Trang chủ

HỆ TƯ TƯỞNG THỜI CHIẾN CỦA XÃ HỘI NHẬT BẢN TRONG CUỘC XUNG ĐỘT THÁI BÌNH DƯƠNG

Đăng ngày: 17-08-2012, 11:14 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2008 » Số 2

Sau vụ khủng bố 11/9 ở Hoa Kỳ và những cuộc đánh bom liều chết ở Trung Đông, nhiều nhà xã hội học và nhà nghiên cứu tâm lý chiến tranh đã nhớ lại chiến thuật kamikaze của phi công cảm tử Nhật Bản trong các phi đội Thần phong thời kỳ Chiến tranh Thế giới hai, những người được huấn luyện để lái máy bay lao vào tàu chiến Mỹ. Thật ra, hành động tấn công tự sát đã từng được thực hiện ở mọi cuộc xung đột quân sự trong lịch sử loài người, tuy nó không được trù tính và tổ chức tỉ mỉ như các phi vụ kamikaze. Trong thời gian Chiến tranh Thế giới thứ hai, tấn công tự sát là một nét nổi bật của kiểu chiến tranh đường hào, và trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, nó cũng thường được thực hiện. Gương hy sinh của các chiến sĩ lấy thân mình lấp lỗ châu mai địch ở Việt Nam cũng như ở Liên Xô có thể được coi là trường hợp tấn công tự sát, nhưng đấy không phải là một chiến thuật như ở Nhật Bản.

Trước sự đối đầu với địch thủ, xã hội Nhật Bản đã kêu gọi thành viên của mình hy sinh cao nhất để cộng đồng tồn tại và bản sắc được duy trì. Năm 1936, chính phủ Nhật Bản thành lập Cục Thông tin để tuyên truyền trong nước, và năm 1937, lúc xung đột ở Trung Quốc leo thang thành chiến tranh toàn diện thì Cục Thông tin được nâng cấp để phối hợp và theo dõi mọi thông tin trong chiến tranh. Những thông tin kích động tinh thần hy sinh của chiến binh được đăng tải trong tuần báo Shashin shubo (Báo cáo hàng tuần bằng ảnh). Tờ báo ảnh này được bán ở các quầy sách và gửi cho người đặt mua, phát hành mỗi tuần 90.000 số trong năm 1938, 170.000 số năm 1940, và 500.000 số năm 1943. Mỗi số báo được truyền tay đến hàng chục người nữa. Và từ cuối năm 1943, báo lại dành một chỗ để người xem đóng dấu của mình vào đấy trước khi chuyển cho người khác, tuyên truyền hệ tư tưởng chiến tranh của xã hội Nhật Bản.

Nếu nói rằng con đường dẫn nước Nhật đến tai họa đầy rẫy những dối trá và xuyên tạc, thì nên nhớ rằng nhiều chính phủ, ở một mức độ nhất định, cũng kiểm soát và thao túng thông tin để động viên và tuyên truyền dân chúng, nhất là trong thời chiến. Cục Thông tin của Nhật Bản, giống như bộ Tuyên truyền của Đức quốc xã, và Cục Thông tin Chiến tranh của Mỹ, đều là cơ quan làm nhiệm vụ củng cố tinh thần và thuyết phục nhân dân rằng cuộc chiến tranh của mình là chính đáng và có thể thắng. Điều dối trá lớn nhất là, đối với một con người, giết một người khác trong những hoàn cảnh nhất định là tốt và đúng.

