Thực tiễn công nghiệp hóa diễn ra trên thế giới đã cho thấy, nhờ có những kinh nghiệm thành công của các nước đi trước để học hỏi, áp dụng nên những nước công nghiệp hóa đi sau đều có cơ hội rút ngắn thời gian thực hiện quá trình này. Cụ thể, trước đây nước Anh thực hiện công nghiệp hóa đầu tiên, phải tự mò mẫm, nghiên cứu, sáng tạo… nên công nghiệp hóa là một con đường vừa dài, vừa gian nan, mất tới 120 năm; nhưng nước Mỹ đi sau Anh, chỉ mất khoảng 90 năm, đến Nhật Bản thì rút ngắn còn khoảng 70 năm; và các NICs còn rút ngắn hơn, với quãng thời gian hơn 30 năm. Hiện nay, các nước ASEAN cũng đang nỗ lực tận dụng lợi thế của nước đi sau để rút ngắn hơn nữa quá trình này. Việt Nam cũng là nước công nghiệp hóa muộn, nên chắc chắn có nhiều cơ hội hơn trong việc tiếp thu kinh nghiệm của các nước đi trước, đặc biệt là kinh nghiệm các nước Đông Á để rút ngắn thời gian hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa của mình.
Các nước Đông Á thực hiện công nghiệp hóa đất nước trong điều kiện ít nhiều giống với Việt Nam cả về điểm xuất phát và các đặc điểm về tự nhiên, kinh tế, xã hội. Vậy nhưng, chỉ sau một thời gian ngắn, Nhật Bản đã trở thành nước phát triển; Hồng Kông, Đài Loan, Xinh-ga-po, Hàn Quốc trở thành những nước (hay nền kinh tế) công nghiệp hóa mới (NICs); còn Thái Lan, Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a, và Phi-lip-pin thì đang cận kề với các NICs. Điều đó có nghĩa là, các nước Đông Á nêu trên đều thực hiện thành công công nghiệp hóa ở những mức độ khác nhau. Nghiên cứu quá trình thực hiện công nghiệp hóa tại các nước này, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm thành công điển hình về sự lựa chọn mô hình và cách thức thực hiện công nghiệp hóa mà Việt Nam có thể tham khảo.
1) Thực hiện mô hình công nghiệp hóa kết hợp giữa phát huy nội lực và “thích ứng chuyển đổi” các yếu tố ngoại lực: Kinh nghiệm Nhật Bản và Trung Quốc
Ai cũng biết, Nhật Bản ngày nay là nước đứng đầu Châu Á và đứng thứ hai thế giới về phát triển kinh tế, nhưng cách đây hơn 100 năm về trước thì Nhật Bản cũng là một nước nông nghiệp cổ truyền tự cấp, tự túc, sản xuất manh mún, với những hộ nông dân qui mô nhỏ như Việt Nam, thậm chí về điều kiện đất đai, khí hậu, thời tiết để phát triển sản xuất nông nghiệp còn có phần khó khăn hơn cả Việt Nam (70% diện tích đất đai là đồi núi, đồng bằng nhỏ hẹp, bị chia cắt bởi nhiều con sông chảy xiết). Vậy nhưng, Nhật Bản đã nhanh chóng chuyển được nền nông nghiệp cổ truyền kiểu Đông Á thành nền nông nghiệp hiện đại, đưa nền kinh tế thuần nông trở thành nền kinh tế công nghiệp, dịch vụ. Có được thành công đó là do Nhật Bản biết lựa chọn và thực hiện mô hình công nghiệp hóa dựa trên sự tương tác năng động của hai hệ thống nội lực và ngoại lực, đồng thời chuyển hóa thành công các yếu tố ngoại lực thành nội lực.
Nhật Bản tiến hành CNH từ nửa cuối thế kỷ XIX, và đến đầu thế kỷ XX thì sự nghiệp CNH tại Nhật Bản đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, trong đó một số ngành công nghiệp nặng đã đạt được trình độ hiện đại của thế giới. Nhưng rồi, cuộc Chiến tranh Thế giới thứ Hai nổ ra và đã để lại hậu quả nặng nề và lâu dài cho đất nước này: 34% máy móc trong công nghiệp, 81% tàu bè, 25% công trình xây dựng đã bị phá hủy...; tổng sản phẩm quốc dân năm 1946 chỉ bằng 61%, sản lượng công nghiệp bằng 14%, và thu nhập quốc dân bình quân đầu người bằng 55% so với trước chiến tranh. Trước tình hình đó, Chính phủ Nhật Bản đã xác định là vừa phải tiến hành khôi phục nền kinh tế với mục tiêu “đảm bảo an ninh lương thực và cải cách kinh tế nông thôn”; vừa phải tiếp tục đẩy mạnh quá trình hiện đại hóa đất nước nhằm tạo ra một trật tự công nghiệp mới, linh hoạt nhằm thích ứng với những biến động của kinh tế trong nước và quốc tế.
Thực hiện mục tiêu thứ nhất, Chính phủ Nhật Bản đã ban hành nhiều đạo luật và thực thi nhiều chính sách nhằm khuyến khích phát triển và bảo vệ lợi ích của nông nghiệp, nông dân và nông thôn, như: Luật tài trợ cho nông dân trong trường hợp gặp thiên tai, Luật tăng cường độ màu mỡ của đất, Luật đất đai nông nghiệp (năm 1947); thực thi chính sách phát triển nông nghiệp toàn diện, lấy an ninh lương thực làm mục tiêu chính... nhằm thúc đẩy nông nghiệp phát triển cao hơn nữa (năm 1975). Nhờ những chủ trương đúng đắn đó mà 15 năm sau chiến tranh, nông nghiệp Nhật Bản đã đảm bảo được 102% nhu cầu về gạo, 91% nhu cầu về thịt, 101% nhu cầu về trứng, 98% nhu cầu về sữa và 100% nhu cầu về rau...
Thực hiện mục tiêu thứ hai, Chính phủ Nhật Bản tiến hành nhiều biện pháp nhằm khai thác tối đa các nguồn lực từ bên ngoài và làm cho chúng thích ứng với điều kiện Nhật Bản theo phương châm kết hợp “kỹ thuật phương Tây” với “Tinh thần Nhật Bản”. Kết quả là, chỉ trong vòng 3 thập kỷ kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc, công nghiệp hóa tại Nhật Bản đã trở thành hiện tượng “thần kỳ” trước sự ngạc nhiên của cả thế giới. Vào năm 1972, Nhật Bản đã trở thành nước sản xuất lớn nhất thế giới về sợi tổng hợp, sản phẩm cao su, phôi kim loại, ôtô khách và là nhà sản xuất lớn thứ ba thế giới về bột giấy, xi măng, thép, đồng và nhôm. Sản xuất công nghiệp không chỉ tăng về số lượng mà còn rất đa dạng về chủng loại từ cao su tổng hợp, sợi tổng hợp hoá dầu, các sản phẩm điện tử như ti vi mầu và các sản phẩm mới khác, đưa Nhật Bản trở thành một trong những nước có nhiều lợi thế nhất thế giới về công nghiệp.
