Trang chủ

QUAN HỆ QUỐC TẾ THỜI HIỆN ĐẠI – NHỮNG VẤN ĐỀ MỚI ĐẶT RA

Đăng ngày: 31-01-2013, 10:20 | Danh mục: Giới thiệu sách

Tác giả: GS. TS. Đỗ Thanh Bình, PGS. TS. Văn Ngọc Thành chủ biên

Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2012, 526 trang

Kí hiệu: Vv 2434

Những năm cuối thế kỷ XX, hệ thống xã hội chủ nghĩa lâm vào khủng hoảng toàn diện và nghiêm trọng dẫn đến sự sụp đổ của bộ phận lớn làm thay đổi cơ bản cục diện chính trị của thế giới. Bên cạnh đó, chủ nghĩa tư bản tận dụng được những thành tựu của cuộc cách mạng khoa học công nghệ hiện đại nên đã thích nghi và vẫn tiếp tục phát triển. Trật tự thế giới hai cực tan dã, quan hệ quốc tế chuyển dần từ đối đầu sang đối thoại, từ đó làm nảy sinh xu hướng đa dạng hoá, đa phương hoá trong tiến trình hội nhập toàn cầu. Hoà bình, ổn định hợp tác để phát triển ngày càng trở thành đòi hỏi bức xúc của các quốc gia. Toàn cầu hoá về kinh tế chiếm vị trí quan trọng trong quan hệ giữa các quốc gia, kinh tế được ưu tiên phát triển và trở thành chủ đề chính trong quan hệ quốc tế hiện nay.

Ở khu vực Đông Bắc Á, một thách thức lớn đối với quan hệ Trung - Nhật là nhiều vấn đề lịch sử đến nay vẫn chưa được hai bên giải quyết thấu đáo, tạo nên những rào cản trong quan hệ giữa hai quốc gia: Trung Quốc cho rằng Nhật Bản không nhìn nhận đúng mức cuộc chiến do Nhật Bản gây ra trong giai đoạn 1931- 1945 khiến 35 triệu người Trung Quốc, chủ yếu là dân thường thiệt mạng và bị thương. Hoặc như phía Trung Quốc yêu cầu Nhật Bản xin lỗi và bồi thường thiệt hại cho những phụ nữ Trung Quốc bị quân đội Hoàng gia Nhật Bản cưỡng bức làm nô lệ tình dục trước và trong suốt Chiến tranh thế giới lần thứ II.

Đối với Nhật Bản, xây dựng một khu vực Châu Á Thái Bình Dương ổn định, hòa bình và phát triển là yếu tố không thể thiếu đối với an ninh và sự phồn thịnh của đất nước này. Hiện nay, Nhật Bản vừa duy trì quan hệ đồng minh Nhật - Mỹ như là trục chính trong quan hệ ngoại giao của nước này, đồng thời tích cực thúc đẩy quan hệ ngoại giao với các nước Châu Á, coi mục tiêu xây dựng “Cộng đồng Đông Á” mà Nhật Bản đóng vai trò dẫn đầu là mục tiêu dài hạn quan trọng trong chính sách ngoại giao Châu Á của mình.

Còn với Ấn Độ, một nền kinh tế mới nổi trong thời đại toàn cầu hóa, từ năm 2005 đến nay Chính phủ Nhật Bản thường xuyên có các cuộc viếng thăm cấp cao hàng năm. Vừa qua, Nhật Bản và Ấn Độ đã ký Tuyên bố chung về “Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn cầu”, và Tuyên bố chung về “Hợp tác An ninh giữa Nhật Bản và Ấn Độ”. Nhật Bản là quốc gia thứ ba ký hợp tác an ninh với Ấn Độ, sau Mỹ và Ôxtrâylia. Nước này đang giữ một vị trí quan trọng trong chính sách Hướng Đông của Ấn Độ. Đồng thời, Ấn độ cũng trở thành một đối tác quan trọng của Nhật Bản ở Châu Á, và là một đối trọng trong bối cảnh Tokyo dự tính xem xét lại quan hệ với Washington.

Một khu vực quan trọng trong ngoại giao Châu Á của Nhật Bản là khu vực ASEAN. Với mục tiêu thành lập cộng đồng ASEAN vào năm 2015, tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 15 được tổ chức tháng 10 năm 2009 vừa qua, các nước ASEAN đều thể hiện nỗ lực tiến tới mục tiêu trên với khẩu hiệu “tăng cường tính liên kết ASEAN”. Về phía Nhật Bản, hiểu rõ  ASEAN chính là trung tâm của sự liên kết Châu Á và sự thịnh vượng của ASEAN gắn với sự ổn định và phát triển của khu vực Đông Á, Nhật Bản đã chủ động thể hiện sự đóng góp cho việc tăng cường tính liên kết khu vực, cũng như giúp xóa bỏ sự chênh lệch về trình độ phát triển giữa các nước trong khu vực này.

Trên đây chính là những nội dung được đề cập đến trong cuốn sách “Quan hệ quốc tế thời hiện đại – những vấn đề mới đặt ra”. Cuốn sách tập trung một số bài viết được lựa chọn của các nhà khoa học lịch sử trong và ngoài nước trong cuộc hội thảo quốc tế với chủ đề “Nghiên cứu và giảng dạy Lịch sử quan hệ quốc tế thời hiện đại” do Khoa Lịch sử, trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức năm 2011. Nội dung cuốn sách đã đưa ra cách tiếp cận mới về một số vấn đề nổi bật trong lịch sử quan hệ quốc tế như nguồn gốc Chiến tranh Lạnh; quan hệ giữa các cường quốc lớn như Ấn Độ - Trung Quốc, Nga – Trung Quốc, Mỹ - Nga…; quan hệ giữa Việt Nam với các nước Đông Nam Á, Liên minh Châu Âu, Châu Phi, Châu Mỹ… Đồng thời cuốn sách còn nêu vấn đề, trao đổi về phương pháp nghiên cứu và giảng dạy lịch sử quan hệ quốc tế ở các trường đại học và trường trung học phổ thông ở Việt Nam hiện nay, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và học môn lịch sử.

Như vậy có thể thấy, thông qua những bài viết được giới thiệu, cuốn sách đã nêu lên một số vấn đề mới đặt ra trong quan hệ quốc tế thời hiện đại. Bên cạnh đó, cuốn sách còn nêu bật những vấn đề mới trong công tác nghiên cứu và giảng dạy lịch sử quan hệ quốc tế. Cuốn sách đã mang đến cho bạn đọc cái nhìn toàn diện hơn cục diện quan hệ quốc tế, giúp cho các nhà hoạch định chính sách kịp thời đưa ra những chính sách phù hợp nhằm thúc đẩy quan hệ quốc tế ngày càng tốt đẹp, một thế giới hòa bình, thịnh vượng. Cuốn sách cũng giúp độc giả hiểu rõ hơn về quan hệ của các nước trong khu vực Đông Bắc Á, một khu vực đang diễn ra nhiều vấn đề nóng bỏng.

Thực hiện: Hà Hậu, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

0thảo luận