Trong khi giữa Nhật Bản với Trung Quốc và Hàn Quốc từng xảy ra những va chạm ngoại giao do cách nhìn quá khứ lịch sử, thì quan hệ Malaysia-Nhật Bản vẫn được miêu tả là mật thiết và hữu nghị, trừ thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng Mã Lai từ tháng Hai năm 1941 đến tháng Tám năm 1945, trong đó chế độ quân phiệt thống trị đã gây ra nhiều đau khổ cho đất nước và con người ở đây.
Ở những thập kỷ sau chiến tranh, giữa Nhật Bản và Malaysia không hề xảy ra tranh chấp lãnh thổ hay tình hình căng thẳng do cách giải thích mâu thuẫn nhau về lịch sử. Quan hệ song phương phát triển tốt đẹp từ khi Mã Lai giành được độc lập ở tay Anh năm 1957, và được thúc đẩy thêm từ tháng Hai năm 1982 lúc nguyên Thủ tướng Mahathir Mohamad đề ra chính sách “Nhìn về phương Đông”, coi nước Nhật là khuôn mẫu và chủ trương đẩy mạnh quan hệ kinh tế. Trong khi đó, chính phủ Mahathir khởi động chương trình phát triển công nghiệp nặng, quan chức nước này tha thiết lôi kéo các tập đoàn đa quốc gia (MNC) Nhật Bản vào Malaysia với hy vọng công nghệ được chuyển giao rộng rãi và nhanh chóng từ nước Nhật. Tích cực thúc đẩy mối quan tâm của Nhật Bản đến Malaysia, ông Mahathir Mohamad đồng thời mong Chính phủ Nhật đảm nhiệm một vai trò to lớn hơn trên vũ đài quốc tế. Đầu những năm 1990, Mahathir nêu ý tưởng thành lập Tổ chức Kinh tế Đông Á (EAEC), và đề nghị Nhật Bản lãnh đạo tổ chức khu vực này.
Ông Mahathir từ chức thủ tướng cuối năm 2003, chấm hết một thời kỳ lớn trong lịch sử Malaysia. Chắc chắn Mahathir là kiến trúc sư của sự biến đổi nhanh chóng Malaysia thành một nền kinh tế công nghiệp, chính sách của ông đã giúp đất nước khắc phục sự lệ thuộc về hàng hóa. Tuy nhiên, Mahathir đã để lại một di sản vừa quý báu vừa tồi tệ cho người kế nghiệp ông là Abdullah Ahmad Badawi, Thủ tướng thứ năm của nước này.
Abdullah có thể có cách nhìn riêng về tương lai quan hệ Malaysia-Nhật Bản, và phải xử lý cái di sản thừa hưởng của Chính phủ Mahathir, kể cả vấn đề doanh nghiệp thép Perwaja Steel và hãng chế tạo ô-tô Proton, những liên doanh giữa Malaysia với Nhật Bản được thành lập để thúc đẩy công nghiệp nặng, nhưng không hoàn toàn đạt kết quả mong đợi. Dù sao, di sản đó vẫn là sản phẩm của tinh thần dân tộc mà nhiều người bàn cãi.
Trong một cuốn sách về Mahathir Mohamad, tác giả Khoo Boo Teik([1]) bàn tỉ mỉ vấn đề này. Khoo Boo Teik khẳng định rằng, quan điểm của Mahathir, từ những ngày ông bắt đầu sự nghiệp chính trị, đã hoàn toàn mang tư tưởng dân tộc. Là một nghị sĩ trẻ những năm 1960, Mahathir là một người Mã Lai kiên quyết đấu tranh chống sự khống chế kinh tế của Hoa kiều, và qua thời gian, tinh thần dân tộc của ông dần dần phát triển. Đến khi đã là một chính trị gia trưởng thành và giữ chức thủ tướng, Mahathir trở thành một người Malaysia dân tộc chủ nghĩa, và trong những năm 1980, Mahathir tự coi mình là người phát ngôn của Thế giới thứ Ba.
