Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) là một vấn đề vô cùng quan trọng nhằm thúc đẩy thương mại và phát triển kinh tế. Các nước áp dụng tiêu chuẩn bảo hộ cao sẽ thu hút được đầu tư nhiều, thúc đẩy sáng chế và phát minh mạnh hơn các nước chỉ áp dụng chế độ bảo hộ hạn chế. Vì vậy trong hội nhập kinh tế, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là một trong những nội dung đàm phán cam kết thực hiện ở các hiệp định song phương và đa phương như BTA, WTO.
Hiện nay do tác động sức ép của hội nhập kinh tế thế giới, do khả năng tăng trưởng kinh tế, do sự phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp trong mọi thành phần kinh tế, của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, vấn đề bảo hộ quyền SHTT càng được đặt ra cấp bách.
Yêu cầu đó là do các nguyên nhân sau:
1. Trên thực tế mọi quốc gia khi hội nhập đều phải quan tâm sâu sắc đến bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp trong nước. Do đó, dù là một quốc gia đang phát triển, Việt Nam muốn hay không cũng buộc phải đánh giá đúng tầm quan trọng của vấn đề này khi muốn bảo đảm được sự phát triển bền vững của mình. Cách tốt nhất là phải tiếp cận được các chuẩn mực quốc tế về sở hữu trí tuệ nhằm xây dựng một hệ thống quan hệ, bảo hộ tốt nhất quyền sở hữu tí tuệ đúng yêu cầu chuẩn mực quốc tế. Dựa trên cơ sở đó, bản thân Việt Nam phải thực hiện tốt và đồng thời đòi hỏi các nước phải thực thi nghiêm chỉnh các qui định, cam kết đã nêu ra.
2. Cùng với sự phát triển kinh tế, sự gia tăng mạnh của nhu cầu tiêu dùng sản phẩm và dịch vụ trong nước cũng như xuất khẩu thì các tài sản trí tuệ cũng sẽ ngày càng nhiều. Cuộc cạnh tranh ngày càng gay gắt buộc các doanh nghiệp phải ra sức cải tiến, đổi mới, thúc đẩy xuất hiện nhiều mẫu mã mới, kiểu dáng công nghiệp mới, qui trình công nghệ mới, phương thức tiếp thị mới, bí quyết thương mại mới. Tất nhiên các doanh nghiệp phải ra sức tự bảo vệ mình một cách tích cực, không để cho ai tự tiện khai thác quyền sở hữu trí tuệ của mình, nhưng đồng thời cũng phải nhận thức rõ không được vi phạm sở hữu trí tuệ của người khác. Yêu cầu đó muốn được bảo đảm tốt, nhất thiết phải có luật pháp qui định rõ chức trách, nghĩa vụ, quyền lợi của các doanh nghiệp, các cơ quan chức năng và cả mọi người trong cộng đồng xã hội về bảo hộ quyền SHTT.
3. Do tài sản trí tuệ ngày càng đóng vai trò quyết định đến sự thành bại trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, trong khi đó không phải tất cả các chủ thể kinh doanh đều có khả năng tạo ra và khai thác được các tài sản đó nên hiện tượng xâm phạm quyền SHTT của người khác sẽ ngày càng phổ biến. Đặc biệt việc vi phạm này không chỉ về mẫu mã, hình dáng nhãn hiệu mà còn là làm hàng nhái, hàng giả, cố ý gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Vì vậy đòi hỏi vấn đề pháp lý của các cơ quan chức năng của chính quyền về mặt bảo hộ quyền SHTT cũng phải mạnh tay hơn, sát thực hơn, triệt để hơn.
Bảo hộ quyền SHTT có 2 phần: Hệ thống văn bản pháp lý đúng tiêu chuẩn và vấn đề thực thi quyền này.
- Về văn bản pháp lý, theo các nhà chuyên gia trong nước và ngoài nước thì Việt Nam đã có một hệ thống bảo hộ quyền SHTT có hoạt động trong thực tế. Trong đó khung pháp lý (luật SHTT và hệ thống các văn bản) đã đáp ứng đủ yêu cầu của Hiệp định Trips/WTO mà Việt Nam đã ký kết (nội dung cơ bản về SHTT mà các nước ký kết phải thực hiện).
