Mỹ được coi là cha đẻ của ASEAN, cho nên quan hệ của Mỹ với ASEAN được coi là quan hệ truyền thống. Đúng vậy, năm 1965, tổng thống Mỹ Lyndon Johnson lúc đó đã quyết định cung cấp 1 tỉ đôla tín dụng cho các dự án phát triển Đông Nam Á. Chương trình hỗ trợ tín dụng này nằm trong chiến lược gia tăng ảnh hưởng của Mỹ ở Đông Nam Á trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Sự hỗ trợ này như một đòn bẩy kinh tế giúp các nước Đông Nam Á đang thiếu vốn đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa. Về phương diện chính trị, sự trợ giúp này cũng là cách thức mà Mỹ sử dụng để tạo ra mối bang giao thân thiện với các nước ở khu vực này. Dường như có một logic dễ nhận thấy là các nền kinh tế mới công nghiệp hóa ở Đông Nam Á xuất hiện đồng thời với cuộc chiến tranh Đông Dương của Mỹ. Dường như cuộc chiến tranh này đã mang lại những lợi ích nhất định cho họ. Thái Lan và Philipin đã trở thành đồng minh của Mỹ từ những năm 1950. Đồng thời, Mỹ cũng đã xúc tiến các chương trình hợp tác đa phương và tập trận cùng với Singapo, Malaysia và Indônexia trong những năm 1960. Cuộc chiến ở Việt Nam ngày càng gay go và sự hợp tác của Mỹ với các đồng minh Đông Nam Á cũng càng gia tăng. Năm 1967 ASEAN thành lập, Mỹ ủng hộ hiệp hội này ngay từ đầu. Một mô hình liên kết về chính trị và an ninh khu vực được hình thành, những lợi thế về địa chính trị và địa văn hóa đã tạo cơ hội cho các quốc gia ở khu vực này hợp tác chặt chẽ hơn. Chiến tranh Việt Nam kết thúc, khối ASEAN mở rộng, Mỹ tiếp tục ủng hộ khối này với tư cách là một đối tác truyền thống. Các nước này cũng tìm thấy những lợi ích to lớn trong quan hệ với Mỹ, nhất là về phương diện kinh tế và chính trị. Tuy nhiên, bối cảnh quốc tế và khu vực sau Chiến tranh Lạnh đã có nhiều thay đổi; ảnh hưởng của các thế lực lớn ở Đông Á với Đông Nam Á tiếp tục gia tăng và tác động lớn đến quan hệ của Mỹ với ASEAN. Sau đây sẽ xem xét quan hệ của Mỹ - ASEAN trên hai phương diện chủ yếu, kinh tế và chính trị.
1. Các quan hệ kinh tế
Thực tế cho thấy trước khủng hoảng tiền tệ Châu Á (1997-1998), Mỹ và Nhật Bản là hai đối tác chính của ASEAN vẫn tìm cách thể hiện vị thế chi phối với các nền kinh tế ASEAN. Đã có không ít cuộc tranh luận về những lợi ích mà ASEAN có được nhiều hơn trong quan hệ với Mỹ hay với Nhật Bản. Bất chấp các cuộc tranh luận, quan hệ Mỹ - ASEAN, Nhật Bản - ASEAN vẫn cứ tiếp tục, nhưng dường như những lợi thế về địa kinh tế trong quan hệ với các quốc gia ASEAN lại thuộc về Nhật Bản. Nhờ đó, ảnh hưởng của Nhật Bản đối với ASEAN đang ngày càng gia tăng; trong khi đó quan hệ kinh tế của Mỹ với ASEAN đã không như mong đợi, cho dù chính sách kinh tế của Mỹ đối với khối này là rất rõ ràng. Trước năm 1997, thống kê của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy, ASEAN là một thị trường tăng trưởng khá nhanh đối với lĩnh vực dịch vụ từ Mỹ. Thương mại hai chiều giữa Mỹ với ASEAN tăng gấp đôi trong quãng thời gian từ năm 1989-1995. Tuy nhiên, xét về khía cạnh thương mại song phương của ASEAN thì Mỹ chỉ chiếm vị trí thứ hai sau Nhật Bản. Khoảng một thập niên sau đó, 1995-2004, Mỹ luôn thuộc vào 1 trong những đối tác mậu dịch lớn nhất của ASEAN (Nhật Bản, EU, Trung Quốc, Mỹ). Chẳng hạn, năm 2004, Mỹ là đối tác mậu dịch lớn thứ 3, sau Nhật Bản và EU. Còn xuất khẩu hàng hóa,
