Sau 60 năm dưới sự thống lĩnh của Mỹ, giờ đây cán cân quyền lực ở Đông Bắc Á đang bắt đầu thay đổi. Mỹ bị suy yếu, Trung Quốc đang nổi lên, còn Nhật Bản và Hàn Quốc thì liên tục phát triển. Trong bối cảnh đó, các nhà hoạch định chính sách của Mỹ đang tìm mọi cách khống chế tình hình theo hướng có lợi cho Mỹ, sớm phục hồi và tiếp tục duy trì quyền lực của Mỹ trong khu vực này.
Đông Bắc Á đang trong quá trình chuyển đổi. Sau 60 năm dưới sự thống trị của Mỹ, hiện nay cán cân quyền lực ở khu vực này đang thay đổi. Mỹ bị suy yếu, Trung Quốc ở thế đi lên, còn Nhật Bản và Hàn Quốc thì không ngừng phát triển. Điều đó thể hiện ở những câu nói: Đông Bắc Á là quê hương của 3 trong số 11 nền kinh tế lớn nhất thế giới và 3 nước Đông Bắc Á cũng nằm trong số 4 quốc gia có lực lượng quân đội thường trực lớn nhất thế giới.
Nửa thế kỷ trước, Mỹ chủ yếu dựa vào các khối liên minh song phương để gia tăng lợi ích của mình trong khu vực này. Nhưng các liên minh đó giờ đây đang bị đe doạ và sẽ không còn là nền móng vững chắc cho chính sách của Mỹ trong tương lai. Những lực lượng chi phối sự biến đổi của khu vực Đông Bắc Á rất phức tạp, bao gồm nhiều yếu tố như kinh tế, an ninh, nhân khẩu học và chủ nghĩa dân tộc. Trong thời gian tới, để tối đa hoá ảnh hưởng của mình, Washington cần thừa nhận rằng thời kỳ quá độ là tất yếu, đồng thời xác định rõ những khuynh hướng tạo nên thời kỳ quá độ đó và sử dụng những công cụ, thể chế mới nhằm mở rộng nền tảng sức mạnh của Mỹ trong khu vực này. Với nhiều biến số diễn ra đồng thời như vậy, đây sẽ không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. 5-10 năm tới là quãng thời gian rất quan trọng, tạo điều kiện cho sự phát triển trong nửa thế kỷ tiếp theo và thậm chí có thể xa hơn nữa.
Những vấn đề thương mại
Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc, ảnh hưởng của Mỹ ở Đông Bắc Á về mặt kinh tế, rất lớn đồng thời giành được sự ủng hộ đối với những chính sách của mình tại khu vực này nhờ hoạt động thương mại và viện trợ. Song, hiện nay Mỹ không còn mạnh như trước nữa, mà đang phải chia sẻ quyền lực với Trung Quốc.
Năm 2007, lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Trung Quốc và Nhật Bản (nền kinh tế lớn thứ hai thế giới) đã vượt qua kim ngạch thương mại giữa Mỹ với Nhật Bản. Tương tự như vậy, năm 2004, Trung Quốc đã thay thế Mỹ để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc (năm 1991, một năm trước khi bình thường hoá quan hệ với Hàn Quốc, Trung Quốc chỉ chiếm hơn 1% kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc, trong khi tỷ lệ này của Mỹ là 26%. Đến năm 2006, Trung Quốc chiếm gần 22%, còn Mỹ chỉ chiếm 15%). Ngay cả khi Hiệp định Thương mại tự do Mỹ - Hàn được phê chuẩn, Mỹ cũng sẽ khó có thể trở lại vị thế đối tác hàng đầu của Hàn Quốc như trước đây.
Sự suy yếu về ảnh hưởng kinh tế của Mỹ không phản ánh sự sụt giảm trong hoạt động thương mại hiện nay giữa Mỹ và các đối tác Đông Bắc Á (kim ngạch thương mại giữa hai bên đã tăng trưởng một cách ấn tượng với những con số ngoạn mục). Nói đúng hơn, sự suy yếu này liên quan đến sự trỗi dậy của Trung Quốc trong lĩnh vực kinh tế. Tính theo sức mua tương đương (PPP), tỷ phần của Trung Quốc trong GDP toàn cầu đã tăng từ mức dưới 5% năm 1980 lên mức xấp xỉ 16% như hiện nay; theo chỉ số này, Trung Quốc hiện đứng hàng thứ hai thế giới, sau Mỹ. Tương tự như vậy, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc đã tăng vọt từ hơn 150 tỷ USD năm 1996 lên gần 1.000 tỷ USD năm 2006, tức là tăng 5,5 lần.
Chắc chắn là sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đòi hỏi một số điều kiện nhất định. Trung Quốc cần đạt được tỷ lệ tăng trưởng hàng năm vào khoảng 7% để tạo đủ số việc làm cho những người mới bước vào thị trường lao động nội địa mỗi năm. Việc không đạt được nhịp độ tăng trưởng này sẽ dẫn đến tình trạng thất nghiệp gia tăng và khả năng rối loạn ở trong nước. Quy mô tăng trưởng của Trung Quốc với tư cách là một sức mạnh thương mại cũng cần được tính đến. Như bản báo cáo đặc biệt mới đây của Hội đồng Quan hệ đối ngoại Mỹ về quan hệ Mỹ - Trung đã chỉ rõ, gần 65% giá trị xuất khẩu của Trung Quốc sang thị trường Mỹ là các mặt hàng nguyên vật liệu thô, phụ tùng linh kiện và những hàng hoá mà Trung Quốc nhập khẩu từ một số nước Châu Á khác.
