Trang chủ

CẢI CÁCH KINH TẾ VÀ BÀI TOÁN LƯƠNG THỰC CỦA CỘNG HÒA DÂN CHỦ NHÂN DÂN TRIỀU TIÊN

Đăng ngày: 3-08-2012, 10:25 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2007 » Số 12

Cộng hoà Dân chủ Nhân dân (CHDCND)  Triều Tiên vẫn được thế giới nhìn nhận với lăng kính là một quốc gia có thể chế chính trị cộng sản theo quan điểm "cứng rắn" và nền kinh tế được xây dựng trên một mô hình kinh tế xã hội chủ nghĩa kiểu Liên Xô cũ. Thực tiễn trong tiến trình phát triển kinh tế của họ cho thấy, bắt đầu từ những năm cuối thập kỷ 1970 của thế kỷ trước khi mà những dấu hiệu khủng hoảng trong mô hình phát triển ngày càng lộ rõ, CHDCND Triều Tiên ít nhiều cũng đã tự thể hiện một sự chuyển đổi cách thức phát triển nền kinh tế của mình. Các nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên không gọi đó là chương trình đổi mới mô hình phát triển mà chủ trương kiên trì đi theo tư tưởng "cải cách" nền kinh tế dưới sự dẫn dắt bởi tư tưởng “chủ thể” do cố chủ tịch Kim Nhật Thành khởi xướng (có nghĩa tự lực cánh sinh). Điều đáng nói là họ chưa thừa nhận ngay sự cần thiết có tính khách quan về nhu cầu chuyển đổi nền kinh tế theo trào lưu kinh tế thị trường như được thấy ở Trung Quốc hay Việt Nam, hoặc ở một số nước khác trên thế giới. Mặc dù chương trình cải cách kinh tế của họ cho đến nay vẫn tiếp tục được thực hiện và cũng đã thu được một số kết quả, song những kết quả đó không có ý nghĩa căn bản tạo động lực mới cho sự phát triển của nền kinh tế nước này, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Vỡ vậy, vấn đề an ninh lương thực vẫn là một trong những gánh nặng cho các nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên. Trong bài viết này, chúng tôi cố gắng phác họa lại một số điểm chính trong nội dung cải cách kinh tế của CHDCND Triều Tiên, đồng thời phân tích thực trạng và chỉ ra tương lai bức tranh an ninh lương thực mà đất nước này tiếp tục phải vượt qua trong tiến trình cải cách của mình.

1. Tổng quan kinh tế

Trước hết có thể nói, nếu đối chiếu với những điều kiện tự nhiên sẵn có của nước này thì có thể thấy, CHDCND Triều Tiên  vốn sở hữu một nguồn lợi tự nhiên khá dồi dào để có thể xây dựng nên một nền kinh tế hiện đại. CHDCND Triều Tiên có trữ  luợng than đá khá lớn cũng như nhiều loại quặng kim loại và á kim quý hiếm khác được dùng để phát triển nhiều ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp nặng. Ví dụ như loại than gầy không khói của CHDCND Triều Tiên theo ước tính có trữ lượng vào khoảng 1,8 tỷ tấn, là một nguồn lợi khoáng sản phong phú nhất của quốc gia này. Than đá đã được khai thác ở một sản lượng khá lớn cho cả nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Các mỏ than đá hầu như tập trung ở phía nam tỉnh P’yngan. Trữ lượng than gầy chất lượng cao được tập trung ở huyện Paegam thuộc tỉnh Yanggang, được ước tính có trữ lượng 1 triệu tấn; các mỏ than có trữ lượng khoảng 10 triệu tấn có ở Chunbi, T’-gol, và Kangdong. Khu liên hợp khai thác than ở huyện Anju là nơi sản xuất than lớn nhất của cả nước. Tuy nhiên, CHDCND Triều Tiên hầu như lại không có mỏ than cốc nào cũng như tài nguyên về dầu mỏ hay khí gas. Nhu cầu tiêu dùng than cốc trong cho ngành luyện kim trong nước đều phụ thuộc vào nhập khẩu từ Trung Quốc và Liên Xô. Đến cuối những năm 1980, Trung Quốc vẫn là nguồn cung cấp than cốc chủ yếu cho CHDCND Triều Tiên, đứng thứ hai là Liên  bang Xô viết cũ. Hơn nữa, với đặc điểm cấu tạo địa hình nhiều dốc núi phù hợp cho việc xây dựng các nhà máy thuỷ điện trên các hệ thống sông ngòi như Yalu, Tumen và Taedong. Chính vì thế, CHDCND Triều Tiên thực sự có thế mạnh trong việc phát triển ngành điện lực và khai thác mỏ. Trái lại, điều kiện phát triển ngành nông nghiệp nói chung là không thuận lợi ngoại trừ chăn nuôi một số loại gia súc và phát triển lâm nghiệp. Hoạt động trồng trọt trong sản xuất nông nghiệp chỉ có thể canh tác trên những cánh đồng hết sức nhỏ hẹp. Vì thế, đất canh tác được ưu tiên chủ yếu cho trồng các loại cây lương thực.

