Trang chủ

VAI TRÒ CỦA ĐẠO TIN LÀNH Ở HÀN QUỐC VÀ NGUYÊN NHÂN SUY GIẢM TỐC ĐỘ PHÁT TRIỂN NHỮNG NĂM GẦN ĐÂY

Đăng ngày: 3-12-2013, 08:53 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2009 » So 9

Hàn Quốc chỉ có một dân tộc thuần nhất nhưng lại là một quốc gia đa tôn giáo. Trong từng thời kỳ lịch sử nhất định, tôn giáo này được đề cao, chiếm vị trí chính yếu trong đời sống xã hội Hàn Quốc, tôn giáo kia bị chèn ép, bị hạ thấp giá trị nhưng đa tôn giáo cùng tồn tại ở nơi đây đã được thực chứng, được khẳng định. Chúng bổ sung cho nhau, thúc đẩy nhau phát triển và có tác động lớn tới đời sống tinh thần của người Hàn Quốc. Bước vào thời cận đại, tư tưởng phương Tây đã ảnh hưởng tới bán đảo Hàn, Công giáo và Tin lành cũng đã được truyền bá. Trước sự phản ứng quyết liệt của triều đình phong kiến ChoSon, Công giáo và Tin lành gặp không ít khó khăn trong buổi đầu du nhập, truyền bá. Tuy du nhập muộn so với các nước trong khu vực Đông Bắc Á nhưng Tin lành ở Hàn Quốc lại phát triển nhanh nhất, mạnh nhất trong khu vực và mang nét đặc trưng riêng biệt. Thời gian Tin lành du nhập vào Hàn Quốc được xác định vào khoảng năm 1884, do một nhà truyền giáo đồng thời là bác sĩ người Mỹ tên là Horace N.Allen truyền vào. Trong khoảng thời gian hơn 120 năm tính đến nay, quá trình truyền bá và phát triển Tin lành có nhiều thăng trầm nhưng vai trò của nó được đánh giá là mang tính tích cực đối với xã hội và văn hoá Hàn Quốc. Tuy nhiên, từ khi bước sang thế kỷ XXI đến nay, tốc độ phát triển của tôn giáo này bị suy giảm.

1. Vai trò của đạo Tin lành đối với xã hội và văn hoá Hàn Quốc

Tuy là tôn giáo ngoại lai nhưng Tin lành đã đóng vai trò quan trọng, mang tính nhập thế cao đối với xã hội và tôn giáo ở Hàn Quốc, đóng vai trò nhất định trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc thời Nhật thuộc và xây dựng đất nước thời hiện đại, giữ vai trò lớn trong tiếp biến văn hoá, thúc đẩy văn hoá Hàn Quốc phát triển và hội nhập thế giới. Cụ thể là những vai trò sau:

Đạo Tin lành hoà chung với dòng chảy của tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc cao của dân tộc Hàn, cổ xuý tinh thần dân tộc, đặc biệt là trong thời kỳ đấu tranh chống phát xít Nhật trước năm 1945.

Một đặc điểm khá nổi bật của tôn giáo Hàn Quốc vào thời kỳ Nhật chiếm đóng bán đảo Hàn (1910 - 1945) là các tổ chức tôn giáo, nhất là Tin lành đã tham gia tích cực vào các phong trào yêu nước chống phát xít Nhật. Các tín đồ đạo Tin lành tham gia tích cực vào các phong trào như Phong trào khai sáng, Phong trào kháng Nhật cứu quốc, Phong trào bảo vệ văn hoá dân tộc... Đặc biệt, trong Phong trào Độc lập Mùng 1 tháng 3 (1919), đạo Tin lành hầu như đã huy động toàn bộ tinh thần và lực lượng cho cuộc vận động này. Bản Tuyên ngôn độc lập của Hàn Quốc đã được công bố trước toàn thể quốc dân và thế giới, 33 người lãnh đạo phong trào đã ký tên vào Bản tuyên ngôn, trong đó có 16 người thuộc đạo Tin lành. Phong trào độc lập bị dìm trong bể máu, Nhật Bản thẳng tay đàn áp. Biết bao tín đồ Tin lành đã hy sinh, nhiều nhà thờ bị đốt phá, nhiều con chiên bị thiêu sống nhưng tinh thần yêu Nước kính Chúa của đạo Tin lành ở Hàn Quốc đã hoà chung được với tinh thần dân tộc Hàn. Điều này tạo nên nét đặc trưng riêng biệt của đạo Tin lành Hàn Quốc so với các nước trong khu vực. Hình ảnh tốt đẹp đó cũng khiến cho nhân sinh quan của người Hàn Quốc đối với đạo Tin lành khác với một số nước phương Đông.

