Ngày 30 tháng 8 năm 2009, Nhật Bản tiến hành cuộc tổng tuyển cử(1) thứ hai trong thập niên đầu thế kỷ 21. Kết quả của cuộc Tổng tuyển cử này đã tạo ra một tình huống chính trị đặc biệt. Đó là, lần đầu tiên trong hơn 50 năm cầm quyền gần như liên tục đảng Dân chủ Tự do (DCTD) đã phải chuyển giao quyền điều hành đất nước sang tay một đảng khác đảng - đảng Dân chủ (DC). Người dân Nhật Bản gọi ngày Đảng dân chủ chiến thắng là một ngày có ý nghĩa lịch sử. Chiến thắng này là điểm kết thúc của một quá trình tranh cử ngoạn mục, nhưng mới chỉ là sự khởi đầu cho một hành trình gian truân hơn, đó là vực dậy nền kinh tế đang sa sút, đưa Nhật Bản thoát khỏi cơn suy thoái tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, và thực hiện những lời hứa đã đưa họ lên nắm quyền. Tình huống này cũng đặt ra nhiều biến số cho chính trường Nhật Bản trong tương lai.(1)
1. Nguyên nhân chủ yếu giúp đảng Dân chủ giành thắng lợi
Trước hết, chúng ta thấy rằng, những lời hứa của Đảng DC trong đợt tổng tuyển cử vừa qua đã đem lại những hy vọng nhất định cho cử tri Nhật Bản từ đó góp phần tạo nên chiến thắng vang dội cho đảng này. Đảng DC hứa rằng sẽ: phục hưng kinh tế, cải cách xã hội sâu rộng, nâng mức lương tối thiểu, gia tăng phụ cấp gia đình, trợ cấp hưu trí và người già. Cụ thể là: nâng mức lương tối thiểu lên 1000 Yên/ 1 giờ; trợ cấp cho người về hưu tối thiểu 67500 Yên/1tháng; trợ cấp cho trẻ em 320000 Yên/1tháng nhằm khuyến khích phụ nữ sinh con, khắc phục tình trạng già hóa dân số. Tuy nhiên, nếu so sánh với những lời hứa của đảng này được đưa ra trong cuộc bầu cử cách đây 4 năm (11/2005) thì những lời hứa trong lần trước cũng cụ thể và ấn tượng không kém. Ví dụ, lần trước đảng này cam kết cắt giảm chi tiêu công cộng 10% trong năm sau bầu cử và giảm tỷ lệ thất nghiệp từ mức trên 5% xuống còn 4,5% trong vòng 4 năm tiếp theo. Hơn nữa, cử tri Nhật Bản cũng hiểu rằng một khi thực sự nắm quyền thì việc đảng DC thực hiện những lời hứa đó là hoàn toàn không dễ dàng. Vì đó là những vấn đề khó và đảng DC cũng chưa có được những đường hướng rõ ràng để giải quyết những cam kết đó. Chúng ta biết rằng với kinh nghiệm lãnh đạo lâu năm đảng DCTD vừa qua đã chi đến 5% tổng thu nhập quốc dân cho gói kích cầu (một khoản chi rất lớn- Mỹ chi 2% đã có hiệu quả) song vẫn không thu được hiệu quả, kinh tế đất nước vẫn trong vòng khó khăn. Cũng cần nói thêm rằng, Đảng DC được cử tri biết đến nhiều không phải do đảng này có những đường hướng khả thi để giải quyết những vấn đề họ quan tâm mà ở chỗ họ đã chỉ ra chính xác những yếu kém của đảng Dân chủ Tự do cầm quyền. Thế nhưng, lần trước đảng DC thảm bại còn lần này lại giành thắng lợi vang dội.
Như vậy, ta phải tiếp cận nguyên nhân thắng lợi của đảng DC ở phương diện khác. Phải chăng, đó chính là sự yếu kém của đảng DCTD.
