Trang chủ

Đóng góp của Nhật Bản vào tiến trình hòa bình Campuchia đầu những năm 1990

Đăng ngày: Hôm qua, 08:47 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2023, Số 4

Trần Xuân Hiệp1

Tóm tắt: Châu Á và Đông Nam Á là khu vực nhạy cảm và đặc biệt quan trọng đối với Nhật Bản. Do đó, Nhật Bản luôn mong muốn có được quan hệ bình thường với các nước trong khu vực này. Với xu thế mở rộng hợp tác hòa bình cùng có lợi, Nhật Bản cũng có những điều chỉnh chính sách phù hợp với tình hình mới. Giải quyết vấn đề hòa bình cho Campuchia không chỉ đem lại lợi ích cho cộng đồng quốc tế mà còn mang lại giá trị tối ưu cho vị thế của Nhật Bản tại khu vực này, nhằm giảm áp lực của Mỹ đang “đè nặng” lên chính nước Nhật. Cùng với chính sách “hướng về châu Á” mà bước đi đầu tiên là tham gia vào tiến trình hòa bình Campuchia, Nhật Bản đã và đang từng bước tạo cho mình một vị trí xứng đáng ở Đông Nam Á nói riêng và trên diễn đàn ngoại giao thế giới nói chung. Tìm hiểu quá trình Nhật Bản tham gia vào giải quyết những vướng mắc tại Campuchia cũng góp phần tìm hiểu về chính sách đối ngoại của Nhật Bản đối với Đông Dương, trong đó có Việt Nam. Qua vấn đề này, chúng ta càng có cơ sở hiểu rõ hơn quan hệ Nhật Bản - Đông Dương trong thời kỳ này và tác động của nó đối với sự phát triển lịch sử quan hệ khu vực.

Từ khóa: Nhật Bản, Campuchia, Đông Nam Á, chính sách hướng về châu Á

 


1. Sự điều chỉnh chính sách ngoại giao Nhật Bản đối với Campuchia sau Chiến tranh lạnh

Đầu năm 1990, ông Kawano Masaharu giữ chức Vụ trưởng Vụ Đông Nam Á I thuộc Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã đi thăm Phnompenh. Đây là chuyến công du đầu tiên của một vị chức trách trong Chính phủ Nhật Bản đến Campuchia sau nhiều biến cố tại đất nước chùa tháp.

Cuộc viếng thăm Campuchia khá bất ngờ nhưng đã có sự chuẩn bị từ rất lâu trước đó của Chính phủ Nhật Bản. Cũng phải nói rằng, chuyến đi lần này của ông Kawano mang sứ mệnh rất đặc biệt, nó không chỉ là chuyến đi “thăm dò thực tế”, mà còn là chuyến đi nhằm tìm lại hình ảnh một nước Nhật dân chủ sau Chiến tranh lạnh. Trong lịch sử, khi Chiến tranh thế giới thứ hai lan rộng, nhiều nước Đông Nam Á bị quân đội Nhật Bản xâm chiếm thời kỳ 1942-1945 và phải chịu đựng ách thống trị tàn bạo phát xít (trừ Thái Lan). Chính cuộc xâm lược của quân đội phát xít Nhật đã gây tiếng xấu, cũng như làm cho nhân dân các nước Đông Nam Á dị nghị người Nhật, e ngại nước Nhật, đó cũng chính là nhân tố quan trọng ngăn cản sự phát triển quan hệ thân thiện giữa Nhật Bản với các nước Đông Nam Á. Chuyến đi của Vụ trưởng Vụ Đông Nam Á I Kawano mang thông điệp hòa bình đến khu vực sau những biến động sâu sắc tại mảnh đất này[2].

Chuyến thăm của ông Kawano, như Chính phủ Nhật Bản đã thừa nhận, chỉ là chuyến đi khảo sát với mục đích “điều tra thực tế”. Lý do này được đưa ra trước hết do lúc này giữa Chính phủ Nhật Bản và chính phủ Phnompenh không có quan hệ ngoại giao. Mặc dù chính phủ mới do Heeng Somrin lên cầm quyền vào cuối năm 1978 đã có những việc làm tích cực để ổn định đất nước, nhưng Tokyo vẫn quyết định không thừa nhận chính phủ này. Ngược lại, đồng quan điểm với Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á khác, Nhật Bản tiếp tục thừa nhận chính quyền Khmer Đỏ - chính quyền được dựng lên không chính thức bằng cuộc đảo chính trước đó[3].

