Trần Thị Tâm [1]
Tóm tắt: Trên bán đảo Triều Tiên, năm 1948 đánh dấu sự ra đời hai quốc gia của cùng một dân tộc là Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên và Đại Hàn Dân quốc. Tại Việt Nam, từ năm 1954 cũng hình thành hai chủ thể là Việt Nam Dân chủ cộng hòa ở miền Bắc và Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam. Cả Triều Tiên và Việt Nam đều mong muốn sớm thống nhất đất nước nhưng dưới sự tác động của nhiều yếu tố bên trong lẫn bên ngoài, thực tế chỉ có Việt Nam là đạt được ý nguyện. Về nhân tố bên ngoài, sự can thiệp và chính sách của Trung Quốc đối với tiến trình đoàn tụ quốc gia của Triều Tiên và Việt Nam là một yếu tố quan trọng. Bài viết nghiên cứu chính sách của Trung Quốc đối với vấn đề thống nhất đất nước ở Triều Tiên và Việt Nam; trên cơ sở đó rút ra một số kết luận có liên quan.
Từ khóa: Việt Nam, Triều Tiên, Trung Quốc, thống nhất, Chiến tranh Lạnh
T |
rong lịch sử, cả Việt Nam và bán đảo Triều Tiên từng bị chia cắt làm hai miền do sự phân tuyến của ý thức hệ thời Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, vào năm 1975, Việt Nam đã hoàn thành công cuộc thống nhất đất nước, còn bán đảo Triều Tiên, cho đến nay vẫn ở trong tình trạng chia cắt và nơi này được xem là “di sản”, là “đường biên giới cuối cùng” của Chiến tranh Lạnh. Việc chia cắt thành miền Bắc Việt Nam và miền Nam Việt Nam, Bắc Triều Tiên và Nam Triều Tiên ngay từ đầu đã chịu sự chi phối của các nước lớn, vì thế công cuộc thống nhất đất nước ở những nơi này rõ ràng chịu sự can thiệp rất lớn từ bên ngoài, đặc biệt với những vị trí có tầm chiến lược quan trọng như bán đảo Triều Tiên và Đông Dương. Một trong các nước lớn có ảnh hưởng sâu sắc đến việc đoàn tụ dân tộc của Triều Tiên và Việt Nam là Trung Quốc - chủ thể chính trị có “dính líu” lịch sử ngay từ những ngày đầu mới chia cắt, là nhân tố “bảo trợ” “chi phối” quá trình thống nhất đất nước tại đây.
1. Chính sách của Trung Quốc đối với vấn đề thống nhất bán đảo Triều Tiên trong thời Chiến tranh Lạnh
Do sự can thiệp của các nước lớn, bán đảo Triều Tiên đã bị chia cắt và hình thành hai nhà nước là Đại Hàn Dân quốc (Hàn Quốc) vào tháng 8/1948 và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (Triều Tiên) vào tháng 9/1948. Sau đó, dưới tác động của Liên Xô và Mỹ, hai miền Triều Tiên đều nung nấu ý định thống nhất theo phương thức riêng của mình. Trong bối cảnh đó, Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 nổ ra là điều không thể tránh khỏi. Khi Liên Hợp Quốc nhanh chóng gửi quân hỗ trợ tới Hàn Quốc[2], Liên Xô và Trung Quốc bày tỏ thái độ vô cùng cứng rắn. Trung Quốc cảnh báo rằng: “Trung Quốc không thể bỏ qua vấn đề Triều Tiên, quyết không tha thứ cho nước ngoài xâm lược nước láng giềng của mình. Ai mưu toan gạt 500 triệu người Trung Quốc ra ngoài Liên Hợp Quốc, ai muốn gạt bỏ và phá hoại lợi ích của 1/4 loài người hòng giải quyết độc đoán bất kỳ vấn đề nào của phương Đông có quan hệ trực tiếp với Trung Quốc, kẻ đó nhất định sẽ bị sứt đầu mẻ trán”[3]. Tháng 