Hai thập kỷ qua Trung Quốc cùng với các đối tác trong Tổ chức Hợp tác Thượng hải (SCO) đã trải qua chặng đường dài phát triển và củng cố quan hệ. Năm 1989-1997 là thời kỳ của 22 phiên đàm phán phức tạp nhằm tạo lập sự tin tưởng cần thiết và kết quả là các nhà lãnh đạo Nga, Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, Kưrơgưstan, Cadăcstan và Tadgikistan đã ký kết Hiệp định Hạn chế các lực lượng vũ trang tại vùng biên giới và Về các giải pháp tin tưởng quân sự. Vào cuối thế kỷ XX đã hình thành một cơ chế cộng tác có tên gọi là “Bộ năm Thượng Hải” và năm 2001 đổi tên thành Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) với việc kết nạp thêm Udơbêkistan. Theo nhận xét chung, tổ chức này mở ra giai đoạn mới trong phát triển tình hình quốc tế tại Châu Á, tạo ra trong khu vực mối quan hệ mới mang tính nguyên tắc.
Thành tựu quan trọng nhất của Tổ chức, là ngày càng lôi kéo được một loạt nước lớn ở Châu Á (Ấn Độ, Pakistan, Iran, Mông Cổ) tham gia, tạo nên bầu không khí chính trị mới về nguyên tắc của sự cộng tác được gọi là “tinh thần Thượng Hải” được tôn trọng bởi các nước có nền văn hoá và trình độ phát triển khác nhau và các nước này cộng tác với nhau trên cơ sở tin tưởng lẫn nhau, các bên cùng có lợi, cộng tác bình đẳng và có quyền ngang nhau.
Trong việc thành lập SCO, lãnh đạo 6 nước đã chỉ ra những nguy cơ cụ thể mà Tổ chức mới phải đối đầu. Đó là chủ nghĩa khủng bố quốc tế, chủ nghĩa cực đoan khu vực và chủ nghĩa ly khai, hiện đang là đe doạ chính đối với an ninh, ổn định và phát triển trong khu vực, cũng như việc buôn bán vũ khí, ma tuý bất hợp pháp và di cư bất hợp pháp. Để chống lại những hiểm hoạ này những chương trình nhiều mặt đã được soạn thảo, đã ký kết nhiều hiệp định và thoả thuận đa phương cần thiết về cộng tác cũng như tổ chức thường xuyên các cuộc gặp gỡ của các nhà lãnh đạo các tổ chức bảo vệ pháp luật, biên giới, hải quan và các cơ quan tình báo, tiến hành các cuộc diễn tập chống hoạt động khủng bố và đàn áp phù hợp với sự phát triển của tình hình([1]).
Tổ chức Hợp tác Thượng Hải có những mục tiêu sau: củng cố lòng tin lẫn nhau, đoàn kết và hữu nghị giữa các nước thành viên, khuyến khích cộng tác có hiệu quả giữa các nước thành viên trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế- thương mại, khoa học-kỹ thuật, văn hoá, giáo dục, năng lượng, giao thông vận tải, môi trường và trong các lĩnh vực khác; cùng nỗ lực đấu tranh củng cố, đảm bảo hoà bình và ổn định trong khu vực, xây dựng trật tự quốc tế mới dân chủ, công bằng, có tình có lý, chính trị và kinh tế.
