1. Trong nghiên cứu văn học Nhật Bản hiện đại chúng ta gặp phải một số vấn đề cơ bản. Ranh giới giữa văn học hiện đại và văn học tiền hiện đại là ở chỗ nào? Văn học hiện đại bắt nguồn như thế nào? Ai là nhà văn Nhật Bản hiện đại đầu tiên?
Văn học Nhật Bản hiện đại, nói chung được các học giả Nhật Bản chia ra thành ba hoặc bốn giai đoạn. Những người chấp nhận ba giai đoạn thì coi các thời Duy Tân Minh Trị (1868 - 1912). Taisho (1912 - 1926) và Showa (từ 1926) là căn cứ cơ bản; còn những học giả chủ trương bốn giai đoạn lại chia kỷ nguyên Showa ra thành giai đoạn trước 1945 và giai đoạn sau 1945.
Trong lịch sử chính trị, cuộc Duy Tân Minh Trị 1868 nói chung đã tạo ra thời điểm bắt đầu của công cuộc hiện đại hóa Nhật Bản. Lịch sử văn học còn phức tạp hơn lịch sử chính trị, quan niệm cơ bản của tính hiện đại và áp dụng nó vào văn học như thế nào là điều khó áp dụng rõ ràng.
Hầu hết nền văn xuôi Nhật Bản trong giai đoạn kế tiếp thời kỳ khôi phục nền quân chủ Minh Trị (1868) đều được gọi bằng thuật ngữ “hiện đại” mặc dù sự biến đổi văn học thực sự chỉ có thể nhận thấy khoảng hai thập kỷ sau đó, vào cuối năm 1880, có lẽ bởi chúng phản ánh những vấn đề của xã hội đương thời hoặc bởi các kỹ xảo văn chương được sử dụng mà trước đây người ta chưa từng thấy ở Nhật Bản, hoặc bởi những ảnh hưởng ngoại lai có thể nhận ra trong cách biểu hiện. Cách dễ dàng nhất, và thường có hiệu quả nhất là tìm hiểu các nhân tố tác động đã làm nên tính chất hiện đại đối với một tác phẩm khi nó tiếp nhận trực tiếp từ một số nhà văn nước ngoài. Điều này cũng giải thích tại sao việc dịch thuật nền văn học Châu Âu, đặc biệt từ đầu thế kỷ XX, đã mang lại tác nhân kích thích cho sự phát triển nền văn chương mới ở Nhật Bản. Rất nhiều nhà phê bình văn học Nhật Bản đều đi đến khẳng định rằng lịch sử văn học Nhật Bản hiện đại không có gì khác hơn ngoài lịch sử của những trào lưu đầy thành công do tiếp nhận của nền văn học Châu Âu hoặc nền văn học Nhật Bản sáng tác sau thời quân chủ Minh Trị đã biết sử dụng đầy sáng tạo các thành tựu của kỹ thuật viết văn phương Tây vào phản ánh các đề tài Nhật Bản truyền thống hoặc các vấn đề của xã hội Nhật đương thời (quan điểm của Chiba Sen’ichi, nhà nghiên cứu văn học rất có uy tín ở Nhật Bản). Người ta có thể công nhận hay không công nhận quan điểm nghiên cứu này, nhưng một điều hiển nhiên là các nhà văn Nhật Bản hiện đại đã chịu tác động hết sức sâu sắc khi đọc Dostoevski, Mann, Nietzche, Joyce, Proust và các tác giả Châu Âu nổi tiếng khác. Một khuynh hướng mô phỏng và dịch các tác phẩm văn học Châu Âu bắt đầu xuất hiện rồi phát triển mạnh mẽ đến nỗi vào cuối những năm 1880, chúng ta nhìn thấy nhiều tác phẩm phỏng theo các tác phẩm Robinson Crusoe của Defoe, Không tưởng của Thomas More, Sự thú tội (Confessions) của Rousseau, mà cả Wilhehn Tell của Schiller rồi Hamlet, Vua Lear, Người lái buôn thành Venice của Shakespeare. Với tất cả những tinh tuý của nền văn học phương Tây mà người Nhật đã lựa chọn, ta không ngạc nhiên rằng vào đầu thế kỷ XX trong văn học Nhật hiện đại thứ chủ nghĩa mới xuất hiện: từ “chủ nghĩa hiện thực” và “chủ nghĩa lãng mạn” tới “chủ nghĩa tự nhiên”, đánh dấu một sự mở đầu thực sự cho văn xuôi, theo phong cách hiện đại, nhuần nhuyễn những yếu tố phương Tây. Ngay cả Kinh thánh và đạo Thiên chúa khi truyền bá vào Nhật Bản cũng mang đến ý thức về băn khoăn cá nhân, nó để rõ dấu ấn trong nhiều tác phẩm văn xuôi hiện đại.