Điều quan trọng cho thấy sự thay đổi chính sách ngoại giao tích cực đối với Campuchia, đó là chuyến đi của ông Kawano được thực hiện khi vai trò của Nhật Bản đối với tiến trình hòa bình Campuchia được xem xét dưới góc độ rất mờ nhạt, nếu không nói rõ rằng Nhật Bản không có một vị trí nào đối với tiến trình hòa bình Campuchia. Thực tế cho thấy, quyền lãnh đạo tiến trình hòa bình Campuchia đã nằm gọn trong tay của 5 nước lớn thuộc Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, mà Mỹ là nước khởi xướng và cụ thể hóa quá trình hiệp thương từ năm 1990. Điều này không khác gì gạt bỏ Nhật Bản ra ngoài tiến trình hòa bình Campuchia, và nếu nói Nhật Bản bị “dội gáo nước lạnh” như nhiều chính trị gia cũng không sai. Tuy nhiên, trong điều kiện khó khăn đó, Chính phủ Nhật Bản vẫn giữ nguyên lập trường chính sách ngoại giao của mình, thực hiện ý tưởng tiếp xúc ban đầu với chính quyền Phnompenh. Chuyến thăm Campuchia của ông Kawano bị Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ phản đối quyết liệt với lý do nếu Kawano “... đi thăm Campuchia vào lúc này thì sẽ phát tín hiệu sai cho Việt Nam”[4]. Tuy nhiên, Kawano đã phản bác lại rằng, một Chính phủ Nhật Bản độc lập có quyền phát ngôn trong quá trình đàm phán hòa bình và viện trợ khôi phục Campuchia là điều dĩ nhiên và chính sách ngoại giao này được người dân Nhật Bản ủng hộ và mong muốn phía Mỹ dù không hài lòng nhưng hãy thông cảm cho quyết định đường đột này.

Chuyến thăm của ông Kawano đến Campuchia diễn ra trong một bối cảnh hết sức phức tạp, nó có ý nghĩa đặc biệt, chứng tỏ quyết tâm đi tới cùng để thực hiện lộ trình hòa bình Campuchia trên cơ sở thực trạng của nước này. Nó chứng minh đường lối ngoại giao sau Chiến tranh lạnh của Tokyo đang đi đúng hướng, củng cố thêm niềm tin của chính phủ đối với đề án hòa bình mà mình đưa ra.

2. Những thuận lợi và khó khăn cơ bản của Nhật Bản khi tham gia vào tiến trình hòa bình Campuchia

2.1. Thuận lợi

Trước hết, cuộc chiến tranh Vùng Vịnh (1990-1991) nổ ra đã thu hút sự chú ý của các nước trên thế giới, cho nên vấn đề Campuchia đã bị các nước hầu như bỏ quên. Trong tình hình đó, Nhật Bản có thể đóng vai trò tích cực hơn khi tham gia vào tiến trình hòa bình Campuchia. Mặt khác, cuộc chiến tranh Vùng Vịnh là chất xúc tác lớn để nước Nhật thay đổi mục tiêu đối ngoại cũng như nền chính trị trong nước. Trước đó, vào tháng 5/1988 nội các Takeshita Noboru cũng đưa ra kế hoạch “Hợp tác quốc tế” với ba chính sách cụ thể là: “hợp tác kinh tế”, “hợp tác văn hóa” và “hợp tác vì hòa bình”. Như vậy, Campuchia được chọn là một đối tượng tham gia “hợp tác vì hòa bình” là hoàn toàn hợp lý. Với chính sách đối ngoại của Nhật Bản lúc bấy giờ thì việc xem Campuchia là một đối tượng hợp tác vì hòa bình dường như cũng là “nhân duyên” mang tính lịch sử giữa ngoại giao Nhật Bản và Đông Dương. Bởi lẽ trước đó, Chính phủ Nhật Bản đã có nhiều bước đi thích hợp, như lời Cục trưởng cục châu Á Tanino Sakutaro đã nhấn mạnh ngay sau Hội nghi Paris (7/1989) rằng trong thời gian chiến tranh Việt Nam “Nhật Bản đã tiến hành một loạt các cuộc hội đàm với Việt Nam thông qua đại sứ của hai nước tại Matxcơva”[5]. Đây chính là thuận lợi cơ bản đầu tiên mà Chính phủ Nhật Bản trong hoàn cảnh đó đã tìm thấy được.

