1. Vài nét tổng quan
Thế giới đang sống trong những năm cuối của thập kỷ đầu tiên trong thế kỷ XXI. Đó là thập kỷ xuất hiện nhiều khuynh hướng quan trọng, trong đó có sự mở cửa và tự do hóa. Vòng đám phán Doha về tự do hóa thương mại toàn cầu cũng đã diễn ra cách đây không lâu. Tại đây, đã có nhiều cuộc thảo luận sâu hơn xung quanh khía cạnh bảo hộ nông nghiệp nhưng kết quả cuối cùng đã thất bại. Một lần nữa, thế giới lại đi vào ngõ cụt trong việc giải quyết vấn đề hết sức nhạy cảm này. Khi bàn luận vấn đề nông nghiệp ở Nhật Bản, đây không phải là một vấn đề mới. Tuy nhiên, chúng ta cũng không có gì là quá ngạc nhiên nhìn vào thực tế ngành nông nghiệp Nhật Bản vẫn được bảo hộ ở một mức độ rất cao. Chính sách bảo hộ nông nghiệp đã được chính phủ nước này theo đuổi từ lâu, bất chấp có những lời chỉ trích và hành động phản ứng gay gắt từ phía các bạn hàng của Nhật Bản. Một bằng chứng thực tế không thể chối cãi là người tiêu dùng ở Nhật Bản và những khu vực khác trong nền kinh tế nước này đã và tiếp tục phải trả một mức giá rất cao cho các sản phẩm nông nghiệp. Hơn nữa, các ảnh hưởng chính trị của những người nông dân và các Hiệp hội của nó như Nokyo (Hợp tác xã nông nghiệp Tổng hợp) vẫn còn rất mạnh trong xã hội Nhật Bản. Họ vẫn có thể được hưởng lợi từ các mức bảo hộ cao nhất trong thế giới của các nước công nghiệp phát triển. Có thể nói trong khi các bạn hàng thương mại chủ yếu của Nhật đã triển khai “một cách khó khăn” những cuộc cải cách nông nghiệp theo khuynh hướng chung về tự do hóa thương mại của WTO thì sự hỗ trợ trong nước của người Nhật Bản cho những thay đổi đó vẫn còn rất yếu. Người ta cho rằng các nhà hoạch định chính sách của Nhật vẫn có thể bám vào khía cạnh chi phí kinh tế cho các chính sách đảm bảo an ninh lương thực và tái phân phối thu nhập cho các hộ nông dân bởi vì người tiêu dùng trong nước và các ngành công nghiệp xuất khẩu có hiệu quả đã không “phàn nàn” một cách quá gay gắt về các mức giá cao đối với các hàng nông phẩm mà đối tượng này tiếp cận trên thị trường.
Tuy nhiên, những năm gần đây đã có những dấu hiệu thay đổi ở Nhật Bản. Khu vực nông nghiệp đã tiếp tục bị co hẹp lại về mặt tỷ trọng khi mà hiện tượng già hoá lực luợng lao động lan rộng đến lớp người lao động nông thôn và công việc đồng áng đã nhanh chóng trở thành một công việc mang tính bán thời gian. Nền kinh tế Nhật Bản sau hơn một thập kỷ suy thoái đang tiếp tục cần phải có những sự điều chỉnh cơ cấu một cách mạnh mẽ, thất nghiệp ở mức cao và thu nhập thực tế đã giảm sút. Điều đó cho thấy giá lương thực cao giờ đây là một vấn đề cho người tiêu dùng trong nước. Và họ đang tự đặt ra một câu hỏi rằng tại sao họ lại phải trả mức giá cao gấp 6 lần khi mua cùng 1 kg gạo hay gấp 4 lần cho 1 lít sữa bò được sản xuất ở trong nước khi so sánh với mức giá trên thị trường thế giới? Hơn nữa, trong thời gian qua việc nới lỏng tự do hoá nhập khẩu đã đưa tới một mức giá thấp đi cho mặt hàng thịt bò và một số hàng nông phẩm khác. Đó là một bằng chứng không thể chối cãi về ích lợi kinh tế. Người tiêu dùng Nhật đã sẵn sàng đón nhận thực tế đó và mức tiêu dùng hàng nông phẩm tăng nhanh.
