1. Phương pháp “Bàn tròn điện ảnh”
Điện ảnh là cuốn sách văn hóa được tạo thành bởi những trải nghiệm vô cùng phong phú trong đời sống con người. Thưởng thức điện ảnh chính là đọc để hiểu nền văn hóa được viết nên trong cuốn sách đó. Có lẽ, thưởng thức phim một mình cũng là một cách. Tuy nhiên, chính vì điện ảnh là một cuốn sách văn hóa nên nó tạo cho người ta cái nhu cầu muốn tâm sự với ai đó, một điều gì đó về nó. Chú ý tới điểm này, trong nghiên cứu nếu ta đưa vào một cách có chủ định phương pháp “đối thoại” giữa những người cùng xem phim thì điều gì sẽ xảy ra?
Trên thực tế, chúng tôi đã tiến hành một cuộc thử nghiệm như vậy và ngay lập tức thấy những điều đáng chú ý sau: Những người có bối cảnh văn hóa khác nhau khi cùng xem một bộ phim thì điểm làm cho họ khóc hay cười tương đối “lệch pha” nhau. Nội dung này đối với một người có thể cực kỳ dễ hiểu, nhưng lại làm cho những người khác chẳng hiểu gì cả. Hoặc một tình huống làm cho một số người rất cảm động, nhưng lại trở nên chán ngắt đối với một số người khác. Chính vì vậy, nếu đem điểm “lệch pha” này ra làm chủ đề đối thoại, thì lại càng làm cho họ không thể lý giải nổi lý do này. Có nghĩa là, cuộc thử nghiệm này không hẳn đã gắn với muc đích đơn giản là để “hiểu nhau”. “Đối thoại” kiểu như vậy không chỉ dừng lại ở ý nghĩa bề ngoài đơn thuần này, mà ngược lại, nó làm dấy lên những cuộc tranh luận vô cùng sâu sắc.
Phương pháp này, tôi và một số nhà nghiên cứu cùng nhóm đặt tên là phương pháp “Bàn tròn điện ảnh”. Bài viết dưới đây xin giới thiệu về cuộc thử nghiệm đối thoại giữa các nền văn hóa khác nhau có sử dụng phương pháp “Bàn tròn điện ảnh”.
2. Cảm tưởng khác nhau xung quanh bộ phim Hàn Quốc “Chingu” (Tình bạn)
Bộ phim Hàn Quốc “Chingu” lấy bối cảnh ở Pusan, phim mô tả tình bạn sâu sắc của bốn người bạn từ thuở ấu thơ là Joonseok, Dongsu, Junho và Sangtaek, cùng lớn lên bên nhau, trong những va chạm căng thẳng, cuối cùng vẫn là bạn thân thiết (chingu) với nhau. Phim sản xuất năm 2001, của đạo diễn Gwak Gyeong-taek. Bộ phim đã gây được tiếng vang lớn ở Hàn Quốc. Bộ phim đồng thời cũng đã được công chiếu ở Nhật Bản, nó được quảng cáo khá rầm rộ song lại không gây được ảnh hưởng đáng kể nào cả. Bộ phim không được đón nhận ở Nhật Bản, lý do không phải vì nó là một bộ phim của Hàn Quốc. Trên thực tế, phim “Bản tình ca mùa đông” (ở Hàn Quốc gọi là “Gyeoul Yeonga”) đã rất được yêu thích ở Nhật Bản và nó mở đầu cho “Trào lưu Hàn Quốc” tại Nhật cách đây vài năm (Ở Việt Nam, phim Hàn Quốc cũng rất được ưa chuộng). Vậy thì tại sao đối với bộ phim này, tiếng vang của nó ở Hàn Quốc và Nhật Bản lại có sự khác biệt lớn đến thế?
Ấn tượng sâu sắc nhất để lại trong bộ phim “Chingu” là sự đối lập kịch liệt giữa hai cậu bé Joonseok và Dongsu khi lớn lên trở thành hai kẻ trong hai nhóm xã hội đen khác nhau, đó là cảnh Dongsu bị đàn em của Joonseok đâm chết. Joonseok bị bắt, bị khởi tố và ra tòa. Junho đã mua cảnh sát, định giải cứu cho bạn, nhưng Joonseok lại khăng khăng nhận tội. Khi đến thăm, Junho đã hỏi Joonseok trong nước mắt “Tại sao? Tại sao cậu làm như vậy?”, Joonseok trả lời “Mình và Dongsu đều là dân giang hồ. Đã là giang hồ thì phải chơi đẹp”. Cảnh cuối cùng của bộ phim quay lại hồi bốn người còn nhỏ, trèo lên cái bánh xe ôtô cũ để bơi ra biển cùng với tiếng hét vang vọng: “Chúng mình đã đi quá xa rồi…”
Tấm ảnh quảng cáo trên các đĩa DVD bán tại Nhật là tấm ảnh làm cho nhiều người Hàn Quốc nhìn thấy đều cảm kích. Giới phê bình điện ảnh, các nhà báo, thậm chí đến cả các chính trị gia Hàn Quốc cũng hết lời ca ngợi khi nói về bộ phim này. Nhưng niềm hưng phấn ấy, phần lớn người Nhật lại hoàn toàn không đồng cảm được. Trước hết, tôi xin giới thiệu một số cảm tưởng của người Nhật sau khi xem bộ phim.