Bảng 1: 20 loại hàng hóa xuất khẩu từ ASEAN vào Mỹ năm 2004
Mã số |
Loại hàng hóa |
% so với tổng số hàng hóa |
% so với hàng hóa xuất khẩu của ASEAN |
(1) |
(2) |
(3) |
(4) |
776 |
Bán dẫn, vi mạch điện tử các loại |
16,6 |
8,6 |
752 |
Máy dữ liệu tự động |
13,7 |
17,9 |
759 |
Linh kiện và máy văn phòng |
7,1 |
13,0 |
764 |
Thiết bị viễn thông |
5,7 |
12,9 |
842 |
Quần áo phụ nữ |
3,8 |
50,3 |
844 |
Vải sợi thêu ren |
3,8 |
34,2 |
772 |
Rơ le đổi chiều dòng điện và vi mạch điện tử |
2,6 |
51,5 |
841 |
Quần áo nam giới |
2,2 |
9,4 |
821 |
Đồ gỗ |
2,1 |
27,5 |
231 |
Cao su tự nhiên |
2,0 |
17,1 |
843 |
Quần, áo len dành cho nam giới |
1,9 |
13,0 |
037 |
Cá các loại |
1,8 |
43,5 |
761 |
Tivi |
1,7 |
29,9 |
036 |
Rong tảo biển |
1,6 |
17,8 |
773 |
Thiết bị phân phối điện |
1,3 |
15,7 |
851 |
Tất các loại |
1,3 |
20,1 |
763 |
Thiết bị nghe nhìn |
1,3 |
13,5 |
333 |
Dầu thô |
1,2 |
18,5 |
792 |
Máy bay và phụ kiện |
1,2 |
21,1 |
|
20 loại hàng hóa chủ yếu |
73,0 |
|
|
Toàn bộ hàng hóa |
100,0 |
|
Nguồn: ASEAN Trade Statistics Database; năm 2006
Mỹ giữ vị trí thứ 4, sau Nhật Bản, Trung Quốc, EU. Trong năm này, xuất khẩu của Mỹ chiếm 9,3% tổng xuất khẩu của ASEAN và 8% tổng nhập khẩu của khối này (1).
Thâm hụt thương mại của Mỹ với ASEAN là 25 tỉ Đôla, so với 100 tỉ đôla với khu vực Đông Bắc Á. Nguyên nhân của hiện tượng này được lý giải từ 3 lý do chính sau đây: Thứ nhất, hàng hóa của ASEAN xuất khẩu sang thị trường Mỹ gia tăng mà thực chất là do các công ti con của các công ti đa quốc gia đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông tiến hành; tức là hàng hóa do các công ti này sản xuất này tại nước thứ 3 sau đó xuất vào thị trường Mỹ (thường là từ các nước Malaysia, Singapo, Thái Lan, Indonexia). Thứ hai, những rào cản mậu dịch và phi mậu dịch mà các nước ASEAN thực thi cũng góp phần hạn chế hàng công nghiệp và hàng nông sản của Mỹ xuất khẩu vào thị trường này. Và thứ 3 là do sự gia tăng của mậu dịch nội khối; sự gia tăng này tự nó đáp ứng dần dần nhu cầu nhập khẩu các loại hàng hóa tương tự từ bên ngoài và điều này đã gây tác động tiêu cực đến thị trường hàng hóa xuất khẩu của Mỹ. Cuộc khủng hoảng tiền tệ Châu Á 1997-1998 cũng tác động xấu tới xuất khẩu của Mỹ vào thị trường các nước ASEAN. Và đây cũng được coi là nguyên nhân làm cho thâm hụt mậu dịch của Mỹ với ASEAN tăng cao, làm giảm tỉ trọng xuất, nhập khẩu giữa Mỹ và các nước ASEAN. Điều lưu ý là những bất lợi thế về địa kinh tế giữa Mỹ và ASEAN cũng như sức cạnh tranh của hàng hóa Mỹ và hàng hóa có xuất xứ từ Nhật Bản và Trung Quốc được coi là nguyên nhân chính của tình hình này. Tuy nhiên, xu hướng gia tăng mậu dịch nội khối là điều không thể bỏ qua. Trong những năm tới, một khi AFTA được xúc tiến mạnh thì cơ hội mở rộng thị trường ASEAN cho hàng hóa từ bên ngoài nhập vào thị trường này chắc chắn sẽ bị hạn chế. Và điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới xuất khẩu hàng hóa từ Mỹ vào thị trường ASEAN.