Phương pháp chủ yếu và xuyên suốt của Nhật Bản trong việc tiếp cận với kỹ thuật tiên tiến phương Tây là bằng con đường nhập khẩu với nhiều hình thức khác nhau: nhập khẩu trực tiếp công nghệ, mua bằng phát minh sáng chế, khuyến khích người Nhật đi du học để tiếp thu những tri thức mới của phương Tây, và “nhập khẩu" cả chuyên gia giỏi từ nhiều nước khác nhau trên thế giới. Cách thức cụ thể là, Chính phủ “câu” nhân tài các nước bằng chế độ lương bổng ưu đãi; khuyến khích các cá nhân và tổ chức tiếp cận với những người nước ngoài có bằng sáng chế và có bản quyền thích hợp, thu hút họ đến Nhật Bản làm việc; thu hút trở lại những người đi du học ở nước ngoài… Bằng cách đó, số người nước ngoài đến làm việc tại Nhật Bản ngày càng nhiều, từ cố vấn kỹ thuật, giáo viên, nhà đầu tư, cho đến nhà quản lý và thợ lành nghề.
Nhật Bản đã không chỉ nhập khẩu máy móc thiết bị để sử dụng, mà còn nhập khẩu cả bằng phát minh sáng chế để triển khai, hoặc để nghiên cứu, bắt chước; không chỉ học tập phương Tây về kỹ thuật, mà họ đã học tất cả các mặt tiên tiến khác về thể chế kinh tế, kinh nghiệm quản lý, kinh nghiệm phát triển giáo dục…. Điều đặc biệt là, Nhật Bản không bắt chước nguyên mẫu của nước ngoài, mà họ luôn tìm cách cải tiến công nghệ nhập khẩu để thích nghi chúng (thích ứng chuyển đổi). Vì thế, sự ra đời và phát triển của các ngành công nghiệp mới rất nhanh, và rồi nó cũng lại nhanh chóng bị thay thế bởi một ngành công nghiệp khác mới hơn. Đây là bí quyết thành công để rút ngắn thời kỳ công nghiệp hóa của Nhật Bản, bởi vì nếu tự mò mẫm để chế tạo công nghệ mới thì sẽ mất rất nhiều thời gian và tiền của; nhưng nếu bắt chước vụng về, nguyên xi thì lại sẽ muôn đời là nước đi sau. Cho nên, đối với Nhật Bản việc bắt chước công nghệ và cải tiến công nghệ cho phù hợp với điều kiện nội tại là con đường ngắn nhất để tiến tới nền kinh tế hiện đại.
Đối với Trung Quốc, sau 30 năm thực hiện Công nghiệp hoá (CNH) theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung bao cấp họ đã tự rút ra cho mình những bài học kinh nghiệm quý báu. Vào cuối thập niên 1970, Trung Quốc bắt đầu thực hiện những cải cách mở cửa để phát huy lợi thế sẵn có về tài nguyên thiên nhiên và sức lao động dồi dào, giá rẻ; đồng thời tranh thủ tối đa nguồn vốn, công nghệ và đặc biệt là tri thức từ bên ngoài thông qua ba hướng chủ yếu là: thương mại, đầu tư và du học. Cả ba hướng đó đều tập trung vào một mục tiêu chung là tiếp thu, học tập những tri thức, những thành tựu khoa học - kỹ thuật và công nghệ mới của thế giới để đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hóa đất nước.
Để triển khai hướng thứ nhất (mở rộng thương mại), Chính phủ Trung Quốc đã sớm từ bỏ chính sách độc quyền ngoại thương và từng bước tự do hóa hoạt động xuất, nhập khẩu. Đặc biệt, Trung Quốc rất chủ động trong vệc mở cửa nền kinh tế. Để không bị phụ thuộc quá sâu vào một thị trường nào đó, Trung Quốc thực hiện đa dạng hóa sản phẩm và đa dạng hóa thị trường. Sự thay đổi trong chính sách thương mại như vậy đã thúc đẩy quan hệ buôn bán hai chiều giữa Trung Quốc và các nước phát triển rất nhanh. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Trung Quốc đã tăng từ 20,6 tỷ USD năm 1978 lên 510 tỷ USD năm 2001; 1.155 tỷ USD năm 2004, và Trung Quốc đã vượt lên trên Nhật Bản để trở thành cường quốc ngoại thương thứ ba của thế giới, chỉ sau Mỹ và Đức. Năm 2007, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của nước này đạt mức kỷ lục, với 1.760 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 986 tỷ USD, chiếm 7,25% tổng kim ngạch xuất khẩu của thế giới. Từ năm 2002, trên thị trường Nhật Bản, Trung Quốc đã vượt Mỹ và trở thành nước có thị phần lớn nhất trong tổng nhập khẩu của nước này. Còn Mỹ thì trở thành nước có thị phần lớn nhất của Trung Quốc từ năm 2003, với 21% tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc. Riêng tại thị trường ASEAN, kim ngạch xuất khẩu hàng công nghiệp của Trung Quốc đã tăng 7 lần trong vòng 10 năm (1992 – 2002).
Trong cơ cấu hàng xuất khẩu của Trung Quốc ngày càng thiên về hàng công nghiệp. Tỷ trọng hàng công nghiệp trong tổng kim ngạch xuất khẩu năm 1980 chiếm 48%, năm 1990 tăng lên 78% và 2003 đã lên tới 92%. Còn trong giá trị kim ngạch hàng công nghiệp xuất khẩu, thì các sản phẩm đồ điện, điện tử gia dụng, đồng hồ, máy tính cá nhân, xe máy và các loại máy móc khác chiếm tới 43%.
Thực hiện hướng thứ hai (mở rộng đầu tư), Trung Quốc đã mở rộng cửa nền kinh tế để thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trung Quốc đã rất coi trọng nguồn vốn và công nghệ của phương Tây và xác định “mở cửa” là để lợi dụng vốn và kỹ thuật nước ngoài phục vụ hiện đại hóa đất nước. Chính vì vậy, trong suốt thập kỷ 1980 Trung Quốc đã sử dụng nhiều hình thức như vay vốn, hợp tác liên doanh, thành lập các đặc khu kinh tế, các thành phố mở cửa… đi đôi với kiện toàn pháp luật kinh tế đối ngoại, thực hiện tốt các chính sách ưu đãi, cải thiện môi trường đầu tư để thu hút vốn từ nước ngoài. Với các chiến lược như “phát triển kinh tế 3 ven”, hay “làm tổ cho chim phượng hoàng vào đẻ trứng”, Trung Quốc đã thu hút được nhiều dự án đầu tư nước ngoài, và đi cùng với chúng là kỹ thuật, công nghệ và kinh nghiệm quản lý. Hiện nay đã có gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đầu tư vào Trung Quốc, trong đó có 450/500 công ty xuyên quốc gia hàng đầu thế giới.