Mục đích chiến lược Trung Á của Bắc Kinh là ở chỗ dựa vào SCO tích cực tham gia giải quyết những vấn đề khu vực, phát triển quan hệ với các nước trong khu vực, thúc đẩy sự ổn định và thịnh vượng của các nước này cũng như thực hiện các mục tiêu chiến lược của mình, trước hết tập trung vào lĩnh vực khai thác tài nguyên thiên nhiên Trung Á. Vì thế, theo các chính khách Trung Quốc, nước này cần xây dựng chiến lược Trung Á của mình xoay quanh SCO, củng cố tình hình và hoàn thiện cơ chế hành động của SCO, khắc phục những thiếu sót về mặt chức năng của tổ chức này sao cho SCO có thể đóng vai trò hàng đầu trong việc giải quyết những vấn đề khu vực. Vùng phối hợp hành động chủ yếu của các nước SCO là khu vực Trung Á. Tại đây sau khi giành được độc lập, các nước cộng hoà Trung Á thuộc Liên Xô cũ đang trên đường chuyển đổi. Các quốc gia khu vực đã ổn định được tình hình sau những sự kiện nổi tiếng ở Kưrơgưstan và Udơbêkistan, sự thay đổi Tổng thống ở Tuôcmênia và cuộc bầu cử tại Kadăcstan. Đồng thời, tình hình hiện nay ở các nước này và ở các nước Trung Á khác đang ẩn chứa mối nguy hiểm do tác động của những yếu tố mất ổn định (theo cách diễn đạt của phía Trung Quốc là “các nhân tố không rõ ràng”). Những nhân tố này được hình thành bởi tình hình kinh tế-xã hội và chính trị nội bộ tại các nước này cũng như bởi những đặc điểm chung và riêng đối với từng nước một và bởi chính sách do các nước khác, trước hết là Mỹ, tiến hành đối với khu vực này.
Những nhân tố quan trọng hơn cả có ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển tình hình ở Trung Á được các chuyên gia Trung Quốc thống kê dưới đây:
- Sự cải thiện một cách chậm chạp tình hình tại phần lớn các nước trong khu vực cũng như nhu cầu được phía Trung Quốc nhấn mạnh, củng cố chính quyền hiện nay tại các nước này bao gồm cả việc hiện đại hoá tại một số nước;
- Giữa một số nước trong khu vực vẫn tồn tại những mâu thuẫn và tranh chấp lãnh thổ-cộng đồng, được phản ánh rõ trong quan hệ của họ;
- Vai trò của nhân tố Hồi giáo vẫn được bảo lưu trong suốt quá trình chính trị-xã hội trong khu vực, biểu hiện rõ ràng nhất là ảnh hưởng của những người Hồi giáo đến thái độ của người dân, làm nảy sinh “ba bẩn” là chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa ly khai và chủ nghĩa cực đoan (nhấn mạnh của phía Trung Quốc);
- Tình hình bất ổn tại Apganistan tác động đến tình hình chung trong khu vực, bao gồm sự gia tăng dòng ma tuý từ nước này cũng như sự căng thẳng quanh vấn đề Iran;
- Mỹ và các đồng minh của Mỹ tiến hành kế hoạch quân sự kinh tế, chính trị thâm nhập và củng cố địa vị tại Trung Á, kể cả những kế hoạch mở rộng NATO về phía Đông cũng như cố gắng thành lập tại đây những liên kết khu vực dưới sự bảo trợ của mình([2]).
- Hiện tại Apganistan vẫn là một nước có nhiều vấn đề nhất tại Trung Á và là một trong những nguyên nhân sâu xa đáng kể nhất đe doạ sự ổn định trong khu vực. Chính quyền được tạo dựng dưới sự chỉ đạo của Mỹ tại đó không thể nào kiểm soát được toàn bộ lãnh thổ đất nước cho dù có sự hỗ trợ của quân đội NATO. Nhưng điều chủ yếu tại Apganistan hiện vẫn là những vấn đề gốc rễ vẫn chưa được giải quyết như đập tan “Taliban” và tiêu diệt “Al Queda”. Ngược lại cả “Taliban” lẫn “Al Queda” đều được hồi phục sau đòn tấn công năm 2001-2002. “Al Queda” tiếp tục hoạt động còn Taliban lại tăng cường chống đối và chuyển từ các hoạt động phá hoại riêng biệt sang tiến hành những chiến dịch có quy mô lớn. Cư dân Apganistan ngày càng ủng hộ nhiều cho “Taliban” làm cho các hoạt động trên thêm gia tăng vì vậy theo các nhà quan sát quân sự tại Kabul thì việc tiến hành các hoạt động quân sự hiện nay ở Apganistan còn khó hơn là tại Irak.