Nếu như lần trước, (cuộc tổng tuyển cử 11/2005) dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Koizumi cử tri Nhật Bản kỳ vọng ở sự đổi mới của đảng DCTD, một đảng lãnh đạo dầy dạn kinh nghiệm có thể đem lại sức bật cho đất nước họ thì lần này cử tri chỉ nhìn thấy những khiếm khuyết của đảng, nhiều cử tri không tin tưởng vào khả năng của đảng trong việc giải quyết những vấn đề mà họ quan tâm. Thủ tướng Koizumi đã từng có câu nói nổi tiếng là: đổi mới đảng DCTD trước khi thay đổi đất nước. Trước thềm cuộc bầu cử đó, cử tri Nhật Bản được tiếp cận tràn ngập thông tin về sự đấu tranh quyết liệt trong nội bộ đảng DCTD cầm quyền xoay quanh việc tư nhân hóa ngành bưu điện như là biểu hiện của đổi mới. Hàng chục Nghị sĩ quốc hội là những đảng viên kỳ cựu của đảng DCTD đã bị đuổi ra khỏi đảng này vì đã chống lại chủ trương đổi mới của đảng do Thủ tướng Koizumi khởi xướng. Còn ở cuộc Tổng tuyển cử vừa diễn ra, tình hình đã khác hẳn. Cử tri Nhật Bản dường như không còn tin rằng đảng DCTD có thể giúp đất nước vượt qua được khó khăn. Có hai đảng lớn, trong khi thiếu lòng tin vào một đảng thì tất yếu sự lựa chọn của cử tri sẽ tập trung nhiều vào đảng kia. Đây chính là lý do trực tiếp và chủ yếu khiến đảng Dân chủ giành thắng lợi.
Tuy nhiên, sẽ là không đầy đủ khi không đề cập đến một nguyên nhân khác là tác động của việc thay đổi thể thức bầu cử Hạ nghị viện do liên minh 7 đảng tiến hành sau lần thất bại đầu tiên của đảng DCTD vào năm 1993.
Ngày 28 tháng 7 năm 1993, Đảng Xã hội - Dân chủ, Đảng Phục sinh, Đảng Tiên phong, Komeito, Tân Đảng Nhật Bản, Đảng Dân chủ - Xã hội chủ nghĩa và Liên minh xã hội dân chủ đã ra thông báo về quyết định thành lập Chính phủ liên minh để tiến hành cải cách chính trị, một cuộc cải cách triệt để, kiên quyết, quán triệt cả việc xem xét lại hệ thống bầu cử, làm trong sạch chính trị, ngăn chặn nạn hối lộ. Luật bầu cử sửa đổi năm 1994, được áp dụng lần đầu tiên trong cuộc tổng tuyển cử ngày 20.10.1996 xác định số ghế Hạ nghị viện chỉ còn 500. Lúc này, Nhật Bản lần đầu tiên áp dụng chế độ bầu cử kết hợp giữa khu vực bầu cử nhỏ (300 ghế) với khu vực bầu cử theo tỷ lệ (200 ghế). Mỗi cử tri sẽ đồng thời bỏ hai lá phiếu: một ghi tên ứng cử viên (khu vực bầu cử nhỏ) và một ghi tên chính đảng (khu vực theo tỷ lệ). Cả nước chia làm 300 khu vực bầu cử nhỏ, mỗi khu vực chỉ chọn một nghị sỹ. Người cao phiếu nhất trúng cử, song phải đạt ít nhất 1/6 số phiếu bầu, nếu không, phải bầu lại. Bốn mươi bảy tỉnh và thành phố trực thuộc được chia làm 11 khu vực bầu cử theo tỷ lệ (Tokyo và Hokkaido là 2 đơn vị độc lập). Luật bầu cử mới, được sửa đổi vào ngày 27/1/2000 và được áp dụng lần đầu tiên trong cuộc bầu cử ngày 25/6/2000 đã rút số nghị sỹ cấu thành nên Hạ nghị viện xuống còn 480 nghị sỹ. Tuy nhiên, cách thức bầu cử vẫn như Luật bầu cử sửa đổi năm 1994. Đặc điểm lớn nhất của chế độ bầu cử theo luật năm 1994 là một chính khách có thể đồng thời ứng cử ở cả hai khu vực - điều này tạo điều kiện cho người của các đảng phái thất bại ở khu vực bầu cử nhỏ vẫn có khả năng trở thành nghị sỹ Hạ nghị viện ở khu vực theo tỷ lệ. Việc thay đổi phương thức lựa chọn Hạ nghị sỹ của Nhật Bản thực sự đã trở thành điểm đột phá trong cải cách chính trị ở nước này vào cuối thế kỷ XX do chỗ:
(1) Hạn chế việc vi phạm nguyên tắc công bằng trong bầu cử;
(2) Đặt tiền đề cho việc hình thành một cơ cấu chính trị hai đảng thay nhau cầm quyền từ đó loại bỏ những thói hư tật xấu do Đảng DCTD nắm độc quyền lãnh đạo đất nước trong một thời gian dài.