Tình hình xã hội Nhật Bản trong những ngày cuối cùng của đế chế

Trong những tháng cuối cùng của cuộc Chiến tranh Đại Đông Á (tên gọi ở Nhật Bản lúc đó chỉ cuộc Chiến tranh Thái Bình  Dương tại châu Á)([1]), các thành phố Nhật Bản phải hứng chịu những trận mưa bom dữ dội. Ngay trước khi chiếm hoàn toàn được Saipan mùa hè năm 1944, lực lượng Hoa Kỳ đã xây dựng các sân bay ở đấy để tấn công ồ ạt nước Nhật bằng không quân. Từ tháng Mười Một 1944 đến lúc nước Nhật đầu hàng tháng Tám 1945, bom rải thảm xuống các thành phố Nhật Bản trở thành chuyện xảy ra hàng ngày. Nhật Bản mùa đông 1944 ảm đạm hơn nhiều năm trước, cộng với cảnh tàn phá là tin không vui từ mặt trận Thái Bình Dương liên tiếp đưa về, trong khi nhà cầm quyền động viên dân chúng tin tưởng ở “thắng lợi cuối cùng”.

Máy bay ném bom Mỹ gây kinh hoàng cho các vùng ngoại ô quá đông dân của Tokyo vốn đã chịu đựng trong suốt năm qua những khó khăn chồng chất. Còi báo động rú liên hồi, sản lượng công nghiệp giảm nhanh chóng, xác chết rải rác bên những đống đổ nát sau mỗi vụ oanh tạc. Khắp thủ đô, hầm hào tránh bom được đào ở công viên, trong sân nhà, ngoài đường phố. Nhà cầm quyền cho dán yết thị chỉ dẫn cách tránh nạn, như tắt hết đèn ban đêm, chuẩn bị thùng nước dập lửa. Lính cứu hỏa không đủ, dân chúng chỉ còn trông vào những người tình nguyện ở các khu phố. Máy bay khu trục bảo vệ thành phố còn rất ít nên chỉ có pháo phòng không chống trả quân địch, nhưng cao xạ không bắn được tới pháo đài bay có rađa dẫn đường, thực hiện cuộc ném bom ở độ cao.

Vì máy bay Mỹ có thể ập đến bất cứ lúc nào, nên trường học phải sơ tán về thôn quê, ở đó học sinh lớn góp sức làm việc với công nhân các nhà máy di chuyển khỏi thành phố, hoặc tham gia làm việc ngoài đồng ruộng. Đời sống dân chúng cực khổ không tả xiết, thực phẩm được cung cấp theo tem phiếu rất chặt chẽ, vì gạo ưu tiên dành cho binh sĩ ngoài mặt trận. Mỗi người lính được ăn 400 gram gạo một ngày, còn dân thì chỉ được 100 gram. Giá thực phẩm ngoài chợ đen được bán với giá cắt cổ. Từ lâu, không ai nghe thấy tiếng chó sủa, vì chó bị đem giết thịt hết. Vải vóc khan hiếm đến nỗi người ta phải đành ăn mặc bẩn thỉu không dám thay quần áo, sợ rằng nếu đem giặt thì áo quần sẽ nát thành từng mảnh.

Sách báo của thư viện cũng bị đốt để sưởi ấm qua mùa đông khắc nghiệt. Nhiều người sục sạo các đống đổ nát cố tìm cái gì có thể dùng làm chất đốt, như mảnh giường tủ, bàn ghế. Trời năm ấy hình như lạnh hơn mọi năm, bom Mỹ ném ngày càng dữ dội trong khi báo chí vẫn hô hào dân chúng “vững tin vào chiến thắng” và báo trước “năm tới sẽ là năm tử chiến”.

Tuy không quân Nhật Bản bị tổn thất nặng, nhưng công xưởng không chế tạo được máy bay thay thế vì lãnh thổ bị phong tỏa chặt cả trên không lẫn dưới biển, nguồn xăng dầu và nguyên liệu sản xuất đã gần hết. Cuối năm 1944, dự trữ nhôm dành cho sản xuất máy bay ngày càng cạn vì trữ lượng bauxit là nguyên liệu luyện nhôm chẳng còn bao nhiêu. Sản lượng thép cũng sụt hẳn, do không nhập được quặng và than từ lục địa Châu Á. Tình hình hải quân bi đát chẳng kém, những tàu chiến còn sống sót sau các trận thủy chiến bây giờ nằm ì ở căn cứ vì thiếu nhiên liệu. Những tàu liều mạng rời căn cứ đều trở thành mồi ngon của tàu ngầm địch ngày đêm lởn vởn quanh các đảo Nhật Bản, như hai hàng không mẫu hạm Junyo và Unryu bị thủy lôi đánh chìm trong tháng 12. Năm 1944, đoàn tàu buôn còn tổng trọng tải trên năm triệu tấn thì hơn ba triệu tấn đã bị đánh đắm.

