Trang chủ

NGHIÊN CỨU NHẬT BẢN Ở AUSTRALIA

Đăng ngày: 20-09-2013, 16:30 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2009 » Số 6

Cuối năm 2007, Viện Nghiên cứu Hoa Kỳ thuộc Đại học Sydney đã tiến hành một cuộc điều tra dư luận với quy mô lớn nhằm tìm hiểu về thế giới quan, ý thức về quan hệ quốc tế và suy nghĩ về chính sách của các nhà lãnh đạo các nước trên thế giới. Kết quả của cuộc điều tra đã khiến giới truyền thông và các chuyên gia  trong lĩnh vực quan hệ quốc tế bất ngờ. Đặc biệt, mặc dù người Australia coi trọng quan hệ đồng minh với Hoa Kỳ song lại không đánh giá cao năng lực lãnh đạo của nước Mỹ. 59% người dân cho rằng có thể tin cậy vào Hoa Kỳ. Trong khi đó, những người có ấn tượng tốt về khả năng lãnh đạo của Trung Quốc là 56%, có nghĩa là mức độ gần như tương đương. Những người ủng hộ chính sách đối ngoại của Tổng thống Bush chỉ chiếm 4%, 42% người được hỏi phản đối.  Trong khi đó, 75% người dân Australia cho rằng Nhật Bản là nước có thể tin cậy nhất.

Đối với tôi, một người sinh ra trong chiến tranh, kết quả này đặc biệt thú vị. Khi tôi còn nhỏ, không có đất nước nào bị ghét bằng nước Nhật. Từ sau Chiến tranh Nhật - Thanh, Chiến tranh Nhật - Nga, Đế quốc Nhật Bản dần dần trở thành quốc gia tiềm ẩn nguy cơ chiến tranh lớn nhất đối với Australia. Trong Đại chiến Thế giới thứ 2, quân đội Đại đế quốc Nhật Bản đã ném bom các thành phố của Australia, ở Đông Nam Á, Papua New Guinea và các đảo Tây Thái Bình Dương, quân đội hai bên đã giao tranh ác liệt không thương tiếc. Rất nhiều người dân Australia đã trải qua các trại tập trung của Nhật, trong đó có những người thân của tôi. Thời tiểu học, trung học cơ sở, khi chúng tôi chơi trò đánh trận giả, kẻ thù luôn là quân đội Nhật.

Và giờ đây, Nhật Bản trở thành nước có thể tin cậy nhất. Đằng sau sự biến đổi về tình cảm đối với người Nhật của người Australia hẳn có nhiều nguyên nhân. Đó là sự suy vong của Đế quốc Nhật Bản, sự thất bại của tư tưởng Đại Đông Á. Đặc biệt, Điều 9 trong Hiến pháp và chủ nghĩa hoà bình của Nhật Bản sau chiến tranh, sự thiết lập thể chế điều ước an ninh Mỹ-Nhật, sự phục hồi kinh tế Nhật và sự phát triển trong quan hệ kinh tế mật thiết giữa hai nước hẳn là những nguyên do quan trọng nhất. Theo tôi, cũng không thể không nhắc đến ảnh hưởng của sự phát triển nghiên cứu Nhật Bản tại Australia sau chiến tranh. Nhờ nghiên cứu Nhật Bản, không chỉ các học giả và trí thức Australia, mà các chính trị gia, chính quyền, các nhà lãnh đạo giới tài chính và người dân nói chung đều đã hiểu biết hơn về Nhật Bản.

Bây giờ, tôi muốn xem xét kỹ hơn một chút về thực trạng nghiên cứu Nhật Bản tại Australia.