10/1950, khi quân đội Mỹ và Hàn Quốc vượt vĩ tuyến 38 tiến đến biên giới Triều - Trung, mượn lý do an ninh bị đe dọa, Trung Quốc đã đưa quân trực tiếp tham chiến, đối đầu trực diện với Mỹ. Sự kiện này đã “hợp thức hóa” việc Trung Quốc chính thức can dự vào tiến trình thống nhất bán đảo Triều Tiên. Ý đồ thống nhất của cả hai miền được kết thúc bằng hiệp định đình chiến vào ngày 27/7/1953 tại Bàn Môn Điếm. Hiệp định này mới dừng lại ở việc đình chỉ chiến sự, tức là mới đề cập đến mặt quân sự còn về chính trị thì vẫn chưa được giải quyết. Trong Hội nghị Genève năm 1954 khi bàn về vấn đề Triều Tiên, Trung Quốc đã bày tỏ mong muốn một nước Triều Tiên thống nhất theo con đường xã hội chủ nghĩa và muốn Mỹ rút quân, không can thiệp vào công việc nội bộ của bán đảo Triều Tiên. Với tư cách là đồng minh của Triều Tiên, chính sách nhất quán của Trung Quốc trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh là ủng hộ Triều Tiên trong việc thống nhất đất nước bằng con đường hòa bình – độc lập, tự chủ và không có sự can thiệp của các thế lực bên ngoài. Trung Quốc muốn Mỹ rút quân khỏi Hàn Quốc và việc thống nhất đất nước phải được miền Bắc chủ động sáp nhập Hàn Quốc đi theo con đường xã hội chủ nghĩa để bán đảo Triều Tiên trở thành một đối tượng trong học thuyết ba thế giới[4] của Mao Trạch Đông. Trung Quốc không muốn Triều Tiên thống nhất đất nước bằng con đường vũ lực vì một cuộc chiến tranh nữa, ngay sát biên giới sẽ bất lợi nhiều điều cho Trung Quốc.
Thực hiện chủ trương đó, ngay sau khi hiệp định đình chiến được ký kết, quân đội Trung – Triều đã không xâm phạm khu phi quân sự và yêu cầu quân Mỹ phải rút khỏi Hàn Quốc; tuyên bố ủng hộ Chính phủ Triều Tiên đẩy mạnh việc giải quyết hòa bình vấn đề Triều Tiên. Tại hội nghị giữa chính phủ hai nước, Trung Quốc và Triều Tiên đã ra tuyên bố nêu rõ việc Chí nguyện quân Trung Quốc sẽ chủ động rút khỏi bán đảo Triều Tiên và việc này đã được hoàn tất vào ngày 26/10/1958.
Năm 1961, Trung Quốc đã ký Hiệp ước phòng thủ chung với Triều Tiên, chính thức thiết lập quan hệ đồng minh chính trị. Kể từ đó đến nay, hiệp ước này là cơ sở pháp lý cho sự có mặt của Trung Quốc trong các vấn đề trên bán đảo Triều Tiên, kể cả về quân sự. Vào năm 1975, Chủ tịch Triều Tiên Kim Nhật Thành đã tiến hành chuyến thăm đầu tiên đến Trung Quốc. Tháng 10/1976, Phó Thủ tướng Trung Quốc Trần Tích Liên thăm Triều Tiên. Trong chuyến viếng thăm này, Trung Quốc đã nêu rõ tinh thần ủng hộ của Trung Quốc đối với vấn đề thống nhất bán đảo Triều Tiên: “Nhiệm vụ tối quan trọng của nhân dân Triều Tiên hiện nay là buộc Hoa Kỳ rút quân khỏi Nam Triều Tiên và tái thống nhất một nước Triều Tiên hòa bình và độc lập,… Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa luôn luôn chủ trương tái thống nhất Triều Tiên là một vấn đề phải do chính nhân dân Triều Tiên tự giải quyết mà không có sự can thiệp của nước ngoài, Trung Quốc sẽ tiếp tục ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Triều Tiên để tiến hành tái thống nhất đất nước”[5].