- Luật SHTT đã được Quốc hội Việt Nam thông qua năm 2005 và có hiệu lực thi hành. Đáng chú ý là quyết định số 68 QĐ - BKHCN ngày 4 - 4 - 2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp đã quyết định 5 điều với những nội dung chính sau:
1. Mục tiêu của chương trình: Nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp Việt Nam về bảo hộ SHTT để các doanh nghiệp chủ động xây dựng, khai thác, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ, trong đó ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp có các sản phẩm chiến lược có tiềm năng xuất khẩu.
Nội dung của chương trình: Tuyên truyền, đào tạo về SHTT, hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức hoạt động SHTT, hỗ trợ xác lập, khai thác bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ ở trong và ngoài nước, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác thông tin SHTT.
2. Tổ chức thực hiện chương trình: ban chỉ đạo do bộ trưởng bộ Khoa học và Công nghệ thành lập có nhiệm vụ giúp Bộ trưởng chỉ đạo việc tổ chức thực hiện chương trình. Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan chủ trì tổ chức thực hiện chương trình. Các cơ quan phối hợp gồm: Bộ Tài chính, Bộ Văn hoá Thông tin, Bộ Công nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Thương mại, Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND các tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương, phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các hiệp hội, hội ngành nghề liên quan.
3. Thời gian kế hoạch thực hiện: Chương trình sẽ được triển khai thực hiện từ năm 2005 với kế hoạch tổ chức thực hiện cụ thể.
- Năm 2005 – 2006: hướng dẫn xây dựng và triển khai thực hiện các nội dung của chương trình; chọn và tập trung chỉ đạo việc triển khai một số dự án điểm.
- Năm 2006 – 2010: tiếp tục hướng dẫn và triển khai thực hiện một số nội dung chương trình; phổ biến, nhân rộng mô hình các dự án điểm. Năm 2007 sơ kết tình hình thực hiện chương trình. Năm 2010 tổng kết kết quả thực hiện chương trình.
4. Biện pháp tổ chức: Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn xây dựng các dự án theo nội dung chương trình và tổ chức phê duyệt, nghiệm thu, đánh giá kết quả thực hiện chương trình. Cơ chế quản lý chương trình: Bộ trưởng bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm xây dựng cơ chế quản lý chương trình, trình thủ tướng phê duyệt.
5. Kinh phí thực hiện chương trình: Nguồn kinh phí thực hiện chương trình gồm ngân sách nhà nước (ngân sách Trung ương và địa phương) và kinh phí huy động đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; hàng năm Bộ Tài chính thống nhất với Bộ Khoa học và Công nghệ xác định mức hỗ trợ từ ngân sách Trung ương theo qui định của luật ngân sách Nhà nước để thực hiện chương trình; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt nhận kinh phí, thực hiện chương trình thu ngân sách địa phương. Tiếp theo đó nhiều văn bản hướng dẫn thực thi quyền SHTT cũng đã được ban hành, đến nay gần như hoàn thiện.
Đánh giá về vấn đề này ông Christoph Wiesner tham tán phái đoàn uỷ ban Châu Âu đánh giá: “Việt Nam cũng đã nhận thức được tầm quan trọng của bảo hộ quyền SHTT. Thể hiện năm 2005 luật SHTT đã được Quốc hội Việt Nam thông qua và có hiệu lực thi hành và chỉ trong vòng 3 năm 35 văn bản pháp lý về SHTT đã được Việt Nam soạn thảo và ban hành. Nhìn chung Việt Nam đã chấp hành những cam kết và các điều ước quốc tế về SHTT, đặc biệt đã tham gia hiệp định Trips về thực thi bảo hộ quyền SHTT”. Đây là vấn đề mà các nước quan tâm nhất. Các nước đã có nhiều đợt khảo sát, kiểm tra việc thực hành quyền này ở nước ta theo từng quý và cũng còn nhiều ý kiến chê trách.