Đạo Tin lành đã đóng góp tích cực vào sự nghiệp giáo dục ở Hàn Quốc.

Trong thời kỳ Nhật thuộc, đạo Tin lành Hàn Quốc được đánh giá là tôn giáo đi tiên phong trong việc phát triển ngôn ngữ Hàn Quốc. Trong bối cảnh lịch sử Nhật Bản nghiêm cấm sử dụng tiếng Hàn, chữ Hàn thì những đóng góp của đạo Tin lành trong lĩnh vực này càng được đánh giá cao, không những đóng góp cho sự nghiệp khai sáng, giáo dục mà còn có ý nghĩa đề cao tinh thần dân tộc.

Sau khi Đại Hàn Dân Quốc ra đời (1948), sự đóng góp của đạo Tin lành đối với sự nghiệp giáo dục Hàn Quốc càng được khẳng định. Những trường Đại học lớn của Tin lành được thành lập từ cuối thế kỷ XIX như Yon Sei, Ihwa đã trở thành những cái nôi đào tạo nhân tài, phục vụ kịp thời cho công cuộc công nghiệp hoá hiện đại hoá đất nước sau giải phóng.

Cùng với đà phát triển giáo dục trong cả nước, đạo Tin lành cũng mở rộng các trường đại học và trường phổ thông, đặc biệt là những trường học đặc biệt dành cho người nghèo, người tàn tật, khiếm thị, khiếm thính. Theo sách Hàn Quốc, đất nước và con người (trang 117), tính đến năm 2006, Hàn Quốc đã có 143 trường học đặc biệt cho người tàn tật, gồm 7 trường cho học sinh trầm cảm, 12 trường cho học sinh khiếm thị, 18 trường cho học sinh khiếm thính, 18 trường cho những người bị khuyết tật cơ thể và 88 trường cho học sinh thiểu năng trí tuệ. Ai cũng biết rằng, giáo viên giảng dạy và những người phục vụ cũng như tình nguyện viên trong các trường này đa số là những tín đồ theo đạo Tin lành.

Đạo Tin lành có ảnh hưởng mạnh và sâu sắc tới sự biến đổi của xã hội Hàn Quốc.

Từ đầu những năm 60 thế kỷ XX, xã hội Hàn Quốc bước vào một thời kỳ mới - thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Tổng thống Park Jung Hee được coi là nhà kiến trúc tài ba cho sự nghiệp này và thời đại của ông Park (1963 - 1979) được coi là nền đá tảng của kinh tế Hàn Quốc ngày nay. Sự đánh giá về Park Jung Hee của người Hàn Quốc được tách bạch thành hai phần là có công lao nhưng cũng phạm lỗi lầm. Lỗi lầm chủ yếu là mang tính chính trị. Họ phê phán ông trong việc đàn áp chính trị, mang nặng chủ nghĩa địa phương, đàn áp phong trào lao động. Chính quyền độc tài của tướng Park và tiếp sau đó là Chun Doo Hwan, Noh Tae Woo bị chỉ trích là vi phạm quyền dân chủ. Các tổ chức vận động xã hội chống lại chế độ độc tài được bắt đầu từ rất sớm. Họ yêu cầu thực hiện nghiêm chỉnh nền dân chủ thực sự trong khái niệm tự do dân chủ mà chính phủ Hàn Quốc nêu ra. Trung tâm của các tổ chức này là các tổ chức sinh viên, tổ chức nông dân, công nhân hoạt động dưới sự hỗ trợ của các tổ chức ủng hộ dân chủ hoá ở Mỹ. Điều đó đã cho thấy rõ, sự hỗ trợ đắc lực chính là các tổ chức tôn giáo ở nước ngoài, chủ yếu là Mỹ, trong đó đạo Tin lành và Thiên chúa giáo là lực lượng chính.