Tại thủ đô Tokyo, tiệm ăn và quầy rượu đóng cửa hết, chỉ các rạp chiếu bóng còn hoạt động để chiếu những bộ phim động viên tinh thần yêu nước, nêu gương dũng cảm của phi công quyết tử, khích lệ mọi người gắng chịu gian khổ chờ ngày vinh quang. Năm mới 1945 được chào đón bằng một trận oanh tạc dữ dội, tiếng bom vang đến tai nhà vua Hiro Hito đang bàn bạc với Thủ tướng trong hầm trú ẩn dưới thư viện hoàng cung về khả năng thương lượng hòa bình với Đồng minh. Đêm ngày 9 tháng Ba, một trận bom dội lửa xuống khu vực ngoại ô Shitamachi của Tokyo, thiêu trụi 250.000 ngôi nhà, cửa hàng và xưởng thợ. Nhiều người cháy như ngọn đuốc, ước tính có 10.000 dân thường thiệt  mạng, gần 42km2 diện tích thủ đô bị xóa khỏi bản đồ.

Đến tháng Tư, chiến sự càng ác liệt lúc quân Mỹ chỉ còn cách bờ biển Nhật Bản 500km, chính phủ hô hào dân chúng luyện tập để đối phó với kẻ thù đang đe dọa xâm nhập đất nước. Trẻ con tập đánh địch bằng gậy tre, nông dân dùng liềm hái, công nhân sử dụng búa hay kìm, nghĩa là tất cả những gì có thể dùng làm vũ khí. Phương tiện truyền thông đại chúng kêu gọi thiếu niên chiến đấu để “bảo vệ danh dự như các samurai”, mặc dầu ai cũng biết Chính phủ đã nao núng.

Trước tình hình đó, Chính phủ kêu gọi các “người con của Thiên hoàng” cứ tươi cười mà chịu đựng, cứ vui vẻ đáp lại thách thức mới này, nhân dân Nhật Bản nên theo gương dũng cảm của phi công kamikaze. Cuộc đổ bộ của quân Đồng minh không còn xa nữa, và nếu cần, thì người đàn ông, đàn bà, và trẻ con cuối cùng sẽ chết cho đất nước của các vị thần và ngai vàng của Thiên hoàng. Nếu ta nghĩ về nước Nhật ngày nay, thì ta khó hình dung được cách đây sáu chục năm, báo chí đăng đầy những chuyện về cuộc tự sát hàng loạt và cảnh tàn phá tan hoang. Giữa cái chết khó tránh đó, Chính phủ xúc tiến một chủ trương chiến đấu tự sát, khuyến khích mọi công dân hy sinh thân mình vì lý tưởng quốc gia([2]) như phi công kamikaze.

Mùa xuân 1945, trận chiến đấu ở đảo Okinawa kéo dài gần ba tháng, cướp đi sinh mạng khoảng một phần ba thường dân, tức là trên mười vạn người. Thật ra, hầu hết thường dân thiệt mạng ở Okinawa đã bị quân đội ép buộc hy sinh, nhưng báo chí tại Tokyo miêu tả họ là bằng chứng tinh thần kamikaze của nhân dân Nhật, là điềm báo trước cuộc chiến đấu dữ dội sắp tới.

