Xét dưới góc độ địa lý, lịch sử và văn hoá, quả thật Nhật – Hàn là hai quốc gia rất gần nhau. Về mặt địa lý, hai quốc gia có cùng chung đường biên giới; về mặt văn hoá, cả hai nước đều chịu rất nhiều ảnh hưởng của nền văn hoá Trung Hoa. Chính vì vậy, nghiên cứu Nhật Bản để từ đó hiểu một cách rõ nét nhất về người bạn láng giềng của mình là một mục tiêu hàng đầu trong nghiên cứu quốc tế tại Hàn Quốc. Trải qua quá trình lịch sử nghiên cứu tương đối dài, Hàn Quốc đã cho ra đời hàng loạt các tuyển tập nghiên cứu chuyên sâu, đồng thời mang tính đại chúng về Nhật Bản. Mặc dù vậy, các nhà Nhật Bản học Hàn Quốc lại cho rằng, vẫn tiếp tục phải hoàn thiện quy chuẩn trong nghiên cứu Nhật Bản và cần thiết phải đưa ra một hướng nghiên cứu mới đối với Nghiên cứu Nhật Bản tại nước này. Khuynh hướng trên đây đã dẫn đến một loạt chuyển biến trong nghiên cứu Nhật Bản tại Hàn Quốc và cụ thể trong từng lĩnh vực như sau:
I. Chuyển biến trong nghiên cứu Nhật Bản nhìn từ bên ngoài
1. Những biến đổi trong môi trường giáo dục Tiếng Nhật tại Hàn Quốc
Cho đến tận nửa đầu những năm cuối của thế kỷ 20, tiếng Nhật vẫn không được coi là một ngoại ngữ và nghiên cứu Nhật Bản cũng không được coi là một bộ phận trong nghiên cứu quốc tế tại Hàn Quốc. Lúc này, tại Hàn Quốc, khoa Tiếng Nhật mới chỉ được thành lập tại trường đại học Ngoại ngữ Hàn Quốc vào năm 1961, sau đó ít năm tại trường Đại học quốc tế cũng thành lập khoa Văn học và ngôn ngữ Nhật Bản và trong 10 năm tiếp theo những giờ học liên quan đến tiếng Nhật vẫn chỉ được tổ chức ở hai trường này. Năm 1965, khi quan hệ Hàn – Nhật đã được chính thức hoá, lúc này tiếng Nhật cũng chính thức được coi là một môn ngoại ngữ và dần dần có được vị trí nhất định trong các môn ngoại ngữ đang được tổ chức dạy và học ở Hàn Quốc. Trong khoảng thời gian từ 1975 đến năm 1985, tổng cộng tất cả 59 trường học có các khoa tổ chức dạy những môn liên quan đến tiếng Nhật. Theo một điều tra vào tháng 3 năm 1999, tổng số khoa liên quan đến Nhật Bản học ở Hàn Quốc là 128 khoa thuộc 94 trường trong tổng số 187 trường đại học, 112 khoa thuộc 67 trường thuộc158 trường trung cấp. Cũng bắt đầu từ năm 1973, chương trình đào tạo tiến sỹ liên quan đến Nhật Bản học đã được mở tại Khoa sau đại học thuộc trường Đại học ngoại ngữ Hàn Quốc với con số người theo học tăng lên hàng năm. Cho đến nay, đào tạo bậc thạc sỹ có ở 43 trường đại học nhưng ngược lại mới chỉ có 7 cơ sở đào tạo bậc tiến sỹ ngành Nhật Bản học. Ngoài ra, người học cũng có thể lựa chọn nghành Nhật Bản học nằm trong các khoa Đông Dương học, Quốc tế học tại một số trường đại học và học theo chế độ chính quy do Bộ Giáo dục Hàn Quốc quy định. Ngoài ra, do xu hướng quan tâm sâu sắc liên quan đến lĩnh vực quan hệ quốc tế, khu vực học nên cũng đã đa dạng hoá chuyên môn Nhật Bản học tại một số nơi khác như: Viện đại học quốc tế, Viện đại học khu vực học. Nhưng ngược lại, tại Nhật Bản chỉ có 10/600 trường đại học có khoa liên quan đến ngành Hàn quốc học. Trước thực trạng đó, có nhiều ý kiến cho rằng, Hàn Quốc cần phải đặt câu hỏi là trong con mắt người Nhật Bản vai trò của Hàn Quốc đến đâu và như thế nào? Phải chăng người Hàn quốc quá coi trọng đối tác Nhật Bản còn Nhật Bản thì ngược lại. Đây cũng là một điều mà những nhà nghiên cứu Nhật Bản học tại Hàn Quốc cần xem xét lại.