Năm 1885 cuốn Tinh tuý của tiểu thuyết (The Essence of Novel) của Tsubouchi Shoyo (1856 - 1935) là một mốc quan trọng của văn học hiện đại Nhật Bản. Ông phê phán tính chất tầm thường của truyện Nhật Bản lúc đó chỉ nặng miêu tả dục tình; ông chủ trương tiểu thuyết phải khơi sâu tình cảm đằng sau hành động, theo mẫu văn học Anh. Trong tác phẩm này, ông đã đề cập tới quyền tự do ý chí (theo học thuyết của Kant) và toàn vẹn nghệ thuật của tiểu thuyết trên cơ sở phân tích hành vi và tình cảm con người một cách logic. Đây là một khái niệm có tính chất cách mạng, nó đối địch tuyệt đối với những nguyên tắc đạo đức mô phạm đã ngự trị trong văn xuôi thời đại Tokugawa. Chính nó rốt cuộc đã dẫn đến một sự thay đổi quan trọng khiến văn xuôi chiếm một vị trí trung tâm trong văn học Nhật.
Kể từ đây, một số lớn các nhà văn đã sáng tác theo phong cách hiện đại, họ phê bình các luật lệ và truyền thống cũ, nhấn mạnh chủ nghĩa cá nhân, và thể hiện hy vọng sôi sục của họ về cải cách xã hội và niềm say mê của họ đối với cảm xúc của chủ nghĩa khoái lạc. Trong suốt thời kỳ giữa thế kỷ XIX, khi Nhật Bản bị đặt vào sức ép quân sự và chính trị của các cường quốc phương Tây, thì cái từ “hiện đại hóa” trên thực tế, đồng nghĩa với “phương Tây hóa”. Sáng tác văn học trở thành một trong những lĩnh vực mà trong đó ảnh hưởng của phương Tây được cảm nhận rõ ràng và mạnh mẽ. Đây là giai đoạn làm quen, học hỏi, bắt chước, thể nghiệm để chuẩn bị cho một nền văn học mới ra đời, nhuần nhuyễn những yếu tố phương Tây lẫn yếu tố văn học truyền thống Nhật Bản. Ngay từ bấy giờ, văn học Nhật Bản đã tiếp thu nhiều trào lưu tư tưởng và văn hóa phương Tây: chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa tượng trưng, chủ nghĩa hiện thực, chủ nghĩa tự nhiên... Cuối thế kỷ XIX và khoảng mười mấy năm đầu thế kỷ XX, đã xuất hiện những nhà văn bậc thầy, đây là bước ngoặt lớn của nền văn học mới. Số nhà văn ưu tú của giai đoạn đặc biệt này vượt xa số nhà văn lớn từ sau chiến tranh thế giới II. Qua nhiều tác phẩm nghiên cứu của các học giả lớn về văn học Nhật Bản hiện đại như Ueda Makoto, Yamanouchi Hisaaki, Hibbett Howard và Donald Keene, người đọc nhận thấy họ tập trung nghiên cứu sáu nhà văn tiêu biểu sau đây: Natsume, Soseki, Mori, Ogai, Tanizaki, Junichiro, Akutagawa Ryunosuke, Kawabata Yasumari và Mishma Yukio là những cây bút nổi tiếng trên văn đàn Nhật, và tác phẩm của họ cũng thường được dịch sang nhiều tiếng nước ngoài, đặc biệt là ở phương Tây. Các nhà văn khác cũng được bạn đọc hết sức ngưỡng mộ, chẳng hạn Arishima Takeo, Shiga Naoya, Nagai Kafu và Dazai Osamu, nhưng họ chưa phải là những gương mặt tiêu biểu như những nhà văn kể trên. Như vậy, thông qua việc trình bày Một số nhà văn tiêu biểu của văn học Nhật Bản hiện đại, mở đầu bằng Natsume Soseki (1867 - 1916) và kết thúc bằng Kawabata Yasumari (1899 - 1972) chúng tôi hy vọng, phác thảo được một bức tranh khái quát về giai đoạn 100 năm của lịch sử văn học Nhật Bản kể từ Natsume Soseki - nhà văn bậc thầy thời Minh Trị (1868) cho đến Kawabata Yasunari (1899 - 1972).