Con đường “thích ứng chuyển đổi” công nghệ nước ngoài của Trung Quốc được thực hiện theo một chu trình gồm ba giai đoạn: đầu tiên, thu hút FDI để lắp ráp sản phẩm, gia công theo thiết kế chế tạo gốc; tiếp theo, thông qua các quan hệ liên kết, liên doanh để chuyển sang sản xuất trong nước các sản phẩm thuộc lĩnh vực công nghệ cao và vẫn giữ nguyên thương hiệu gốc của các tập đoàn nước ngoài; cuối cùng, tiến tới sản xuất các sản phẩm thuộc lĩnh vực công nghệ cao nhờ các liên kết, liên doanh nhưng do Trung Quốc tự thiết kế và mang thương hiệu riêng của Trung Quốc. Có thể thấy, con đường để tiếp cận công nghệ mới của Trung Quốc cũng có phần giống với Nhật Bản, đó là bắt chước công nghệ và “thích ứng chuyển đổi” nó. Bằng cách đó, Trung Quốc đã trở thành “mô hình” mẫu về “sản xuất hàng nước ngoài ở trong nước” để tiêu thụ ở nước ngoài. Với cách đi đó mà ngày nay sản phẩm của Trung Quốc đã có mặt tại hầu khắp các nước trên thế giới, kể từ những sản phẩm có hàm lượng lao động giản đơn cao như quần áo, giày dép, đồ chơi trẻ em..., đến những sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao như ôtô, xe máy, tivi, tủ lạnh, máy điện toán… Thậm chí nhiều xí nghịêp tại các nước phát triển cũng đã phải chịu thất bại trước hàng giá rẻ của Trung Quốc.
Còn hướng thứ ba (mở rộng chương trình du học) được thực hiện qua con đường học hỏi và kế thừa tiến bộ khoa học công nghệ của phương Tây (chủ yếu là Mỹ). Mục tiêu phát triển giáo dục của Trung Quốc được xác định theo 3 hướng: Giáo dục hướng về hiện đại (giáo dục nhằm mục tiêu đáp ứng yêu cầu Hiện đại hoá (HĐH) nền kinh tế); Giáo dục hướng tới tương lai (giáo dục phải đón đầu được để đáp ứng các yêu cầu của nền kinh tế thế giới đang vận động và phát triển); và Giáo dục hướng ra thế giới (giáo dục vừa tuân theo những đặc trưng của Trung Quốc vừa chú ý đến xu thế phát triển của khoa học, kỹ thuật và giáo dục của các nước khác trên thế giới). Phương châm giáo dục đó đã giúp cho Trung Quốc mở cửa giao lưu rộng rãi với thế giới bên ngoài để tận dụng cơ hội do thời đại tạo ra, mà vẫn giữ được truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình. Đó chính là bản chất của quá trình công nghiệp hóa kết hợp giữa phát huy nội lực và “thích ứng chuyển đổi” các yếu tố ngoại lực để thực hiện thành công công nghiệp hóa rút ngắn tại Trung Quốc.
Để “học hỏi” một cách hiệu quả, một mặt Trung Quốc đưa người ra nước ngoài, nhất là đến các nước phát triển để học tập; và mặt khác họ mời người nước ngoài đến Trung Quốc giảng dạy, hoặc đầu tư vào lĩnh vực giáo dục - đào tạo. Về hướng thứ nhất, Trung Quốc tạo điều kiện thuận lợi nhất để tăng cường số lượng du học sinh, trải thảm đỏ đón du học sinh trở về, mời gọi Hoa kiều đóng góp tiền bạc và trở về phục vụ đất nước, khuyến khích các nhà khoa học và các nhà đầu tư bỏ thời gian công sức, tiền bạc và trí tuệ vào nghiên cứu, phát minh, sáng tạo khoa học phục vụ CNH, HĐH. Về hướng thứ hai, Chính phủ tạo môi trường để các chuyên gia nước ngoài đến làm việc tại Trung Quốc, nhất là chuyên gia trong các ngành công nghệ cao ; kêu gọi người nước ngoài bỏ vốn đầu tư phát triển nguồn nhân lực. Nhờ đó, một số công ty lớn như Siemens, Ericson, Motorola... đã không chỉ đến Trung Quốc để xây dựng các nhà máy, xí nghiệp, mà còn xây dựng cả trường học để đào tạo tại chỗ nguồn nhân lực chất lượng cao, và thành thạo nghề nghiệp cho Trung Quốc. Quá trình học hỏi, chuyển giao công nghệ nước ngoài theo cách đó đã giúp Trung Quốc tiết kiệm được thời gian và tiền của cho việc nghiên cứu công nghệ mới, cũng như tiếp nhận chuyển giao công nghệ. Về điều này, thì rõ ràng Trung Quốc đã đi trước khá xa so với nhiều nước khác của Châu Á.
Từ thực tế trên, có thể đi đến khẳng định: việc kết hợp một cách khéo léo giữa sức mạnh nội lực và ngoại lực, và biết “thích ứng chuyển đổi” các yếu tố ngoại lực là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự thành công của mô hình công nghiệp hóa rút ngắn tại Nhật Bản và Trung Quốc. Sự kết hợp hai yếu tố đó đã phát huy được tính tương hỗ giữa chúng, tạo nên sức mạnh to lớn cho phát triển, trong đó việc dựa vào và phát huy yếu tố nội lực sẽ cho phép bảo đảm được các cân đối chủ yếu, tạo sự phát triển ổn định, bảo vệ được nền kinh tế quốc gia trước những ảnh hưởng mạnh mẽ của nước ngoài, và là cơ sở để các yếu tố tích cực từ bên ngoài được đưa vào nền kinh tế hiệu quả hơn. Còn “sự thích ứng chuyển đổi” là thể hiện sự hội nhập có chuẩn bị, hội nhập chủ động nên sẽ đảm bảo cho đất nước có thể duy trì quyền sở hữu (độc lập, tự chủ), tính liên tục của xã hội và bản sắc dân tộc.
