Nguyễn Văn Kim1
Tóm tắt: Giáo dục có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của các quốc gia. Giáo dục có thể tạo dựng nền tảng văn hóa, nâng tầm tri thức của dân tộc và vạch định hướng đi cho dân tộc. Trong lịch sử của các quốc gia Đông Bắc Á, giáo dục đã sớm hình thành và được coi trọng. Nghiên cứu mô hình, cách thức tổ chức giáo dục, sự phát triển học thuật giữa các quốc gia có thể nhận thấy nhiều điểm tương đồng, dị biệt. Cũng như Hàn Quốc (Cao Ly, Triều Tiên) và Việt Nam (Đại Việt, Đại Nam), Nhật Bản từng chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa, nhưng giáo dục Nhật Bản đã phát triển theo con đường riêng với nhiều nét đặc thù. Chính những đặc thù đó đã góp phần tạo nên điều kiện thiết yếu cho sự thành công của Nhật Bản. Trên cơ sở nghiên cứu khu vực, so sánh giữa Nhật Bản, Hàn Quốc (và ở mức độ nhất định là trường hợp Việt Nam), bài viết muốn làm rõ những đặc tính chung, riêng trong truyền thống giáo dục giữa các quốc gia khu vực và tác động, hệ quả đa chiều dẫn đến sự phát triển khác biệt của các nước về sau.
Từ khóa: Giáo dục, Đông Bắc Á, đặc tính, phát triển
1. Bối cảnh chính trị, xã hội và văn hóa
Trong lịch sử Nhật Bản, tiếp nối Mạc phủ Kamakura (1185-1333) và Muromachi (1336-15730), Edo (1600-1868) là chính quyền quân sự thứ ba. Đây được coi là thời kỳ trực tiếp chuẩn bị những tiền đề chính trị, kinh tế, xã hội quan trọng cho sự phát triển của Nhật Bản hiện đại[2]. Sau khi nắm giữ được quyền lực chính trị trung tâm, từ đầu thế kỷ XVII, Mạc phủ Edo đã đề cao Nho giáo và coi đó là chỗ dựa về chính trị, tư tưởng. Ở Hàn Quốc, vương triều Choson đã duy trì được quyền lực trong suốt 518 năm. Triều đại này dựa vào Nho giáo và coi đó là hệ tư tưởng chính thống. Trong khi đó, ở Việt Nam từ thời Lê sơ (1428-1527), Nho giáo bắt đầu lấn át ảnh hưởng của Phật giáo và khẳng định uy lực trong xã hội. Tiếp sau những phát triển của nhà Mạc (1527-1593), chính quyền Lê - Trịnh (1583-1788) và triều đại Tây Sơn (1788-1802), đến đầu thế kỷ XIX triều Nguyễn (1802-1945) được thiết lập. Thời kỳ này, Nho giáo được coi trọng trong đời sống chính trị, văn hóa và giáo dục[3]. Như vậy, mặc dù có những độ chênh nhất định về diễn tiến lịch sử nhưng ở cả hai nước Việt Nam và Hàn Quốc, Nho giáo đều được tôn vinh dường như trong cùng một thời gian[4].
Ở Nhật Bản thời Edo, nhiều mối quan hệ xã hội đã được thể chế hóa trên nền tảng của thiết chế quân sự (võ sĩ đạo, Bushido) và tư tưởng Nho giáo. Để xây dựng một thiết chế chính trị chặt, Mạc phủ Edo đã khuếch trương Nho giáo, mà trọng tâm là tư tưởng Tống nho và coi đó là hệ tư tưởng chủ đạo. Điều đó cũng có nghĩa rằng, từ đầu thế kỷ XVII, Phật giáo, Thần đạo (Shinto) đã phải chia sẻ ảnh hưởng với Nho giáo. Như vậy, nếu so sánh, Nho giáo được chính quyền Edo đề cao sau Việt Nam và Hàn Quốc khoảng hai thế kỷ. Khoảng thời gian này rất có ý nghĩa khi nghiên cứu về lịch sử tư tưởng, văn hóa và đặc tính giáo dục giữa các quốc gia.
Chịu ảnh hưởng của môi trường chính trị khu vực, ở Hàn Quốc và Việt Nam, thể chế chính trị được thiết lập trên cơ sở lục bộ. Thiết chế đó là nền tảng cho việc xây dựng chế độ quân chủ tập quyền. Song ở Nhật Bản, cơ cấu lục bộ đã được cải biến để thích ứng với thiết chế quân sự và sự duy tồn quyền lực của các lãnh chúa. Chính quyền Edo muốn dựa vào Nho giáo để thâu tóm quyền lực chính trị, củng cố chế độ đẳng cấp mà trọng tâm là giới võ sĩ. Để khẳng định quyền uy, Mạc phủ đồng thời thực hiện nhiều chính sách trong đó có chế độ Sankin kotai (buộc các lãnh chúa phải định kỳ về Edo trình diện). Vượt ra ngoài những toan tính của Mạc phủ, chế độ Sankin kotai đã để lại hệ quả nhiều mặt đối với sự phát triển của Nhật Bản hiện đại[5].
Sau khoảng ba thế kỷ thăm dò, thâm nhập, giao lưu kinh tế…, đến đầu thế kỷ XIX, các cường quốc phương Tây ngày càng gây áp lực chính trị, quân sự lên các thể chế quân chủ châu Á. Với Nhật Bản, sau gần nửa thế kỷ mở cửa, tiếp xúc với các nước Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Anh, Hà Lan..., Mạc phủ Edo đã từng bước thực thi chính sách tỏa quốc (sakoku, 1635-1853). Trong suốt thời kỳ sakoku, về cơ bản Nhật Bản chỉ duy trì quan hệ với Hà Lan và một số quốc gia Đông Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam, Thái Lan (Siam)[6]... Chính sách tỏa quốc đã dẫn đến nhiều hệ quả tiêu cực. Song trong vòng 218 năm (1635-1853), bằng nhiều con đường, cách thức khác nhau, Nhật Bản vẫn tiếp nhận được nhiều thành tựu văn hóa, kỹ thuật tiên tiến của thế giới. Văn hóa phương Tây đem đến nhiều thành tố mới (mô hình phát triển và công nghệ,...) cho sự nghiệp chấn hưng đất nước. Người Nhật, bằng tư duy lý tính, đã nhận thấy sức mạnh và giá trị đích thực của các nền văn hóa bên ngoài[7].
