Trang chủ

XÁC LẬP VAI TRÒ AN NINH CHÍNH TRỊ CỦA NHẬT BẢN Ở ĐÔNG NAM Á TRONG THẬP NIÊN ĐẦU THỜI KÌ SAU CHIẾN TRANH LẠNH

Đăng ngày: 17-04-2012, 10:20 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2007 » Số 5

Do được thiên nhiên ưu đãi vị trí địa – chính trị thuận lợi, Đông Nam Á luôn là khu vực tranh giành ảnh hưởng của các thế lực chính trị lớn. Trong thời kì Chiến tranh Lạnh, Đông Nam Á luôn là nơi hội tụ đầy đủ các mâu thuẫn của thời đại, là địa bàn gánh chịu hậu quả cuộc đụng đầu của hai hệ tư tưởng, chính trị khác nhau. Có thể kể ra các thế lực chính trị lớn liên quan trực tiếp tới các lĩnh vực kinh tế, chính trị, an ninh của khu vực này là Mỹ, Liên Xô (cũ), Nhật Bản, Trung Quốc và phần nào đó còn có các nước trong cộng đồng Châu Âu (EU). Tuỳ thuộc vào mục đích và thực lực mà mỗi thế lực chính trị thường theo đuổi một mục đích lớn. Trong đó, Liên Xô và Trung Quốc phần lớn liên quan đến các vấn đề chính trị, an ninh; Nhật Bản chủ yếu liên quan đến các vấn đề kinh tế; duy nhất chỉ có Mỹ hầu như dính líu tới tất cả các vấn đề của khu vực. Hơn thế, Mỹ còn đóng vai trò xung kích, tạo ra chiếc ô đảm bảo an ninh cho các đồng minh, lôi kéo họ tham gia vào cán cân quyền lực của khu vực.

Trong các cường quốc có mối liên hệ với khu vực này, Nhật Bản là nước có mối liên hệ lợi ích đặc biệt với các quốc gia Đông Nam Á. Do vậy, Nhật Bản chưa bao giờ rời bỏ ý tưởng đóng một vai trò quan trọng đối với khu vực Đông Nam Á. Trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, Nhật Bản đã từng chiếm đóng Đông Nam Á bằng sức mạnh quân sự nhưng buộc phải rời bỏ khu vực này do bại trận trong cuộc chiến tranh đó. Sau chiến tranh, Nhật Bản trở lại với các nước Đông Nam Á bằng con đường “ngoại giao kinh tế” và thực hiện nhất quán chính sách này trong một thời gian dài.

Chiến tranh Lạnh kết thúc đã làm thay đổi môi trường chiến lược ở Đông Nam Á cụ thể như: Liên Xô sụp đổ đã kéo theo sự triệt tiêu nguy cơ đối đầu giữa hai khối Đông – Tây; Mỹ có sự điều chỉnh lớn trong chính sách Châu Á- Thái Bình Dương, giảm dần sự hiện diện quân sự trong khu vực; các nước ASEAN đã đạt được tốc độ phát triển kinh tế cao, sự gắn kết các quốc gia thành viên trong Hiệp hội ngày càng chặt chẽ, các vấn đề về hợp tác an ninh, chính trị không còn là điều né tránh trong các cuộc họp của ASEAN; điểm nóng Campuchia đã được giải quyết ổn thoả bằng một giải pháp chính trị; quan hệ Đông Dương – ASEAN được khôi phục và đang trên đà phát triển nhanh chóng, tạo ra bầu không khí hoà bình, hữu nghị và hợp tác trong khu vực.

Tuy nhiên, Đông Nam Á vẫn chứa đựng trong nó nhiều nguy cơ có thể là nguyên nhân bùng nổ sự bất ổn định. Đó là những mâu thuẫn tôn giáo, sắc tộc, chiến tranh li khai, việc chạy đua gia tăng tiềm lực quân sự của các nước ASEAN, những tranh chấp ở biển Đông… Đặc biệt là sự gia tăng nhanh chóng ảnh hưởng của các cường quốc bên ngoài nhằm lấp “khoảng trống quyền lực” do Mỹ và Liên Xô để lại. Như vậy, một khi trật tự trong khu vực có sự thay đổi lớn đã đặt ra vấn đề là vai trò các cường quốc tại Đông Nam Á sẽ thay đổi như thế nào? Trong bối cảnh đó, “Nhật Bản đang muốn đóng một vai trò “có ý nghĩa” trong trật tự thế giới mới”(1) nói chung và ở Đông Nam Á nói riêng.