2) Thực hiện mô hình công nghiệp hóa kết hợp giữa thay thế nhập khẩu với hướng vào xuất khẩu và hướng tới công nghệ cao- Kinh nghiệm của các NICs
Các nước và vùng lãnh thổ Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, và Xinh-ga-po được gọi là các nước công nghiệp mới (NICs) thuộc thế hệ thứ nhất ở Châu Á đã tạo nên những nền công nghiệp tăng trưởng nhanh chưa từng thấy trong lịch sử. Thời gian để hoàn thành quá trình công nghiệp hóa tại các quốc gia và lãnh thổ này chỉ mất khoảng 30 năm.
Ngược dòng lịch sử, vào những năm trước 1960 các nước NICs cũng là những nước nông nghiệp, với tỷ trọng ngành nông nghiệp chiếm tới 75% lao động và trên 30% GDP. Tuy có những điểm khác nhau, nhưng tất cả các nước đều có điểm chung là thực hiện kết hợp và chuyển đổi giữa các mô hình CNH thay thế nhập khẩu, CNH hướng về xuất khẩu, và CNH hướng tới công nghệ cao phù hợp với yêu cầu và mục tiêu đặt ra trong mỗi giai đoạn lịch sử cụ thể. Điều đó đã tạo nên thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa tại các nước này. Bài học thành công này của ASEAN đã cung cấp những kinh nghiệm quý báu cho các nước đi sau để rút ngắn thời kỳ công nghiệp hóa của mình.
Bước đi của các NICs là trong giai đoạn đầu, họ thực hiện mô hình CNH thay thế nhập khẩu- CNH hướng nội (đây cũng là mô hình được áp dụng phổ biến tại nhiều nước vào những năm giữa thế kỷ XX về trước). Mô hình này đã giúp cho các nước giải quyết được các vấn đề về vốn và kỹ thuật để phát triển một số ngành công nghiệp và đáp ứng nhu cầu cơ bản của dân chúng về việc làm và thu nhập… Đến cuối thập niên 1960, với xu hướng toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ, mô hình CNH thay thế nhập khẩu đã bộc lộ những hạn chế, thì các NICs đã bắt đầu chuyển sang thực hiện mô hình CNH hướng vào xuất khẩu (CNH hướng ngoại), mà Xinh-ga-po là nước đầu tiên trong nhóm thực hiện bước chuyển này. Mục tiêu mô hình này là khai thác lợi thế về nguồn lao động và tài nguyên dồi dào, giá rẻ để xuất khẩu, tạo nguồn vốn tích lũy cho phát triển công nghiệp. Còn từ giữa thập niên 1990 đến nay, NICs đã chuyển sang mô hình CNH hướng tới công nghệ cao, bằng việc tập trung phát triển các ngành có hàm lượng khoa học cao như: sản xuất xe hơi, máy công cụ, máy kỹ thuật số, người máy…, làm đầu tàu cho tăng trưởng.
Bài học kinh nghiệm quan trọng nhất của NICs đối với các nước đi sau là ở chỗ biết kết hợp khéo léo, thay thế lẫn nhau giữa các mô hình CNH bằng chính sách bổ sung lẫn nhau giữa hướng về xuất khẩu và thay thế nhập khẩu, trong đó hướng về xuất khẩu là trọng tâm. CNH đi từ bước nhỏ đến bước lớn, từ điểm đến tuyến rồi đến diện, từ thị trường trong nước đến thị trường khu vực rồi thị trường thế giới, từ công nghệ có hàm lượng lao động cao đến công nghệ có hàm lượng vốn và khoa học cao. CNH kết hợp giữa thay thế nhập khẩu, hướng vào xuất khẩu và hướng tới công nghệ cao được thực hiện bằng các bước đi lần lượt theo một trình tự có tính chu kỳ là: bắt đầu từ nhập khẩu, đến thay thế nhập khẩu, rồi xuất khẩu(1). Các quá trình này được diễn ra theo cách thay thế liên tục cho nhau, với trình độ kỹ thuật – công nghệ chu kỳ sau cao hơn chu kỳ trước. Cụ thể là, đầu tiên các nước này thực hiện xuất khẩu các sản phẩm truyền thống của nền kinh tế nông nghiệp như lương thực, thực phẩm thô (bước 1); tiếp đến là tự sản xuất các sản phẩm vốn trước đó phải nhập khẩu như quần áo, giày dép và các hàng hóa tiêu dùng thông dụng khác (bước 2); đến xuất khẩu các sản phẩm chế biến có nguồn gốc từ nông nghiệp như giấy, đồ gồ, dệt may, mía đường... (bước 3); sau đó đến sản xuất hàng công nghiệp chế tạo lâu bền để thay thế nhập khẩu như máy móc, dụng cụ... (bước 4); và cuối cùng là xuất khẩu hàng công nghiệp chế tạo cao cấp như tivi, tủ lạnh, xe hơi, phần mềm... (bước 5). Tại Hàn Quốc và Đài Loan, quá trình chuyển từ bước 1 sang bước 2 diễn ra vào khoảng những năm 1950 – 1960; bước 3 vào đầu thập niên 1960 – 1970; bước 4 bắt đầu từ nửa cuối của thập niên 1970; và bước 5 là từ những năm cuối 1980 đầu 1990.
Việc kết hợp, thay thế lẫn nhau giữa các mô hình CNH nêu trên đã giúp các NICs phát huy được tiềm năng nội sinh và cơ hội ngoại sinh để đẩy nhanh quá trình CNH. Tại Đài Loan, sau 10 năm thực hiện mô hình CNH hướng nội (những năm 1950), với trọng tâm chính là thúc đẩy phát triển nông nghiệp (lợi thế của nước này lúc đó), tăng tích lũy từ nông nghiệp, lấy nông nghiệp nuôi công nghiệp; đến những năm 1960 họ đã chuyển từ mô hình CNH thay thế nhập khẩu sang từng bước mở cửa, hướng về xuất khẩu. Thông qua việc thành lập các khu chế xuất (Cao Hùng năm 1966; Đài Trung năm 1969), Chính phủ khuyến khích các dự án đầu tư quy mô nhỏ, sử dụng nhiều lao động, quay vòng vốn nhanh (nhất là các ngành giấy, kính, nhựa...), nền kinh tế Đài Loan đã có bước phát triển khá nhanh. Vào những năm 1960 - 1970, Đài Loan đã xuất khẩu sang thị trường Mỹ khoảng 40 - 50% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của họ. Mặc dù vậy, họ vẫn chú trọng phát triển các xí nghiệp vừa và nhỏ để sản xuất hàng tiêu dùng, vật tư kỹ thuật và tư liệu sản xuất cho nông nghiệp, sử dụng được hàng ngàn lao động ở nông thôn. Còn Hàn Quốc thì, trong thời gian đầu vẫn phụ thuộc vào nước ngoài (chủ yếu với Nhật) thông qua hình thức liên doanh vốn để chế tạo động cơ và máy kéo nhỏ; còn sau đó, khi đã đủ sức họ dần dần tự sản xuất trong nước phần lớn các máy móc chủ yếu cho nông nghiệp. Tại Xinh-ga-po, do đặc điểm riêng mà sự phụ thuộc vào nước ngoài là rất chặt, thậm chí họ còn phải dựa vào các công ty và nhà quản lý nước ngoài để xuất khẩu. Hàng năm, các công ty nước ngoài chiếm đến 70% giá trị hàng xuất khẩu công nghệ của Xinh-ga-po.
