần.
Ngày 1/3/2009, Ngoại trưởng Nhật Hirofumi Nakasone có cuộc gặp với Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo. Trong thời gian lưu lại Trung Quốc, ông Nakasone cũng sẽ thảo luận với giới chức địa phương về một tranh chấp lãnh hải dai dẳng giữa hai cường quốc, liên quan đến các khu vực giàu tiềm năng thuộc vùng biển Hoa Đông([12]).
Việc phân chia vùng nước tại Biển Hoa Đông chưa thể được giải quyết trong một thời gian ngắn.
2)Việc tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc tại Biển Hoa Đông diễn ra gay gắt hơn tại khu vực quần đảo được gọi theo hai tên khác nhau theo tiếng của hai nước: Điếu Ngư đài theo tiếng Trung hay Senkaku theo tiếng Nhật. Để tiện cho việc diễn giải sự kiện, chúng ta sẽ dùng tên gọi Senkaku – vì gần giống tiếng Anh để độc giả dễ nắm bắt vấn đề.
Quần đảo Senkaku gồm đảo Senkaku là lớn nhất và 6 đảo nhỏ lân cận, tổng diện tích 6,3 km2, nhưng có vị trí chiến lược quan trọng đối với cả Nhật Bản và Trung Quốc. Hai nước đều đưa ra những bằng chứng khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo này.
Trung Quốc đưa ra nhiều căn cứ khẳng định rằng đảo Senkaku thuộc Trung Quốc trong đó quan trọng nhất là những căn cứ cho rằng Senkaku thuộc Trung Quốc từ triều Minh, người Trung Hoa đã khám phá ra hòn đảo này và đặt tên cho nó. Hòn đảo này thuộc Đài Loan, tức là thuộc Trung Quốc…
Phía Nhật Bản cũng đưa ra một loạt luận cứ cho rằng hòn đảo này thuộc Nhật Bản. Quan trọng nhất là những luận điểm sau: Người Nhật khẳng định Senkaku thuộc nước này từ thế kỷ XVII. Ngày 14 tháng 1 năm 1895 đã đặt những dấu hiệu đầu tiên xác định đảo Senkaku thuộc lãnh thổ Nhật Bản; Sau Chiến tranh Thế giới lần thứ II, trong Hiệp ước San-Francisko, đảo Senkaku không thuộc phần lãnh thổ Nhật Bản. Senkaku thuộc Okinawa được giao cho Mỹ cai quản. Năm 1971, Mỹ trao trả quyền cai quản Okinawa cho Nhật, trong đó bao gồm cả đảo Senkaku. Trung Quốc đã từng công nhận Senkaku là lãnh thổ Nhật Bản. Điều này xảy ra ngày 20 tháng 5 năm 1920 khi lãnh sự Trung Quốc tại thành phố Nagasaki gửi công hàm yêu cầu Nhật Bản cứu vớt các ngư dân Trung Quốc.
Việc tranh chấp Senkaku diễn ra lúc mềm mỏng lúc căng thẳng.
Đáng chú ý là thời điểm những năm cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI.
Từ tháng 12 năm 1995, tàu Trung Quốc nhiều lần tiến vào vùng đảo Senkaku. Đặc biệt, từ khi Nhật Bản tuyên bố vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) - khu vực 200 hải lí hay 370 km xung quanh lãnh thổ, xung quanh Senkaku vào tháng 6 năm 1996 (có hiệu lực từ 20.07.1996). Từ đó, sự xâm nhập của các tàu khoan thăm dò dầu khí, khảo sát đại dương và cả tàu chiến từ Trung Quốc vào khu vực EEZ quanh Sekaku tăng lên không ngừng.