Bất chấp những yếu tố đó, sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã làm thay đổi cán cân quyền lực ở Đông Bắc Á, kéo theo cả những hệ quả tích cực và tiêu cực. Theo quan điểm của Mỹ, sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc là con dao hai lưỡi. Xét ở khía cạnh tích cực, kim ngạch thương mại hai chiều Mỹ - Trung đã tăng từ mức 64 tỷ USD năm 1996 lên 343 tỷ USD năm 2006; GDP của Mỹ tăng hơn 0,6% so với mức dự kiến cũng là do kết quả của hoạt động thương mại và đầu tư với Trung Quốc từ năm 2001. Trong thập niên vừa qua, kim ngạch xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc đã tăng từ 12 tỷ USD lên gần 55 tỷ USD, vượt quá tổng kim ngạch xuất khẩu của Mỹ sang Achentina, Pháp, Italia, Nga và Tây Ban Nha gộp lại. Trên thực tế, Trung Quốc là nước nhập khẩu hàng hoá Mỹ lớn thứ tư thế giới và năm 2007, Trung Quốc có thể vượt Nhật Bản để trở thành thị trường nhập khẩu lớn thứ ba thế giới. Rốt cuộc, Trung Quốc đã trở thành nước xuất khẩu lớn nhất thế giới sang thị trường Mỹ. Mặc dù mức chênh lệch thương mại giữa hai nước (lên đến 233 tỷ USD vào năm 2006) gây nhiều quan ngại cho Washington, nhưng hàng giá rẻ của Trung Quốc đã góp phần ổn định giá cả cho người tiêu dùng Mỹ.
Xét ở khía cạnh tiêu cực, sức mạnh kinh tế của Trung Quốc đồng nghĩa với việc một đòn bẩy quan trọng trong ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực Đông Bắc Á đã bị suy yếu đáng kể. Điều này đặc biệt đúng nếu căn cứ vào sự tăng trưởng kinh tế đang diễn ra và cũng không kém phần ngoạn mục của Hàn Quốc. Washington không còn có thể trông cậy vào quyền lực kinh tế của mình để thuyết phục Seoul đi theo những chính sách của Mỹ. Không chỉ là nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới và là một chủ nợ chính của Mỹ, hiện nay Hàn Quốc có quan hệ thương mại với Trung Quốc nhiều hơn so với Mỹ. Kết quả là Hàn Quốc hiện ít phụ thuộc vào Washington hơn so với bất kỳ thời điểm nào khác kể từ sau khi Chiến tranh Triều Tiên kết thúc, đặc biệt là căn cứ vào tiềm lực quân sự ngày càng tăng của nước này (điều đó liên quan trực tiếp tới vị thế kinh tế của Hàn Quốc và khả năng mua vũ khí của nước này). Đến lượt mình, điều đó đã góp phần mở rộng những lựa chọn địa chính trị của Hàn Quốc trong khu vực Đông Bắc Á. Trong những năm gần đây, Chính phủ Hàn Quốc đã thể hiện sức mạnh mới của nước này khi cực lực phản đối đường lối cứng rắn, được Mỹ ủng hộ, đối với Cộng hoà Dân chủ nhân dân Triều Tiên.
Một nguy cơ tiềm tàng khác đối với Mỹ là tổng số nợ của Mỹ do các chủ nợ nước ngoài nắm giữ đã tăng lên, trong đó Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc chiếm phần lớn nhất. Kể từ tháng 3/2007, Nhật Bản và Trung Quốc (ngoại trừ Hồng Kông) là những chủ nợ lớn hàng thứ nhất và thứ hai của Mỹ, cùng chiếm tới 47% trong tổng số nợ gần 2,2 nghìn tỷ USD của Mỹ. Cụ thể, Trung Quốc gần đây đã trở thành một chủ nợ lớn khi tăng số vốn cho vay của nước này lên gần 100 tỷ USD trong năm tài chính 2006. Những hệ luỵ của việc làm này có thể gây ảnh hưởng sâu rộng. Chỉ cần Trung Quốc ngừng mua các hoá đơn của Kho bạc Mỹ thì cũng có thể gây thiệt hại cho nền kinh tế Mỹ. Tức là, Bắc Kinh đã có ảnh hưởng lớn đến Mỹ và Trung Quốc có thể lợi dụng ảnh hưởng này trong khu vực Đông Bắc Á, có thể là với vấn đề Đài Loan.
Cuối cùng, sự năng động mới trong lĩnh vực kinh tế tại khu vực Đông Bắc Á đã tác động đến Nhật Bản. Do không có lực lượng quân sự vững mạnh kể từ khi Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc, Nhật Bản phải trông cậy vào sức mạnh kinh tế của mình để xây dựng và bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia. Song, sự trỗi dậy của Trung Quốc trong thời gian vừa qua đã làm giảm sức mạnh kinh tế của Nhật Bản ở khu vực Đông Bắc Á so với thập niên 1970, 1980. Hơn nữa, từ năm 1997, Tokyo đã cắt giảm 35% tiền viện trợ phát triển toàn cầu (phần lớn là ở Châu Á), chủ yếu là do những biến động về kinh tế. Vì không thể sử dụng sức mạnh kinh tế một cách hiệu quả như trước, Nhật Bản hiện đang phải dựa vào hình thức mới của chủ nghĩa dân tộc như là một cách để xây dựng và bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia. Tuy nhiên, người ta vẫn chưa biết được tác động tổng thể của sự thay đổi này.
Chắc chắn là bức tranh kinh tế đang thay đổi ở Đông Bắc Á cũng có một vài hiệu ứng tích cực rõ rệt. Điều quan trọng nhất là sự hội nhập kinh tế ngày một lớn giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã làm giảm khả năng đối đầu giữa các quốc gia này vì một lý do đơn giản: tất cả các bên đều có quá nhiều những rủi ro về mặt kinh tế, gây xáo trộn tình trạng hiện thời. Điều này cũng đúng với quan hệ giữa Mỹ và Đông Bắc Á: hiện nay, Đông Bắc Á chiếm tới 25% giá trị thương mại toàn cầu và 24% kim ngạch thương mại của Mỹ, một nguy cơ lớn đối với sự ổn định của Mỹ ở khu vực này.