Mỹ vẫn được coi là một trong những nước tài trợ ODA hàng đầu thế giới chỉ sau Nhật Bản và EU. Từ nhiều thập kỷ nay, ODA của Mỹ cho các nước ASEAN, đặc biệt là ASEAN 6 đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của các nước này. Tuy nhiên, trong gần một thập kỷ qua (1995-2004), tài trợ ODA của Mỹ cho ASEAN đã giảm xuống từ 10% còn 5%, trong khi đó ODA của Nhật Bản cho khối này tăng từ 45 đến 67%. Chỉ số này cho thấy vị trí chủ đạo trong tài trợ ODA của Mỹ cho khu vực này đã nhường lại cho Nhật Bản. Cũng giống như Nhật Bản, tài trợ của Mỹ cho ASEAN tập trung vào các lĩnh vực cơ bản như phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải, xóa đói giảm nghèo, phát triển nông nghiệp nông thôn, y tế và bảo vệ môi trường.
Thực tế cho thấy, Philipin, Inđônêxia là những nước nhận được nhiều ODA từ Mỹ. Do quan hệ đặc biệt của những nước này với Mỹ, cho nên sự ưu tiên đó là đương nhiên. Gần đây, Campuchia, Việt Nam là những nước có sự ưu tiên trong chính sách ODA của họ. Gần đây nhất, trong nửa đầu năm 2007, quốc hội Mỹ đã quyết định tài trợ 3 triệu đôla cho Việt Nam nhằm giải quyết vấn đề nạn nhân chất độc da cam. Trong 5 năm trở lại đây, Mỹ giành trung bình 15 triệu đôla hàng năm trong ngân quỹ tài trợ ODA cho Việt Nam. Tuy nhiên, đó vẫn là một con số bé nhỏ nhưng nó có thể khởi động một chiều hướng mới trong chính sách ODA của Mỹ đối với ASEAN thời kỳ sau sự kiện khủng bố 11/9/2001. Một số chuyên gia Mỹ cho rằng, sự thịnh vượng của một số quốc gia ASEAN cộng với việc Chiến tranh Lạnh chấm dứt là những nhân tố tác động làm giảm luồng ODA của Mỹ vào khu vực này. Công bằng mà xét, ý kiến đó là có căn cứ song phân tích chi tiết hơn, chúng ta thấy, Chiến tranh Lạnh chấm dứt đặc biệt là tình hình thế giới sau sự kiện 11/9 đã buộc họ điều chỉnh chiến lược toàn cầu, ở đó chính sách ODA được điều chỉnh cho phù hợp với chiến lược đối ngoại và lợi ích của Mỹ. Ba khu vực được Mỹ quan tâm nhiều hơn đó là, Châu Phi, Trung Đông, Mỹ La Tinh. Các khu vực này càng trở nên quan trọng đối với Mỹ xét trên tất cả các phương diện, vì vậy, sự dịch chuyển chính sách ODA của Mỹ từ Châu Á tới các vùng này cũng là điều hiển nhiên.
Trong một thập niên gần đây, Mỹ vẫn là một trong số 10 nhà đầu tư hàng đầu tại ASEAN. Những lợi thế của Mỹ trong các lĩnh vực công nghệ cao như chế tạo máy, sản phẩm linh kiện máy vi tính, điện tử, ô tô…. được phát huy tại thị trường các nước ASEAN. Mỹ là quốc gia được ASEAN kỳ vọng về vốn và khả năng quản lý. Hơn 100 công ti đa quốc gia (MNCs) như Boing, Ford, GE, Microsoft, Dell… đã có chi nhánh tại đây. Các sản phẩm do các công ti này sản xuất một phần được tiêu thụ tại thị trường ASEAN và một phần được tái xuất khẩu sang thị trường Mỹ và các nước khác. Ba nước Malaysia, Singapo và Thái Lan được coi là những nước nhận được nguồn vốn FDI nhiều hơn cả. Người ta còn nhớ, cuộc khủng hoảng tiền tệ Châu Á nổ ra năm 1997-1998 đã làm cho luồng FDI vào các nước ASEAN giảm sút nghiêm trọng, trong đó có FDI từ Mỹ. Sự giảm sút này kéo dài một số năm sau đó và mãi cho tới năm 2004 mới thấy có dấu hiệu tăng trưởng tích cực; tức là cho tới năm 2004 tổng vốn FDI của Mỹ vào ASEAN mới vượt mức năm 1995. Tuy nhiên, ngay sau khủng hoảng các nhà đầu tư Mỹ trở thành những đối tác quan trọng của ASEAN và Đông Á thông qua hoạt động mua bán công ti. Trong vòng chưa đầy 1 năm ngay sau khủng hoảng, có tới 12 tỉ đôla được thực hiện thông qua mua bán công ti (acquisions), trong số đó Mỹ chiếm ¾.