Phái bộ của Mỹ và NATO tại Apganistan, nếu như không bị phá sản, thì cũng cần rất nhiều thời gian nữa và rất nhiều nỗ lực nữa mới có thể thực hiện được sứ mạng của mình. Hơn nữa Mỹ đang cố áp đặt sự kiểm soát của mình lên toàn bộ khu vực Trung Á như điều mà người Anglo-Sacson đã làm trong vòng nhiều thế kỷ. Đối với họ tầm quan trọng của khu vực này là thông qua Apganistan cũng như qua Capcaz và biển Kaspi NATO có thể được mở rộng xa hơn nữa về phía Đông. Về chiến lược điều này giúp phân chia lục địa Châu Á thành các mảnh nhỏ và tạo dựng được một vành đai ngăn cách giữa Nga và ấn Độ, giữa Nga và miền Tây Trung Quốc, cũng như ngăn cách các nước này với Iran.
Vị trí trung tâm của khu vực Trung Á đảm bảo sự liên thông ngắn nhất giữa Capcaz và Cận Đông với các nước Đông Á, phần Bắc và Nam của lục địa. Kết quả là từ đây có thể kiểm soát một cách thuận tiện nhất cả những con đường trung chuyển lẫn các vùng hậu phương của các quốc gia Châu Á lớn như Trung Quốc, Ấn Độ và Nga. Về kinh tế, điều này làm cho phương Tây có thể kiểm soát được toàn bộ các khu vực dầu khí Trung Á và Kaspi. Về chính trị, điều này tạo điều kiện tác động tới tình hình tại vùng Viễn Đông- Sibêri của Nga, tại miền Tây Trung Quốc và miền Bắc Ấn Độ.
Từ những phân tích các bước chính sách đối ngoại của Mỹ và các đồng minh của Mỹ tại Trung Á chứng tỏ rằng, trong khuôn khổ chiến lược trên, khu vực này được coi là hàng đầu trong hệ thống “mở rộng vùng trách nhiệm” của NATO mà trên thực tế là vùng ảnh hưởng của liên minh các quốc gia Châu Á. Để làm được điều này người ta đã lợi dụng tình hình phức tạp tại cái gọi là các “vùng khu vực không ổn định” hoặc là người ta cố tình tạo ra tình hình này.
Khuynh hướng tích cực là các quốc gia Trung Á rất mong mỏi thực hiện việc khu vực hoá. Có thể nói rằng, ngoại trừ Tuôcmênia, tất cả các quốc gia trong khu vực đều phối hợp hành động trong khuôn khổ SCO, đa phần các quốc gia cộng tác với nhau và với các nước khác trong các tổ chức Cộng đồng kinh tế Á-Âu, Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể, Tổ chức về các biện pháp tin tưởng Châu Á. Không gian kinh tế thống nhất được hình thành bởi nước Nga cùng với một số nước khác trong Cộng đồng các quốc gia độc lập trong khuôn khổ Cộng đồng kinh tế Á-Âu đã có những đường nét rõ ràng còn mối quan hệ liên minh thuộc Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể lại hình thành sự cân bằng lực lượng trong khu vực. Việc thực hiện những chương trình, kế hoạch do SCO thông qua đã thúc đẩy sự phát triển kinh tế và củng cố nền an ninh các quốc gia Trung Á. Công việc của cơ cấu đa phương được thành lập nhằm những mục tiêu đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa cực đoan và buôn lậu ma tuý được nâng cao hiệu suất.