([1])
2. Đảng Dân chủ đương đầu với thách thức
Thách thức tổng quát đối với đảng DC khi nắm quyền chính là làm thế nào để thực hiện lời hứa đã đưa ra trong quá trình tranh cử. Chúng ta thấy rằng không phải bao giờ các nhà chính trị cũng nhất nhất thực hiện những đã lời hứa với cử tri khi họ nắm quyền. Có trường hợp, thậm chí họ còn làm ngược lại 180 độ. Khi chuyện đó xẩy ra, người ta hay quy vào việc các nhà chính trị chỉ hứa để thu phiếu ủng hộ. Tuy nhiên, nhìn khách quan, ta có thể thấy có ba lý do khiến cho có sự sai lệch giữa lời hứa và việc làm của họ. Đó là: thứ nhất, đúng là có thể họ hứa để nhằm nhận được sự ủng hộ của cử tri; thứ hai, do lúc hứa họ không phải là người đang nắm quyền nên không có đủ trải nghiệm để nhận thức đúng vấn đề nên phải thay đổi khi vào việc; thứ ba, khi họ bắt tay thực hiện lời hứa thì thực tiễn đã thay đổi nên họ buộc phải điều chỉnh mục tiêu cũng như phương thức cho phù hợp với tình hình mới. Quán triệt cách nhìn nhận đó, sau đây chúng ta dự đoán phương thức đảng DC đương đầu với thách thức chủ yếu trong thời gian tới.
Trong lĩnh vực đối nội, thách thức lớn nhất hiện nay của đảng cầm quyền là giải quyết các khó khăn kinh tế của Nhật Bản. Đảng DC đã thể hiện quan điểm: Giải quyết nạn thất nghiệp hiện lên tới 5,7% là chìa khóa cho sự tăng trưởng, lấy lại niềm tin của người dân và kích cầu tiêu thụ nội địa.
Có nhiều quan điểm cho rằng để giải quyết được những thách thức lớn hiện nay của Nhật Bản, thì cần phải có nguồn lực tài chính trong khi nguồn thu chưa thấy đảng DC chỉ ra rõ ràng và có tính thuyết phục. Đảng chỉ nói một cách chung chung nguồn thu sẽ lấy từ việc tiết kiệm, chống lãng phí trong chi công. Tuy nhiên, theo cách nghĩ thông thường thì để tăng thu một cách đơn giản nhất thì chính phủ phải tăng thuế. Nhưng tăng thuế thì sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của các đối tượng chịu thuế và đảng sẽ có thể đánh mất sự ủng hộ của một bộ phận cử tri trong khi bầu cử Thương nghị viện đang đến gần. Và nếu xử lý không khéo thì cuộc bầu cử đó đảng thất bại và sẽ rơi vào tình thế như đảng DCTD trước cuộc Tổng tuyển cử vừa qua.
Một số nhà phân tích cho rằng, để vực dậy nền kinh tế, đảng Dân chủ sẽ vẫn phải đi con đường mà đảng DCTD đã đi, có nghĩa là cách thức thực hiện những mục tiêu kinh tế sẽ không thay đổi. Đúng là như vậy, nếu như chúng ta nhận thấy rằng mục tiêu xác định phương thức thì điều này lại càng rõ hơn. Các mục tiêu kinh tế của đảng DC sẽ không có thay đổi đáng kể do chỗ: Những đảng viên giữ cương vị chủ chốt của đảng DC đều xuất thân từ đảng DCTD nên lợi ích giai tầng mà đảng này đại diện không khác nhiều đảng DCTD. Điều này được minh chứng phần nào qua sự kiện Chủ tịch cũ của đảng DC là ông Ozawa đã có ý định tham gia vào liên minh cầm quyền của đảng DCTD vào tháng 10/2007 dưới thời Thủ tướng Fukuda.