Bảng sau đây cho chúng ta một bức tranh khái quát về FDI của Mỹ vào ASEAN.
Bảng 2: 20 loại hàng hóa nhập khẩu chủ yếu của ASEAN từ Mỹ năm 2004
Mã số |
Loại hàng hóa |
% so với tổng số hàng hóa |
% so với hàng hóa nhập khẩu của ASEAN |
(1) |
(2) |
(3) |
(4) |
776 |
Thiết bị bán dẫn, van dẫn khí… |
27,2 |
12,0 |
792 |
Máy bay và phụ kiện |
6,9 |
39,9 |
759 |
Thiết bị văn phòng và máy dữ liệu tự động |
4,6 |
7,7 |
874 |
Thiết bị đo lường, phân tích, kiểm soát |
4,0 |
23,2 |
744 |
Thiết bị cơ khí |
3,0 |
29,5 |
723 |
Thiết bị máy phi quân sự |
2,8 |
15,5 |
714 |
Động cơ và thiết bị máy |
2,5 |
36,5 |
772 |
Rơ le đổi chiều dòng điện và vi mạch điện tử |
2,1 |
6,9 |
778 |
Thiết bị điện |
1,8 |
7,6 |
752 |
Máy dữ liệu tự động |
1,4 |
5,9 |
898 |
Thiết bị âm nhạc và nghe nhìn |
1,4 |
27,0 |
222 |
Các loại hạt có dầu và dầu thực vật |
1,3 |
38,5 |
589 |
Các sản phẩm hóa chất |
1,2 |
13,6 |
764 |
Trang thiết bị viễn thông |
1,2 |
2,5 |
334 |
Dầu lửa và các sản phẩm hóa dầu |
1,2 |
1,7 |
743 |
Máy nén khí các loại, quạt |
1,2 |
14,5 |
263 |
Sợi bông |
1,1 |
28,4 |
597 |
Thiết bị khai khoáng |
1,0 |
37,7 |
575 |
Chất dẻo các loại |
0,9 |
10,8 |
041 |
Lúa mì và các loại hạt không xay |
0,8 |
17,5 |
|
20 loại hàng hóa chủ yếu |
67,5 |
|
|
Toàn bộ hàng hóa |
100,0 |
|
Nguồn: ASEAN Trade Statistics Database; năm 2006
Bảng 3: FDI từ Mỹ vào các nước ASEAN
Đơn vị tinh: Triệu$ Mỹ.
Nước |
1995 |
2002 |
2003 |
2004 |
1995 – 2004 |
Brunei |
16 |
0 |
0 |
0 |
58 |
Campuchia |
- |
7 |
0 |
3 |
11 |
Indonexia |
550 |
-354 |
-52 |
-208 |
1982 |
Lào |
0 |
1 |
1 |
0 |
4 |
Malaysia |
1336 |
819 |
634 |
638 |
10840 |
Myanma |
30 |
91 |
0 |
0 |
406 |
Philipin |
77 |
106 |
-55 |
90 |
2968 |
Singapo |
2002 |
113 |
990 |
4495 |
25740 |
Thái Lan |
260 |
-239 |
-176 |
-27 |
3627 |
Việt Nam |
47 |
39 |
54 |
60 |
613 |
ASEAN |
4318 |
358 |
1395 |
5052 |
42285 |
Nguồn: ASEAN Secretarial - ASEAN FDI Database, 2005
Có thể nói rằng, quan hệ kinh tế của Mỹ với ASEAN vẫn tiếp tục, đặc biệt là trên ba phương diện thương mại, ODA và FDI. Tuy nhiên, tốc độ tăng không diễn biến như ASEAN mong muốn. Thậm chí có người ví quan hệ kinh tế giữa Mỹ với ASEAN diễn ra theo chiều hướng: từ triển vọng đến khó khăn. Lí giải cho tình hình này được người ta thừa nhận như đã đề cập ở phận quan hệ thương mại. Tuy nhiên, xét tổng thể thì Mỹ luôn là một trong 5 thị trường lớn nhất về thương mại, một trong 10 nhà đầu tư hàng đầu trong số ít nhà tài trợ chính cho ASEAN. Nếu xét ở góc độ cạnh tranh thì Nhật Bản, Trung Quốc và các NIES Châu Á đang mở rộng ảnh hưởng của họ ở ASEAN và đây cũng là một nguyên nhân làm giảm vai trò kinh tế của Mỹ ở ASEAN.