Nhìn từ góc độ lịch sử, khi bắt tay vào giai đoạn tái thiết kinh tế sau chiến tranh năm 1945, nền kinh tế nước này đã được thừa hưởng một cơ sở hạ tầng của một nền kinh tế tương đối hiện đại do người Nhật đầu tư trong suốt thời kỳ chiếm đóng (1910-1945). Do đó, CHDCND Triều Tiên đã nhanh chóng đạt được một số kết quả đáng kể bởi có sự kết hợp với sức mạnh của động lực tinh thần trong nhân dân. Đó cũng được xem là một ưu thế của chế độ chính trị theo mô hình cộng sản chủ nghĩa ở CHDCND Triều Tiên thời đó. Mô hình này có thể tập hợp được các nguồn lực chưa sử dụng và lao động nhàn rỗi bằng các động lực tinh thần xã hội chủ nghĩa, nhưng lại thực hành một mức tiêu dùng khá thấp cho toàn xã hội. Tuy nhiên, ngay đầu những năm 1960, nền kinh tế nước này đã bộc lộ những yếu kém và rơi vào tình trạng trì trệ và khó khăn. Các nhà kinh tế cho rằng tăng trưởng kinh tế chỉ có thể đạt được từ việc nâng cao năng suất thông qua sự nâng cao tính hiệu quả, mở rộng cơ sở nguồn lực và áp dụng công nghệ tiên tiến, v.v.. Nhưng ở CHDCND Triều Tiên, sự tăng trưởng kinh tế không phải có nguồn gốc từ những nhân tố này mà là kết quả của sự tập trung nhanh các nguồn lực chưa được khai thác, do vậy khuynh hướng giảm sút tăng trưởng đã tiếp tục xảy ra trong các thập kỷ 1970 và 1980 khi mà các nhân tố đó mất dần ưu thế. Hơn nữa, vì dựa trên nền tảng chính sách tự lực tự cường, nhấn mạnh trọng tâm vào xây dựng ngành công nghiệp nặng. Chính sách này đã làm tăng nhân đôi những khó khăn kinh tế và mang lại một kết quả nghèo nàn trong hoạt động kinh tế đối ngoại, đặc biệt là hoạt động xuất nhập khẩu. Đó là sự thâm hụt thương mại kinh niên và nợ nước ngoài ở một mức độ khá lớn. Các đối tác thương mại của CHDCND Triều Tiên chủ yếu là các nước thuộc hệ thống xã hội chủ nghĩa cũ (XHCN). Kết quả là, giữa thập kỷ 1990 nền kinh tế CHDCND Triều Tiên  đã bắt đầu rơi vào vòng xoáy của một sự suy thoái nghiêm trọng. Nền kinh tế CHDCND Triều Tiên  đã bị đẩy tụt lùi khá xa cả về trình độ phát triển và quy mô so với nền kinh tế của Hàn Quốc.

2. Khủng hoảng kinh tế làm gia tăng áp lực cải cách

Có thể nói, kết thúc kế hoạch 7 năm lần thứ ba cũng là giai đoạn mở đầu cho một thời kỳ tồi tệ nhất trong lịch sử phát triển của nền kinh tế CHDCND Triều Tiên . Thực ra, ngay từ đầu những năm 1980, kinh tế CHDCND Triều Tiên đã bắt đầu bộc lộ những triệu chứng kinh điển về những rối loạn trong một nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung. Sự khan hiếm, thiếu hụt hay kém hiệu quả được chứng kiến có ở khắp mọi nơi. Nguyên vật liệu phục vụ sản xuất thì không được cung cấp đầy đủ và trong tình trạng cạn kiệt. Điều này cũng tương tự như trong lĩnh vực cung cấp năng lượng. Đặc biệt là sự thiếu hụt ngoại tệ mạnh do kết quả nghèo nàn trong quan hệ kinh tế đối ngoại. Hạ tầng cơ sở kinh tế bị xuống cấp và các máy móc, thiết bị được nhập khẩu trong những thập kỷ trước đó đã trở nên bị lạc hậu. Không giống như các nước xã hội chủ nghĩa khác ở Đông Âu, chính phủ CHDCND Triều Tiên vẫn duy trì một mô hình kinh tế kế hoạch hoá tập trung cao độ và đã từ chối nới lỏng trong quản lý kinh tế từ cấp trung ương. Kết quả nền kinh tế đã rơi vào sự đình đốn ngày càng gia tăng. Đến giữa những năm 1990, CHDCND Triều Tiên chứng kiến từ hiện tượng đình đốn sang sự khủng hoảng thực sự trong nền kinh tế.

Có nhiều lý do khác nhau giải thích cho kết quả này. Tuy nhiên, theo chúng tôi tựu trung có hai lý do chính sau đây:

Trước hết, điều không thể không nhắc tới là những trợ giúp truyền thống đột ngột bị cắt bỏ. Những sự trợ giúp kinh tế mà nước này nhận được từ Liên Xô cũ và Trung Quốc vốn được thừa nhận là một nhân tố quan trọng giúp cho sự tăng trưởng kinh tế của CHDCND Triều Tiên trong suốt một thời gian dài từ sau 1945. Đến thời điểm này đã có sự thay đổi căn bản. Vào năm 1991, Liên Xô cũ đã tuyên bố rút lại toàn bộ sự trợ giúp trước đây và yêu cầu giải quyết trao đổi thanh toán giữa hai nước bằng ngoại tệ mạnh, đặc biệt là việc CHDCND Triều Tiên nhập khẩu hàng hoá của Liên Xô. Tương tự, Trung Quốc đã từng bước thu hẹp sự trợ giúp kinh tế. Nhiều nguồn thông tin cho hay Bắc Kinh mặc dù vẫn cung cấp lương thực, xăng dầu nhưng cũng yêu cầu thanh toán theo giá cả thị trường. Đến năm 1994, Trung Quốc đã giảm hẳn việc xuất khẩu của mình tới CHDCND Triều Tiên.

