Những thành tựu đáng chú ý trong phát triển nông nghiệp của Đài Loan những thập niên gần đây được coi là nền tảng cho sự phát triển kinh tế toàn diện của xứ sở này. Từ đó, một xã hội từng phụ thuộc nặng nề vào nông nghiệp đã chuyển mình, trở thành một vùng đất của thương mại và công nghiệp. Trong giai đoạn đầu, nông nghiệp Đài Loan tập trung theo đuổi mức năng suất dựa vào quảng canh, áp dụng cường độ lao động cao và tăng cường vốn. Nhưng ở giai đoạn sau người ta lại tập trung theo đuổi đầu tư theo chiều sâu; tức là người ta chú trọng tới năng suất và hiệu quả.
Bài viết này xin đưa ra một số phân tích về nguyên nhân thành công của nông nghiệp Đài Loan trong những năm vừa qua, những thách thức mà nền nông nghiệp này đang và sẽ phải đối mặt trong thời gian sắp tới cùng một số gợi ý về phương hướng phát triển.
I. Lịch sử phát triển và thành tựu.
Sau khi Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc, nền nông nghiệp qui mô nhỏ ở Đài Loan đã trải qua thời kỳ hơn 50 năm phát triển thành công, một thời kỳ phát triển liên tục song ở mỗi giai đoạn phát triển chung của Đài Loan thì nông nghiệp lại có một vai trò riêng của mình. Sự phát triển của nông nghiệp đã đặt nền tảng cho “thần kỳ kinh tế” của Đài Loan. Có thể chia các giai đoạn phát triển nông nghiệp như sau:
Giai đoạn khôi phục (đáp ứng nhu cầu thực phẩm) từ 1945 đến 1953:
Do hậu quả tàn phá của Chiến tranh Thế giới thứ hai, các cơ sở nông nghiệp ở Đài Loan đã bị thiệt hại nghiêm trọng và nhìn chung đều trong tình trạng tan hoang. Sau đó, hàng triệu người lính và gia đình của họ đã được đưa từ Trung Quốc đến Đài Loan và chính quyền cố gắng phục hồi các cơ sở thuỷ nông để gia tăng mức sản xuất nông phẩm. Ở thời điểm đó, vấn đề này được coi là cực kỳ khẩn cấp và các chương trình nông nghiệp lần lượt ra đời và có hiệu lực, đó là “Hệ thống hàng đổi hàng: gạo – phân bón”; “Qui định phân phối phân bón”; “Luật quản lý thực phẩm”; “Luật giảm tiền thuế 37,5%”; “Luật bán đất công”. Nhờ những biện pháp này, sản xuất nông nghiệp được phục hồi lên tới mức cao nhất của thời kỳ trước chiến tranh.
Giai đoạn phát triển công nghiệp thông qua nông nghiệp (1954 – 1967):
Khi đã tạo lập hiệu quả nền tảng cho phát triển nông nghiệp, chính quyền Đài Loan đã đưa ra kế hoạch phát triển nền kinh tế quốc dân 4 năm lần thứ nhất, với chủ trương “Nuôi dưỡng công nghiệp thông qua nông nghiệp – phát triển nông nghiệp bằng công nghiệp”.
Chính quyền, một mặt đưa ra những biện pháp khuyến khích nâng cao mức sản xuất nông nghiệp tổng thể thông qua các chương trình như “Chương trình nuôi heo hợp nhất”, “Chương trình vụ mùa và vật nuôi hợp nhất”, “Dự án cung cấp tài chính nông nghiệp” và “Qui định mở rộng nông nghiệp”; mặt khác để tăng chuyển giao các quĩ vốn từ lĩnh vực nông nghiệp sang các lĩnh vực phi nông nghiệp, chính quyền trung ương giới thiệu “Các loại thuế đất nông nghiệp” và “Thu mua bắt buộc lúa gạo ” năm 1954 làm công cụ theo đuổi chính sách đặt giới hạn giá thực phẩm.