2. Môi trường nghiên cứu thuộc các cơ sở nghiên cứu Nhật Bản chủ yếu tại Hàn quốc
Những cơ sở nghiên cứu về Nhật Bản tại Hàn Quốc chủ yếu là các cơ sở được thành lập tại các trường đại học nổi tiếng ở Hàn Quốc như: Đại học Đong Kok Seun, Đại học Trung Giang, Đại học Han Lim, Đại học ngoại ngữ Hàn quốc, Đại học Ki Mien On… Các cơ sở nghiên cứu Nhật Bản thuộc các trường Đại học này đều có một quá trình hình thành và phát triển gần như song song với việc “trọng thị Nhật Bản” của Hàn quốc. Lấy ví dụ, cơ sở nghiên cứu Nhật Bản thuộc trường Đại học Đong Kok được thành lập từ năm 1979, đã phát hành được 19 số tạp chí chuyên sâu về Nhật Bản học và đây là những cuốn sách thực sự có giá trị. Nhưng điều đặc biệt trong nghiên cứu Nhật Bản ở đây chính là nghiên cứu chủ yếu dưới góc độ nghiên cứu so sánh.
Tiếp theo, vào năm 1980 tại trường đại học Ki Mien On, cơ sở nghiên cứu về Nhật Bản học cũng lại được thành lập, cơ sở này hàng năm đều phát hành tạp chí “Nhật Bản học” và tính đến nay nó đã trải qua gần 30 năm bề dày nghiên cứu Nhật Bản học. Trong tạp chí của cơ sở nghiên cứu này, chủ đề bài nghiên cứu được đăng nhiều nhất vẫn là nghiên cứu về mọi mặt, mọi phương diện của văn hoá Nhật Bản. Như vậy, có thể nói nghiên cứu văn hoá Nhật Bản chính là chủ đề nổi trội trong nghiên cứu Nhật Bản tại Hàn Quốc. Lĩnh vực nghiên cứu văn học tính đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có một tạp chí nghiên cứu chuyên sâu về văn học Nhật Bản và phải đến tận năm 1980 khi tạp chí của cơ sở nghiên cứu Nhật Bản thuộc trường đại học Chu o được ấn hành mới có một tạp chí chuyên sâu về lĩnh vực này. Tạp chí này có số lượng lớn các bài nghiên cứu văn học Nhật Bản là các bài nghiên cứu về văn học cổ đại.
Do khuynh hướng bùng phát các cơ sở nghiên cứu về Nhật Bản nên năm 1984, cơ quan nghiên cứu văn hoá Nhật Bản thuộc trường đại học ngoại ngữ Hàn Quốc cũng được thành lập và cho ra đời tạp chí của mình. Cùng với nó, tại các trường đại học khác, các Viện nghiên cứu có khoa liên quan đến Nhật Bản học đều cho ra đời cơ sở nghiên cứu Nhật Bản của riêng mình và tuỳ theo từng lĩnh vực chuyên môn cũng phát hành tạp chí. Trả lời cho câu hỏi có tất cả bao nhiêu cơ sở nghiên cứu Nhật Bản tại Hàn Quốc, cơ sở nghiên cứu Nhật Bản học thuộc trường Đại học Han Lim vào năm 1994 đã làm một cuộc điều tra, xuất bản sách công bố kết quả điều tra nghiên cứu của họ. Trong cuốn sách đó, đã đưa ra danh sách các cơ sở nghiên cứu Nhật Bản tại Hàn quốc và đó chính là cẩm nang cho những ai muốn đi sâu vào tìm hiểu nghiên cứu lĩnh vực này.
Nhưng, dù nghiên cứu Nhật Bản ở phương diện nào, dưới góc độ nào thì hiện nay các cơ sở nghiên cứu Nhật Bản tại Hàn Quốc đều đang tập trung vào chủ đề: “Trọng tâm của nghiên cứu Nhật Bản là nghiên cứu mối quan hệ Hàn – Nhật, từ đó có thể ổn định hoà bình khu vực Đông Bắc Á thế kỷ 21”. Cũng liên quan đến chủ đề trên, cơ quan nghiên cứu Nhật Bản thuộc trường Đại học Han Lim vừa tổ chức thực thi nghiên cứu văn học Nhật vừa phát hành một serie hơn 50 cuốn sách về Nhật Bản học chủ yếu liên quan đến tư tưởng Nhật Bản “Nghiên cứu những vấn đề liên quan đến việc hình thành tính dân tộc cá nhân của người trí thức hiện đại chủ yếu qua những người đã từng đi du học tại Nhật Bản”. Cơ sở này đã làm một chương trình nghiên cứu nhằm làm sáng tỏ nhận định trên với sự tham gia của hơn 100 đối tượng được nghiên cứu và thời gian dự định nghiên cứu khoảng 10 năm.
Ngoài ra, tại đây còn có một chương trình nghiên cứu mang tên: “Nghiên cứu về tính tổng thể và mối liên quan lẫn nhau giữa đô thị hiện đại Nhật Bản”. Chương trình này đã được tổ chức thực hiện ở hàng loạt các thành phố của Nhật Bản như Kanazawa, Yamagata, Ôita, Okinawa. Ở đó, các nhà nghiên cứu Hàn Quốc vừa lưu lại tại các địa phương vừa tiến hành nghiên cứu trong một thời gian dài. Công việc cụ thể họ là tập hợp tài liệu, đánh giá, sau đó đưa ra một mô hình mới về “Tổng thể Đông Nam Á thế kỷ 21”.