Thứ hai, chính hệ thống kinh tế và chính trị cứng nhắc của CHDCND Triều Tiên đã đưa đất nước này vào một tình trạng ốm yếu và tách biệt với một thế giới đang đổi thay. Hay nói một cách khác đó chính là sự khủng hoảng mô hình phát triển. Ngay từ đầu những năm 1980 khi mô hình phát triển có vấn đề đã khiến nền kinh tế nước này bị xói mòn nghiêm trọng. Sản lượng các ngành kinh tế chủ chốt cũng đã bắt đầu sút giảm. Theo các nguồn thông tin khác nhau người ta có thể thấy việc sản xuất sản phẩm phân bón, thuốc trừ sâu, điện cho thuỷ lợi đã bị thiếu hụt nghiêm trọng bởi các tác động dây truyền trong ngành công nghiệp. Điều đó cũng có nghĩa là sản lượng nông nghiệp đã bắt đầu giảm sút. Thậm trí, sự giảm sút này đã xẩy ra trước khi có một loạt các thảm hoạ thiên nhiên như hạn hán, lụt lội liên tiếp ập đến đất nước này vào giữa những năm 1990. Bức tranh kinh tế vĩ mô của CHDCND Triều Tiên mang sắc màu ảm đạm và có thể được tham chiếu qua các chỉ số thống kê dưới đây.


Thu nhập quốc dân và thu nhập theo đầu người của CHDCND Triều Tiên

Giai đoạn 1965-2002

 

Năm

1965

1970

1975

1980

1985

1986

1987

1988

1989

1990

1991

GNP

2,3

4,0

9,4

13,5

15,5

17,4

19.4

20,1

21,1

23,2

22,9

GNP/đầu người

162

230

415

758

765

860

938

980

987

1146

1115

Mức tăngGNP

-

-

-

-

2,7

2,1

3,3

3,0

2,4

-

-3,5

Năm

1992

1993

1994

1995

1996

1997

1998

1999

2000

2001

2002

GNP

21,1

20,2

21,2

22,3

21,4

17,7

12,6

15,8

16,8

15,7

17,0

GNP/đầu người

1013

969

992

1034

989

811

573

714

757

706

762

Mức tăngGNP

-6,0

-4,2

-

-

-3,6

-6,3

-1,1

6,2

1,3

-

1,2

 

Nguồn: Số liệu thống kê của Viện phát triển Hàn Quốc năm 1996 (KDI) và Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc năm 2003 (BOK)

Chú thích: Đơn vị tính GNP theo tỷ USD; Mức tăng GNP theo %; GNP theo đầu người tính bằng USD. Các số liệu trước đó tới năm 1990 được tính toán theo thống kê của Bộ thống nhất Hàn Quốc; và trong giai đoạn từ 1990 tới 2002 là của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc.

 

Bảng thống kê trên biểu thị những chỉ số về sự thay đổi của tổng thu nhập quốc dân (GNP), thu nhập bình quân theo đầu người và tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế CHDCND Triều Tiên. Điều lưu ý là nền kinh tế nước này bắt đầu rơi vào mức tăng trưởng âm từ năm 1990, và suốt trong suốt giai đoạn từ 1990 tới 1993, hầu như bình quân mỗi năm nền kinh tế bị thu nhỏ lại 4%. Vào giữa những năm 1990, CHDCND Triều Tiên lại phải gánh chịu một loạt thảm hoạ thiên nhiên như mưa đá xẩy ra năm 1994, lũ lụt nghiêm trọng xẩy ra trong hai năm liền 1995 và 1996; hạn hán năm 1997. Các thảm hoạ thiên nhiên tàn khốc đó đã huỷ hoại nghiêm trọng ngành nông nghiệp của đất nước này. Vì vậy, nền kinh tế của CHDCND Triều Tiên đã tiếp tục sút giảm với tốc độ vào khoảng 3% năm suốt giai đoạn 1994-1998. Hơn thế nữa, cũng theo dõi từ các số liệu trên, con số tuyệt đối và tương đối về tổng GNP của CHDCND Triều Tiên cũng đã giảm xấp xỉ 35% từ 23,2 tỷ USD năm 1990 xuống còn 12,6 tỷ USD năm 1998(1). Thu nhập bình quân theo đầu người cũng giảm 50% từ 1.146 USD xuống còn 573 USD trong cùng giai đoạn này. Như vậy, nền kinh tế CHDCND Triều Tiên thực sự rơi vào một thời kỳ khó khăn nhất trong lịch sử phát triển của mình kể từ khì đất nước này được độc lập vào năm 1945. Và chính lẽ đó buộc họ phải tìm đến sự cải cách như một phương thuốc mới có thể giúp nền kinh tế nước này vượt qua khó khăn.