Giai đoạn phát triển công nghiệp song song với nông nghiệp (1967-1983):
Theo sau giai đoạn cất cánh của nền công nghiệp, Đài Loan đã có những bước phát triển xa hơn trong nền kinh tế. Mặc dù các dịch vụ công nghiệp và thương mại đã góp phần cực kỳ quan trọng vào sự phát triển kinh tế thành công của Đài Loan, vai trò của nông nghiệp vẫn được thừa nhận về phương diện cụ thể là cung cấp thực phẩm và lương thực thiết yếu và những đóng góp khác của nông nghiệp đối với nền kinh tế nói chung. Trong giai đoạn ban đầu, các phương pháp sản xuất tập trung vào việc tăng cường thu hoạch để xuất khẩu lấy tiền mặt, sử dụng nhiều lao động phục vụ cho việc chế biến măng tây, cà chua... Trong khi ở giai đoạn sau, các phương pháp sản xuất đòi hỏi nhiều vốn được khuyến khích như đánh bắt cá xa bờ và ven bờ, xuất khẩu thịt gà và thịt lợn.
Trong thời kỳ này, chính quyền Đài Loan tiếp tục đưa ra các chương trình và ban hành một số đạo luật phù hợp như: “Chương trình xúc tiến cơ giới (1970)”; “Luật phát triển nông nghiệp (1973)”; “Luật về giá bán nông sản (1974)”; “Luật tái thiết nông thôn và nâng cao thu nhập nông dân (1979)” và chương trình “Nâng cao xây dựng cơ bản và giúp người nông dân có thu nhập cao hơn (1982)”.
Giai đoạn điều chỉnh và phục hồi (1984-1990):
Sau 30 năm phát triển thành công, ngành nông nghiệp Đài Loan bấy giờ mang tính chất truyền thống và hướng nội sâu sắc, đã đạt đến mức phát triển cao nhất trong điều kiện nguồn lực tự nhiên khan hiếm. Bên cạnh đó, do đòi hỏi của các đối tác mậu dịch khác nhau, các sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu từ nước ngoài đã bắt đầu xâm chiếm thị trường Đài Loan, gây ra sự mất cân đối giữa cơ cấu sản xuất và marketing. Điều này khiến chính quyền phải bắt tay thực hiện “Chương trình chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp và tăng cường thu nhập nông dân” và “Chương trình tăng cường lúa gạo”.
Mặc dù sản xuất nông nghiệp của Đài Loan gia tăng với tỷ lệ hàng năm là 2%, những đóng góp từ nông nghiệp cho tổng sản phẩm quốc dân (GNP) của quốc đảo này giảm từ 6,3% năm 1984, xuống 4,2% năm 1990. Trong cùng thời kỳ, người có việc làm trong lĩnh vực nông nghiệp giảm từ 17,6% xuống 12,9% trong tổng số lao động của Đài Loan.
Giai đoạn đa chức năng (từ 1991 trở đi):
Để đối phó với những thách thức như tự do hoá mậu dịch, giữ gìn tự nhiên và bảo vệ môi trường, chính quyền Đài Loan thực thi chương trình “Điều chỉnh thống nhất” năm 1991, nhấn mạnh tầm quan trọng ngày càng tăng của việc phối hợp đồng bộ các yếu tố bao gồm nguồn nhân lực, đất đai, thị trường, kỹ thuật, phương pháp tổ chức, phúc lợi xã hội và bảo tồn tự nhiên. “Sách trắng về chính sách nông nghiệp” năm 1995 công bố chính sách cam kết dài hạn các yếu tố sản xuất, bảo vệ môi trường và duy trì mức sống của người dân Đài Loan. Đến năm 1997, chương trình “Phát triển nông nghiệp xuyên thế kỷ” bắt đầu phát huy hiệu lực. Nhờ đó nông nghiệp tăng trưởng liên tục, nhưng đóng góp cho GDP của nông nghiệp vẫn tiếp tục giảm. Năm 2000, đóng góp của nông nghiệp trong GDP chỉ còn 2,1%. Đây là một xu hướng tích cực. Như vậy có thể thấy, ngành nông nghiệp Đài Loan đã hoàn thành sự chuyển đổi của nó, từ một yếu tố quan trọng trong tổng sản phẩm quốc dân, thành một yếu tố mang tính phi kinh tế với vai trò tạo ra những khoảng không gian của thiên nhiên và làm xanh môi trường, tiếp tục bảo tồn tự nhiên và các thắng cảnh.