Trên thực tế, không ai có thể phủ nhận được vai trò to lớn của Nhật Bản trong quá trình hợp tác phát triển kinh tế với các nước ASEAN. Sự tăng trưởng nhanh chóng của các nền kinh tế ASEAN không thể có được nếu tách rời nhân tố Nhật Bản. Theo tài liệu “Triển vọng kinh tế thế giới đến năm 2000 do Bộ Kinh tế Nhật Bản soạn thảo thì tốc độ tăng trưởng của các nước ASEAN từ năm 1986 đến năm 1993 bình quân là 5,5% năm, từ 1993 đến 2000, tốc độ tăng trưởng bình quân ở mức cao, 7% năm. Đến năm 2000, tổng sản phẩm quốc dân của ASEAN sẽ đạt 370 tỉ đôla, chiếm 1,4% tổng sản phẩm của thế giới”(2).

So với các cường quốc tư bản Âu – Mỹ, Nhật Bản là một đối tác hàng đầu, là một trong những bên đối thoại năng động nhất của ASEAN. Với sự hợp tác mở rộng, đặc biệt trên lĩnh vực kinh tế và hỗ trợ phát triển (ODA)  năm 1995, xuất khẩu của Nhật Bản sang ASEAN đạt 79,9 tỉ USD và nhập khẩu về 42,7 tỉ USD, chiếm tương ứng 18% tổng kim ngạch xuất khẩu và 14% tổng kim ngạch nhập khẩu của nước này. Cũng trong năm 1995, đầu tư trực tiếp ( FDI) của Nhật Bản vào các nước ASEAN đạt 5,15 tỉ USD chiếm 10,4% tổng FDI của nước này. Ngược lại, Nhật Bản là nước nhập khẩu lớn thứ ba từ ASEAN chỉ sau Mỹ và EU. Năm 1998, thương mại hai chiều ASEAN – Nhật Bản đạt gần 84 tỉ USD, chiếm 14% tổng kim ngạch thương mại của ASEAN”(3). Những con số trên đã phản ánh rõ nét sự gần gũi và hỗ trợ mật thiết lẫn nhau giữa các nền kinh tế ASEAN và Nhật Bản và vai trò của Nhật Bản đối với nền kinh tế ASEAN. Tuy nhiên, Nhật Bản chưa bằng lòng với vai trò đó mà đang nỗ lực vươn lên đóng một vai trò toàn diện hơn trong cả lĩnh vực chính trị và an ninh khu vực.

Thật vậy, sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, các nhà lãnh đạo Nhật Bản đã quan tâm nhiều đến việc tiếp tục trách nhiệm an ninh lớn hơn nhằm bảo vệ những lợi ích kinh tế đã được xây dựng của họ tại Đông Nam Á, bởi lẽ, “hiệu quả trong hợp tác kinh tế bắt nguồn từ những hiểu biết trong lĩnh vực an ninh, tạo cơ sở để gia tăng về hợp tác kinh tế. Nhật Bản sẽ tiếp tục chủ động tham gia các hoạt động đối thoại về hợp tác an ninh – chính trị trên cả hai cấp độ: giữa Nhật Bản và ASEAN và giữa Nhật Bản với các nước thành viên ASEAN”(4) .