Như vậy, có thể nói nếu xuất phát từ quan điểm lạc quan cho rằng rõ ràng các giải pháp chính sách trong quá khứ dường như sẽ không còn phù hợp nữa và Nhật Bản đã phần nào phải chấp nhận một thực tế mới đang đổi thay. Vì thế Bộ “Luật cơ bản mới về lương thực, nông nghiệp và khu vực nông thôn” đã được thông qua vào cuối năm 1999 với sự hứa hẹn có những cuộc cải cách mới trong lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, thực tế diễn ra như thế nào thì chúng ta hãy cùng tiếp tục khảo sát thêm trong một số nội dung sau.
2. Chính sách bảo hộ và những tranh luận về việc bảo hộ một khu vực kinh tế đang suy giảm ở Nhật Bản
Sự biện giải của chính phủ Nhật Bản về các giải pháp chính sách theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ của mình nằm ở lập luận cho rằng các hoạt động nông nghiệp ở Nhật Bản là rất khác biệt so với các nước khác. Những khác biệt ấy là rất khó tìm thấy đối với người nước ngoài. Khu vực nông nghiệp Nhật Bản nhìn bề ngoài giống như nông nghiệp ở các nước khác nhưng mà Nhật Bản lại không có nhiều lợi thế cạnh tranh, v.v.. Trên thực tế người ta vẫn luôn đặt ra câu hỏi là: Nông nghiệp Nhật Bản vào đầu thập niên của thế kỷ 21 này chỉ đóng góp chưa đầy 2% tổng GDP nhưng tại sao chính phủ Nhật Bản vẫn kiên quyết bảo vệ một khu vực kinh tế nhỏ bé như thế trong cấu trúc của một nền kinh tế “khổng lồ” và tại sao cải cách nông nghiệp vẫn diễn ra hết sức chậm chạp mặc dù chính phủ nước này cũng đã có các cam kết với cộng đồng quốc tế trong mọi cuộc thảo luận về xu thế tự do hóa thương mại quốc tế?
Sự khó khăn trong cải cách nông nghiệp ở Nhật Bản có thể được giải thích bởi việc chiếm ưu thế của các Hợp tác xã nông nghiệp (Nokyo) và bản chất của nền chính trị Nhật Bản đã dành một sức nặng ghê gớm cho các quyền vận động hành lang ở khu vực nông thôn trong xã hội Nhật Bản. Thực tế đó làm cho các chính sách mới có thể bị gạt sang một bên và trở thành không hiện thực, không hiệu quả và đôi khi trở thành xung đột lợi ích trong các nhóm xã hội. Nhiều người Nhật theo quan điểm bảo thủ cho rằng an ninh lương thực là mục tiêu số 1. Vì thế, tự cung tự cấp lương thực đã được người ta khuyến khích thông qua việc hạn chế nhập khẩu một cách tối đa. Điều này hiển nhiên đã dẫn tới mức giá cao và khuyến khích sản xuất trong nước. Nhà nước có sự can dự rất sâu trong kiểm soát việc cung cấp và ấn định các mức giá cho một số loại hàng hoá nông phẩm ở thị trường nội địa. Các hộ nông dân đã được chính phủ trợ cấp các mức lãi suất ưu đãi để mua máy móc và thiết lập các phương tiện sản xuất, cũng như chính phủ đã đầu tư rất mạnh vào hạ tầng nông nghiệp và nông thôn.
Nếu chỉ với cách nhìn siêu hình từ góc độ đảm bảo vấn đề an ninh lương thực trong sản xuất nông nghiệp, người ta cho rằng nó dường như là một ví dụ minh hoạ ủng hộ mạnh mẽ cho chủ nghĩa bảo hộ thắng thế. Tuy nhiên, nếu đánh giá từ nhiều góc độ khác nhau, chúng tôi thấy vấn đề nông nghiệp – nông thôn ở Nhật Bản cũng còn nhiều điều cần tranh luận thêm trong điều kiện ngày hôm nay. Xuất phát từ góc độ kinh tế, câu hỏi thảo luận có nên hay không nên duy trì bảo hộ?