Cuộc cách mạng trong các vấn đề quân sự
Sự năng động mới trong lĩnh vực kinh tế ở Đông Bắc Á chỉ là một yếu tố làm thay đổi cán cân quyền lực của khu vực này. Bên cạnh đó còn phải kể đến sự tái cân bằng nhanh chóng tương quan lực lượng quân sự giữa Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Quan hệ Mỹ - Nhật vẫn là mối quan hệ đồng minh quan trọng nhất tại Đông Bắc Á và có thể vẫn tiếp tục là một trụ cột cho sự hiện diện của Mỹ tại khu vực này. Tuy nhiên, Nhật Bản đang đánh giá lại một cách căn bản quan điểm của họ về những nhu cầu an ninh quốc gia, đồng thời nhanh chóng đưa ra thái độ dứt khoát khi đối mặt với sự trỗi dậy về kinh tế và quân sự của Trung Quốc cũng như khả năng thống nhất hai miền Nam, Bắc Triều Tiên. Nhật Bản cũng thừa nhận rằng, với tư cách là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nước này cần tham gia tích cực hơn vào vấn đề an ninh toàn cầu, đặc biệt nếu như Nhật Bản muốn giành được một chiếc ghế thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Sự thay đổi rõ rệt nhất liên quan đến vấn đề an ninh tại Nhật Bản là sự giảm bớt số lính Mỹ đóng quân trên lãnh thổ nước này. Washington và Tokyo đều nhất trí rằng, 8.000 lính thuỷ đánh bộ Mỹ tại Okinawa sẽ được điều sang đảo Guam, khi đó chỉ còn lại 40.000-42.000 lính Mỹ tại Nhật Bản. Sự thay đổi này, mặc dù có ý nghĩa quan trọng đối với người Nhật, nhưng chưa chắc tác động đến khả năng chiến đấu của quân đội Mỹ tại Châu Á - Thái Bình Dương. Những tiến bộ trong lĩnh vực công nghệ quân sự cho phép Mỹ hoạt động hiệu quả hơn với số quân ít hơn đang đồn trú xa chiến trường. Năm 2008, lần đầu tiên Mỹ sẽ có một hàng không mẫu hạm chạy bằng năng lượng nguyên tử tại Nhật Bản, tạo cho Mỹ một vị thế mới ở khu vực Đông Bắc Á. Những cuộc tập trận chung giữa quân đội Mỹ và Nhật đã nâng cao hiệu quả thống nhất và năng lực phối kết hợp chiến đấu của quân đội hai nước. Hai đặc điểm trên vốn rất mờ nhạt trong quá khứ. Cuối cùng, mặc dù lực lượng quốc phòng của Nhật Bản vẫn tương đối nhỏ, với 240.000 quân, nhưng ngân sách quốc phòng với trị giá 44 tỷ USD của nước này lại đứng hàng thứ 5 trên thế giới. Lực lượng tự vệ Nhật Bản cũng được trang bị đầy đủ, với 1.000 xe tăng, có cả hải quân và không quân, có khả năng tác chiến chuyên nghiệp.
Tuy nhiên, những thay đổi sâu sắc hơn trong vị thế an ninh của Nhật Bản lại nằm trong lĩnh vực cải cách chính sách và thể chế. Bị trói buộc trong bản Hiến pháp hoà bình (do Mỹ soạn thảo), Nhật Bản đã theo dõi Chiến tranh Lạnh từ bên ngoài và bỏ mặc an ninh quốc gia cho Mỹ điều khiển, đồng thời tập trung sức lực vào việc phát triển kinh tế. Như nhà sử học Kenneth Pyle đã viết trong cuốn sách “Nhật Bản trỗi dậy”, trong thời kỳ đó, Tokyo đã tự áp đặt cho mình 8 mối ràng buộc liên quan đến an ninh. Nhật Bản tuyên thệ không gửi quân ra nước ngoài, không tham gia vào những kế hoạch tự vệ tập thể, không phát triển năng lực quân sự, không phát triển vũ khí hạt nhân, không xuất khẩu vũ khí, không trao đổi công nghệ liên quan đến quốc phòng, không chi tiêu quá 1% GDP cho quốc phòng, và không sử dụng không gian cho những mục đích quân sự.
Hiện nay, như Pyle đã chỉ ra, Tokyo đang phá vỡ tất cả những ràng buộc nói trên. Cùng với việc cung cấp nhiên liệu cho các tàu chiến của lực lượng đồng minh tham chiến tại Apganixtan, tháng 5/2007 vừa qua, Quốc hội Nhật đã thông qua một dự luật kêu gọi trưng cầu dân ý toàn quốc trước năm 2010 để sửa đổi Điều 9 Hiến pháp Nhật Bản (theo điều luật này, Nhật Bản không tham chiến, không đe doạ hoặc sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp quốc tế, cấm Nhật Bản xây dựng một lực lượng quân đội chính quy). Chính phủ Nhật cũng tìm cách giải thích lại Hiến pháp nhằm cho phép Nhật Bản tham gia vào việc phòng thủ tập thể với Mỹ (điều này, xét về mặt lý thuyết, có thể bao gồm cả việc ủng hộ Mỹ trong xung đột với Trung Quốc về vấn đề Đài Loan). Nhật Bản đang tìm cách phát triển năng lực để thể hiện sức mạnh của mình: đầu năm 2007, Nhật Bản đề nghị mua của Mỹ 50 máy bay ném bom F-22 và đã mua một số tàu chở dầu phục vụ chiến đấu; tháng 8/2007, Nhật Bản đã khánh thành một hàng không mẫu hạm mới mang tên Hyuga. Khi quyết định cùng Mỹ phát triển một hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo trong khu vực Đông Bắc Á, Nhật Bản đã đi ngược lại cam kết của mình trước đây về việc không xuất khẩu vũ khí hoặc không trao đổi công nghệ quân sự. Năm 2006, Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền đã đồng ý cho phép Nhật sử dụng không gian vũ trụ cho những mục đích quân sự. Đầu năm 2007, Tokyo đã chính thức nâng cấp Cơ quan Quốc phòng Nhật Bản lên thành một bộ thuộc chính phủ. Động thái này không tránh khỏi con mắt của các nhà quan sát: về vấn đề an ninh quốc gia, Tokyo đang thoát khỏi vỏ bọc của chính mình.
Ngay cả hai sự ràng buộc cuối cùng đối với sức mạnh quân sự của Nhật Bản - giới hạn 1% GDP cho chi tiêu quốc phòng và cấm phát triển vũ khí hạt nhân - cũng đang bị lung lay. Tokyo đã tìm mọi cách không vượt quá giới hạn chi tiêu quân sự bằng “những tiểu xảo” khi báo cáo ngân sách quốc phòng. Và mặc dù Tokyo không có kế hoạch phát triển vũ khí hạt nhân, nhưng họ có thể làm điều đó một cách nhanh chóng. Việc tình hình ở CHDCND Triều Tiên xấu đi có thể tạo cớ cho Nhật Bản gia nhập câu lạc bộ hạt nhân, một động thái sẽ trực tiếp hướng vào Trung Quốc cũng như hướng vào Bán đảo Triều Tiên.