Ngoài ra, để giải quyết khó khăn kinh tế đó, đảng DC không thể né tránh việc thực hiện một cuộc cải cách cơ bản mang tính kinh tế - chính trị của nó. Đó là giải quyết tốt mối quan hệ tam giác quyền lực hiện vẫn đang điều hành đất nước này. Tam giác quyền lực đó gồm giới chính trị, giới kinh doanh và giới quan chức đã được khẳng định là có công lớn tạo nên sự thần kỳ của Nhật Bản. Song chính mối quan hệ của ba giới đó cũng đã và đang chịu sự chỉ trích như là nguyên nhân dẫn đến sự trì trệ của Nhật Bản trong những năm qua. Đảng Dân chủ tự do cầm quyền trước đây đã tìm cách khắc phục phần nào sự thiếu sót của mối quan hệ đó qua việc gia tăng sức mạnh cho giới chính trị trong quá trình hình thành các chính sách. Biện pháp cụ thể đảng Dân chủ Tự do đã thực hiện là gia tăng về số lượng các quan chức chính trị ở các bộ (bổ nhiệm thêm nhiều thứ trướng chính trị). Tới đây, về vấn đề này, Thủ tướng mới Hatoyama cũng sẽ tìm biện pháp tương tự để nâng cao năng lực và khả năng ứng phó của giới chính trị trước một thế giới biến động nhanh như ngày nay. Tuy nhiên, với tư cách là đảng lần đầu tiên lên nắm quyền, đảng DC sẽ có những bước đi mạnh dạn hơn trong việc giảm bớt mối quan hệ tiền bạc giữa giới doanh nghiệp và giới chính trị cũng như sự móc ngoặc thông qua chức trách đảm nhiệm của giới kinh doanh và giới quan chức.
Trong lĩnh vực đối ngoại, đảng DC hứa là xây dựng được quan hệ bình đẳng và công bằng với Mỹ, cũng như chú trọng hơn đến Châu Á.
Về quan hệ với Mỹ, mặc dù tuyên bố hùng hồn và rõ ràng như vậy song ngay sau khi có kết quả đắc cử Thủ tướng Hatoyama đã có những tuyên bố mềm dẻo hơn. Trong đó khẳng định quan hệ với Mỹ vẫn là nền tảng trong quan hệ đối ngoại của Nhật Bản. Tuyên bố này cùng với vị thế thực tế của Nhật Bản cho thấy trước mắt quan hệ Mỹ - Nhật sẽ không có những sự thay đổi lớn. Người ta cũng không thể loại trừ chủ trương không ủng hộ việc tiếp nhiên liệu cho các phương tiện trên biển của quân đội Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố ở Afghanistan cũng có thể thay đổi.
Tuy nhiên, cam kết của chính quyền mới sẽ chú trọng nhiều hơn đến khu vực châu Á là tương đối rõ ràng và có căn cứ. Lý do trực tiếp, quyết định có ý nghĩa kinh tế là với tư cách một quốc gia dựa nhiều vào xuất khẩu trong khi thị trường nhập khẩu hàng hóa chủ yếu của Nhật Bản trước kia là Mỹ và Châu Âu liên tục giảm sút. Để phát triển, Nhật Bản không thể có con đường nào khác là tìm đầu ra cho sản phẩm của họ. Kích cầu nội địa là cách mà mọi quốc gia trong đó có Nhật Bản phải tính tới trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Tuy nhiên, cầu trong nước của Nhật Bản không thể giải quyết được bài toán tăng trưởng do dân số không lớn lại có xu hướng giảm liên tục. Điều đó khiến cho chính quyền mới phải chấp nhận một quan điểm mới trong giới doanh nhân Nhật Bản là chú trọng đến cầu nội khu vực - Châu Á. Ở đây cũng lưu ý thêm rằng việc chú ý đến thị trừờng khu vực, quan tâm nhiều hơn đến châu Á không phải đến đảng DC cầm quyền lần này mới được đặt ra mà nhiều Thủ tướng của đảng DCTD đã đề cập đến.
Trong quá trình đương đầu với các thách thức đảng DC sẽ có một số thuận lợi và khó khăn. Đảng dân chủ có hai thuận lợi lớn nhất trong việc điều hành đất nước là: thứ nhất, đảng đã thay thế đảng cầm quyền Dân chủ tự do khi đảng đó bị cử tri cho rằng không còn đủ khả năng giải quyết những thách thức mà nước Nhật Bản phải đương đầu. Điều đó, khiến cho chỉ một thành công nhỏ của đảng này trong điều hành đất nước cũng sẽ giành được sự ủng hộ lớn của họ; hai là, đảng đang nắm đa số tại Hại nghị viện và ưu thế trong Thượng nghị viện nên các chính sách của đảng sẽ không gặp trở ngại lớn khi triển khai.