II. Các nhân tố góp phần vào sự thành công của ngành nông nghiệp Đài Loan
Nếu không có sự đóng góp to lớn của ngành nông nghiệp, “thần kỳ kinh tế” Đài Loan sẽ không bao giờ xảy ra. Và thực ra nông nghiệp của Đài Loan nhìn chung được thừa nhận là mô hình phù hợp, được các nước đang phát triển khác chấp nhận và học tập, đặc biệt là những nền kinh tế dựa trên nông nghiệp qui mô tương đối nhỏ. Những yếu tố được coi là góp phần quan trọng cho sự thành công của mô hình phát triển nông nghiệp Đài Loan là các thể chế và đầu tư hợp lý.
Uỷ ban chung Trung – Mĩ về tái thiết nông thôn
Uỷ ban chung Trung – Mĩ về tái thiết nông thôn (JCRR) được thành lập để tài trợ cho một số dự án nhằm đẩy mạnh cơ giới hoá nông thôn, phát triển nông nghiệp vùng đất dốc, khuyến khích ngành vật nuôi, phát triển ngành chế biến thực phẩm và tăng cường xuất khẩu thực phẩm. JCRR hỗ trợ cả kỹ thuật và tài chính cho các cơ quan và các tổ chức khác nhau, giúp đỡ những dự án nông nghiệp và nông thôn trong thời gian đáng kể (1950-1978), và những dự án này đã tạo ra nhiều cơ hội việc làm trong ngành nông nghiệp Đài Loan.
Các tổ chức nông nghiệp
Hiện nay có 4 tổ chức nông nghiệp chính ở Đài Loan: Hiệp hội nông dân, Hiệp hội thuỷ lợi, Hiệp hội ngư dân và Hợp tác xã marketing cây ăn quả. Các hội nông dân là những nhóm hợp tác đa mục đích, do chính những người nông dân lập ra nhằm mang lại những lợi ích cho chính họ. Đó là nâng cao tri thức nông nghiệp , các kỹ năng gia tăng sản xuất, tăng thu nhập nông nghiệp và cải thiện điều kiện sống của nông dân. Rải rác khắp quốc đảo này là các hiệp hội thuỷ lợi với chức năng chính là qui định sử dụng nước tưới tiêu, thu phí nước, xây dựng và bảo trì các cơ sở thuỷ lợi. Các hội ngư dân cũng tương tự như hội nông dân, chỉ khác ở chỗ các hoạt động nhắm đến ngư dân. Hợp tác xã marketing cây ăn quả trồng trong nước và chỉ những nông dân tích cực tham gia trồng cây ăn quả mới đủ điều kiện là thành viên của hội này.
Các viện nghiên cứu kỹ thuật
Những ý tưởng nghiên cứu đổi mới công nghệ và áp dụng công nghệ mới là những yếu tố hết sức quan trọng trong việc cải tiến và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp nói riêng và phát triển nông thôn nói chung. Viện sinh kỹ thuộc cơ quan Academia Sinica ở Đài Loan chủ yếu nghiên cứu khoa học cơ bản, trong khi Viện nghiên cứu nông nghiệp và sáu trạm cấp huyện chịu trách nhiệm tiến hành những thí nghiệm ứng dụng ở từng khu vực. Ngoài ra, một số viện nghiên cứu khác đã được thành lập trong thời gian qua tập trung vào các vấn đề cụ thể như sâu bọ, thuốc lá, đường, chè, chuối, rừng, vật nuôi, đánh bắt cá và chế biến thực phẩm.
Các dịch vụ hỗ trợ
Những dịch vụ mở rộng như các trạm cải thiện nông nghiệp cấp huyện là cầu nối giữa nghiên cứu nông nghiệp và thử nghiệm trên các cánh đồng cùng với việc áp dụng những kỹ thuật nông nghiệp mới. Đối với dịch vụ tín dụng, các hội nông dân đóng vai trò rất tích cực trong việc cung cấp tiền cho vay vào mục đích sản xuất và marketing, và mặc dù tiền của các quĩ này chủ yếu là từ các thành viên của hội, chúng cũng được hỗ trợ từ chính phủ và một số ngân hàng trong nước. Các dịch vụ marketing cũng được các hội nông dân ở mỗi địa phương hình thành, nhưi marketing hợp tác nuôi lợn, sản xuất trứng, rau quả, gia cầm và rau xanh .. tất cả nhằm gia tăng khả năng bán sản phẩm của nông dân và duy trì hiệu quả hoạt động marketing.