Bên cạnh đó, Nhật Bản được sự ủng hộ, chia sẻ sâu sắc từ phía Shihanuc - một người vừa có ý chống lại chủ nghĩa cộng sản, vừa có ý chống lại nước Mỹ một cách phức tạp. Như lời nhận định của ông Ikeda thuộc Ban đặc trách của Bộ Ngoại giao đảm nhiệm việc xây dựng dự thảo “Kế hoạch hợp tác quốc tế” nhấn mạnh: “Một Nhật Bản không mạnh về quân sự sẽ đóng vai trò là người trung gian chân thật (honest broke) trong tiến trình dẹp bỏ xung đột”, đồng thời sẽ “giúp đỡ Campuchia đến mức cao nhất”[6] sau khi hòa bình được thiết lập.

Chính phủ Nhật Bản được sự ủng hộ của chính quyền Thái Lan khi cả nội các Chaclay lên nắm quyền vào năm 1988 và những người cố vấn chính sách của Thủ tướng Suon Lichphay đều có chung ý nghĩ là cần phải tạo ra một khu vực Đông Dương hòa bình để phát triển, với chính sách mới “biến Đông Dương từ chiến trường thành thị trường”. Để thực hiện chính sách này, Chính phủ Thái Lan cho rằng Nhật Bản - một cường quốc kinh tế - sẽ là nước thích hợp nhất để cùng Thái Lan đầu tư vào Đông Dương khi hòa bình được thiết lập. Rõ ràng, cả Nhật Bản và Thái Lan đều tìm thấy lợi ích chung khi bắt tay vào chung sức cho quá trình hòa bình Campuchia.

Một thuận lợi hết sức cơ bản nữa đó là nhân tố Trung Quốc - một nước có tầm ảnh hưởng rất lớn đối với khu vực Đông Dương và ủng hộ mạnh mẽ cho ba phái tại Campuchia, lại là nước nằm trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vào thời điểm này đang gặp khó khăn. Sự kiện Thiên An Môn 1989 đã đẩy Trung Quốc vào thế bị cô lập trên trường quốc tế, đang muốn cải thiện hình ảnh của mình. Những năm đầu thập niên 1990, vai trò nước Nhật trong việc giảm nhẹ sự căng thẳng giữa Trung Quốc với các nước sau sự kiện Thiên An Môn là vô cùng quan trọng. Nhật Bản lập luận rằng sự kiện đó là công việc nội bộ của Trung Quốc. Đối với Nhật Bản thì Trung Quốc chẳng những là một láng giềng gần gũi mà còn là một nước có khả năng gây ra nhiều ảnh hưởng lớn trong khu vực. Sự kiện Thiên An Môn là cơ hội để Tokyo chứng tỏ với Bắc Kinh là một người bạn đáng tin cậy. Mặt khác, chính Nhật Bản là nước đã có công thuyết phục các nước phương Tây nên chấm dứt việc cô lập Trung Quốc. Một phần nhờ cố gắng của Nhật Bản mà hầu hết các nước trong đó có Mỹ đều nhận ra rằng cô lập Trung Quốc là việc làm không đem lại lợi ích gì, chính vì thế mà các nước đó từng bước bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc. Ngược lại, trong hoàn cảnh đó có thể thấy mối quan hệ với Nhật Bản cũng là một lựa chọn hết sức hợp lý của Chính phủ Trung Quốc và thực hiện một thái độ mềm dẻo với Nhật Bản rõ ràng rất cần thiết vì Nhật Bản là nước phát triển duy nhất tỏ rõ thái độ thông cảm sâu sắc nhất đối với Trung Quốc sau sự kiện Thiên An Môn. Như vậy, Nhật Bản đã tìm kiếm được sự chia sẻ từ Trung Quốc khi bắt tay vào thực hiện chính sách ngoại giao mới đối với  khu vực nói chung và Campuchia nói riêng.