Như vậy, để phục vụ cho mục đích nghiên cứu “Trọng tâm của nghiên cứu Nhật Bản là nghiên cứu quan hệ Hàn – Nhật, ổn định hoà bình trong khu vực Đông Bắc Á thế kỷ 21”. Hàn quốc đã có rất nhiều công trình nghiên cứu, thực hiện nhiều dự án nghiên cứu xung quanh chủ đề trên với trọng tâm chính là nghiên cứu quan hệ Hàn – Nhật, hai thái cực chính nhất của khu vực Đông Bắc Á.
II. Nghiên cứu Nhật Bản trong các lĩnh vực khác
1. Chuyển biến trong nghiên cứu ngôn ngữ Nhật Bản
Tính đến nay, những cuốn sách liên quan đến phạm vi Nhật Bản học về ngôn ngữ được xuất bản kể từ sau năm 1945 tại Hàn Quốc đã lên đến con số 171. Tại sao lại có sự tăng đột biến như vậy? Có lẽ phải kể đến nguyên nhân là do lưu học sinh Hàn Quốc trở về nước sau một thời gian du học tại Nhật Bản muốn cống hiến tri thức cho đất nước. Trong nghiên cứu ngôn ngữ, số lượng các bài viết nghiên cứu liên quan đến chữ viết, ngữ pháp và hệ thống luận của ngôn ngữ Nhật Bản và Hàn Quốc chiếm một con số chủ yếu với 38/171 cuốn. Trong đó, có rất nhiều trước tác đã bàn về quan hệ Hàn - Nhật thời cổ đại như cuốn: “Khởi nguồn ngôn ngữ Nhật Bản và ngôn ngữ Hàn Quốc”, (I Nan Tok, Nhà xuất bản Sinh viên, 1988, Tokyo). Nối tiếp theo mạch đó, nhiều cuốn viết về ngữ pháp và hầu hết được viết với tư cách là các cuốn sách dành cho người học Tiếng Nhật, có những cuốn như: “Đối chiếu ngôn ngữ luận Hàn Nhật” (Hon Sa Man, Seun, 1993) hoặc cuốn “So sánh ngữ pháp Hàn Nhật”, (Pus zong Nhà xuất bản sinh viên, 1984), đó là các cuốn sách giới thiệu ngữ pháp đi kèm lý luận thực tiễn nên rất có ích cho người sử dụng chúng. Mặc dù đến năm 1994, số sách về chủ đề này không quá 84 cuốn nhưng đến ngày nay nó đã tăng lên gấp đôi, gấp ba lần. Và người nghiên cứu Tiếng Nhật trở về từ du học cũng tăng lên hàng năm chứng tỏ thị trường liên quan đến Tiếng Nhật ngày càng được mở rộng, Tiếng Nhật ngày càng khẳng định được vị trí ngoại ngữ của nó là rất cần thiết đối với người Hàn Quốc.
Hiện nay, ngày càng có nhiều thêm những luận án nghiên cứu về Ngôn ngữ Nhật Bản được công bố và số luận án này cũng có khuynh hướng tăng lên một cách đột biến. Trong số luận án được công bố thì số luận án viết về lịch sử Tiếng Nhật và Ngữ pháp tiếng Nhật chiếm nhiều nhất, nó chiếm 45%/ tổng số luận án được công bố. Sau đó, 34% số luận án là những luận án so sánh hai hình thái tiếng Hankul([1]) và tiếng Nhật. Số còn lại là các luận án nghiên cứu về các lĩnh vực khác của ngôn ngữ Nhật Bản như: văn phong, hội thoại, câu, cách dùng từ, từ vựng, ghi ký, chữ viết, âm tiết, tiếng nói…vv.
Một khuynh hướng thứ hai trong nghiên cứu ngôn ngữ Tiếng Nhật chính là: Đối chiếu về từ vựng, ngữ pháp trong chữ Kanji([2]) của Tiếng Nhật với Tiếng Hàn để làm rõ việc có cùng nguồn gốc, cùng hệ thống ngôn ngữ hiện đại của hai thứ tiếng trên. Nhưng những nghiên cứu này chủ yếu mới dừng lại ở mức đơn giản, thông qua việc tập trung dùng ví dụ rồi từ đó chỉ ra vấn đề cần nghiên cứu của Tiếng Nhật - Tiếng Hàn.
Như vậy, nghiên cứu tiếng Nhật của Hàn Quốc còn ở mức độ chưa sâu cho nên nó đòi hỏi cần phải cải thiện, nâng cao chất lượng giáo dục bởi vì chất lượng giáo dục chính là nền tảng tri thức cơ bản của các nhà nghiên cứu giúp họ tiếp cận tốt hơn với lĩnh vực mình nghiên cứu.