Khoo Boo Teik nói rằng, Mahathir rất lo ngại về tác động tai hại của toàn cầu hóa đối với các nước kém phát triển. Nhận thức này kích động Mahathir tấn công các trung tâm thương mại và tài chính hùng mạnh trên thế giới, đả kích một trật tự thế giới không công bằng. Một trong những đặc điểm của chủ nghĩa dân tộc Mahathir là xu hướng chống phương Tây, ông coi mình có sứ mệnh bảo đảm sự tồn tại của Malaysia giữa sự cạnh tranh kinh tế toàn cầu gay gắt. Khuynh hướng chống phương Tây của ông ảnh hưởng tới sự phát triển quan hệ Malaysia-Nhật Bản về cả kinh tế lẫn chính trị.
Chủ trương “Nhìn về phương Đông”
Mahathir bắt đầu công kích phương Tây đầu những năm 1980. Tiếp theo chính sách “Nhìn về phương Đông” là cuộc vận động “Mua của người Anh sau cùng”, một cuộc vận động có thể được giải thích là đòn trả thù của chính phủ Malaysia đối với hai quyết định của chính phủ Anh. Quyết định thứ nhất là tăng học phí của sinh viên nước ngoài ở các trường đại học Anh. Quyết định thứ hai là siết chặt một số luật lệ đầu tư sau khi chính phủ Malaysia tiếp thu quyền kiểm soát một công ty Anh.
Đáng chú ý là, chính sách “Nhìn về phương Đông” được thông báo trong dịp ngoại trưởng Anh đến thăm Kuala Lumpur để hàn gắn quan hệ sứt mẻ với Malaysia. Trong một bài viết về quan hệ Malaysia-Nhật Bản([2]), Khadijah Md. Khalid nói rằng thời gian thông báo chính sách này đã được tính toán kỹ, để “báo tin về ‘chuyện tình’ mới với Nhật Bản và nỗi thất vọng với nước Anh”. Cuộc vận động “Mua của người Anh sau cùng” là một phần ý muốn của Mahathir Mohamad định gạt bỏ ông chủ thuộc địa cũ, đồng thời bắt đầu tìm kiếm một khuôn mẫu mới cho Malaysia trong số các nước Đông Á. Chủ trương “Nhìn về phương Đông” trở thành nền tảng quan hệ Malaysia-Nhật Bản.
Ông Mahathir tin rằng, Nhật Bản và Hàn Quốc, hai nước Đông Á đã thành công lớn về kinh tế, có thể cung cấp một chiến lược phát triển khác và trở thành mẫu mực cho Malaysia. Ông bắt đầu khuyến khích người Malaysia học tập “phương Đông” chứ không phải “phương Tây” Từ ngày áp dụng chính sách “Nhìn về phương Đông”, Mahathir tập trung cố gắng vào việc tăng cường quan hệ giữa Malaysia với Nhật Bản để tạo ra một mối liên hệ đặc biệt. Theo nhận xét của Johan Saravanamuttu([3]), thì chính sách “Nhìn về phương Đông” báo hiệu “một quan hệ quyết định với ‘phương Đông’, sẽ tồn tại suốt thời kỳ cầm quyền của Mahathir”([4]).
Coi Nhật Bản là hình mẫu cho Malaysia, ông Mahathir Mohamad khuyến khích đồng bào ông học tập đạo đức lao động và giá trị của người Nhật. Để hỗ trợ sự “chuyển giao giá trị” từ Nhật Bản, chính phủ Malaysia đưa ra một chương trình giáo dục mới, cấp học bổng cho hàng trăm thanh niên có tài sang học và thi lấy học vị ở các trường đại học Nhật. Theo chính sách “Nhìn về phương Đông”, đạo đức của xã hội Đông Á, đạo đức lao động và phong cách quản lý của nó, sẽ được thúc đẩy tại Malaysia. Đồng thời, ông Mahathir nhấn mạnh rằng “Nhìn về phương Đông…không có nghĩa là mua tất cả các hàng hóa từ các công ty của phương Đông hay ký tất cả các hợp đồng với các công ty đó, trừ phi cái họ đưa ra là tốt nhất”.