Nghiên cứu đời sống chính trị các quốc gia Đông Bắc Á thế kỷ XVII-XIX chúng ta cũng thấy, thiết chế Bakuhan taisei (Mạc phiên thể chế) ở Nhật Bản là điểm riêng, độc đáo trong so sánh với các mô hình chính trị của các nước khu vực. Điểm nổi bật của thiết chế này là chặt chẽ (có phần hà khắc) về chính trị nhưng tương đối năng động về kinh tế. Lãnh chúa (daimyo) với tư cách là những người đứng đầu các phiên (han), có thể chủ động đề ra các chính sách kinh tế, xã hội riêng biệt[8]. Thời Edo, do sự phát triển của kinh tế công thương và mức độ tập trung dân cư cao trong các thành thị nên nhiều thành thị Nhật Bản trở thành nơi hội tụ sức mạnh chính trị, kinh tế, văn hóa của đất nước. Sức phát triển của các thành thị đã đem đến sinh lực, diện mạo xã hội, văn hóa mới cho Nhật Bản. Hệ quả là, trong sự phát chung của Nhật Bản, giữa thành thị với các vùng thôn quê, giữa các lãnh địa miền Tây với lãnh địa miền Đông cũng có nhiều điểm khác. Cấu trúc xã hội, chế độ đẳng cấp và địa vị của các đẳng cấp cũng diễn ra nhiều biến đổi. Mặc dù Mạc phủ Edo luôn muốn duy trì một cấu trúc xã hội chặt nhưng sự giao hòa giữa các đẳng cấp vẫn diễn ra[9]. Chế độ giáo dục ở Nhật Bản (thời kỳ Edo) và ở Hàn Quốc (thời Choson) là sự thể hiện sâu sắc những dấu ấn truyền thống và biến chuyển căn bản đó.
2. Ảnh hưởng của môi trường văn hóa, giáo dục khu vực
Những ảnh hưởng sâu rộng của văn hóa Nhật Bản thời Edo bắt nguồn từ tâm thức nguồn cội, gắn với cộng đồng cư dân vốn vẫn tự coi mình là thần dân của nữ thần Mặt trời và là cư dân của xứ sở mặt trời mọc. Nhận thức rõ vai trò của văn hóa, giáo dục đối với sự phát triển của đất nước, từ thế kỷ VI-VII, người Nhật đã hướng về lục địa châu Á, chủ động tiếp nhận nhiều di sản văn hóa của các triều Tùy (581-618), Đường (618-907). Sự cách biệt với lục địa châu Á bởi một không gian biển đã dẫn đến những hệ quả đa chiều. Một mặt, Biển Nhật Bản (Nihon kai) là không gian chia cách tự nhiên khiến quá trình tiếp giao văn hóa giữa Nhật Bản với Trung Quốc và bán đảo Triều Tiên gặp nhiều trở ngại. Nhưng mặt khác, nhờ có không gian biển đó mà người Nhật đã có được một khoảng cách an toàn để chủ động tiếp thu hay chối từ các thành tựu, ảnh hưởng văn hóa cùng áp lực chính trị từ các đế chế khu vực.
Trong số các quốc gia Đông Bắc Á, Trung Quốc là nước sớm có truyền thống giáo dục[10]. Quan hệ giữa Trung Quốc với bán đảo Triều Tiên bắt nguồn từ nhiều thế kỷ trước công nguyên. Đến những thế kỷ đầu công nguyên, mối quan hệ giữa Trung Quốc với Nhật Bản từng bước được thiết lập. Các bộ sử Trung Quốc như Ngụy chí Oa nhân truyện (biên soạn trước năm 297) đã mô tả khá cụ thể hành trình của một phái bộ sang bán đảo Triều Tiên, đến Nhật Bản và những phong tục, tập quán của cư dân đảo quốc. Trong tác phẩm Sử ký, sử gia Tư Mã Thiên từng viết về việc Tần Thủy Hoàng đã cho thuyền vượt biển đến vùng quần đảo Đông Bắc để tìm thuốc trường sinh. Có thể khẳng định, các đảo đó chính là Nhật Bản hiện nay[11].
Ghi chép của Tư Mã Thiên là minh chứng cho thấy, đã hình thành các làn sóng di cư từ lục địa châu Á sang Nhật Bản từ thời Tần (221-206 TCN), Hán (206 TCN-220). Lúc bấy giờ, Nhật Bản đang là thời kỳ phát triển của văn hóa Yayoi (thế kỷ III TCN - thế kỷ III). “Việc phát hiện Hóa Tuyền tại Nhật Bản cho thấy vào thời kỳ Yayoi, thông qua dòng chảy giao lưu quốc tế về người và hàng hóa, các sản phẩm của nền văn hóa chữ Hán đã được đưa đến quần đảo Nhật Bản”[12]. Quá trình nhập cư và hội cư đó cũng đồng thời là quá trình truyền tải các giá trị văn hóa từ lục địa châu Á đến vùng quần đảo. Các lớp di dân này đã đem đến đảo quốc những giá trị, tư duy văn hóa mới. Đến thế kỷ VI, từ vùng bán đảo Triều Tiên, Phật giáo lan tỏa đến Nhật Bản và đã từng bước làm thay đổi xã hội bản địa. Người Nhật cũng tiếp nhận chữ Hán và qua đó tiếp thu tri thức của các nền văn hóa khu vực. Như vậy, “ngôn ngữ Trung Hoa không những là thứ công cụ truyền đạt tri thức vào Nhật Bản mà còn chính là cơ sở của nền học thuật về các thiết chế mới”[13]. Phát triển vượt trội của Nhật Bản thời Nara (710-794) và Heian (794-1185) cho thấy những kết quả rõ nét của quá trình tiếp giao văn hóa. Luật giáo dục, một phần của Bộ luật Taiho ban hành năm 701, đã tạo dựng nền tảng căn bản cho việc xây dựng chế độ giáo dục mang tính quốc gia.
Sau khi du nhập vào Nhật Bản, Nho giáo đã được người Nhật tiếp nhận, cải biến theo tinh thần của Shinto và đặc tính dân tộc. Trong tâm thức người Nhật, Nho giáo bao gồm 5 phẩm chất cơ bản: sự trung thành, nghi lễ, lòng quả cảm, sự công minh và tính cần kiệm. Như vậy, so với Ngũ thường của Trung Quốc, các giá trị trung tâm về con người đã được phát triển sáng tạo[14]. Người Nhật coi sự trung thành là phẩm chất cốt yếu trong khi đó Nho giáo Trung Hoa lại đề cao Nhân và Lễ[15]. Học giả Michio Morishima từng cho rằng, thời Edo “Trung Quốc là nước theo đạo Khổng dân sự còn Nhật Bản là nước theo đạo Khổng quân sự. Đạo Khổng Trung Quốc là đạo coi “lòng khoan dung” là phẩm chất quan trọng nhất, đã thích ứng tốt với loại cơ cấu kiểm soát tồn tại ở Trung Quốc. Đạo Khổng Nhật Bản mà theo đó sự trung thành (theo nghĩa hy sinh trọn đời cho chủ) được coi là phẩm chất trung tâm, phù hợp với cai trị quân sự ở Nhật Bản. Do vậy, mỗi nước phát triển một cơ cấu cai trị phù hợp với hệ tư tưởng tương ứng”[16]. Như vậy, khác với Nho giáo Trung Hoa, Nho giáo Nhật Bản mang tính dân tộc rất rõ rệt. Đó là “Nho giáo quân sự” chứ không phải “Nho giáo dân sự”, gắn liền và là sản phẩm của thiết chế quan liêu.