Trong quá trình dân chủ hoá của Hàn Quốc, có hai sự kiện quan trọng nhất là Phong trào dân chủ ở Gwangju nổ ra vào tháng 5 - 1980 và Phong trào dân chủ diễn ra trong toàn quốc với trung tâm là thủ đô Seoul vào tháng 6 - 1987. Phong trào năm 1987 đã yêu cầu chính quyền độc tài quân sự từ chức và phục hồi chế độ bầu cử Tổng thống trực tiếp. Chính quyền độc tài đã bị khuất phục trước những yêu cầu của phong trào. Người lãnh đạo phong trào là người đứng đầu các đảng đối lập, đó là Kim Yong Sam, một tín hữu Trưởng lão và Kim Dae jung, một tín đồ Thiên chúa giáo. Cả hai ông trải qua nhiều năm trong vai trò đối lập với chính phủ quân sự và từng bị bắt giam. Điều đó càng cho thấy, đạo Tin lành và Thiên chúa giáo tham gia tích cực vào phong trào dân chủ hoá ở Hàn Quốc. Vào xã hội đương thời, phong trào đó bị coi là chống lại Đảng cầm quyền, chống lại chính phủ. Ở khía cạnh khác, ta thấy rằng đạo Tin lành đã có ảnh hưởng mạnh tới xã hội Hàn Quốc, có thể nói là có vai trò nhất định đối với sự biến đổi xã hội. Kim Yong Sam và Kim Dae Jung sau này lần lượt đều trở thành Tổng thống Hàn Quốc cũng đã đưa ra một loạt chính sách xã hội mang tính đại chúng và chuyển từ chính quyền quân sự sang dân sự. Đặc biệt, chính sách Ánh Dương của Kim Dae Jung đã tạo ra một sự biến đổi xã hội sâu sắc trong vấn đề hoà hợp dân tộc.

Đối với cuộc sống vất vả nhọc nhằn của tầng lớp người nghèo và nỗi đau khổ day dứt do thân phận nghèo hèn và những nỗi oan khuất đem lại, đạo Tin lành ở Hàn Quốc đã ra tay cứu giúp họ, xoa dịu nỗi đau trong tâm linh họ. Nói một cách cụ thể, đối với tầng lớp dân nghèo, những người vô gia cư, những người bỏ nông thôn ra thành phố kiếm sống gặp phải những cảnh éo le, lừa gạt, những người tàn tật, cô đơn không nơi nương tựa, những người bị án oan, án sai, gặp phải cảnh trớ trêu trong ái tình... đang rất cần sự trợ giúp dù là ít ỏi thì đạo Tin lành và nhà thờ là nơi họ nhờ cậy. Hơn thế nữa, họ còn nhận được sự động viên, an ủi về mặt tâm linh. Với góc độ từ thiện, không thể không khẳng định vai trò giúp đỡ của nhà thờ Tin lành. Song, có điều, sự trợ giúp đó không phải là vô tư, mà là có điều kiện. Đó là mong muốn những con người được trợ giúp đó tin theo đạo Tin lành. Không ít người sau lúc khó khăn đó đã tin vào Chúa và trở thành tín đồ ngoan đạo. Nhưng cũng có nhiều người chỉ dừng lại ở mức cám ơn rồi trở về với bản ngã của mình.

