Trang chủ

YOSHIMOTO BANANA – NHÀ VĂN CỦA LÒNG NHÂN ÁI VÀ NHỮNG TỔN THƯƠNG TINH THẦN

Đăng ngày: 23-04-2013, 03:08 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2009 » Số 2

Yoshimoto Banana là một trong văn nữ đương đại nổi tiếng nhất hiện nay ở Nhật Bản. Cùng với Murakami Haruki, Murakami Ryu, cô có tên trong danh sách ba nhà văn Nhật Bản có sách được xuất bản ở nước ngoài nhiều nhất hiện nay. Xuất hiện trên văn đàn lần đầu tiên với tiểu thuyết đầu tay “Kitchen” ngay lập tức Yoshimoto đã làm nên một “Bananamaria” tạm dịch là Hội chứng Banana” trên toàn thế giới.

I. Cuộc đời và tác phẩm

Yoshimoto Banana tên thật là Yoshimoto Mahoko sinh ngày 24/7/1964 tại Tokyo, con gái của triết gia nổi tiếng Yoshimoto Takaaki. Cô đã tốt nghiệp ngành văn, khoa Nghệ thuật của Trường Đại học Nihon. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường Yoshimoto đã chọn bút danh “Banana” (Hoa chuối) - một cái tên mà Yoshimoto cho rằng rất “chúa” và “lưỡng tính”. Sau khi tốt nghiệp đại học, cô bắt đầu chú tâm vào viết tiểu thuyết. Với việc trình làng tác phẩm “Kitchen” (1987) Yoshimoto đã trở thành một hiện tượng văn học Nhật Bản với hơn 2,5 triệu bản sách được tiêu thụ. Tính đến nay “Kitchen” được tái bản hơn 60 lần ngay trên chính quê hương Yoshimoto Banana, và được dịch ra khoảng 20 ngôn ngữ khác nhau trên thế giới như Anh, Pháp, Đức, Braxin, Việt Nam, Hàn Quốc, Trung Quốc(1). Kitchen đã mang đến  giải thưởng văn học Kaien dành cho các nhà văn mới (Kaien Newcomes Writes Prize) năm 1987, giải Umitsubame First Novel Prize, Best Newcomes Artists Recommemded Prize của Bộ Giáo dục Nhật Bản, giải văn chương Izumi Kyoka (Izumi Kyoka Literary Prize, 1988).

Sau “Kitchen” Yoshimoto Banana đã trình làng hàng loạt các tác phẩm khác như: NP, Tsutsumi, Ammira, Lirasd, Asleep…Đến nay tác phẩm của Yoshimoto Banana bao gồm khoảng: 12 tiểu thuyết, 7 tập truyện ngắn một số bài tiểu luận đăng tải rải rác trên tạp chí Văn nghệ xuân thu, Asahishimbun, Nikkei...

Những tác phẩm đã được dịch ở Việt Nam

Amrita, Dịch giả Trần Quang Huy, Nhà xuất bản Hội nhà văn, H. 2008. (Tên tiếng Nhật là Amrita).

NP, Dịch giả Lương Việt Dũng, Nhà xuất bản Hội nhà văn và công ty Nhã Nam, H. 2007.

Vĩnh biệt Tsugumi, Dịch giả Vũ Hoa, Nhà xuất bản Đà Nẵng và công ty Nhã Nam, 2007. (Tên  tiếng Nhật là Goobye Tsugumi).

Nhà bếp (Tên tiếng Nhật là Kitchen), Dịch giả Lương Việt Dũng, Nhà xuất bản Hội nhà văn và Công ty Nhã Nam, 2007.

Thằn lằn (Tên tiếng Nhật là: Tokage), Tập truyện ngắn, Dịch giả Nguyễn Phương Chi, Nhà xuất bản Hội nhà văn và Công ty Nhã Nam, 2008.