Thứ nhất, trong qúa khứ, Nhật Bản đã đặt một vai trò rất quan trọng vào nhu cầu để đạt tới việc tự cung tự cấp lương thực. Nhưng chính sách này có thể đang làm tổn thương tới những điều mà nó cố tình bảo vệ. Lương thực có thể được cho là dồi dào ở Nhật Bản nhưng nó lại không được bán ở các mức giá “có thể chấp nhận được” như theo Luật căn bản mới của Nhật Bản mong đợi. Giá cả lương thực vẫn khá đắt, đặc biệt đối với những ai có mức thu nhập thấp. Điều này làm giảm năng lực tiêu dùng của những người tiêu dùng phải mua các hàng hóa và dịch vụ khác, do đó làm tổn thương tơí các nhà cung cấp khác trên cơ sở tạo ra các ảnh hưởng kinh tế mang tính dây truyền. Các mức giá cao tác động tới năng lực tiêu dùng lương thực của cộng đồng và có thể đưa tới làm giảm khả năng an ninh lương thực đối với các nhóm người dễ bị thương tổn. Trên thực tế, tự cung tự cấp lương thực thường sẽ xung đột với các mục tiêu khác. Ví dụ, bằng việc hỗ trợ thu nhập cho người nông dân thông qua việc duy trì các mức giá cao, tính cạnh tranh của khu vực này về mặt dài hạn và khả năng để đảm bảo an ninh lương thực của nó lại bị giảm sút.
Thứ hai, trên thực tế, với sự phụ thuộc nặng nề của Nhật Bản vào một nền nông nghiệp thâm canh để hoàn thành các mục tiêu tự cung tự cấp là một minh chứng không thể chối bỏ. Tuy nhiên, bàn về mục tiêu này, những người theo khuynh hướng tự do hóa nông nghiệp Nhật Bản cũng có thể lập luận rằng nông nghiệp Nhật Bản không thực sự tự cung tự cấp vì nó phụ thuộc một cách nặng nề vào các nguyên liệu đầu vào do nó phải nhập khẩu như là phân bón và dầu mỏ, v.v.. Vì thế, nếu nói Nhật Bản đang đi tìm sự tự cung tự cấp lương thực là một cái đích không có thực và khó hiểu. Nhật Bản đã từng phải nhờ tới việc nhập khẩu sau khi sự tự cung tự cấp về gạo, thực phẩm cơ bản đã bị thất bại trong suốt những năm hạn hán gần đây. Phản ứng lại việc tự do hóa nhập khẩu lương thực trong các hoàn cảnh ấy, những người ủng hộ quan điểm duy trì bảo hộ đã chỉ trích các chương trình tự do hóa đặt ra nhằm giới hạn việc sản xuất lúa gạo và ngăn chặn sự dư thừa. Những chương trình đó ước tính cần phải giảm 25% mức sản xuất lúa gạo hiện thời. Tuy nhiên, suy cho cùng quan điểm phá bỏ hệ thống bảo hộ nông nghiệp cho rằng trong điều kiện thực tế ngày nay nhu cầu của người tiêu dùng đã yếu đi đối với các sản phẩm truyền thống, đặc biệt là gạo sản xuất trong nước và dẫn tới làm giảm tỷ lệ tự cung tự cấp. Như vậy, mục tiêu này lại không đạt được. Sự thay đổi về nhu cầu lương thực sản xuất trong nước phần nào phản ứng lại với các mức giá cao là một điều không thể phủ nhận về mặt kinh tế.