Ngày 4/5/1978, Chủ tịch - Thủ tướng Trung Quốc Hoa Quốc Phong sang thăm Triều Tiên. Tại bữa tiệc đón tiếp, Chủ tịch Hoa Quốc Phong nêu rõ, tất cả những âm mưu nhằm tạo ra hai nước Triều Tiên và chia cắt vĩnh viễn Triều Tiên nhất định sẽ bị thất bại vì nó đi ngược lại nguyện vọng của toàn thể nhân dân Triều Tiên và những yêu cầu phát triển của lịch sử. Lập trường của Trung Quốc là ủng hộ Triều Tiên trong việc yêu cầu quân đội và vũ khí Mỹ rút khỏi Hàn Quốc. Trung Quốc cho rằng Triều Tiên là một nhà nước có chủ quyền, hợp pháp duy nhất. Trung Quốc phản đối bất kỳ một âm mưu nào nhằm tạo ra hai nước Triều Tiên. Trung Quốc cũng như Triều Tiên nhận định việc đế quốc Mỹ chiếm đóng Hàn Quốc và ngoan cố theo đuổi chính sách chia cắt Triều Tiên là nguyên nhân, gốc rễ của việc chia cắt giả tạo thành Nam và Bắc Triều Tiên[6].
Chính sách của Trung Quốc với vấn đề thống nhất bán đảo Triều Tiên thời kỳ này là ủng hộ riêng phía Triều Tiên nên giữa Trung Quốc và Hàn Quốc hầu như không có sợi dây liên hệ nào. Trung Quốc chỉ công nhận Triều Tiên là nhà nước hợp pháp duy nhất của dân tộc Triều Tiên và không công nhận Hàn Quốc. Chỉ vào cuối những năm 1980, khi Chiến tranh Lạnh bước vào giai đoạn “xế bóng”, với chính sách “ngoại giao phương Bắc”, Hàn Quốc đã chủ trương xích lại gần Trung Quốc, phát triển nền ngoại giao cởi mở với các nước xã hội chủ nghĩa còn lại, tình hình mới bắt đầu có những chuyển biến. Hai bên chỉ thiết lập quan hệ ngoại giao khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.
Việc phát huy vai trò trong quá trình xúc tiến tái thống nhất bán đảo Triều Tiên sẽ giúp Trung Quốc bảo vệ môi trường an ninh xung quanh, xác lập vị trí nước lớn của mình. Trung Quốc muốn hai miền tiếp tục đối thoại để tăng độ tin cậy và hợp tác trên mọi bình diện sau đó là đi đến thống nhất, xây dựng một nền hòa bình lâu dài... Trung Quốc luôn giữ thái độ tích cực trong việc phát triển quan hệ song phương với cả Triều Tiên và Hàn Quốc. Chiến lược chung của Trung Quốc đối với bán đảo Triều Tiên sẽ đóng vai trò là lực lượng trung gian hòa giải, tránh để vấn đề nghiêng về phía Mỹ, tạo nên sự chênh lệch cán cân quyền lực quá lớn trong tương lai[7]. Một số ý kiến khác cho rằng, để phục vụ cho mục tiêu chiến lược của mình trong quan hệ với Liên Xô và những toan tính lâu dài về vị thế chiến lược, Trung Quốc muốn Mỹ ở lại Hàn Quốc để chống lại ảnh hưởng của Liên Xô ở châu Á đang đe dọa vị trí lãnh đạo “thế giới thứ ba” của họ. Hơn nữa, Trung Quốc thực sự lo ngại một Triều Tiên thống nhất với sức mạnh vũ khí hạt nhân có thể sẽ “bội ước” và chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc[8].
Về phía Triều Tiên, sau khi chiến tranh Triều Tiên kết thúc, Triều Tiên luôn tìm cách để “tự chủ” hơn, giảm thiểu ảnh hưởng của Trung Quốc và Liên Xô tới sự phát triển chính trị, kinh tế và văn hóa ở Triều Tiên qua việc thanh trừng những quan chức trong nước ủng hộ hai nước này. Kim Nhật Thành đã áp dụng các biện pháp để thể hiện sự không hài lòng của mình với Trung Quốc và Liên Xô. Ông đã tiếp tục thanh trừng những người có quan hệ thân thiết với Bắc Kinh và Moskva. Trung Quốc coi Kim Nhật Thành là “kẻ phản bội” và cho rằng Triều Tiên thậm chí đã “qua mặt” mình và có những liên hệ với phía Hàn Quốc[9].