Điều băn khoăn cơ bản của tôi là: “Đó mới chính là chingu (tình bạn)!? Họ đã thốt lên một cách cảm động thực sự - Đó là phản ứng của giới khán giả trẻ Hàn Quốc. Trên tấm ảnh bìa ngoài của đĩa DVD, tràn ngập những dòng chữ và hình ảnh kiểu như vậy, nhìn thấy những thứ đó, tôi cực kỳ ngạc nhiên. Có nghĩa là, cái làm cho họ cảm động đến như vậy, đối với tôi đó chỉ là một hình ảnh cực đoan của tình bạn, có lẽ đó là tình bạn đẹp một cách “không tưởng”. Nhưng cho dù là như vậy, tôi cũng khó mà đồng cảm được.” (Yamamoto Toshiya: nhà tâm lý học)
“Nói thẳng ra thì, cái cảm xúc “cảm động” quả là khó hiểu, bản thân tôi chỉ thấy căm ghét cái ác mà thôi. Kết cục của bộ phim, chẳng thấy tình bạn đâu cả mà chỉ thấy sự chia ly tan tác… (Lược). Các nhân vật chính trong phim đều không theo nghề của bố mẹ, cũng không thể tự do phát triển tài năng của mình, thật đáng tiếc cho họ… (Lược). Bộ phim được dàn dựng để đi thẳng tới kết cục bi thảm chém giết lẫn nhau, khiên cưỡng, thiếu tính linh hoạt.” (Kano Mami, nhà tâm lý học).
Nhưng ngược lại, cảm xúc của người Hàn Quốc về bộ phim như sau: Ta có thể thấy rõ ràng đó là những cảm xúc khác nhau về chất, những cảm xúc mà đối với người Nhật là không thể có.
“Nếu để Joonseok sống, thực chất là hai kẻ giang hồ đấu với nhau đến cùng, sẽ có kẻ thắng và người thua, thì bộ phim chỉ còn là bộ phim về xã hội đen thông thường. Thế nhưng, Joonseok lại tự mình chọn con đường chết (bị tử hình), để giữ được tình bạn. Phải chăng bộ phim đã làm người xem hồi hộp và cảm động đến cao trào khi đặt ra tình huống chỉ có cái chết mới giữ được tình bạn hai người. (Oh Seon-a, nhà tâm lý học).
“Trong phim, Joonseok là nỗi buồn, là sự đau khổ của tình bạn, đã làm một hành động mà tiếng Hàn gọi là “hanpuri”, vốn là cảm xúc xuyên suốt các tác phẩm nghệ thuật của Hàn Quốc. Joonseok đã sát hại ông chủ của Dongju là Sang-gon, để rồi lại từ mình đi đầu thú để tìm đến cái chết, anh chính là một tuyên ngôn cho chữ “han” đó. Với cách sống cực đoan của kẻ giang hồ, chọn cái chết như Dongju để chuộc tội với bạn, để hướng thiện, Joonseok đã làm cho tình bạn tưởng như sắp tan vỡ thăng hoa thành tình bạn cao thượng nhất. (Kim Yeon-gyeong, nhà giáo dục học).
Người Hàn Quốc khi nói về tính cách dân tộc của mình, thường không thể bỏ qua khái niệm “han”. Chị Kim Yeon-gyeong đã dùng chữ “han” để lý giải bộ phim này. Nhưng đối với người Nhật Bản vốn không có khái niệm “han” như vậy, thì khi đọc những dòng giải thích này, họ khó có thể hiểu được.
3. Kết quả của đối thoại điện ảnh
Những cảm tưởng về bộ phim như trên, chúng tôi thu được khi tiến hành đối thoại trực tiếp về bộ phim với người Nhật Bản và người Hàn Quốc tại cùng một địa điểm, nhưng rõ ràng kết quả cho thấy hai bên không thể dễ dàng hiểu nhau được. Phương pháp “bàn tròn điện ảnh” không đơn giản là để xúc tiến tìm hiểu lẫn nhau. Mà ngược lại, thông qua đó, lại có thể thấy “điều gì làm cho hai bên khó hiểu nhau”. “Cùng là con người với nhau, nên chỉ cần nói chuyện một cách cởi mở thì nhất định sẽ hiểu được nhau” - sự đồng cảm vượt lên trên cả rào cản văn hóa như vậy là không tưởng. Bởi vì văn hóa là nguồn cội sâu thẳm trong cuộc sống của chúng ta (cuộc sống = sinh, sống, mệnh, đời người…), trải qua thời gian, các tầng văn hóa được bồi đắp dần sâu sắc hơn.