Thứ ba, về những sự biện hộ mới cho việc bảo vệ khu vực nông thôn của chính phủ. Các nhà hoạch định chính sách tuyên bố rằng nông nghiệp Nhật Bản là khu vực kinh tế mang tính đa chức năng. Song, ở Nhật Bản, không ít người vẫn hoài nghi cách nhìn nông nghiệp cung cấp những lợi ích thực sự mang tính tích cực cho môi trường và văn hóa. Rõ ràng, hoạt động canh tác nông nghiệp của người Nhật cần tới một khối lượng lớn phân bón hóa học và các nguyên liệu đầu vào khác. Nó dường như nói lên một điều mang tính phủ định rằng sản xuất nông nghiệp ở Nhật Bản hoàn toàn chỉ mang lại các tác động tích cực cho môi trường sống. Điều này thực sự là không chính xác về mặt khoa học môi trường. Ở trong một số quốc gia, mối quan hệ tương hỗ đã cho thấy giữa việc bảo hộ nông nghiệp và việc phá hủy môi trường là có thực khi họ sử dụng quá nhiều phân bón hóa học và thuốc trừ sâu. Tuy nhiên, quan điểm chính sách của chính phủ Nhật Bản về lĩnh vực nông nghiệp trong thời gian qua vẫn cố gắng theo đuổi nhằm vào 4 mục đích đặt ra là: an ninh lương thực; ổn định xã hội; hỗ trợ thu nhập; và bảo vệ môi trường. Vì thế, để đạt tới các mục tiêu đề ra đó, Nhật Bản đã phải sử dụng các công cụ chính sách như: Hỗ trợ giá; hạn chế việc nhập khẩu hàng nông phẩm; nhà nước kiểm soát trao đổi mua bán gạo; trợ giá bù lỗ cho các nguyên liệu đầu vào ngành nông nghiệp; và đầu tư vào hạ tầng nông nghiệp và nông thôn. Những điều đề cập ở đây lại càng chứng tỏ bản chất của ngành nông nghiệp Nhật Bản vẫn lún sâu hơn vào chiếc ô bảo hộ.
Thứ tư, tranh luận phát sinh về một số lợi ích có được từ các chính sách nông nghiệp của Nhật Bản đối với người dân Nhật Bản và thế giới bên ngoài. Những quan điểm không chủ trương duy trì bảo hộ cho rằng một số lợi ích thu được từ các chính sách nông nghiệp của Nhật Bản còn xa mới có thể bù đắp được với các giá trị mất mát của người tiêu dùng, những nhà sản xuất khác, và nền kinh tế nói chung. Trong khi các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản cổ vũ duy trì hiện trạng giá cả ổn định cho cả người sản xuất lẫn người tiêu dùng và cũng thích sự ổn định thu nhập cho người nông dân. Điều này không thể là những lợi ích tốt nhất cho bất cứ ai cả bên trong xã hội Nhật Bản lẫn bên ngoài.
- Những người tiêu dùng Nhật Bản rõ ràng bị thua thiệt. Với ý nghĩa kinh tế là các mức giá cả ổn định thì không quan trọng bằng việc họ được hưởng các mức giá thấp hơn nữa. Các nhà chế tạo và các ngành dịch vụ, đặc biệt là các ngành công nghiệp xuất khẩu và các ngành công nghiệp chế biến cũng bị mất mát thông qua các yếu tố đầu vào ở mức giá cao. Một số lượng các nhà chế tạo đã phải di chuyển cơ sở sản xuất của họ ra nước ngoài, và xuất khẩu trở lại Nhật Bản hoặc ra thế giới. Theo nghĩa đó thì người Nhật Bản bị mất cơ hội việc làm và nguồn vốn đầu tư chảy ra nước ngoài.
- Những người nông dân đang thụ hưởng những lợi ích ít hơn từ các chính sách được thực thi nhằm bảo vệ họ. Thu nhập của những người lao động nông nghiệp chuyên nghiệp là ở trên mức bình quân thu nhập toàn quốc nhưng đang suy giảm về mặt so sánh tương đối. Sự ổn định giá cả hàng nông phẩm đã không đảm bảo sự ổn định thu nhập của những người nông dân bởi vì sản lượng thường dao động, và các mức giá ổn định làm giảm sự kích thích kinh tế để người nông dân có thể hăng hái vận dụng các tập quán canh tác mang tính thương mại và hiệu quả hơn.
- Mặc dù có thể nói với một số lao động nông nghiệp bán thời vụ có thể được hưởng lợi từ các mức tiền thuế đất thấp đi và mức tiền đền bù cao hơn, nhưng những người nông dân chuyên nghiệp (100% thời gian dành cho hoạt động lao động nông nghiệp) đã cho thấy họ được hưởng lợi ít đi. Thu nhập lao động nông nghiệp cao hơn kéo theo mức giá đất tăng cao hơn nữa dẫn đến làm tăng thêm các chi phí sản xuất và làm giảm mức độ lợi nhuận trên suất vốn đầu tư của sản xuất nông nghiệp. Các mức giá đất cao khuyến khích những người nông dân cố bám lấy đất đai và ngăn cản những chủ trang trại mới hoặc những ai muốn mở rộng quy mô hoạt động canh tác của mình. Và như vậy, họ phải đối mặt với một vấn đề về chi phí vốn đầu tư lớn hơn nhiều. Không ít người nông dân chuyên nghiệp sẽ chấp nhận sự cạnh tranh chừng nào điều này cung cấp cho họ khả năng đổi mới và điều kiện mở rộng quy mô sản xuất.
