Sau khi Liên Xô, Đông Âu sụp đổ, mối quan hệ của Cộng hoà Dân chủ Nhân dân (CHDCND) Triều Tiên với Nga trở nên lạnh nhạt thì quan hệ giữa Triều Tiên với Trung Quốc lại trở nên thân thiết hơn. Trung Quốc trở thành nước cung cấp dầu, lương thực lớn nhất và là đối tác thương mại lớn nhất của CHDCND Triều Tiên. Sự phụ thuộc về thương mại của CHDCND Triều Tiên đối với Trung Quốc đã vượt quá 50%, quan hệ hợp tác đầu tư giữa hai nước đang ngày càng trở nên thể chế hoá.
Đã có nhiều sự giải thích khác nhau cho mối quan hệ kinh tế - chính trị thân thiện giữa Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên. Thậm chí nhiều cuộc tranh luận cho rằng CHDCND Triều Tiên gần như bị nhập thành tỉnh miền đông bắc thứ 4 của Trung Quốc. Tuy nhiên, cần phải khẳng định rằng sự phát triển mối quan hệ giữa hai nước gần đây không phải là mối quan tâm đặc biệt mà người ta dự đoán nó có thể thúc đẩy sự cải cách và tự do hoá của CHDCND Triều Tiên dưới sự hỗ trợ của Trung Quốc và do đó góp phần ổn định Bán đảo Triều Tiên.
Bài viết này sẽ đề cập đến tình hình hợp tác kinh tế hiện nay giữa Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên và tác động của nó đến quan hệ kinh tế liên Triều và đàm phán 6 bên về giải trừ vũ khí hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên.
1. Nguyên nhân thúc đẩy hợp tác kinh tế Trung - Triều
Đối với CHDCND Triều Tiên
Thứ nhất, CHDCND Triều Tiên bị mất một nguồn tài trợ kinh tế quan trọng của Liên Xô cũ, và Trung Quốc đã trở thành một đối tác kinh tế quan trọng của nước này. Nói một cách cụ thể là các chi phí đã tăng cao sau khi chính quyền bắt đầu thực hiện biện pháp quản lý kinh tế để điều chỉnh lại giá cả theo mức thực tế, thì rõ ràng CHDCND Triều Tiên cần được sự giúp đỡ của Trung Quốc để kiềm chế lạm phát. Với sự giúp đỡ to lớn về lương thực và nguồn tài nguyên thiên nhiên của Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên có thể tránh được sự sụp đổ của nền kinh tế và bảo đảm mức sống cho người dân. Do đó mà hai bên hy vọng tăng cường trao đổi và hợp tác song phương thân thiện với nhau. CHDCND Triều Tiên tìm kiếm sự hỗ trợ đầu tư bằng cách tăng cường quan hệ chính trị, do đó mà họ có thể vượt qua được những khó khăn về kinh tế.
Thứ hai, CHDCND Triều Tiên tìm kiếm sự bảo vệ chính quyền mình thông qua sự hỗ trợ kinh tế và sức mạnh quan hệ kinh tế - chính trị với Trung Quốc, nhưng họ lại cố áp dụng chiêu bài hạt nhân để chống lại Mỹ và Hàn Quốc. Để có được mối quan hệ ngoại giao cởi mở với Mỹ và thay thế hiệp định đình chiến hiện nay bằng một hiệp ước hoà bình, CHDCND Triều Tiên cần tới Trung Quốc để tạo sự cân bằng với Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc giống như một cơ chế cân bằng trong suốt thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh.
Đối với Trung Quốc
Dường như Trung Quốc cũng có lý do để thúc đẩy quan hệ với CHDCND Triều Tiên. Thứ nhất, Trung Quốc cảm thấy cần phải đẩy mạnh mối quan hệ với CHDCND Triều Tiên trong khi Mỹ tiếp tục kiềm chế Trung Quốc bằng sức mạnh liên minh với Nhật Bản và gìn giữ lực lượng của mình ở Trung Á. Hiện nay, Trung Quốc cũng đẩy mạnh quan hệ với các nước láng giềng như Việt Nam để tăng cường ảnh hưởng trong khu vực. Thứ hai, Trung Quốc muốn duy trì sự ổn định ở khu vực biên giới thông qua sự tài trợ về kinh tế, không mất đi nguồn tài nguyên khoáng sản của CHDCND Triều Tiên và sự phụ thuộc về kinh tế của CHDCND Triều Tiên dưới ảnh hưởng của mình. Trung Quốc đã giành được quyền sử dụng cảng Rajin của Triều Tiên. Điều này liên quan tới kế hoạch xuất khẩu các sản phẩm được sản xuất ở 3 tỉnh miền đông bắc trong tương lai.