2.2. Khó khăn

Sau khi Nhật Bản chấp nhận tuyên bố Postdam và đầu hàng Đồng minh vô điều kiện thì nước này phải thực thi những yêu cầu do lực lượng Đồng minh đưa ra. Theo đó, Nhật Bản cần phải có một bản hiến pháp mới nhằm xây dựng nền dân chủ thực sự. Hiến pháp 1946 được thảo ra trong thời gian Mỹ chiếm đóng Nhật Bản từ năm 1945 đến 1952 chính là bản hiến pháp được Chính phủ Nhật Bản và Thiên hoàng phê chuẩn ngày 3/11/1946 và có hiệu lực từ ngày 3/5/1947. Điều 9 bản hiến pháp này quy định rõ: “Nhân dân Nhật Bản thành thật mong muốn một nền hòa bình quốc tế dựa trên chính nghĩa và trật tự, cam kết vĩnh viễn không phát động chiến tranh như là một phương tiện giải quyết xung đột quốc tế bao gồm chiến tranh xâm phạm chủ quyền dân tộc và các hành vi vũ lực hoặc các hành vi đe dọa bằng vũ lực. Để thực hiện các mục tiêu của khoản trước, lục quân, hải quân và không quân cũng như các tiềm lực chiến tranh khác sẽ không bao giờ được duy trì. Quyền tham chiến của đất nước sẽ không được công nhận”[7].

Những nội dung quy định của Điều 9 trong bản hiến pháp 1946 đã làm Nhật Bản mất đi “quyền lợi tối cao của một quốc gia”, buộc nước này phải triệt thoái lực lượng quân sự và đặc biệt Nhật Bản không được phép đưa quân đội hay có quyền tham dự bất cứ các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc trong thời gian dài. Điều 9 trong hiến pháp mới đồng nghĩa với việc Nhật Bản mất đi tính độc lập trong quan hệ ngoại giao, cũng như không khẳng định được vị thế và vai trò của mình đối với các vấn đề quốc tế. Và nó cũng đồng nghĩa với việc Nhật Bản sẽ gặp nhiều bất lợi khi tham gia vào tiến trình hòa bình Campuchia.

Việc Nhật Bản tham gia vào tiến trình hòa bình Campuchia là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, khó khăn của Nhật Bản lúc này là Nhật Bản bị loại ra khỏi “Diễn đàn phòng kín” của 5 nước lớn. Mặc dù Chính phủ Mỹ luôn cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến hiệp thương hòa bình về Campuchia, nhưng hình ảnh Nhật Bản thực sự bị lu mờ, “đứng khuất” sau hình bóng của 5 nước lớn. Có một khoảng cách rất lớn khi trên thực tế những nỗ lực ngoại giao vì hòa bình của Nhật Bản hầu như phải dựa vào nỗ lực hòa bình của 5 nước lớn.

Hạn chế lớn nhất mà Chính phủ Nhật Bản gặp phải khi tham gia vào tiến trình hòa bình Campuchia cần phải nói đến là, Nhật Bản không nằm trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, do đó trọng lượng phát ngôn trên diễn đàn quốc tế hầu như không có giá trị đáng kể, nếu như không muốn nói là không có giá trị trong thời điểm này. Thực tế, xét đến cùng sự can dự của Nhật Bản vào Campuchia là trên phương diện chính trị, nó chỉ dừng lại ở mức độ gián tiếp khi so sánh với Liên Xô, Trung Quốc, Mỹ - những nước cung cấp vũ khí trực tiếp cho các phe phái, hay Thái Lan - nước nằm trên trục đường viện trợ vật chất và vũ khí cho các thế lực tại Campuchia chống Việt Nam. Rõ ràng, Nhật Bản không có một con bài cần thiết về mặt ngoại giao mà con bài ngoại giao đó chỉ có thể dựa vào viện trợ kinh tế đối với Đông Dương - một yêu cầu cấp thiết để tái thiết đất nước trong bối cảnh chính phủ ba nước Đông Dương đang rất cần sự giúp đỡ từ bên ngoài.