Trên thực tế việc thực thi quyền SHTT ở Việt Nam vẫn còn là mới mẻ nên cũng gặp rất nhiều khó khăn nhất là trong việc bảo vệ và hướng dẫn tạo điều kiện thực hiện. Tình trạng vi phạm quyền SHTT trong lĩnh vực sản phẩm công nghiệp đặc biệt đối với nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp, nạn hàng nhái, hàng giả xảy ra tương đối phổ biến. Trong lĩnh vực bản quyền băng đĩa lậu tràn lan, nạn chiếm đoạt bản quyền sách, tiểu thuyết, nạn vi phạm phần mềm vi tính rất cao.
Theo thống kê của 50/64 chi cục Quản lý thị trường về thực thi quyền SHTT thì trong năm 2006 đã có 2256 vụ vi phạm được thụ lý trong đó có 466 vụ vi phạm về kiểu dáng công nghiệp, 2 vụ vi phạm về tên thương mại, 1780 vụ vi phạm về nhãn hiệu hàng hoá, 2 vụ vi phạm về sáng chế/ giải pháp hữu ích, 7 vụ về cạnh tranh không lành mạnh.
Hiện nay hoạt động sản xuất và buôn bán hàng nhái, hàng giả chưa bị đẩy lùi, đang có nhiều diễn biến phức tạp với thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn.
Về vi phạm phần mềm vi tính theo công ty thống kê dữ liệu quốc tế và thống kê của hiệp hội phần mềm quốc tế thì Việt Nam đã có tỉ lệ vi phạm phần mềm năm 2004 là 92 %, năm 2005 là 90% và năm 2006 là 88 %, tỉ lệ này đã khiến Việt Nam trở thành một nước thuộc tốp đầu trên thế giới về vi phạm bản quyền phần mềm.
Một trong những lĩnh vực nhạy cảm sau hội nhập là nông nghiệp. Để đảm bảo cho nông dân và nông nghiệp có lợi nhuận trong sản xuất hàng hoá chúng ta phải cố gắng và bỏ công sức nhiều cho việc nâng cao giá trị tài sản trí tuệ cho khu vực này đặc biệt là giá trị các đặc sản thông qua các cơ chế xây dựng và bảo hộ, các chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu dịch vụ cho các sản phẩm có uy tín như chè Tân cương, bưởi Phúc trạch, xoài cát Hoà Lộc, nước mắm Phú Quốc,.. ở thị trường trong và ngoài nước. Qua cuộc điều tra của cục Sở hữu trí tuệ thì mỗi tỉnh ít ra cũng có 3 loại sản phẩm, có địa phương có đến 10 loại sản phẩm có thể xây dựng, phát triển để đăng ký sở hữu về chỉ dẫn địa lý.
Tiếc rằng các địa phương chưa thật quan tâm đến vấn đề này. Trước tình trạng trên việc hướng dẫn xây dựng thực thi quyền SHTT vô cùng cấp thiết trước là để xoá bỏ được sức ép từ quốc tế, từ WTO trong thực hiện các qui trình mà chúng ta đã cam kết, sau là để tạo điều kiện và đảm bảo cho các doanh nghiệp Việt Nam có thể cạnh tranh thắng lợi và phát triển bền vững, mở rộng thị trường trong và ngoài nước. Điều này đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý bảo hộ SHTT, cập nhật với tiêu chuẩn quốc tế, có chương trình hoạt động thật tốt để nâng cao hiệu quả thực thi. Trước mắt việc nâng cao, việc thực thi quyền SHTT cần được chú ý quan tâm và thật sự nghiêm minh.