Chính phủ Nhật Bản đánh giá cao chính sách “Nhìn về phương Đông”, coi đó là cơ sở của “quan hệ đặc biệt” giữa Nhật Bản và Malaysia. Đại sứ Masaki Konishi của Nhật Bản ở Malaysia tuyên bố rằng “cả Nhật Bản và Malaysia đều nhờ Tiến sĩ Mahathir mà có quan hệ rất tốt đẹp”. Đại sứ miêu tả Mahathir là một người bạn lớn của nước Nhật “đã đóng góp to lớn cho quan hệ song phương”. Chính phủ Nhật Bản bày tỏ hy vọng rằng, quan hệ giữa hai quốc gia sẽ giúp tăng cường mối liên hệ của nước Nhật với toàn thể Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Tuy nhiên, mặc dầu được chính thức ủng hộ, chính sách “Nhìn về phương Đông” vẫn bộc lộ nhiều điểm yếu. Trước hết, chính sách đó chẳng đưa ra một chương trình kinh tế thích đáng nào, nó là một sản phẩm phụ của xu hướng chống phương Tây mà Mahathir theo đuổi. Nó là tuyên ngôn chính trị của cá nhân ông hơn là một quyết định tập thể của Chính phủ Malaysia. Thứ hai, chính sách “Nhìn về phương Đông” không chú trọng tới những khác biệt cơ bản trong bối cảnh xã hội và chính trị của Nhật Bản và Malaysia.
Theo nhận xét ngắn gọn của Khadijah Md. Khalid, thì “Tiếc thay cho Mahathir, nước Malaysia không phải là Nhật Bản”. Bà nói rằng, mặc dầu chính sách “Nhìn về phương Đông” được đề ra cách đây hơn 20 năm, người Malaysia vẫn chưa sẵn sàng chấp nhận hoàn toàn “cái gọi là những giá trị của Nhật Bản”, trong đó có đạo đức lao động, kỷ luật, và lòng trung thành. Nói cách khác, những khác biệt lớn về văn hóa giữa hai nước đã trở thành vật chướng ngại cản trở sự chuyển giao khuôn mẫu Nhật Bản - kể cả đạo đức lao động Nhật Bản – cho Malaysia. Kết quả là, chủ trương “Nhìn về phương Đông không đạt được mục đích mong muốn là khắc sâu đạo đức lao động tích cực vào tâm trí người Malaysia, đặc biệt thanh niên”.
Chương trình giáo dục theo hướng “Nhìn về phương Đông”, chủ trương đưa hàng trăm người Malaysia sang học và thi lấy bằng cấp ở các trường đại học Nhật Bản, trở thành cái đích phê phán. Một bộ trưởng trong Chính phủ Malaysia là Mustapa Mohamed bày tỏ nỗi thất vọng như sau về năng lực những người tốt nghiệp ở Nhật Bản: “Trong số 1.200 sinh viên được gửi đi học, theo chủ trương Nhìn về phương Đông của Chính phủ, chỉ có 12 người trở thành nhà doanh nghiệp thành đạt”([5]). Ngoài năng lực tầm thường của sinh viên tốt nghiệp, chẳng bằng chứng nào cho thấy có sự “chuyển giao giá trị”. Một số nhà nghiên cứu lưu ý tới ý nghĩa tiêu cực của chính sách “Nhìn về phương Đông”. Thí dụ, Wendy Smith, bình luận về tác động xã hội-văn hóa tiêu cực như sau: “Mỉa mai thay, có thể nói rằng tác động của chính sách Nhìn về phương Đông là sự truyền bá karaoke hơn là đạo đức lao động”([6]).
Trước những lời chỉ trích đó, Chính phủ Nhật Bản vẫn ủng hộ chính sách “Nhìn về phương Đông”, thậm chí cung cấp những khoản tiền đặc biệt để “cứu” chương trình giáo dục lúc Malaysia bị tác động của khủng hoảng kinh tế Châu Á cuối những năm 1990. Số tiền 127 triệu đô-la cho vay đã tạo điều kiện cho 1.400 sinh viên Malaysia sang Nhật Bản học năm 1998 và 1999, ngoài 75 triệu đô-la để cấp học bổng cho 440 sinh viên theo học về cơ khí và khoa học. Sự ủng hộ chính sách “Nhìn về phương Đông” có tính chất thực dụng. Thí dụ, trong số 1 tỉ đô-la Chính phủ Nhật Bản cho Malaysia vay để khắc phục hậu quả của khủng hoảng kinh tế, một phần năm được chi cho sinh viên học ở Nhật Bản.