Cũng như Nhật Bản, Hàn Quốc đang cải tổ một cách căn bản mối quan hệ an ninh với Mỹ - sự thay đổi này đã diễn ra cùng thời điểm khi liên minh quân sự giữa hai nước vi phạm một số vấn đề ngoại giao, chẳng hạn như phương thức giải quyết tình hình CHDCND Triều Tiên. Như đã từng làm với lực lượng quân sự của mình tại Nhật Bản, Washington đang giảm số lính Mỹ đóng trên lãnh thổ Hàn Quốc. Theo những số liệu hiện nay, ước tính Mỹ sẽ giảm từ 39.000 quân trong những năm 1990 xuống còn 25.000 quân vào cuối năm 2008. Phần lớn việc giảm quân này đã được thực hiện và hầu hết số lính Mỹ đã được đưa ra khỏi khu vực phi quân sự. Seoul và Washington còn nhất trí chuyển tổng hành dinh của quân đội Mỹ từ Seoul tới những căn cứ ở phía Nam sông Hàn, giải phóng vùng đất có giá trị ở trung tâm thủ đô vốn được xem là tài sản có giá trị tăng vọt trong suốt 20 năm qua. Khi việc tái bố trí lực lượng được hoàn thành, tổng số 59 khu căn cứ quân sự Mỹ (chiếm 38.000 mẫu Anh – 2/3 số đất dành cho quân đội Mỹ theo Hiệp định Quy chế của các lực lượng quân sự) - sẽ được trả lại cho Hàn Quốc. Điều quan trọng hơn là quyết định giải tán bộ tư lệnh các lực lượng liên quân vào tháng 4/2012 và qua đó, Mỹ sẽ chuyển giao cho Seoul quyền kiểm soát các lực lượng quân sự của Hàn Quốc trên Bán đảo Triều Tiên. Người ta hy vọng rằng, những động thái này sẽ góp phần xoa dịu trào lưu chống Mỹ vốn đã lộ rõ ở Hàn Quốc trong những năm gần đây.
Bất chấp việc tổ chức lại các lực lượng quân sự Mỹ tại Hàn Quốc nói trên, lần đầu tiên kể từ sau khi Chiến tranh Triều Tiên kết thúc, khả năng Mỹ thể hiện sức mạnh quân sự trên Bán đảo Triều Tiều rất có thể xảy ra. Những thành tựu công nghệ và khả năng phối hợp chiến đấu mạnh mẽ cho thấy rằng Mỹ và Hàn Quốc có thể phòng thủ trước bất kỳ cuộc tấn công nào từ phía Bắc Triều Tiên trong điều kiện quân số Mỹ ít hơn trước. Hơn thế nữa, Hàn Quốc có lực lượng với 700.000 quân tinh nhuệ, tinh thần kỷ luật cao và được trang bị đầy đủ. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã đề nghị tăng thêm 11% ngân sách quốc phòng hàng năm từ nay đến năm 2015 và 9% từ năm 2015 đến 2020.
Mặc dù có những biến đổi lớn đang diễn ra tại Nhật Bản và Hàn Quốc, sự thay đổi có ý nghĩa lớn nhất trong cấu trúc an ninh của khu vực Đông Bắc Á lại chính là quá trình hiện đại hoá quân sự rộng lớn của Trung Quốc. Trung Quốc đang cải tổ căn bản lực lượng quân sự: từ một lực lượng chuyên tiến hành chiến tranh quy mô lớn, gây tiêu hao sinh lực sang một lực lượng hiện đại hơn, tinh gọn hơn, thích ứng với các cuộc chiến có cường độ cao và thời gian ngắn. Để đạt mục đích đó, Bắc Kinh đã giảm quy mô quân đội từ 4,2 triệu quân năm 1987 xuống còn 2,3 triệu quân như hiện nay - nhưng số quân còn lại vẫn nhiều gấp đôi số quân của Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ trong khu vực Đông Bắc Á gộp lại. Quân đội Trung Quốc cũng đang tiến hành hiện đại hoá trang thiết bị vũ khí, chủ yếu là do quan điểm về cuộc xung đột tiềm tàng với Đài Loan, nhưng cũng có thể chủ yếu là nhằm thể hiện sức mạnh quân sự. Mặc dù vẫn đang xây dựng lực lượng hải quân, nhưng Trung Quốc đã có thể tự hào với 72 tàu khu trục và tàu chiến, 50 tàu đa năng hạng vừa và nặng, 41 tàu tuần tra tên lửa bờ biển, 5 tên lửa mang đầu đạn hạt nhân và các tàu ngầm tấn công cùng với 53 tàu ngầm điêzen, trong đó có nhiều loại được xem là hiện đại nhất thế giới. Lực lượng không quân Trung Quốc cũng đang đổi mới hệ thống trang thiết bị. Hiện nay, không quân Trung Quốc đang sở hữu 30 máy bay ném bom tân tiến SU-30 của Nga, một phiên bản của SU-27 mà Trung Quốc đang chế tạo với sự hợp tác của Matxcơva và máy bay chiến đấu hàng đầu của nước này - máy bay F-10 thế hệ thứ tư do Trung Quốc sản xuất. Trung Quốc cũng đang sở hữu những chiếc máy bay tiếp nhiên liệu trên không, giúp nước này mở rộng tầm kiểm soát quân sự ở khắp khu vực Đông Bắc Á và xa hơn nữa.
Sự thay đổi lớn nhất trong vị thế quân sự của Trung Quốc là ở khả năng phát triển tên lửa của nước này. Trung Quốc đã trang bị cho quân đội gần 1.000 tên lửa đạn đạo tầm ngắn, tầm trung và tầm xa, khoảng 36-44 tên lửa đầu đạn xuyên lục địa. Kho vũ khí được bổ sung hơn 100 tên lửa mỗi năm và chủ yếu hướng mục tiêu vào Đài Loan, nhưng cũng có thể chĩa tầm ngắm vào Nhật Bản. Ngoài ra, việc Bắc Kinh sử dụng một tên lửa chống vệ tinh để bắn rơi một vệ tinh dự báo thời tiết cũ ở quỹ đạo tầm thấp hồi tháng 1/2007 đã báo hiệu sự xâm nhập của Trung Quốc vào kỷ nguyên chiến tranh vũ trụ và tiềm năng của nước này trong việc phá huỷ hệ thống vệ tinh vốn có ý nghĩa trọng yếu đối với các chiến dịch quân sự của Mỹ ở Châu Á.