Một ảnh hưởng quan trọng của đạo Tin lành đối với sự nhận thức về quan hệ xã hội là làm chuyển biến nhận thức từ ý niệm Nho giáo khắt khe, tôn ti trật tự nghiêm ngặt sang tự do, bình đẳng, bác ái. Những hủ tục của chế độ phong kiến, tư tưởng trọng nam khinh nữ, chế độ đa thê, bạo hành phụ nữ là những điều bị đạo Tin lành phê phán gay gắt. Trong thời kỳ chuyển biến từ chế độ phong kiến sang chế độ dân chủ, đạo Tin lành ở Hàn Quốc có thể nói đã có ảnh hưởng mang tính căn bản. Ngày nay, ảnh hưởng quan trọng này của đạo Tin lành càng sâu sắc hơn và có ý nghĩa nhân văn nhất định trong xã hội Hàn Quốc.

Đạo Tin lành có vai trò lớn trong vấn đề tiếp biến văn hoá ở Hàn Quốc – tạo nên những nét tươi mới.

Mỗi dân tộc có một bản sắc văn hoá riêng. Điều đó tức là văn hoá dân tộc mang tính di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác trong thế ứng xử với môi trường tự nhiên và xã hội. Bởi thế, văn hoá chứa đựng yếu tố trường tồn. Mặt khác, tính di truyền đó không phải nhất thành bất biến mà có thể biến đổi, thậm chí đột biến theo những quy tắc mà thực thể văn hoá đó quy định.

Văn hoá Hàn Quốc trong quá trình tiếp xúc, giao lưu với văn hoá phương Tây đã biến đổi và có nhiều nét trở nên tươi mới. Trong quá trình văn hoá biến đổi và trở nên mới mẻ đó, Kitô giáo có vai trò rất lớn.

Tin lành góp phần làm phong phú thêm những sinh hoạt văn hoá và đời sống tinh thần của người Hàn Quốc.

Trong xã hội Hàn Quốc ngày nay, hiện vẫn tồn tại tới 500 lễ hội làng, chủ yếu là lễ hội mang tính tôn giáo, tín ngưỡng dân gian. Đây là những hoạt động tạo ra nét văn hoá truyền thống của dân tộc Hàn và những lễ hội này thường diễn ra vào mùa xuân và mùa thu. Tuy vậy, vào đầu mùa hè, lễ hội của Phật giáo (lễ Phật đản) được tổ chức với quy mô rất lớn và đã xác định được vị thế trong tâm linh người Hàn Quốc. Từ khi Kitô giáo xâm nhập Hàn Quốc, lễ No-en vào dịp cuối năm ngày càng tràn ngập không khí tươi vui, cho dù thời tiết mùa đông tuyết rơi giá lạnh.

Từ xưa tới nay, một tháng hai lần, vào mùng một và ngày rằm, những người dân theo Phật giáo lên chùa cúng lễ đã tạo nên một nét văn hoá truyền thống. Ngày nay, cứ mỗi chủ nhật, xã hội Hàn Quốc có thêm một nét văn hoá mới bởi những tín đồ Kitô giáo đi lễ nhà thờ. Nhà thờ mọc lên khắp nơi trên đất nước Hàn Quốc và người đi lễ đông như trảy hội. Hơn nữa, mỗi dịp vào lễ Giáng sinh, các nhà thờ được trang hoàng lộng lẫy và không khí tươi vui của ngày lễ này không chỉ dừng lại trong các nhà thờ và cộng đồng giáo dân mà lan rộng ra toàn thể xã hội. Biểu hiện cho sự lan rộng niềm vui không chỉ khuôn lại trong lĩnh vực tinh thần và lan sang cả lĩnh vực phát triển kinh tế.

Mùa Giáng sinh còn được gọi là mùa mua sắm, từ những trang thiết bị phục vụ cho lễ No-en cho đến sinh hoạt vật chất và văn hoá gia đình đều được bày bán khắp nơi với nhiều hình thức quảng cáo sôi động, hấp dẫn và đã tạo cho xã hội Hàn Quốc dường như năng động hơn hẳn, tươi mới hơn lên. Từ đó, có thể thấy rằng, Kitô giáo đã vượt ra khỏi phạm vi tôn giáo thuần tuý và có đóng góp vào việc làm phong phú thêm những sinh hoạt văn hoá của Hàn Quốc.

