TRIỂN VỌNG KINH TẾ NHẬT BẢN TRONG THẬP NIÊN ĐẦU THẾ KỶ XXI
Tác giả: Dương Phú Hiệp chủ biên
Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 2001, 279 trang
Kí hiệu: Vv970
Để dự báo triển vọng của nền kinh tế Nhật Bản, không có cách nào khác là phải đặt nền kinh tế này trong sự vận động và phát triển, cụ thể là phải xem xét nền kinh tế Nhật Bản trải qua những giai đoạn nào, hiện nay thực trạng của nó ra sao, trên cơ sở đó chỉ có thể dự báo triển vọng của nó trên những nét cơ bản.
Khi đề cập đến bất kỳ một nền kinh tế quốc gia nào hiện nay cũng không thể đặt nó ngoài sự tác động của các yếu tốc quốc tế. Vì vậy, trước khi bàn về triển vọng của nền kinh tế Nhật Bản, nhóm tác giả có dành một phần trong công trình phân tích một số yếu tố quốc tế quan trọng ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế Nhật Bản trong thời gian tới.
Theo cách tiếp cận như vậy, nhóm tác giả đi đến dự báo triển vọng của nền kinh tế Nhật Bản và cho xuất bản cuốn sách “Triển vọng kinh tế Nhật Bản trong thập niên đầu thế kỷ XXI”. Nội dung cuốn sách gồm 5 chương như sau:
Chương I: Nhìn lại nền kinh tế Nhật Bản trong thập niên 90 của thế kỷ XX. Trong chương này, tác giả trình bày về động thái chung của nền kinh tế Nhật Bản trong những năm 90 là sự phát triển không ổn định và nêu nguyên nhân của thực trạng phát triển không ổn định của nền kinh tế Nhật Bản. Những chính sách điều tiết kinh tế vĩ mô của Chính phủ Nhật Bản.
Chương II: Những yếu tố ảnh hưởng đến kinh tế Nhật Bản trong thập niên đầu thế kỷ XXI. Trong đó có kể đến các yếu tố bên ngoài và những yếu tố bên trong tác động đến kinh tế Nhật Bản trong thập niên đầu thế kỷ XXI.
Chương III: Chuyển đổi cơ cấu kinh tế Nhật Bản trong thập niên đầu thế kỷ XXI. Ở đây tác giả đề cập đến tính cấp thiết của việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế; vấn đề chuyển đổi cơ cấu kinh tế vùng và khu vực; chuyển đổi cơ cấu kinh tế ngành; và cải cách doanh nghiệp.
Chương IV: Một số xu hướng chủ yếu của việc đổi mới hệ thống tài chính – tiền tệ ở Nhật Bản trong thập niên đầu thế kỷ XXI. Trong đó tác giả đề cập đến các yếu tố thúc đẩy việc đổi mới hệ thống tài chính – tiền tệ và một số xu hướng đổi mới hệ thống tài chính – tiền tệ.
Chương V: Kinh tế đối ngoại Nhật Bản trong thập niên đầu thế kỷ XXI. Trong chương này, tác giả tập trung phân tích chiến lược phát triển kinh tế đối ngoại của Nhật Bản trong thập niên đầu thế kỷ XXI; những xu hướng chủ yếu của kinh tế đối ngoại Nhật Bản trong thập niên đầu của thế kỷ XXI.
Qua những nội dung ở trên có thể thấy được, tác giả đã phân tích thực trạng của nền kinh tế Nhật Bản trong 10 năm qua, vạch ra nguyên nhân dẫn tới suy thoái kinh tế và những chính sách điều tiết kinh tế vĩ mô của Chính phủ Nhật Bản nhằm đưa nền kinh tế thoát khỏi suy thoái. Trên cơ sở phân tích thực trạng kinh tế và các yếu tố bên trong, bên ngoài ảnh hưởng đến nền kinh tế Nhật Bản, tập thể tác giả đã trình bày một số xu hướng chính về chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đổi mới hệ thống tài chính – tiền tệ và những xu thế chủ yếu của kinh tế đối ngoại. Đó cũng chính là những dự báo một số nét chính về triển vọng của nền kinh tế Nhật Bản trong 10 năm tới và ý nghĩa của nó đối với khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, đối với quan hệ Việt Nam – Nhật Bản. Cuốn sách là tài liệu vô cùng bổ ích cho bạn đọc khi nghiên cứu về kinh tế Nhật Bản.
Thực hiện: Hà Hậu