Tại Trung Quốc, một làn sóng phản đối Nhật Bản “chiếm đóng” Senkaku diễn ra mạnh mẽ tại nhiều tỉnh Trung Quốc, tại Hồng Kông, Ma Cao và cả tại Đài Loan. Thậm chí khi đó Trung Quốc còn thông qua quyết định thành lập “nhóm đặc nhiệm sẵn sàng được cử tới Senkaku trong trường hợp cần thiết”([13]). Tháng 2-2009, một loạt tạp chí như: Nguyệt san Kính báo, tờ đại Công báo và tờ Văn hối đăng các bài viết nói về vấn đề Trung Quốc tăng cường xây dựng lực lượng chấp pháp trên biển ''chuẩn hải quân'' đề cập tới việc Hải quân nước này sẵn sàng đến khu vực Biển Hoa Đông “làm nhiệm vụ”([14])
Ngay trong năm 2009 này, vào ngày 26/2, Thủ tướng Nhật Taro Aso một lần nữa đã thổi bùng thêm căng thẳng về vấn đề trên khi phát biểu rằng Tokyo sẽ yêu cầu Mỹ giúp bảo vệ quần đảo tranh chấp. Tuyên bố đã ngay lập tức khiến Trung Quốc phẫn nộ([15]).
Tuy nhiên, một cuộc xung đột quân sự lớn Nhật - Trung không chắc sẽ xảy ra. Nhưng, với sự gia tăng vũ bão của nền kinh tế Trung Quốc và hậu quả về nhu cầu năng lượng, việc khám phá ra những trữ lượng khoáng sản to lớn hơn rất nhiều các nguồn cung cấp năng lượng tại Senkaku có thể làm bùng nổ những tranh chấp từ thế kỉ trước với Nhật Bản về chủ quyền tại khu vực này có thể làm phân cực trong nội bộ các chính quyền. Khối chính trị thủ cựu tại Nhật và sự nảy nở thành một làn sóng rất lớn những người dân tộc chủ nghĩa tại Trung Quốc có thể làm phân cực trong nội bộ các chính quyền. Cả Trung Quốc và Nhật Bản chắc chắn sẽ làm mọi cách để có thể tránh những đụng độ về quân sự, vì thế nên có thể sẽ có giới hạn về những quyết định mạnh bạo từ cả hai phía.
Những năm gần đây, xu hướng “gác tranh cãi, cùng nhau khai thác” đang được cả hai phía Nhật Bản và Trung Quốc chấp thuận, đẩy mạnh và có những tiến triển nhất định. Hiện tại, khó khăn chủ yếu là việc xác định khu vực “khai thác chung” là tại đâu? Đến nay, hai bên vẫn chưa thống nhất đâu là khu vực tranh chấp và đâu là khu vực không tranh chấp.
Hiện nay, cả Nhật Bản và Trung Quốc đều muốn tăng cường “quan hệ hợp tác chiến lược cùng có lợi”, thực hiện ý tưởng “cùng khai thác” tài nguyên biển Hoa Đông. Sau chuyến thăm Nhật của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tháng 5/2008, Nhật Bản và Trung Quốc đã đạt được thoả thuận về “khai thác chung” dầu khí tại một số khu vực tại biển Hoa Đông, trong đó có mỏ Xuân Hiểu. Nhưng theo giải thích của phía Trung Quốc thì “cùng khai thác” trong vùng biển thuộc chủ quyền của Trung Quốc chứ không phải là vùng “tranh chấp”. Trong tương lai xa, “tạm gác tranh chấp, cùng nhau khai thác” cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Vấn đề chủ quyền đảo Shenkaku và phân định ranh giới chủ quyền biển Hoa Đông vẫn là một thách thức lâu dài đối với quan hệ Nhật - Trung.
III. Vị thế nước lớn
Trong bối cảnh thế giới đương đại với sự hội nhập quốc tế và khu vực ngày càng được coi trọng, đặc biệt với ý tưởng xây dựng Cộng đồng Đông Á, cả Nhật Bản và Trung Quốc, hai nước láng giềng hùng mạnh trong khu vực đều muốn vai trò của mình ngày một củng cố và tăng cường hơn. Đây chính là nguyên nhân sâu xa của sự cạnh tranh ngầm nhưng hết sức quyết liệt trong quan hệ hai nước.