Từ nền tảng tư tưởng, xã hội đó, tư duy giáo dục ở Nhật Bản cũng cho thấy nhiều điểm khác biệt so với triết lý giáo dục của Trung Quốc, Hàn Quốc. Nhìn chung, cho đến cuối thời kỳ Edo, Nhật Bản đã duy trì một chế độ giáo dục tương đối khép kín. Cơ hội học tập nhìn chung chỉ dành cho con em hoàng gia và đẳng cấp võ sĩ. Thiết chế giáo dục đó đã góp phần duy trì địa vị thống trị của chế độ phong kiến đồng thời cũng làm hạn chế khả năng của các đẳng cấp xã hội bên dưới bằng con đường học tập có thể thay đổi địa vị xã hội của mình[17].
Tuy nhiên, cùng với những biến chuyển xã hội, chế độ giáo dục cũng có những thay đổi. Sau một thời kỳ mở cửa, tiếp nhận ảnh hưởng văn hóa bên ngoài, từ thế kỷ IX văn hóa Nhật Bản dường như tìm về với những giá trị nguồn cội, đồng thời chắt luyện các di sản đã tiếp nhận được từ môi trường văn hóa khu vực. Chữ Kana được sáng tạo vào thế kỷ X và nhanh chóng trở thành ngôn ngữ sáng tác văn học, thi ca. Thể thơ Hòa ca (Waka) hay các thiên truyện nổi tiếng như: Genji monotagari, Makuranoshoshi... đều được viết bằng chữ Kana với ngôn từ phong phú, sinh động. Ở Kyoto, một số trường học được dựng nên để dạy cho con em các gia đình quyền thế. Tuy nhiên, trước yêu cầu học tập ngày càng tăng của các đẳng cấp xã hội, nhiều trường mới được thành lập. Thành phần tham gia học tập cũng ngày một rộng mở. Để quản lý địa phương, nhiều lãnh chúa rất coi trọng việc phát triển giáo dục. Mục tiêu căn bản là đào tạo nên một đội ngũ những người có năng lực, tư duy, kỹ năng quản lý.
Trong khi đó, từ thế kỷ thứ IV, Nho giáo đã thâm nhập vào bán đảo Triều Tiên qua vương quốc Koguryo (Cao Câu Ly). Chỉ một thời gian ngắn sau đó, năm 372 một học viện nghiên cứu về Nho giáo (T’aehak) được thành lập. Tiếp đó, một số trường học địa phương cũng được thành lập. Bộ Sử ký (Yugi) gồm 100 tập hoàn thành năm 600 của vương quốc này đã ghi lại nhiều sự kiện quan trọng về quá trình truyền bá Nho giáo đến vùng bán đảo. Dù chưa thể khẳng định ở Paekche (Bách Tế) có thiết lập trường học Nho giáo hay không nhưng đến thế kỷ thứ IV, Nho giáo đã có nhiều ảnh hưởng xã hội. Một số học giả như Wang In (Vương Nhân), Ko Hung (Cao Hưng)... đã rất nổi tiếng Trong thời gian đó, một số nhà Nho, nhà sư Bách Tế đã vượt biển đến Nhật Bản. Trong khung cảnh xã hội mới, họ được coi là những người có trình độ học vấn cao.
Dù Nho giáo được truyền đến vương quốc Shilla (Tân La) chậm hơn so với Cao Câu Ly và Bách Tế nhưng bộ quốc sử của Tân La lại được viết và hoàn thiện sớm vào năm 545. Đến năm 682, một cơ quan chuyên nghiên cứu Nho giáo có tên là Kuk’hok (Quốc học) đã được thiết lập. Trường Quốc học được thành lập là dấu mốc quan trọng trong việc nghiên cứu Nho giáo và phát triển học thuật ở vùng bán đảo. Nho giáo đã đào luyện nên nhiều học giả nổi tiếng như Kim Saeng (Kim Sinh) và Kim Tae Mun (Kim Đại Vấn). Ông là tác giả của các cuốn sách như Hồ sơ tổng hợp về vương quốc Shilla, Tiểu sử các nhà sư lỗi lạc và Hoa Lang thế ký[18]. Ở trường Quốc học, người ta không chỉ học các tác phẩm kinh điển Nho giáo mà còn được truyền dạy văn học và lịch sử Trung Hoa. Việc học tập được thực hiện bằng chữ Hán nhưng nhiều nhà sư uyên bác còn thông hiểu cả chữ Phạn. Ở một mức độ nhất định, chữ viết Idu (Lại độc) của Shilla cũng được sử dụng. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, hệ thống chữ viết này đã được người Nhật tiếp nhận để sáng tạo nên chữ Manyokama và là cơ sở cho sự ra đời của chữ Kana.
Đến thời Koryo (Cao Ly, 918-1392), vua Thái Tổ (trị vì 918-943) sau khi thống nhất bán đảo Triều Tiên đã nhanh chóng xây dựng một chính quyền trung ương tập quyền mạnh. Về chính trị, chính quyền này được thiết lập theo khuôn mẫu Trung Hoa với thiết chế lục bộ. Nhưng, một số cơ quan chuyên trách khác như Hội đồng cơ mật, Ngự sử đài cũng được thành lập. Vương triều Cao Ly bắt đầu thực hiện chế độ khoa cử từ năm 958 và thành lập Quốc Tử Giám năm 992. Đây là trung tâm học thuật lớn nhất ở vùng bán đảo cho đến khi hệ thống giáo dục có nhiều phát triển vào thế kỷ XI.
3. Đẳng cấp và sự phân biệt đẳng cấp trong giáo dục
Sau khi trở thành người đứng đầu Mạc phủ Edo vào năm 1603, Tokugawa Ieyasu (1542-1616) và những người kế nhiệm ông đã thực thi nhiều biện pháp để hướng tới xây dựng một xã hội vững mạnh. Thông qua giáo dục, chính quyền Edo muốn khẳng định địa vị của hoàng gia, đẳng cấp samurai và thể chế chính trị phong kiến. Chủ trương đó được thể hiện trong chế độ giáo dục ưu đãi dành cho võ sĩ, những người được coi là giới tinh hoa, nắm vai trò quản lý, thống trị xã hội.