Tài sản trí tuệ chứa trong mỗi doanh nghiệp quyết định rất lớn đến tính cạnh tranh và là yếu tố quan trọng dẫn đến sự thành công trên thị trường, nó quyết định sự sống còn của doanh nghiệp nên phải làm cho doanh nghiệp nhận thức sâu sắc, hết sức quan tâm đến việc xây dựng và trước hết phải tự mình bảo vệ lấy quyền đó. Doanh nghiệp phải xây dựng và xác lập quyền SHTT từ đó mới có quyền quản lý tài sản trí tuệ, mới có quyền được độc quyền khai thác tài sản trí tuệ đó. Khi có một sản phẩm hay dịch vụ mới doanh nghiệp cần cân nhắc hình thức bảo hộ thích hợp cho sản phẩm hoặc dịch vụ của mình. Trên cơ sở đó phải tiến hành thủ tục đăng ký quyền SHTT. Điều này đặc biệt quan trọng vì pháp lý qui định về sở hữu trí tuệ qui định quyền đối với sáng chế, phát minh, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hoá, giải pháp hữu ích không đương nhiên thuộc về người đầu tiên tạo ra hoặc sử dụng chúng, mà được xác lập trên cơ sở ai là người đầu tiên nộp đơn đăng ký với cơ quan có trách nhiệm của nhà nước. Trong thời đại hội nhập hiện nay doanh nghiệp cần có chiến lược phát triển lâu dài, mở rộng nên cần sớm nghĩ đến việc bảo vệ các tài sản trí tuệ của mình tại thị trường của các nước đang hoạt động kinh doanh và tại các thị trường có tiềm năng. Sớm đăng ký quyền SHTT của mình ở các nước đó để tiết kiệm thời gian công sức, tránh được chi phí không cần thiết do thiếu hiểu biết về pháp luật, về SHTT doanh nghiệp nên tranh thủ dịch vụ tư vấn của tổ chức chuyên làm tư vấn và đại điện pháp lý trong lĩnh vực thuộc luật SHTT. Doanh nghiệp cần có một bộ phận thường xuyên hoạt động về bảo hộ quyền SHTT, bộ phận này sẽ thường xuyên tham khảo, tra cứu các cơ sở dữ liệu giúp doanh nghiệp có định hướng kinh doanh phù hợp với xu hướng phát triển của thị trường, đó là vấn đề về tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới, đối tác mới thích hợp, về nguồn cung cấp mới. Qua khảo sát của bộ phận này cũng sẽ có khả năng phát hiện kịp thời những vi phạm tiềm tàng đối với các tài sản trí tuệ của doanh nghiệp đồng thời tránh được những vi phạm về quyền SHTT của người khác, kịp thời phát hiện các đối thủ tiềm năng và giám sát hoạt động của các đối thủ cạnh tranh. Khi một tài sản thuộc quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp bị vi phạm doanh nghiệp nên tham khảo ý kiến của tổ chức có chức năng tư vấn pháp luật về SHTT để tìm biện pháp có lợi nhất và phù hợp nhất với nhu cầu thực tế, không nên hấp tấp vội vàng đưa đơn kiện ra toà án. Đối với nhà nước về việc thực thi quyền SHTT thì có nhiệm vụ triển khai hai vấn đề chủ yếu:
1. Khuyến khích và hướng dẫn các doanh nghiệp xây dựng và xác lập quyền tài sản trí tuệ mới.
2. Kiểm tra giám sát việc thực hiện quyền SHTT của các cá nhân và doanh nghiệp hoạt động.
3. Nhà nước cần hướng dẫn khuyến khích các doanh nghiệp nên tìm mọi cách tiếp cận với những thành tựu khoa học công nghệ, khoa học quản trị hiện đại. Trên cơ sở đó doanh nghiệp nghiên cứu, suy nghĩ, tìm tòi, phát hiện được sản phẩm hoặc dịch vụ mới, cũng cần hướng dẫn cho doanh nghiệp biết rõ cái “mới” phải đạt được tiêu chuẩn chất lượng quốc tế. Chú ý là trước đây có các cơ sở kinh doanh chỉ quen với các tiêu chuẩn của Liên Xô cũ (TOCT) và các tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) cũng xuất phát chủ yếu từ TOCT, trong khi các nước trên thế giới hiện nay dựa vào các tiêu chuẩn ISO, IEC và ITU bên cạnh đó có uỷ ban CODEX. Nhà nước cũng cần động viên các doanh nghiệp sau khi đã có phát kiến mới phải quan tâm ngay đến việc xây dựng được một chiến lược phát triển phù hợp cùng hệ thống quản lý hữu hiệu và khai thác có hiệu quả tài sản trí tuệ mới đó, đồng thời phải nhanh chóng xin đăng ký ngay. Việc xin đăng ký này hiện nay đã có nhiều tiến bộ nhưng không phải không còn doanh nghiệp chưa thật quan tâm(1). Cũng cần nhắc nhở các doanh nghiệp là tài sản trí tuệ mới xin đăng ký không chỉ là để phân biệt với các tài sản SHTT khác và để nhận biết trên thị trường mà phải thực sự phát huy được “phần hồn” của tài sản trí tuệ mới, phải thực sự đi vào được tâm trí người tiêu dùng, ghi được dầu ấn trong xã hội.