Cơ sở hạ tầng nông thôn
Các hội thuỷ lợi chịu trách nhiệm cung cấp nước tưới tiêu cho xây dựng và quản lý hệ thống thuỷ lợi tổng thể. Nhờ nỗ lực của các hiệp hội này, hiện giờ hơn 60% đất nông nghiệp có hệ thống thuỷ lợi. Ngoại trừ các vùng miền núi xa nhất, một hệ thống đường xuyên các vùng nông thôn đã được hình thành, đến từng làng xóm, phục vụ cho mục đích vận tải và marketing nông sản.
Cải cách ruộng đất
Chương trình cải cách ruộng đất đã làm thay đổi đáng kể cơ cấu quyền sở hữu đất đai ở Đài Loan, với tỷ lệ nông dân là chủ sở hữu tăng nhanh lên tới 65%, trong khi tỷ lệ nông dân là người thuê ruộng đất giảm xuống chỉ còn 14%. Sự chuyển đổi này tạo động lực kinh tế lớn hơn cho người nông dân, khiến họ đầu tư nhiều hơn cả về vật chất lẫn tinh thần vào sản xuất nông nghiệp. Thời kỳ trước cải cách, kết quả của những chính sách gia tăng sản xuất nông nghiệp thuộc về chủ đất hơn là chính những người canh tác. Tuy nhiên, sau khi chương trình cải cách ruộng đất diễn ra, tất cả những thành quả như vậy thuộc về chính người cày cấy.
III. Những thách thức cần vượt qua
Những yếu tố thể chế và đầu tư đã phân tích trên không phải những yếu tố duy nhất hỗ trợ sự phát triển nông nghiệp của Đài Loan, tuy nhiên chúng là những yếu tố quan trọng nhất. Với việc nông nghiệp Đài Loan tăng trưởng rất nhanh trong những giai đoạn đầu nhưng kể từ đó đã chững lại hoặc thậm chí suy giảm trong những năm gần đây thì sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp Đài Loan suy yếu là điều tất nhiên. Với xu hướng tự do hoá mậu dịch và toàn cầu hoá các thị trường, nông nghiệp Đài Loan hiện đang phải đối mặt với những thách thức mới, bên cạnh đó là các vấn đề như thay đổi thói quen tiêu dùng và suy thoái hệ sinh thái cũng là những thách thức đã có từ lâu làm nản lòng các nhà hoạch định chính sách Đài Loan.
Gia tăng tự do hoá mậu dịch nông nghiệp
Với sự phát triển của khu vực hoá và địa phương hoá, tốc độ tự do hoá mậu dịch toàn cầu đã gia tăng nhanh hơn người ta dự tính. Chủ nghĩa khu vực công khai, như Hiệp định mậu dịch tự do Bắc Mỹ (NAFTA), Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) và Thị trường chung Nam Mĩ (MERCOSUR) đã trở thành những phần quan trọng của hệ thống mậu dịch toàn cầu. Giai đoạn từ năm 1947 đến 1994, không dưới 109 hiệp định mậu dịch khu vực được thiết lập theo GATT (Hiệp định chung về mậu dịch và thuế quan), tiền thân của WTO, và kể từ năm 1995, ít nhất 16 hiệp định mậu dịch khu vực mới đã ra đời và được báo cáo với WTO. Chủ nghĩa khu vực có thể được coi là cơ sở xây dựng cho tự do hoá mậu dịch đa phương, nhưng nó cũng có thể ảnh hưởng xấu đến các nước không phải là thành viên của khu vực đó.
Tiến trình đa phương của tự do hoá mậu dịch toàn cầu WTO tiếp tục phát triển mạnh. Trong Hội nghị bộ trưởng WTO lần thứ 4 tổ chức tại Doha, Qatar tháng 11/2001, theo sau những thảo luận nhằm sửa đổi Luật nông nghiệp 1996, Mĩ đưa ra một tập hợp đề xuất xây dựng hệ thống mậu dịch toàn diện định hướng thị trường hơn và bình đẳng hơn, bằng cách giảm phân biệt đối xử mậu dịch và các chính phủ nên có vai trò hợp lý trong việc giải quyết những vấn đề nông nghiệp khác nhau.