Giai đoạn 100 năm ấy chính là một giai đoạn lịch sử vĩ đại của Nhật Bản, nó thể hiện khát vọng mãnh liệt của toàn dân Nhật trong việc “Học tập phương Tây, đuổi kịp phương Tây và vượt phương Tây”, “Kết hợp cái tốt nhất của kỹ thuật phương Tây với tinh thần Nhật Bản”. Văn học Nhật Bản cũng không nằm ngoài cố gắng này.
Mori Ogai (1862 - 1922), theo thiển ý của tôi, là nhà văn lớn đầu tiên đã trực tiếp thể nghiệm cuộc sống, tư duy và tình cảm Châu Âu. Ông nghiên cứu sâu rộng văn học và triết học Châu Âu và viết phê bình văn học. Ông có công đưa vào văn học Nhật Bản tiểu thuyết vừa và thể loại tự truyện (tiểu thuyết về cái tôi)* rất phát triển trong văn học Nhật Bản, tiểu thuyết lịch sử. Khuynh hướng đấu tranh cho tự do cá nhân, chống gông cùm phong kiến cũng được thể hiện sắc nét trong các tác phẩm của ông.
Kể đến những nhà văn lớn thời Minh Trị, người ta thường xếp Natsume Soseki cạnh Mori Ogai. Natsume Soseki (1867 - 1916) học văn học và ngôn ngữ ở Anh. Ông hiểu biết rộng văn hóa phương Tây, đồng thời tinh thông Thiền học và văn hóa cổ điển Trung Hoa. Ông dạy văn học Anh trước khi viết văn chuyên nghiệp. Trong nhiều tác phẩm, Natsume Soseki thường phân tích cái tôi, nói lên nỗi cô đơn của người trí thức trong một xã hội tư sản mang nhiều tán tích phong kiến, sự bế tắc của cá nhân và tư tưởng hoài nghi.
Trong số các nhà văn bắt đầu viết từ thập kỷ 1905 - 1915, thì Tanizaki Junichiro (1886 - 1965) được coi là cây bút xuất sắc viết về những xung đột nội tâm giữa Đông và Tây. Cũng như các nhà văn giai đoạn này, ngòi bút ông mang nặng sắc thái duy mỹ mà không bận tâm đến cái đạo lý đi cùng cái đẹp. Tiểu thuyết của ông được đánh dấu bởi tình dục bệnh hoạn và chủ nghĩa duy mỹ rất Tây hóa.
Tanizaki Junichiro vào những năm cuối đời đã hồi tưởng lại một giai đoạn trong sự nghiệp của mình, ông viết “Tôi không tin rằng ảnh hưởng phương Tây là có hại hoặc không có lợi cho sáng tác của tôi, nhưng không một ai biết rõ như tôi rằng - thực là ngại ngần khi phải nói ra - ít ra là bề ngoài, với một cách vô ý thức mà ảnh hưởng này tự nó đã bộc lộ, chí ít là qua các tác phẩm thời trẻ của tôi”.
Nhân vật văn học nổi bật nhất trong mười lăm năm của thời đại Taisho là Akutagawa Ryunosuke (1892 - 1927). Tuy thấm nhuần văn hóa phương Tây, ông thường lấy đề tài rất đa dạng trong văn học cổ Nhật Bản và Trung Hoa. Tác phẩm của ông trở về gốc truyện truyền thống nhưng phân tích tâm lý hiện đại, miêu tả khách quan chứ không đi sâu vào cái tôi, pha trộn hiện thực và huyền ảo, văn chương hoa mỹ nhưng súc tích, bố cục chặt chẽ. Những năm cuối đời tác phẩm của ông phản ánh sự sợ hãi điều bất trắc của cuộc đời mình.
Trong số các nhà văn lớn nổi lên sau thập kỷ 1905 - 1915 phải kể đến Kawabata Yasunari (1899 - 1972) nhà lý luận hàng đầu của trường phái Cảm giác mới, mặc dù ông thường được xem là một mẫu mực về truyền thống Nhật Bản thanh khiết. Ông là người Nhật Bản đầu tiên giành được giải thưởng Nobel về văn học vào năm 1968, vừa tròn một trăm năm sau kỷ nguyên mới của văn học Nhật Bản, mở đầu bằng công cuộc Minh Trị duy tân (1868 - 1912). Các tác phẩm của ông bộc lộ rõ nét các truyền thống Nhật Bản, tôn vinh vẻ đẹp hư ảo trong đời sống thiên nhiên và trong định mệnh con người. Những tác phẩm của Kawabata như Xứ tuyết (1948), Ngàn cánh hạc (1951), Âm thanh của núi rừng (1952), cũng như Chị em Makioka của Tanizaki là các tác phẩm đã đạt tới mức độ mẫu mực kinh điển của văn học hiện đại. Ở thể loại văn xuôi của họ vào những năm 1950 và 60, ta nhận thấy hai bậc lão thành này đã khám phá cái bản năng giới tính, coi nó như là một sức mạnh dẫn dắt chủ yếu mọi hành vi của con người trong việc tìm kiếm sự hoàn mỹ.