- Cuối cùng, có những tác động tiêu cực lên các nước khác bao gồm cả các nước đang phát triển. Các chính sách của Nhật Bản đã gây ra ảnh hưởng làm sút giảm sản xuất ở nước ngoài cũng như là truyền dẫn bất kỳ sự bất ổn trong nước ra thị trường thế giới. Nhật Bản thường tuyên bố đất nước này là nhà nhập khẩu hàng đầu trên thế giới, nhưng điều này chỉ đúng khi người ta nhìn vào lý do quy mô nền kinh tế của nó và sự nghèo nàn về các nguồn lực tài nguyên thiên nhiên mà thôi. Các nhà xuất khẩu nước ngoài muốn được phép cạnh tranh ngang bằng với các nhà sản xuất lương thực trong nước. Nhưng điều đó là quá khó để biến thành hiện thực. Trong điều kiện phân tích so sánh các lợi ích kinh tế thuần túy, đây là những cái gì được cho là sự bảo thủ và tính cố hữu của nước Nhật. Chính vì thế nền kinh tế Nhật Bản sẽ phải trả giá để đánh đổi lấy các mục đích chính trị trong nước do chính phủ vẫn cố gắng duy trì sự hỗ trợ cho một khu vực kinh tế nhỏ bé đó là lĩnh vực nông nghiệp đang gây nhiều tranh cãi.
3. Về một số hành động của Nhật Bản với áp lực quốc tế
Mặc dầu, việc xem xét vấn đề trong nước trong thời gian qua, riêng nó đã không đủ để phát động một cuộc cải cách nông nghiệp giống như trong quá khứ nói về cuộc cải cách ruộng đất thời Minh Trị. Tuy nhiên, cũng có những lý giải biện hộ cho rằng sự chậm chạp đổi thay một phần là nằm ở chính nhân tố thuộc về kết quả kinh tế vĩ mô của nền kinh tế Nhật Bản. Cách đây hơn 1 thập kỷ, kinh tế Nhật Bản vẫn đang ở trong giai đoạn suy thoái kéo dài, Nhật Bản khi ấy vẫn đang tìm kiếm trọng tâm vào những nỗ lực cải cách cơ cơ cấu toàn diện nền kinh tế hơn là chỉ nhằm vào các tiêu điểm cải cách nông nghiệp. Vì thế những người nông dân vẫn được phép hưởng lợi từ các mức giá cao, trong khi những người dân ở khu vực kinh tế khác lại phải chịu thiệt thòi. Về mặt quốc tế, Nhật Bản đã cam kết tại vòng đàm phán Uruguay rằng họ sẽ chuyển đổi một số biện pháp phi thuế quan đối với hàng nông phẩm nhập khẩu vào thị trường Nhật Bản (như là hạn chế về mặt số lượng) sang việc dùng các biện pháp mang tính “thuế hóa”. Thuế quan theo hạn ngạch đã được áp dụng để đảm bảo một mức độ tối thiểu nào đó được phép nhập khẩu. Hầu như tất cả những điều đó vẫn chưa đủ để làm thay đổi diện mạo về bản chất chính sách của chính phủ đối với ngành nông nghiệp nước này. Mặt hàng gạo đã bị đặt ra ngoài diện xem xét theo hình thức đối xử bằng “thuế hóa”. Chừng nào mà Nhật Bản vẫn duy trì mức tối thiểu cho sản phẩm gạo nước ngoài được vào thị trường trong nước ở phạm vi từ 4% đến 8% (trên cơ sở cân đối với tổng sản lượng gạo sản xuất trong nước) thì chưa có gì đột biến xẩy ra. Điều này đã chứng tỏ đây là một quyết định quá khó cho Nhật Bản. Hơn nữa, mặc dù việc “thuế hóa” đã được áp dụng từ năm 1999 nhưng ở các mức rất cao và mang tính chất gián tiếp ngăn cản nhập khẩu. Vấn đề này và những sự tiến triển khác gợi ý cho chúng ta thấy rằng những cam kết của Nhật Bản tại vòng đàm phán Uruguay dường như mới chỉ dẫn tới một mức độ tự do hóa quá nhỏ nhoi. Song, nguời ta cho rằng ít nhất thì việc thực hiện “thuế hóa” cũng tạo ra các mức độ chống lại bảo hộ có tính nhất quán hơn, và nó cung cấp một cơ sở cho những sự cắt giảm mang tính đa phương trong tương lai cũng như là theo yêu cầu của tuyên bố Bogor tại diễn đàn APEC mà Nhật Bản là một thành viên chủ chốt.
