Cách đây vài năm tôi được dự một khoá đào tạo tại Quận Shibuya, Tokyo Nhật Bản do tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức và tài trợ. Ngày cuối cùng là buổi lễ trao bằng tốt nghiệp, không khí thật nghiêm trang, xúc động và lưu luyến. Trong buổi lễ đó, ấn tượng kèm theo sự ngạc nghiên mà chưa lý giải được chính là bài Quốc ca Nhật Bản vì bài quốc ca rất ngắn (chỉ gần 1 phút).
Sau một thời gian tương đối dài và gặp không ít người Nhật và Việt Nam, tôi đã ít nhiều tìm được lời giải. Nhân kỷ niệm 35 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam Nhật Bản, tôi xin giới thiệu những thông tin có liên quan đến bài quốc ca Nhật Bản để mọi người cùng tham khảo.
Vào giữa thế kỷ XIX, Nhật Bản hoàn toàn chưa có quốc ca, mãi đến thời “Minh Trị Duy tân” (khoảng năm 1868) khi đất nước Nhật Bản bắt đầu chuyển mình để dần trở thành một nước tư bản công nghiệp thì mới hình thành quan hệ giao bang với Châu Âu. Một sỹ quan chỉ huy trong quân đội hoàng gia Anh là ông John Wiliam là người có công lớn để thuyết phục Nhật hoàng về sự cần thiết phải có một bài quốc ca cho đất nước. Ý tưởng này được Nhật hoàng ghi nhận và một nhạc công trong Hoàng gia, ông Hiromori Hayashi đã tìm thấy một bài thơ Waka cổ được viết vào thời kỳ Heian (khoảng thế kỷ thứ 10) là bài thơ ca ngợi Thiên hoàng để làm lời. Bài thơ được phiên âm theo Romanji như sau:
Kimiga – yo – wa
Chiyo ni – yachiyo ni
Sazare – ishino
I wao to narite
.Kokeno mu – su – ma – de
Từ kimi ở đây là chỉ Nhật hoàng, nội dung bài thơ cầu chúc cho vương triều của Nhật hoàng tồn tại mãi mãi, vì ở Nhật Bản thời điểm đó, Nhật hoàng là người nắm quyền cao nhất cho nên tất cả người dân đều tôn vinh Nhật hoàng.
Bài thơ được dịch nghĩa:
Hoàng triều hạnh phúc vạn tuế của Người
Xin Thiên hoàng hãy trị vì
Cho đến khi những viên sỏi bây giờ
Qua thời gian kết thành những tảng đá
với bề mặt cổ kính đầy rêu phong.
Dựa trên nội dung bài thơ này, ông Hiromori Hayashi đã viết giai điệu phần nhạc, sau đó được hoà âm bởi một giáo viên âm nhạc người Đức tên là Fianz Eckert. Kể từ năm 1888, bài hát Kimigayo ra đời và được hát rộng rãi. Năm 1893, Bộ giáo dục Nhật Bản đã chính thức quy định bài Kimigayo được hát bắt buộc trong các trường học, trong ngày lễ và mặc nhiên trở thành Quốc ca Nhật Bản.
Sau Chiến tranh Thế giới Thứ hai bài Kimigayo bị ít nhiều phê phán. Tuy nhiên bài Kimigayo vẫn được duy trì nhiều năm sau đó. Đến ngày 9 tháng 8 năm 1999, Quốc ca Nhật Bản đã được công nhận chính thức và được ghi trong Hiến pháp. Quốc ca Nhật Bản là bài quốc ca “ngắn nhất „ so với các bài quốc ca của các nước trên thế giới.
Trong những năm gần đây và nhất là năm nay kỷ niệm 35 năm kỷ niệm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản với rất nhiều hoạt động ở cả hai đất nước, chúng ta lại nghiêm trang đứng dưới Quốc kỳ Việt Nam và Quốc kỳ Nhật Bản, cùng hát bài Tiến Quân Ca (Quốc ca Việt Nam) và Kimigayo (Quốc ca Nhật Bản) để cùng nhau xây dựng mối quan hệ hợp tác và lâu bền giữa hai dân tộc Việt Nam và Nhật Bản.
TRẦN DUY PHÚC