Tháng Sáu 1946, trước nguy cơ quân Mỹ đổ bộ lên đất Nhật, bộ Chỉ huy Tối cao Nhật Bản thông báo chia bốn đảo chính thành tám khu vực, mỗi khu vực sẽ chiến đấu đơn độc khi cuộc đổ bộ diễn ra, theo gương Okinawa. Kế hoạch này được gọi là “Trận Chiến đấu Quyết định cho Đất liền”. Nhưng hai quả bom nguyên tử của Mỹ, lời tuyên chiến của Liên Xô, rồi cuộc đầu hàng của Nhật Bản, tất cả diễn ra trong khoảng tám ngày, đã phá vỡ kế hoạch này, và chấm dứt chiến tranh. Từ ba đến bốn phần trăm dân Nhật chết trong cuộc chiến, 60 phần trăm đô thị bị san thành bình địa, nhưng người ta vẫn tôn vinh những người tự nguyện hiến thân cho sự huy hoàng của nước Nhật, những vị thần xứng đáng được tôn thờ ở đền Yasukuni.

Hệ tư tưởng thời chiến của xã hội Nhật Bản

Nhìn lại quá khứ lịch sử, ta thấy chín thủy thủ chết ở Trân Châu Cảng không phải là những binh sĩ đầu tiên của Nhật Bản được tôn là gushin, tức thần chiến binh xứng đáng được thờ ở đền Yasukuni. Đầu thời kỳ Minh Trị, binh lính và thủy thủ Nhật chết “để phụng sự Thiên hoàng” cũng được tôn là thần, và được thờ ở đền Yasukuni. Vì là thần chiến binh, nên các binh sĩ và thủy thủ này được tin là sống trong kiếp sau với tổ tiên hoàng tộc tại Yasukuni. Trong cuộc chiến tranh Thái Bình Dương ở Châu Á, hệ tư tưởng này trở thành quy tắc ứng xử quốc gia, coi những người hy sinh cho Thiên hoàng, làm vẻ vang cho gia đình, sẽ là những thần bất tử.

Chẳng những sĩ quan và binh lính phải hy sinh tất cả, mà dân thường, bất kể giữ vai trò nào trong nỗ lực chiến tranh, cũng được kêu gọi hiến thân cho quốc gia. Muốn hiểu tinh thần hy sinh đó, muốn hiểu cái gọi là hệ tư tưởng Yasukuni, trước hết ta phải nói đến “Kokutai”, vì hai khái niệm này bổ nghĩa cho nhau. Kokutai nhấn mạnh mối liên hệ thiêng liêng giữa hoàng đế, được cho là thuộc dòng dõi thần thánh; nhân dân, người thi hành ý muốn của nhà vua; và nước Nhật, đất nước của các vị thần. Cùng với trường học (dưới sự chỉ đạo của bộ Giáo dục), phương tiện thông tin đại chúng, dưới sự hướng dẫn của chính phủ quân sự, là phương tiện chủ yếu để truyền bá hệ tư tưởng Yasukuni cho dân thường.

Mùa thu 1943, hầu như người Nhật Bản lạc quan nhất cũng chẳng thể phủ nhận rằng chiến tranh không còn diễn ra theo hướng tốt nữa, nhưng đồng thời, ít người Nhật, dù là binh sĩ hay thường dân, có thể hình dung nước Nhật bại trận. Tuy nhiên, khi lực lượng Nhật Bản bắt đầu rút lui ở khắp chiến trường Thái Bình Dương, Chính phủ bèn kêu gọi mọi người hy sinh nhiều hơn, cả binh lính và thường dân đều được lệnh hiến tất cả cho nỗ lực chiến tranh. Phương tiện thông tin đại chúng ca ngợi cuộc tự sát hàng loạt đầu tiên, trận tấn công diễn ra trên đảo Attu tháng Năm năm 1943 để phụng sự Thiên hoàng. Mùa hè 1944, Saipan thất thủ, báo chí ca ngợi cuộc tự sát hàng loạt bắt buộc của dân thường ở đấy là hành động vinh quang ngang với sự hy sinh của quân đội.