2. Nguyên nhân suy giảm tốc độ phát triển đạo Tin Lành ở Hàn Quốc những năm gần đây

Theo thống kê trong Niên giám tôn giáo Hàn Quốc, tính đến năm 1977, Hàn Quốc có tới 5.001.491 tín đồ Tin lành, 23.526 chức sắc (gồm cả mục sư và giáo sĩ) và 19.457 nhà thờ. Với số lượng tín đồ và nhà thờ như vậy, Tin lành đã trở thành một trong ba tôn giáo lớn của Hàn Quốc (Phật giáo, Tin lành và Thiên chúa giáo).

Niên giám tôn giáo Hàn Quốc cũng đã thống kê cụ thể số giáo đường, số chức sắc và tín đồ của các tôn giáo ở từng khu vực ở Hàn Quốc. Ở đây chỉ trích dẫn lại số liệu của ba tôn giáo lớn theo đúng thứ tự của cuốn sách, trang 188 (tính đến 1977):

1. Phật giáo: số chùa: 7.416; chức sắc: 23.015; tín đồ: 12.906.851.

2. Thiên chúa giáo: số nhà thờ: 2.308; Chức sắc: 4.130; tín đồ: 1.093.829.

3. Tin lành: số nhà thờ: 19.457; chức sắc: 23.526; tín đồ: 5.001.491.

Xem xét số liệu trên, nếu xét ở khía cạnh tín đồ thì đạo Tin Lành phải xếp ở hàng thứ hai; nếu xét số lượng giáo đường thì đạo Tin Lành phải xếp ở vị trí hàng đầu. Điều này cho thấy, việc truyền bá đạo Tin Lành ở Hàn Quốc vào những năm 70 của thế kỷ XX phát triển rất mạnh, có thể coi là một hiện tượng bùng nổ.

Đến năm 1990, đúng như nhận xét của chúng tôi, Niên giám tôn giáo Hàn Quốc, trang 208, đã thống kê số liệu và xếp đạo Tin lành ở Hàn Quốc lên vị trí thứ hai, cụ thể như sau:

1. Phật giáo: số chùa: 9.231; chức sắc: 25.205; tín đồ: 20.696.948

2. Tin lành: số nhà thờ: 34.407; chức sắc: 58.288; tín đồ: 11.888.374.

3. Thiên chúa giáo: số nhà thờ: 844; chức sắc: 7.640; tín đồ: 2.632.990.

Theo số liệu trên, ta thấy, đạo Tin lành tiếp tục phát triển rất mạnh, tuy số tín đồ vẫn đứng sau Phật giáo nhưng đã tăng gấp đôi chỉ sau hơn chục năm, đặc biệt là số nhà thờ tăng thêm 14.950 nhà thờ.

Từ năm 1985, chính phủ Hàn Quốc bắt đầu điều tra tôn giáo của người dân ở các cuộc tổng điều tra dân số vào các năm 1985, 1995 và 2005. Các cuộc điều tra này đã đưa ra được con số thống kê đầy đủ, chính xác về dân số tôn giáo của Hàn Quốc tại các thời điểm trên. Điều đó có thể giúp chúng ta tìm hiểu rõ hơn sự phân bố dân số tôn giáo của Hàn Quốc nói chung và đạo Tin lành trong thế đối chiếu, so sánh. Cụ thể như sau:

 

 

Bảng 1: Phân bố tín đồ tôn giáo của Hàn Quốc (1985 - 1995 - 2005)

Tôn giáo

Năm

Không tôn giáo

Đạo Tin lành

Thiên chúa giáo

Phật giáo

Nho giáo

Khác

1985

23.216.356

6.489.282

1.865.397

8.059.624

483.366

305.627

1995

21.953.315

8.760.336

2.950.730

10.321.012

210.927

357.390

2005

21.865.160

8.616.438

5.146.147

10.726.463

104.575

582.651

Nguồn: Tổng điều tra dân số theo các năm(1)


 

Bảng 1 cho thấy:(1)

 

 

- Người không có tôn giáo chiếm nhiều nhất trong tổng dân số.