Tất cả những việc làm này tạo thành yếu tố kiềm chế sự bành trướng của Mỹ và các đồng minh của Mỹ tại Trung Á vì vậy các nước này muốn hạn chế bớt tính hiệu quả của các liên kết khu vực chính đang hoạt động bằng cách lôi kéo các nước trong khu vực vào các tổ chức mới được thành lập dưới sự bảo trợ của họ. Các kế hoạch của Mỹ là những ví dụ cụ thể: “Đại Cận Đông”, “Vũ đài Kaspi”, “Đại Trung Á”. Kế hoạch “Đại Trung Á” được thành lập với ý đồ của Mỹ chia rẽ các nước Trung Á, làm suy giảm mối quan hệ của các nước này với nước Nga và Trung Quốc. ý đồ của liên minh này là mở rộng cộng tác kinh tế khu vực dưới sự bảo trợ của Mỹ nhưng không có sự tham gia của nước Nga và Trung Quốc. Trong đó Mỹ và các đồng minh của Mỹ như Thổ Nhĩ Kỳ sẽ nắm vai trò lãnh đạo trong tổ chức mới này đồng thời lôi kéo thêm Ấn Độ và Pakistan tham gia vào tổ chức. Theo họ, việc này sẽ củng cố hơn quá trình toàn cầu hoá và dân chủ hoá tại các nước trong khu vực, biến vùng Trung Á thành trung tâm quyền lực độc lập tại Châu Á([3]).
Kế hoạch này là đối lập với SCO, nhằm phá vỡ SCO hay ít nhất cũng hạn chế được khả năng của tổ chức này, làm suy giảm tiềm năng và năng lực hoạt động của SCO. Không nghi ngờ gì nữa những nước ủng hộ kế hoạch này tin tưởng vào việc thực thi kế hoạch. Tuy nhiên, sự lạc quan thái quá đầu những năm 1990 về những dự định của Mỹ và phương Tây tại các nước Trung Á đã tan thành mây khói, cái giá những lời hứa của họ đã rõ ràng, các biện pháp “dân chủ hoá” đã được trình diễn, vai trò “cách mạng màu”, đặc biệt ở Uzơbêkistan và Kưrơgưstan đã được thẩm định. Vì vậy, trước hết các quốc gia trong khu vực cần phải phản ứng thận trọng trước sáng kiến này của Mỹ nhằm nâng cao hiệu suất kinh tế, sức mạnh chính trị và khả năng quốc phòng của các tổ chức Cộng đồng kinh tế Á-Âu, Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể, Tổ chức về các biện pháp tin tưởng Châu Á chứ không nhằm đối đầu với phương Tây.
Trong tình hình hiện nay, điều cần thiết là Nga và Trung Quốc phải tăng cường phối hợp hành động nhằm hạn chế khả năng của các yếu tố bất ổn chính tại Trung Á cũng như mở rộng sự cộng tác trong khuôn khổ SCO, tích cực lôi kéo Mông Cổ, Tuôcmênistan thậm chí cả Apganistan tham gia vào tổ chức này, hạn chế sự ảnh hưởng của Mỹ đến đường lối chính trị của các nước trong khu vực.
Nhiều học giả Trung Quốc là các chuyên gia về Trung Á đều thống nhất quan điểm cho rằng SCO đã trở thành nhân tố quan trọng không chỉ của chính sách khu vực mà của cả chính sách toàn cầu. Tổ chức này đã trải qua giai đoạn hình thành ban đầu và hiện nay cần được thời gian kiểm chứng theo quan điểm hiệu suất thực tiễn của việc giải quyết những nhiệm vụ đề ra.
