Trang chủ

Báo cáo công tác đối ngoại năm 2024 và phương hướng công tác đối ngoại năm 2025

Đăng ngày: 15-12-2024, 09:31 | Danh mục: Hợp tác quốc tế

I. Bối cảnh tình hình công tác đối ngoại của cơ quan

Năm 2024, công tác hợp tác quốc tế có nhiều thuận lợi trong bối cảnh dịch Covid-19 được đẩy lùi. Công tác đối ngoại của Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á tiếp tục bám sát đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc triển khai nhiệm vụ chính trị thường xuyên và kế hoạch hoạt động đã được đề ra và phê duyệt bởi Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam. Tiếp nối những kết quả đã đạt được trong năm trước, triển khai phương hướng được đề ra trong báo cáo công tác công tác đối ngoại của đơn vị, các hoạt động giao lưu, tiếp xúc được đẩy mạnh.

Năm 2024, tình hình thế giới, khu vực dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột vũ trang và các thách thức an ninh phi truyền thống ngày càng khó đoán định, tác động sâu sắc đến hòa bình, an ninh, phát triển toàn cầu. Vai trò của ASEAN tiếp tục được coi trọng, song cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn đặt ra những khó khăn trong việc củng cố và duy trì đoàn kết trong nội khối, cũng như phát huy vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực. Do đó, với vai trò là cơ quan nghiên cứu hàng đầu của Việt Nam về Nhật Bản học, Hàn Quốc học, Triều Tiên học, Mông Cổ học…các hoạt động đối ngoại, trao đổi học thuật với các đối tác nước ngoài trong và ngoài nước được củng cố, tăng cường và mở ra nhiều triển vọng.

II. Kết quả công tác đối ngoại năm 2024

1. Nhận định, đánh giá tổng quát về công tác đối ngoại của cơ quan:

Trong năm 2024, các hoạt động đối ngoại của Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á được đẩy mạnh. Viện tiếp tục củng cố quan hệ hợp tác với các đối tác truyền thống, đồng thời chủ động tìm kiếm, mở rộng hợp tác với các đối tác khác. Viện cũng tiến hành các buổi làm việc, trao đổi khoa học với các học giả đến từ các trường Đại học Nhật Bản và Hàn Quốc, làm việc với các Cơ quan Hợp tác quốc tế, các Đại sứ quán về việc hợp tác tổ chức các Hội thảo quốc tế. Nhờ đó, mối quan hệ giữa Viện và các đối tác ngày càng sâu sắc và đi vào thực chất. Ngoài ra, Viện cũng triển khai tìm kiếm các đối tác khác trong khu vực, mở rộng thêm các mối quan hệ hợp tác.

Các nhiệm vụ đối ngoại trong năm của đơn vị luôn bám sát kế hoạch hoạt động, phát triển đã được Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam phê duyệt. Đồng thời, Viện cũng luôn kịp thời triển khai các hoạt động đáp ứng nhiệm vụ đối ngoại đột xuất từ lãnh đạo Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam.

2. Kết quả triển khai các lĩnh vực đối ngoại theo chức năng, nhiệm vụ

Viện luôn chú trọng đến việc triển khai Quy chế Quản lý thống nhất hoạt động đối ngoại theo kết luận 33-KL/TW ngày 25/07/2018 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện quy chế quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại ban hành kèm theo Quyết định số 272-QĐ/TW ngày 21/01/2015 của Bộ Chính trị khóa XI ban hành Quy chế quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại nhằm đáp ứng kịp thời nhiệm vụ của công tác đối ngoại trong giai đoạn mới; bảo đảm sự lãnh đạo thống nhất của Đảng và sự quản lý tập trung của Nhà nước đối với các hoạt động đối ngoại; thực hiện phân công trách nhiệm rõ ràng, đề cao vai trò chủ động của các cấp, các ngành trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao có liên quan đến công tác đối ngoại, bảo đảm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong hoạt động đối ngoại. Qua đó, góp phần thực hiện có hiệu quả đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước trong tình hình mới. Đồng thời nắm vững chức năng, nhiệm vụ, phân cấp, phân quyền trong các hoạt động đối ngoại của các cơ quan trung ương, quản lý các đoàn ra theo Quy chế 272 (Quyết định 272-QĐ-TW ngày 21/01/2015 của Bộ Chính trị khóa XI).

Thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mình trong lĩnh vực nghiên cứu khu vực Đông Bắc Á, Viện tiếp tục tiến hành giao lưu, xúc tiến các hoạt động hợp tác với các đối tác khu vực như Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản (JF), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Quỹ Giao lưu Quốc tế Hàn Quốc (KF), Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam, Văn phòng Kinh tế và Văn hoá Đài Bắc, Bộ Thống Nhất Hàn Quốc, Viện Nghiên cứu Triều Tiên (Đại học Dongguk Hàn Quốc), Viện Chính sách Kinh tế Quốc tế Hàn Quốc (KIEP), ĐH Senshu (Nhật Bản), Đại học Keio…  Bên cạnh đó, Viện đã tiếp tục tiến hành liên hệ, trao đổi nghiên cứu, học thuật, tổ chức hội thảo quốc tế với các đối tác khu vực Đông Bắc Á như Hàn Quốc, Nhật Bản…

3. Kết quả triển khai công tác đối ngoại cụ thể năm 2024

a) Công tác tổ chức quản lý đoàn ra, đoàn vào:

- Về đoàn ra: Tính đến thời điểm 10/11/2024, Viện có 04 đoàn ra

(1). TS. Trần Hoàng Long, Phó Viện trưởng điều hành Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á đi công tác Nhật Bản cùng đoàn công tác trong khuôn khổ thực hiện Chương trình trọng điểm cấp Bộ “Nghiên cứu cục diện thế giới đến năm 2030 phục vụ mục tiêu hội nhập và phát triển đất nước giai đoạn mới từ 23/6/2024 đến 27/6/2024.

(2). TS. Nguyễn Thị Thắm, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc, Triều Tiên, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, tham gia đoàn công tác tham dự Diễn đàn Vì tương lai Hàn – Việt lần thứ 6 tại Hàn Quốc. Thời gian từ ngày 09/06/2024 đến ngày 12/06/2024.

(3). TS. Hạ Thị Lan Phi, TTNC Hàn Quốc, Triều Tiên; TS. Nguyễn Ngọc Phương Trang, TTNC Nhật Bản, tham gia Hội thảo quốc tế: “Châu Á với toàn cầu: Lịch sử và tác động” tại Indonesia. Thời gian từ ngày 8/7/2024 đến ngày 12/7/2024.

(4). TS. Nguyễn Thị Thắm, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc, Triều Tiên, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Tham dự Hội thảo “Trao đổi thông tin về Triều Tiên” tại Hàn Quốc. Thời gian từ ngày 29/10/2024 đến ngày 2/11/2024.

- Về đoàn vào: Tính đến thời điểm 10/11/2024, Viện chủ trì đón tiếp 02 đoàn vào: Đoàn Viện Nghiên cứu Triều Tiên, Đại học Dongguk (31/5/2024), Đoàn học giả Đại học Senshu (29/10-4/11), Nhật Bản. Ngoài ra, Viện đã tiếp đón, làm việc với nhiều đoàn công tác tới trao đổi học thuật và thúc đẩy các kế hoạch hợp tác như: (1) Đoàn Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA); (2) Đoàn Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản (JF) (3) Đoàn Quỹ Giao lưu Quốc tế Hàn Quốc (KF); (4) Đoàn học giả Đại học Gakushuin, Đại học Nanzan, Đại học Waseda; (5) Đoàn Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam; (6) Trần Văn Thọ, ĐH Waseda; (7) GS. Isozaki, Đại học Keio; (8) Đoàn Viện Hàn lâm Khoa học Mông Cổ; (9) Đoàn Văn phòng Kinh tế và văn hóa Đài Bắc, (10) Cục liên triều, Bộ thống nhất Hàn Quốc; (11) Hiệp hội hỗ trợ Hợp tác Nam Bắc Triều Tiên, Bộ thống nhất Hàn Quốc. Ngoài ra, Viện đã thực hiện cử đại diện tham gia tiếp các đoàn khách quốc tế do Lãnh đạo Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam chủ trì.

b) Về công tác ký kết các Thoả thuận quốc tế

Tháng 5/2024, Viện ký kết Thoả thuận hợp tác với Viện Nghiên cứu Triểu Tiên, Đại học Dongguk Hàn Quốc, thời hạn 10 năm, hiệu lực từ tháng 6/2024.