Việc thực hiện chuyển giao công nghệ thông qua con đường khuyến khích đầu tư trực tiếp nước ngoài là con đường phổ biến tại nhiều nước, nhưng Hàn Quốc lại thực hiện điều đó chủ yếu bằng các hợp đồng nhập khẩu công nghệ và bằng sáng chế kỹ thuật. Vì vậy, nếu các dự án đầu tư nước ngoài trực tiếp đưa công nghệ vào Hàn Quốc thì phải chấp nhận điều kiện là tỷ lệ góp vốn của đối tác chỉ dưới 49%. Để làm được như vậy, Chính phủ Hàn Quốc đã ban hành qui chế giám sát cần thiết để lựa chọn công nghệ tiên tiến với giá cả phù hợp; đồng thời đặc biệt chú trọng đào tạo nguồn nhân lực để tiếp thu, học hỏi và phát triển công nghệ. Ngoài ra, Chính phủ cũng tăng cường bỏ vốn đầu tư vào lĩnh vực nghiên cứu và phát triển với mục tiêu là phát triển và hoàn thiện các công nghệ được du nhập từ nước ngoài và thành lập các cơ quan quản lý, các viện nghiên cứu để phổ biến, khai thác và hướng dẫn chuyển giao công nghệ. Nhìn chung, các NICs đều chú trọng việc nghiên cứu, phân loại tính chất công nghệ và đặc điểm các kênh chuyển giao để tránh nhập những “công nghệ rác”, mà đi thẳng vào công nghệ hiện đại, công nghệ cao. Điều đó đã có tác dụng làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế các NICs theo hướng hiện đại, tạo ra những ngành công nghiệp mới có giá trị gia tăng cao, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia của họ.
Để hội nhập có hiệu quả vào nền kinh tế thế giới, hầu hết các NICs đều thực hiện nghiêm ngặt nguyên tắc “Xuất khẩu hay là Chết”. Nguyên tắc này vừa nhằm đề cao vai trò trách nhiệm của doanh nghiệp, vừa tạo ra sức ép đối với các doanh nghiệp trên con đường hội nhập kinh tế quốc tế. Theo nguyên tắc đó, nếu doanh nghiệp nào không tạo được những sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế thì sẽ không có cơ hội tồn tại, bởi Chính phủ không “chạy theo” doanh nghiệp mà chỉ thực hiện hỗ trợ cho một ngành công nghiệp nào đó, hay thậm chí một công ty cá biệt nào đó trong thời kỳ đầu khi còn non trẻ, còn sau đó một vài năm thì các công ty sẽ phải tự tồn tại bằng cách xác lập vị trí của mình trên thị trường thế giới. Cho nên, những công ty nào chỉ quen dựa dẫm vào vị thế độc quyền trên thị trường nội địa nhờ vào sự hỗ trợ của nhà nước mà không phải đối mặt với áp lực cạnh tranh... thì sớm muộn cũng sẽ bị thất bại(2).
Như vậy, rõ ràng mô hình CNH kết hợp thay thế nhập khẩu, hướng về xuất khẩu và hướng tới công nghệ cao đã cho phép các nước đang phát triển có thể vận dụng được những hạt nhân hợp lý của mỗi mô hình, trong đó đặt trọng tâm vào mô hình hướng về xuất khẩu, hướng tới công nghệ cao và lấy mô hình thay thế nhập khẩu để bổ sung. Sự kết hợp các mô hình này cũng là cách để các nước đang phát triển tham gia sâu rộng vào quá trình phân công lao động quốc tế nhằm tranh thủ khai thác tối ưu các nguồn lực từ bên ngoài, đồng thời phát huy được nguồn lực từ bên trong, tạo ra sức bật mạnh mẽ và khả năng to lớn để thực hiện CNH bền vững. Ngày nay, đối với các nước thực hiện CNH muộn, việc thực hiện mô hình công nghiệp hóa xen kẽ giữa thay thế nhập khẩu và hướng về xuất khẩu đã trở thành xu thế tất yếu, nhưng kết hợp thế nào để đạt đến thành công sự nghiệp CNH thì lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có vai trò của các Chính phủ. Vì vậy, kinh nghiệm của các nước đi trước là bài học bổ ích cho các nước đi sau trong vấn đề này.
3)Thực hiện công nghiệp hóa kết hợp giữa sức mạnh của thị trường và sự dẫn dắt của Nhà nước– Kinh nghiệm một số nước ASEAN
Trong khối ASEAN thì In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Phi-lip-pin, và Thái Lan là những nước tuy kém phát triển hơn NICs nhưng lại phát triển cao hơn các nước khác trong khối. Tốc độ công nghiệp hóa tại các nước này trong những năm gần đây tiến triển rất nhanh, đưa các nước này trở thành những “con hổ” Châu Á. Các nước ASEAN đều tiến hành CNH có khác với NICs về thời điểm (muộn hơn khoảng 1 thập kỷ), về bối cảnh quốc tế (có sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng khoa học - kỹ thuật và xu hướng khu vực hoá, toàn cầu hoá thương mại đang diễn ra rất sôi động). Mô hình CNH mà các nước này áp dụng là kết hợp sức mạnh của thị trường với sự dẫn dắt của Nhà nước. Trong mối quan hệ đó, Nhà nước với ưu thế về tính kế hoạch thống nhất sẽ điều tiết thị trường, còn thị trường với ưu thế năng động và linh hoạt sẽ điều tiết các doanh nghiệp, khắc phục những thiếu khuyết của Nhà nước. Như vậy có nghĩa là, tốc độ hoàn thành CNH nhanh hay chậm của một quốc gia phụ thuộc rất lớn vào vai trò của nhà nước tại chính quốc gia đó.