3.  Cải cách kinh tế từ sau năm 2001

Có một thực tế là CHDCND Triều Tiên đã không loan báo một cách chính thức các cuộc cải cách kinh tế và đi kèm với những cải cách này thì cũng không có bất kỳ một nội dung cải cách hành chính nào khác. Chính vì thế, đã có nhiều ý kiến cho rằng có thể sẽ không thoả đáng khi so sánh những cải cách kinh tế ở CHDCND Triều Tiên với công cuộc cải cách và sự mở cửa nền kinh tế của Trung Quốc hay Việt Nam đang theo đuổi bởi tính không đồng bộ trong những nỗ lực hướng tới cải cách ở đây. Tuy nhiên, khi xem xét từ góc độ quản lý kinh tế vĩ mô, người ta cũng đã sớm nhận diện một số thay đổi trong tư duy chỉ đạo hay đường lối điều hành nền kinh tế của các nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên, dù rằng không thật sự rõ ràng và mạnh bạo. Dẫu sao đó cũng là một lối tư duy kinh tế mới trong bối cảnh nền kinh tế rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng. CHDCND Triều Tiên cho rằng hạt nhân cải cách nằm ngay trong tư tưởng của chủ thuyết “tư duy mới” của Kim Chính Nhật. Chủ thuyết “tư duy mới”(2) ra đời vào tháng 1 năm 2001 kêu gọi những thay đổi trong quản lý nhà nước đối với nền kinh tế bằng việc khuyến khích có những thay đổi trong tư duy và hành vi trên toàn xã hội. Trong khi loại bỏ đi các phương pháp cải cách thông dụng, Kim Chính Nhật thúc giục cần có những cuộc cải cách trong đó sự tiếp cận vấn đề phải theo các góc độ mới của riêng họ. Quan điểm mới chính là vận dụng các nội dung của chủ thuyết ‘‘Tư duy mới’’ do chính ông ta khởi xướng bao gồm: lý thuyết hạt giống, lý thuyết tự lực tự cường kiểu mới, và lý thuyết nền kinh tế cất cánh.

Theo người dân CHDCND Triều Tiên, những tư duy mới của Kim Chính Nhật đã cũng cấp một cơ sở lý luận và nền tảng chính trị cho “nội dung cải cách kinh tế tháng 7 năm 2002”. Những chỉ dẫn tư tưởng này quy định rằng nguyên tắc cơ bản của cải cách kinh tế là phải đạt tới tối đa hoá lợi nhuận trong khi vẫn duy trì các nguyên tắc xã hội chủ nghĩa cổ điển. Đồng thời, quan điểm chỉ đạo này cũng nói lên những biện pháp cải cách cần thực hiện là phi tập trung hoá kế hoạch, vận hành “thị trường trao đổi hàng hoá xã hội chủ nghĩa”, đánh giá công ty dựa theo lợi nhuận, phân phối dựa theo kết quả làm việc, liên kết khoa học và công nghệ với sản xuất, tái điều chỉnh giá cả và tiền lương, và tái cấu trúc lại hệ thống phúc lợi xã hội đang bị teo lại.

Sau khi chấp nhận lối “tư duy mới” về quản lý kinh tế lần đầu tiên vào tháng 1 năm 2001, giới lãnh đạo nước này tiếp tục đề xuất ý tưởng về “các nguyên tắc nâng cao năng lực quản lý kinh tế” (tháng 10 năm 2001) nhằm dọn đường cho những thay đổi lớn hơn trong điều hành quản lý kinh tế của mình. Kết quả là CHDCND Triều Tiên đã bắt đầu đề xuất thực thi các biện pháp nêu trên vào tháng 7 năm 2002, đồng thời ban hành và sửa đổi các nghị định có liên quan tới những nội dung cải cách kinh tế. Tháng 9 năm 2002, CHDCND Triều Tiên đã công bố “nguyên tắc chỉ đạo cho việc xây dựng một nền kinh tế trong một thời đại quốc phòng là ưu tiên số 1” và được xem như là một chính sách kinh tế mới. Tư tưởng của chính sách này vẫn dành sự ưu tiên hàng đầu cho ngành công nghiệp quốc phòng, và chú ý phát triển đồng thời công nghiệp nhẹ và nông nghiệp.

Tuy nhiên, cũng đã xuất hiện một động thái cải cách hành chính khiến nhiều nhà nghiên cứu chính trị  của CHDCND Triều Tiên phải quan tâm. Năm 2003, CHDCND Triều Tiên đã giảm số lượng quan chức thuộc đội ngũ gián tiếp sản xuất trong nội bộ Đảng Công nhân Triều Tiên cũng như là trong bộ máy chính phủ, trong khi lại đề cử những nhà kỹ thuật đang nổi lên nhằm thực hiện việc chuyển giao thế hệ. Năm 2004, Chính phủ quyết định củng cố cơ quan quản lý kinh tế thuộc nội các và trao quyền cho cơ quan này dẫn dắt các nỗ lực cải cách kinh tế. Đồng thời họ cũng đã chọn giải pháp giảm bớt sự can thiệp của Đảng công nhân cầm quyền và quân đội vào nền kinh tế.