Tuy nhiên, cần phải công bằng mà nói mặc dù rất chậm chạp nhưng những thay đổi trên thực tế đối với khu vực nông nghiệp – nông thôn của Nhật Bản được cho là từ năm 1999 khi mà Quốc hội Nhật Bản chính thức thông qua Luật cơ bản về lương thực, nông nghịêp và khu vực nông thôn. Kết quả này có được là nhờ có các áp lực ngày càng gia tăng từ các bạn hàng thương mại của Nhật Bản và từ các nhóm lợi ích trong giới kinh doanh và những người tiêu dùng. Nhiều trong số những thay đổi này đã được tạo thành từ các chỉ dẫn trước đó mà chúng được Chính phủ Nhật Bản và các nhóm lợi ích liên quan đến khu vực nông nghiệp đồng ý theo nội dung của: “Các nguyên tắc cơ bản của cải cách chính sách nông nghiệp”. Các nguyên tắc cơ bản này đã được công bố thực hiện vào tháng 12 năm 1998. Những thay đổi ấy có thể tạo cho chúng ta một mức độ lạc quan nào đó rằng cuối cùng thì con sóng triều dâng cải cách có thể đã trỗi dậy ở Nhật Bản để chống lại các điều khoản kéo dài hiện trạng bảo hộ khu vực nông nghiệp với bất cứ giá nào. Nhưng thực sự làn sóng này đã đi được bao xa và đủ mạnh chưa thì vẫn cần phải theo dõi. Mặc dù vậy, các nhà kinh tế Nhật Bản cho rằng bộ Luật cơ bản mới cần phải đạt tới mục đích đưa nông nghiệp Nhật Bản có tính định hướng thị trường hơn và dựa theo các nguyên tắc cơ bản của WTO bằng việc cải tổ lại cơ chế giá cả và dành cho người nông dân cơ chế thanh toán mới hơn là sử dụng việc kiểm soát nhập khẩu. Cơ chế thanh toán mới này không làm tổn hại tới năng lực sản xuất.
Chính vì thế, Bộ Luật biểu trưng một sự thay đổi trong chính sách và đã được chấp nhận một cách rộng rãi, bao gồm cả Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF) và các Nokyo. Các chính sách trợ giá cho một số các hàng hóa chủ yếu giờ đây cần được xem xét lại với mục đích tăng cường các chức năng thị trường. Những thay đổi đối với việc sử dụng đất đã trao cho người nông dân cơ hội mua lại đất đai cho sản xuất nông nghiệp theo hình thức các công ty cổ phần. Việc sử dụng nhiều hơn các nhà thầu theo phương thức thị trường và làm hạ thấp các mức giá an toàn sẽ cải thiện tốt hơn tình trạng hoạt động các công ty thu mua nông phẩm của nhà nước. Sự định hướng thị trường lớn hơn có một bằng chứng trong ngành chế phẩm sữa mà chúng ta sẽ sem xét sau này.