Lịch sử nghiên cứu Nhật Bản ở Australia khá dài và cũng được đánh giá khá cao trên thế giới. Hiện nay, có 40 trường đại học trên toàn quốc, trong số đó có 33 trường cung cấp các khoá học liên quan đến Nhật Bản. Khoảng 15.000 sinh viên đang đăng ký theo học các khoá học này. Không chỉ vậy, toàn quốc có khoảng 425.000 sinh viên đại học, cao đẳng và học sinh đang học tiếng Nhật ở mức độ nhất định. Cho đến nay, các sinh viên ưu tú thuộc chuyên ngành nghiên cứu Nhật Bản tại các trường đại học đã khá dễ dàng hơn trong việc tìm việc tại các cơ quan chính phủ, giới tài chính, truyền thông, trường học và viện nghiên cứu…

Trong trường đại học chủ yếu, nghiên cứu về lịch sử, văn hoá, xã hội, kinh tế hay pháp luật Nhật Bản cũng rất phát triển. Số lượng nhà nghiên cứu Nhật Bản trên toàn quốc là khoảng 250 người, trong đó trên 60% có bằng tiến sĩ. Nếu phân tích theo giới tính, các nhà nghiên cứu nữ là 57% và nam là 43%. Trên một nửa các nhà nghiên cứu là người Australia, còn 35% có quốc tịch Nhật Bản. Nếu nhìn vào độ tuổi, thì 95% trong số họ trên 35 tuổi, còn giới trẻ thì vô cùng ít.

Các nhà nghiên cứu Nhật Bản ở Australia, lẽ đương nhiên, rất nhiều có chung quan tâm với các đồng nghiệp Châu Á, Châu Âu và Bắc Mỹ. Các vấn đề về lịch sử Nhật Bản từ cổ đại đến hiện đại, sự vận động của xã hội Nhật Bản, tình hình kinh tế Nhật Bản là những vấn đề được quan tâm sâu sắc. Tuy nhiên, nói chung, không khí nghiên cứu Nhật Bản ở Australia có khác một chút so với ở Âu Mỹ. Theo tôi, đó là kết quả tất yếu của điều kiện địa lý, lịch sử và tính cách dân tộc của Australia. Truyền thống chi phối là chủ nghĩa hiện thực, chủ nghĩa thực nghiệm và chủ nghĩa nhân đạo. Người Australia có mối quan tâm về con người hơn là những lý luận khoa học xã hội.

Từ cuối những năm 80, số lượng sinh viên đăng ký các môn học liên quan đến Nhật Bản tăng lên mạnh mẽ. Hiện nay, tình hình đã khá ổn định, và nhiều người dự báo tương lai có khuynh hướng giảm ít nhiều. Như vậy, việc duy trì số lượng các nhà nghiên cứu và giáo viên sẽ có thể trở nên khó khăn.

Có 2 vấn đề: thứ nhất là do những đổi thay ở Đông Á và Tây Thái Bình Dương, đặc biệt, cùng với sự phát triển kinh tế và mở rộng ảnh hưởng chính trị đáng kể của Trung Quốc, sự đình trệ tương đối của Nhật Bản, mối quan hệ mật thiết về kinh tế Nhật - Trung…, có khuynh hướng tiêu điểm khiến cho quan tâm của giới trẻ Australia dần hướng vào Trung Quốc đại lục. Truyền thống nghiên cứu Trung Quốc ở Australia cũng lâu đời, và có nhiều thành tựu tuyệt vời. Trong lĩnh vực giáo dục và nghiên cứu, theo tôi sẽ không xảy ra những vấn đề lớn tới mức có khả năng gây nên chiến tranh Nhật - Trung. Sẽ là cách tiếp cận hiện thực nếu các nhà nghiên cứu, sinh viên cùng học tập cả hai nước Nhật Bản và Trung Quốc trong toàn thể Châu Á. Từ đây là thời đại của chủ nghĩa khu vực. Vấn đề thứ hai, sự già hoá trong đội ngũ giáo viên và nhà nghiên cứu là một vấn đề nghiêm trọng hơn. Những người trẻ tuổi ưu tú sẽ không trở thành các học giả nữa. Tôi rất hiểu tâm tư của họ. Trong xã hội vật chất như hiện nay, địa vị của học giả là không cao, tiền lương cũng thấp. Thời gian làm việc thì rất dài, nhiều tạp vụ, hầu như không có thời gian để nghiên cứu nhiều vấn đề, để chậm rãi suy nghĩ và chấp bút những cuốn sách đi vào lịch sử. Tuy nhiên, đây không chỉ là vấn đề về nghiên cứu Nhật Bản ở Australia mà còn là một biểu hiện cho nguy cơ của văn minh hiện đại./.

 

JOHN B. WELFIELD

(GS, Đại học Quốc tế Niigata, Nhật Bản)

0thảo luận