3. Nhật Bản với tiến trình hòa bình Campuchia

Sau Chiến tranh lạnh, Nhật Bản đã phát triển thành một siêu cường kinh tế đứng thứ hai sau Mỹ, điều đó thúc đẩy Nhật Bản có ý định vươn tới một cường quốc với đầy đủ ý nghĩa của nó. Trong một thời gian dài Nhật Bản luôn bị xem là “một người khổng lồ về kinh tế, nhưng lại là một người lùn về chính trị”, đó cũng chính là khuyết điểm lớn nhất cần phải khắc phục. Bên cạnh việc nhấn mạnh vai trò cải cách kinh tế như cựu Thủ tướng Mori khẳng định: “Sức sống mới của Nhật Bản trong thế kỷ XXI là do cải cách cơ cấu nền kinh tế xã hội quyết định”[8]. Song gắn liền với đó là chính sách ngoại giao độc lập trong các công việc quốc tế như cựu Thủ tướng Toshiki Kaifu (1989-1991) đã từng chỉ ra: cam kết không trở thành cường quốc quân sự; đóng góp tích cực hơn trong các vấn đề chính trị châu Á - Thái Bình Dương; tham gia giải quyết vấn đề Campuchia; tăng cường hợp tác khu vực thông qua đầu tư chuyển giao công nghệ, chương trình viện trợ chính thức ODA, đóng vai trò thúc đẩy hợp tác để các nước ASEAN và Đông Dương cùng phát triển. Nhật Bản tham gia ngày càng tích cực hơn, sâu hơn vào các vấn đề của khu vực, và “được trông chờ đóng góp lớn hơn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà còn cả trong lĩnh vực chính trị”[9].

Sự bùng nổ của vấn đề Campuchia đã làm bộc lộ những mâu thuẫn tiềm tàng ở khu vực Đông Nam Á. Tình hình này càng trở nên phức tạp và bất ổn hơn khi những tính toán và tham vọng của các nước lớn đối với khu vực này ngày một tăng thêm. Trong bối cảnh đó, Nhật Bản đã thực hiện chính sách ngoại giao đầy trách nhiệm, tham gia vào quá trình Campuchia là sự thể hiện quyết tâm cải thiện hình ảnh một nước Nhật hòa bình dân chủ đầu những năm 1990.

Vai trò của Nhật Bản được thể hiện trên những khía cạnh chủ yếu sau đây:

Góp phần vào quá trình hình thành giải trừ quân bị tại Campuchia. Trước đó, vấn đề này đang gặp phải khó khăn do sự tồn tại rất nhiều phe phái tại Campuchia. Hình thành giải trừ vũ trang được tiến hành không khéo sẽ dẫn đến cuộc xung đột vũ trang nội bộ, khi trên thực tế Chính phủ Phnompenh cũng thừa  nhận việc giải trừ vũ trang của Khmer Đỏ là rất khó khăn, mặt khác, việc giải trừ quân bị có nguy cơ đụng chạm đến sự phục hồi quyền lực trong nội bộ các phe phái. Chính phủ Nhật Bản đã chỉ ra sự cần thiết phải cụ thể hóa quá trình kiểm tra việc giải trừ vũ trang và thuyết phục các phái ở Campuchia trước hết cần thiết lập hòa bình dựa trên “thỏa thuận khung”.