4. Nhận được đơn đăng ký, nhà nước cụ thể là Cục Sở hữu trí tuệ phải nghiên cứu thẩm định xem nội dung có phù hợp và có khả năng phát triển không, còn phải nhanh chóng truy cập các dữ liệu về SHTT quốc tế, ra cứu xem có bị trùng lặp, sao chép, bắt chước hoặc có khả năng gây lầm lẫn với các SHTT đã đăng ký trước không. Nếu mọi việc suôn sẻ thì Nhà nước cấp bằng xác nhận cho phép được độc quyền kinh doanh.
Nhà nước cần quan tâm hơn đến chương trình hỗ trợ doanh nghiệp phát triển tài sản trí tuệ. Chương trình này ở Việt Nam đã ban hành từ năm 2005 nhưng cho đến đầu năm nay mới có thể triển khai một cách đầy đủ nhất về mặt thủ tục pháp lý. Theo ông Hoàng Văn Tân Phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ thì chương trình này mới tiếp nhận 33 hồ sơ và mới chấp nhận được 8 hồ sơ. Và 8 hồ sơ này mới được thẩm định về mặt nội dung, còn phải trải qua giai đoạn thẩm định tài chính. Cũng theo ông Tân thì năm nay ngân sách nhà nước hỗ trợ ban đầu là 10 tỷ đồng trong khi 8 dự án được chấp nhận nói trên tổng kinh phí đã lên 15 tỷ đồng nên đang phải điều chỉnh hoặc chấp nhận ở tỷ lệ nào đó về kinh phí dự án
Những năm gần đây Việt Nam đã khởi động chương trình thương hiệu quốc gia, cùng với việc hàng năm đã có chương trình lựa chọn, công bố khen thưởng các thương hiệu nổi tiếng, đã có tác dụng tốt thúc đẩy thực thi bảo hộ quyền SHTT.
Về thực thi, kiểm tra và giám sát việc bảo hộ quyền SHTT thì Việt Nam đã có nhiều cố gắng và đã đạt được những kết quả nhất định. Các cơ quan chức năng mà chủ yếu là lực lượng quản lý thị trường đã được giao nhiệm vụ chống sản xuất và buôn bán hàng nhái, hàng giả và chống vi phạm quyền SHTT là một trọng tâm công tác. Do đó các cơ quan nói trên đã có sự liên kết điều tra, xử lý 2172 vụ vi phạm trong đó có 448 vụ về kiểu dáng công nghiệp, 1715 vụ về nhãn hiệu hàng hoá, 2 vụ về tên thương mại, 1 vụ về sáng chế/ giải pháp hữu ích, 6 vụ về cạnh tranh không lành mạnh cùng hơn 1000 vụ vi phạm bản quyền băng đĩa, tác phẩm sách báo, phần mềm vi tính. Tuy vậy sự liên kết, phối hợp của các cơ quan chức năng trong hành động ở lĩnh vực này vẫn chưa chặt chẽ. Việc giám định trong bảo hộ quyền SHTT cũng còn nhiều vướng mắc, chưa có bộ phận chuyên trách, nhất là thiếu các phương tiện, dụng cụ thử nghiệm, phân tích, truy cứu dữ liệu, đôi khi các phương tiện, dụng cụ lại quá đắt tiền. Nhiều khi ta muốn xử lý nhưng chưa có đủ điều kiện, bằng chứng để kết luận hoặc xác định một cách chính xác. Chế tài mức phạt về vi phạm quyền SHTT cũng còn chưa rành mạch, còn quá nhẹ nên chưa đủ sức răn đe trong khi nhận thức từ phía các tổ chức cá nhân hoạt động kinh doanh về việc tuân thủ pháp luật, về nghĩa vụ xã hội còn chưa cao.