II. Một số tác phẩm của Yoshimoto Banana đã được dịch tại Việt Nam

Ngay tại mảnh đất quê hương, văn của Yoshimoto Banana luôn luôn nhận được những ý kiến đáng giá trái ngược nhau. Những nhà nghiên cứu phê bình tiểu thuyết thuộc thế hệ đàn anh cho rằng văn chương của cô không có chiều sâu trong tác phẩm, mang nặng tính chất thương mại, chỉ là thứ văn chương phụ nữ, văn chương nhà bếp thuần tuý. Ngược lại, giới trẻ háo hức đón nhận Yoshimoto, say mê, ca ngợi tác phẩm của cô. Họ tìm thấy ở trong tác phẩm của Banana sự đồng cảm của người cùng thế hệ. Tìm thấy ở đó một vẻ đẹp, chiều sâu ý tưởng của cảm xúc, sự dung hoà giữa truyền thống và hiện đại. Những vấn đề mang tính nhạy cảm của xã hội như: loạn luân, quan hệ đồng giới, chuyển đổi giới tính đều được tác giả viết bằng thái độ cảm thông sâu sắc của một trái tim nhân hậu. Không chỉ với tư cách người cầm bút mà trong các tác phẩm của mình đôi khi Yoshimoto còn hoá thân thành chính nhân vật để trải nghiệm làm tác phẩm có sức thuyết phục rất mạnh đối với người đọc. Truyện của Yoshimoto Banana không hề gợi cho độc giả cảm giác ghê tởm, dị ứng với những vấn đề nhạy cảm đó. Cô không bày tỏ thái độ khuyến khích hay tha thứ mà tất cả đều được nhìn nhận bằng con mắt điềm tĩnh của người quan sát và thái độ xót thương dành cho nhân vật. Những nhân vật của cô luôn là người trẻ tuổi bị tổn thương tinh thần, thể xác nhưng tất cả đều gắng gượng để sống, được an lành, không tuyệt vọng, hướng tới một tương lai tươi sáng hơn.

Bi kịch, cái chết, nỗi đau là chủ đề chủ đạo trong sáng tác của cô. Nhân vật chính trong tác phẩm đều là những cô gái trẻ, cô độc trong cuộc sống hiện đại với những vết thương tinh thần làm tan nát trái tim. Trong “Nhà bếp” cô gái Sakurai Mikage đã mất đi người thân duy nhất trong đời: bà ngoại. Không gia đình, bạn bè, nơi trú chân, cô độc một mình giữa dòng đời. Sau đó, cô tìm thấy tình yêu, hơi ấm gia đình trong một “gia đình mới” hoàn toàn không bình thường: chàng trai mới lớn Yuchi Tanabe cùng bà mẹ của anh. Người mẹ ở đây thực ra là ông bố đã chuyển đổi giới tính sau cái chết của vợ. Trong quy chuẩn đạo đức xã hội vốn có của Nhật Bản, họ là một gia đình hoàn toàn không bình thường. Nhưng, họ thực sự đã làm nên một tổ ấm bởi đơn giản cả ba cùng nhau tìm thấy sự bình an và thanh thản khi ở bên nhau. Tìm thấy ngọn lửa tình yêu, hơi ấm gia đình chính tại căn phòng bếp xinh xắn.  Nhưng tạo hoá luôn luôn thích đùa nên một lần nữa cuộc sống bình yên của Mikage lại bị phá vỡ sau cái chết đột ngột của bà mẹ Eriko. Cả Mikage và Yuchi đều thấy căn nhà trở nên quá lạnh lẽo. Cả hai đã bỏ đi để trốn chạy cảm giác đó, và chính cuộc ra đi lần này lại làm thức tỉnh một điều mà chính họ từ xưa đến nay không để ý đến. Mikage và Yuchi thực sự cần cho nhau, cần để tiếp tục vững bước đi tiếp trên con đường đời đầy cô độc và chông gai này.

Thủ pháp nghệ thuật được Yoshimoto dùng trong tiểu thuyết này chính là một thứ văn xuôi đã tiến gần đến chất thơ, đầy nốt nhạc. Mỗi câu, mỗi dòng đều được Banana gọt giũa cẩn trọng từng từ một. Diễn biến tâm lý của nhân vật Mikage và Yuchi được cô miêu tả tinh tế đến mức Banana chính là hiện thân trong con người, trong ý nghĩ của nhân vật. Tất cả được cô đọng, nén lại trong một không gian hết sức nhỏ bé: Nhà bếp. Với cả người Nhật và người Việt Nam thì nhà bếp chính là nơi tập trung tâm linh của con người. Cô đã thổi vào họ lòng yêu cuộc sống, hâm nóng lại trái tim tuổi trẻ vốn đang bị héo cằn bởi sự kiệt quệ tinh thần. Đem lại cho những con người này một sinh lực mới, sinh lực tuổi trẻ và sự cảm thông của con người với con người. Văn của Yoshimoto Banana là thứ văn của hiện đại khác xa với văn chương truyền thống Nhật Bản gò ép, khô cứng và khuân thước. Văn của cô là văn của lớp trẻ, những người sẽ đem lại luồng sinh khí mới để “Nhật Bản văn học trẻ phục sinh”.