Liên minh Châu Âu (EU) cũng cam kết đầy đủ tiếp tục tiến trình cải cách với nhiều đề xuất như giảm hơn nữa trợ cấp và bảo hộ, cần đối xử khác nhau đối với những nước đang phát triển dựa trên cơ sở những nhu cầu đặc biệt của họ.
Tuy nhiên, khi đạt đến mậu dịch tự do ở mức độ cao, các nước đang phát triển hoặc kém phát triển ở Mĩ Latinh và Châu Phi có xu hướng bảo thủ và cẩn trọng hơn. Nhưng WTO có thể làm yên lòng người dân những nước này bằng thái độ thừa nhận rằng cần có những thương lượng và thảo luận không ngừng về các vấn đề nhạy cảm trong nông nghiệp, cụ thể là vấn đề tiếp cận thị trường, trợ cấp trong nước, hạn ngạch thuế quan và đối xử thuế quan đặc biệt và các vấn đề phi mậu dịch khác.
Là nền kinh tế lớn thứ 14 thế giới, Đài Loan đang tích cực tham gia các tổ chức mậu dịch quốc tế và tìm kiếm các đối tác quốc tế trong nông nghiệp. Đài Loan đã chứng minh cam kết của mình về gia tăng tốc độ tự do hoá mậu dịch bằng việc lần đầu đệ trình đề nghị gia nhập WTO năm 1990. Tháng 9/2001, sau 12 năm đàm phán, Nhóm làm việc WTO về việc gia nhập của Đài Loan đã đồng ý chính thức chấp nhận Đài Loan là thành chính thức của WTO vào tháng 1 năm 2002 sau khi có sự phê chuẩn của 142 chính phủ thành viên WTO.
Vấn đề an ninh lương thực
Sự phát triển kinh tế nhanh chóng và mức tăng trưởng dân số khá cao của nhiều nước đang phát triển khiến nhu cầu lương thực thực phẩm trên thế giới tăng lên nhanh chóng, vấn đề an ninh lương thực bây giờ trở thành mối quan tâm hàng đầu. Trên qui mô toàn thế giới, khoảng một nửa sản lượng lương thực do các nước phát triển sản xuất mặt dù những nước này chỉ chiếm khoảng 1/4 dân số thế giới. Do đó dường như các nước đang phát triển không có đủ nguồn cung cấp lương thực. Theo Tổ chức lương thực và nông nghiệp (FAO), có khoảng 800 triệu người ở 67 nước có thu nhập thấp đang phải chịu tình trạng suy dinh dưỡng, và ở những nước nghèo nhất trong số này, tình hình sẽ còn tồi tệ hơn. Kể từ năm 1997, mặc dù nguồn cung lương thực thế giới dồi dào và giá bán thị trường giảm, những lo ngại về việc không sản xuất đủ lương thực ngày càng tăng. Việc có nhiều lương thực không có nghĩa là an ninh lương thực được đảm bảo, vì điều này phụ thuộc vào khả năng mua lương thực tốt và cách thức sử dụng lương thực. Trình độ giáo dục và sức khoẻ con người cũng như các điều kiện địa phương, như an ninh và mức ô nhiễm nguồn nước cũng tác động tới việc sử dụng lương thực hợp lý. Do đó, việc ổn định nguồn cung cấp lương thực toàn cầu và phân phối lương thực công bằng đang trở thành những vấn đề cấp thiết và ngày càng phức tạp.
Với tình hình chính trị nhạy cảm ở Đài Loan, vấn đề an ninh lương thực không thể giải quyết chỉ bằng các yếu tố mậu dịch hoặc sản xuất. Bất kỳ biến cố không mong đợi nào đều có thể chuyển vấn đề an ninh lương thực thành một vấn đề chính trị nhạy cảm dẫn tới sự bất ổn đột ngột ở xứ sở này. Vì thế, chính quyền Đài Loan cần phải thiết lập một cơ chế phù hợp để quản lý toàn diện an ninh lương thực, tính đến tính khả thi kinh tế và an ninh xã hội.