Cũng như nhiều quốc gia châu Á, giáo dục ở Nhật Bản thời Edo hướng đến nhiều mục tiêu nhưng trọng tâm là để khẳng định địa vị của các đẳng cấp trong xã hội. Vì thế, nhiều loại hình trường học được lập ra cho từng đẳng cấp. Thể chế chính trị phong kiến phân quyền, sự phát triển của các thành thị cùng nhu cầu học tập, thụ hưởng văn hóa của giới thị dân đã trở thành nhân tố thúc đẩy sự phát triển đa dạng của giáo dục. Nội dung của chế độ giáo dục dành cho đẳng cấp võ sĩ xuất phát từ triết lý giáo dục Nho giáo, yêu cầu về học vấn của Mạc phủ và các lãnh chúa. Theo đó, học tập tri thức, rèn luyện đạo đức, nhân cách luôn được coi trọng. Trong nhận thức của chính quyền Edo, để xây dựng một xã hội có kỷ cương, con người phải hành xử theo đúng chức phận của mình. Mục tiêu căn bản của chế độ giáo dục dành cho đẳng cấp võ sĩ là đào luyện nên những người nắm giữ vai trò quản lý xã hội. Một chế độ giáo dục nghiêm cẩn, coi trọng ý chí, lòng trung thành, sự chính trực, sẵn sàng hy sinh vì đạo nghĩa… đã được thực hiện. Nhìn chung, con em các gia tộc võ sĩ đều được và phải có trách nhiệm đi học. Tiếp đó, tùy theo địa vị gia đình và năng lực mà họ có thể được cử đi đào tạo tại các trường có trình độ cao hơn ở Edo, Osaka hay Nagasaki (cửa ngõ bang giao quốc tế). Có thể coi chế độ giáo dục do Mạc phủ Edo thiết lập là một “đặc ân” của chính thể quân chủ dành cho đẳng cấp võ sĩ[19]. Trong khi đó, với các đẳng cấp bình dân, mục tiêu cơ bản của việc đến trường là biết đọc, biết viết và học các môn “khoa học thực nghiệm” như toán học, chế tạo vũ khí và các ngành kỹ thuật[20]...
Như vậy, chế độ giáo dục ở Nhật Bản thời Edo, có nhiều điểm khác biệt căn bản với chế độ giáo dục Trung Quốc và một số nước cùng chịu ảnh hưởng của văn hóa khu vực. Vì nhiều nguyên nhân, giáo dục ở Nhật Bản không có chế độ khoa cử và dường như cũng không có chế độ trọng dụng người tài qua con đường khoa cử. Khi cần bổ nhiệm một cương vị nào đó, người ta thường sử dụng cơ chế tiến cử tức là chọn ra một hay một số người có xuất thân từ đẳng cấp trên và có thực tài. Cơ chế tiến cử ở Nhật Bản luôn bảo đảm cho chính quyền tìm được những người tài năng (jinzai). Trách nhiệm, danh dự của người tiến cử gắn liền với năng lực, sự thành công trong công việc của người được tiến cử. Trong một xã hội quân sự, sự trung thành, tinh thần dũng cảm và tài thao lược của mỗi võ sĩ là điều có thể kiểm nghiệm. Ở một cấp độ cao hơn, mỗi quyết định của người chỉ huy là lẽ sinh tử của cả một cộng đồng. Do đó, năng lực thực tế, tầm nhìn, tính quyết đoán, khả năng chịu trách nhiệm cá nhân trước cấp trên và toàn thể cộng đồng là những nhân tố trọng yếu. Thời Edo, chế độ tiến cử là cách thức chung của nhiều lĩnh vực xã hội.
Trong khi đó, ở Hàn Quốc, chính quyền Choson cho dựng Thành quân quán (Songgyun’gwan) ở kinh đô Hán Thành (Seoul). Dưới Thành quân quán là bốn trường (Tứ học) dành để nghiên cứu Nho giáo. Tại các địa phương, nhiều Hương hiệu (Hyanggyo) được thành lập, các trường tiểu học gọi là Thư đường (Sodang). Tất cả các trường này đều dành cho con em đẳng cấp lưỡng ban (yangban). Giáo dục tiểu học nhận học sinh từ 4 đến 7 tuổi. Một số học sinh có thể được chọn để đưa về Hán Thành học tập. Sau đó, phải trải qua ba kỳ thi, thứ nhất là sinh tiến khoa hay tiểu khoa. Nếu đỗ sẽ thi tiếp lên đại khoa. Mỗi kỳ thi tuyển 33 người. Kỳ thi thứ ba là điện thí do nhà vua (triều đình) tổ chức. Thí sinh đỗ đầu điện thí là trạng nguyên (chang’won), được trọng dụng và có nhiều cơ hội tiến thân. Cứ ba năm một lần các kỳ thi được tổ chức nhưng nhà vua cũng mở “ân khoa” để tuyển chọn người tài. Ngoài ra, triều đình còn mở các kỳ Võ thí và Tạp khoa (luật pháp, thiên văn học, y học…) để tuyển võ quan và viên chức cho bộ máy hành chính.
Thời Choson, giáo dục nhìn chung chỉ dành cho đẳng cấp yangban (lưỡng ban, gồm các quan lại văn, võ cao cấp). Thậm chí, con trai của vợ lẽ lưỡng ban cũng không được tham gia thi tuyển. Thí sinh phải khai rõ gia thế bốn đời bên cha, bên mẹ và bên vợ. Nếu thi đỗ, nhìn chung cũng chỉ có những người xuất thân từ vùng Kyongsan-do và Ch’ung Ch’ong-do (miền Nam bán đảo) là có nhiều cơ hội được bổ dụng. Đến thế kỷ XVII, khi Nho giáo ngày càng có ảnh hưởng sâu sắc trong xã hội, địa vị của đẳng cấp yangban (quý tộc), chungin (trung lưu, trung nhân), sangmin (thường dân) và ch’onmin (tiện dân) càng có nhiều khác biệt. Những người ngoài đẳng cấp lưỡng ban không thể tham gia các kỳ thi. Thậm chí, chức vị mà họ được giao đảm nhận cũng bị bãi miễn để thay vào đó là những yangban thuần khiết. Như vậy, mặc dù đều có sự phân biệt đẳng cấp và địa vị xã hội trong giáo dục nhưng sự phân biệt xã hội ở Hàn Quốc tỏ ra khắt khe, sâu sắc hơn so với Trung Quốc và Nhật Bản.
4. Sự đa dạng về tổ chức, mục tiêu và nội dung đào tạo
Vào cuối thời kỳ Edo, xã hội Nhật Bản diễn ra nhiều chuyển biến. Trong các thành thị, nhu cầu giáo dục của các đẳng cấp bình dân ngày càng cao và họ đã tự lập nên nhiều trường học riêng. Như vậy, hai hệ thống giáo dục đã song hành. Thời Edo, ở Nhật Bản có ba loại trường mà những người trẻ tuổi có thể theo học: trường do Mạc phủ thành lập, quản lý; trường của các lãnh chúa địa phương; và các trường tư (shiyuku)[21] của giới trí thức hay bình dân.