Tình trạng này đã được Christoph Wiesner, Tham tán phái đoàn uỷ ban Châu Âu tại Việt Nam nêu rõ: “Việt nam hiện có nhiều cơ quan liên quan đến việc thực thi quyền SHTT, có lúc xảy ra tình trạng chồng chéo hoặc ngược lại “cha chung không ai khóc”, có việc không ai ngó ngàng tới, thạm chí mâu thuẫn trong thực hiện… Bên cạnh đó, những chế tài mức phạt quá thấp so với giá trị mang lại từ việc sản xuất và buôn bán hàng giả (vi phạm quyền SHTT)”.
Tình trạng trên đòi hỏi nhất thiết phải có sự qui định rõ chức trách, nhiệm vụ, có sự phân công rành mạch của từng cơ quan chức năng, tạo ra sự liên kết phối hợp hoạt động tốt hơn trong lĩnh vực thực thi quyền bảo hộ SHTT. Cần làm cho mọi người hiểu rõ vi phạm quyền SHTT nhất là hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng nhái, hàng giả không chỉ là mối lo ngại của các doanh nghiệp mà còn gây thiệt hại cho người tiêu dùng, không chỉ làm mất uy tín của các đơn vị sản xuất kinh doanh mà còn gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế, ảnh hưởng lớn đến uy tín quốc gia. Sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng nhái không chỉ gây tác hại đến lợi ích của doanh nghiệp bị xâm hại mà còn “móc hầu bao” người tiêu dùng, có thể gây tác hại đến sức khoẻ người tiêu dùng, có thể gây ô nhiễm môi trường, kìm hãm sự phát triển kinh tế – xã hội. Ngay cả việc vi phạm phần mềm máy tính tưởng như không có tác hại gì lớn nhưng thực tế cho thấy nạn ăn cắp phần mềm không chỉ tác động đến lợi nhuận công nghiệp phần mềm mà còn ảnh hưởng đến nguồn tài chính phục vụ cho công tác nghiên cứu và phát triển công nghệ. Nó đã gián tiếp kìm hãm tiến bộ công nghệ thông tin trong tương lai. Các chuyên gia đã phát hiện rõ việc giảm thiểu tình trạng vi phạm bản quyền gắn liền với mức tăng trưởng doanh thu của ngành phầm mềm đã trở thành qui luật. Đơn cử khi Trung Quốc giảm tỷ lệ vi phạm phần mềm từ 86% xuống 82% thì đã tăng được 2 tỷ USD doanh thu. Cục thống kê dữ liệu quốc tế cũng cho thấy khi Việt Nam giảm được tỷ lệ vi phạm từ 92% xuống còn 88% thì doanh thu phần mềm tạo ra được 4.097 việc làm, 1 tỷ USD cho GDP và 726 triệu USD cho các nhà bán lẻ địa phương.
Do đó việc thực thi bảo hộ SHTT, nhất là chống nạn hàng nhái, hàng rởm, hàng giả phải là trách nhiệm của mọi người, của toàn xã hội. Để lập lại trật tự kỷ cương trong hoạt động sản xuất kinh doanh chúng ta cần phải tuyên truyền giáo dục vận động được các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia phát hiện, tố giác đấu tranh với mọi vi phạm quyền SHTT. Việc thành lập một trung tâm giám định và đầu tư mua sắm các phương tiện giám định kiểm tra cần thiết cho hoạt động cần sớm được thực hiện. Chế tài, mức phạt các vụ vi phạm cũng cần xem xét, qui định lại để có căn cứ thuận lợi cho việc thực thi và bảo đảm tính nghiêm khắc, đủ sức răn đe vi phạm.
Bộ máy muốn hoạt động tốt tất yếu đòi hỏi phải có cán bộ tương đối đủ về số lượng và có năng lực, có phẩm chất tốt. Đáp ứng yêu cầu này cần có một đội ngũ chuyên viên, luật sư, thẩm phán được đào tạo bài bản, có trình độ chuyên nghiệp, vững vàng. Song hiện nay cán bộ cung cấp cho các cơ quan hoạt động trong lĩnh vực này còn thiếu rất nhiều và đặc biệt còn non yếu về chất lượng.