2. Chuyển biến trong nghiên cứu văn học Nhật Bản
Song song với việc nghiên cứu ngôn ngữ, nghiên cứu Văn học Nhật Bản tại Hàn quốc cũng đã được tổ chức nghiên cứu một cách bài bản từ sau năm 1980. Nhưng cũng như trước đây việc tiếp tục quan tâm đến nghiên cứu văn học Nhật Bản đã được thể hiện bằng con số 116 bài viết được công bố trên các tạp chí nghiên cứu, văn nghệ…Trong đó, những bài viết chung về văn học là 13 bài chiếm 11,2%, văn học cổ đại 39 bài viết chiếm 33,6%, văn học cận đại 43 bài viết chiếm 37,5%, so sánh văn học 21 bài viết chiếm 18,1%. Nếu ta làm một cuộc điều tra sẽ thấy khuynh hướng nghiên cứu chủ yếu là so sánh văn học hai nước ở đó lại đi sâu vào văn học cổ đại, cùng với văn học cổ đại, văn học cận hiện đại cũng chiếm một tỷ lệ tương đối lớn. Nhưng trong văn học cổ đại, các nghiên cứu chỉ chủ yếu tập trung về truyền thuyết và thần thoại còn các mảng khác vẫn chưa được khai thác nhiều. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu Hàn Quốc về văn học Nhật cũng dành một sự chú ý tương đối đến văn học thời kỳ trung đại Nhật Bản. Điều đó cho thấy rằng các nhà nghiên cứu văn học Nhật Bản của Hàn Quốc đã có một mối tương quan khi chỉ ra được sự liên quan từ rất sớm trong “so sánh văn học Hàn - Nhật”. Do vậy, có lẽ nghiên cứu so sánh văn học là một đặc trưng của nghiên cứu văn học Nhật Bản tại Hàn quốc.
Dưới một góc độ khác, khi điều tra khuynh hướng nghiên cứu của văn học cận hiện đại thấy nổi lên những nghiên cứu đáng chú ý liên quan đến các tác giả nổi tiếng như Natsume Soseki và Akutagawa Ryunosuke, nhưng dù sao đi nữa so sánh văn học cũng chiếm tỉ trọng cao nhất. Về điểm này, các học giả văn học Hàn Quốc là Kim Te Chun, Kim Un Chon, Kim Zon Wea bằng phương pháp và tầm nhìn chiến lược trong nghiên cứu so sánh văn học từ rất sớm đã có thể nhìn thấy kết quả của việc tiếp cận với văn học Nhật Bản. Như vậy, cho đến trước năm 1980, theo như tài liệu hiện có của các học giả chuyên về văn học Nhật Bản hoạt động chủ yếu của các học giả mới chỉ là “so sánh học giả văn học Nhật Bản với học giả văn học Hàn Quốc”.
Từ sau năm 1980, chất lượng cũng như số lượng nghiên cứu văn học Nhật Bản đã sớm đi vào quỹ đạo. Đến năm 1970, “Về sự đồng dạng và không đồng dạng trong giới văn học Nhật Bản” đã được tìm thấy trong một nghiên cứu mang tính cơ bản, ở đó nó đã làm rõ được đặc trưng nói trên thông qua nghiên cứu tác phẩm Vạn diệp tập, (“Vạn diệp tập của Nhật Bản”, Kim Un, Thi am xa, Seun, 1983). Việc phát hành các sách nghiên cứu như: “Phân tích ý nghĩa của những cái chết trong văn học của Kawabata”, (Tokyo, Trung tâm xuất bản giáo dục, 1984), “Dạng thức nội tại của cái chết qua tác phẩm văn học của Kawabata Yasunari” trong luận văn học vị tiến sỹ của Kim Che Cho năm 1984 cho thấy sự mở rộng của giới nghiên cứu, như vậy sách được xuất bản liên quan đến “văn học Nhật Bản hiện đại” vào năm 1998 con số đã là 113 cuốn. Trong đó, sách liên quan chung đến văn học là 42 cuốn chiếm 37%. Văn học cận đại có 38 cuốn, chiếm 34%; văn học cổ đại (Jyodaibungaku)([3]) có 17 cuốn, chiếm 15%. Những cuốn liên quan đến văn học cổ (jyodaibungaku) như “Kojiki - Cổ sự ký” (1986 – 1997) của Lee Son Han hay “Nhật Bản ký sự” đều được dịch, xuất bản lần đầu năm 1992 tái bản năm 1993 đã gây lên một cơn sốt sách văn học Nhật Bản. Gần đây nhất “Genji monogatari” cũng được dịch, xuất bản và cuốn này đã làm dày thêm kho tàng sách nghiên cứu văn học cổ đại Nhật Bản tại Hàn Quốc.
Không chỉ ở những cuốn sách nghiên cứu về văn học Nhật Bản mà chúng ta cũng phải chú ý đến “hoạt động dịch các tác phẩm văn học Nhật Bản sang tiếng Hàn”. Hầu hết các tác phẩm dịch xuất bản ở Hàn Quốc đều thuộc dòng văn học cận đại và đây cũng có thể xem là sự trưởng thành của giới nghiên cứu văn học Nhật Bản. Từ sau năm 1945 đến năm 1997, những cuốn sách văn học Nhật Bản đã được dịch ở Hàn Quốc bao gồm cả thơ và tiểu thuyết lên đến 2702 cuốn. Trong suốt hơn một thập niên từ 1945 đến 1959 chỉ có không quá 3 tác phẩm được dịch, vậy mà từ năm 1990 đến 1997, số sách dịch đã tăng lên một cách đáng kinh ngạc: 655 cuốn.