Như vậy, cần phải thừa nhận rằng những thay đổi chính sách là điều không thể tránh khỏi nhằm giải quyết những khó khăn kinh tế của nước này trong suốt thập kỷ 1990 của thế kỷ XX để lại. Chính vì vậy, bắt đầu bằng những thay đổi mang tính tư tưởng chỉ đạo về đường lối, CHDCND Triều Tiên đã và đang thực thi một cách khó khăn các biện pháp để nâng cao hiệu quả trong các nội dung cải cách kinh tế của mình. Điều đáng lưu ý là nếu xuất phát từ góc độ nghiên cứu tổng quát những nội dung chủ yếu trong tiến trình cải cách kinh tế ngày 1 tháng 7 năm 2002, nhiều người cho rằng CHDCND Triều Tiên dường như mới đang làm quen và lần mò thử nghiệm việc sử dụng cơ chế thị trường trong nền kinh tế xã hội chủ nghĩa cứng nhắc của mình. Nó được thể hiện rất rõ trong các biện pháp cải cách đề ra. Biện pháp cải cách đầu tiên bao gồm quyết định tăng giá lên 25 lần đối với hầu hết các mặt hàng thiết yếu. Đi cùng với quyết định này là tăng tiền lương lên 18 lần đối với cán bộ, công chức và quân đội hưởng lương và phá giá đồng nội tệ 70 lần. Chính phủ cũng trao quyền nhằm gia tăng tính tự chủ trong quản lý ở một số doanh nghiệp. Tăng cường hệ thống chất lượng đối với quản lý nông nghiệp và từng bước loại bỏ hệ thống phân phối lương thực theo kiểu bao cấp truyền thống, v.v.. Đến tháng 3 năm 2003, CHDCND Triều Tiên đã có những biện pháp đi xa hơn trong những nội dung cải cách kinh tế bằng việc tái cấu trúc lại các thị trường nông phẩm không chính thức thành các thị trường chung, chuyển một số quyền quản lý các cửa hàng thương nghiệp do nhà nước điều hành sang các tổ chức và các doanh nghiệp khác nhau, và bắt đầu tiến hành những hình thức cải cách thương mại như giao phó ngành dịch vụ cho tư nhân đảm trách (ví dụ như quán ăn, cafe internet). Từ tháng 1 năm 2004, một hệ thống quản lý nông nghiệp dựa trên những đơn vị gia đình đã được đưa ra áp dụng trên cơ sở thử nghiệm trong khu vực nông nghiệp. Trong khi đó cải cách doanh nghiệp cũng đang tiếp tục được áp dụng ở khu vực công nghiệp.

Không dừng lại ở những biện pháp cải cách bên trong nền kinh tế, trong khoảng nửa cuối năm 2002, CHDCND Triều Tiên cũng đã cho thấy mong muốn thể hiện ý tưởng mở cửa nền kinh tế của mình rộng hơn với khu vực và thế giới bên ngoài bằng việc ký quyết định cho phép xây dựng Khu vực hành chính đặc biệt Shineuiju vào tháng 9 năm 2002. Việc mở của này được Chính phủ suy tính như một cứu cánh tìm động lực thu hút FDI để vực dậy nền kinh tế khép kín và ốm yếu. Sau đó một tháng, tháng 10 năm 2002, Khu du lịch núi Kim Cương (Geumgang) ra đời, và Khu công viên công nghiệp Gaesong cũng chính thức được khởi công vàp tháng 11 cùng năm. Tuy nhiên, đánh giá kết quả về những quyết định nêu trên cho đến này vẫn tiếp tục được người ta xem xét trên nhiều góc độ khác nhau. Thực ra nó chưa có những đánh giá hay kết luận thống nhất trong giới nghiên cứu về sự thành công hay thất bại bởi thực tế trong những diễn biến của tình hình kinh tế và chính trị ở CHDCND Triều Tiên luôn có những thay đổi bất ngờ.

Dẫu sao chăng nữa, có thể nói rằng sau thời kỳ khủng hoảng tạm lắng, bằng việc thực thi những liệu pháp cải cách kinh tế như trên, CHDCND Triều Tiên đã cải thiện được năng suất trong những ngành sử dụng nhiều lao động như là nông nghiệp và công nghiệp nhẹ, trong khi đó họ cũng được chứng kiến sự náo hoạt chưa từng có trong các giao dịch thương mại do bị kìm nén bấy lâu. Tuy nhiên, các ảnh hưởng nhiều chiều khác nhau đã xuất hiện bao gồm hiện tượng gia tăng lạm phát phi mã có hệ quả từ việc khan hiếm hàng hoá trầm trọng. Bên cạnh đó cũng là sự biến động tỷ giá quá lớn giữa đồng nội tệ với các ngoại tệ mạnh khác theo khuynh hướng bất lợi cho dự trữ ngân khố quốc gia. Trong lĩnh vực xã hội, những khía cạnh nào đó của chủ nghĩa tư bản đã bộc lộ bao gồm việc mở rộng không ngừng khoảng cách giữa giàu và nghèo. Đó là một thực tế không thể bàn cãi ở CHDCND Triều Tiên trong thời gian qua.

4. Lời giải nào cho bài toán an ninh lương thực?

Mặc dù cuộc khủng hoảng kinh tế của CHDCND Triều Tiên đã tạm lắng dịu được ít lâu cũng như các biện pháp cải cách kinh tế đã được chính phủ nước này triển khai thực thi một cách khẩn trương. Song trên thực tế, đánh giá về những tiến bộ đạt được còn rất nhiều điều gây tranh luận cho giới nghiên cứu do thiếu các thông tin đa chiều, đặc biệt là những thông tin khách quan. Các nguồn thông tin chính thức của chính phủ CHDCND Triều Tiên công bố thì rất hiếm và độ tin cậy không cao. Theo chúng tôI, hiện thời nền kinh tế CHDCND Triều Tiên tiếp tục phải đối mặt với không ít khó khăn như yêu cầu giải quyết vấn đề thiếu hụt năng lượng, khan hiếm nguồn vốn ngoại tệ cho cán cân ngoại thương luôn mất cân bằng hay vấn đề mở cửa với tiến trình cải cách,.v.v.. Đặc biệt, việc tìm lời giải cho vấn đề an ninh lương thực không phải là một công việc giản đơn cho các nhà lãnh đạo nước này.