- Trong ba tôn giáo lớn, Phật giáo có tín đồ nhiều nhất.

- Thiên chúa giáo có sự tăng trưởng nhanh trong phát triển tín đồ.

- Bước sang thế kỷ XXI, cụ thể là năm 2005, tín đồ Tin lành bắt đầu có xu hướng giảm.

Để hiểu rõ hơn, ta cùng xem Bảng 2 thống kê tỷ lệ tín đồ các tôn giáo.

 

Bảng 2: Tỉ lệ tín đồ các tôn giáo

Tôn giáo

Năm

Không tôn giáo

Phật giáo

Tin lành

Thiên chúa giáo

Nho giáo

Khác

Tổng

1985

57.4

19.9

16.1

4.6

1.2

0.8

100.0

1995

49.3

23.2

19.7

6.6

0.5

0.8

100.0

2005

46.7

22.9

18.4

11.0

0.2

0.8

100.0

Nguồn: Tái cấu trúc dựa trên bảng 1(2)

.

 

Xem Bảng 2, ta thấy, năm 1985, người không tôn giáo chiếm 57,4% tổng dân số; dân số Phật giáo chiếm tỉ lệ cao nhất trong ba tôn giáo lớn với con số 19,9%: tỉ lệ theo Tin lành chiếm 16,1% và Thiên chúa giáo chiếm 4,6% tổng dân số.(2)

Mười năm sau, tỉ lệ người không tôn giáo giảm xuống dưới một nửa tổng dân số là 49,3%; tỉ lệ dân số Phật giáo tăng lên (23,2%); tỉ lệ dân số Tin lành cũng tăng lên (19,7%) và tỉ lệ dân số theo Thiên chúa giáo cũng tăng (6,6%) so với tổng dân số.

Năm 2005, tỉ lệ người không tôn giáo tiếp tục giảm (46,7%), tỉ lệ dân số Phật giáo giảm chút ít; tỉ lệ dân số Tin lành giảm, tỉ lệ dân số Thiên chúa giáo tăng.

Một vấn đề đặt ra đối với đạo Tin Lành ở Hàn Quốc hiện nay là tìm ra nguyên nhân tại sao đạo này lại suy giảm trong những năm gần đây. Một số nhà nghiên cứu tôn giáo Hàn Quốc đã nêu ra mấy điểm chính như sau:

Thứ nhất là sự cạnh tranh quyết liệt của tôn giáo truyền thống và tôn giáo mới.

Tôn giáo truyền thống (chủ yếu là Phật giáo) ở Hàn Quốc được hình thành từ rất lâu trong lịch sử. Phật giáo và Nho giáo cùng được du nhập vào Bán đảo Hàn vào năm 392 thời Ba vương quốc. Tới thời kỳ Koryo (918 - 1392), Phật giáo trở thành quốc giáo. Chuyển sang thời kỳ ChoSon (1392 - 1910), Phật giáo dần dần mất vị thế và phải nhường chỗ cho Nho giáo. Phật giáo lùi sâu vào trong núi. Tuy vậy, mối quan tâm của người dân tới Phật giáo không hoàn toàn mất đi, thậm chí ngay cả trong vương thất, vẫn có người tin theo Phật giáo, nhiều nhà nho thực thụ lại am hiểu sâu sắc triết lý Thiền học. Sau ngày giải phóng, Nho giáo - tôn giáo luôn cạnh tranh với Phật giáo đã mất vai trò thống trị xã hội thì người dân lại trở về với Phật giáo. Phật giáo xuống núi và nhanh chóng trở thành tôn giáo đại biểu của dân tộc Hàn trong thời đại mới. Trong suốt thời kỳ Thiên chúa giáo và đạo Tin lành phát triển mạnh mẽ, Phật giáo cũng phát triển và trở thành tôn giáo cạnh tranh quyết liệt. Triết thuyết từ bi hỉ xả của nhà Phật chú trọng vào tâm linh con người vẫn là niềm động viên an ủi lớn đối với con người phương Đông nói chung, Hàn Quốc nói riêng. Hệ thống chùa chiền ở Hàn Quốc đều có khuôn viên rộng thoáng trên núi cao, phong cảnh núi non hùng vĩ càng tô điểm thêm cho những kiến trúc cổ kính đã trở thành điểm tụ hội của người dân Hàn Quốc sau những ngày làm việc căng thẳng. Nhiều ngôi chùa nổi tiếng của Hàn Quốc đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới. Bộ kinh Phật được người Hàn Quốc suốt 16 năm trời khắc bằng gỗ từ thời Koryo cũng được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới. Một kênh truyền hình riêng của Phật giáo được phát rộng rãi và quan trọng hơn, mỗi người đến với Phật giáo với một tinh thần tự nguyện, một tấm lòng trong sáng, không vụ lợi, không theo đuổi mục đích cá nhân tầm thường.