Quá trình hiện đại hoá quân sự của Trung Quốc khá tốn kém. Bắc Kinh cho biết họ sẽ chi 45 triệu USD cho hoạt động quốc phòng trong năm 2007, tăng gần 18% so với năm 2006 và đây là lần thứ 19 liên tiếp, ngân sách quốc phòng hàng năm của Trung Quốc tăng trưởng ở mức 2 con số. Cơ quan Tình báo quốc phòng Mỹ ước tính rằng chi tiêu quân sự thực tế của Trung Quốc có thể vào khoảng 125 tỷ USD, gấp gần 3 lần con số chính thức mà phía Trung Quốc đưa ra.
Sự trỗi dậy về sức mạnh quân sự của Trung Quốc, cùng sự cải tổ quân sự đang diễn ra ở Nhật Bản và Hàn Quốc, đang đặt ra những thách thức lớn đối với Washington. Mặc dù Mỹ vẫn là cường quốc quân sự thống lĩnh ở Đông Bắc Á -Trung Quốc vẫn ở phía sau - nhưng rõ ràng Mỹ không còn là “tay chơi” duy nhất nữa. Trung Quốc hiện có thể gây ảnh hưởng đến các chiến dịch quân sự của Mỹ ở eo biển Đài Loan theo một cách thức mà trước đây (năm 1996) họ đã không thể làm được. Năm 1996, bất chấp những phản đối của Bắc Kinh, Mỹ đã trục xuất hai tàu vận tải ra khỏi bờ biển Đài Loan sau khi Trung Quốc tiến hành một loạt những vụ thử tên lửa dưới nước cách hai cảng biển lớn của Đài Loan 35 dặm. Hiện nay, một phản ứng theo kiểu như vậy của Mỹ sẽ gây nghi ngờ nhiều hơn và có lẽ ít có khả năng xảy ra.
Mặt khác, tình hình an ninh Đông Bắc Á đang tạo những cơ hội hợp tác giữa các bên. Liên minh Mỹ - Nhật đã mạnh hơn so với nhiều năm trước một phần là do khi đối mặt với quá trình hiện đại hoá quân sự của Trung Quốc, để trả đũa Nhật Bản đã tìm cách tăng cường các mối quan hệ an ninh với Mỹ. Quan hệ an ninh Mỹ - Hàn cũng được củng cố, mặc dù theo cách khác. Seoul nhận thức rõ tầm quan trọng của nhu cầu duy trì sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Đông Bắc Á - không chỉ để tham dự vào sự đối đầu với CHDCND Triều Tiên, mà còn là một lá chắn trước sự trỗi dậy của Trung Quốc. Một khi những nền tảng mới cho quan hệ Mỹ - Nhật, Mỹ - Hàn được thiết lập, chúng khó có thể thay đổi trong vòng nhiều thập kỷ tới.
Nói cách khác, chính Washington mới cần thể hiện ý định tiếp tục tham dự toàn diện vào các công việc nội bộ ở Đông Bắc Á. Việc giảm quy mô quân đội Mỹ ở khu vực này có thể khiến người ta nghĩ rằng, Mỹ là một “gã khổng lồ” bị thương đang bị o ép bởi những cam kết của chính nó ở nhiều nơi, đến mức Mỹ không thể quan tâm đầy đủ đến Châu Á - Thái Bình Dương. Trên thực tế, các nhà lãnh đạo quân sự Mỹ ở Đông Bắc Á sẵn sàng bày tỏ mối quan ngại này với bất kỳ ai muốn lắng nghe.
Sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc
Những vấn đề kinh tế và an ninh không phải là những yếu tố duy nhất tác động đến cán cân quyền lực ở Đông Bắc Á. Bên cạnh đó phải kể đến một số yếu tố khác như sự thay đổi về mặt nhân khẩu học và sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc ở khu vực này.
Những thay đổi về nhân khẩu học tại Nhật Bản là điều dễ nhận thấy nhất. Năm 2007, dân số Nhật Bản đã chạm ngưỡng cao nhất, gần 128 triệu người. Người ta ước tính, số lượng nam giới Nhật Bản sẽ giảm từ 62 triệu người như hiện nay xuống còn 47 triệu người vào năm 2050, trong đó nam giới trong độ tuổi từ 20-40 sẽ giảm 10 triệu người. Trừ phi trở lại với chế độ quân dịch cưỡng bức, Nhật Bản sẽ khó có thể triển khai hiệu quả lực lượng quân sự của mình, thậm chí với quy mô nhỏ như hiện nay (quân đội Nhật Bản có quy mô nhỏ nhất trong số các cường quốc ở Đông Bắc Á). Dù có mua được những vũ khí quân sự tối tân hạng nặng, thực tế này vẫn có thể thu hẹp vai trò của Tokyo trong khu vực Đông Bắc Á. Hơn nữa, do dân số Nhật Bản già đi - tỷ lệ dân số trên 65 tuổi dự tính sẽ tăng từ 21% lên 36% vào năm 2050 - nước này sẽ phải mở rộng các nguồn lực quan trọng để phục vụ người già. Việc quá tập trung vào những vấn đề trong nước có thể sẽ hạn chế chương trình nghị sự trong chính sách đối ngoại và những tham vọng tầm khu vực của Tokyo.
Tại Hàn Quốc, thế hệ trẻ hơn với số lượng đông đảo đang làm thay đổi diện mạo nước này. 83% dân số Hàn Quốc hiện nay được sinh ra sau khi Chiến tranh Triều Tiên kết thúc và 50% trong số đó có độ tuổi dưới 30. Thế hệ những người Hàn Quốc già hơn vẫn ghi nhớ vai trò của Mỹ trong Chiến tranh Triều Tiên, nhưng thế hệ những người dưới 30 tuổi thì ngược lại. Những người trẻ tuổi này coi Mỹ cùng lắm là một nước thân thiện và coi CHDCND Triều Tiên là người anh em hơn là kẻ thù.