Đầu tư của Nhật Bản
Từ những năm 1970, các tập đoàn đa quốc gia (MNC) Nhật Bản đã có mặt khắp Đông Á. Một mạng lưới sản xuất tinh vi mà các MNC này thiết lập được gọi là “kiểu ngỗng bay” của sự hội nhập kinh tế Đông Á, một mạng lưới được xây dựng bằng đầu tư trực tiếp của nước ngoài và thương mại quốc tế. Trong kiểu hội nhập kinh tế không chính thức này, Nhật Bản là “con ngỗng đầu đàn” vì là nước Châu Á đầu tiên “cất cánh” về kinh tế, còn hàng “ngỗng thứ hai” là Hàn Quốc, Đài Loan, và Singapore, tiếp theo là hàng “ngỗng thứ ba” gồm các nước ASEAN. Mạng lưới sản xuất này giúp một số nước Đông Á cất cánh về kinh tế. Mahathir hiểu rõ tiềm năng to lớn của quan hệ kinh tế mật thiết với Nhật Bản đối với sự phát triển của Malaysia.
Để thực hiện chương trình công nghiệp nặng, Mahathir quyết định sử dụng nguồn tài chính, bí quyết công nghệ, và năng lực quản lý của các công ty Nhật Bản. Ông tìm kiếm sự ủng hộ của các MNC Nhật Bản cho chương trình kinh tế của mình, và cố gắng thiết lập quan hệ chặt chẽ với họ. Rõ ràng Mahathir cần vốn đầu tư của Nhật để đẩy Malaysia lên vị thế một quốc gia phát triển đầy đủ năm 2020. Để thúc đẩy nỗ lực công nghiệp hóa, Mahathir khuyến khích các hãng của Nhật liên doanh với các công ty Malaysia. Chương trình công nghiệp nặng của ông được thực hiện trong các liên doanh của Nhật Bản với Tập đoàn Công nghiệp nặng Malaysia (HICOM), và như vậy, các MNC mạnh của Nhật bắt đầu cộng tác với các công ty Malaysia. Thí dụ, Tập đoàn Mitsubishi Motors ký một thỏa thuận với HICOM để thành lập công ty sản xuất ô tô Proton của Malaysia. Một tổ chức công nghiệp khổng lồ khác là Tập đoàn Nippon Steel liên doanh với HICOM để xây dựng nhà máy thép Perwaja Steel.
Cuối những năm 1980, tình trạng giảm sút đầu tư tại Malaysia kết thúc, đầu tư trực tiếp của Nhật Bản phát triển đến đỉnh cao, do hai nhân tố. Thứ nhất, Chính phủ Malaysia áp dụng biện pháp khuyến khích đặc biệt để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Thứ hai, đồng yen Nhật Bản sau Hiệp ước Plaza (1985) tăng giá mạnh so với đồng đô-la Mỹ, khuyến khích các công ty Nhật Bản tăng cường đầu tư ở nước ngoài. Năm 2006, có 1.199 công ty liên doanh Nhật Bản ở Malaysia, các MNC Nhật xây dựng chi nhánh và nhà máy khắp nơi, kể cả ở những bang tương đối xa như Kelantan, Perlis, Sabah, và Sarawak([7]). Các khoản đầu tư này góp phần mở rộng thị trường lao động Malaysia, khi nhà máy và cơ quan mới cung cấp cơ hội kiếm việc làm cho các vùng nông thôn. Một số MNC Nhật Bản cam kết duy trì chi nhánh ở Malaysia. Các cơ sở của Sony, Hitachi, và Matsushita-Panasonic đã hoạt động tại đấy hơn hai chục năm.
Đầu tư của Nhật Bản đổ vào Malaysia dẫn đến quan hệ song phương cân bằng hơn, khi các công ty Nhật bắt đầu xuất khẩu hàng hóa chế tạo ở Malaysia trở về Nhật Bản. Trước những năm 1980, một nước đang phát triển thường xuất khẩu nguyên liệu sang một nước phát triển, và nhập khẩu hàng hóa từ đấy về. Mặc dù đầu tư trực tiếp của Nhật Bản đã có mặt thường xuyên ở Malaysia và nhiều nơi khác của Châu Á trong mấy thập kỷ, và góp phần vào sự cất cánh ở một số nước trong khu vực, nhưng các vấn đề kinh tế khu vực vẫn chưa được thảo luận và phối hợp. Để khắc phục thiếu sót này, và để đối trọng với các khối kinh tế khác đang hình thành ở châu Âu và Bắc Mỹ, ông Mahathir đưa ra đầu những năm 1990 sáng kiến thành lập EAEC như đã nói, một nhóm kinh tế khu vực hoàn toàn Đông Á. Đề nghị đó được coi là một ý kiến thẳng thắn đầu tiên muốn xây dựng một tổ chức ở Đông Á nói chung.