Tuy vậy, trong một chừng mực nào đó mặt trái của đồng tiền vẫn còn. Bộ Luật mới vẫn còn chứa đựng những điều khoản mà nó thúc đẩy sự tự cung tự cấp và vai trò đa chức năng của khu vực nông nghiệp, và nhấn mạnh nhu cầu khuyến khích sự phát triển nông nghiệp bền vững bao gồm cả ở những vùng nông nghiệp mới theo tính chất địa phương. Những điều này vẫn là mục đích trong các chính sách chủ yếu của Nhật Bản. Ví dụ, vào tháng 4 năm 1999, trong một thông điệp của MAFF gửi tới dân chúng Nhật Bản, người ta đã nói về vị thế nguyên tắc của Nhật Bản trong việc giữ nhịp độ thương lượng về lĩnh vực nông nghiệp với WTO rằng an ninh lương thực là một trong các vấn đề có mối quan ngại nhất đối với Nhật Bản. Các mức tỷ lệ tự cung tự cấp được xác định không chỉ bằng yếu tố cung mà cả bằng yếu tố cầu. Các mức giá cao cho các sản phẩm truyền thống như gạo đã đẩy người tiêu dùng hướng tới lương thực nhập khẩu. Do đó, Nhật Bản đã lại bị lôi cuốn với một chiến dịch vận động chuyển đổi nhu cầu người tiêu dùng trở lại các sản phẩm truyền thống mà khu vực nông nghiệp nước này cung cấp, mặc dù ở một mức giá cao.
Thảo luận về bằng chứng tự do hóa thành công chúng ta có thể lấy ví dụ trong ngành chăn nuôi bò thịt ở Nhật. Việc tự do hóa nhập khẩu chế phẩm thịt bò và mối quan hệ giữa người nông dân Nhật Bản trong ngành chăn nuôi đã xuất hiện những ý kiến đánh giá trái ngược nhau trước khi nó được thực thi. Tuy nhiên, thực tế những gì đã có ở Nhật Bản khẳng định rằng mối quan hệ tương tác giữa tiến trình tự do hoá nhập khẩu thịt bò và mức tiêu dùng thịt bò trong nước từ năm 1987 tới năm 1997 có kết quả theo chiều hướng làm tăng mức tiêu dùng, và người nông dân chăn nuôi bò thịt vẫn có thể tiếp tục công việc của mình. Hơn nữa, nhìn từ khía cạnh chính sách những người nông dân trong ngành chăn nuôi đã được chính phủ Nhật Bản trấn an rằng việc tự do hóa sẽ không mang tới cho họ một dấu chấm hết. Hạn ngạch về sản phẩm thịt bò bị thay thế vào năm 1991 bằng các mức thuế 70%, và sẽ giảm ở mức 50% tại thời điểm 10 năm sau đó. Chính vì thế, thị trường thịt bò Nhật Bản đã lớn lên trong sự đáp lại bằng tình trạng các mức giá về sản phẩm này liên tục được hạ thấp hơn. Chưa dừng lại ở đó, ngành chăn nuôi bò thịt trong nước vẫn tồn tại và sản xuất nhiều sản phẩm hơn so với những gì nó đã làm trước đây, ngoại trừ một việc là nó phải chịu áp lực cạnh tranh lớn hơn. Đây là một ví dụ về việc người tiêu dùng, các nhà sản xuất nông nghiệp có hiệu quả, và nền kinh tế có thể được lợi như thế nào từ một chính sách thay thế hạn chế nhập khẩu bằng “quota” sang “thuế hóa”. Như là ví dụ giả định áp dụng đối với sản phẩm gạo, để đảm bảo rằng Nhật Bản đáp ứng các cam kết của mình về việc mở cửa thị trường ở mức tối thiểu, nếu việc thuế hóa được giảm thêm nữa thì điều này sẽ mang lại những lợi ích lớn hơn cho người dân.
4. Tương lai nào cho khu vực nông nghiệp Nhật Bản?
Trên thực tế, các bạn hàng của Nhật Bản đã lặp đi lặp lại những lời kêu ca trên các diễn đàn cả song phương lẫn đa phương về sức ì quá lớn của Nhật Bản đối với tiến trình tự do hóa trong lĩnh vực nông nghiệp. Nhiều ý kiến cho rằng Nhật Bản có thể đang đánh mất dần sức mạnh của mình để có tiếng nói trong các diễn đàn đa phương (ví dụ như là WTO) nếu nước này không có hành động mạnh hơn nữa trong việc cải cách khu vực nông nghiệp của mình. Vì thế, câu hỏi đặt ra ở đây là liệu nông nghiệp – nông thôn Nhật Bản sẽ có tương lai như thế nào nếu không có một sự thay đổi căn bản trong các chính sách?