Chết bằng chính tay mình, còn hơn chịu nhục bị bắt, từ lâu đã được lý tưởng hóa trong sử sách và văn học, “chết vẻ vang” là một nguyên lý trung tâm của quy tắc hành xử samurai suốt thời kỳ Edo và thậm chí trước nữa. Nước Nhật luôn luôn thiếu sắt thép, dầu lửa, và cao su, những nguyên liệu của bộ máy chiến tranh hiện đại. Nguồn cung cấp bị cắt, Nhật Bản năm 1944 không có khả năng chế tạo thiết bị cần thiết để tiếp tục một cuộc chiến tranh tổng lực. Muốn làm chậm bước tiến của Đồng minh đến các đảo quê hương, bộ Chỉ huy tối cao quyết định rằng, tấn công tự sát của không quân là cách sử dụng có hiệu quả nhất những vật liệu còn lại. Sau các trận tấn công kamikaze ở vịnh Leyte tháng Mười 1944, phương tiện thông tin đại chúng phát hành cho nhân dân nhiều hình ảnh phi công dũng cảm.

Các cuộc tấn công kamikaze đã gây nhiều tổn thất cho Đồng minh tại Leyte, nhưng một khi yếu tố bất ngờ đã mất, thì chiến lược tự sát bằng máy bay trở nên kém hiệu quả. Tuy nhiên, dù quân Đồng minh đã biết đề phòng các trận tấn công kamikaze và đã thành thạo trong việc đánh lui máy bay địch, kamikaze vẫn đe dọa và ngăn cản bước tiến của họ. Theo tục lệ samurai, khi đứng trước cái chết, phi công kamikaze thường để lại vài dòng chữ cuối cùng khuyến khích người khác theo gương yêu nước của mình. Sau phi vụ kamikaze, tên tuổi phi công tử trận và những dòng chữ đó được phát thanh trên làn sóng điện, thường thường kèm theo bài tường thuật phóng đại về thành công của họ.

Căn cứ ở thư từ và sổ nhật ký những phi công này để lại, người ta biết nhiều người có học vấn cao và đầy hứa hẹn, một số ấp ủ những ý tưởng thầm kín trái ngược nhau về mục đích chiến tranh và số phận họ. Nhiều người cảm thấy không có lựa chọn nào khác cái chết, hoặc trên chiến trường, hoặc trong một trận không kích, hoặc ở một phi vụ tự sát. Quy tắc chặt chẽ của quân đội là “không đầu hàng”, phi công biết rằng cái chết vinh quang sẽ làm vinh dự cho gia đình mình.

Trừ một vài trường hợp cực kỳ hiếm hoi, còn thì dù ý nghĩ riêng tư của họ về chiến tranh là gì, dù mục đích và kết quả của chiến tranh ra sao, các chàng trai trẻ được dự kiến phải chết ở phi vụ tự sát đều thi hành nhiệm vụ mình. Ý nghĩ sống với nỗi ân hận không làm trọn vai trò mình để bảo vệ đất nước và gia đình có thể là động lực thúc đẩy họ hoàn thành sứ mệnh.

Còn dân thường thiệt mạng trong chiến tranh thì phần lớn đều chết trong các trận không kích của Đồng minh vào các thành phố. Ngay từ năm 1935, chính phủ đã bắt đầu huấn luyện dân chúng về phòng không. Sau năm 1940, các trận không kích của Mỹ ngày càng ác liệt, máy bay chiến đấu và nhân viên quân sự Nhật Bản thiếu thốn, thường dân phải đảm đương gánh nặng phòng không, giống như ở Châu Âu trong thời gian chiến tranh. Chính phủ Nhật bắt dân chúng ở lại khu vực mình để chữa cháy, đe dọa trừng trị những người bỏ nhiệm vụ phòng không. Nhân dân không được phép chạy trốn trong cuộc oanh tạc, nơi trú ẩn của họ trở thành nấm mồ khi bom napan từ máy bay Mỹ ném xuống.

Dù phải đối mặt với cuộc không kích của máy bay Đồng minh hay trong chiến đấu, các “chiến binh hậu phương” đó đều phải theo quy tắc của nhà binh tức là không đầu hàng, nếu cần thì tự sát. Okinawa là mảnh đất thử nghiệm chính sách không đầu hàng, hàng nghìn người đã chết vì chủ trương tự sát được áp dụng với cả thường dân đảo này. Tuy vậy, đầu hàng cũng là một lựa chọn khó khăn đối với một dân tộc bị tuyên truyền đến mức khiếp sợ một kẻ địch mà họ hầu như không biết gì.