Vai trò của Chính phủ Nhật Bản được phát huy mạnh mẽ trong suốt đầu năm 1991 khi cộng đồng quốc tế còn bận tâm với cuộc chiến tranh Vùng Vịnh mà không mấy chú ý đến vấn đề Campuchia. Do đó, Nhật Bản càng có nhiều cơ hội đóng góp cho tiến trình hòa bình ở Campuchia, trở thành nước bảo trợ chính cho tiến trình hòa bình ở Campuchia. Nhật Bản đã được giữ chức trong Cơ quan chuyển tiếp Liên Hợp Quốc tại Campuchia  (UNTAC) theo Hiệp định Paris về Campuchia 1991. Sau khi Quốc hội Nhật Bản chính thức thông qua Luật về các hoạt động gìn giữ hòa bình (PKO) lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Chính phủ Nhật Bản đã gửi 700 quân lực lượng phòng vệ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc tại Campuchia. Đây là một bước tiến mới của người Nhật[10].

Có thể khẳng định, Nhật Bản là nước có tác động mạnh mẽ đến nỗ lực hình thành “thỏa thuận khung” cho vấn đề hòa bình Campuchia dù tầm ảnh hưởng của Nhật Bản không thể vượt qua Trung Quốc - nước nắm vai trò chủ chốt trong việc sửa đổi “thỏa thuận khung”. Lý do là vì Trung Quốc không chỉ là nước có quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, mà còn có ảnh hưởng rất lớn đối với Khmer Đỏ. Trung Quốc đã tán thành việc giải trừ vũ trang 70% và thuyết phục Khmer Đỏ theo đường lối này. Ông Ikeda thuộc Ban đặc trách của Bộ Ngoại giao Nhật Bản lúc bấy giờ cho rằng “nước duy nhất có thể trình bày với Trung Quốc ý kiến và mong muốn về mối quan hệ giữa Trung Quốc với Khmer Đỏ, nước duy nhất mà trung Quốc lắng nghe, lúc đó chỉ có Nhật Bản”. Đồng thời ông Ikeda khẳng định: “Tôi suy đoán rằng những động thái của Nhật Bản đối với Trung Quốc phải chăng đã có hiệu quả khá thực chất, đặc biệt trên phương diện là thay đổi dần dần và căn bản mối quan hệ giữa Trung Quốc và Khmer Đỏ”[11].

Quyết định của Trung Quốc lúc bấy giờ có thể được xem xét dưới góc độ của hai vấn đề. Thứ nhất là do bối cảnh khu vực và chính bản thân Trung Quốc sau sự kiện Thiên An Môn đang phải tìm cách thoát khỏi thế cô lập quốc tế. Việc “hy sinh” Khmer Đỏ cũng có thể là lựa chọn nhằm mục đích ấy. Thứ hai, những tác động tích cực hoạt động ngoại giao Nhật Bản dường như phần nào tác động đến chính sách ngoại giao của Trung Quốc lúc bấy giờ. Có thể Chính phủ Trung Quốc đã nhìn nhận lại vấn đề trên cơ sở lợi ích quốc gia và những việc làm của Nhật Bản đã đem lại hiệu quả để Trung Quốc tiến tới xây dựng một đất nước hòa bình và khu vực ổn định phát triển. Cuối cùng, có thể xem xét vai trò của Nhật Bản trong việc làm cho giới cầm quyền Bắc Kinh phải thay đổi thái độ để cùng Tokyo chung tay xây dựng “thỏa thuận khung” về giải trừ vũ trang ở Campuchia. Nói cách khác, Nhật Bản đã góp phần vào việc chuẩn bị môi trường thuận lợi để Trung Quốc quyết tâm thực hiện “hy sinh” Khmer Đỏ vì lợi ích tối thượng của mình.

Tại hội nghị quốc tế, thành phần của Hội đồng dân tộc tối cao (SNC) đồng đều giữa Chính phủ Phnompenh và chính phủ liên hợp ba phái[12] lần đầu tiên được ghi thành văn bản, sau đó trở thành dự thảo của hiệp định hòa bình Campuchia. Có thể đánh giá rằng, điều đó đã làm cho việc hiệp thương hòa bình giữa năm nước chủ chốt tiếp cận với dự thảo hòa bình mà Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã soạn thảo trước chuyến thăm Campuchia của Vụ trưởng Kawano.