Quan hệ giữa Bình Nhưỡng và Bắc Kinh có những thời điểm xấu đến mức quân đội Trung Quốc và Triều Tiên đã đụng độ ở các vùng lận cận núi Baekdu vào năm 1969 và có lần quân đội Trung Quốc đã vượt qua lãnh thổ Triều Tiên và chiếm một thị trấn[10]. Triều Tiên cho rằng Trung Quốc luôn tìm cách can thiệp quá sâu vào công việc nội bộ của nước họ, điển hình là vụ việc vào năm 1980, khi Kim Jong-il được tuyên bố là người kế nhiệm tại Đại hội VI của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên, Trung Quốc đã công khai lên án sự thừa kế cha truyền con nối là dấu tích của chủ nghĩa phong kiến. Triều Tiên thấy đó gần như là dấu hiệu “thao túng” đối với các nước chư hầu của Trung Quốc ở các thế kỷ trước đây. Triểu Tiên không hài lòng với điều này. Mối quan hệ giữa hai bên càng căng thẳng hơn với việc Trung Quốc công nhận Hàn Quốc vào năm 1992[11].
Mặc dù có những bất đồng, thậm chí xung đột quân sự nhưng về cơ bản quan hệ giữa Trung Quốc và Triều Tiên vẫn là mối quan hệ đồng minh thân cận. Bởi sự sụp đổ của Triều Tiên là điều Bắc Kinh không muốn nhất. Nó sẽ gây ra sự bất ổn trên biên giới Trung Quốc, dẫn đến khủng hoảng người tị nạn hoặc tệ hơn nữa. Triều Tiên sụp đổ sẽ là một cơn ác mộng về an ninh quốc gia của Trung Quốc, đưa một đồng minh theo hiệp ước của Mỹ đến sát biên giới của mình.
2. Chính sách của Trung Quốc đối với vấn đề thống nhất Việt Nam trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh
Trung Quốc đã có những toan tính riêng trong Hội nghị Genève năm 1954 khi “qua mặt” Việt Nam, đàm phán riêng với Pháp vì tự cho mình là nước viện trợ nhiều nhất cho Việt Nam; chủ trương chia cắt lâu dài Việt Nam làm hai miền, tách vấn đề quân sự và vấn đề chính trị riêng bằng cách thuyết phục Việt Nam chấp nhận tạm thời chia cắt vì lo ngại Mỹ phát động chiến tranh mở rộng ra toàn khu vực, ảnh hưởng đến an ninh của Trung Quốc. Khi viết về toan tính của Trung Quốc, Paul Mus, nguyên cố vấn Cao ủy Đông Dương của Pháp đồng thời là một học giả nổi tiếng về Việt Nam nói: “Trung Quốc nhân nhượng với Pháp là không để cho Việt Nam làm chủ hoàn toàn Đông Dương” và trong cuốn “Kẻ thù anh em”, nhà sử học Nayan Chanda viết: “Trung Quốc ủng hộ sự tồn tại của hai Việt Nam và nói chung mong muốn có một đa quốc gia tại biên giới của họ. Trung Quốc muốn bằng mọi cách duy trì một Đông Dương bị chia cắt và không có các cường quốc lớn ở đây”[12].