Có thể thấy được ý định của Nhật Bản muốn đóng vai trò chính trị, an ninh lớn hơn khi họ đạt được vị trí cường quốc kinh tế thế giới. Vào những năm 80 của thế kỉ XX, khi Liên Xô tăng cường khả năng chiến đấu của các lực lượng hải quân và không quân ở Tây Thái Bình Dương thì Mỹ và Nhật Bản cũng quan tâm sâu sắc đến vấn đề này. Hai bên đã đi đến quyết định nâng cao chất lượng hợp tác quân sự Mỹ – Nhật. Dưới ức ép của Mỹ, Nhật Bản đã chấp nhận chia sẻ trách nhiệm với Mỹ bằng cách đóng góp một phần tài chính cho các nỗ lực phòng thủ của Mỹ và dần dần tiếp nhận vai trò lớn hơn trong việc bảo vệ nhu cầu an ninh của nước Nhật. Năm 1981, Chính phủ Nhật Bản tái xác định chính sách quốc phòng của mình bằng việc tuyên bố rằng chính sách an ninh quốc gia của Nhật Bản bao gồm phòng thủ lãnh thổ, không phận và đường biển cho tới phạm vi 1000 dặm. Tiếp theo, tháng 6 năm 1985, Chính phủ Nhật Bản chấp nhận tài trợ cho chương trình nghiên cứu quốc phòng trong thời hạn 5 năm với tổng số tiền xấp xỉ 18,4 nghìn tỉ yên và cam kết sẽ chi ngân sách quốc phòng ổn định, thường xuyên hàng năm. Ngoài ra, trong quá trình chuyển giao kỹ thuật quân sự giữa Mỹ và Nhật Bản, thì người Nhật cũng đặc biệt chú ý đến các kỹ thuật quốc phòng tiên tiến. Như vậy, bằng chương trình hợp tác an ninh với Mỹ, Nhật Bản đã khéo léo lách qua những ràng buộc về mặt pháp lí để xây dựng cho mình có được một tiềm lực quốc phòng mạnh. Đây chính là yếu tố căn bản nhất hỗ trợ cho vai trò an ninh tự chủ, độc lập và vị thế chính trị ngày càng tăng của Nhật Bản trên trường quốc tế.

Có thể thấy được sự thay đổi lớn trong chính sách tăng cường tiềm lực quốc phòng của Nhật Bản. Cụ thể “ bắt đầu từ năm 1987 ba năm liền Nhật Bản chi phí quân sự vượt quá giới hạn 1% tổng giá trị thu nhập quốc dân; năm 1990 lên đến 4000 tỉ yên ( khoảng 32,2 tỉ USD), từ năm 1991 đến năm 1995 tổng kim ngạch dự chi quốc phòng khoảng 172 tỉ USD, bình quân mỗi năm tăng 3% đứng đầu các nước phát triển về tốc độ tăng”(5). Song song với việc gia tăng chi phí quân sự và hiện đại hoá quốc phòng, Nhật Bản  đã thể hiện ngày càng độc lập hơn về vai trò an ninh đối ngoại đối với khu vực Đông Nam Á. Từ đầu thập niên 90 của thế kỉ XX, Nhật Bản đã thể hiện một vai trò chính trị rộng lớn hơn trong các vấn đề quốc tế. Đã đến lúc người Nhật hiểu rằng họ phải có những việc làm cụ thể hơn cho các đối tác của họ, chứ không phải chỉ đóng góp tiền bạc rồi nói đã làm nhiều cho hoà bình thế giới.

Vì thế, Nhật Bản thể hiện quyết tâm thực hiện vai trò chính trị của nước lớn bằng cách tham gia vào phần cuối ván bài Campuchia. Tháng 6 năm 1990, Nhật Bản đã phối hợp với Thái Lan đứng ra triệu tập cuộc họp tại Tokyo của các phái chính trị Campuchia để bàn về các giải pháp nỗ lực cho tiến trình lập lại hoà bình ở đất nước này. Trong cuộc hội đàm đó. Nhật Bản đã thuyết phục được ba nhóm Campuchia đồng ý với hình thức 2 nhóm thay vì 4 nhóm. Đây là mô hình có triển vọng nhất cho việc mở đường xúc tiến quá trình hòa bình ở Campuchia. Tiếp theo, để có cơ sở pháp lí cho các hoạt động quân sự ở nước ngoài, tháng 6 năm 1992, Quốc hội Nhật Bản đã thông qua “ Luật về hợp tác các hoạt động gìn giữ hoà bình” (Peace Keeping Operation – PKO).

Sau khi Hiệp định hoà bình về Camphuchia được kí kết “ Nhật Bản đã gửi 700 kỹ sư của các lực lượng phòng vệ tham gia hoạt động gìn giữ hoà bình của Liên Hợp Quốc ở Campuchia. Hành động này thể hiện một sự thay đổi có tính chất lịch sử trong chính sách an ninh đối ngoại của Nhật Bản”(6) . Đây là lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, Nhật Bản đưa lực lượng quân đội của mình ra nước ngoài mà không bị các nước khác phê phán nhiều. Do vậy, có thể xem đây là một bước tiến mới của Nhật Bản trên con đường hướng tới một cường quốc “ bình thường”.