Có thể nói đến sự thành công của các nhà nghiên cứu Hàn Quốc về văn học cận đại Nhật Bản qua một loạt các cuốn sách của họ được xuất bản ở Nhật như: “Người Cha qua văn học Fujimura”, (Yu Yong He, Nhà xuất bản thời sự tiếng Nhật), hay cuốn “Susuguishi những vấn đề cuối thế kỷ”, (Yu Yong He, Tokyo, Iwanamishoten, 1984). Các cuốn sách này được giới học giả đánh giá là ở đó các tác giả phản ảnh, kích thích tạo nên sự tươi mới trong nghiên cứu Susuguishi - nghiên cứu Văn học Nhật Bản tại Hàn Quốc. Ngay từ thập niên 1980, trong văn học cận đại cũng có trường hợp tác giả đã nghiên cứu văn học Nhật - Hàn bằng quan điểm “so sánh tính văn học trong văn học Nhật - Hàn” và các tác phẩm dùng phương pháp nghiên cứu so sánh như trên bao gồm các cuốn: “Nghiên cứu đối chiếu giữa Vạn diệp tập và Hoà ca” (Song Zhan Re, Nhà xuất bản Văn hoá, 1991); “Vạn diệp tập của Nhật Bản” của tác giả ( Kim Te, Thi âm xã, 1983). Tại đó, các tác giả đã so sánh “tính văn học” thông qua việc đối chiếu hai tác phẩm có giá trị văn học tương đương của hai nước rồi từ đó rút ra các kết luận. Về văn học sử Nhận Bản cũng có các cuốn đáng chú ý như: “Nhật Bản văn học sử” (Shin Hyon Ha, Nhà xuất bản văn học, 1985), “Tựa về văn học sử Nhật Bản” của tác giả Katoshuichi (Kim Te Chon, Eiimesha, nhà xuất bản sự thật Tiếng Nhật, 1995) Kim Te Chon hoàn dịch . Các tác phẩm nói trên được đánh giá là sự thể nghiệm thành công về “tính chuẩn” trong việc dịch văn học Nhật Bản. Đặc biệt vào năm 1993, cuốn “Tư tưởng của các tác giả văn học Nhật Bản” đã được phát hành (Ko Che Chok, Kipunsemu) và nó có vai trò là người hướng dẫn, giới thiệu tư tưởng văn học Nhật Bản cho độc giả Hàn Quốc tiếp cận với văn học Nhật Bản. Tiếp theo hàng loạt các cuốn khác như: “Hiểu văn học Nhật Bản”(Chue Che, Thi âm xã, 1995); “Tư tưởng đạo đức cơ bản của Akutagawa Ryunosuke”, (Kawasaiko, Tokyo, Kahayashishobo, 1998, Ha The Hu) cũng được xuất bản và thông qua nó có thể nhìn thấy khuynh hướng nghiên cứu văn học Nhật Bản ở Hàn Quốc đang diễn ra như thế nào.
Tiếp theo, khi điều tra về khuynh hướng nghiên cứu dành cho các thời kỳ văn học khác ta thấy: Trước hết, trong văn học thời kỳ cổ đại bài viết liên quan đến “Vạn diệp tập” là nhiều nhất, sau nó chiếm trọng tâm là các bài nghiên cứu về so sánh văn học Hàn - Nhật. Với văn học cổ trung đại tập trung nghiên cứu về “Monogatari”, đặc biệt những bài viết liên quan đến “Genjimonogatari” chiếm nhiều nhất. Văn học trung đại tập trung trọng tâm vào: Văn học kịch - những bài viết liên quan đến kịch “No” rất đáng chú ý. Trong văn học cận đại bài viết liên quan đến Idegara nisitori nhiều nhất chiếm 49 bài.
Thử làm một cuộc điều tra ta thấy nghiên cứu về các tác giả khác thuộc dòng văn học cận đại Nhật Bản cũng có rất nhiều, bài viết nghiên cứu liên quan đến Natsume Soseki 240 bài viết, Akutagawa Ryutsunari có 98 bài và Shimazakitonson có 69 bài, Kawabata Yasunari có 60 bài, Daizaiosamu có 49 bài, Morigai có 46 bài. Tác phẩm của Soseki đã được tổ chức nghiên cứu ở đây phần nhiều là toàn bộ các tác phẩm kiệt xuất của ông như : “Tâm hồn” có 31 bài, “Tương lai ” có 22 bài viết, “ Sanshiro” 21 bài, “ Đêm mơ” có 17 bài. Như vậy có thể nói rằng phần lớn sự quan tâm của các nhà nghiên cứu là hướng tới Soseki. Ngược lại, tác gia Akutagawa Ryunosuke phạm vi nghiên cứu rộng hơn tới hầu hết các tác phẩm của ông, nghiên cứu về chính con người, tiểu sử của ông – cây bút lớn trong làng văn học hiện đại Nhật Bản. Đứng thứ ba trong các tác giả Nhật Bản chiếm được sự quan tâm của các nhà nghiên cứu Hàn Quốc là KawabataYasunari và phần lớn các bài nghiên cứu đều liên quan đến tác phẩm “Xứ tuyết”, tác phẩm làm nên thương hiệu Kawabata.