Thứ ba, mục đích của Trung Quốc là tăng cường ảnh hưởng của mình đối với CHDCND Triều Tiên để kiềm chế sự phát triển vũ khí hạt nhân của nước này, không loại trừ là buộc nước láng giềng từ bỏ hoàn toàn. Thêm vào đó, từ viễn cảnh của Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên là một vùng đệm giúp Trung Quốc khỏi bị phân chia đường biên giới với Hàn Quốc hoặc trực tiếp đương đầu với quân đội Mỹ. Với những nguyên nhân chiến lược thì sự tồn tại của CHDCND Triền Tiên là có lợi để Trung Quốc tiến hành quan hệ ngoại giao với Hàn Quốc. Từ vị thế của Trung Quốc, ảnh hưởng của họ đối với CHDCND Triều Tiên có thể trở nên tồi tệ hơn nếu CHDCND Triều Tiên cải thiện quan hệ với Hàn Quốc và Mỹ. Có lẽ đây là lý do chính mà Trung Quốc tập trung tăng cường ảnh hưởng của mình với CHDCND Triều Tiên bằng việc đẩy mạnh quan hệ kinh tế với nước này.
2. Quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên
Năm 1990, thương mại hai chiều giữa Trung Quốc và Triều Tiên đạt 483 triệu USD (trong đó CHDCND Triều Tiên chiếm 11,6%). Năm 1993 thương mại hai nước đã tăng lên 900 triệu USD nhưng lại giảm xuống 370 triệu USD vào năm 1999 khi mà Trung Quốc ngừng trao đổi thương mại và yêu cầu trả bằng đồng tiền mạnh. Tuy nhiên, với chuyến thăm Trung Quốc của nhà lãnh đạo Kim Jong-il năm 2000 đã đánh dấu mốc quan trọng để hai bên bắt đầu trao đổi những chuyến thăm cấp cao thường xuyên hơn, và mối quan hệ kinh tế song phương giữa hai nước đã lấy lại được những xung lượng mới. Năm 2004, thương mại song phương giữa hai nước đạt 1,385 tỷ USD chiếm 48% tổng thương mại của CHDCND Triều Tiên; năm 2005 đạt 1,580 tỷ USD, do đó vượt hơn 50% tổng thương mại của CHDCND Triều Tiên.
Bên cạnh sự tăng trưởng về chỉ số thương mại thì sự phát triển của quan hệ thương mại Trung - Triều còn được minh chứng bằng hàng loạt hiệp định kinh tế mới được ký kết giữa hai nước như: Tháng 8 năm 2002, hai bên đã ký kết “hiệp định hợp tác về tiêu chuẩn hoá chất lượng sản phẩm” trong đó cố gắng tiêu chuẩn hoá các ngành công nghiệp cơ bản. Tháng 3 năm 2005, hai bên đã ký kết hiệp định tăng cường bảo hộ đầu tư và thoả thuận đề ra cam kết chung về hợp tác kinh tế. Tháng 7 năm 2005 đàm phán về Hiệp định hợp tác bạn hàng. Đến tháng 10 cùng năm, hai bên ký thoả thuận 4 điểm về tiến độ hợp tác và phát triển kinh tế song phương; ký kết hiệp định hợp tác kinh tế kế hoạch 5 năm lần thứ 11 (giai đoạn 2006-2010). Tất cả những hiệp định này đều góp phần quan trọng trong việc tăng cường quan hệ thương mại song phương giữa hai nước.