Sự kiện thứ hai thể hiện rõ nét vai trò tích cực của Nhật Bản là việc họ cố gắng nối lại quan hệ với các nước Đông Dương. Trước khi Hiệp định hoà bình về Campuchia được kí kết, Nhật Bản đã bày tỏ ý muốn cải thiện quan hệ với Việt Nam, song ý tưởng này đã bị Mỹ và các nước ASEAN phản đối vì không muốn Nhật Bản đơn phương đi trước. Thế nhưng với quyết tâm của mình, Nhật Bản một mặt tích cực đóng góp vào tiến trình hoà bình ở Campuchia, mặt khác vận động chính quyền Mỹ thay đổi chính sách đối với Việt Nam. Cuối cùng, Nhật Bản cũng mạnh dạn dứt khoát quyết định nối lại viện trợ ODA cho Việt Nam trong khi Mỹ vẫn chưa dỡ bỏ lệnh cấm vận. Những việc làm đó của Nhật Bản đã có ảnh hưởng tốt đẹp đến việc cải thiện các mối quan hệ tại khu vực, góp phần tạo lập ra một môi trường hoà bình ở Đông Nam Á.

Sau những nỗ lực can dự vào nền an ninh chính trị ở Đông Nam Á diễn ra có vẻ thuận lợi cho Nhật Bản, tháng 1 năm 1993, trong chuyến viếng thăm chính thức các nước ASEAN, Thủ tướng Nhật Bản Miyazawa đã công bố chính sách đối ngoại của Nhật Bản đối với khu vực Đông Nam Á với những nội dung cơ bản sau:

Thứ nhất, trên cơ sở một tầm nhìn lâu dài về an ninh Đông Nam Á, Nhật Bản chủ trương cùng các nước khu vực tập trung hợp tác ổn định tình hình khu vực, thiết lập trật tự an ninh và bảo vệ tình hình khu vực.

Thứ hai, Nhật Bản kêu gọi hợp tác, phối hợp chặc chẽ với ASEAN để tái thiết Đông Dương, xác định diễn đàn phát triển toàn diện Đông Dương(7) .

Nội dung học thuyết Miyazawa cho thấy rằng ngoài quan hệ kinh tế truyền thống, Nhật Bản đã trực tiếp đề cập đến hợp tác trong lĩnh vực an ninh, chính trị với các quốc gia ASEAN, đồng thời mở rộng vai trò của Nhật sang các nước Đông Dương.  Nhật Bản không chỉ mở rộng ảnh hưởng chính trị  của mình trong cả khu vực mà còn thực hiện được nhiệm vụ quan trọng được nêu ra từ học thuyết Fukuda, đó là vai trò cầu nối của Nhật Bản giữa ASEAN và Đông Dương.

Năm 1995, Việt Nam trở thành thành viên chính thức của ASEAN đã mở ra một bước ngoặt lớn trong lịch sử phát triển của tổ chức này. Xu thế liên kết toàn khu vực của ASEAN đã trở thành hiện thực. Bối cảnh đó, đã thúc đẩy Nhật Bản tiếp tục điều chỉnh chính sách đối ngoại của họ và đã đưa đến sự ra đời học thuyết Hashimoto năm 1997. Trong học thuyết này có một nội dung quan trọng, đó là bày tỏ quyết tâm của Nhật Bản chuyển mối quan hệ Nhật Bản – ASEAN từ chỗ lấy quan hệ hợp tác kinh tế làm trọng tâm sang lĩnh vực chính trị, an ninh, văn hoá phúc lợi xã hội và các vấn đề toàn cầu. Khuyến khích đầu tư của Nhật Bản vào các nước ASEAN, tăng cường hợp tác trong vấn đề môi trường… mà Nhật Bản đã nêu ra tại Hội nghị cấp cao G7 ở Liông ( tháng 6/1996), thúc đẩy đối thoại khu vực, kể cả vấn đề đảm bảo an ninh.