Trung Quốc đang đối mặt với những thách thức về nhân khẩu học hoàn toàn khác. Dân số Trung Quốc (hiện đã là 1,32 tỷ người) dự báo sẽ không vượt ngưỡng cho tới khoảng năm 2030, điều đó có nghĩa là nền kinh tế nước này cần phải tăng trưởng đủ nhanh để thích hợp với quy mô dân số ngày càng tăng. Do không có khủng hoảng, Bắc Kinh không có khả năng hành động một cách quyết đoán trong các quan hệ đối ngoại cho tới khi Trung Quốc có thể tự tin rằng nước này đã có nền tảng quốc gia vững chắc. Bước ngoặt này ở Trung Quốc có thể xảy ra cùng lúc với việc những xu hướng nhân khẩu học của Nhật Bản khiến Tokyo phải tập trung vào vấn đề đối nội và đó có thể là một thời kỳ căng thẳng đối với Đông Bắc Á.
Những thay đổi về nhân khẩu học có tác động đến những tay chơi lớn trong khu vực Đông Bắc Á diễn ra đúng vào lúc 3 hình thái của chủ nghĩa dân tộc bắt đầu trỗi dậy.
Thứ nhất, trào lưu chống Mỹ đang đặc biệt thắng thế tại Trung Quốc. Theo cuộc thăm dò dư luận của Trung tâm Nghiên cứu Pew được công bố vào tháng 6/2007, chỉ có 34% số người Trung Quốc được hỏi cho rằng họ có quan điểm tích cực đối với Mỹ. Số người Nhật có cùng quan điểm này cao hơn so với Trung Quốc, nhưng cũng giảm so với trước: 61% (năm 2000, tỷ lệ này là 77%). Tại Hàn Quốc, số người ủng hộ Mỹ chỉ là 35% (theo cuộc thăm dò ý kiến của BBC tháng 1/2007), sau đó đã tăng lên 58% (theo cuộc thăm dò ý kiến của Pew tháng 6/2007). Kết quả đó là do những tiến bộ đã đạt được trong các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Hàn Quốc cũng như những khác biệt không đáng kể giữa hai nước về vấn đề CHDCND Triều Tiên.
Thứ hai, hình thái chủ nghĩa dân tộc gây lo lắng nhiều hơn là thái độ kỳ thị lẫn nhau giữa các cường quốc trong khu vực Đông Bắc Á. Theo điều tra của Pew năm 2006, khoảng 70% số người Nhật được hỏi đã coi Trung Quốc là nước không thân thiện và là một cường quốc ngạo mạn, 90% coi sức mạnh quân sự đang lên của Trung Quốc là một biến chuyển tồi tệ. Về phần mình, khoảng 70% số người Trung Quốc được hỏi đã coi Nhật Bản là nước thiếu thiện chí và là một quốc gia ngạo mạn, có tư tưởng dân tộc chủ nghĩa. Chỉ có 33% số người Nhật và Trung Quốc được hỏi đã coi nước khác là kẻ thù và cả hai nhóm này đều nhìn nhận Hàn Quốc một cách tích cực hơn là khi nhìn nhận lẫn nhau (64% người Trung Quốc và 56% người Nhật tham dự cuộc thăm dò ý kiến đều có ấn tượng tốt đối với nước láng giềng Hàn Quốc).
Hình thái thứ ba của chủ nghĩa dân tộc mang tính truyền thống nhiều hơn. Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đều rất tự hào về lịch sử lâu đời của mình và với tư cách là cường quốc đang lên, những nước này đang đòi hỏi sự tôn trọng tương xứng với địa vị của mình. Tại Hàn Quốc, hình thái chủ nghĩa dân tộc này được biểu hiện trong quyết định của Chính phủ khi can thiệp vào CHDCND Triều Tiên, bất chấp sự phản đối của Mỹ và Nhật Bản. Quyết định này phần nào bị chi phối một phần bởi sự cảm nhận sâu sắc về bản sắc dân tộc chung mà Hàn Quốc cùng chia sẻ với người anh em ở phía Bắc. Tại Nhật Bản, chủ nghĩa dân tộc được thể hiện rõ khi cựu Thủ tướng Shinzo Abe từ chối thừa nhận hoàn toàn trách nhiệm đối với việc quân đội Nhật đã ép buộc phụ nữ Hàn Quốc làm nô lệ tình dục trong thời kỳ Chiến tranh Thế giới thứ hai, cũng như mới đây khi Tokyo quyết định chỉnh lý sách giáo khoa của nước này. Người kế nhiệm của Abe có thể thuộc phe cánh hữu ít có tư tưởng hướng ngoại hơn, song chủ nghĩa dân tộc vẫn sẽ là một yếu tố quan trọng trong việc định hình chính sách đối nội và đối ngoại của Nhật Bản. Tại Trung Quốc, chủ nghĩa dân tộc biểu hiện trước hết ở thái độ dứt khoát của Bắc Kinh trong việc ngăn cản bất kỳ bước tiến nào hướng đến sự độc lậpcủa Đài Loan, cũng như ở ý định sẵn sàng tiến hành chiến tranh để giải quyết vấn đề này. Chủ nghĩa dân tộc của Trung Quốc cũng lộ rõ vào năm 2005, khi những cuộc biểu tình quy mô lớn nổ ra trên khắp đất nước nhằm phản đối những nỗ lực của Tokyo để đạt được một chiếc ghế thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, bởi lẽ động thái này có thể sẽ làm giảm vị thế đáng tự hào của Trung Quốc với tư cách là quốc gia Châu Á duy nhất có được chiếc ghế danh giá đó.
Những công cụ quyền lực
Từ khi Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc, chính sách của Mỹ ở Đông Bắc Á chủ yếu dựa trên những mối liên minh song phương trong khu vực, trên hết là với Nhật Bản và Hàn Quốc. Mãi tới gần đây, Trung Quốc vẫn tán thành cách tiếp cận này. Trung Quốc dựa vào Washington để kiềm chế những tham vọng của Nhật Bản bằng cách đảm bảo an ninh của mình và để duy trì sự ổn định trên bán đảo Triều Tiên thông qua hành động răn đe.