2. Quan hệ chính trị - an ninh
Thời kỳ sau Chiến tranh Lạnh mở ra một trang mới trong quan hệ chính trị - an ninh giữa Mỹ với ASEAN. Trong mối quan hệ này, một mặt, ASEAN vẫn tiếp tục mục tiêu tạo ra thế cân bằng ảnh hưởng giữa các thế lực Mỹ - Trung Quốc - Nhật Bản trong khu vực cho nên họ ủng hộ chính sách của Mỹ ở Đông Á - Thái Bình Dương, đồng thời xúc tiến các chương trình hợp tác an ninh song phương và ủng hộ sự có mặt của Mỹ ở đây. Mặt khác, bối cảnh khu vực sau Chiến tranh Lạnh tạo cơ hội cho môi trường an ninh Đông Nam Á, ở đó song hành với gia tăng hợp tác kinh tế nội khối là hợp tác chính trị, an ninh và văn hóa. Dường như ASEAN muốn tự thể hiện vai trò của mình, muốn giảm thiểu ảnh hưởng của Mỹ và điều này đã có lúc gây bất đồng giữa Mỹ với ASEAN. Chẳng hạn, năm 1994, các nước Thái Lan, Philipin, Malaysia, Inđônêxia đã từ chối yêu cầu của Mỹ về việc Mỹ có thể đặt căn cứ quân sự trên biển của các nước này. Một năm sau đó, Washington đã không ủng hộ hiệp ước phi hạt nhân Đông Nam Á của ASEAN. Đây là một hành động trả đũa của Mỹ mà thôi. Việc đóng cửa 2 căn cứ của Mỹ ở Philipin là Clack và Subic theo yêu cầu của quốc hội nước này và di chuyển đến Singapo cho thấy sự do dự của các quốc gia ASEAN trong hợp tác an ninh với Mỹ thời kỳ đó.
Trên một góc độ nào đấy có thể nói, sự do dự của ASEAN và tình hình an ninh Đông Á sau Chiến tranh Lạnh đã tác động tới chính sách của Mỹ buộc Mỹ phải điều chỉnh chính sách của Mỹ đối với khu vực này. Như đã đề cập ở trên, thời kỳ trước Clinton, việc giảm bớt sự hiện diện của Mỹ ở khu vực được đặt ra, song làm như thế lợi ích của Mỹ và an ninh Đông Á sẽ bị phương hại, nhất là sẽ phá vỡ thế cân bằng quân sự ở Đông Á - Thái Bình Dương. Bởi vậy, chính quyền Clinton đã thực hiện một bước điều chỉnh quyết định đó là giữ mức 10.000 quân đồn trú ở Đông Á - Thái Bình Dương và quyết định này cũng ảnh hưởng tới quan hệ Mỹ - ASEAN theo chiều hướng tích cực hơn. Cho dù chính quyền Clinton khuyến khích phát triển kinh tế kết hợp cải thiện các vấn đề dân chủ và nhân quyền ở khu vực này và một vài nước ASEAN không đồng thuận song có lẽ những lợi ích an ninh mà họ có được trong quan hệ với Mỹ nhờ duy trì thế cân bằng quyền lực với các thế lực lớn như Trung Quốc và Nhật Bản đã thúc đẩy hai phía tiếp tục thúc đẩy cải thiện các quan hệ chính trị an ninh. Mỹ ủng hộ và tham gia tích cực vào diễn đàn an ninh Đông Á và coi đây như là phương thức quan trọng nhằm tìm kiếm tiếng nói chung trong hợp tác an ninh Đông Á và nhất là với Đông Nam Á. Dưới thời chính quyền Bush, hợp tác chính trị an ninh giữa Mỹ với ASEAN được đẩy mạnh theo hướng kết hợp giải quyết các vấn đề song phương