Vai trò Nhà nước tại các nước ASEAN trong CNH khác với Nhà nước Liên Xô trước đây. Đó là, Nhà nước Liên Xô đóng vai trò là người trực tiếp tổ chức, quản lý và thực hiện quá trình CNH với công cụ chủ yếu là kế hoạch hoá tập trung cao độ; thì tại các nước ASEAN vai trò Nhà nước được phát huy trong điều kiện gắn với quan hệ thị trường. Hệ thống điều tiết của Nhà nước tại các nước này được thiết lập không phải chỉ dựa vào sức mạnh quyền lực và chi phối tuyệt đối quá trình CNH, mà Nhà nước căn cứ vào thị trường để định hướng, quy hoạch, kiểm soát và hỗ trợ CNH theo các mục tiêu của mình, thông qua việc ban hành các luật lệ, chính sách kinh tế và xây dựng bộ máy điều hành. Mục tiêu can thiệp của các Nhà nước ASEAN là nhằm làm cho thị trường hoạt động có hiệu quả hơn, nhờ đó sẽ khai thác triệt để hơn các nguồn lực phục vụ quá trình CNH. Cũng khác với Nhật Bản, Nhà nước các nước ASEAN không chỉ là người đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, đưa ra các chính sách khuyến khích tiếp thu kỹ thuật, công nghệ của nước đi trước, tôn trọng và nuôi dưỡng sáng kiến cá nhân, mà còn có những chính sách cụ thể nhằm tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp, tiếp nhận chuyển giao công nghệ và mở rộng luồng vốn tài chính từ nước ngoài để đẩy nhanh tốc độ CNH đất nước.
Để thu hút kỹ thuật, công nghệ, kinh nghiệm quản lý tiên tiến của nước đi trước phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa nước mình một cách hiệu quả nhất, Nhà nước các nước ASEAN đã chủ trương mở rộng thị trường, tạo môi trường để dòng vốn, công nghệ và chuyên gia của nước ngoài “chảy” vào nền kinh tế một cách nhanh chóng, thuận lợi. Chẳng hạn, để tăng năng lực công nghệ quốc gia, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, một mặt Nhà nước tăng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách cho các hoạt động nghiên cứu - triển khai; và mặt khác, khuyến khích tư nhân đầu tư vào lĩnh vực đó... Ngoài ra, các nước còn thực hiện các chính sách khuyến khích, kêu gọi các nhà khoa học, chuyên gia kỹ thuật đang ở nước ngoài về nước làm việc, và “nhập khẩu” cả các chuyên gia, kĩ sư giỏi của nước ngoài với chế độ đãi ngộ đặc biệt. Đó thực sự là những đột phá cho việc đẩy nhanh tiến trình HĐH nền kinh tế tại các nước ASEAN.
Để thu hút FDI, Chính phủ các nước ASEAN đã mở rộng cửa nền kinh tế đi kèm với nhiều chính sách ưu việt như: mở cửa không hạn chế đầu tư nước ngoài, tạo bầu không khí thuận lợi cho đầu tư, khuyến khích vật chất... để các công ty đa quốc gia lựa chọn đất nước mình làm “công xưởng” của thế giới. Chính phủ các nước ASEAN đều ban hành các chính sách phát triển khoa học - công nghệ phù hợp với điều kiện của nước mình. Chẳng hạn, tại Xinh-ga-po Chính phủ bỏ ngân sách để xây dựng công viên khoa học - công nghệ, còn In-đô-nê-xi-a và Phi-lip-pin thì xây dựng các khu chế xuất.v.v… Kết quả là nhiều công ty từ các quốc gia phát triển đã tìm đến ASEAN, trong đó nhiều nhất là từ Nhật Bản và Mỹ. Tại Ma-lai-xi-a, nhờ biết tận dụng những ưu việt của cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế, cơ cấu kinh tế - xã hội đã nhanh chóng chuyển dịch theo hướng hiện đại, vững vàng bước vào nền kinh tế tri thức. Có thể thấy, việc tập trung nỗ lực phát triển các ngành công nghiệp điện tử, vi tính, thông tin và viễn thông trên cơ sở nguồn công nghệ trực tiếp và chủ yếu từ Nhật Bản và các công ty đa quốc gia là sự lựa chọn mang tính quyết định hướng tới tương lai của Ma-lai-xi-a. Đối với Thái Lan, có thể nhận thấy một sự kết hợp hết sức khéo léo giữa mục tiêu CNH và thu hút đầu tư nước ngoài qua chính sách thu hút FDI năng động, liên tục được điều chỉnh để thích nghi với từng thời kỳ phát triển đất nước. Thành công của Thái Lan trong lĩnh vực này là chính sách thông thoáng và được thực hiện bởi một bộ máy Nhà nước hiệu quả. Thái Lan luôn xác định đối tác trọng điểm để thu hút đầu tư, từ đó xây dựng các bộ phận chuyên trách riêng biệt cho từng nguồn xuất xứ của nhà đầu tư. Chính sự chuyên môn hóa và tổ chức này đã đáp ứng nhu cầu cụ thể của các nhà đầu tư nước ngoài có quốc tịch khác nhau.
4) Thực hiện mô hình công nghiệp hóa kết hợp giữa cơ chế thị trường và chủ nghĩa xã hội, gắn chặt công nghiệp hóa với cải cách và mở cửa - Kinh nghiệm Trung Quốc
Sau thất bại của mô hình CNH theo mô hình “Ưu tiên phát triển công nghiệp nặng” của những năm 1950, đến năm 1978 Trung Quốc đã thực hiện những cải cách kinh tế theo hướng tập trung khai thác thế mạnh nền kinh tế nông nghiệp của mình với việc chuyển thứ tự ưu tiên phát triển từ “công nghiệp nặng - công nghiệp nhẹ - nông nghiệp” sang “nông nghiệp - công nghiệp nhẹ - công nghiệp nặng”, nhờ đó kinh tế có sự tăng trưởng cao. Trung Quốc đã thực hiện chính sách khoán sản phẩm nông nghiệp đến hộ nông dân, thúc đẩy cải tạo kỹ thuật, từng bước tăng đầu tư để tăng cường cơ sở vật chất - kỹ thuật cho nông nghiệp... nhằm khuyến khích phát triển nông nghiệp, sớm đưa nông nghiệp lên sản xuất lớn hiện đại, phù hợp với đặc điểm nông thôn Trung Quốc. Những cải cách kinh tế của Trung Quốc với nội dung phát triển hướng vào nông nghiệp đã tạo cho đất nước này một bước nhảy vọt không chỉ trong nông nghiệp mà trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Và như vậy, Trung Quốc là nước đầu tiên trong số các nước tiến hành CNH theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung thực hiện thành công cải cách thể chế kinh tế, mà nội dung chủ yếu là chuyển sang kinh tế thị trường và mở cửa nền kinh tế, xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa mang màu sắc Trung Quốc. Các bước chuyển đó được tiến hành một cách thận trọng, dần dần và chắc chắn. Cụ thể:
+ Sự chuyển hướng mô hình công nghiệp hóa của Trung Quốc được bắt đầu từ bước chuyển các “công xã nhân dân” thành “kinh tế nông hộ”. Cơ chế đó đã có tác dụng tích cực trong việc làm tăng sản lượng nông nghiệp, đảm bảo ổn định lương thực và thực phẩm cho hơn 1,2 tỷ người; và quan trọng hơn là chuyển được một bộ phận đông đảo lao động nông nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ (khoảng 150 triệu người)
+ Thành công nhất và cũng độc đáo nhất trong quá trình thực hiện CNH theo hướng cải cách và mở cửa kinh tế của Trung Quốc là việc thành lập và phát triển các xí nghiệp hương trấn (XNHT) bộ phận cấu thành hữu cơ của mô hình CNH Trung Quốc. Thực chất đây là bước đi đầu tiên để chuyển mô hình tổ chức sản xuất kinh doanh và quản lý theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế thị trường. Với nguyên tắc hoạt động là “lời ăn lỗ chịu” nên mô hình XNHT đã tạo được tính tự chủ cao của xí nghiệp.