Tại Việt Nam việc đào tạo bài bản và có hệ thống về SHTT như một chuyên ngành trong các trường đại học, cao đẳng chưa được triển khai thực hiện hoặc thực hiện còn chậm. Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn, đại học Quốc gia Hà nội là đơn vị dẫn đầu trong cả nước và là đơn vị duy nhất đào tạo ngắn hạn cấp chứng chỉ Pháp luật và nghiệp vụ SHTT. Khoa mới đào tạo được 200 học viên cấp chứng chỉ C. Các học viên này cũng mới chỉ được đào tạo chuyên sâu về lý thuyết thuộc lĩnh vực SHTT, việc thực hành và khả năng ngoại ngữ còn hạn chế, như vậy đối với họ còn phải vượt rất nhiều khó khăn mới trở thành chuyên gia trong lĩnh vực SHTT được. Do đó việc đào tạo, cung ứng cán bộ để xoá bỏ được khoảng trống về nhân lực cho lĩnh vực này đang là một áp lực rất lớn, phải thật sự quan tâm và có quyết tâm lớn mới đáp ứng được.
Cuối cùng, một yêu cầu cần thiết không thể coi thường và phải đặt ra là việc tuyên truyền, giáo dục, vận động toàn dân nhận thức sâu sắc và tích cực đóng góp hoạt động của mình vào hoạt động bảo vệ quyền SHTT. Vì vậy ngoài việc tổ chức những lớp tập huấn nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật về SHTT (bao gồm cả những văn bản hiện hành ở trong nước và những hiệp định có liên quan mà Việt Nam đã ký kết với quốc tế cho cán bộ) cần ra sức tuyên truyền giáo dục pháp luật về SHTT cho mọi đối tượng để thực sự giác ngộ thực thi quyền SHTT. Việc tổ chức triển lãm hàng thật, hàng giả ở trung ương và địa phương (đã thực hiện liên tục 6 năm nay) cần được triển khai thường xuyên, liên tục hơn nhằm truyền dẫn kiến thức pháp luật về SHTT dễ tiếp nhận hơn, giúp cho các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và đặc biệt là người tiêu dùng mua, sử dụng đúng hàng thật, bảo vệ quyền lợi cho chính mình đồng thời cũng là góp phần cho nền kinh tế xã hội phát triển lành mạnh, vững chắc.
NGUYỄN QUỐC LUẬT
(TS, Đại học Thủy lợi)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Trần Việt Hùng, Đẩy mạnh bảo hộ quyền SHTT, Thời báo Kinh tế 9-10-2007.
2. Đặng Nguyễn, Thành lập tổ kiểm tra cơ động hàng dệt may xuất khẩu, Thời báo kinh tế 7-9-2007.
3. Vĩnh Sơn, Cuộc chiến chống hàng nhái, hàng giả, Thời báo kinh tế, 19-10-2007.
Phan Anh, Thương hiệu nổi tiếng bị lợi dụng, Thời báo Kinh tế, 12-10-2007.
4. Hoàng Văn Tân, Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển tài sản trí tuệ, Thời báo Kinh tế ngày 14-3-2007.
5. Thuỳ Linh, Tiêu chuẩn cần xây dựng cho phù hợp, Thời báo Kinh tế, 14-10-2007.
6. Tân Lam, Vi phạm bản quyền phần mềm, báo Phụ nữ Việt Nam số 114 ngày 21-9-2007.
7. Thanh Lương, Nỗ lực thực hiện những cam kết về quyền SHTT, báo Pháp luật Việt Nam ngày 8-10-2007.
8. Mạnh Tuấn, Khoảng trống về nhân lực, báo Pháp luật Việt Nam ngày 1-11-2007.
9. Báo cáo của Cục Sở hữu trí tuệ năm 2007.
(1) Năm 2007 đã có khoảng 30.000 đăng ký bảo hộ SHTT trong đó tỷ lệ đơn của doanh nghiệp Việt Nam chiếm 60% tổng số. Con số này cách đây 10 năm chỉ khoảng 20 – 30%.