Song ngày nay, Trung Quốc không phó mặc sự ổn định của khu vực Đông Bắc Á cho Washington thao túng nữa và đang tích cực chống lại những liên kết đồng minh của Mỹ. Bắc Kinh đã tiến hành chiến dịch ngoại giao nhằm xây dựng những quan hệ hữu nghị song phương của riêng mình trong khu vực này. Hơn hai thập kỷ qua, Trung Quốc đã thiết lập quan hệ ngoại giao với những đồng minh lâu đời của Mỹ như Xingapo và Hàn Quốc, đồng thời tái lập quan hệ hữu nghị với Inđônêxia và cải thiện quan hệ với Ấn Độ, Nga và Việt Nam. Trung Quốc cũng bắt đầu cải thiện quan hệ ngoại giao với Nhật Bản. Mặc dù những căng thẳng giữa hai nước vẫn còn ở mức cao, nhưng các chuyến thăm cấp nhà nước trong năm 2006 đã góp phần xoa dịu đáng kể những mâu thuẫn này.
Trung Quốc cũng đang tiến xa hơn trong các quan hệ đa phương. Không còn nghi ngại những diễn đàn đa phương (mối nghi ngại này một phần là do e ngại luôn bị lép vế), giờ đây Trung Quốc đã tham gia vào những diễn đàn này, thậm chí còn đầy đủ hơn cả Washington. Bắc Kinh là một thành viên của ASEAN + 1 (Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và Trung Quốc), ASEAN + 3 (ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc), Diễn đàn khu vực ASEAN, Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á. Trung Quốc cũng đang xây dựng một loạt các hiệp định thương mại tự do ở Châu Á nhằm hỗ trợ cho các quan hệ song phương, đa phương của mình. Ngoài Hiệp định Thương mại tự do Trung Quốc - ASEAN, Trung Quốc còn ký Hiệp định Thương mại tự do với Thái Lan và đang đàm phán/tiến hành những nghiên cứu khả thi đối với các giao dịch thương mại với Ôxtrâylia và Ấn Độ, đồng thời đề nghị thiết lập khu vực thương mại tự do ASEAN + 3.
Điều cấp bách là khi cán cân quyền lực ở Đông Bắc Á thay đổi, Mỹ cần phải xây dựng một loạt những chính sách có tính toàn diện, chặt chẽ và nhất quán, tập trung vào những vấn đề chủ yếu như kinh tế, an ninh, nhân khẩu học và chủ nghĩa dân tộc - cơ sở của sự thay đổi này, đồng thời phải tính đến những sáng kiến ngoại giao của Trung Quốc. Mỹ có hàng loạt công cụ mở rộng phục vụ cho mục đích này, bao gồm các liên minh song phương, các diễn đàn đa phương và các hiệp định thương mại tự do. Song, Mỹ chưa sử dụng tất cả những công cụ này ở mức cần thiết. Những công cụ này cũng đang mất đi những thành tố chủ chốt, đặc biệt là những thành tố liên quan đến thể chế an ninh và các sáng kiến “quyền lực mềm”. Mỹ cần phải nhanh chóng lấp những chỗ trống này, đồng thời sử dụng tất cả những công cụ sẵn có theo nhiều phương thức phối kết hợp lẫn nhau, không đề cao chủ nghĩa song phương hơn chủ nghĩa đa phương như đã từng làm trong quá khứ và cũng không làm ngược lại.
Chẳng hạn, Mỹ cần tham gia đầy đủ hơn vào Diễn đàn khu vực ASEAN và APEC, tham gia các hiệp định thương mại song phương và đa phương nhiều hơn nữa, đặc biệt là với Ấn Độ và ASEAN. Mỹ cần tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, cho dù thẩm quyền của hội nghị thượng đỉnh này có chồng chéo đôi chỗ với thẩm quyền của tổ chức có quy mô rộng lớn hơn và có tổ chức cồng kềnh hơn là APEC, đồng thời tích cực tìm kiếm quy chế quan sát viên trong Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO).
Ngoài ra, Mỹ cần sử dụng quyền lực rắn của mình thường xuyên hơn cho những mục đích “quyền lực mềm”, như đã từng làm năm 2005, khi Mỹ phái tổ chức Mercy sang làm công tác nhân đạo tại Inđônêxia sau khi thảm hoạ sóng thần vừa xảy ra. Được trang bị 12 phòng phẫu thuật và 1.000 giường bệnh, tổ chức Mercy đã chữa trị cho gần 10.000 bệnh nhân và thực hiện gần 20.000 lượt khám chữa bệnh. Thiện chí mà tổ chức Mercy đã tạo ra có thể đo đếm được về mặt lượng: theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, năm 2003, chỉ có 15% số người Inđônêxia được hỏi đã bày tỏ thái độ thân thiện với nước Mỹ, nhưng đến năm 2005, sau chuyến công tác của tổ chức từ thiện Mercy, con số này đã tăng vọt lên 38%. Năm 2006, Washington cũng đã khôn khéo tiến hành một nỗ lực tương tự như vậy khi phái tổ chức Mercy tới Nam Á và Đông Nam Á. Trong khoảng thời gian hơn 5 tháng, tổ chức nhân đạo này đã chữa trị cho gần 200.000 bệnh nhân, thực hiện hơn 1.000 ca phẫu thuật và đào tạo cho hơn 6.000 nhân viên y tế địa phương. Một nhóm nhỏ các thuỷ thủ thuộc Lực lượng Xây dựng Hải quân Mỹ cũng đã tiến hành sửa chữa hoặc cải tạo các trung tâm y tế, trường học và một số cơ sở hạ tầng khác. Những sáng kiến quyền lực mềm như vậy đã góp phần làm giảm trào lưu chống Mỹ, đặc biệt là vào thời điểm khi cuộc chiến tại Irăc khiến cho nhiều quốc gia có ấn tượng rằng Mỹ đã sử dụng sức mạnh quân sự của mình một cách không phù hợp.