Rõ ràng học thuyết Hashimoto đã đánh giá cao ASEAN như là một đối tác bình đẳng với Nhật Bản. Điều này không chỉ là do sự lớn mạnh của các nền kinh tế ASEAN mà còn là sự mong muốn của Nhật Bản. Giờ đây, Nhật Bản muốn ASEAN xem họ không chỉ là một đối tác lớn về kinh tế mà còn là một đối tác lớn trên cả bình diện an ninh chính trị, bình đẳng như các cường quốc khác. Như vậy, chính sự hợp tác toàn diện với ASEAN đã giúp cho Nhật Bản thể hiện được vai trò an ninh chính trị của họ ngày càng lớn tại khu vực này.

Tóm lại, thế giới hậu Chiến tranh Lạnh với xu thế quốc tế hoá, toàn cầu hoá ngày càng gia tăng cao độ đã làm cho các mối liên kết toàn diện và phụ thuộc lẫn nhau giữa kinh tế và an ninh ngày càng lớn. Đảm bảo an ninh, ổn định chính trị để phát triển kinh tế đang là một nhu cầu chung của tất cả các nước. Cả Nhật Bản và các nước ASEAN đều nhận thức sâu sắc vấn đề này. Khai thác thế mạnh của một cường quốc kinh tế, tận dụng cơ hội của thời kì hậu Chiến tranh Lạnh, Nhật Bản nhanh chóng điều chỉnh chính sách đối ngoại của mình với quyết tâm trở thành một cường quốc toàn diện trên thế giới. Một phần quan trọng trong chiến lược này là Nhật Bản ngày càng đóng vai trò lớn hơn trong lĩnh vực an ninh chính trị ở Đông Nam Á. Tất nhiên, sự gia tăng vai trò đó phải phù hợp với nhu cầu nội tại của các nước ASEAN. Chiến lược hội nhập quốc tế, mở rộng đối ngoại với bên ngoài là cơ sở cho sự phát triển bền vững ở trong nội bộ khối của ASEAN đã bắt gặp nhu cầu mở rộng quan hệ toàn diện của Nhật Bản tạo nên sự giao thoa về lợi ích của đôi bên. Chính điều đó đã làm chất xúc tác và tạo điều kiện thuận lợi cho Nhật Bản gia tăng vai trò chính trị và an ninh ở khu vực Đông Nam Á.

NGÔ HỒNG ĐIỆP
(Th.S, Trường Cao đẳng Sư phạm Kon Tum)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Thông tấn xã Việt Nam, Tham khảo đặc biệt, ngày 11/2/1996.

2. Viện nghiên cứu bảo vệ hoà bình và an ninh Nhật Bản, Vấn đề an ninh khu vực Đông Nam Á, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 1994.

3. Nguyễn Trần Quế, 35 năm ASEAN hợp tác và phát triển, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội 2003.

4. Dương Phú Hiệp – Phạm Hồng Thái (Chủ biên), Nhật Bản trên con đường cải cách, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội 2004.

5. Lý Thực Cốc, Mỹ thay đổi lớn chiến lược toàn cầu, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 1996.

6. Ngô Xuân Bình (Chủ biên), Chính sách đối ngoại của Nhật Bản thời kì sau Chiến tranh Lạnh, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội 2000.

 

(1) Thông tấn xã Việt Nam, Tham khảo đặc biệt, ngày 11/2/1996.

(2) Viện nghiên cứu bảo vệ hoà bình và an ninh Nhật Bản, Vấn đề an ninh khu vực Đông Nam Á, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 1994, tr. 9.

 

(3) Nguyễn Trần Quế, 35 năm ASEAN hợp tác và phát triển, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội 2003, tr. 205,  206.

(4) Dương Phú Hiệp – Phạm Hồng Thái, Nhật Bản trên con đường cải cách, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội 2004, tr. 271.

 

(5) Lý Thực Cốc, Mỹ thay đổi lớn chiến lược toàn cầu, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 1996, tr. 271.

 

(6) Ngô Xuân Bình, Chính sách đối ngoại của Nhật Bản thời kì sau Chiến tranh Lạnh, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội 2000, tr. 269.

(7) Ngô Xuân Bình, Chính sách đối ngoại của Nhật Bản thời kì sau Chiến tranh Lạnh, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội 2000, tr. 270.

 

0thảo luận