Một trong những ưu tiên của sự cộng tác trong khuôn khổ SCO là cộng tác trong lĩnh vực an ninh. Phần lớn các nhà nghiên cứu Trung Quốc cho rằng trong tương lai, lĩnh vực này sẽ được đẩy mạnh hơn nữa. Công tác đầu tiên trong hướng này là lập kế hoạch và tiến hành trên thực địa những cuộc tập trận chung kết hợp hệ thống chỉ huy chung và hiểu nhau một cách rõ ràng, soạn thảo các tài liệu thể hiện tình hình luật pháp, an sinh, bảo hiểm cho các quân nhân phục vụ ở nước ngoài hoặc tại các cuộc tập trận ngắn hạn. Trung Quốc muốn tăng cường hơn nữa sự cộng tác trong lĩnh vực an ninh bởi lẽ điều đó sẽ củng cố “vành đai an ninh” gần biên giới của Trung Quốc. Sự bình yên và ổn định của Trung Á đảm bảo một hậu phương khép kín để Bộ Chính sách đối ngoại của Trung Quốc thực hiện “ưu tiên của những ưu tiên” - đưa Đài Loan trở về trong lòng dân tộc. Cần phải đặc biệt nhấn mạnh là không hề có ý định nào biến SCO thành liên minh quân sự-chính trị. Nhưng là một tổ chức liên kết đa quốc gia “đa lĩnh vực”, SCO sắp sếp công việc của mình theo nhiều hướng khác nhau trong đó có vấn đề an ninh trong khu vực và tình hình an ninh của các nước thành viên ngày càng có vị trí quan trọng trong tổ chức. Điều này được khẳng định bằng việc tiến hành các cuộc tập trận chung chống khủng bố trên lãnh thổ các nước thành viên của SCO và mở rộng các cuộc tiếp xúc theo đường các bộ quốc phòng. Đồng thời, các nước còn đề nghị nghiên cứu nghiêm chỉnh những vấn đề phối hợp chặt chẽ hơn nữa các cơ chế quân sự giữa Trung Quốc với Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể nhằm giải quyết những vấn đề của cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa cực đoan, và chủ nghĩa ly khai trong khu vực.
Đại diện Trung Quốc nhất trí rằng, SCO cần mở rộng lĩnh vực các vấn đề cần giải quyết, trong đó có an ninh, nhưng không trôi về hướng liên minh chính trị-quân sự. Họ nhấn mạnh rằng phương Tây nghiêng về những chuẩn mực hai chiều, và theo họ phương Tây sẽ lên án SCO về liên minh chính trị- quân sự nhưng không nên đặt vấn đề quá nghiêm túc trước những lời buộc tội này. Cần phải xây dựng một mô hình an ninh khu vực mới đảm bảo được an ninh chung lẫn nhau và không nhằm chống lại một nước nào khác.([4])
SCO tiếp tục các hoạt động truyền thống của mình (cộng tác trong các lĩnh vực biên giới, phân định và cắm mộc biên giới, hạn chế các nhóm vũ trang gần biên giới), đặc biệt là áp dụng cho các biên giới nội bộ các nước Trung Á.
Thực tiễn SCO tác động thúc đẩy soạn thảo “mô hình an ninh mới” dựa trên cơ sở tin tưởng lẫn nhau, hạn chế vũ trang, cộng tác trong lĩnh vực an ninh. Tương lai sẽ chú ý hơn đến an ninh trong lĩnh vực công nghệ thông tin, chống khủng bố tự động hoá.
Nhân tố Apganistan với việc quốc gia này đang cấp tiến hoá do kết quả của việc chính quyền chuyển sang tay các thủ lĩnh phong trào “Taliban” có thể để lại hậu quả nghiêm trọng đối với tính chất của việc cộng tác trong khuôn khổ SCO. Vì vậy, cần phải đặc biệt chú ý tới hướng này và tăng cường hoạt động của nhóm công tác “ SCO-Apganistan”.