và đa phương. Một mặt, Mỹ xúc tiến các cuộc tiếp xúc quân sự song phương với các nước thành viên có quan hệ truyền thống với Mỹ và hỗ trợ này trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố. Ở phương diện này, hợp tác quân sự được triển khai theo cách thức trực tiếp tư vấn hoặc cùng tham chiến. Chẳng hạn, Mỹ gửi quân giúp Philipin trấn áp các phần tử khủng bố hồi giáo cực đoan, giúp Inđônêxia trong vấn đề tái lập hòa bình ở Đôngtimo; mặt khác triển khai các quan hệ chính trị an ninh với các nước thành viên mới của ASEAN, trong đó Việt Nam là một đối tác được chú ý. Các cuộc viếng thăm của các quan chức quân sự cao cấp của Mỹ và Việt Nam diễn ra trong thời gian gần đây là những thí dụ nổi bật. Có người cho rằng, gia tăng quan hệ quân sự Mỹ - Việt là Mỹ nhằm xác lập một cân bằng mới trong quan hệ của Mỹ - ASEAN và Trung Quốc. Ở phương diện đa phương, vai trò của Mỹ trở nên tích cực hơn. Có hai nguyên nhân thúc đẩy chính sách này của Mỹ ở Đông Á và Đông Nam Á; đó là tình hình thế giới và khu vực bất ổn sau sự kiện 11/9 và sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Đông Nam Á. Bởi vậy, cách tiếp cận đa phương đựơc Mỹ chú trọng thông qua diễn đàn ARF được tăng cường.
Đáng chú ý là, tháng 8 năm 2004, Tổng thống Mỹ George W.Bush đã công bố kế hoạch cơ cấu lại quân đội Mỹ ở nước ngoài nhằm triển khai lực lượng đối phó với chủ nghĩa khủng bố và sự bất ổn của an ninh khu vực. Mỹ dự tính tăng cường tập trận với các nước ASEAN, mở rộng và triển khai quân ở những nước này trong trường hợp khẩn, đề cao vai trò của các liên minh song phương truyền thống với Mỹ và phân bố lại sự hiện diện quân sự và cơ chế hợp tác với các đồng minh thân cận nhất như Nhật Bản và Hàn Quốc.
A.Blair, Tư lệnh Lục quân Thái Bình Dương của Mỹ nói rằng Mỹ “phát triển cách tiếp cận khu vực, đa phương nhằm đối phó với những thách thức an ninh chung”, ông lưu ý các vấn đề xuyên quốc gia như khủng bố, buôn lậu ma tuý, cướp biển và phổ biến WMD đang gia tăng nguy cơ và để đối phó hiệu quả cần có sự phối hợp chính sách đa phương bao nhất là về hợp tác quân sự ở Đông Á. Vì vậy, chiến lược của Mỹ là ủng hộ khả năng tự chủ của các nước Đông Nam Á nói riêng và Đông Á nói chung trong hợp tác quân sự. Trên cơ sở đó tận dụng sự hội tụ chiến lược của hợp tác đa phương đặc biệt là hợp tác Mỹ - Nhật - Hàn Quốc, ASEAN +3, và đối thoại ARF. Đồng thời củng cố các liên minh song phương với Singgapo, Inđônêxia và Thái Lan. Tại hội nghị ASEAN+3 tháng 1/2004, các bộ trưởng tham gia tìm cách thể chế hoá nỗ lực của họ trong lĩnh vực này, và coi việc phối hợp chính sách với Mỹ là cần thiết để cải thiện hiệu quả của những nỗ lực trên.