Thương mại hàng hóa của Trung Quốc với CHDCND Triều Tiên, 1995-2006
(Đơn vị triệu USD)
Năm |
Nhập khẩu |
Xuất khẩu |
Tổng thương mại |
1995 |
63,609 |
486,037 |
549,646 |
1996 |
68,638 |
497,014 |
565,652 |
1997 |
121,610 |
534,411 |
656,021 |
1998 |
51,089 |
356,661 |
407,750 |
1999 |
41,722 |
328,634 |
370,356 |
2000 |
37,214 |
450,839 |
488,053 |
2001 |
166,797 |
570,660 |
737,457 |
2002 |
270,863 |
467,309 |
738,172 |
2003 |
395,546 |
627,995 |
1023,541 |
2004 |
582,193 |
794,525 |
1376,718 |
2005 |
496,511 |
1084,723 |
1581,234 |
2006 |
467,718 |
1231,886 |
1699,604 |
Nguồn: Theo số liệu của World Trade Atlas.
3. Đầu tư của Trung Quốc ở CHDCND Triều Tiên
Trước năm 2002, hầu như năm nào cũng có một hoặc hai dự án đầu tư của Trung Quốc ở CHDCND Triều Tiên. Tuy nhiên kể từ năm 2002, sau khi CHDCND Triều Tiên đề ra biện pháp cải cách và mở cửa từ ngày 1 tháng 7 thì môi trường đầu tư tương đối được đẩy mạnh. Trong suốt chuyến thăm Trung Quốc của nhà lãnh đạo Kim Jong-il tháng 4 năm 2004, hai nước đã thoả thuận tăng cường hợp tác kinh tế với nhau; về cơ bản đầu tư của Trung Quốc ở CHDCND Triều Tiên đã tăng (từ 1 triệu USD năm 2003 đã tăng lên 50 triệu USD vào năm 2004). Với việc ký kết “Hiệp định tăng cường bảo hộ đầu tư” tháng 3 năm 2005, thì đầu tư của Trung Quốc vào CHDCND Triều Tiên sẽ tăng mạnh trong tương lai.
Hiện nay đầu tư của Trung Quốc tập trung vào các lĩnh vực như ngành công nghiệp khoáng sản và ngư nghiệp. Trung Quốc tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển các ngành công nghiệp khai khoáng của CHDCND Triều Tiên và CHDCND Triều Tiên trả lại bằng khoáng sản và than đá. Trong chuyến thăm CHDCND Triều Tiên tháng 10 năm 2005, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã tuyên bố kế hoạch mở rộng đầu tư ở CHDCND Triều Tiên. Kế hoạch 5 năm lần thứ 11 về phát triển kinh tế - xã hội của Trung Quốc được bắt đầu từ năm 2006 tập trung vào phát triển 3 tỉnh miền đông bắc và mong muốn góp phần tăng cường đầu tư phát triển nguồn tài nguyên thiên nhiên ở CHDCND Triều Tiên.
Trung Quốc là trụ cột viện trợ kinh tế và là “người bảo vệ” quan trọng nhất đối với Bắc Triều Tiên. 30% lương thực và 88% nhiên liệu của Bắc Triều Tiên hiện nay là dựa vào nhập khẩu từ phía bắc Trung Quốc. CHDCND Triều Tiên không sản xuất được dầu mỏ và than chất lượng cao mà ngành công nghiệp luyện kim cần, hơn nữa, hiện nay lại rất khó khăn về ngoại tệ để mua từ thị trường quốc tế. Hơn một triệu tấn dầu đủ để cho nền kinh tế CHDCND Triều Tiên vận hành ở mức thấp nhất chỉ có thể dựa vào sự viện trợ của Trung Quốc.