Lúc nước Đức quốc xã đầu hàng, phương tiện thông tin đại chúng Nhật Bản nói rằng, sở dĩ người Đức thất bại vì “yếu kém về tinh thần” chứ không phải bị sức mạnh quân sự của địch thủ áp đảo. Sẽ không có chuyện đầu hàng như vậy đối với nước Nhật, miễn là nhân dân tăng cường “sức mạnh tinh thần” và hy sinh nhiều hơn nữa cho hoàng đế và nỗ lực chiến tranh.

Thông qua sự kiểm soát đối với giáo dục và phương tiện thông tin đại chúng, chính phủ khắc sâu vào tâm trí trẻ em lý tưởng thần chiến binh, và tích cực tuyển mộ thiếu niên cho nhiệm vụ chiến đấu tự sát. Báo chí mô tả thường dân, kể cả trẻ em, chết trong chiến tranh là đứng ngang hàng với thần chiến binh. Quả thật, chắc phải có một số người ủng hộ ý tưởng thờ thường dân ở đền Yasukuni, vì tờ báo Nippon Times ngày 27/9/1945 nói rằng, nghi lễ Yasukuni được dành cho linh hồn những người chết trong chiến đấu hoặc trong cuộc oanh tạc của máy bay địch.

Theo lô-gich, thì những thường dân đáp ứng đòi hỏi của nhà nước Nhật Bản và chết trong chiến tranh nên được thờ ở Yakasuni, nhưng trong thực tế chẳng dân thường tử vong nào trong cuộc Chiến tranh Đại Đông Á được thờ như kamikaze ở đền đó. Tài liệu chính thức của Yakasuni ghi rằng 57.000 phụ nữ (chủ yếu là y tá quân đội) cùng ít nhất 2.060 trẻ em (học sinh Okinawa) được thờ ở đấy, nhưng văn bản rất lờ mờ về chi tiết, nói dè dặt về linh hồn “một số lớn học sinh chết trong các trận oanh tạc vào nhà máy quân giới”.

Mùa thu và mùa đông 1945, lúc người Nhật đành chấp nhận hậu quả của chiến tranh, ý nghĩa của bại trận, và nỗi lo sợ về quân nước ngoài chiếm đóng, thì linh hồn hàng chục vạn thường dân bỏ mạng trong các cuộc oanh tạc và trong chiến đấu ít được người sống sót ưu tiên chú ý. Hàng chục vạn binh lính Nhật còn rải rác ở một khu vực rộng lớn bị nước Nhật xâm chiếm. Những người này cần được hồi hương, một số bị giữ ở Liên Xô trong hơn một thập kỷ. Hàng triệu thường dân không có nhà cửa và đang đói lả. Kinh tế bị hủy hoại, tiền mất giá, lạm phát tăng khủng khiếp, hạ tầng cơ sở của đất nước cần được đại tu. Tuy vậy, ngay giữa tình cảnh hỗn độn này, linh hồn thường dân tử nạn vẫn không bị quên hẳn. Việc báo chí đưa ra hai lời giải thích về trường hợp không thờ thường dân ở Yasukuni, cho ta thấy tất phải có một số người mong các chiến binh hậu phương này được thờ.

Lời giải thích thứ nhất là trong thời gian chiến tranh, quân đội không để cho Yasukuni thực hiện ý nguyện của người sáng lập ra nó, tức hoàng đế Minh Trị, là phải thờ tất cả mọi người phụng sự cho nước Nhật. Người ta có thể suy ra từ lời giải thích này rằng trong chiến tranh, lúc quân đội nắm quyền kiểm soát, thì sự ngạo mạn của quân đội đã tước bỏ khả năng thờ thường dân ở Yasukuni. Bây giờ, những tên quân phiệt đó đã thất bại, nhân dân tự coi mình là được xóa tội làm điều sai trái, được trao nhiệm vụ xây dựng một nước Nhật Bản mới dân chủ, chẳng lẽ thường dân tử nạn không được thờ ở Yasukuni hay sao.