Trong mảng so sánh văn học Hàn – Nhật, các bài nghiên cứu rất nhiều, lên đến con số 231 bài. Thời kỳ đầu, các học giả văn học Hàn Quốc tập trung nghiên cứu về “tính đối chiếu trong văn học”, nhưng gần đây phạm vi nghiên cứu trở nên rộng hơn, ví dụ như việc phát triển nghiên cứu “So sánh về tính đa dạng trong nghiên cứu bao gồm so sánh chủ đề, so sánh tác phẩm, so sánh sự tương hỗ giữa tác giả, so sánh văn phong, so sánh thơ ca…v v”; có thể nói, đó là một khuynh hướng nghiên cứu đầy triển vọng. Nghiên cứu đối chiếu văn học Hàn Quốc - Nhật Bản là nét đổi mới trong giới nghiên cứu văn học Hàn Quốc đồng thời còn là phạm vi nghiên cứu đầy khả năng - triển vọng dành cho với các nhà nghiên cứu trẻ.
Đến bây giờ, khi nhìn vào những kết quả trong nghiên cứu văn học Nhật Bản ở Hàn Quốc ta có thể nhận định rằng: Nghiên cứu Văn học Nhật Bản tại Hàn Quốc đã khẳng định được vị trí của mình bằng việc làm rõ được những đặc trưng cụ thể của văn học Nhật Bản.
3. Chuyển biến trong nghiên cứu lịch sử Nhật Bản
Nghiên cứu sử Nhật Bản tại Hàn Quốc, đặc biệt là sử học Đông Dương đã không bắt kịp những mối quan tâm sâu sắc trong giới chính trị địa phương và đang ngày càng tụt dốc. Nhưng từ năm 1965, sau tái giao lưu Hàn - Nhật thì nghiên cứu sử Nhật Bản cùng với sự quan tâm cao về học vấn Nhật Bản cũng đã bắt đầu được tắm mình trong sức sống mới. Đến năm 1970, nghiên cứu sử Nhật Bản đã bắt đầu được tổ chức nghiên cứu nhưng trào lưu nghiên cứu chủ yếu là nghiên cứu liên quan đến “sử chiến tranh”. Từ những năm sau của thập niên 1980, thông qua hàng loạt hoạt động như học tập, tập sự nghiên cứu, giới học giả Hàn Quốc đã tổ chức nghiên cứu một cách bài bản về sử Nhật Bản. Còn từ thập niên 90 trở đi, cùng với việc mức độ quan tâm về Nhật Bản tăng nhanh (phản ảnh về mối quan hệ hai nước Hàn – Nhật), Hội nghiên cứu thuộc giới chuyên môn sử Nhật Bản cũng kỳ vọng sẽ có thể nghiên cứu sử Nhật Bản hiện tại.
Cho đến nay, những nghiên cứu sử Nhật Bản của Hàn quốc đã được công bố tập trung chủ yếu vào lịch sử quan hệ Hàn - Nhật thời kỳ cổ đại còn nghiên cứu về Lịch sử trung đại thực tình là yếu hơn so với thời kỳ khác. Nghiên cứu lịch sử quan hệ Hàn - Nhật thời kỳ cận hiện đại, đại bộ phận, mới chỉ dừng lại ở việc đối chiếu tính chất lịch sử trong lịch sử giao lưu Hàn - Nhật hiện đại. Bài viết liên quan đến quan hệ Hàn - Nhật cận đại chiếm tới 40% trong hơn 80% loại sách liên quan đến quan hệ Hàn Nhật.
Nghiên cứu sử Nhật Bản ở Hàn Quốc như vậy là thiên về nghiên cứu lịch sử giao tiếp và lịch sử quan hệ hơn là nghiên cứu về bản chất của sử Nhật Bản. Kết quả là “Nghiên cứu để hiểu rõ tính độc lập, tính lịch sử của sử Nhật Bản” trở thành điểm thiếu trong nghiên cứu sử Nhật Bản ở Hàn Quốc. Để làm “đầy” sở đoản trên cần thiết có sự chuyển đổi trong phương pháp nghiên cứu và năng lực ngôn ngữ của nhà nghiên cứu để họ hiểu và tiếp cận nguồn tài liệu bằng chính thứ ngôn ngữ bản địa. Từ đó, chỉ ra rằng việc thiết lập “khoá học chuyên sâu” về sử Nhật Bản ở khoa Sử thuộc các trường đại học Hàn Quốc rất cần thiết. Hơn nữa, nghiên cứu là phải nghiên cứu đến tất cả các thời đại lịch sử chứ không phải chỉ thời cận đại hay cổ đại. Bên cạnh đó, có lẽ cần phải có sự cộng tác nghiên cứu để có thể nghiên cứu sâu và tập trung hơn vào chủ đề, thời kỳ nhận định nghiên cứu.