Hàn Quốc thi hành chính sách tự do tôn giáo, cho nên, trong khi xã hội Hàn Quốc có nhiều tôn giáo cùng tồn tại thì mỗi cá nhân có quyền lựa chọn tôn giáo cho mình. Lịch sử lâu đời của Phật giáo cùng những thế mạnh của Phật giáo nêu trên đã và đang là tôn giáo mạnh nhất ở Hàn Quốc hiện nay và là tôn giáo cạnh tranh quyết liệt với đạo Tin lành.

Đồng thời, ở Hàn Quốc hiện nay, nhiều tôn giáo mới xuất hiện và dần dần khẳng định vị thế. Chẳng hạn như Wonbulkyo (Viên Phật giáo) phát triển từ Phật giáo, Chung San Kyo (Tắng Sơn giáo) lấy hình tượng TanGun làm nền tảng rồi kết hợp với tín ngưỡng dân gian, các tôn giáo trong dân gian, hoặc như Chon do kyo (Thiên đạo giáo), Taejongkyo (Đại tông giáo), hoặc như tôn giáo ngoại lai Hồi giáo cũng đã xuất hiện với tư cách là một tôn giáo mới.

Những tôn giáo mới này do mới xuất hiện nên cách thức truyền giáo và lôi kéo tín đồ rất được chú trọng. Đặc biệt là Hồi giáo, một tôn giáo có nhiều tín đồ sùng đạo nhất thế giới. Đây cũng là một thách thức mới đối với đạo Tin lành của Hàn Quốc.

Thứ hai là sự cạnh tranh của Thiên chúa giáo.

Theo các bảng thống kê nêu ở phần trên, Thiên chúa giáo ở Hàn Quốc phát triển đi lên. Có ý kiến cho rằng, sự đầu tư của Thiên chúa giáo vào y tế đã bắt đầu có hiệu quả đối với một xã hội chuyển sang thời kỳ già hoá như Hàn Quốc. Chúng tôi cho rằng, lý giải như vậy là có lý. Xã hội Hàn Quốc đã phát triển, mức sống cao lên, tỉ lệ người già tăng cao và nhu cầu trước mắt là chăm lo sức khoẻ lúc già yếu đã trở nên cấp thiết. Bởi thế, phúc lợi xã hội về y tế của Thiên chúa giáo đã ngày càng thu hút nhiều cho sự lựa chọn tôn giáo của các cá nhân.

Thứ ba là sự phát triển của công nghệ thông tin và Internet.

Có thể nói rằng, thời đại ngày nay là thời đại của công nghệ thông tin. Công nghệ thông tin phát triển đã nhanh chóng liên kết con người với nhau vượt qua thời gian và không gian. Internet phát triển đã đáp ứng được nhu cầu của con người muốn tìm hiểu các vấn đề, trong đó có cả vấn đề về tâm linh. Những thắc mắc, nhưng điều mà bạn không thể lý giải, thậm chí cả việc tiên đoán số mệnh con người, tiên đoán một sự việc, bạn có thể tìm hiểu qua internet. Công nghệ mới của khoa học kỹ thuật có thể cung cấp thông tin đa chiều để bạn lựa chọn và mọi vấn đề về tôn giáo, ưu điểm và nhược điểm, đúng hay sai, có lợi hay không có lợi, có thực sự cứu rỗi linh hồn hay không... cũng được trình bày và lý giải. Điều tất nhiên là các tôn giáo đều sử dụng phương tiện này để truyền giáo và rao giảng "tính ưu việt" của tôn giáo mình, nhưng, người muốn tìm hiểu lại có quyền lựa chọn chứ không như trước đây, họ chỉ biết thông tin một chiều. Như vậy, tính cạnh tranh giữa các tôn giáo càng mạnh hơn và các tín đồ cũng không dễ dàng bị lôi kéo. Có lẽ thông qua công nghệ mới này, nhận thức của một bộ phận người Hàn Quốc đối với đạo Tin Lành đã có sự thay đổi và số lượng tín đồ đã không còn tăng mạnh như trước nữa chăng?