Thách thức tiềm tàng này thể hiện trong mấy điểm chính như: a)Vấn đề Đài Loan; b)Vấn đề quân sự; c)Vấn đề Nhật Bản trở thành Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc; d)Vai trò chủ đạo trong Cộng đồng Đông Á…
a) Vấn đề Đài Loan
Trung Quốc có lập trường rõ ràng về quan hệ Nhật và Đài Loan. Trung Quốc không phản đối Nhật Bản và Đài Loan triển khai sự giao lưu dân gian, nhưng kiên quyết phản đối hai bên tiến hành giao lưu giữa chính phủ với bất cứ hình thức nào, thi hành hai nước hay một Trung Quốc một Đài Loan, yêu cầu Nhật Bản thừa nhận rõ ràng Đài Loan không nằm trong phạm vi hợp tác giữ gìn an ninh giữa Nhật Bản và Mỹ. Tuy nhiên, nhiều khi quan hệ Nhật Bản – Đài Loan đã vượt khỏi “yêu cầu” của Trung Quốc. Đài Loan vẫn là một trong những điểm quan trọng trong Hiệp ước An ninh Nhật- Mỹ. Trở ngại này sẽ còn tác động tiêu cực đến trong quan hệ hai nước trong những thời điểm nhất định trong tương lai.
b) Vấn đề quân sự.
Những năm gần đây, Trung Quốc tích cực thực hiện hiện đại hóa lực lượng quân sự của mình và ngân sách quốc phòng của nước này không ngừng được tăng cao([16]). Điều này làm cho dư luận nhiều nước, đặc biệt là Mỹ và Nhật rất quan tâm.
Tờ Yomiuri của Nhật Bản bình luận rằng: Trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường sức mạnh quốc phòng, an ninh của Nhật Bản có thể bị đe dọa. Do đó, Nhật Bản quyết định lấy sửa đổi triệt để “Đại cương kế hoạch phòng vệ” làm phương hướng cơ bản trong chính sách phòng vệ. Trong Đại cương phòng vệ mới nói rằng, 10 năm tới Nhật Bản phải “ứng phó với sự bành trướng quân sự của Trung Quốc”.
Theo kế hoạch, năm 2008 Chính phủ Nhật Bản sẽ tập hợp đội ngũ chuyên gia học giả thành lập Ủy ban tư vấn liên quan, tổ chức hội nghị thảo luận hình thành khái quát Đại cương phòng vệ mới. Tháng 1/2009, Nhật Bản sẽ cùng Chính quyền mới của Mỹ tiến hành đàm phán điều chỉnh để quyết định nội dung Đại cương phòng vệ mới, sẽ nhấn mạnh tăng cường năng lực chống tầu ngầm và ngăn chặn tên lửa đạn đạo của lực lượng quốc phòng Nhật Bản. Theo họ, việc Nhật Bản sửa đổi Đại cương phòng vệ lần này là để phù hợp với môi trường quốc tế đang thay đổi, chủ yếu là nhằm ứng phó với Trung Quốc trước việc nước này không ngừng trang bị máy bay chiến đấu, tầu ngầm kiểu mới và tên lửa hiện đại. Tốc độ mở rộng quân sự của Trung Quốc thực tế đã vượt qua dự tính ban đầu của Nhật Bản([17]).