Cũng giống như chính sách với Triều Tiên, từ sau khi Việt Nam bị chia cắt theo Hiệp định Genève vào ngày 21/7/1954, về mặt ngoại giao, Trung Quốc đứng về phía miền Bắc Việt Nam (Việt Nam Dân chủ cộng hòa). Trong giai đoạn 1954-1968, dù không chính thức ủng hộ miền Bắc Việt Nam phát động chiến tranh tại miền Nam[13] song với tư cách là một nước xã hội chủ nghĩa trên tinh thần quốc tế vô sản, Trung Quốc đã viện trợ cho Việt Nam Dân chủ cộng hòa và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Tính chung trong toàn bộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, tổng khối lượng viện trợ quốc tế dành cho miền Bắc Việt Nam ước tính 2.362.682 tấn, trị giá 7 tỷ rub, thì viện trợ của Trung Quốc chiếm khoảng trên 50% tổng số viện trợ nói trên. Trong lĩnh vực quân sự, Trung Quốc viện trợ cho miền Bắc Việt Nam chủ yếu là vũ khí bộ binh, quân trang, quân dụng, lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, một phần nhiên liệu, phương tiện vận tải và một số xe quân sự, pháo và đạn pháo[14]… Nhìn chung, Trung Quốc ủng hộ công cuộc kháng chiến để đi đến thống nhất đất nước của Việt Nam.
Tháng 12/1955, trong buổi tiếp đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ cộng hòa sang thăm Trung Quốc, Đặng Tiểu Bình đã phát biểu: Việt Nam cần phải chú ý vấn đề kinh tế, sự giúp đỡ hậu thuẫn của Liên Xô và Trung Quốc đồng thời phải tự hoạch định phương châm, chính sách cụ thể của mình. Về vấn đề thống nhất đất nước, Đặng Tiểu Bình cho rằng: “Tình hình thực tế hiện nay là việc thống nhất Nam Bộ không phải là việc mấy năm mà là một việc trường kỳ. Muốn thống nhất thì chỉ có hai phương pháp, một là đánh, hai là tổng tuyển cử. Nhưng hiện nay, đánh thì không lợi mà tổng tuyển cử thì trước mắt cũng khó thành. Không những năm 1956 không làm được mà năm 1957 cũng không làm được. Cho nên trên tư tưởng cần có sự chuẩn bị cho cuộc chiến tranh là 10 năm hay 20 năm. Nếu đặt vấn đề như vậy thì nhiều công tác sẽ nhận thấy rõ ràng hơn... Vấn đề miền Nam phải trường kỳ là vì hiện nay không thể dùng phương pháp vũ trang được. Từ Bắc Bộ đánh vào thì không lợi, mà ở Nam Bộ đứng dậy khởi nghĩa cũng không lợi. Như vậy chỉ có một cách là hòa bình thống nhất”[15]. Đường lối này, một lần nữa được Chu Ân Lai khẳng định: “Trung Quốc kiên quyết ủng hộ cuộc đấu tranh của Việt Nam để thi hành Hiệp định Genève thống nhất Tổ quốc nhưng cần phải chuẩn bị làm cuộc đấu tranh trường kỳ”[16]. Đến năm 1964, Trung Quốc vẫn tiếp tục khuyên Việt Nam Dân chủ cộng hòa trường kỳ kháng chiến nhằm thúc đẩy phong trào giải phóng dân tộc nói chung và phá quan hệ hòa hoãn Xô - Mỹ[17]. Ý đồ của Trung Quốc khi khuyên Việt Nam đánh lâu dài ở miền Nam là đề phòng Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc và sang Trung Quốc. Có thể thấy, chính sách của Trung Quốc với vấn đề thống nhất đất nước ở Việt Nam là phải kéo dài và bằng biện pháp hòa bình.
Từ sau năm 1965, mâu thuẫn Xô - Trung dần bộc lộ và ngày càng nghiêm trọng. Tại Hội nghị lần thứ 81 các đảng cộng sản vào tháng 12/1960 và tại Đại hội lần thứ XXII Đảng Cộng sản Liên Xô vào tháng 10/1961 rạn nứt giữa hai bên hầu như không thể cứu vãn được. Đây không còn là sự bất đồng giữa hai đảng mà đã dẫn tới sự phân hóa nghiêm trọng trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Tình hình này là điều hết sức bất lợi cho Việt Nam khi đang phải đương đầu với đế quốc Mỹ[18] và do chia rẽ Trung - Xô nên Trung Quốc không chấp nhận phối hợp với Liên Xô ủng hộ cuộc kháng chiến của Việt Nam cũng như không ủng hộ việc thành lập Mặt trận quốc tế thống nhất ủng hộ Việt Nam[19] nên phải tạm gác việc lập căn cứ của Liên Xô ở Hoa Nam để giúp Việt Nam. Việt Nam nhận bộ đội phòng không và công binh làm đường Trung Quốc sang giúp mấy tỉnh biên giới phía Bắc giáp với Trung Quốc; còn đường vận tải vào miền Nam do Việt Nam tự đảm nhiệm[20].