Nhắc lại rằng, do địa hình của CHDCND Triều Tiên chủ yếu là đồi và núi. Những vùng đất có thể canh tác được thì rất hạn chế và chỉ chiếm khoảng 14% toàn bộ diện tích đất nước(3). Hơn nữa, điều kiện thời tiết tự nhiên không mấy thuận lợi nên vấn đề lương thực không phải là một vấn đề dễ giải quyết đối với CHDCN Triều Tiên trong bối cảnh hiện thời.


Sơ đồ 1:  Sản xuất lương thực của CHDCND Triều Tiên giai đoạn 1970- 2002.

 

Nguồn: Số liệu thống kê của KDI 1996; và Ngân hàng Hàn quốc 2003. (Đơn vị tính: nghìn tấn)

 

Nhìn vào sơ đồ này nhiều người cho rằng nguyên nhân giải thích cho việc CHDCND Triều Tiên theo đuổi chính sách tự túc lương thực một phần được thúc đẩy bởi mối quan ngại về an ninh lương thực và một phần không nhỏ bởi tư tưởng chủ thể (tự lực tự cường). Vì vậy, các biện pháp mà nước này sử dụng nhằm giải quyết mục tiêu an ninh lương thực trong những năm 1960 bao gồm: tiến hành thuỷ lợi hoá những vùng đất canh tác, điện khí hoá các khu vực nông thôn, cơ giới hoá hoạt động sản xuất nông nghiệp, và tăng cường sử dụng các loại phân hoá học trong trồng trọt. CHDCND Triều Tiên cũng đã cố gắng gia tăng diện tích canh tác bằng việc cải tạo diện tích đồi trọc và phát triển các ruộng bậc thang. Vào năm 1989, sản xuất lương thực đã đạt tới đỉnh điểm là 5,5 triệu tấn. Thời kỳ này CHDCND Triều Tiên đã từng xuất khẩu một số lượng gạo và nhập khẩu một số loại ngũ cốc khác. Do đó, họ cũng đã kiếm được một ít ngoại tệ trong quá trình trao đổi này. Tuy nhiên, tham vọng thực hiện chính sách tự cung tự cấp về lương thực cũng đã có những tác động tiêu cực. Số thời vụ canh tác được quay vòng không ngừng đã mang lại kết quả đất trồng trở nên bạc màu, việc sử dụng quá mức các loại phân bón hoá học đã dẫn tới đất bị axít hoá (chua phèn), và việc khai khẩn mở rộng diện tích canh tác trồng trọt qua mức đã đưa tới sự xói lở và cạn kiệt độ màu mỡ.(3)

Dấu hiệu đầu tiên về khả năng thiếu hụt lương thực mà thế giới bên ngoài được biết đến đã xuất hiện vào đầu năm 1987 khi mà khẩu phần lương thực hàng ngày mà người dân nhận được thông qua hệ thống phân phối công cộng đã bị cắt giảm 10%. Vào năm 1991, CHDCND Triều Tiên đã đồng ý nhập khẩu 1 triệu tấn gạo từ Thái Lan trong một hợp đồng thời hạn 2 đến 3 năm, và cũng lần đầu tiên CHDCND Triều Tiên trực tiếp mua 500.000 tấn gạo của Hàn Quốc (EIU, 1993)(4). Sự đi xuống của nền kinh tế từ những năm 1990 cùng với các thảm hoạ thiên nhiên xẩy ra liên tục đã làm tiêu tan giấc mộng đảm bảo an ninh lương thực của đất nước này. Các loại phân bón, thuốc trừ sâu và nhiên liệu đã không được cung cấp đầy đủ. Các thiết bị, máy móc trong nông nghiệp đã rơi vào tình trạng cũ nát. Năng lực của ngành nông nghiệp CHDCND Triều Tiên đã bị xói mòn, thậm trí hiện tượng này đã xẩy ra trước khi có những trận lũ lụt khủng khiếp năm 1995 huỷ hoại phần lớn diện tích canh tác nông nghiệp và để lại một số lượng lớn dân cư nông nghiệp không còn nhà cửa(5). Vì vậy, sản xuất nông nghiệp hàng năm đã giảm 35%, tụt xuống từ 5,5 triệu tấn năm 1989 còn 3,5 triệu tấn năm 1995. Đã có thêm những trận lũ lụt và hạn hán xẩy ra tiếp theo thảm hoạ năm 1995, và CHDCND Triều Tiên tiếp tục đối mặt với sự thiếu hụt lương thực trầm trọng và dai dẳng. Vào năm 1997 lương thực phân phối theo hệ thống phân phối công cộng (PDS) đã bị huỷ bỏ trong nhiều năm nguyên do không còn đủ lương thực cung cấp. Số người chết do khủng hoảng lương thực vào giữa những năm 1995 được ước tính vào khoảng từ  0,5 tới 1 triệu người.

Vào giữa năm 1995, CHDCND Triều Tiên đã chính thức đưa ra yêu cầu trợ giúp nhân đạo từ cộng đồng quốc tế. Chương trình lương thực thế giới (WFP) và Quỹ nhi đồng của Liên Hợp Quốc (UNICEF) và nhiều tổ chức phi chính phủ và Liên hợp quốc khác đã hưởng ứng với lương thực và trợ giúp nhân đạo khác.