Mặc dù, về hình thức quan hệ quốc phòng giữa hai nước vẫn diễn ra bình thường, thậm chí còn tăng cường sự hợp tác này trong những năm gần đây khi tàu chiến của hai nước lần lượt thăm viếng lẫn nhau([18]), nhưng những dẫn chứng trên vẫn chỉ rõ một điều là đang tồn tại một thực tế hiển nhiên: hai nước vẫn e ngại về sức mạnh quân sự của nhau.
c) Vấn đề Nhật Bản trở thành Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc
Khi Liên Hợp Quốc có nhu cầu cải tổ cơ cấu của mình để đáp ứng tốt hơn với tình hình quốc tế mới, Nhật Bản là một trong những nước được đề cử trở thành 1 trong 5 Ủy viên thường trực hội đồng Bảo an mới của tổ chức này. Tuy nhiên, một trong 5 nước Ủy viên thường trực hiện tại của Liên Hợp Quốc là Trung Quốc lại có những động thái “kịch liệt” phản đối Nhật Bản trở thành Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Kiến Siêu nói tại cuộc họp báo ngày 24/3/2005 rằng, Bắc Kinh thông cảm với nguyện vọng của Nhật Bản muốn được phát huy vai trò của mình trong công việc quốc tế, nhưng phía Nhật Bản cần phải xử lý đúng đắn vấn đề lịch sử([19]).
Trung Quốc cũng đã nhiều lần lên tiếng phản đối đề xuất cải tổ Liên Hợp Quốc với phương án có thêm 5 Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an mới, cho rằng phương án này sẽ gây chia rẽ, phá hủy sự đồng thuận trong nội bộ Liên Hợp Quốc và làm chệch hướng tiến trình thảo luận về vấn đề cải tổ Liên Hợp Quốc . Đặc biệt, Trung Quốc phản đối việc Nhật Bản trở thành thành viên thường trực Hội đồng Bảo an([20]).
Thực tế, đây chỉ là một ví dụ cụ thể để nói lên rằng, trong quan hệ song phương Trung- Nhật tồn tại nhiều thách thức tiềm tàng liên quan đến “sức mạnh” cứng cũng như “mềm’ của hai nước. Nếu một trong hai nước có “cơ hội” để trỗi dậy, thì nước kia tìm đủ mọi cách có thể để cản trở sự “trỗi dậy” đó. Vấn đề Nhật Bản trở thành Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc là sự biểu hiện cụ thể của tư duy kiềm chế chung trong quan hệ hai nước.
d) Vai trò chủ đạo trong Cộng đồng Đông Á
Trong thế giới hiện đại, sức mạnh tổng hợp quốc gia của một nước không chỉ phụ thuộc vào nội lực mà còn cần thể hiện trên mặt trận đối ngoại. Với Châu Á, ý tưởng Cộng đồng Đông Á đang được đẩy mạnh. Những thành viên chủ chốt như Trung Quốc, Nhật Bản, ASEAN… đều muốn thể hiện vai trò to lớn của mình. Ngoài mặt tích cực là, mong mỏi này sẽ thúc đẩy quá trình này đạt được kết quả tốt. Tuy nhiên, mặt trái của mong mỏi này lại là những thách thức không dễ vượt qua trong quan hệ giữa các chủ thể, đặc biệt là giữa Trung Quốc và Nhật Bản.
Từ lâu, cả Trung Quốc lẫn Nhật Bản đều muốn trở thành nước có vai trò chủ đạo trong khu vực.
Ngay từ những năm 1980 thế kỷ trước, Nhật Bản đã là nước đầu tiên đưa ra kiến nghị thành lập “Khối cộng đồng Đông Á” và các nhà kinh tế Nhật Bản đưa ra “công thức đàn én bay”, tức là trong hợp tác kinh tế ở Đông Á thì Nhật Bản là “con én đầu đàn”, tiếp theo đó là 4 “Con rồng Châu Á”, sau đó mới là các nước đang phát triển như Malaixia và Trung Quốc. Nhưng vào đầu thế kỷ 21, do kinh tế Nhật Bản bị đình trệ, bên cạnh đó, tình hình thế giới và khu vực có thay đổi lớn, nên “công thức đàn én bay” chỉ tồn tại trên giấy tờ. Năm 2002, Thủ tướng Koizumi kêu gọi thành lập “ Khối cộng đồng Đông Á” với ý đồ nắm lại quyền lãnh đạo khối này, nhưng cuối cùng vẫn không thành. Tuy nhiên, Nhật Bản vẫn muốn giành quyền lãnh đạo Đông Á. Ngày 30/11/2004, trong Hội nghị “10+3”, Thủ tướng Nhật Bản Koizumi đề nghị Nhật Bản làm đồng chủ tịch cho Hội nghị thượng đỉnh Đông Á họp vào năm 2005 để từ đó làm cơ sở nắm quyền lãnh đạo khối này nhưng không nhận được sự đồng tình của các nước ASEAN.