Nhưng chẳng những Mahathir mong Nhật Bản tham gia EAEC, mà còn muốn nước Nhật lãnh đạo tổ chức đó. Ông đề nghị gạt các “nước da trắng” ra ngoài nhóm này, như Hoa Kỳ, Australia, Canada, và New Zealand. Ồng muốn thuyết phục Nhật Bản biến khả năng kinh tế của mình thành sức mạnh chính trị. Tuy nhiên, không giống chính sách “nhìn về” Nhật Bản của ông, khái niệm phát triển quan hệ Malaysia-Nhật Bản bằng cách cộng tác với nhau trong EAEC không được Chính phủ Nhật Bản tiếp nhận mặn mà. Sự lạnh nhạt đó phủ bóng đen lên quan hệ song phương vốn chặt chẽ và thân tình trong nhiều thập kỷ. Nhật Bản không nhiệt tình tham gia và lãnh đạo EAEC một phần do sự chống đối của Chính phủ Hoa Kỳ. Ngay từ đầu, Mỹ đã không ủng hộ việc thành lập EAEC, và coi tổ chức này là thừa. Nước Nhật không thể coi nhẹ lập trường của Chính phủ Mỹ, vì thế lạnh nhạt với kế hoạch của Mahathir.
Trái ngược với lập trường của Chính phủ Nhật, giới kinh doanh và các MNC lớn của nước này lại nhiệt tình với đề nghị của Mahathir về EAEC. Một số nhà lãnh đạo có ảnh hưởng của giới doanh nghiệp, trong đó có chủ tịch Yotaro Kobayashi của Fuji Xerox, đã lên tiếng ủng hộ EAEC. Tờ báo Far Eastern Economic Review ngày 20 tháng Tám 1992 đăng bài của Anthony Rowley viết rằng: “Chính sách Nhìn về phương Đông của nhà lãnh đạo Malaysia, ban bố trong những năm 1980, làm cho người Nhật hãnh diện, và tuy Tokyo công khai khước từ lời Mahathir kêu gọi thành lập EAEC, nhưng đề nghị đó được ủng hộ nhiều tại Nhật Bản”.
Nhận xét chung
Trước hết, mặc dầu Malaysia đã trở thành điểm đến hàng đầu của JDI (đầu tư trực tiếp của Nhật Bản) trong ASEAN, nhưng chẳng ai thấy mối liên quan giữa đầu tư của Nhật Bản với chủ trương “Nhìn về phương Đông” của Mahathir. Lúc chủ trương “Nhìn về phương Đông” được thực hiện đầu những năm 1980, đầu tư của Nhật Bản giảm sút nhiều. Từ năm 1981 đến 1986, chỉ có 37 công ty mới của Nhật lập chi nhánh ở Malaysia. Trong cuốn sách Nhật Bản và sự phát triển của Malaysia, Mehmet Sani Denkar cho rằng đầu tư giảm sút là do “nhiệt tình đầu tư giảm, nhất là trong ngành chế tạo, liên quan đến hoàn cảnh kinh tế ảm đạm ở Malaysia và quốc tế”.
Đầu tư của Nhật Bản vào Malaysia chỉ tăng cường trong những năm giữa 1980, do đồng yen của Nhật lên giá so với đồng đô-la. Sự tăng cường này là một phần của cái gọi là “đợt thứ hai” của JDI đổ vào Đông Nam Á. Để giảm chi phí sản xuất, các MNC Nhật Bản bắt đầu xây dựng một mạng lưới sản xuất rộng rãi trong khu vực bằng cách tích cực đầu tư vào các nước Đông Nam Á, trong đó có Malaysia. Hàng hóa chế tạo ở các nhà máy Nhật Bản tại Đông Nam Á được xuất khẩu về Nhật hoặc các thị trường nước ngoài khác. Đầu tư của Nhật Bản giúp Malaysia cùng các nước ASEAN khác trở thành những trung tâm chế tạo trong khu vực.