Thời cận thế, Mạc phủ trực tiếp quản lý 27 trường, phân bố tập trung ở khu vực Edo và một số thành thị, địa phương thuộc phạm vi quản lý trực tiếp. Mặc dù mục đích, nội dung chương trình học tập là tương đối thống nhất nhưng ở từng trường quy trình giảng dạy, truyền đạt tri thức và nội dung cụ thể của môn học có những điểm khác nhau. Một số trường, như Shoheiko (Shoheizaka gakumonjo), là trung tâm học thuật, đào tạo lớn nhất của Nhật Bản. Shoheiko do Hayashi Yazan (1583-1657), nhà tư tưởng, học giả Nho giáo nổi tiếng Nhật Bản thành lập năm 1630. Mạc phủ đã dành nhiều nguồn lực cho hoạt động của nhà trường. Nhiều giảng viên được trả lương tới 300 koku thóc/năm[22]. Chính quyền Edo điều hành mọi hoạt động của nhà trường, lựa chọn đội ngũ giảng viên và đặt ra chương trình giảng dạy. Shoheiko được coi là trung tâm truyền dạy Nho giáo và là khuôn mẫu đào tạo cho hệ thống trường học của Mạc phủ. Sau khi tốt nghiệp, nhiều người được tuyển dụng vào bộ máy hành chính hay trở thành giảng viên của các trường địa phương. Từ năm 1790, Mạc phủ ngày càng đề cao Tống nho mà trọng tâm là tư tưởng của Chu Hy (1130-1200), học thuyết được đánh giá cao và là dòng chủ lưu trong các học phái Nho giáo ở Nhật Bản[23].
Trên một phương diện khác, khi bắt đầu tiếp xúc với phương Tây, nhiều người Nhật không chỉ đã nhận ra sự khác biệt về văn hóa giữa Tây Âu với Nhật Bản mà hơn thế còn thấy có độ chênh lớn về trình độ kỹ thuật, công nghệ. Từ giữa thế kỷ XVIII, tuy Nho học, văn học Trung Quốc, lịch sử, thư pháp, luận... vẫn được tiếp tục giảng dạy nhưng ở nhiều trường học, các môn học mới đã được đưa vào chương trình như toán học, khoa học quân sự, kỹ thuật đóng tàu, thiên văn học, y học, tiếng Hà Lan, tiếng Anh[24]... Năm 1740, Tokugawa Yoshimune (1677-1751), shogun thứ tám của Mạc phủ Edo, đã chính thức cho phép giảng dạy một số môn về khoa học, kỹ thuật phương Tây. Cũng trong năm đó, ông đã yêu cầu hai bề tôi thân tín học tiếng Hà Lan. Đó là quyết định quan trọng cho thấy sự thay đổi trong nhận thức về giáo dục của người đứng đầu Mạc phủ.
Đến cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX, hiểu rõ sức mạnh của khoa học, kỹ thuật phương Tây, chính quyền Edo chủ trương lập một số trường dạy các ngành khoa học hiện đại. Trường Đông y (Igakukan, 1795), Trường văn học phương Tây (Bansho Torishirabesho, 1856), Trường khoa học quân sự phương Tây (Kobujo, 1856), Trường hàng hải (Gunkan sorenjo, 1857) và Trường Tây y (Igakusho, 1858)... Nhìn chung, các trường này đều hoạt động hiệu quả và sau này đã trở thành các trường cao đẳng, đại học đầu tiên của chính quyền Minh Trị. Nhiều ngành học, môn học vẫn được tiếp tục giảng dạy trong hệ thống giáo dục mới. Các học giả, giảng viên đã trở thành những người tiên phong trong việc truyền dạy tri thức, khoa học tiên tiến ở Nhật Bản[25]. Họ đều hiểu rằng: “Khai sáng quốc dân, đưa họ đến tầm cao kiến thức vốn được xem là nhiệm vụ cơ bản của các học giả”[26].
Cùng với hệ thống trường do Mạc phủ quản lý, ở nhiều địa phương còn có trường do các lãnh chúa hay giới trí thức thành lập. Nếu như vào đầu thế kỷ XVII mới có khoảng 15 han có trường riêng thì đến cuối thời Edo hầu hết các lãnh địa đã có trường học. Ở một số lãnh địa, có tới 2 đến 3 trường[27]. Sự tăng trưởng về số lượng của các trường học cho thấy nhu cầu học tập của đẳng cấp võ sĩ tăng lên mau chóng. Bên cạnh đó, quan điểm giáo dục giữa các lãnh chúa cũng có nhiều khác biệt. Vì thế, cần phải có trường riêng để đào tạo những nhà quản lý theo mục tiêu cụ thể[28]. Trước khi cải cách Minh Trị diễn ra, cả một hệ thống giáo dục ở địa phương đã được thiết lập. Sự phát triển giáo dục thời kỳ này cho thấy xu thế hướng tới tri thức và khát vọng học tập của người Nhật Bản[29].
Sau khi Nhật Bản chứng kiến sức mạnh của phương Tây qua các chiến hạm của Mỹ do đề đốc Matthew C.Perry (1794-1858) chỉ huy tiến vào vịnh Tokyo năm 1853, những người đứng đầu chính quyền Edo thực sự lo ngại vấn đề chủ quyền và sự tồn vong của đất nước. Lúc bấy giờ “người Nhật nhận thấy rằng, có một khoảng cách lớn về công nghệ giữa đất nước họ với phương Tây vào cuối thời kỳ Tokugawa nên họ đã thấy cần thiết phải thay đổi và đã suy tính một cách nghiêm chỉnh về việc xây dựng nền kinh tế quốc gia như thế nào để có thể cạnh tranh được với phương Tây”[30]. Trước áp lực của các cường quốc Âu - Mỹ, ở nhiều lãnh địa việc học tập, tìm hiểu phương Tây đã trở thành trào lưu mạnh mẽ[31]. Trên thực tế, trong suốt một thời gian dài, dưới áp lực của chính sách đóng cửa, một số lãnh địa đã bí mật phái cử thanh niên, trí thức trẻ tuổi sang các nước Âu - Mỹ học tập. Ở trong nước, không còn cách nào khác, Mạc phủ cũng phải tổ chức lại hoạt động của Shoheiko, đồng thời tìm cách nhanh chóng tiếp cận với văn minh phương Tây. Kế thừa những thành tựu của Hà Lan học (Rangaku) và Tây dương học (Seiyagaku), năm 1856 Mạc phủ quyết định thành lập Bansho shirabesho (Phiên thư điều sở), 4 năm sau đổi tên là Yosho shirabesho (Dương thư điều sở) và sau đó tiếp tục đổi thành Kaiseisho (Khai thành sở). Sự thay đổi trên đây cho thấy những chuyển biến trong nhận thức của chính quyền Edo đối với khoa học, kỹ thuật phương Tây. Kaiseisho nhanh chóng trở thành trung tâm nghiên cứu, đào tạo phương Tây lớn nhất ở Nhật Bản[32].