Lời giải thích thứ hai về việc không thờ thường dân ở Yasukuni được báo Nippon Times đưa ra hồi tháng Tư năm 1946, một vài ngày trước việc thờ cúng lần cuối cùng linh hồn binh sĩ tử trận. Khi đọc lời giải thích đó, ta có thể hiểu rằng trong thời gian nước Nhật bị chiếm đóng, vị thế của Yasukuni cũng đáng ngờ, sự tồn tại của nó trở thành bấp bênh. Bài báo miêu tả những khó khăn của ban quản trị Yasukuni khi tìm cách ghi tên khoảng ba vạn quân nhân tử nạn, một công việc bất ngờ được giao cho đền sau khi bộ Lục quân và Hải quân bị giải thể.

Năm 1945, chẳng có cơ quan nhà nước hay tư nhân nào được đặt ra để chính thức tưởng niệm thường dân thiệt mạng, nên cần lập một cơ quan. Việc không có cơ quan chính thức nào tưởng niệm người chết trong chiến tranh không phải là do sự thờ ơ của Chính phủ Nhật Bản thời hậu chiến: những người chết khi phục vụ quốc gia, kể cả lính cứu hỏa, nhân viên cảnh sát, và đội viên của Lực lượng Tự vệ Nhật Bản, vẫn được thờ ở Yasukuni, và đã có một lần vào năm 1978 “bí mật” thờ trên một nghìn phạm nhân chiến tranh đã bị hành quyết. Trong số này có Thủ tướng Tojo, tướng Yamashita Tomoyuki (người được mệnh danh là “con hùm sám Mã Lai”), và tướng Matsui Iwane (người chỉ huy lực lượng Nhật Bản trong cuộc tàn sát Nam Kinh). Do đấy, việc thờ thường dân tử nạn cùng với quân nhân hy sinh cho Thiên hoàng vẫn được thảo luận sôi nổi.

 

ĐỖ TRỌNG QUANG

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Valley of Darkness: The Japanese People and World War II (New York: W. W.Norton, 1978)

2. War without Mercy: Race and Power in the Pacific War (New York: Pantheon, 1986)

3. The State and the Mass Media in Japan, 1918-1945 (Berkeley and Los Angeles: University of California Press, 1988)



([1]) Tên gọi Đại chiến Thế giới II không được mọi người nhất trí ở Nhật Bản. Các nhà sử học phái tả thảo luận về cuộc Chiến tranh Mười lăm năm, coi vụ xâm lược Mãn Châu năm 1931 là khởi điểm của cuộc xung đột cuối cùng lan rộng ở Trung Quốc năm 1937, Việt Nam năm 1940, rồi Thái Bình Dương năm 1941, và kết thúc với cuộc đầu hàng ngày 15 tháng Tám 1945. Các nhà sử học ôn hòa dùng từ Chiến tranh Thái Bình Dương, phân biệt giữa cuộc chiến tranh tại Mãn Châu, Trung Quốc và Thái Bình Dương. Nhà sử học bảo thủ thì gọi cuộc chiến tranh này theo chỉ dụ của Hoàng đế, Chiến tranh Đại Đông Á, một từ ít được phổ biến ở nước Nhật ngày nay. Trong tiếng Nhật Bản, Đại chiến thế giới II hầu như là chỉ Đại chiến thế giới II ở châu Âu.

([2]) Trước cuộc xâm lược bằng đường biển đẫm máu nhất trong lịch sử, chính phủ Nhật Bản tổ chức thường dân nam giới dưới 65 tuổi và nữ giới dưới 45 tuổi thành những đội xung phong ở khu vực họ cư trú hay tại chỗ họ làm việc. Chính phủ mong những người xung phong này sẽ dũng cảm như phi công kamikaze, vào trận với vũ khí thô sơ và sẵn sàng chết.

0thảo luận