Tuy “đợt thứ nhất” của sự bành trướng kinh tế Nhật Bản vấp phải phong trào chống Nhật trong khu vực những năm 1970, nhưng khi đợt thứ hai tràn tới những năm 1980, hầu như chẳng có hành động nào chống sự hiện diện kinh tế của Tokyo. Lúc đó, đầu tư của Nhật Bản được công nhận là nguồn thu nhập quý giá cho các nền kinh tế địa phương, các công ty Nhật tạo ra việc làm mới và khiến thương mại quốc tế mạnh mẽ lên. Các chính phủ ở Đông Nam Á áp dụng nhiều biện pháp khuyến khích để thu hút các MNC Nhật Bản, như thế nghĩa là họ có cách giải thích riêng về chính sách “Nhìn về phương Đông”. Malaysia và các nước Đông Nam Á kia chỉ khác nhau ở chỗ, nhà cầm quyền Kuala Lumpur tuyên bố đường lối kinh tế và chính trị thiên về Nhật Bản bằng cách chính thức thông báo ý định “Nhìn về phương Đông”.
Kiểu đầu tư nói trên cho thấy chính sách thân Nhật Bản của Mahathir chỉ đóng một vai trò hạn chế trong việc thu hút các công ty Nhật. Khadijah Md. Khalid nói rằng: “Các công ty Nhật vẫn đầu tư vào Malaysia mà chẳng cần nước này có chiều hướng thân Nhật”. Đầu tư của Nhật Bản phần lớn được quyết định bằng nhân tố kinh tế hơn là lý do chính trị, vì Malaysia chẳng phải là điểm đến duy nhất của nhà đầu tư Nhật Bản. Các nước ASEAN khác như Thái Lan và Đông Dương cũng đã tiếp nhận đầu tư nhiều của Nhật Bản.
Tuy đầu tư của Nhật Bản có lợi cho Malaysia, nhưng cũng có một số thất bại lớn. Một trong những dự án nhiều tham vọng nhất của Mahathir là công ty Perwaja Steel, liên doanh Nhật Bản-Malaysia thành công nhất. Chẳng những nó không chuyển giao được công nghệ cần thiết từ Nhật Bản, mà còn thua lỗ nhiều. Tuy vậy, Mahathir vẫn chứng minh dự án yêu quý của ông là đúng, và thông báo rằng chính phủ biết rõ khó khăn khi muốn thu lãi lớn trong công nghiệp thép, nhưng “sẵn sàng mất tiền”([8]).
Năm 2006, nhà máy Perwaja Steel lỗ khoảng 10 tỉ ringit (tức 2,7 tỉ đô-la), một thất bại lớn nhất về tài chính. Tập đoàn Nippon Steel nhận xây dựng một thiết bị trong nhà máy thép của công ty Perwaja Steel, nhưng thiết bị đó vận hành không tốt và bị đóng cửa. Nippon Steel bỏ tất cả các cổ phần và quyết định từ bỏ dự án. Sau khi thay đổi cơ cấu, Perwaja Steel nợ rất nhiều. Đầu năm 2004, trong “cuộc chiến chống tham nhũng” do người kế nhiệm Mahathir là Abdullah Ahmad Badawi khởi xướng, nguyên Giám đốc điều hành của Perwaja Steel là Chia Eng Hock bị bắt giam, và bị buộc tội đã gian dối cho phép Perwaja Steel trả 76,4 ringit (tức 20,1 triệu đô-la) cho tập đoàn NKK của Nhật Bản.
Một dự án lớn khác của Mahathir là hãng sản xuất ô-tô Proton tuy làm ăn khá hơn, nhưng bất lợi đã bộc lộ ngay từ đầu trong việc xây dựng một công nghiệp ô-tô quốc gia. Bất lợi rõ nhất là cuộc cạnh tranh toàn cầu gay gắt với những hãng sản xuất ô-tô nổi tiếng thế giới để giành nhau một thị trường Malaysia rất hạn chế. Proton biết rõ thế yếu của mình, công nhận rằng “vẫn còn một con đường dài nữa phải đi”.