Cùng với Nhật Bản, Trung Quốc cũng tăng cường hoạt động giành lấy quyền chủ đạo này. Trung Quốc cũng là nước tích cực đề xướng thành lập “Khối cộng đồng Đông Á”. Cũng vào những năm 1980 của thế kỷ 20, nhiều học giả Trung Quốc đã kiến nghị thành lập “Vòng kinh tế Đông Á”. Tới thập kỷ 1990, trong nhiều lần phát biểu công khai, lãnh đạo Trung Quốc cũng ủng hộ việc hợp tác kinh tế buôn bán khu vực.
Bước vào thế kỷ 21, xuất phát từ chiến lược kinh tế tòan cầu. Trung Quốc lại càng đặt quan hệ hợp tác kinh tế Trung Quốc – ASEAN lên vị trí ưu tiên hàng đầu. Cùng với các nước ASEAN, Trung Quốc đã thành lập Khu mậu dịch tự do Trung Quốc – ASEAN, đồng thời nhanh chóng thành lập “Khối cộng đồng Đông Á”
Vì nhiều lý do chủ quan và khách quan khác nhau giữa các nước vẫn tồn tại những bất đồng về chính trị, kinh tế, nên “Khối cộng đồng Đông Á” vẫn chưa thể trở thành hiện thực.
Cuộc chạy đua giành quyền chủ đạo trong Cộng đồng Đông Á giữa Nhật Bản và Trung Quốc là một trong những nguyên nhân và thách thức sẽ được thể hiện vào bất kỳ thời gian nào thuận lợi dưới một hình thức hay hành động cụ thể nào đó, ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ hai nước.
Mấy lời kết
Bối cảnh thế giới hiện nay tại khu vực Đông Á thể hiện một sự thực là, sau khi Tổng thống Obama lên nắm quyền tại Mỹ, tuy nước này đã chú ý nhiều đến vùng Châu Á-Thái Bình Dương, nhưng vẫn tập trung chú ý hơn tới Apganistan và Pakistan. “Khoảng trống” mà Mỹ buộc phải để lại tại vùng Châu Á-Thái Bình Dương tạo điều kiện để Nhật Bản và Trung Quốc phát huy ảnh hưởng của mình.
Gần đây, hai quốc gia láng giềng này đã cố gắng thúc đẩy quan hệ hai nước hướng tới đối tác chiến lược. Tuy nhiên, trong quan hệ hai nước vẫn đã và đang tồn tại một loạt thách thức tiềm tàng. Nguyên nhân sâu xa của những thách thức này là cuộc cạnh tranh ngầm: giành thế mạnh tại Châu Á- Thái Bình Dương. Chủ nghĩa dân tộc và tính tự tôn dân tộc luôn đặt lãnh đạo hai nước phải có những lựa chọn sáng suốt để tình hình không đến nỗi xấu đi.