Gìn giữ môi trường
Năm 1972, Liên hợp quốc đã tổ chức hội nghị ở Stockolm về chủ đề Môi trường con người, trong đó thừa nhận rằng việc bảo vệ và cải thiện môi trường cho cả thế hệ hiện tại và tương lai là một mục tiêu bắt buộc đối với nhân loại. Sau đó, UN công bố 26 nguyên tắc bảo vệ môi trường và hối thúc tất cả các quốc gia tuân theo. Tuy thế, sau hơn 20 năm, môi trường toàn cầu vẫn đang xấu đi hơn bao giờ hết: tầng ozon suy yếu, các hình mẫu khí hậu thay đổi, sa mạc ngày càng nhiều và nhiều loài động thực vật đã tuyệt chủng... Tất cả là kết quả của cách ứng xử không phù hợp với môi trường và khai thác quá mức các nguồn tài nguyên, mà nguyên nhân dễ thấy là do tốc độ tăng trưởng dân số và phát triển kinh tế quá nhanh. Những vấn đề môi trường sẽ trở thành điểm nóng, hơn cả các vấn đề kinh tế, nếu các nước phát triển và đang phát triển tiếp tục theo đuổi các chiến lược kinh tế của mình mà phớt lờ mối đe doạ tới môi trường.
Đài Loan với 50 năm phát triển kinh tế nhanh chóng thì việc khai thác quá mức các vùng sườn đồi và đất rừng, cũng như các nguồn đất đai và nước, là hệ quả tất yếu. Việc lấy nước quá nhiều từ các mạch nước ngầm ở các khu vực bờ biển đã gây ra lún đất nghiêm trọng, đất liền nhanh chóng bị nước biển xâm lấn. Việc sử dụng quá mức phân bón và thuốc trừ sâu, phóng uế bừa bãi nước thải và chất thải vào môi trường cũng dẫn tới ô nhiễm nguồn tài nguyên của đất nước. Việc săn bắt và thu gom động thực vật hoang dã cũng gây tổn hại sự đa dạng sinh học trong tổng thể hệ sinh thái... Tuy nhiên, người dân Đài Loan cũng đã bắt đầu nhận thấy sự đi xuống trong điều kiện sống nói chung của họ, sự suy giảm chất lượng môi trường nước, không khí và sự biến mất dần của các nguồn tài nguyên vốn đã hạn chế. Quả thật, người Đài Loan hơn bao giờ hết, đã nhận thức được tầm quan trọng của những vấn đề như giữ gìn thiên nhiên và bảo vệ môi trường. Do đó, trọng tâm của hoạt động nông nghiệp bây giờ tập trung nhiều hơn đến giữ gìn tài nguyên thiên nhiên, tìm cách cân bằng phát triển kinh tế và bảo tồn môi trường sống.
Có thể nói, nông nghiệp Đài Loan đã tiến một bước dài trên con đường phát triển. Những thành tựu mà nó đạt được gắn liền với sự sáng tạo và cần cù của người nông dân cộng với một chính sách phát triển nông nghiệp phù hợp của chính quyền cũng như sự trợ giúp của các nhà khoa học, của các đối tác bên ngoài… Tuy nhiên, những thách thức là rất lớn. Chỉ có thể vượt qua những thách thức đó, nông nghiệp Đài Loan mới có thể thích ứng được với xu thế gia tăng cạnh tranh trong kỷ nguyên toàn cầu hóa kinh tế.
NGÔ MINH THANH
(Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. T. H. Shen, (1966), Agricultural Development on Taiwan Since World War II, The Journal of Asian Studies, Vol. 25, No. 2.
2. G. Dale Johnson, (2004). Agricultural Policy and U.S. Taiwan Trade, US Trade Department.
3. Joseph Bosco, (1996), Agricultural Reform in Taiwan: From Here to Modernity?. The China Journal, No. 35.
4. Taiwan's Agricultural Development: Its Relevance for Developing Countries Today. U. S. Department of Agriculture, Economic Reseach Service. (2002).
5. Joel D. Aberbach, David Dollar and Kenneth L. Sokoloff (1995). The Role of the State in Taiwan's Development.
6. Ho, Samuel P S (1995). Taiwan in the Modern World. Pacific Affairs.
7. Taipei Times, Tue, April 15, 2003.
8. Taipei Times, Mon, Aug.15, 2006.