Hội nghiên cứu lịch sử Nhật Bản của Hàn Quốc năm 1993 đã thành lập và phát hành tạp chí gọi là: “Nghiên cứu lịch sử quan hệ Hàn Nhật” một năm 2 số, đến nay đã phát hành được số thứ 10. Đặc biệt, Cho Hang Re, Y Ha Yu Bong, Cho Xung cùng cộng tác và đã xuất bản cuốn “ Giáo trình lịch sử quan hệ Hàn Nhật”, đây là một cuốn sách tốt, có chất lượng cao, hướng dẫn cụ thể về quan hệ Hàn - Nhật từ cổ đại đến cận đại. Hay Kang Che San, Yi Jin Hy, Kim Je Sun, Chon Huan Yu, Kim Dong Hua đã cùng hợp tác biên tập xuất bản cuốn “Văn hoá Hàn quốc và Nhật Bản cổ đại” bằng tiếng Nhật (Ueshita, Tokyo, Nhà xuất bản sinh viên, 1979). Vào năm 1995, những nhà chuyên môn về Nhật Bản học đã viết, xuất bản cuốn “Nghiên cứu lịch sử Nhật Bản” ở Hàn Quốc và có thể nói rằng từ đây mục tiêu nghiên cứu lịch sử Nhật Bản đã mang tính chủ thể, khách quan đầy triển vọng.
4. Những nghiên cứu về người Nhật
Nghiên cứu về người Nhật đang được tổ chức nghiên cứu ở Hàn Quốc, và đây là căn cứ điểm để nhiều nghiên cứu mang tính đối chiếu Hàn - Nhật ra đờiHH. Những ví dụ nghiên cứu thực tế như: Văn hoá dân gian, sự kiện trong năm, tín ngưỡng dân gian của địa phương. Tất cả những nghiên cứu liên quan đến vấn đề nói trên đều được kiểm nghiệm thông qua những điều tra thực tế ở các nơi như Okinawa, Taima. Đồng thời, do nhận thức rõ vai trò của các vấn đề nêu trên nên có rất nhiều sự quan tâm tập trung vào việc truyền bá Nhật Bản tới văn hoá Hàn Quốc thông qua bối cảnh dân tộc Nhật Bản từ quá khứ đến hiện đại. Đặc biệt, Hội so sánh dân tộc học Hàn Quốc được thành lập năm 1984 và hiện tại Hội đang tiếp cận đến “đặc trưng sâu sắc của văn hoá” bằng quan điểm nghiên cứu trọng tâm gọi là: Nghiên cứu so sánh dân tộc. Nghiên cứu dân tộc Nhật Bản của Hội nghiên cứu này không chỉ dừng lại ở so sánh Hàn - Nhật mà có vẻ như là có một sức sống rộng hơn “hướng tới đối tượng so sánh là toàn thể khu vực Đông Á”.
Về những nghiên cứu liên quan đến truyền thuyết ở trong nghiên cứu dân tộc học, gần đây học giả Kim Yon Kuê đã viết “Nghiên cứu về truyền thuyết, thần thoại Nhật - Hàn” một tác phẩm nghiên cứu thứ ba về chủ đề nêu trên. Hay như thông qua tác phẩm “ Về sự chân thực và không chân thực trong thần thoại của hai nước Hàn - Nhật”, tác giả cũng đã chủ trương tập trung chỉ ra sự không chân thực trong truyền thuyết có nguồn gốc phương Nam trong thần thoại ở cả hai nước. “Nghiên cứu Thần thoại Nhật Bản” (Nhà xuất bản tri thức, 1996) là tác phẩm gần đây nhất của Hoan Kan - nghiên cứu Nhật Bản mang tính chất cơ bản nhất mà ngay cả ở Nhật Bản cũng đang làm. Phạm vi đang được nghiên cứu gần và nhiều nhất trong thần thoại chính là các câu chuyện dân gian. Do đó, tác giả Che In Ha qua điều tra thực tế ở các địa phương Nhật Bản sau khi đã tập hợp các câu chuyện, bước tiếp theo là so sánh chuyện dân gian ba nước Trung Quốc - Nhật Bản - Hàn Quốc với nhau để rồi thông qua đó có thể phân loại chúng cho ra đời trước tác để đời “Những truyền thuyết của Hàn quốc”, (Nhà xuất bản Keisetsu, 1982).
Lim Tông Quan báo cáo một cách tỉ mỉ liên quan đến truyền thuyết truyền khẩu và những sự kiện trong năm, tín ngưỡng dân gian thông qua điều tra dân tộc vùng Taima. Còn Yi Sa Hyon với tư cách là nghiên cứu liên quan đến kịch No và dân tộc học cho rằng Kịch có che mạng của Hàn Quốc có chứng tích ảnh hưởng từ Nhật Bản. Đồng thời, tác giả đã làm sáng tỏ và đồng ý rằng nghi lễ nhảy múa đón thần mặt trời, kiểu ngồi vùng Hokkaido hay nghi lễ đã được tổ chức trước kia của “Amanoiwato”([4]) cũng xuất hiện trong “ Kí sự Nhật Bản” và “ Cổ sự ký”.