NP” là một thiên tiểu thuyết buồn, đau nhói. NP là tên một bản nhạc, mỗi nhân vật chính là  một nốt nhạc trong bản nhạc đó. Tiểu thuyết xoay quanh cuộc đời của ba nhân vật chính: Saki, Otohito, Sui. Kamazi là bạn gái của Shoji, một dịch giả đã tự tử khi dịch tập truyện của Takase Sarao. Bố của ba nhân vật trên đóng vai trò là người dẫn truyện. Tiểu thuyết được bắt đầu từ câu chuyện số 98, cùng một chuỗi các rắc rối, cuộc gặp gỡ, giấc mơ và cả linh cảm của mình, Kamazi đã trở thành bạn của ba chị em nhà Takase. Cô đã khám phá ra mối quan hệ giữa cô em út Sui, người em gái cùng cha khác mẹ của Saki và Otohito. Cuộc đời của Sui là một chuỗi những kỳ lạ, đớn đau, đổ vỡ. Sui vô tình trở thành người tình của chính cha đẻ rồi anh trai của mình. Sau đó, khi khám phá ra sự thật về cuộc đời của mình. Sui luôn bị giằng xé giữa tình yêu, đam mê và những giới hạn đạo đức xã hội, giữa quá khứ và hiện tại. Sui yêu anh trai của mình bằng một tình yêu đam mê tội lỗi, tình yêu của một cô gái dành cho người đàn ông của mình, của cô em gái dành cho anh trai. Còn Otohito khi biết đó là em gái mình anh vẫn yêu cô say đắm, vẫn đi tìm khi Sui bỏ đi cùng với giọt máu của anh. Điều làm cho đọc giả ngạc nhiên nhất chính là thái độ của Saki, chị gái của Sui và Otohito. Mặc dù biết rất rõ mối quan hệ anh em giữa Sui và Otohito, nhưng Saki không hề có thái độ phản đối hay ghê tởm họ. Saki im lặng bởi cô cảm thông với họ và biết rằng hai con người đó sẽ tìm được lối thoát tốt nhất cho cuộc sống nặng lề, thậm chí còn luôn chấp chới giữa ranh giới “sống - chết”. Cách kết thúc của tác phẩm mở ra cho người đọc nhiều cảm nhận khác nhau về cách nhìn nhận và cách nghĩ của Yoshimoto Banana. Quả thực với những người luôn tiếp cận dòng văn học truyền thống thì cách nhìn của tác giả về mối quan hệ loạn luân này hết sức kỳ quái. Thực ra, Banana có một cái nhìn hết sức nhân đạo và lối viết đầy nhân văn với nhân vật của mình. Yoshimoto đã phản ánh hết sức trung thực xã hội hiện đại Nhật Bản. Trong xã hội hiện đại này, lớp trẻ bị giằng xé giữa truyền thống và hiện đại nên bị suy kiệt trong chính xã hội đó.

Mối quan hệ của ba chị em nhà Takase thực chất là xoay quanh cái trụ hình bóng của người cha. Tình cảm anh chị em, tình yêu, tất cả các mối quan hệ tình cảm ấy thực chất chỉ là sự khát khao tìm lại hình bóng người cha nổi tiếng đã mất của họ. Trong họ luôn luôn tồn tại nhiều loại cảm xúc khác nhau, đối lập, né tránh, khát khao, đam mê, đùm bọc lẫn nhau, vừa như cảm nhận được tương lai của mình, vừa luôn lo sợ không biết điều gì sẽ xảy ra, điều gì sẽ chờ mình ở phía trước. Khi đọc tiểu thuyết này, người đọc cảm thấy rằng cuộc sống của các nhân vật trong “NP” rất chậm, nặng lề và đầy ám ảnh, nhiều khi cảm thấy thời gian gần như ngưng lại. NP được Banana viết bằng văn phong hết sức giản dị, trong sáng nhưng lại được tinh lọc đến từng câu, từng chữ. Mỗi trang, mỗi dòng là tấm lòng của Yoshimoto gửi vào trong đấy những dằn vặt đớn đau, trải nghiệm của chính cô khi hoá thân vào trong nhân vật. Như lời giới thiệu của dịch giả Lương Việt Dũng ở trang đầu của “NP”: “…một không gian vừa hiện thực, vừa hư ảo cùng những nhân vật đều thiện và đẹp với thứ bút pháp miêu tả tâm lý tinh tế đáng khâm phục, tất cả điều đó làm nên một Banana duy cảm, duy mỹ và duy thiện”.