Trung Quốc đã có những hành động và thái độ không thuận cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đang bước vào giai đoạn khốc liệt nhất của nhân dân Việt Nam như bác bỏ đề nghị của Liên Xô về thống nhất hành động ủng hộ Việt Nam; gây khó dễ cho viện trợ của các nước xã hội chủ nghĩa quá cảnh qua Trung Quốc đến Việt Nam; không đồng tình với sách lược "vừa đánh, vừa đàm" của Việt Nam[21]...
Ở miền Nam, quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam Cộng hòa khá căng thẳng khi Chính phủ Việt Nam Cộng hòa từ chối công nhận Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, đồng thời tìm cách đồng hóa người Hoa ở đây với quy mô lớn. Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cũng không công nhận Chính phủ Việt Nam Cộng hòa, đồng thời phản đối việc quân đội Mỹ tiến hành chiến tranh ở Việt Nam. Nếu như ở Triều Tiên, Trung Quốc mạnh mẽ lên tiếng yêu cầu Mỹ rút quân khỏi Hàn Quốc thì với trường hợp của Việt Nam, Trung Quốc tuyên bố sẽ không trực tiếp tham chiến tại Việt Nam nếu Mỹ không đưa quân vượt biên giới Việt - Trung hay vào lãnh thổ Trung Quốc[22]. Điều đó có nghĩa là, Trung Quốc sẽ không đối đầu trực diện với Mỹ nếu Mỹ không làm ảnh hưởng hay phương hại gì đến Trung Quốc và như vậy, miền Bắc Việt Nam được coi là vùng đệm chiến lược trong quan hệ Mỹ - Trung.
Khi Trung Quốc sử dụng phương thức “ngoại giao bóng bàn” với Mỹ vào năm 1972, Đảng, Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đề nghị Trung Quốc không tiếp Nixon. Dù không được đáp lại, nhưng Việt Nam vẫn tỏ ra tế nhị và kiềm chế các phản ứng khi nhấn mạnh rằng: “Việt Nam là đất nước của chúng tôi, các đồng chí không có quyền thảo luận với Mỹ về vấn đề Việt Nam. Các đồng chí đã thừa nhận sai lầm năm 1954 vì vậy các đồng chí không nên phạm sai lầm một lần nữa”[23]. Lập trường trên đây của Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã có tác động nhất định tới Trung Quốc. Trong hội đàm Mỹ - Trung, vấn đề Việt Nam tuy được nói đến, nhưng hai bên chủ yếu trình bày lập trường của mình mà không đi tới thỏa thuận nào. Các học giả Mỹ như J. Amter, Larry Berman... đều khẳng định: “Trên vấn đề Việt Nam, chuyến đi của Nixon thất bại”. Điều đó thể hiện rõ nét trong Tuyên bố công khai của Trung Quốc sau khi tiếp H. Kissinger vào năm 1971. Trong tuyên bố này, Trung Quốc nhấn mạnh, vấn đề Việt Nam phải do chính người Việt Nam quyết định[24].
Việc Trung Quốc khơi thông quan hệ với Mỹ làm rạn nứt quan hệ với Việt Nam. Nếu những năm 1960, Việt Nam còn e dè không dám yêu cầu Liên Xô hỗ trợ bộ đội phòng không và sĩ quan cũng như đưa quân tình nguyện và cố vấn Liên Xô vì quan ngại Trung Quốc thì sự kiện này đã làm Việt Nam xích lại gần Liên Xô hơn. Quan hệ giữa Việt Nam Dân chủ cộng hòa và Trung Quốc ngày càng xấu đi nhất là sau sự kiện Hải chiến Hoàng Sa 1974 khi Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm đảo từ lực lượng Hải quân Việt Nam Cộng hòa.