Vấn đề quan trọng nhất mà Chính phủ Nhật Bản đã làm được là chủ trì “Hội nghị Tokyo về Campuchia”. Hội nghị Tokyo đã mời cả bốn phái tại Campuchia tham gia nhưng thực chất là hai chính phủ có tư cách ngang nhau. Với sự giúp sức của Thái Lan, Chính phủ Nhật Bản đã chủ trì thành công hội nghị mặc dù Khmer Đỏ chủ trương bốn phái đồng đều và không tham dự hội nghị. Lần đầu tiên tại hội nghị một tuyên bố chung được Hoàng thân Shihanuc và Chủ tịch Hun Sen ký kết với tư cách là văn bản quốc tế ghi rõ hai chính phủ có số lượng bằng nhau trong thành phần Hội đồng dân tộc tối cao. Đồng thời, Hội nghị Tokyo đạt được thắng lợi đã có tác động lớn lao làm thay đổi quyết định của nước Mỹ về chính sách Đông Dương và bắt đầu xúc tiến những cuộc đối thoại trực tiếp với Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Phnompenh. Mặc dù, Trung Quốc không mặn mà gì với quyết định này nhưng qua đó nó cũng có hiệu quả thúc đẩy phía Trung Quốc phải xem xét lại chính sách đối với Campuchia.

Một điểm đáng lưu ý về vai trò của Nhật Bản trong tiến trình hòa bình Campuchia, đó là đề án hòa bình do Bộ Ngoại giao Nhật Bản soạn thảo cuối cùng đã kết thúc mà không được công bố. Điều lý thú ở đây là, “Đề án 9 điểm” được Shihanuc soạn thảo lần đầu tiên thừa nhận: hai chính phủ sẽ tồn tại cho đến khi thực hiện cuộc tổng tuyển cử và hai chính phủ chiếm tỷ lệ bằng nhau trong Hội đồng dân tộc tối cao. Ở đây, chúng tôi chưa tìm thấy mối liên hệ nào giữa việc Chính phủ Nhật Bản lần đầu tiên nỗ lực tích cực tham gia vào tiến trình hòa bình Campuchia, cũng như đề án hòa bình do Bộ ngoại giao Nhật Bản đưa ra với “Đề án 9 điểm” của Shihanuc. Nhưng chúng tôi nhận định rằng, đề án mới của Shihanuc chắc chắn đã chịu ảnh hưởng rất lớn từ đề án hòa bình của Nhật Bản, ít nhất là về phương diện kết quả. Trên chừng mực nào đó, đây là thắng lợi lớn của nỗ lực ngoại giao Nhật Bản dưới hình thức gần kề với kế hoạch của mình.

4. Kết luận

Sự kết thúc Chiến tranh lạnh cùng với những biến đổi hết sức mau lẹ của cơ cấu quan hệ quốc tế đã tác động lớn lao đến vị thế của mỗi quốc gia dân tộc. Nhật Bản, một cuờng quốc kinh tế mới nổi sau những thập kỷ vận động thần kỳ, trong bối cảnh mới của quốc tế, cũng đang cố gắng tìm kiếm cho mình một lối đi riêng phù hợp. Bằng sức mạnh kinh tế của mình, Nhật Bản ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn nữa cho sự phát triển của thế giới, đặc biệt là những nước đang phát triển. Thông qua viện trợ kinh tế, nước Nhật cũng đang từng bước thể hiện vai trò của mình trong các vấn đề ngoại giao chính trị và an ninh quốc tế.

Tham gia vào tiến trình hòa bình Campuchia là cả một quá trình lâu dài của việc tìm kiếm một giải pháp thích hợp cho những xung đột căng thẳng trong nội bộ các đảng phái chính trị tại nước này, đồng thời mở ra hướng đi tích cực trong quan hệ quốc tế. Suy cho cùng, Nhật Bản tham gia vào quá trình này trước hết vì lợi ích tối đa của nước Nhật, điều mà Nhật Bản đạt được sau nhiều nỗ lực là tạo được cho mình một “sân sau” an toàn đúng như mong muốn của người Nhật tại châu Á - Thái Bình Dương. Cần phải khẳng sự đóng góp lớn lao cho hòa bình khu vực Đông Nam Á nói riêng và trên thế giới nói chung của Nhật Bản là điều không thể phủ nhận trong những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ XX.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