Tuy nhiên, việc nắm bắt được “cái gì làm cho hai bên khó hiểu nhau?” chiếm một vị trí vô cùng quan trọng trong việc tìm hiểu nền văn hóa khác. Bởi vì, chúng ta sẽ cùng tạm thời bỏ qua những vấn đề khó hiểu ấy, để có thể xích lại gần nhau hơn. Đó chính là mục đích của “bàn tròn điện ảnh”. Và một cuộc đối thoại lại tiếp tục gợi mở ra những vấn đề cho các cuộc đối thoại tiếp theo. Trong khi những tiếng nói khác nhau tiếp tục được hòa quyện như vậy, sự đồng cảm dần dần được xây dựng trên cơ sở những kinh nghiệm lịch sử và các tầng văn hóa sâu sắc. Đó là điều quan trọng nhất.
Tôi và các cộng sự trong nhóm đã tiến hành đối thoại “bàn tròn điện ảnh” trên thực tế, với sự tham gia của rất nhiều thành viên ở bốn quốc gia Nhật - Hàn - Trung - Việt, chúng tôi đã cùng xem và đối thoại về bốn bộ phim của bốn nước nói trên. Kết quả là một cuốn sách có tới 59 người cùng viết đã được biên tập và xuất bản (Yamamoto, Ito, 2005). Hiện nay, cuốn sách được nhiều trường đại học ở Nhật Bản sử dụng làm giáo trình giảng dạy, đã được sự hưởng ứng và trở thành đề tài tranh luận của lưu học sinh nhiều nước. Ngoài ra, tập tiếp theo của cuốn sách đang được các học giả Hàn Quốc biên soạn, dự tính sẽ đồng thời xuất bản ở cả hai nước Nhật – Hàn vào cuối năm 2008, đầu năm 2009.
4. Triển khai “Bàn tròn điện ảnh” ở Việt Nam
Phương pháp “Bàn tròn điện ảnh”, suy cho cùng khá đơn giản và có thể vận dụng một cách dễ dàng trong thực tiễn giảng dạy quốc tế học. Trong cuốn sách vừa nêu trên, bộ phim “Nhâm” của đạo diễn Đặng Nhật Minh (tên tiếng Việt là “Thương nhớ đồng quê”) cũng được nhắc đến, đồng thời đối thoại điện ảnh có sự tham gia nhiệt tình của khá nhiều người Việt Nam. Bộ phim “Nhâm” lấy bối cảnh ở một vùng nông thôn miền Bắc Việt Nam vào đầu những năm 1990. Nội dung phim xoay quanh cuộc sống của Nhâm, một cậu bé 17 tuổi sinh ra ở làng quê, làm nghề nông và những người trong làng xung quanh cậu. Qua bộ phim, thấy phảng phất nỗi buồn của một vùng quê còn nhiều khó khăn về kinh tế so với cuộc sống nơi thị thành. Đối với người Nhật Bản, nội dung bộ phim khá dễ đồng cảm, nhưng cảm tưởng chung về bộ phim vẫn là “không hiểu nỗi buồn được miêu tả trong bộ phim đến mức độ nào?”. Dù sao, đa số người Nhật vẫn cảm nhận được nỗi buồn khác về chất so với đời sống Nhật Bản, nỗi buồn mà ở Nhật vốn không hề tồn tại.
Việt Nam và Nhật Bản vừa có nhiều điểm tương đồng về văn hóa (văn hóa nho giáo, văn hóa chữ Hán, văn hóa dùng đũa…), đồng thời trong chúng ta cũng tồn tại sự khác nhau tinh tế về cảm giác và nhận thức. Nếu cậy vào sự giống nhau bên ngoài ấy, mà bỏ qua những điểm khác biệt tinh tế, thì e sẽ có lúc sự khác biệt trở thành cách trở lớn hơn. Nếu sự cách biệt ấy càng ngày càng lớn thì sẽ đến lúc chúng ta không thể thân mật đối diện với nhau được nữa. Chính vì vậy mà vai trò của giáo dục văn hóa quốc tế là rất quan trọng. Trong đó, có thể nói, “Bàn tròn điện ảnh” là một trong những phương pháp đơn giản, dễ sử dụng trên thực tế.
Tuy nhiên, khi sử dụng phương pháp “Bàn tròn điện ảnh”, có một trở ngại là khó có thể có trong tay một bộ phim có thể xem được bằng cả hai thứ tiếng. Đáng tiếc là số lượng những bộ phim truyền hình và điện ảnh của Nhật Bản được dịch ra tiếng Việt rất giới hạn, và ngược lại, những bộ phim Việt Nam có thể xem bằng tiếng Nhật cũng không thể gọi là nhiều. Chúng tôi hy vọng trong tương lai gần, vấn đề trên sẽ được giải quyết, và “Bàn tròn điện ảnh” sẽ được triển khai trong giáo dục tại Việt Nam.
ITO TETSUJI
Người dịch: Ngô Hương Lan
Nguồn: Yamamoto Toshiya – Ito Tetsuji, Thưởng thức điện ảnh Châu Á cùng với người Châu Á: Thế giới đối thoại mới thông qua vai trò của bàn tròn điện ảnh. Nxb. Kita Oji Shobo, 2005.