Sự viện trợ giữa các nước với nhau không thể không có sự đáp lại. CHDCND Triều Tiên là nước láng giềng của Trung Quốc, trong lịch sử đã có mối quan hệ từng được coi là “môi hở răng lạnh”. Do vậy, CHDCND Triều Tiên không thể không có sự “đáp lại” đối với Trung Quốc; chính sách đối ngoại của CHDCND Triều Tiên cũng cần phải tính tới sự an nguy của ông bạn láng giềng Trung Quốc. Việc CHDCND Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân đã trở thành vấn đề lớn làm ảnh hưởng đến các nước láng giềng, do vậy, các nước không thể không công khai biểu thị thái độ “phi hạt nhân hoá trên Bán đảo Triều Tiên”. Cho dù nhà lãnh đạo Bình Nhưỡng có tỏ thái độ cứng rắn đối với bên ngoài, thì trong lòng họ đã biết rõ rằng khi Mỹ và các đồng minh của Mỹ tiến hành bao vây cấm vận, nếu không có sự viện trợ của Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên sẽ rơi vào cảnh không có lối thoát: “công nghiệp không có máu”, đồng ruộng “không có cây”. Điều này có nghĩa là cho dù có thể chế tạo ra mấy quả bom nguyên tử, CHDCND Triều Tiên cũng không thể tồn tại được.
4. Một số tác động của hợp tác kinh tế Trung - Triều
Những tác động tới hợp tác kinh tế Nam - Bắc Triều Tiên
Trước những năm 1990 CHDCND Triều Tiên đã là một nước lệ thuộc vào Liên Xô cũ. Ngày nay, CHDCND Triều Tiên là một quốc gia lệ thuộc khoảng 50% vào thương mại với Trung Quốc; vẫn thấp hơn mức 53% sự phụ thuộc thương mại của nước này với Liên Xô cũ trong thời gian trước đây. Năm 2005, tổng giá trị thương mại giữa CHDCND Triều Tiên và Trung Quốc đạt 1.580 triệu USD, còn thương mại giữa CHDCND Triều Tiên và Liên Xô cũ năm 1990 đạt 2.223 triệu USD. Ngày nay, CHDCND Triều Tiên ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc đến mức cần thiết và tự nguyện. Tình hình này có thể thay đổi theo sự tiến triển của mối quan hệ CHDCND Triều Tiên với Mỹ, giữa CHDCND Triều Tiên với Nhật Bản hoặc giữa hai miền Nam - CHDCND Triều Tiên.
Thúc đẩy hợp tác kinh tế Trung Quốc – CHDCND Triều Tiên có hàm ý làm suy yếu đòn bẩy của Hàn Quốc đối với CHDCND Triều Tiên. Tuy nhiên, với tình hình kinh tế của CHDCND Triều Tiên hiện nay không những cần có sự giúp đỡ của Trung Quốc mà còn cần có sự hợp tác và hỗ trợ tích cực từ phía Hàn Quốc. Và trên thực tế trong những năm gần đây cũng cho thấy rằng hợp tác kinh tế song phương Nam – CHDCND Triều Tiên cũng đã được mở rộng cho phù hợp. Điều đáng chú ý đó là CHDCND Triều Tiên đã dần thay đổi thái độ của mình để công nhận vai trò của Hàn Quốc trong quá trình giải quyết vấn đề hạt nhân. Sự thay đổi này ngụ ý rằng CHDCND Triều Tiên mong muốn Hàn Quốc đóng vai trò tích cực trong việc bảo đảm Mỹ bằng lòng đối với vị trí của CHDCND Triều Tiên.
Tuy nhiên, sự hợp tác kinh tế ngày càng sâu sắc giữa CHDCNDTriều Tiên và Trung Quốc có thể là những hệ quả tiêu cực trong một thời gian dài về các lĩnh vực tiêu chuẩn hoá công nghiệp khi mà vấn đề thống nhất hai miền Nam – CHDCND Triều Tiên đang được tính đến. Nếu Trung Quốc thay đổi các nhà máy và điều kiện sản xuất theo tiêu chuẩn Trung Quốc trong suốt quá trình hoạt động đầu tư của họ ở CHDCND Triều Tiên thì sự thống nhất bán đảo Hàn có thể phải đối mặt với những vấn đề mâu thuẫn trong cấu trúc và hệ thống công nghiệp. Theo sự thoả thuận hợp tác giữa CHDCND Triều Tiên và Trung Quốc về đầu tư khoáng sản thì trong thời gian dài có thể cản trở sự mở rộng hợp tác kinh tế hai miền Nam – Bắc Triều Tiên.