Cuối cùng, Cho Che Son với tư cách là nghiên cứu liên quan đến tín ngưỡng Nhật Bản cho rằng động tác “shaman” của pháp sư vùng Okinawa Nhật Bản có điểm giống nhau như động tác của thày phù thuỷ dùng trong thuật bói toán tại Hàn quốc. Hay “So sánh sùng bái tổ tiên của Nhật Bản”, “Thông tin Nhật Bản học” (Hội Nhật Bản học Hàn quốc, số 14, 1985), “Nhân loại học văn hoá Hàn Quốc” (số 18, Hội nhân loại học văn hoá Hàn quốc, 1986) đều phân tích điểm tương đồng và điểm khác biệt của chúng với nghi lễ cầu cúng Saishi([5]) thường được tổ chức ở các vùng phía Nam của Hàn Quốc.
Như vậy, một trong những đặc trưng lớn của nghiên cứu văn hoá dân tộc Nhật Bản ở Hàn Quốc là “nghiên cứu so sánh dân tộc” một điểm nghiên cứu tràn đầy sức sống nhất trong lĩnh vực nghiên cứu Nhật Bản tại Hàn Quốc.
5. Chuyển biến trong nghiên cứu tư tưởng Nhật Bản
Trong tư tưởng Nhật Bản hiện đang được nghiên cứu tại Hàn Quốc, phạm vi tư tưởng Phật giáo được nghiên cứu nhiều và mang tính áp đảo nhất, còn phạm vi liên quan đến nghiên cứu triết học hầu như không có. Hơn nữa, liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu toàn diện về tư tưởng Nhật Bản đã có rất nhiều trong nghiên cứu lịch sử Nhật Bản, nghiên cứu văn học Nhật Bản. Hiện tại, có một khuynh hướng mới tiến tới: “Sự hiểu thấu tư tưởng Nhật Bản bằng quan điểm dân tộc học”. Một trong những thí dụ cho khuynh hướng nghiên cứu mới là nghiên cứu liên quan đến tư tưởng về văn minh của FukuzawaYukichi hay nghiên cứu tư tưởng văn minh hiện đai, nghiên cứu tư tưởng chính trị Nhật Bản. Thành công của Hội Nhật Bản học Hàn Quốc là đã giới thiệu tính đa dạng trong tư tưởng Nhật Bản từ cổ đại đến hiện đại qua việc dịch mười tập “Tư tưởng Nhật Bản”.
Với ý đồ làm rõ hơn tư tưởng Nhật Bản ở Hàn Quốc nên Hội Nhật Bản học Hàn Quốc đã lập rất nhiều kế hoạch nghiên cứu liên quan đến ý thức Phật giáo của người Nhật Bản, nghiên cứu liên quan đến văn hoá cận đại và văn hoá truyền thống của người Nhật Bản. Tháng 2 năm 1999, Hội nghiên cứu Tư tưởng Nhật Bản Hàn Quốc đã phát hành cuốn “Tư tưởng Nhật Bản”, ở đó tập hợp nhiều kỳ vọng về nghiên cứu tư tưởng Nhật Bản trong tương lai. Chính vì thế, tại Hàn Quốc đang dấy lên một phong trào nghiên cứu gọi là “Triết học Nhật Bản”.
III. Phán đoán và triển vọng
Như vậy có thể nói, nghiên cứu Nhật Bản tại Hàn Quốc mang tính quốc tế trong các phạm vi văn hoá, mang tính chất trào lưu trong các lĩnh vực nghiên cứu: văn học – nghiên cứu so sánh trong ngôn ngữ học – nghiên cứu tính hệ thống, lịch sử đặc biệt trong quan hệ lịch sử Hàn Nhật.
Trong tương lai, có thể dự đoán rằng sẽ có một khả năng mới trong tầm nhìn nghiên cứu văn hoá Nhật Bản tại Hàn Quốc trong thế kỷ 21. Điều này sẽ được thực hiện từng bước, từng bước một, trước tiên là việc đạt đến “độ chuẩn” trong nghiên cứu so sánh bằng một lập trường, quan điểm chính trị cụ thể. Tiếp theo, dự đoán về tính khả thi của nghiên cứu khu vực mang tính tổng thể trong đó nghiên cứu Nhật Bản cũng chỉ là một hạt nhân thuộc khu vực Đông Bắc Á. Từ diện mạo đó, có thể nghĩ đến một tương lai sáng lạn hơn của nghiên cứu Nhật Bản tại Hàn Quốc .
LƯU THỊ THU THỦY
(Viện Thông tin khoa học xã hội)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. 李漢変、韓国日本語学関係研究文献―鑑 、高麗大学出版部、1998年。
2. 日本研究文化所、“日本文化研究一一世紀を跨る回等と展望”、国際シンポジウムの報告、1993年8月二日。
3. 李元淳、“韓国における日本研究はどこまできたか”(日本学報)第30号、1993年、韓国日本学会。
4. “日本学報”第一輯-39輯、韓国日本学会。
5. “韓国関係史研究”第1輯-10輯、韓国関係史研究。