Sự phát triển các XNHT ở Trung Quốc đã đem lại hiệu quả cao, góp phần quyết định vào việc làm thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội nông thôn Trung Quốc. Đó là sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ thuần nông, sản xuất tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa, sử dụng được phần lớn lao động dư thừa của nông nghiệp ngay trên địa bàn nông thôn, thúc đẩy quá trình HĐH nông nghiệp truyền thống. Có thể nói, các xí nghiệp hương trấn đã đóng một vai trò đáng kể trong sự phát triển năng động của kinh tế Trung Quốc trong thời cải cách mở cửa, là bằng chứng về sự sáng tạo độc đáo mang màu sắc Trung Quốc: kết hợp giữa CNXH và thị trường.
+ Bước chuyển từ mô hình CNH theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung bao cấp sang mô hình mới- mô hình kết hợp giữa thị trường và CNXH ở Trung Quốc thể hiện tập trung nhất là ở sự chuyển đổi khu vực quốc hữu sang hoạt động theo cơ chế thị trường. Bước chuyển này được tiến hành từ từ từng bước, bắt đầu từ những năm 1984 và tạo sự đột phá thật sự là từ năm 1993. Trung Quốc vẫn luôn xác định vai trò trụ cột của các xí nghiệp quốc hữu, do đó việc cải cách khu vực này được tính toán một cách rất thận trọng, đi từ làm thử ở nhóm nhỏ trước, rồi sau đó mới mở rộng ra theo hướng nới lỏng dần các thiết chế kiểm soát của thời kỳ kế hoạch hóa tập trung, đồng thời cởi trói dần (hay mở rộng dần sự tự chủ) cho các doanh nghiệp nhà nước trong kinh doanh. Thực chất, đây là sự mở rộng chế độ khoán sản phẩm từ khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp theo kiểu “lấy nông thôn bao vây thành thị”. Phương châm của Trung Quốc trong cải cách quan hệ sở hữu là “quốc thoái dân tiến”, và “nắm lớn, buông nhỏ”. Các xí nghiệp quốc hữu sau khi hoàn thành kế hoạch pháp lệnh về nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước thì được quyền quyết định việc sản xuất “cái gì”, “cho ai” và “thế nào” để đạt hiệu quả cao nhất. Một cuộc cải cách như vậy đã tạo động lực mạnh mẽ cho hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế.
+ Thực hiện CNH gắn chặt với cải cách mở cửa nền kinh tế được thể hiện rõ nét nhất qua các chính sách cải cách hệ thống thương mại và khuyến khích đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Về thương mại, Chính phủ Trung Quốc đã từ bỏ chính sách độc quyền ngoại thương thông qua việc cho phép hàng ngàn công ty được phép buôn bán quốc tế; và cùng với nó là việc bãi bỏ các chỉ tiêu kế hoạch về sản phẩm nhập khẩu và giảm đáng kể hàng rào thuế quan đối với hoạt động này. Cụ thể, Chính phủ thực thi nhiều chính sách khuyến khích, như: duy trì chính sách tỷ giá hối đoái thực tế có lợi cho xuất khẩu; cho phép các doanh nghiệp được giữ lại một phần ngoại tệ từ hoạt động này; cho phép các ngân hàng tham gia giao dịch ngoại tệ... Nhờ những chính sách như vậy, hoạt động ngoại thương của Trung Quốc đã phát triển rất nhanh. Kim ngạch xuất khẩu cả nước đã tăng từ 36 tỷ USD năm 1978 lên 300 tỷ USD năm 1995 và 986 tỷ USD năm 2007. Vị trí của Trung Quốc trên bản đồ ngoại thương thế giới đã thay đổi. Tỷ lệ xuất khẩu trên GDP của nước này đã tăng từ 7% năm 1980 lên 15% năm 1990 và lên tới gần 30% những năm gần đây. Từ năm 2002, Trung Quốc là nước có thị phần lớn nhất trong tổng nhập khẩu của Nhật Bản. Hiện nay Trung Quốc là nước xuất khẩu lớn thứ ba trên thế giới, với tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu lên tới 1.760 tỷ USD, trong đó xuất siêu 212 tỷ USD.
Về đầu tư, Trung Quốc mở rộng việc thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thông qua phát triển mạnh các đặc khu kinh tế. Trung Quốc xác định các đặc khu kinh tế là những “cửa sổ” để tạo lập các kênh chuyển giao kỹ thuật, quản lý, và tri thức vào sâu trong lục địa. Chính đây là nét nổi bật của kinh tế thị trường XHCN mang màu sắc Trung Quốc. Thực tế là, ngay từ đầu thập kỷ 1980, Trung Quốc đã thành lập 4 đặc khu kinh tế (lúc đầu chỉ là khu chế xuất) là: Thâm Quyến, Chu Hải, Sán Dầu và Hạ Môn, sau thêm Hải Nam (đảo). Đến giữa thập kỷ đó, Trung Quốc đã hình thành được một “cánh cung” khổng lồ các đặc khu kinh tế và các thành phố mở cửa ven biển hướng ra Thái Bình Dương. Hiện nay, Trung Quốc là một trong số những nước thu hút FDI nhiều nhất của thế giới. Năm 2007, dòng vốn nước ngoài đầu tư vào Trung Quốc (không kể lĩnh vực tài chính ngân hàng) đạt 67,3 tỷ USD (năm 2005: 53 tỷ; 2000: 40 tỷ USD). Các dự án đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc tăng nhanh, góp phần quan trọng vào việc thay đổi cả chất và lượng của nền kinh tế nước này. Hiện nay khu vực FDI chiếm hơn 30% tổng giá trị sản xuất, và trên 50% tổng kim ngạch xuất khẩu công nghiệp của Trung Quốc. Trung Quốc đã dần dần thay thế vị trí của Nhật Bản về lĩnh vực này(3). Điều đó đã khẳng định khả năng sản xuất hàng giá rẻ và chất lượng cao của Trung Quốc, đặc biệt là đồ điện gia dụng trên thị trường tiêu thụ của thế giới. Ngay từ cuối thập niên 1990, Trung Quốc đã được cả thế giới biết đến như là một “nhà máy sản xuất khổng lồ của thế giới”, và vào năm 2000 Trung Quốc chiếm 40% tổng lượng sản xuất máy điều hoà không khí của thế giới, 24% tivi màu, 22% VTR, 11% máy tính cá nhân, 10% điện thoại di động... Đồ điện, điện tử gia dụng, đồng hồ, máy tính cá nhân, xe máy và các loại máy móc khác chiếm tới 43% tổng xuất khẩu năm 2003.