Tuy nhiên, trong thực tại, tâm lý quần chúng nhân dân chính là thước đo của sự “nồng ấm” trong quan hệ. Năm 2007, một cuộc khảo sát trong số các sinh viên của hai nước cho thấy 46% sinh viên Nhật Bản và 57% sinh viên Trung Quốc có cái nhìn tiêu cực về nước kia trong khi đó có tới 80% sinh viên hai nước được hỏi cho rằng quan hệ Nhật Bản - Trung Quốc đang trong thời kỳ “tồi tệ”. Dù không phải là một cái nhìn toàn cảnh nhưng điều đó cũng buộc người ta phải đặt ra một câu hỏi rằng phải chăng đằng sau những nụ cười và cái bắt tay ngoại giao, bên dưới những phát biểu “tan băng” được phát đi từ cả hai phía là cả một tảng băng chìm sẵn sàng ngăn trở và làm nguội lạnh những kỳ vọng về sự xích lại gần nhau giữa hai người khổng lồ châu Á([21]).
Hơn nữa, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và suy thoái kinh tế hiện nay cũng là một thách thức mới nữa đối với quan hệ song phương Nhật -Trung.
Với tiềm lực “trỗi dậy”, tích lũy được sau hơn 40 năm cải cách và mở cửa, năm 2008 Trung Quốc có tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào khoảng 4.420 tỷ USD so với 4.680 tỷ USD của Nhật Bản.
Ông Diêu Thư Kiệt (Yao Shuje) chuyên viên nghiên cứu tại Viện chính sách Trung Quốc thuộc Đại học Nottingham, nước Anh đưa ra dự báo rằng, ngay trong năm 2009, chứ không phải đợi đến năm 2018 như ông dự báo trước đây, Trung Quốc sẽ vượt qua Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ. Theo ông, năm 2009, Trung Quốc dự kiến tăng trưởng kinh tế vẫn đạt 7-8%, trong khi đó Nhật Bản khó lòng vượt qua hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và suy thoái kinh tế hiện nay. Nên việc Trung Quốc vượt qua Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ sẽ hoàn toàn là điều có thể([22]).
Trong bối cảnh này, Nhật Bản lại phải đối mặt với một thách thức nữa, hiển nhiên hơn, cụ thể hơn và cũng khó khăn hơn: cạnh tranh về kinh tế. Và điều rõ ràng ai cũng biết: thương trường là chiến trường.
Với kinh nghiệm của một trong các cường quốc Á-Âu khác là nước Nga, hai nước (Nhật Bản và Trung Quốc) hoặc nhiều nước trong cùng khu vực muốn phát triển bền vững chỉ có con đường duy nhất là cùng phát triển([23]). Hy vọng điều này sẽ là bài học cho cả Trung Quốc và Nhật Bản cũng như các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có cả Việt Nam.
ĐỖ MINH CAO
(TS, Viện Nghiên cứu Trung Quốc)
(Bài thuộc công trình hợp tác Việt – Nga do Quỹ Khoa học Nhân văn Nga tài trợ)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đỗ Minh Cao, Quan hệ Nhật Bản - Trung Quốc trước thềm Hội nghị á - Phi II, Nghiên cứu Đông Bắc á, 2005 tháng 8, Số 4 (58). Tr. 53-60.2. Đỗ Minh Cao, Quan hệ Nhật - Trung trong vấn đề năng lượng, Nghiên cứu Đông Bắc á. 2005 tháng 10. Số 5 (65). Tr. 27-32.3. Đỗ Minh Cao, Đền Yasukuni và quan hệ Nhật - Trung trong thập niên đầu thế kỷ XXI. Nghiên cứu Đông Bắc á, 2007 tháng 9, Số 9 (79). Tr. 20-27.4. Đỗ Minh Cao, Trung Qu?c và an ninh Bi?n Đông, Nghiên cứu Đông Bắc á, 2009 tháng 2. Số 2 (96), Tr. 9-22.
5. Kuzyk B.N., Titarenko M.L.. Trung - Nga 2050: Chiến lược cùng phát triển, Nxb. Viện Chiến lược kinh tế, Viện Viễn Đông. M., 2006 (tiếng Nga).