Mishima Yukio (1925 - 1970) nổi tiếng ngay từ khi ra mắt cuốn tiểu thuyết tự thuật Sự thú tội của chiếc mặt nạ vào năm 1949. Ông đã thử nghiệm ngòi bút qua việc áp dụng các hình thức và phong cách văn học Châu Âu, từ chủ nghĩa cổ điển Pháp tới Radiguet và Mauriac, rồi lại thử sức mình bằng cách tổng hợp cả thể văn kể chuyện bản địa lẫn phương Tây với truyền thống bi hùng. Mishima trở thành nhà văn duy mỹ danh tiếng, hiểu biết uyên bác cả văn hóa phương Đông lẫn phương Tây. Ông thường miêu tả những tâm trạng bệnh hoạn, thế hệ thanh niên hậu chiến hoang mang trước hiện tại, ít gắn bó với dĩ vãng. Sáng tác của ông phản ánh cuộc xung đột giữa ảnh hưởng phương Tây và các giá trị truyền thống.
Qua quá trình nghiên cứu các nhà văn kể trên chúng tôi tâm đắc một điều là: Hầu hết các nhà văn đàn anh trong nền văn học Nhật Bản hiện đại đều là những người có học thức cao (rất nhiều người trong số họ đã tốt nghiệp từ trường đại học danh tiếng nhất nước Nhật: Đại học Đế Chế Tokyo, nay là Đại học Tokyo; chẳng hạn: Natsume Soseki, Mori Ogai, Tanizaki Junichiro, Kawabata Yasunari...). Do được học hành trong một nền giáo dục tử tế như vậy nên họ hiểu biết sâu sắc các nền văn hóa phương Tây, biết kế thừa tinh hoa văn hóa cổ truyền của dân tộc để làm nên những kiệt tác được coi là những mẫu mực kinh điển cho văn học Nhật Bản hiện đại. Sáng tác của họ có một nét chung là phản ánh cuộc xung đột giữa ảnh hưởng phương Tây và các giá trị truyền thống. Các nhà văn này đều có biệt tài gắn liền những khái niệm mỹ học và triết học, những nét đặc sắc và độc đáo của văn học Nhật với những tìm tòi sáng tạo riêng của mình.
Tư duy nghệ thuật của họ mang tính lịch sử. Tính lịch sử ấy thể hiện ở sự gắn bó mật thiết của họ với truyền thống văn hóa lâu đời của Nhật, và ở chỗ sáng tác của họ nảy sinh từ những thực tiễn và những xung đột của đời sống dân tộc, chứ không từ các tác phẩm cổ điển hoặc các tác phẩm phương Tây hiện đại. Kể cả các nhà văn giai đoạn sau chiến tranh, như Ishikawa Jun hoặc Abe Kobo cũng đã theo bước các bậc đàn anh nhằm mang lại cho văn chương Nhật Bản những sắc thái sáng tạo mới trên nền tảng văn hóa truyền thống.
Như vậy, cùng bị phương Tây xâm nhập, cùng chịu ảnh hưởng văn hóa phương Tây buổi đầu thế kỷ XX, nhưng Nhật Bản đã hiện đại hóa văn học sớm hơn Việt Nam. Thời điểm ây chúng ta có Phạm Duy Tốn với Sống chết mặc bay, có Thạch Lam với Gió đầu mùa, có Hoàng Ngọc Phách với Tố Tâm... Trong một bài viết của Thụy Khuê, tác giả cho rằng mình không có ý định so sánh văn tài giữa các nhà văn hai nước, bởi mọi so sánh như vậy đều vô nghĩa, nhưng nếu chú ý đến cách viết sẽ thấy văn xuôi thời ấy của ta lạc hậu hơn Nhật Bản, chúng ta mới tập sự lối cấu trúc kín “truyện với cốt truyện” đã có từ những thế kỷ trước, trong khi Kawabata đã khai sinh nghệ thuật mở “truyện không có truyện” của phương Đông, và kỹ thuật giam vô tận trong một vài giây phút, cùng thời với James Joyce ở phương Tây. Hay như Akutagawa Ryunosuke đã sáng tạo ra một lối viết truyện hết sức lạ kỳ: ông tạo ra một cấu trúc truyện mở ngỏ, để người đọc phải cùng tham gia vào suy tưởng, phán đoán với tác giả về hành vi và số phận của nhân vật. Thụy Khuê cho rằng chúng ta luôn luôn “tài tử” trong khi người Nhật luôn luôn đạt tới sự “chuyên nghiệp”.