Tác động đối với đàm phán về vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên
Việc tăng cường hợp tác kinh tế Trung Quốc – CHDCND Triều Tiên là điều đáng được mong đợi để có những tác động tích cực tới tiến trình giải quyết vấn đề hạt nhân. Thế giới nói chung và Trung Quốc nói riêng đều không ủng hộ có vũ khí hạt nhân của Bán đảo Triều Tiên.
Cục diện căng thẳng bấy lâu nay trên Bán đảo Triều Tiên và khu vực Đông Bắc Á là do nhân tố kết cấu Chiến tranh Lạnh đối kháng Mĩ - Triều đưa tới. Sự chia rẽ và xung đột lợi ích giữa hai bên thể hiện rất rõ. Mĩ xuất phát từ góc độ ý thức hệ, lấy vấn đề nhân quyền để gây sức ép với CHDCND Triều Tiên, tìm cách thay đổi tính chất chính quyền CHDCND Triều Tiên, đưa CHDCND Triều Tiên vào quỹ đạo phát triển do Mĩ thiết kế. Chính quyền Bush cho rằng quan hệ Mĩ - Triều sẽ được cải thiện chỉ khi CHDCND Triều Tiên đáp ứng được yêu cầu của Mỹ về vấn đề nhân quyền, không phổ biến vũ khí hạt nhân cũng như giải quyết vấn đề hạt nhân. Còn CHDCND Triều Tiên luôn tỏ ra không tin tưởng Mĩ, cảnh giác trước chính sách “vừa cứng rắn vừa mềm mỏng” của Mĩ, từ đó không muốn vứt bỏ hoàn toàn chương trình hạt nhân. Song qua các vòng đàm phán 6 bên, và đặc biệt phải kể tới với vai trò không nhỏ của Trung Quốc là nước đứng ra tổ chức các cuộc họp từ năm 2003; cuối cùng việc giải quyết vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên đã hé sáng bằng việc CHDCND Triều Tiên đóng cửa lò phản ứng hạt nhân Yongbyon để đổi lấy viện trợ về năng lượng và các quyền lợi ngoại giao. Quan hệ Mĩ - Triều đã dần chuyển từ “đối kháng” sang “tiếp cận”; “tảng băng dày tích luỹ từ nhiều năm nay bắt đầu “dần tan”, sẽ xua tan đám mây đen bao phủ bầu trời Bán đảo Triều Tiên và khu vực Đông Bắc Á.
Tuyên bố chung được đưa ra tại vòng đàm phán 6 bên tổ chức tại Bắc Kinh ngày 13/2/2007 là một thành công đầy ý nghĩa khi các bên liên quan đã thống nhất các biện pháp giải trừ hạt nhân ban đầu, tạo đà để nối lại những cuộc đàm phán hạt nhân tiếp theo. Tuy nhiên, nhiều vấn đề vẫn còn tồn tại trước mắt đó là việc thực hiện những quan điểm mà các bên đã thoả thuận như thế nào trong tương lai. CHDCND Triều Tiên thì cho rằng đầu tiên là vấn đề gây dựng lòng tin, ngược lại Mỹ yêu cầu CHDCND Triều Tiên dỡ bỏ hoàn toàn chương trình phát triển vũ khí hạt nhân trước khi bắt đầu nối lại những cuộc đàm phán.
Đối với Hàn Quốc, mối quan tâm lớn nhất của nước này đó là liệu Trung Quốc có sử dụng ảnh hưởng đang ngày càng tăng của mình đối với CHDCND Triều Tiên để ổn định chương trình hạt nhân và khuyến khích sự cải tổ và chính sách mở cửa của CHDCND Triều Tiên. Trung Quốc không thể đẩy mạnh được sự ổn định vấn đề hạt nhân CHDCND Triều Tiên nếu e ngại rằng điều đó có thể dẫn đến mối quan hệ căng thẳng với nước này. Trong trường hợp Bình Nhưỡng đưa ra lý do hành động đặc biệt như giải quyết vấn đề hạt nhân trước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, rút khỏi sự bảo trợ của Trung Quốc, hay tán thành Phát triển Sáng kiến An ninh thì Bắc Kinh vẫn có những chiêu bài đàm phán khác nhau ngoài đòn bẩy kinh tế.