Có thể nói rằng chưa bao giờ người ta nhận ra sự cần thiết phải thực hiện các nỗ lực liên minh và hợp tác đa phương ở khu vực này như hiện nay. Một số nhà bình luận ở các nước ASEAN cho rằng những tiến bộ đạt được trong việc mở rộng mạng lưới liên minh do Mỹ lãnh đạo kể từ cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 làm bùng lên ý thức về khủng hoảng có thể diễn ra từ mối đe doạ khủng bố và khả năng WMD rơi vào tay những kẻ khủng bố. Hợp tác Mỹ - ASEAN trong lĩnh vực này được đặt trọng chiến lược chung của Mỹ ở Đông Á - Thái Bình Dương. Tháng 5/2003, Tổng thống Bush đề xuất kế hoạch ngăn ngừa khả năng này mang tên PSI. Đây là kế hoạch nhằm tạo sự phối hợp chính sách và hành động tập thể giữa các nước tham gia. Những mục tiêu của kế hoạch là: (a) tiến hành các chương trình đào tạo để nâng cao khả năng của các nước tham gia trong việc ngăn chặn chung và dừng việc vận chuyển và phổ biến WMD; (b) chia sẻ thông tin giữa các đối tác và (c) xem xét những bước đi thực tế chống lại sự gia tăng WMD trong khuôn khổ luật pháp quốc gia và quốc tế hiện hành của mỗi nước tham gia. Tháng 9/2003, các nguyên tắc của kế hoạch PSI đã được thừa nhận dưới tiền đề "Tuyên bố về các nguyên tắc ngăn chặn", và một cuộc tập tập trận chung mang tên "người bảo vệ Thái Bình Dương" tiến hành vào giữa tháng 9/2003 ngoài bờ biển Ôtxtrâylia với sự tham gia của các lực lượng liên quân Mỹ, Nhật, Ôtxtrâylia, Pháp… Sự phối hợp chính sách đa phương và hành động chung như vậy dựa trên các liên minh với Mỹ nhằm tạo ra mối liên hệ có hiệu quả trong ngăn chặn khủng bố và cũng là một phương thức nhằm tăng cường các quan hệ song phương. Cuối tháng 5/2004, Chính phủ Nga bày tỏ ý định tham gia kế hoạch PSI và gửi quan sát viên đến cuộc tập trận ngăn chặn trên biển với tên gọi là "Đội Samurai 04" tổ chức ở Vịnh Sayami và cảng Yokosuka, Nhật Bản vào cuối tháng 10 cùng năm. Hành động này của Nga cho thấy, họ bắt đầu quan tâm tới hợp tác đa phương trong lĩnh vực quân sự ở Đông Á - Thái Bình Dương , trong đó có ASEAN.
Tuy nhiên, những khác biệt về các biện pháp chống khủng bố và cướp biển vẫn tồn tại giữa các nước ASEAN và Mỹ. Đầu năm 2004, Mỹ bày tỏ với các nước ASEAN ý định của họ muốn cùng các nước này tham gia các đội tuần tra trên biển ở eo biển Malacca với Xingapo. Coi đây là một biện pháp chống khủng bố trên biển trong khu vực. Bộ trưởng Quốc phòng Xingapo lúc đó thừa nhận rằng việc bảo vệ an toàn trên biển chống lại chủ nghĩa khủng bố là một nhiệm vụ căng thẳng và phức tạp và giải thích với các nước trong khu vực sự cần thiết phải tăng cường hợp tác từ Hải quân Mỹ. Tuy nhiên, Malaixia và Inđônêxia phản đối ý tưởng này. Tháng 7 cùng năm, Hải quân Inđônêxia tuyên bố sẽ tham gia tuần tra trên biển phối hợp chung với Xingapo trong tháng và bác bỏ ý tưởng tham gia tuần tra do Mỹ chỉ huy.