Đảng Dân chủ cũng sẽ gặp ba khó khăn lớn. Đó là: thứ nhất, việc tìm lời giải cho cho Nhật Bản để vượt qua những thách thức hiện nay là quá khó; thứ hai, đảng DC hình thành trên cơ sở của một số đảng nhỏ nên khi giải quyết các vấn đề có thể có những sự bất đồng ý kiến. Đó là chưa kể đến đảng này còn có ý định thành lập liên minh cầm quyền với sự tham gia của một số đảng khác có những ý kiến không đồng thuận trên một số vấn đề cụ thể; thứ ba, đây là lần đầu tiên đảng Dân chủ điều hành chính quyền nên chưa có kinh nghiệm trong khi không loại trừ sự bất hợp tác có thể có của đội ngũ quan chức đã được hình thành dưới thời đảng Dân chủ tự do cầm quyền trong một thời gian dài.
Đương đầu với những thách thức to lớn như vậy nhưng cùng với cử tri Nhật Bản, chúng ta kỳ vọng rằng đảng DC với sức trẻ của một đảng lần đầu tiên cầm quyền có thể chèo lái con thuyền Nhật Bản vượt qua ghềnh thác.
3. Những kịch bản trong tương lai
Như vậy, chúng ta thấy một trong hai bộ phận cấu thành chủ yếu của hệ thống chính trị Nhật Bản sau cuộc tổng tuyển cử vừa qua là hệ thống đảng đã có những biến đổi quan trọng. Đó chính là sự xuất hiện hai đảng lớn thay cho hệ thống một đảng chiếm ưu thế trước đây. Chúng ta nhớ lại rằng tình hình hiện nay khác xa với lần mất quyền lãnh đạo vào năm 1993 của Đảng DCTD. Khi đó đảng DCTD mất đa số tuyệt đối trong Hạ nghị viện nhưng vẫn là đảng nắm đa số tương đối nghĩa là vẫn là đảng nắm nhiều ghế nhất trong Hạ nghị viện nhưng không quá bán. Lần đó 7 đảng nhỏ đã liên minh lại để giành quyền thành lập chính phủ, còn lần này đảng DCTD đã bị mất cả vị trí đa số tương đối. Đảng DCTD chỉ có 119 ghế trong khi đảng DC chiếm tới 308 ghế trên tổng số 480 ghế của Hạ nghị viện.
Tình huống chính trị đặc biệt này sẽ cho thấy có khả năng diễn ra ba kịch bản trong tương lai gần của Nhật Bản:
Kịch bản thứ nhất: đảng DCTD sẽ tiếp tục suy yếu, tan rã thành các đảng nhỏ và không có khả năng cạnh tranh với đảng DC. Nếu kịch bản này xẩy ra, Nhật Bản lại trở lại thời kỳ một đảng lớn chi phối chính quyền như giai đoạn đảng DCTD cầm quyền trước đây.
Kịch bản thứ hai: đảng DCTD chỉnh đốn lại được hàng ngũ trong khi đảng DC không giành được sự tin tưởng của cử tri trong việc điều hành đất nước nên bị thất bại trong cuộc bầu cử Thượng nghị viện vào tháng 7 năm 2010. Lúc này cục diện 2 đảng lớn cạnh tranh nhau trên chính truờng Nhật Bản sẽ có chỗ đứng vững chắc hơn.
Kịch bản thứ ba: đảng DCTD liên minh với đảng DC để cùng điều hành chính quyền. Nếu kịch bản này diễn ra thì về lâu dài hệ thống đảng Nhật Bản sẽ trở lại mô hình một đảng chiếm ưu thế trên chính trường.
TS HỒ VIỆT HẠNH
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Khác biệt lớn trong chính sách quốc phòng - an ninh của các chính đảng Nhật Bản. Tài liệu tham khảo đặc biệt của TTXVN ngày 19/8/2009.
2. Xung quanh cuộc bầu cử Hạ viện Nhật Bản; Tài liệu tham khảo đặc biệt của TTXVN ngày 5/9/2009.