Cùng với hệ thống trường do các cấp chính quyền quản lý, ở Nhật Bản còn có nhiều trường tư (shiyuku) dành cho đẳng cấp võ sĩ và một số thành phần xã hội. Hầu hết các trường này đều phát triển độc lập. Uy tín của nhà trường phụ thuộc vào đội ngũ học giả, giảng viên và chương trình đào tạo. Một số trường, số lượng học viên theo học có khi lên đến hàng nghìn người. Ở nhiều trường, học viên được khuyến khích trình bày quan điểm, chủ thuyết của mình. Một trong những học giả tiêu biểu chú trọng phương pháp đào tạo đó là Yoshida Shoin (1830-1859). Ông là người coi trọng thực học. Tư tưởng và phương pháp giáo dục của ông đã tác động sâu sắc đến đông đảo giới võ sĩ. Nhiều người trong số môn đệ của ông sau này đã trở thành những nhân vật chủ chốt trong cải cách Minh Trị. Vào thời Edo, khi hệ thống trường do Mạc phủ và các lãnh địa quản lý còn duy trì những nguyên tắc chặt chẽ về địa vị xã hội của người học, thì hầu hết những người trẻ tuổi có năng lực trong bộ máy chính quyền, giáo viên, bác sĩ... đã được cử đi học ở các trường tư. Thực tế, sự phát triển mau chóng của nhiều địa phương gắn liền với công lao đào tạo, đóng góp của đội ngũ trí thức tốt nghiệp từ các trường tư thục này.
Cuối thời Edo, trong khi nhiều trường do chính quyền điều hành còn chậm trễ, chưa bắt kịp với những yêu cầu giáo dục mới của xã hội thì các trường tư lại chính là những cơ sở đầu tiên giới thiệu về những ngành học hiện đại. Tuy chế độ giáo dục phát triển đa dạng nhưng vào thời Edo, quan hệ giữa thày và trò luôn bền chặt, thể hiện sâu sắc các giá trị đạo đức truyền thống và tinh thần võ sĩ. Tình cảm thầy - trò được duy trì trọn đời thậm chí qua nhiều thế hệ. Mối quan hệ cộng đồng trách nhiệm, có nghĩa có trung là di sản vô giá mà nền giáo dục Nhật Bản thời cận thế để lại cho thế hệ sau[33].
Trong khi đó, ở Hàn Quốc vào thế kỷ X, học giả Ch’oe Ch’ung (Thôi Trung) từng được tôn vinh như “Khổng Tử của Triều Tiên”. Ông đã thành lập trường tư để dạy học. Về sau, trường học này đã sáp nhập 12 trường tư khác để trở thành một trường học lớn, có uy tín. Đến thế kỷ XII, vua Yejong (Huệ Tông, trị vì từ năm 1105 đến 1122) cũng đã cải tổ Quốc Tử Giám thành một hệ thống gồm sáu trường để giảng dạy, nghiên cứu gồm: Khổng giáo (2 trường), văn học, luật, thư pháp, tài chính... Bên cạnh đó, triều Câu Ly còn thành lập Học viện quân sự và các trường học, bồi dưỡng nhân tài. Sách và tài liệu giảng dạy chủ yếu được nhập về từ Trung Quốc. Sau một thời gian học tập, thí sinh phải trải qua ba kỳ thi, mỗi kỳ thi chọn ra 33 người xuất sắc nhất. Văn học và kinh điển Nho giáo là môn thi bắt buộc.
Về lý thuyết, các kỳ thi này dành cho tất cả mọi người nhưng thực tế con em của các đẳng cấp bên dưới, nhà tu hành thậm chí con của vợ lẽ các yangban cũng không thể tham dự. Như vậy, chỉ có giới quý tộc và con em các thế gia mới có thể học tập và có cơ hội được tuyển dụng vào hệ thống hành chính. Con em của các quan ngũ phẩm trở lên có thể được bổ dụng mà không cần qua thi cử. Trong khi đó, những thí sinh đạt kết quả trong kỳ thi môn tổng hợp sẽ được xét để bổ về các bộ đảm đương những cương vị cụ thể như: luật, kế toán, y học, địa lý… Kết quả là, ngoài việc đào tạo nên một đội ngũ quan lại, viên chức, giáo dục Hàn Quốc còn có vai trò quan trọng trong tư duy, đào tạo hướng nghiệp. Trong thời gian từ năm 1145-1317, một số tác phẩm như: Tam quốc sử ký (Samguk sagi) do Kim Pu-shik (Kim Phú Thức) biên soạn; hay Những sự việc đáng ghi nhớ về thời Tam Quốc (Samguk Yusa) của I-lyon viết vào đầu thế kỷ XIII đã được xuất bản. Các tác phẩm này có ý nghĩa quan trọng trong việc nghiên cứu lịch sử, văn hóa Hàn Quốc. Trong thời gian vùng bán đảo bị quân Mông - Nguyên xâm lược, nhiều di sản văn hóa đã bị thiêu hủy.
Đến thời Choson (1392-1910), những người cầm quyền đã học theo mô hình Trung Hoa trong tổ chức nhà nước. Họ đã “biến đổi Triều Tiên hoàn toàn thành một nước Trung Quốc hóa (Sinified) do một nhóm xã hội quý tộc được gọi là yangban thống trị”[34]. Trong bối cảnh đó, Tống nho (Tân Nho giáo) được An Yu (An Dụ) đưa về vùng bán đảo cuối thế kỷ XIV và mau chóng trở thành nền tảng tư tưởng của triều đại Choson. Bằng những ngôn từ siêu hình, Tân Nho giáo giải thích trật tự của thế giới đồng thời nhấn mạnh đến lòng trung thành và sự phục tùng tuyệt đối của dân chúng với vương vị. Học thuyết xã hội của Tống nho nhấn mạnh đến Ngũ thường nhưng đồng thời cũng coi trọng việc thờ phụng tổ tiên. Sự khác biệt về quan điểm đó đã gây nên cuộc tranh biện gay gắt giữa các trường phái học thuật. Hệ quả là, từ năm 1498 đến năm 1545, đã có đến bốn cuộc thanh trừng học giả Nho giáo theo quan điểm mới. Tuy nhiên, “đến cuối thế kỷ XVI, học thuyết Khổng giáo với những giá trị xã hội và triết học của nó đã được quần chúng nhân dân trong xã hội chấp nhận, nhiều người muốn xây dựng trật tự mới trong xã hội theo mẫu hình đạo đức và lý tưởng Khổng giáo”[35]. Với việc chính quyền Choson đề cao vai trò và vị thế của Nho giáo, mà các trường phái tư tưởng, học thuật khác từng bước bị suy yếu và mất dần đi vị trí trung tâm trong đời sống xã hội.