Quan hệ giữa Proton với Mitsubishi Motors cũng có vấn đề. Trong những năm 1990, đã có người lo lắng về tiến độ chuyển giao công nghệ từ Nhật Bản. Bản thân ông Mahathir phàn nàn rằng, công ty Nhật rất chậm áp dụng cải tiến công nghệ cho công ty Malaysia. Để bớt phụ thuộc về công nghệ vào Mitsubishi Motors, hãng Proton mua một cổ phần năm 1996 trong công ty sản xuất ô-tô thể thao Lotus của Anh. Năm 2000, Proton mất tín nhiệm khi không bán được đợt thứ nhất xe Proton Perdana vì những hỏng hóc, và bây giờ, đang đấu tranh để duy trì chỗ đứng ở thị trường trong nước sau khi thua lỗ khá lớn.
Ngoài thành tích kém cỏi của một số liên doanh Malaysia-Nhật Bản, tiếng tăm của các công ty Nhật còn lu mờ do lời cáo buộc “xuất khẩu ô nhiễm”. Giữa những năm 1980, dân chúng ở bang Perak buộc tội công ty ARE (Đất hiếm), một liên doanh giữa tập đoàn hóa chất Mitsubishi Chemical với Malaysia, đã đổ rác thải phóng xạ gần nhà máy. Năm 1985, cuộc tranh chấp được đưa ra trước pháp luật, và tòa án địa phương đứng về phía dân chúng, ra lệnh cho ARE ngừng hoạt động. Không hài lòng với phán quyết này, ARE kháng án lên Tòa án Tối cao năm đó. Tháng 12 năm 1993, Tòa án Tối cao xử cho ARE thắng kiện, thế là công ty này được phép tiếp tục hoạt động. Tuy nhiên, một chiến dịch được phát động ở Nhật Bản đòi ARE đóng cửa nhà máy, hơn bốn triệu chữ ký được thu thập để gây sức ép với Mitsubishi Chemical. Tháng 1 năm 1994, ARE cuối cùng đình chỉ công việc.
Thất bại và tai tiếng của một số liên doanh, cộng với hy vọng tiêu tan về công nghệ hiện đại, đã khiến nhiều người trong chính quyền Mahathir cũng đâm ra chán nản các công ty đa quốc gia Nhật Bản. Trong cuốn sách nhan đề Nhật Bản có còn là số một không?, Vogel bình luận rằng, sau những sự việc xảy ra trong công nghiệp thép và ô-tô Malaysia, “ban lãnh đạo Malaysia hơi cảnh giác với các doanh nghiệp Nhật Bản”.
Kết luận
Lãnh đạo một nước nhỏ đang phát triển, Mahathir là một người nặng tư tưởng dân tộc. Chủ nghĩa dân tộc của ông có một phương hướng rõ rệt, trước hết là đường lối chống phương Tây, nhưng cũng do sự mơ tưởng về thành công của Malaysia, một thành công mà ông nghĩ là đã bị chính sách của các ông chủ thuộc địa cũ ngăn trở. Với lập trường chống phương Tây, Mahathir tìm cách thiết lập những liên minh ở phương Đông, trong đó ông lựa chọn những nước đã thành công lớn về kinh tế. Để bắt chước những nước này, ông đưa ra chính sách “Nhìn về phương Đông”.
Tuy nhiên, Mahathir chẳng nhận thấy rằng ý chí chính trị của ông và sự ủng hộ ông giành được chưa thể giúp chính sách đó đạt kết quả, vì nó thiếu một đường lối chỉ đạo rõ rệt, một kế hoạch. Ngoài ra, còn phải chú ý tới những khác biệt về văn hóa và lịch sử giữa Nhật Bản và Malaysia.
Thi hành chính sách thân Nhật, Mahathir mong sáng kiến của mình được Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ đầy đủ, nhưng ông đã phán đoán sai lầm vì Nhật Bản không sẵn sàng ủng hộ xu hướng chống phương Tây của ông. Trong khi xây dựng quan hệ song phương với Malaysia, Chính phủ Nhật còn phát triển quan hệ với các nước ASEAN. Nhật Bản coi Malaysia là một nước hữu nghị và sẵn lòng thiết lập “quan hệ đặc biệt”, nhưng đừng làm tổn hại quan hệ tốt đẹp với đồng minh phương Tây, nhất là Hoa Kỳ.