Bảng thống kê trên cho thấy một sự trợ giúp khổng lồ của Hàn Quốc và Cộng đồng quốc tế dành cho CHDCND Triều Tiên từ năm 1995. Tổng giá trị trợ giúp cho cả giai đoạn 1995-2002 lên tới hơn 2,6(4)tỷ USD, trong đó khoảng 71% (hơn 1,8 tỷ USD) là của Cộng đồng quốc tế và phần còn lại của Hàn Quốc. Riêng trong năm 2002 CHDCND Triều Tiên đã nhận được gần 140 triệu USD trợ giúp từ Hoa kỳ, Hàn Quốc và EU, và phần còn lại là của các nước khác và các tổ chức thuộc Liên Hợp quốc(6).

Phân tích bức tranh sản xuất lương thực trong ngành nông nghiệp nước này làm nảy sinh một câu hỏi quan trọng rằng liệu CHDCND Triều Tiên lại có thể đạt được hiện trạng an ninh lương thực như nước này theo đuổi hay không? Thực tế cho thấy ngành nông nghiệp CHDCND Triều Tiên luôn phải đối mặt với các thảm hoạ thiên nhiên khốc liệt thường xuyên xẩy ra như bão, lũ lụt, hạn hán. Bên cạnh đó nó cũng phải vượt qua những khó khăn do hệ thống thuỷ lợi nhỏ lẻ, đất canh tác bị bạc màu, thiết bị canh tác bị xuống cấp không được sửa chữa, và thiết hụt nhiên liệu, điện và phân bón. Bất chấp một thực tế là năm 2002, nước này đã có được một vụ mùa thu hoạch khá tốt với sản lượng lương thực quy đổi là 4,1 triệu tấn. Song người ta đã chứng minh rằng CHDCND Triều Tiên vẫn cần ít nhất 1 triệu tấn để có thể tạm lấp đi khoảng cách thiếu hụt đó riêng trong năm 2002-2003. Triển vọng thì ít sáng sủa khi các nước tài trợ cảm thấy mệt mỏi do những tranh cãi xoay quanh vấn đề hạt nhân vẫn còn. Một số nơi khác trên thế giới cũng lâm vào khủng hoảng lương thực và những căng thẳng chính trị với các nước tài trợ chủ yếu sẽ làm giảm luồng viện trợ lương thực đang rất cần từ bên ngoài. Hơn nữa, nếu nguời ta tiếp tục được chứng kiến những hậu quả của thảm họa lũ lụt năm 2007 vừa mới xẩy ra gần đây ở CHDCND Triều Tiên thì càng chứng tỏ thêm những khó khăn chồng chất cho bài toán lương thực của đất nước này.


Tổng gíá trị trợ giúp nhân đạo của Hàn Quốc và Cộng đồng quốc tế

dành cho CHDCND Triều Tiên trong giai đoạn 1995-2002

Năm

1995

1996

1997

1998

1999

2000

2001

2002

Tổng cộng

Chớnh phủ Hàn Quốc

232,0

3,1

26,7

11,0

28,3

78,6

70,5

83,8

533,8

Khu vực tư nhõn

0,3

1,6

20,6

20,9

18,6

35,1

64,9

51,2

213,1

Cộng

232,3

4,6

47,2

31,9

46,9

113,8

135,4

134,9

746,9

Cộng đồng quốc tế

55,7

97,7

263,5

302,0

359,9

181,8

357,3

257,3

1.875,0

Tổng cộng

287,9

102,3

310,7

333,8

406,8

295,5

492,6

392,2

2.621,8

Nguồn: Bộ thống nhất (2002); Mậu dịch và Hợp tác Bắc- Nam trong năm 2002, Seoul; (Đơn vị: triệu USD)

 

Túm lại, vì khủng hoảng lương thực vẫn tiếp tục, Chương trình phát triển của Liên hợp quốc trong sự phối hợp với các cơ quan khác của tổ chức này đã cố gắng định hướng luồng trợ giúp nhân đạo vào sự trợ giúp cho phát triển và khôi phục ngành nông nghiệp. Mặc dù sự hỗ trợ này tiếp nối với chương trình phục hồi nông nghiệp đã được khởi xướng vào năm 1996 nhằm đề cao năng lực sản xuất lương lực ở mỗi địa phương. Bằng việc xây dựng lại hệ thống kè, đập và kênh mương dẫn nước, và bằng giải pháp nâng cao năng suất nông nghiệp thông qua việc tăng gấp đôi thời vụ canh tác cũng như tăng cường khâu đầu vào của sản xuất nông nghiệp như cung cấp thiết bị, phân bón và giống cây trồng tốt. Chương trình này trong kỳ vọng trung hạn nhằm khôi phục lại hoạt động sản xuất lương thực đạt mức 6 triệu tấn quy đổi như trước khi khủng hoảng xẩy ra(7). Rõ ràng rằng bất kỳ hành động nào làm gia tăng sản lượng lương thực sẽ có thể đưa tới khả năng thu hẹp lỗ hổng thiếu hụt lương thực của đất nước này. Mặc dù vậy, ở một góc độ nào đó chớnh sỏch tự cung tự cấp lương thực chỉ bằng sản xuất trong nước không thôi, về dài hạn, ắt sẽ phải trả một giá khá cao. Khi năng suất cận biên của nông nghiệp sút giảm, giá thành sản xuất lúa gạo tiếp tục tăng lên. Thậm trí nếu lỗ hổng này có thể hoàn toàn được lấp đầy bằng nỗ lực sản xuất trong nước. Với lý do đó, chỳng tụi cho rằng giải pháp cuối cùng cho vấn đề lương thực phải được tìm thấy ở bên ngoài lĩnh vực nông nghiệp. Do CHDCND Triều Tiên giàu có về trữ lượng khoáng sản. Chiến lược tối ưu cho an ninh lương thực là phải mở cửa nền kinh tế của mình, đầu tư vào khu vực khai khoáng, mở rộng xuất khẩu sản phẩm khoáng sản của mình, và mua lương thực từ nhu cầu của đất nước trên các thị trường quốc tế. Tuy nhiên, cho đến tận thời điểm đó diễn ra, trừ phi tiếp tục có sự trợ giúp lương thực khá lớn của cộng đồng quốc tế, nếu không, người ta còn nhìn thấy những rủi ro đang ở phía trước đối với nền nông nghiệp CHDCND Triều Tiên. Sự thiếu hụt lương thực sẽ làm tồi tệ thêm tình hình kinh tế, dẫn tới nạn đói tái diễn ở một số vùng trên đất nước này vào bất cứ lúc nào.