5. Thực học và phổ cập giáo dục
Những điều kiện kinh tế, xã hội mới đặc biệt là đời sống văn hóa phát triển ở nhiều địa phương và trong các thành thị đã góp phần thúc đẩy quá trình đại chúng hóa giáo dục ở Nhật Bản. Tỷ lệ ngày càng nhiều người biết đọc, biết viết đã kích hoạt nhu cầu học tập của xã hội. Nhiều thường dân, nhất là bộ phận bên trên, thương nhân giàu có đều muốn cho con em được đến các trường tư danh tiếng, thậm chí họ còn muốn gửi con theo học trong các trường do lãnh địa hay Mạc phủ quản lý. Trong xu thế biến thiên về thang bậc giữa các đẳng cấp xã hội, giáo dục ngày càng phổ biến. Nhiều người vốn xuất thân từ đẳng cấp thấp nhờ có học tập mà đã có thể thay đổi được địa vị xã hội của mình. Giá trị đạo đức, tư tưởng của đẳng cấp võ sĩ vẫn được coi là chuẩn mực của nhiều đẳng cấp xã hội.
Để đáp ứng nhu cầu học tập, hàng loạt các trường quê (gogaku) và trường đền, chùa (terakoya) đã được thành lập[36]. Nhu cầu về học tập của giới bình dân tăng lên trong suốt thời kỳ Edo nhưng đến thế kỷ XIX thì thực sự đã trở thành trào lưu xã hội mạnh mẽ. Nhiều gia đình, đặc biệt là giới thị dân đều hiểu rằng, việc học tập ở terakoya là sự chuẩn bị tri thức nền tảng cho tương lai của con em mình. Với các võ sĩ trẻ tuổi, terakoya là nơi lĩnh hội những kiến thức cơ bản để chuẩn bị cho chương trình học tập ở trình độ cao hơn. Ở một số trường, ngoài môn đạo đức, học sinh còn được học toán, địa lý, lịch sử thậm chí cả một số môn về khoa học, kỹ thuật phương Tây, tiếng Hà Lan, tiếng Anh[37]... Trước yêu cầu của đất nước, năm 1871 chính quyền Minh Trị đã lập Bộ Giáo dục để quản lý và triển khai việc xây dựng hệ thống giáo dục quốc gia. Tháng 8 năm 1872, Luật Giáo dục được ban hành với nội dung cơ bản: từ bỏ hệ thống giáo dục phong kiến và chế độ phân biệt đẳng cấp; mục đích của giáo dục nhà trường là dạy các môn khoa học thực nghiệm cần thiết cho con người; chi phí giáo dục do nhân dân đóng góp. Dựa theo chế độ giáo dục phổ thông của Pháp, chính quyền Minh Trị chia Nhật Bản ra thành 8 học khu, mỗi học khu gồm 32 khu trung học và mỗi khu trung học lại có 210 trường tiểu học. Như vậy, 8 học khu có 256 trường trung học và 53.760 trường giáo dục tiểu học[38].
Nhìn lại trào lưu thực học và để tiếp tục thúc đẩy thực học, trong tác phẩm Khuyến học viết năm 1872-1876, Fukuzawa Yukichi từng nhấn mạnh: “Trước hết cần phải học những môn thực sự cần thiết cho cuộc sống hằng ngày. Ví dụ, phải học thuộc lòng 47 chữ cái Kana. Học cách soạn thảo thư từ, ghi chép trương mục kế toán. Sử dụng thành thạo bàn tính. Nhớ cách cân, đong, đo, đếm. Tiếp đến là phải học các môn như địa lý để biết được phong thổ Nhật Bản và các nước trên địa cầu. Vật lý là môn học giúp ta phân biệt được tính chất của mọi vật thể trong thiên nhiên, qua đó tìm ra tác dụng của nó. Sử là môn học giúp chúng ta hiểu biết cặn kẽ mọi sự kiện ghi trên niên biểu lịch sử, qua đó chúng ta có thể nghiên cứu quá khứ, hiện tại của mọi quốc gia. Kinh tế là môn giải đáp cho chúng ta mọi vấn đề liên quan đến việc chi tiêu trong mỗi gia đình cũng như nền tài chính của đất nước. Học môn đạo đức giúp chúng ta hiểu về hành vi, hành động của bản thân, hiểu cách cư xử, cách giao tiếp, cách sinh hoạt giữa người với người”[39]. Hiển nhiên, giữa các terakoya có nhiều điểm khác về quy mô và nội dung đào tạo. Ở mỗi trường, trình độ, quan điểm giáo dục của đội ngũ giáo viên có ý nghĩa quyết định. Vì thế, thời Edo hệ thống giáo dục cơ sở của Nhật Bản mang tính cá thể rõ rệt. Chế độ giáo dục ở Nhật Bản mặc dù không tránh khỏi hạn chế nhưng nó đã tạo ra những không gian rộng mở cho việc hình thành các học phái và người dạy cũng như người học có thể phát huy khả năng tư duy cũng như thiên hướng khoa học của mình[40].
Điều đáng chú ý là, trong các thành thị, nơi tập trung đông đảo thị dân, thương nhân là môi trường xã hội, văn hóa mà nhu cầu giáo dục tăng lên rất cao. Là những người thuộc đẳng cấp thấp nhưng giới thương nhân luôn nắm giữ nhiều nguồn lực kinh tế của đất nước. Hầu hết con em các gia đình thương nhân đều được đi học. Với họ, những tri thức thiết yếu về văn hóa và kỹ năng tính toán là cần thiết để có thể đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong kinh doanh, mở rộng thị trường. Tri thức và sự hiểu biết là điều cần phải có trên thương trường. Như vậy, “Học tập đã trở thành một bộ phận quan trọng trong cuộc sống thường ngày của hầu hết các samurai cũng như đông đảo tầng lớp bình dân. Điều đó có nghĩa rằng, trước khi hệ thống giáo dục hiện đại được thiết lập đã có một số lượng đông đảo giáo viên kinh nghiệm, biết bao người trẻ tuổi đã có trình độ sơ đẳng biết đọc, biết viết và rất nhiều gia đình đã quen với cuộc sống cho con đi học”[41].
Nhiều người thuộc các đẳng cấp bình dân coi học tập là con đường chân chính để tiến thân hay thay đổi địa vị xã hội. Vào cuối thời kỳ Edo, một số thường dân lớp trên cũng được bổ nhiệm vào bộ máy hành chính ở các thị trấn (machi yakunin) hay đội ngũ hào mục ở làng quê (mura yakunin). Cuối thời Edo, tiền tệ đã làm thay đổi nhiều mối quan hệ xã hội và những đạo đức truyền thống. Tinh thần võ sĩ đạo (Bushido) vì thế cũng bị “thế tục hóa”. Từ thế kỷ XIX trở đi, giáo dục không còn là đặc quyền của hoàng gia và đẳng cấp võ sĩ nữa. Tất cả các đẳng cấp trong xã hội, nếu muốn đều có thể cho con đi học và nhiều người trong số đó đã thành đạt. Trước khi phong trào cải cách diễn ra, ở Nhật Bản ước tính có đến 50% nam giới và khoảng 15% nữ giới biết đọc, biết viết. Tỷ lệ đó là cao nhất so với các quốc gia châu Á và còn cao hơn nhiều nước châu Âu. Nhật Bản đã chuẩn bị được những nhân tố căn bản cho sự hình thành một xã hội học tập. Hệ tri thức dân tộc là nhân tố thiết yếu cho việc tiếp nhận ảnh hưởng và thành tựu công nghệ phương Tây.