Thật vậy, với mối quan hệ thân thiện Trung Quốc - CHDCND Triều Tiên hiện nay thì có rất ít cơ hội để Trung Quốc có bất kỳ hành động nào. Trung Quốc quan tâm hơn nữa về địa chính trị và giá trị chiến lược của CHDCND Triều Tiên. Đồng thời, Trung Quốc phải quan tâm tới vị thế của Mỹ, thiếu sự hành động của Trung Quốc có thể tạo cơ hội cho Nhật Bản tự trang bị vũ khí hạt nhân. Bắc Kinh cũng thấy rằng phát triển hạt nhân CHDCND Triều Tiên sẽ gây ra mối quan hệ căng thẳng giữa CHDCND Triều Tiên và Mỹ và đe dọa tới sự ổn định của Trung Quốc và các nước trong khu vực. Do đó, Trung Quốc sẽ phải đóng vai trò trung gian hoà giải hơn nữa cho hoà bình ổn định vấn đề hạt nhân CHDCND Triều Tiên.
CHDCND Triều Tiên không thể trì hoãn nhiệm vụ cải cách và tự do hoá. Trung Quốc không thể tiếp tục là người bảo đảm kinh tế cho CHDCND Triều Tiên mãi mãi. Vì thế, Trung Quốc đã cố gắng thuyết phục CHDCND Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân và tìm kiếm mô hình cải cách và tự do hoá mới.
* *
*
Tóm lại, có thể nhận thấy rằng, cùng với những chuyến thăm cấp cao của các nhà lãnh đạo hai nước và việc tăng cường mối quan hệ hợp tác kinh tế Trung - Triều là đều nhằm mục đích đạt được hiệu quả tích cực trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Mối quan hệ kinh tế giữa hai nước, đặc biệt là sự hỗ trợ của Trung Quốc đối với CHDCND Triều Tiên là một đòn bẩy quan trọng góp phần làm tăng thêm sự thành công trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên. Thách thức chủ yếu trong việc giải quyết hoàn toàn vấn đề này là làm thế nào để thu hẹp hơn nữa khoảng cách giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên. Mối quan hệ này có thể thay đổi theo mức độ tiến triển trong quan hệ giữa CHDCND Triều Tiên và Mỹ, giữa CHDCND Triều Tiên và Nhật Bản, hoặc giữa hai miền Nam - Bắc Triều Tiên.
Về cơ bản tăng cường hợp tác Trung - Triều trong khu vực là điều đáng được mong đợi, nó sẽ giúp cho nền kinh tế CHDCND Triều Tiên đứng vững. Cộng đồng quốc tế đang ngày càng nhận thức được rằng sự ổn định và thịnh vượng của CHDCND Triều Tiên là vô cùng quan trọng đối với Đông Á và khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Trong thế giới ngày nay khi mà các quốc gia đang ngày càng trở nên độc lập với nhau hơn thì sự sụp đổ của bất kỳ quốc gia nào cũng có thể tạo ra sự hỗn loạn không thể tưởng tượng được đối với toàn khu vực. Hy vọng rằng, với sự tài trợ kinh tế của Trung Quốc và cộng đồng quốc tế thì vấn đề phi hạt nhân hoá trên Bán đảo Triều Tiên sẽ sớm được thực hiện và đưa bán đảo này trở thành trung tâm kinh tế của khu vực Đông Bắc Á.
TRẦN THỊ DUYÊN
(Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. PGS.TS. Trình Mưu - TS. Vũ Quang Vinh, “Quan hệ quốc tế những năm đầu thế kỷ 21: vấn đề, sự kiện và quan điểm”, Nxb Lý luận chính trị, 2005
2. The National Institute for Defense Studies Japan, East Asian strategic review 2007.
3. Korea focus, số 1/2006.
4. Tạp chí Nghiên cứu Nhật Bản và Đông Bắc Á, số 5/2003.
5. Các vấn đề quốc tế tháng 3-2003.
6. Tài liệu tham khảo đặc biệt các số năm 2004.
7. Tài liệu tham khảo đặc biệt ngày 12/7/2007
8. Tin kinh tế 10/5/2006
9. Các Website:
http://www.mofa.go.jp;
http://times.hankooki.com
http://www.china.org.cn
http://www.chinapost.com.tw