Ngoài những nguyên nhân sâu xa trên, còn có một thực tế số lượng tín đồ theo đạo Tin lành trên thế giới, đặc biệt là ở phương Tây cũng đã giảm trong những năm đầu thế kỷ XXI này. Thực tế này không ít thì nhiều cũng ảnh hưởng tới xã hội Hàn Quốc, ảnh hưởng tới sự phát triển đạo Tin lành ở đây.

Dẫu sao, đạo Tin lành ở Hàn Quốc hiện nay vẫn là một tôn giáo mạnh, có vị thế nhất định trong xã hội Hàn Quốc đương đại.

*

*     *

Vấn đề đặt ra đối với Giáo hội, giáo sĩ, các tín đồ đạo Tin lành ở Hàn Quốc hiện nay là làm thế nào để phục hồi tốc độ phát triển đạo này. Đây là một vấn đề lớn và nan giải trong thời đại toàn cầu hoá cùng với thông tin đa dạng. Một số nguyên nhân đã được nêu ra ở trên, nhưng để khắc phục, hoá giải và cải thiện tình hình lại là những thử thách vô cùng to lớn. Một số vấn đề đã được nêu ra như: Tiếp tục phát huy những mặt tích cực của đạo Tin lành ở trong nước; Tự thân “phản tỉnh” để xem xét lại những điều bất cập cả về lí luận lẫn tổ chức giáo hội, giáo đường, số lượng giáo sĩ, sự thái quá trong việc truyền giáo... Hơn nữa, sự truyền bá đạo Tin lành Hàn Quốc ở nước ngoài không được thành công như ý muốn cũng có tác động ngược trở lại. Đó là vấn đề mà thực tiễn thế kỷ XXI đặt ra những yêu cầu mới cho Tin lành Hàn Quốc mà trước hết là ở ngay Hàn Quốc.

 

LÝ XUÂN CHUNG

(TS, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Hàn Quốc: Đất nước con người,  Cơ quan hải ngoại Hàn Quốc, Seoul Hàn Quốc, Hà Nội, 2006.

2. Xã hội Hàn Quốc hiện đại, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội, 2007

3. Mai Thanh Hải, Tôn giáo thế giới và Việt Nam, Nxb Văn hoá - Thông tin, Hà Nội, 2006 (Tập III).

4. Viện Nghiên cứu tôn giáo xã hội Hàn Quốc, Niên giám Tôn giáo Hàn Quốc, Seoul 1993.

5. Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc, Tôn giáo ở Hàn Quốc và Việt Nam: Nghiên cứu so sánh. Hà Nội,  2007.

6. Lịch sử Hàn Quốc; Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.

7. Hàn Quốc: Lịch sử và văn hoá, Nxb Văn hoá, 1996.

8. Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á số 7 (77) năm 2007.

9. Byung Nak Song, Kinh tế Hàn Quốc đang trỗi dậy, Nxb Thống kê, Hà Nội - 2002.

11. Seo Jung-min, Lịch sử của giáo hội Hàn Quốc, Nxb Salim, Seoul, 2003.



(1) Dẫn lại số liệu theo Xã hội Hàn Quốc hiện đại, trang 190; Trường Đại học Seoul biên soạn; Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.

(2) Dẫn lại sách trên, trang 191.

0thảo luận