2. Khi trình bày về sự nghiệp sáng tác văn học của sáu nhà văn lớn Nhật Bản, chúng tôi nhận thấy một đặc điểm nổi bật là: các tạp chí văn học (bungei zasshi) đóng vai trò quan trọng trong nhà lịch sử văn học Nhật Bản và trong sự nghiệp sáng tác của họ. Các nhà phê bình và nghiên cứu lịch sử văn học Nhật Bản đã coi những tạp chí này có một ý nghĩa đáng kể vì một số lý do.
- Thứ nhất, những tờ tạp chí này có thể được sử dụng để nhận diện những khuynh hướng văn học khác nhau, đặc biệt là các trào lưu rộng lớn như văn học lãng mạn, văn học tự nhiên chủ nghĩa và văn học vô sản. Những thể loại văn học không rõ ràng cũng có thể được nhận diện một cách chính xác và dễ dàng hơn; ví dụ, người ta có thể phân biệt những truyền thống lãng mạn khác nhau qua các tạp chí Bungakukai (Giới văn học, 1893 - 1989), Myojo (Sao sáng, 1900 - 1908) và Nihon Romanha (Trường phái lãng mạn Nhật Bản, 1935 - 1938)
- Thứ hai, các tờ tạp chí này là trung tâm của một tổ chức văn học Nhật Bản có quan hệ chặt chẽ bên trong. Mạng lưới các quan hệ cá nhân này không chỉ phản ánh cơ cấu sức mạnh của văn học bên trong mà còn cung cấp một bối cảnh văn học bên ngoài cho việc nhận thức đầy đủ hơn về các nhà văn và tác phẩm của họ. Chúng đã giúp tạo ra cho nền văn học mới một vóc dáng và phạm vi mà trước kia nền văn học này chưa có.
- Cuối cùng, khi xem xét về mặt lịch sử, các tạp chí này cũng cho thấy nhiều thay đổi lớn lao diễn ra ở Nhật Bản kể từ cuộc Duy Tân Minh Trị (1868) đến thời kỳ phát triển cao của nước Nhật hiện đại (1970).
Cuối thế kỷ XIX và trong nửa đầu thế kỷ XX, xã hội Nhật Bản và nền văn học Nhật Bản đã không ngừng phát triển. Sự tiếp xúc thường xuyên với các nền văn học Châu Âu đã cung cấp không chỉ chất men tư tưởng, mà cả các phong cách kỹ thuật viết cần cho sự phát triển bên trong. Thông qua việc nghiên cứu khái quát thân thế và sự nghiệp của một số nhà văn lớn tiêu biểu có thể nhận thấy lịch sử văn học Nhật Bản hiện đại chính là sự kết hợp sinh động của tính khác biệt và tính thống nhất, của sự thay đổi và kế thừa. Nước Nhật hiện đại đã luôn nằm giữa hai đầu cực: sự hiện đại của nó bắt nguồn từ sự học hỏi phương Tây nhưng nó vẫn luôn cố giữ gìn nền văn hóa truyền thống.
NGUYỄN TUẤN KHANH
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Ueda Makoto, Modern Japanese Writers and the Nature of Literature, Stanford, Calif. Stanford University Press, 1976.
2. Yamanouchi Hisaaki, The Search for Authenticity in Modern Japanese Litera-ture. Cambridge, England. Cambridge University Pres, 1978.
3. Hibbett Howard (ed), Contemporary Japanese Literature. New York. Afred A. Knopf, 1977.
4. Đonal Keene, Dawn to the West. Japanese Literature of the Modern Era. Fiction, New York, Henry Holt and Company, 1984.
5. Tsurura, Kinya and Thowas E. Swann, Aproaches to the Modern Japanese Novel, Tokyo, Sophia University, 1976.
(*) Shishosetsu (I - novel): tiểu thuyết tự truyện, một loại tiểu thuyết rất được người Nhật yêu thích.