Có những khác biệt giữa các nước ASEAN về hợp tác với hải quân Mỹ trong các vùng lãnh thổ nước này và điều này lại có thêm lý do cần có đối thoại để cuối cùng hướng đến liên minh với Mỹ và hợp tác đa phương ở Đông Á. Tại diễn đàn ARF lần thứ 10 tổ chức vào tháng 6/2003, Ngoại trưởng Trung Quốc Lý Triệu Tinh đề xuất một Hội nghị chính sách an ninh (ASPC) thuộc ARF. Đây là đề xuất đầu tiên mà Trung Quốc từng đưa ra để hình thành một diễn đàn an ninh đa phương trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương trong đó các thứ trưởng quốc phòng cũng như quan chức ngoại giao của các nước trong khu vực tham gia. Theo đề xuất này, tại cuộc gặp bộ trưởng ARF tháng 7/2004, người ta quyết định thành lập ASPC và tổ chức cuộc gặp đầu tiên của ASPC ở Bắc Kinh vào ngày 4-6/11 cùng năm. Tại cuộc gặp đó, các bên tham gia thảo luận tình hình an ninh khu vực, quốc tế và vai trò của lực lượng quốc phòng các nước trong việc chống lại các mối đe doạ an ninh phi truyền thống như khủng bố và buôn lậu ma tuý. Người ta cho rằng thái độ tích cực của Trung Quốc trong tiến trình tạo ra ASPC liên quan đến tính toán địa chính trị của nước này trong quan hệ với Đông Á để kiềm chế sự hiện diện của Mỹ trong khu vực; Chẳng hạn, Phó Tổng tham mưu trưởng Xiong Guang Kai, người lãnh đạo phái đoàn Trung Quốc, chỉ ra sự hiện diện của "chính trị học cường quốc" trong khu vực, là cách nói ám chi về vấn đề này. Và tờ Nhật báo PLA, cơ quan ngôn luận của Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc cũng biểu thị sự cẩn trọng với chủ nghĩa đơn phương Mỹ trong bài báo xuất bản sau ngày bế mạc cuộc gặp dầu tiên của ASPC, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết phải quan sát các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và tầm quan trọng của hợp tác quốc tế. Tuy nhiên, vượt qua quan điểm này, các phái đoàn tham gia cuộc gặp ASPC về cơ bản đồng ý đẩy mạnh hợp tác trong việc chống lại những mối đe doạ an ninh phi truyền thống như khủng bố và bệnh dịch.
Có thể nói rằng, bối cảnh quốc tế mới đã tạo cơ hội mới cho Mỹ gia tăng ảnh hưởng đối với ASEAN bất chấp những vướng mắc nhất thời nào đó bởi cả Mỹ và ASEAN đều cần đến nhau. Cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố và gia tăng ảnh hưởng của các thế lực lớn, nhất là Trung Quốc và Nhật Bản ở khu vực này được coi là lý do chính tạo động lực cho Mỹ điều chỉnh chính sách của họ đối với ASEAN. Cho dù, đã có lúc người ta nhìn thấy sự lạm dụng “khái niệm” đấu tranh chống khủng bố để Mỹ thực thi một mưu đồ nào đó, song công bằng mà nói, nếu thiếu đi vai trò chủ động và sức mạnh của Mỹ thì cuộc đấu tranh này sẽ rất cam go. Điều cần nhấn mạnh là, quan hệ Mỹ - ASEAN nhất là trên phương diện kinh tế có bị giảm sút về lượng nhưng tính chất của mối quan hệ này vẫn không thay đổi bởi vì ASEAN luôn là một bộ phận quan trọng trong chiến lược Châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ và ASEAN vẫn coi Mỹ là một nhân tố không thể thiếu trong thế cân bằng ảnh hưởng của các thế lực lớn tại khu vực này.
PGS. TS. NGÔ XUÂN BÌNH
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Shale Horowitz, Uk Heo, Alexader C. Tan, (eds.,), (2007), Identity and Change in East Asian Conflicts: the Cases of China, Taiwan, and the Koreas, New York; Palgrave Macmillan.
2. Jonathan D. Pollack, (ed.), (2007), Korea: the East Asian Pivot, Naval War College Press.
3. Linus Hagstrom and Marie Soderberg, (eds.,), (2006), North Korea Policy: Japan and the Great Powers, New York: Routledge.
4. Maharajakrishna Rasgotra, (ed.,), (2007), The New Asian Power Dynamic, New Dlhi: Observer Researche Foudation.
5. Daniel A. Bell, (2006), Beyond Liberal Democracy: Political Thinking for an Asian Context, Princeton, N.J.: Princeton University Press.
6. Mark Beeson, (2006), Bush and Asia: America’s Evolving Relations with East Asia, New York: Routledge.
7. C. Randall Henning, (2002), East Asian Finacial Cooperation, Washington, DC: Institute for International Economics.
8. Ted Osius, (2002), The U.S. - Japan Security Alliance: Why it matters and How to Strengthen It, Westport, Conn.: Praeger.
9. Gordon H. Chang, (ed.,), (2001), Asian Americans and Politics: Perspectives, Experiences, Prospects, Washington D.C.: Woodrow Wilson Center Press.
10. Michael Wesley, (ed.,), (2007), Energy Security in Asia, New York, NY: Roulege.
11. Và các tài liệu do tác giả thu thập được trong thời gian nghiên cứu tại Hoa Kỳ với sự tài trợ của quỹ Fulbright, 2007.