Năm 2003, tại cuộc họp của những người đứng đầu chính phủ các nước SCO đã ký kết Chương trình cộng tác kinh tế-thương mại đa phương tạo cơ sở mở rộng sự cộng tác không chỉ trong quan hệ kinh tế-thương mại qua lại mà còn trong liên kết ngày càng sâu sắc hơn trong tất cả mọi lĩnh vực của nền kinh tế. Dự kiến chương trình sẽ thực hiện 127 dự án trong 11 ngành kinh tế. Ưu tiên trong cộng tác kinh tế SCO là phát triển cơ sở hạ tầng giao thông vận tải, năng lượng, bảo vệ môi trường và vấn đề nước uống. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có nhiều ví dụ của việc cộng tác đa phương thực tiễn trong lĩnh vực này, lĩnh vực ưu tiên nhằm tăng cường đáng kể nền kinh tế Trung Quốc. Ý kiến của nhiều chuyên gia cho rằng trong lĩnh vực này cần phải tạo ra “bước đột biến thực tiễn” dựa trên cơ sở nguyên tắc “mở cửa” khuyến khích lôi cuốn các nhà đầu tư tư nhân, khuyến khích các xí nghiệp nhà nước tham gia vào các dự án chung của SCO, áp dụng đa dạng hoá nguồn đầu tư, áp dụng các giải pháp làm giảm sự phụ thuộc vào đồng đôla trong ngoại thương. Cần thực hiện những hiệp định và thoả thuận đã đạt được nếu không SCO sẽ phải đối mặt với khủng hoảng lòng tin, khủng hoảng uy tín. Hơn nữa, phía Trung Quốc đánh giá tích cực kết quả cộng tác trong lĩnh vực kinh tế bởi tất cả những sáng kiến kinh tế của Trung Quốc đối với các nước khu vực Trung Á thực hiện thông qua SCO, hiện vẫn được thực hiện theo cơ chế song phương.
Trung Quốc muốn xây dựng cơ chế đối thoại để dựa trên nguyên tắc ưu tiên sẽ tiến hành đàm phán về cung cấp nguồn năng lượng từ vùng Trung á, vùng biển Kaspi. Vì vậy, năng lượng luôn đứng đầu trong những ưu tiên cộng tác trong khuôn khổ SCO. Hiện tại, Trung Quốc đang hướng tới áp dụng vào thực tế những biện pháp nhằm xây dựng hệ thống dự trữ nguồn năng lượng của riêng mình nhằm thu hút hơn nữa nguồn dầu khí cần thiết cho nền kinh tế quốc dân, tiết kiệm và nhập khẩu nguồn năng lượng nước ngoài ưu tiên nhập từ phía Tây (khu vực Trung Á).
Trong lĩnh vực cộng tác nhân văn, các nhà nghiên cứu Trung Quốc nhấn mạnh rằng lịch sử đối thoại Trung Quốc với các dân tộc Trung Á đã trải qua hai thiên niên kỷ. Mối quan hệ lịch sử này bị gián đoạn trong thế kỷ XIX-XX, thời gian mà vùng này nằm trong vòng ảnh hưởng của Nga. Vì vậy, trong giai đoạn hiện nay các nhà bác học nhấn mạnh tầm quan trọng của “những đầu tư văn minh và thế giới quan vào khu vực Trung Á”. Nhằm thực hiện mục tiêu này cần thành lập nhóm công tác soạn thảo những chương trình đối thoại nhân văn giữa các nước SCO dựa trên quan điểm “con đường tơ lụa mới”. Theo đó, các mối quan hệ cần phải có người thực hiện và hằng năm Trung Quốc giành nhiều suất học bổng cho những người trẻ tuổi thuộc Trung Á.
Vấn đề mở rộng thành phần các nước thành viên SCO hiện chưa mang tính thực tiễn cấp bách, bởi lẽ trong giai đoạn phát triển hiện nay của tổ chức, các nước thành viên đều thống nhất rằng cần phải có thời gian giành cho việc mở rộng. Mở rộng thành phần là đòi hỏi mang tính quy luật phát triển của tổ chức, đòi hỏi phải có sự chuẩn bị kỹ càng theo từng tiêu chí phù hợp với các nước là đối tượng kết nạp thành thành viên của SCO, phải soạn thảo ra các thủ tục và quy tắc kết nạp.