Đối với Nhật Bản, nước Malaysia là một đối tác kinh tế trung kiên, một điểm đến vững chắc của đầu tư, và một đường dây liên lạc tiềm tàng để phát triển quan hệ với các nước ASEAN. Khi nào lợi ích của hai nuớc phù hợp nhau, thì quan hệ song phương phát triển êm ả và cùng có lợi. Chẳng hạn, chương trình giáo dục có thể được xem là nỗ lực hợp tác thành công nhất. Mục tiêu của Nhật Bản là thu hút nhiều sinh viên nước ngoài vào các trường đại học của mình, trong khi tham vọng của Malaysia là muốn gửi thanh niên sang học để lấy bằng cấp ở Nhật Bản.
Nhưng trong khi Mahathir muốn hướng đất nước nhìn về “phương Đông”, thì Nhật Bản không có ý định chỉ nhìn sang “Tây Nam”. Chính sách đối ngoại của Nhật Bản sau Chiến tranh Thế giới thứ ưu tiên duy trì quan hệ tốt đẹp với Hoa Kỳ và các nước phương Tây khác. Lúc Mahathir đề nghị thành lập EAEC, một tổ chức khu vực gạt bỏ các “nước da trắng”, và không được Nhật ủng hộ, thì quan hệ song phương mất hài hòa trong chốc lát.
Muốn nâng cấp quan hệ kinh tế lên quan hệ chính trị và thành lập EAEC, Mahathir không cân nhắc tất cả các nhân tố mà Nhật Bản có thể xét đến. Cách tính toán sai lầm của Mahathir đôi khi dẫn đến va chạm về lợi ích giữa hai nước và khiến quan hệ tốt đẹp bị tổn hại.
Chính sách “Nhìn về phương Đông” thiếu cơ sở hợp lý, một số nhà quan sát không coi nước Nhật là một hình mẫu. Robert Zielinski([9]) nói rằng, Malaysia đã đi tới một thảm họa kinh tế vì muốn bắt chước Nhật Bản. Lee Poh Ping([10]) cũng nghi ngờ giá trị của mô hình kinh tế Nhật Bản đối với Malaysia. Ông nói rằng, đối với các quốc gia khác ở Châu Á, thì nước Nhật “bị một đòn nặng từ cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á” đã làm hại sự hoàn hảo của mô hình Nhật Bản”.
Tại nước Nhật, chính phủ đóng một vai trò lớn trong nền kinh tế, và điều tiết sự phát triển nền kinh tế đó. Mahathir noi gương Nhật Bản lúc ông bắt đầu chương trình công nghiệp hóa, và muốn nước mình nhanh chóng trở thành một nền kinh tế công nghiệp, ông thúc đẩy sự phát triển công nghiệp nặng và mời các MNC Nhật liên doanh với các công ty Malaysia. Nhưng động lực thúc đẩy chương trình này là tư tưởng dân tộc, không dựa trên cơ sở thương mại hay kinh tế, nên chẳng có gì lạ khi nó trục trặc.
Coi công nghiệp thép là tối quan trọng cho chương trình công nghiệp hóa, Mahathir không chịu công nhận thất bại hiển nhiên của Perjawa Steel. Hãng sản xuất ô-tô Proton làm ăn khá hơn, nhưng không được hỗ trợ bằng công nghệ hiện đại của đối tác Nhật Bản, chưa kể doanh số giảm sút và những tổn thất về tài chính. Hai dự án nhiều tham vọng nhất của Mahathir trở thành gánh nặng cho cả chính phủ ông lẫn người kế nhiệm.
ĐỖ TRỌNG QUANG
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. New Straits Times (Kuala Lumpur), November 5, 2003.
2. Business Times (Kuala Lumpur), September 21, 2000.
4 The Economist, May 8, 2004.
5. Time, June 15, 1998.
6. Asian Survey, May/June 2007.
([1]) Khoo Boo Teik, Paradoxes of Mahathirism: An Intellectual Biography of Mahathir Mohamad (Kuala Lumpur: Oxford University Press, 1995).
([2]) Khadijah Md. Khalid, “Malaysia-Japan Relations Under Mahathir,” trong cuốn Reflections: The Mahathir Years. (Washington, D.C.: Johns Hopkins University, 2003).
([3]) Johan Saravanamuttu, “Iconoclasm and Foreign Policy – The Mahathir Years”, trong cuốn Reflections: The Mahathir Years (Washington, D. C.: Johns Hopkins University, 2003).