Hiện tại, thật là khó mà dự đoán chính xác lời giải nào sẽ thích hợp nhất cho câu hỏi trên về mặt dài hạn. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải nhìn thẳng vào một thực tế là con số hộ gia đình nông nghịêp ở Nhật Bản dường như tiếp tục suy giảm đáng kể. Các mức tỷ lệ tự cung tự cấp về nông phẩm cũng sẽ theo chiều hướng đi xuống. Nhớ rằng, trong suốt thập kỷ cuối của thế kỷ XX, nền kinh tế Nhật Bản với sự suy thoái kéo dài đã tạo ra cú sốc cho người dân Nhật Bản. Họ nhận thức ra rằng sự thịnh vượng không được đảm bảo và họ cần có một nền kinh tế có tính cạnh tranh hơn. Song, rõ ràng là sự tiếp cận chính sách cho lĩnh vực nông nghiệp của những người theo chủ nghĩa bảo hộ ở Nhật Bản đã không có tác dụng giúp cho một nền kinh tế Nhật Bản vốn đang phải đối mặt với sự tăng trưởng chậm chạp trong một thời gian dài có được một lối thoát tốt hơn. Các nhu cầu để cải cách một khu vực kinh tế đang bị tụt hậu cũng chưa thể được đáp ứng đúng mức như nó mong đợi. Hơn nữa, các bạn hàng nước ngoài của Nhật Bản cho rằng ngày hôm nay Chính phủ Nhật Bản cần nhìn vào một bức tranh khác. Đó là nhu cầu gia tăng cho việc cải cách khu vực nông nghiệp, và thế kỷ 21 là thời điểm thích hợp cho Nhật Bản thúc đẩy tiến trình này một cách quyết liệt hơn. Làm được như vậy, thậm chí nó sẽ khuyến khích có những thay đổi mang tính chính trị bên trong nước Nhật Bản. Một hệ thống chính trị bảo thủ và già cỗi như theo cách đánh giá của đa phần người dân Nhật Bản. Rõ ràng, hoàn cảnh trong nước đầy khó khăn âý cùng diễn ra với những khuynh hướng đang thay đổi mang tính quốc tế thì sản xuất nông nghiệp trở nên ngày một cách tân nhiều hơn. Tầm quan trọng lớn hơn đang được đặt vào khả năng bền vững của sản xuất nông nghiệp và nhằm đáp ứng những nhu cầu của người tiêu dùng, bao gồm cả vấn đề an tòan thực phẩm. Chính vì thế, quan điểm của một số nhà nghiên cứu nước ngoài cho rằng các ích lợi chủ yếu từ các chính sách nông nghiệp đổi thay của Chính phủ Nhật Bản sẽ chính là dành những lợi ích lớn hơn cho người dân đất nước này.
PHẠM QUÝ LONG
(TS, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. AJRC (2000), Improving Japanese agricultural trade policies: issues, options and strategies, Pacific Economic Papers 300 (forthcoming), Canberra: Australia-Japan Research Centre.
2. ABARE (1988), Japanese agricultural policies: a time of change, Policy Monograph No. 3, Canberra: AGPS.
3. ABARE (1999), Multifunctionality: a pretext for protection?, ABARE Current Issues 99.3, August, Canberra: ABARE.
4. Anderson K (1998), Domestic Agricultural Policy Objectives and Trade Liberalisation: Synergies and Trade-Offs, paper presented at OECD Workshop on Emerging Trade Issues in Agriculture, Paris, Paris: OECD.
5. EAAU (1997), A new Japan? Change in Asia’s Megamarket, Canberra: Department of Foreign Affairs and Trade.
6. Honma M (2000), The New Basic Agricultural Law and Trade Policy Reform in Japan in "Improving Japanese agricultural trade policies: issues, options and strategies", Pacific Economic Papers 300, Canberra: Australia-Japan Research Centre.
7. Ohga K (1998), World Food Security and Agricultural Trade, paper presented at OECD Workshop on Emerging Trade Issues in Agriculture, Paris: OECD.
8. PECC (1999), A 'win-win' outcome in APEC food policy, PECC Issues 4/1999, September, Singapore: Pacific Economic Cooperation Council.