  1. Hiến pháp Nhật Bản năm 1946 (日本国憲法 1946).
  2. Ikeda Tadashi (1996), The Road to Cambodian Peace: Testimony, a Five Year Trial of Japanese Diplomacy, Tokyo: Toshi Shuppan.
  3. Kono Masaharu (1999), A Cambodian Peace Strategy, Tokyo: Iwanami Shoten.
  4. Sencheng (2001), Nhật Bản tìm kiếm vị thế cường quốc trong thế kỷ XXI, dẫn theo: Viện Thông tin khoa học xã hội, Trật tự thế giới sau Chiến tranh Lạnh – Phân tích và dự báo, tập 2, Hà Nội.
  5. Tomoda Suzu, Hagiwaga, Nobuyuki, Honda Keikichi, Tanino Sakutaro, Các nước Đông Nam Á biến động và đối sách của Nhật Bản, Diễn đàn Ngoại giao, tháng 11/1989 (tiếng Việt).
  6. Trần Quang Minh (Chủ biên) (2007), Quan điểm của Nhật Bản về Liên kết Đông Á trong bối cảnh toàn cầu hóa, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 



[1] PGS.TS., Trường Đại học Đông Á, Đà Nẵng

[2] Những năm đầu thập niên 1950, Nhật Bản đã tiến hành bồi thường thiệt hại để bình thường hóa quan hệ với các nước láng giềng châu Á, trong đó có Trung Quốc, Triều Tiên và những quốc gia Đông Nam Á đã từng bị quân đội Nhật Bản chiếm đóng, thống trị. Tuy nhiên, do bối cảnh của cuộc chiến tranh lạnh, Nhật Bản đã không đạt được nhiều kết quả.

[3] Từ ngày 17/4/1975, sau khi Phnompenh được giải phóng, tập đoàn phản động Khmer Đỏ, đứng đầu là Pôn Pốt đã phản bội cách mạng, thực hiện chính sách diệt chủng đối với nhân dân Campuchia và tiến hành chiến tranh chống Việt Nam.

[4] Kono Masaharu (1999), A Cambodian Peace Strategy, Tokyo: Iwanami Shoten, tr. 113.

[5] Tomoda Suzu, Hagiwaga, Nobuyuki, Honda Keikichi, Tanino Sakutaro, Các nước Đông Nam Á biến động và đối sách của Nhật Bản, Diễn đàn Ngoại giao, tháng 11/1989, tr. 29.

[6] Ikeda, Tadashi (1996), The Road to Cambodian Peace: Testimony, a Five Year Trial of Japanese Diplomacy, Tokyo: Toshi Shuppan, tr. 71-72.

 

[7] Hiến pháp Nhật Bản năm 1946 (日本国憲法 1946).

[8] Sencheng (2001), Nhật Bản tìm kiếm vị thế cường quốc trong thế kỷ XXI, dẫn theo: Viện Thông tin khoa học xã hội, Trật tự thế giới sau Chiến tranh Lạnh – Phân tích và dự báo, tập 2, Hà Nội, tr. 279.

[9] Trần Quang Minh (Chủ biên, 2007), Quan điểm của Nhật Bản về Liên kết Đông Á trong bối cảnh toàn cầu hóa, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 85-88.

[10] Ngày 15/6/1992 Quốc hội Nhật Bản thông qua đạo luật về “Hợp tác trong các hoạt động gìn giữ hòa bình và các hoạt động khác của Liên Hợp Quốc” đánh dấu bước ngoặt trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản.

[11] Ikeda, Tadashi (1996), The Road to Cambodian Peace: Testimony, a Five Year Trial of Japanese Diplomacy, Tokyo: Toshi Shuppan, tr. 128.

[12] Chính phủ Phnompenh do chủ tịch Heeng Somrin đứng đầu và chính phủ liên hợp ba phái gồm phái Shihanuc, phái Sonsan, phái Khmer Đỏ.

0thảo luận