Bên cạnh việc sử dụng hiệu quả hơn một số công cụ sẵn có, Mỹ cũng cần bổ sung ngay lập tức một số công cụ mà Mỹ đang bỏ lỡ, đặc biệt là trong lĩnh vực an ninh. Ví dụ, thể chế an ninh Đông Bắc Á là một nhu cầu bức thiết. Hiệp định hạt nhân 6 bên mới đây liên quan đến CHDCND Triều Tiên có thể được dùng như một chất xúc tác rất cần thiết cho Diễn đàn An ninh Đông Bắc Á. Diễn đàn này ban đầu có thể gồm các bên đã tham gia hiệp định như Trung Quốc, Nhật Bản, CHDCND Triều Tiên, Nga, Hàn Quốc và Mỹ. Để bảo đảm rằng CHDCND Triều Tiên không lợi dụng những cuộc gặp gỡ đó để trục lợi, nhưng đồng thời vẫn khuyến khích sự tham gia của nước này, Diễn đàn An ninh Đông Bắc Á cần phải thừa nhận phiên bản “5+1”, trong đó CHDCND Triều Tiên sẽ là một quan sát viên chính thức. Quy chế này sẽ cho phép CHDCND Triều Tiên tham gia nếu nước này cảm thấy hài lòng, nhưng không ngăn cấm 5 nước còn lại gặp nhau nếu CHDCND Triều Tiên không bày tỏ thái độ phản đối. Diễn đàn An ninh Đông Bắc Á không cần ngăn chặn các cuộc đàm phán 6 bên khác về chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên và có thể tập trung giải quyết một số vấn đề như kiểm soát vũ khí, quản lý khủng hoảng, ngăn ngừa và giải quyết xung đột. Diễn đàn này có thể tiến xa hơn để trở thành một cơ chế có giá trị nhằm kiềm chế những căng thẳng giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Theo quan điểm của Washington, một diễn đàn như vậy có thể sẽ cho phép Mỹ tái khẳng định vai trò lãnh đạo của mình theo một phương thức mà Mỹ không thể làm được trong một số tổ chức an ninh có quy mô lớn hơn, như Diễn đàn Khu vực ASEAN.
Một công cụ quan trọng khác mà Mỹ cần bổ sung là quan hệ an ninh đầy ý nghĩa với Trung Quốc. Tạo lập một sự dàn xếp song phương như vậy sẽ đòi hỏi phải đạt được sự cân bằng tinh tế. Một mặt, Trung Quốc không nên lấy sức mạnh quân sự của Mỹ làm chuẩn cho sức mạnh quân sự của mình. Mặt khác, điều quan trọng là xây dựng mối quan hệ quân sự vững chắc, đặc biệt là ở các sĩ quan trung cấp. Trước năm 2006, Mỹ và Trung Quốc chưa bao giờ tổ chức những đợt tập trận chung, cho dù Trung Quốc đã tổ chức diễn tập với ít nhất 10 quốc gia, trong đó có Ấn Độ. (Tháng 5/2007 vừa qua, Bắc Kinh đã đồng ý tổ chức tập trận định kỳ với Niu Đêli, một phần là bởi vì Trung Quốc lo ngại rằng Mỹ sẽ tìm cách o ép Trung Quốc bằng cách gây áp lực đối với Ấn Độ). Xa hơn nữa, Washington cần phải xem xét một cách thận trọng những quan hệ quân sự mở rộng của Trung Quốc với một số quốc gia khác và có những bước đi tiên phong nhằm củng cố quan hệ quân sự của mình với Bắc Kinh.
Lấy lại phong độ
Hiện nay, một động thái nguy hiểm đang trỗi dậy ở Đông Bắc Á. Ba quốc gia hùng mạnh, có tư tưởng dân tộc chủ nghĩa, có “truyền thống” thù địch lẫn nhau đều cùng bừng tỉnh và tìm mọi cách tranh giành quyền lực.
Hơn nửa thế kỷ qua, Mỹ đã thừa nhận rằng những ràng buộc song phương của nước này với Nhật Bản và Hàn Quốc đã định hình những mối quan hệ mà dựa trên đó Mỹ có thể xây dựng cấu trúc tổng thể cho những chính sách của mình tại Đông Bắc Á. Một phần do những mối ràng buộc đó, Mỹ cũng thừa nhận rằng nước này có thể thiết lập chương trình nghị sự với Trung Quốc ở một chừng mực nhất định.
Cả hai sự thừa nhận này đều không còn có giá trị, cho dù Mỹ vẫn tiếp tục có ảnh hưởng lớn trong khu vực Đông Bắc Á. Mặc dù những ràng buộc của Mỹ với Nhật Bản và Hàn Quốc cần được duy trì, chúng cũng sẽ không tạo được nền móng đủ mạnh cho quyền lực của Mỹ tại Đông Bắc Á. Trong khi đó, Trung Quốc đã khéo léo đưa mình đến chỗ có thể tự vạch kế hoạch cho tiến trình tương lai.
Duy trì sự ổn định trong khu vực là điều có ý nghĩa then chốt. Nếu quá trình chuyển đổi đang diễn ra tuột khỏi tầm kiểm soát, nó có thể đe doạ những lợi ích nền tảng của Mỹ. Do Mỹ đang xây dựng một chiến lược mới đối với Đông Bắc Á nên nước này cần tìm được cơ sở chung và lợi ích chung với những cường quốc trong khu vực này. Để tối đa hoá ảnh hưởng của mình, Mỹ cần theo đuổi những sáng kiến lớn hơn, bao gồm các quan hệ liên minh song phương, các diễn đàn đa phương, các hiệp định thương mại tự do và các dự án “quyền lực mềm” nhằm tạo dựng thiện chí với nước ngoài, đồng thời phối kết hợp tất cả những công cụ đó tuỳ thuộc từng vấn đề cần giải quyết và tuỳ theo những nước có liên quan. Xét ở khía cạnh này, Washington vẫn đang lúng túng và chưa theo kịp Trung Quốc. Nếu Mỹ không hành động nhanh chóng, vị thế của nước này tại Đông Bắc Á sẽ bị suy giảm đáng kể đúng vào thời điểm mà khu vực này có được chỗ đứng ở trung tâm của chính trường thế giới.
JASON T. SHAPLEN VÀ JAMES LANEY
Người dịch: Xuân Tùng
Nguồn: Tạp chí Foreign Affairs (Mỹ) số tháng 11-12/2007.