Tác giả: TS. Hoàng Minh Lợi chủ biên
Nhà xuất bản khoa học xã hội, Hà Nội, 2013, 227 trang
Kí hiệu: Vv 2501
Ngày nay, nhiều quốc gia trên thế giới nói chung, ở khu vực Đông Bắc Á nói riêng hiểu rằng, để phát huy tối đa hiệu quả của quyền lực mềm cần phải có các đối sách phù hợp với từng điều kiện, hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Tuy nhiên phương thức tiếp cận và sử dụng quyền lực mềm như thế nào còn phụ thuộc vào quan điểm của mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ để từ đó có thể đưa ra các đối sách thích hợp nhất. Sự gia tăng quyền lực mềm trên thế giới, nhất là của các nước phương Tây, đã tác động mạnh mẽ tới khu vực Đông Bắc Á và cùng với đó, sự gia tăng quyền lực mềm của chính các quốc gia, vùng lãnh thổ khu vực Đông Bắc Á, tiêu biểu là Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, phải đưa ra các “đối sách về sự gia tăng quyền lực mềm” với mục đích ngăn chặn hoặc làm giảm thiểu sự tác động của quyền lực mềm từ bên ngoài, đồng thời gia tăng quyền lực mềm của chính mình.
Sự gia tăng quyền lực mềm tại khu vực Đông Bắc Á, từ đầu thế kỷ XXI đến nay, và tác động của nó tới nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, chỉ ra một thực tế là các quốc gia, vùng lãnh thổ trong khu vực đặc biệt coi trọng lợi thế, sức mạnh của dạng quyền lực này. Trong quá trình hội nhập, hợp tác và phát triển, Việt Nam cần phải có những đối sách thích hợp để biến những lợi thế, sức mạnh trở thành “quyền lực mềm phục vụ hữu hiệu cho việc xây dựng hình ảnh và vị thế quốc gia”. Chính vì thế, việc tìm hiểu “Đối sách của các quốc gia và vùng lãnh thổ ở Đông Bắc Á về sự gia tăng quyền lực mềm” có thể là tham khảo tốt để chúng ta nhìn nhận một cách chủ động trong chiến lược phát triển, nâng cao vị thế trên trường quốc tế, trong đó có đối sách về sự gia tăng quyền lực mềm hiện nay và tương lai. Đây chính là công trình nghiên cứu của tập thể tác giả Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á và TS. Hoàng Minh Lợi chủ biên cho ra đời cuốn sách này. Cuốn sách có nội dung gồm 3 chương:
Chương 1: Quyền lực mềm và những vấn đề nổi bật hiện nay. Ở đây, các tác giả đã đưa ra khái niệm quyền lực mềm và những luận giải khái niệm quyền lực mềm; quan điểm của một số quốc gia và vùng lãnh thổ ở Đông Bắc Á về quyền lực mềm. Đồng thời các tác giả cũng nêu ra những vấn đề nổi bật hiện nay về quyền lực mềm ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Đài Loan.
Chương 2: Đối sách của một số quốc gia và vùng lãnh thổ ở Đông Bắc Á về sự gia tăng quyền lực mềm. Nội dung chính của chương này tập trung vào việc phân tích đối sách của Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc ở khía cạnh những đối sách đã được thực hiện, những thành quả và hạn chế của đối sách, quan hệ giữa quyền lực cứng và quyền lực mềm, định hướng của đối sách trong thập kỷ tới. Bên cạnh đó, các tác giả cũng phân tích đối sách của Đài Loan cụ thể là việc xây dựng một quyết sách về quyền lực mềm của Đài Loan; xây dựng lòng tin ở đối tác; chủ trương thúc đẩy việc quảng bá các giá trị của quyền lực mềm trên trường quốc tế; chính sách vừa hợp tác vừa đấu tranh.
Chương 3: Đặc điểm chủ yếu của quyền lực mềm ở Đông Bắc Á, gợi ý đối với Việt Nam. Trong đó các tác giả đưa ra một số đặc điểm chủ yếu của các đối sách về sự gia tăng quyền lực mềm ở khu vực Đông Bắc Á cụ thể là đối sách về sự gia tăng quyền lực mềm nhằm phục vụ cho lợi ích, sức mạnh quốc gia nhưng nội dung của phương thức tiến hành khác nhau; đối sách để gia tăng quyền lực mềm của các quốc gia và vùng lãnh thổ với trọng tâm tập trung vào lĩnh vực văn hóa; đối sách của mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ là sự thể hiện quan điểm, mục tiêu về sự gia tăng quyền lực mềm với những điểm tương đồng và khác biệt. Bên cạnh đó các tác giả cũng phân tích tác động của các đối sách về sự gia tăng quyền lực mềm ở khu vực Đông Bắc Á; đưa ra một số bài học kinh nghiệm và ý kiến gợi mở đối với Việt Nam.
Với những nội dung đã được đề cập ở trên, cuốn chuyên khảo này đã cung cấp những thông tin bổ ích, là nguồn tham khảo tốt đối với Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế hiện nay. Xin giới thiệu cuốn sách tới bạn đọc.
Thực hiện: Hà Hậu
Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á