6. Semin A.V, Quan hệ Nhật- Trung: Hiện trạng, vấn đề và khuynh hướng (cuối thế kỷ XX-đầu thế kỷ XXI), Viện Viễn Đông. M., 2008. (tiếng Nga).
7. Titarenko M.L.. Ý nghĩa địa chính trị của vùng Viễn Đôn, Nước Nga, Trung Quốc và các nước châu Á khác, Nxb. Những công trình bất hủ của tư tưởng lịch sử. M., 2008. (tiếng Nga).
([2]) Tình hình ngoại giao Nhật Bản, Tokyo, 1973, tr.506-508.
([5]) Nhật Bản đã tiến hành ba đợt sửa chữa sách giáo khoa lịch sử: đợt thứ nhất kéo dài từ năm 1955 đến những năm 1970, đợt thứ hai là từ năm 1982 kéo dài suốt những năm 1980, đợt thứ ba là từ năm 1994 kéo dài đến tháng 4 năm 2005, trong sách mới nhất có 124 điểm sửa chữa so với sách phát hành năm 1946.
([6]) http://www.baomoi.com/Home /TheGioi/vnmedia.vn/ Thu-tuong-Nhat-Ban-toi-tham-Trung-Quoc/2684325.epi
([8]) Trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc viết: "Diễn biến này...gây tai hại nghiêm trọng cho cảm xúc của những nạn nhân của chế độ quân phiệt Nhật trong Chiến tranh Thế giới lần thứ II." ; Thủ tướng Nhật Bản đến thăm đền Yasukuni bất chấp những chỉ trích. www. vnExpress, ngµy 15/08/2006.
([9]) Hoàng Quang Huy Theo BBC và Nihon Kenkyu Zasshi; Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Lý Triệu Tinh: “Tôi rất bất bình và mạnh mẽ lên án hành động của ông Koizumi”. Trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc: “cực lực phản đối” hành động của Thủ tướng Koizumi, ông này đã “chà đạp lên lương tâm của loài người”.
([11]) Cạnh tranh ảnh hưởng khiến Trung, Nhật bất đồng. vnExpress, ngày 12/4/2005. Xem thêm: Đỗ Minh Cao. Đền Yasukuni và quan hệ Nhật - Trung trong thập niên đầu thế kỷ XXI. Nghiên cứu Đông Bắc Á- 2007 tháng 9 . – Số 9 (79). - Tr. 20-27.
([14])http://72.14.235.132/search?q=cache:rYUQsBwZCQwJ:www.vietnamchina.gov.vn/cvweb/vcc/info/Article.jsp%3Fa_no%3D174464%26col_no%3D550+%22m%E1%BB%8F+d%E1%BA%A7u+xu%C3%A2n+hi%E1%BB%83u%22&cd=4&hl=vi&ct=clnk&gl=vn.
([16]) Năm 2009, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc là 70,2 tỉ USD, cao hơn nhiều so với 49 tỉ USD của Nhật Bản. http://ngoaivuhagiang.gov.vn/home/nc118/tintuc-1151/Quan-he-quan-su-trung-nhat-xay-dung-long-tin.html.
(16)http://vitinfo.com.vn/Muctin/Quansu/LA12250/ default.htm.
(17)http://www.baovietnam.vn/the-gioi/16603/23/Tau-quan-su-Nhat-Ban-tham-Trung-Quoc.
([22]) http://www.ndthuan.com/news/kinh-te/42138 trung_ quoc_co _the_vuot_nhat_ban_ve_kinh_te_ trong_nam nay.html.
([23]) Xem: B.N. Kuzyk, M.L. Titarenko, Trung -Nga 2050: Chiến lược cùng phát triển. Nxb. Viện Chiến lược kinh tế, Viện Viễn Đông, M., 2006; M.L. Titarenko. Ý nghĩa địa chính trị của vùng Viễn Đông. Nước Nga, Trung Quốc và các nước Châu Á khác, Nxb. Những công trình bất hủ của tư tưởng lịch sử. M., 2008.