Đối với các Thỏa thuận hợp tác đã ký kết và còn hiệu lực: Viện và các đối tác đều thực hiện tốt các cam kết đã đề ra trong Thỏa thuận hợp tác. Gồm có:

+ Bản ghi nhớ hợp tác với Viện Khoa học xã hội, ĐH Senshu, Nhật Bản

+ Thoả thuận hợp tác với Viện Chấn hưng văn hoá Nho giáo Hàn Quốc (IKCC)

+ Thỏa thuận Hợp tác với Đại học Ibaraki, Nhật Bản

+ Thỏa thuận hợp tác với Đại học KONKUK, Hàn Quốc

Nhìn chung, các Viện và các đối tác đều thực hiện tốt các cam kết đã đề ra trong Thỏa thuận hợp tác. Điều này đã góp phần mở rộng mạng lưới quan hệ quốc tế của viện nghiên cứu Đông Bắc Á, tạo ra cơ hội hợp tác với nhiều tổ chức và nhà nghiên cứu uy tín của Nhật Bản và Hàn Quốc.

c) Công tác tổ chức và quản lý hội nghị, hội thảo, toạ đàm quốc tế

Năm 2024, Viện đã thực hiện 01 Tọa đàm khoa học quốc tế, 01 Hội thảo khoa học Quốc tế và phối hợp với Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam tổ chức 01 Hội thảo khoa học quốc tế

- Viện đã kết hợp cùng Cơ quan hợp Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức Tọa đàm khoa học quốc tế “Nghiên cứu quan hệ Việt Nam – Nhật Bản và vấn đề sách chuyên khảo- giáo trình Nhật Bản học tại Việt Nam”, vào ngày 23/07/2024 tại Hà Nội, với sự tham dự của 30 đại biểu là các nhà nghiên cứu tại các trường đại học, viện nghiên cứu Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, các cơ quan đối tác trong nước như Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Đại học Khoa học Huế, Ban quản lý Kinh tế TW, phía quốc tế có GS. Trần Văn Thọ, Đại học Waseda ; GS. Furuta Motoo, Đại học Việt Nhật và Văn phòng Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam.

- Viện đã kết hợp cùng ĐH Senshu, Nhật Bản tổ chức Hội thảo quốc tế “Những vấn đề chính trị - kinh tế - xã hội nổi bật của Nhật Bản” ngày 31/10/2024 tại Hà Nội, với sự tham dự của gần 50 đại biểu là các nhà nghiên cứu tại các trường đại học, viện nghiên cứu, các nhà hoạt động thực tiễn Việt Nam và Nhật Bản.

- Năm 2024 là năm kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Mông Cổ. Viện đã phối hợp, hỗ trợ Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc tế “70 năm quan hệ Việt Nam – Mông Cổ: Thành tựu và triển vọng” ngày 24/09/2024 nhân sự kiện trọng đại này. Viện đã được Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam giao nhiệm vụ xây dựng Đề án tổ chức Hội thảo, đảm nhiệm các báo cáo tham luận phía Việt Nam. Các báo cáo tham luận tại Hội nghị của Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á đã được Đại sứ quán Mông Cổ tại Việt Nam đánh giá rất cao và dự kiến được lựa chọn xuất bản trong cuốn Kỷ yếu Hội thảo quốc tế của Đại sứ quán Mông Cổ tại Việt Nam.

III. Phương hướng và dự kiến Kế hoạch công tác đối ngoại năm 2025

-  Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Ban chức năng thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam thực hiện các nhiệm vụ đối ngoại đề ra cũng như những nhiệm vụ đột xuất do Viện Hàn lâm giao phó.

-  Củng cố, tăng cường các mối quan hệ hợp tác hiện có với các đối tác khoa học: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Triều Tiên, Mông Cổ.

-  Tiếp tục thực hiện việc giao lưu, gặp gỡ các cơ quan đối tác, củng cố các mối quan hệ truyền thống, tìm kiếm các đối tác mới.

 

Phạm Nhung

0thảo luận