Trình tự kết nạp thành viên mới phụ thuộc nhiều vào những vấn đề được lựa chọn và những ưu tiên của tổ chức. Nếu liên kết kinh tế là ưu tiên hàng đầu thì Mông Cổ và Tuôcmênistan (với điều kiện hai nước này cũng có nguyện vọng gia nhập) sẽ là những nước đối tượng kết nạp hàng đầu. Nếu sứ mệnh chống khủng bố của SCO được coi trọng thì vấn đề kết nạp cần phải đặt ra trước hết đối với Apganistan và Pakistan.
Theo quan điểm ban đầu về “lợi ích xã hội” của nhà bác học nổi tiếng Trung Quốc Van Jiang thì mục đích của SCO là tổ chức trung gian đảm bảo lợi ích xã hội (hoà bình, ổn định, phát triển, thịnh vượng) mà hiện tại chưa được đảm bảo tại đây do sự xuất hiện của nhiều yếu tố thay thế gồm buôn lậu ma tuý, quân sự hoá, chủ nghĩa cấp tiến khu vực. Sự khác nhau về văn hoá quản lý là đặc điểm của các truyền thống chính trị của các nước thành viên khác nhau của SCO đã cản trở tổ chức này làm việc một cách hiệu quả. Nhằm khắc phục những thiếu sót này cần phải tăng cường bản sắc tập thể, khuyến khích các nước Trung Á và các nước quan sát viên thông qua sự đa dạng của các kênh truyền thông và các nguồn tác động tích cực nâng cao hơn nữa hiệu suất tài chính của tổ chức.
Như vậy, có thể kết luận rằng, đối với Trung Quốc, SCO trước hết là một cơ chế đối thoại kinh tế và năng lượng với các nước láng giềng gần gũi nhất nhằm nâng cao phúc lợi và phát triển các tỉnh Tây-Bắc Trung Quốc. Đó là việc thực hiện trên thực tế nguyên tắc “láng giềng tốt là láng giềng giàu có, tốt bụng và hiền lành”. Mặt khác, sơ đồ phối hợp được soạn thảo và áp dụng trong khuôn khổ SCO sẽ được áp dụng trong tương lai nhằm bình thường hoá tình hình ở Đông Á nhằm tăng cường vị thế của Trung Quốc tại Nam Á, để giải quyết cuộc xung đột biên giới Trung-Ấn.
Trong hoạt động của mình, SCO ưu tiên mô hình mang tính thế giới quan - văn minh “con đường tơ lụa vĩ đại” với tư cách là chiến lược để Trung Quốc vươn ra trường quốc tế. Sự phối hợp trong khuôn khổ SCO đã được hình thành với tư cách là khuynh hướng công tác đặc biệt của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, thúc đẩy học thuyết chính sách đối ngoại phát triển, theo đó, trước đây Trung Quốc đã ưu tiên quan hệ một đối một đối với các nước đối tác còn hiện nay lại tích cực tham gia vào các cơ chế đa phương đã được tạo dựng tại vùng Châu Á-Thái Bình Dương.
Tổ chức Hợp tác Thượng Hải là tổ chức khu vực đầu tiên kiểu mới của thế kỷ XXI vì tổ chức này đã được thành lập theo “mô hình an ninh mới”, dựa trên cơ sở tin tưởng lẫn nhau, hạn chế vũ trang, cộng tác trong lĩnh vực an ninh; là “mô hình quan hệ quốc tế mới”, trong đó các nước thành viên đều là đồng sự, đối tác chứ không phải là đối thủ; là “mô hình cộng tác khu vực mới” dựa trên cơ sở các quốc gia lớn hay nhỏ đều cùng nhau tham gia quản lý, theo những hiệp định cùng có lợi, bổ sung lẫn nhau về mặt văn hoá.
A. V. BOLJATKO
(Giáo sư, Tiến sĩ khoa học,Viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm khoa học Nga)
Bài thuộc công trình hợp tác Việt - Nga do Quỹ Khoa học nhân văn Nga tài trợ
Người dịch: Đỗ Minh Cao