Sau những thử thách khắc nghiệt của lịch sử, với tầm vóc của một dân tộc có tri thức, tinh thần dân tộc cao, giàu tư duy thực tiễn, lại có những tiền đề kinh tế, xã hội, tư tưởng được tạo dựng trong lịch sử đặc biệt là thời Edo, Nhật Bản quyết tâm mở cửa, thực hiện sự nghiệp canh tân đất nước. Người Nhật vươn lên nắm bắt các mô hình phát triển tiên tiến của thế giới để, chủ động hòa nhập với sự phát triển chung của nhân loại[42]. Nhờ có việc đa dạng hóa giáo dục và tiếp nhận tư duy, công nghệ phương Tây mà chính quyền Minh Trị đã thành công trong sự nghiệp cải cách, mở cửa. Nói cách khác, nhờ sớm có triết lý thực học, coi trọng khoa học thực nghiệm mà Nhật Bản đã có cách thức tổ chức, quản lý các xưởng hóa chất, vũ khí, xưởng đóng tàu, nhà máy... được xây dựng theo kiểu phương Tây. Nhờ đó mà Nhật Bản đã có thể mau chóng tiếp nhận công nghệ hiện đại và tiến hành công nghiệp hóa thành công.
Cũng trong thời gian đó, trên vùng bán đảo Triều Tiên con đường tiến thân bằng võ thí và học tập các ngành khoa học thực nghiệm cũng không còn là đặc quyền của đẳng cấp yangban. Nhiều kỳ thi được mở ra cho đẳng cấp trung nhân (chung’in). Số người xuất thân từ các đẳng cấp trung lưu đã chiếm số lượng ngày càng đông đảo trong bộ máy hành chính. Điều quan trọng là, giáo dục cũng không còn dành riêng cho nam giới. Một số nữ sinh thuộc đẳng cấp yangban cũng được học tập. Trước đó, vào thời kỳ cầm quyền của vua Sejong (Thế Tông, 1418-1450) đã có nhiều phát triển văn hóa mà thành tựu nổi bật là việc sáng tạo ra chữ Han’gul (Hàn ngữ). Hệ thống chữ viết này được công bố năm 1446 gọi là Hunmin chong’um (Huấn dân chính âm). Mặt khác, chữ Han’gul phổ biến đã khuyến khích sự phát triển học thuật ở các địa phương. Ngay sau đó, hệ thống chữ mới đã được sử dụng để sáng tạo nên các tác phẩm: Long phi ngự thiên ca (Ca ngợi công đức của nhà vua) và Tự điển phiên âm tiếng Triều Tiên... Hệ thống chữ viết mới đơn giản, sáng tạo, khoa học giúp cho không chỉ đẳng cấp lưỡng ban mà nhiều đẳng cấp xã hội cũng có thể học tập, tiếp cận với tri thức. Năm 1434, vua Thế Tông còn cho xây dựng đài thiên văn, khuyến khích các nhà khoa học phát minh thiết bị mới như máy đo lượng nước mưa năm 1442, đồng hồ thiên văn, đồng hồ mặt trời, đồng hồ nước. Trong thời gian đó, hỏa tiễn, các dụng cụ đo độ cao… cũng được sáng tạo.
Điều đáng chú ý là, do sự bảo trợ của nhà nước, đồng thời nhờ có uy tín, nỗ lực cá nhân, nhiều học giả đã từ bỏ vị trí công quyền để mở trường tư dạy học. Việc phát minh ra kỹ thuật in bằng chữ đồng năm 1403 đã làm thay đổi đời sống văn hóa vùng bán đảo. Nhờ có kỹ thuật in mới mà các tác phẩm như Thái Tổ thực lục đã được xuất bản. Trong suốt thế kỷ XV, nhiều sách về địa lý, lịch sử đã được xuất bản. Trong số đó có: Quốc triều bảo giám, Cao Ly tân sử, Đông quốc thông giám, Bát đạo địa lý chí, Đông quốc dư địa chí thắng lãm. Bên cạnh đó, những cuốn sách về khoa học, kỹ thuật như: Nông sự trực thuyết, Nông nghiệp đại toàn, Đông y bảo giám, hay các sách tính toán sự chuyển động của bảy thiên thể, các tư liệu về thuốc súng, vũ khí[43]… cũng được phổ biến. Sự xuất hiện các công trình đó không chỉ cho thấy sức phát triển của nền quốc học mà còn chứng tỏ người Hàn Quốc rất coi trọng khoa học thực nghiệm và họ đã sớm gắn nghiên cứu, lý luận với thực tiễn, thúc đẩy các ngành học thiết thực phục vụ cuộc sống và yêu cầu phát triển đất nước.
Đến thế kỷ XVII-XVIII, nền Thực học (Shirhak) của Hàn Quốc có nhiều biến chuyển sâu rộng[44]. Các học giả như Yi Su Gwang (Lý Tối Quang), Yu Hyong Won (Liễu Hinh Viễn), Yi Ik (Lý Dực, 1681-1763), Yu Su Won (Liễu Thọ Viên, 1696-1755), Han Paek Kyom (Hàn Bách Khiêm, 1562-1615), Pak Se Dang (1629-1703)… đều là những học giả nổi tiếng một thời. Các tác giả thuộc trường phái Thực học không chỉ phê phán tình hình chính trị, xã hội đương thời mà còn đề xuất các phương cách mới cho việc giải quyết vấn đề quốc gia. Các tác phẩm như: Đông quốc văn hiến bị khảo, Đông sử cương mục, Triều Tiên sử, Hải đông lịch sử địa lý khảo, Cương giới khảo, Đạo lộ khảo, Sơn thủy khảo, Đông quốc địa đồ, Ngũ quốc lễ nghi, Cẩm nang huấn luyện quân sự… đều là các công trình giá trị. Trong nhiều tác phẩm, vai trò của nhân dân được đề cao như lực lượng trung tâm của xã hội. Nhiều tác giả đã phê phán mạnh mẽ tính chất bảo thủ của thể chế chính trị đương thời: cơ chế quan liêu, cơ cấu đẳng cấp, chế độ lương bổng, tô thuế và binh dịch
0thảo luận