Nhờ việc thực hiện CNH gắn chặt với cải cách, mở cửa nền kinh tế, trong vòng 20 năm cuối thế kỷ XX Trung Quốc đã đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất trong lịch sử phát triển của họ, và cũng là cao nhất thế giới (bình quân tăng 9,8%/năm, năm 2007 tăng 11,4%). Năm 2004, GDP của Trung Quốc đạt 1.649 tỷ USD, xếp thứ bảy trên thế giới; và năm 2007 là 4.430 tỷ USD, đứng thứ tư (sau Mỹ, Nhật và Đức), với GDP bình quân đầu người 2.200 USD(4).
Như vậy, Trung Quốc đã trải qua hai thời kỳ, ứng với những mô hình CNH khác nhau và kết quả CNH đạt được cũng khác nhau. Nếu mô hình CNH những năm trước 1980 là thất bại, thì ngược lại mô hình CNH Trung Quốc thực hiện từ những năm 1980 đến nay đã rất thành công, trở thành một mẫu mô hình CNH mới của Trung Quốc. Đó là mô hình CNH kết hợp giữa cơ chế thị trường và chủ nghĩa xã hội, gắn chặt công nghiệp hóa với cải cách và mở cửa nền kinh tế. Rõ ràng, những thành công của CNH Trung Quốc trong hơn hai mươi năm gần đây là nhờ sự lựa chọn và chuyển đổi mô hình CNH một cách khéo léo và uyển chuyển. Trung Quốc đã tiến nhanh vào cơ chế thị trường, nhất là trong lĩnh vực sản xuất một cách khá hoàn hảo.
Kinh nghiệm của các nước đi trước đã cung cấp cho Việt Nam những bài học vô cùng quý báu. Tuy nhiên, chúng ta đang thực hiện CNH trong một bối cảnh mới: toàn cầu hóa, sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng khoa học công nghệ và kinh tế tri thức, nên việc học tập kinh nghiệm các nước không đơn giản. Những yếu tố vừa nêu đã làm đảo lộn cả tư duy và thực tiễn phát triển trong nhiều lĩnh vực, nó có ảnh hưởng lớn, và thậm chí ảnh hưởng quyết định đến việc hình thành cơ cấu kinh tế cũng như cách thức tiến hành CNH của mỗi nước; làm thay đổi cơ cả cấu lực lượng tham gia quá trình CNH. Vì vậy, học tập kinh nghiệm là cần thiết để tránh việc phải mò mẫm, đi đường vòng mất nhiều thời gian. Nhưng nếu học hỏi mà thiếu sáng tạo, áp dụng kinh nghiệm các nước một cách máy móc, nguyên xi, không “thích ứng chuyển đổi” được các yếu tố ngoại lực thành nội lực thì thời gian còn kéo dài hơn, thậm chí thất bại. Vấn đề là, chúng ta sẽ có rất nhiều cơ hội do các nước đi trước tạo ra, nhưng nắm bắt cơ hội thế nào để đẩy nhanh quá trình CNH ở nước ta lại đòi hỏi phải có một Nhà nước đủ năng lực và bản lĩnh.
MAI THỊ THANH XUÂN - NGÔ ĐĂNG THÀNH
(Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1- Phạm Quang Diệu, Chiến lược công nghiệp hóa lan tỏa- Chuyển đổi nền kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp, Thời đại mới, số 4, tháng 3/2005.
2- PTS Đỗ Đức Định (CB), Công nghiệp hóa, hiện đại hóa : Phát huy lợi thế so sánh, Kinh nghiệm của các nền kinh tế đang phát triển ở Đông Á, Nxb CTQG, HN, 1999
3- TS An Nhu Hải, Vai trò của Nhà nước trong các mô hình công nghiệp hóa rút ngắn - Bài học đối với Việt Nam, www.i rv.moi.gov.vn
4- Kenichi Ohno, Phát triển kinh tế của Nhật Bản- Con đường đi lên từ một nước đang phát triển, Diễn đàn phát triển Việt Nam, 2007.
5- Nền kinh tế Trung Quốc : thách thức đối với ASEAN, http://www.ips.gov.vn
6- Cao Hy Quân - Lý Thành, 40 năm kinh nghiệm Đài Loan, Nxb Đà Nẵng, 1994.
7- Phạm Thái Quốc, Trung Quốc - Quá trình CNH trong 20 năm cuối thế kỷ XX, Nxb KHXH, H,2001.
8- Tìm hiểu mô hình công nghiệp hóa mới của Trung Quốc, www.laocai.gov.vn
9- TS Nguyễn Minh Tú-Ths Vũ Xuân Nguyệt Hồng (CB), Chính sách công nghiệp và các công cụ chính sách công nghiệp : Kinh nghiệm của Nhật Bản và bài học rút ra cho công nghiệp hóa của Việt Nam, Nxb Lao Động, HN, 2001.
10- http://www.lefaso.org.vn;http://www vnanet. vn; http://www.vnagency.com.vn
(1) Sự thất bại của Liên Xô về chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế vào những năm 1980 là do chuyển từ thái cực này sang thái cực khác
(2) Trước đây, vì để níu kéo các Chaebol nên Chính phủ Hàn Quốc luôn xuất hiện bên cạnh các Chaebol để “giải cứu” khi cần thiết, nhưng hậu quả là các chaebol trở nên trì trệ, ỷ lại, không có sức “đề kháng”, và rốt cuộc nhiều Chaebol đã bị cuốn theo cơn lốc khủng hoảng tài chính
(3) Các cơ sở sản xuất của Nhật Bản trong các lĩnh vực trên đang dần được chuyển sang Trung Quốc, còn Nhật Bản thì chỉ xuất khẩu sang Trung Quốc các sản phẩm trung gian, các linh kiện, bộ phận điện tử cao cấp.
(4) Vào cuối những năm 1980 GDP của Trung Quốc và Việt Nam tương đương nhau, khoảng 200 USD; đến năm 2007 chỉ số đó của Trung Quốc đã cao hơn Việt Nam 2,7 lần (2.200 USD so với 835 USD).