Cũng giống như các tiểu thuyết vừa khác của Yoshimoto Banana, “Vĩnh biệt Tsugumi” là một tập sách mỏng khoảng hơn 200 trang. Khác với hai tiểu thuyết trên, lần này “Vĩnh biệt Tsugumi” được Yoshimoto trình làng với một văn phong hoàn toàn khác lạ đầy tươi mới với một nghị lực tinh thần đáng kể(2). Nhân vật chính là Tsugumi, một cô gái bé nhỏ và mang trong mình rất nhiều căn bệnh và cái chết có thể đến với cô bất cứ lúc nào. Yoshimoto thực sự đã hoà mình vào cùng nhân vật, cùng chia sẻ cuộc sống khó khăn với Tsugumi. Cô gái nhỏ Tsutgumi đã sống và lớn lên trong tình thương yêu bao la của người thân. Do vốn mang một thể trạng yếu ớt, bệnh tật nên cô luôn luôn cáu kỉnh, đập phá, nghĩ ra những trò tinh quái nhất để chọc phá người khác. Đằng sau vẻ hoang dại, man rợ ấy là một Tsugumi hoàn toàn khác, đang cố gắng thắp lên ngọt lửa, duy trì cuộc sống leo lắt của mình. Nhưng chính mối tình đầu đẹp đẽ giữa Tsugumi và chàng thanh niên Kyocho đã làm cho người đọc phải suy nghĩ nhiều nhất. Đẹp, mong manh, luôn luôn gắn với những dự cảm chẳng lành. Biết rằng cái chết sẽ đến với mình bất cứ lúc nào nhưng cô gái đó đã dũng cảm nói lên lời yêu để được yêu, được sống, để sẽ không bao giờ phải ân hận. Chính vì thế cái chết luôn ám ảnh cô sẽ bị đầy lùi ra xa.  Cô gái bé nhỏ ấy đã tự mình “vùng vẫy” bằng trái tim tràn đầy sinh lực, đốt hết ngọn lửa cho đến khi lụi tàn và một đời sống mới được mở ra. Banana trong lời đề dẫn của truyện đã viết về cái kết ấy: “Phần kết của câu chuyện này là sự bắt đầu của một cuộc sống mới của Tsugumi, nghĩa là “cái chết” của một Tsugumi từ trước cho đến thời điểm đó. Tất nhiên, việc đọc và hiểu như thế nào là tuỳ thuộc vào độc giả nhưng tôi đã nhận định như vậy. Từ bây giờ, Tsugumi sẽ lần đầu tiên bắt đầu từ cuộc sống này…”

Amrita” và tập truyện ngắn “Thằn lằn” của Banana được NXB Hội nhà văn cho dịch và ra mắt độc giả vào đầu năm 2008. Đấy chính là bước tiếp nối của: Nhà bếp, NP, Vĩnh biệt Tsugumi. Vẫn là môtip quen thuộc về người phụ nữ đơn độc phải một mình trải qua nỗi đau tinh thần khi mất đi người thân. Nhưng “Amira” là thành công cao độ của Yoshibana trong loạt truyện viết về nỗi đau tinh thần. Những đoạn văn dưới ngòi bút của Banana đã biến thành những câu thơ Haiku một loại thơ nổi tiếng Nhật Bản, giàu tính thanh điệu, giàu ngữ nghĩa biểu cảm. Ngay từ đầu, nhân vật trung tâm Sakumi đã xuất hiện trong một trạng thái uể oải. Và nhịp điệu ấy không có gì thay đổi từ trang đầu tiên cho đến tận trang cuối cùng khi người đọc đã gấp quyển sách lại. Nhịp sống trong chuyện rất chậm, nhiều khi còn ngưng lại. Mọi thứ đều chậm rãi trôi đi đều đặn và tuần tự trong con mắt của Sakumi. Tất cả những đau thương tổn thất đến với Sakumi đều được cô gái đón nhận bình thản như cuộc sống vốn có: Cái chết đột ngột của cô em gái vốn là minh tinh màn bạc. Người em trai có sức mạnh siêu nhiên luôn luôn cảm nhận đoán trước được điều gì sẽ xảy ra trong cuộc sống. Người mẹ đã trải qua hai đời chồng và hiện tại đang có người tình mới. Chính bản thân cô, Sakumi cũng bị tai nạn chấn thương sọ não, phải phẫu thuật rồi bị rối loạn trí nhớ. Ngổn ngang, chông chênh trong những nỗi đau nhưng lại bình thản đón nhận và chấp nhân sống chung với chúng. Dưới ngòi bút của Yoshimoto những khám phá nội tâm của Sakumi được dần dần bộc lộ qua những nỗi đau tinh thần mà cô phải trải qua. Mỗi lần đón nhận một nỗi đau là một lần nội tâm của Sakumi được bộc lộ như từng lớp kén tằm. Khi lớp áo cuối cùng được gỡ bỏ để lại cho chúng ta một Sakumi hoàn toàn khác, cứng rắn, mạnh mẽ, tự tin, tự mình vượt qua được những cơn khủng hoảng, vượt qua được cảm giác cô độc bản thân. Tất cả các nhân vật khác trong tiểu thuyết như bà mẹ không bao giờ bộc lộ tư chất của mình, cậu em trai siêu nhiên với quyết định khó hiểu, cô Junko một người bạn của mẹ Sakumi, người yêu của em gái đã mất người mà Sakumi sống chung trong cùng một mái nhà…, mặc dù chỉ là những nhân vật phụ nhưng mỗi tình tiết, hành động hay diễn tả nội tâm của những nhân vật này đều được Banana miêu tả hết sức tinh tế. Chính vì thế nhân vật chính Sakumi càng được làm nổi bật hơn trong tận cùng nỗi đau tinh thần của mình. Banana thật tài tình khi có thể đưa người đọc đến góc cuối cùng của cảm xúc và rồi đọc giả lại có thể thở ra một cách nhẹ nhõm khi đọc những dòng cuối cùng của câu chuyện “Và cứ thế, dù cho có chuyện gì đã xảy ra, cuộc sống của tôi vẫn không có gì thay đổi và chỉ trôi đi mãi, không ngừng”.