 

PHẠM QUÝ LONG

(TS, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Noland, Marcus. 2003, Famine and reform in North Korea, Working paper 03-5, Institute for International Economies, Washington, D.C

2. United Nations Office for the Coordiantion of Humanitarian Affairs (OCHA), 2002. Consolidated Inter-Agency Appeal 2003: Democratic People’s Republic of Korea, Geneva; also available from  http://www.reliefweb.int/appeals/2003/files/dprk03.pdf

3. United Nations Conference on Trade and Development(UNCTAD), 2002. World Investment Report 2002; Geneva; also available from  http://www.unctad.org/en/ docs//wir2002_en.pdf

4. United Nations Conference on Trade and Development(UNCTAD), 2003. Division of Investment, Technology and Enterprise Development (DITE), Online world Investment Directory, http://r0.unctad.org/ en/subsites/dite

5. United Nations Development Program (UNDP), 2001. Second Country Coopeation Framework for the DPRK, 2001-2003, DP/CCF/DRK/2.

6. The U.S. Central Intelligence Agency (CIA), 2003. The World Factbook, Washington, D.C.; also available from http://www.odci.gov/cia/publications/factbook/docs/faqs.html

7. Chosunibol, 2003. Daily newspaper, Seoul, August 23, 2003.

 

 

 

 



(1) UNDP (2001) mô tả một bức tranh thậm trí còn ảm đạm hơn nhiều cho nền kinh tế CHDCND Triều Tiên trong những năm 1990. UNDP đã ước tính rằng GDP đã giảm sút 50% từ giai đoạn 1992 tới 1998, chỉ còn hơn 10 tỷ USD. Việc ước đoán GDP của CHDCND Triều Tiên có rất nhiều khó khăn. Ví dụ, các bước trong kế toán của CHDCND Triều Tiên sử dụng tổng sản phẩm xã hội và nó được định nghĩa như là toàn bộ giá trị bằng tiền của hàng hoá được sản xuất nhưng các dịch vụ thì không được tính tới. Hơn nữa, không có các thống kê chính thức về các sản phẩm xã hội cũng như dịch vụ. Một vấn đề phát sinh nữa từ tỷ giá trao đổi với đồng USD. Do đó, các biên độ sai số trongnhững ước tính này có thể là khá lớn.

(2) Chủ thuyết Tư duy mới do Kim Chính Nhật đề xuớng bao gồm 3 lý thuyết mới: (1) Lý thuyết hạt giống: khuyến khích việc phát triển các giống cây trồng, vật nuôI và sản phảm ngành,.. mà chúng có thể mang lại thành quả trong một thời gian ngắn ở mỗi cánh đồng và ngành công nghiệp (IT); (2) Lý thuyết tự lực tự cuờng mới: TáI nhắc lại các quan hệ hợp tác với các nước khác như là một sự tự lực tập thể mới và áp dụng khoa học và công nghệ như là một sự tự lực sáng tạo; (3) Lý thuyết cất cánh kinh tế: Tầm quan trọng đạt vào khoa học và công nghệ, phát triển kinh tế đạt được trong một giai đoạn ngắn thông qua việc tập trung phát triển khu vực công nghệ thông tin (IT)

(3)Tổng diện tích đất có thể trồng trọt được vào khoảng 17.020 km2 hoặc tương đương 1,7 triệu ha.

Nguồn: CIA, 2003.

 

(4) Economist Intelligence Unit (EIU). 1993. Country profile 1993/94: North Korea, South Korea, London.

(5) CHDCND Triều Tiên đã loan báo rằng 5 triệu người bị mất nhà cửa và 330.000 hec ta (hoặc vào khoảng 19%) đất nông nghiệp bị tàn phá (Nguồn: Noland,2003))

(6) Nhật Bản là một trong những nhà tài trợ lớn cho  Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên. Đến khi có sự căng thẳng trong quan hệ 2 nước năm 2002, Nhật Bản quyết định đình chỉ sự trợ giúp vì các lý do ngoại giao.

 

 

(7) Theo báo cáo của UNDP năm 2001

0thảo luận