Tựu trung lại, trong các tác phẩm của Yoshimoto Banana tính nhân văn luôn được đặt lên hàng đầu. Những bi ai của đời sống hiện đại, sự mất mát trong đời sống, sự gò ép của xã hội, sự bế tắc của lớp thanh niên trong xã hội hiện đại đều được Banana nhìn nhận một cách khách quan, công bằng thực tế như nó vốn có. Cô nhìn nhận cuộc sống với con mắt của người trong cuộc, của con người thời hiện tại. Trong cái xã hội u ám và tăm tối ấy luôn ẩn náu và cháy lên ngọn lửa của niềm tin, hy vọng và đầy tính nhân văn. Cũng giống như Murakami Haruki cô chịu rất nhiều ảnh hưởng của văn học Âu Mỹ nên trong văn của Banana thỉnh thoảng người đọc vẫn gặp những chi tiết ngoại lai ấy. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa với độc giả trẻ của Nhật Bản và ở nhiều nơi khác trên thế giới không vì những chi tiết đó mà giảm đi lòng yêu thích đối với văn phong của Yoshimoto Banana.

 

LƯU THỊ THU THỦY

(Viện Thông tin khoa học xã hội)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Amrita, Dịch giả Trần Quang Huy, Nhà xuất bản Hội nhà văn, 2008.

2. NP, Dịch giả Lương Việt Dũng, Nhà xuất bản Hội nhà văn và Công ty Nhã Nam, 2007.

3. Vĩnh biệt Tsugumi, Dịch giả Vũ Hoa, Nhà xuất bản Đà Nẵng và Công ty Nhã Nam, 2007.

4. Nhà bếp, Dịch giả Lương Việt Dũng, Nhà xuất bản Hội nhà văn và Công ty Nhã Nam,  2007.

5. Thằn lằn, Tập truyện ngắn, Dịch giả Nguyễn Phương Chi, Nhà xuất bản Hội nhà văn và Công ty Nhã Nam, 2008.

6. Các trang website:

- Web : www.yoshimotobanana.com/

- http://dev.nhatban.net/modules/ttnb/a0049.html

- http://evan.vnexpress.net/New s/diem-sach/2008/04/3B9ADDFA/

- http://evan.vnexpress.net/New s/diem-sach/2007/03/3B9AD72E/

-http://evan.vnexpress.net/New s/chan-dung/2006/ 10/3B9AD3BA/

- van.vnexpress.net/News/diem-sach /2006/11/3B9AD4C1/

- http://www.vtc.vn/vanhoa/12564 /index.htm

- http://www.yoshimotobanana.com /jp/index.html

- http://www.yoshimotobanana. com/jp/index.h

 

 

 

 

 

 

0thảo luận