Bằng những nỗ lực không ngừng của quân và dân Việt Nam với những thắng lợi trên mặt trận quân sự buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán tại Hội nghị Paris. Trong quá trình Việt Nam Dân chủ cộng hòa đàm phán với Mỹ để ký kết Hiệp định Paris năm 1973, Trung Quốc không ủng hộ Việt Nam Dân chủ cộng hòa mà đe dọa sẽ cắt viện trợ nếu Việt Nam Dân chủ cộng hòa thỏa hiệp với Mỹ vì Trung Quốc không có vị trí, vai trò gì trong lần đàm phán này. Từ năm 1969 Trung Quốc đã giảm viện trợ cho Việt Nam Dân chủ cộng hòa 20% so với năm 1968 do Việt Nam Dân chủ cộng hòa tự đàm phán với Mỹ để chấm dứt chiến tranh (không mời Trung Quốc)[25].
Sau Hiệp định Paris quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam ngày càng xấu đi, Chu Ân Lai vẫn tiếp tục khuyên Việt Nam tranh thủ nghỉ ngơi, củng cố lực lượng và cuộc chiến tranh còn trường kỳ[26].
Với sự sụp đổ của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa, ngày 30/4/1975, Việt Nam đã hoàn tất công cuộc thống nhất đất nước. Trung Quốc không hài lòng về việc này và tiếp tục cắt giảm các khoản viện trợ với lý do họ đang gặp nhiều khó khăn. Sau khi Việt Nam gia nhập Hội đồng Tương trợ Kinh tế năm 1978, Trung Quốc chấm dứt viện trợ cho Việt Nam. Khi Việt Nam đứng hẳn về phía Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác, Trung Quốc muốn tìm kiếm một đồng minh khác tại Đông Nam Á nên họ trợ giúp toàn diện chính quyền Khmer Đỏ tại Campuchia. Việc quân đội Việt Nam đưa quân tình nguyện sang giúp Campuchia lật đổ chính quyền diệt chủng Khmer Đỏ, càng khiến Trung Quốc thù địch hơn. Những vấn đề liên quan đến người Hoa diễn ra trong năm 1978 dẫn đến chiến tranh biên giới Việt- Trung tháng 2/1979 là cực điểm của quan hệ căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc.
3. Một số kết luận
Một điều dễ dàng nhận thấy là chính sách của Trung Quốc đối với vấn đề thống nhất bán đảo Triều Tiên và Việt Nam đều chịu sự tác động của Chiến tranh Lạnh, cụ thể là trong quan hệ với các nước lớn, đặc biệt là Liên Xô và Mỹ. Cả Việt Nam và Bắc Triều Tiên đều là những đồng minh cùng chiến tuyến với hai nước xã hội chủ nghĩa đầu đàn là Liên Xô và Trung Quốc. Bản thân Trung Quốc khi chi phối đến các vấn đề của Triều Tiên và Việt Nam đều liên đới đến Liên Xô và Mỹ, những vận động ngoại giao đầu những năm 1970 đã cho thấy rõ điều ấy.
Ở phương diện khách quan, cả Triều Tiên và Việt Nam có thể thống nhất và thống nhất sớm hơn nếu mối quan hệ đồng minh giữa các nước xã hội chủ nghĩa đoàn kết, hỗ trợ, giúp đỡ và đặc biệt là không tồn tại mâu thuẫn căng thẳng giữa Liên Xô và Trung Quốc. Chính điều này đã làm giảm sức nặng của sự đồng tình ủng hộ về chính trị và gây khó khăn cho sự viện trợ về vật chất, ủng hộ tiến trình thống nhất đất nước[27]. Điều đó cho thấy rằng, sự đồng nhất về ý thức hệ xã hội chủ nghĩa đã bị đặt xuống hàng thứ yếu, thay vào đó là sự tính toán theo lợi ích dân tộc của mỗi quốc gia - điều tiên quyết trong mọi thời đại. Thực tế, hai nước xã hội chủ nghĩa đều muốn giữ ảnh hưởng trong phong trào cách mạng thế giới và lợi ích dân tộc nên đi ngược lại với mong muốn, khát vọng thống nhất của các dân tộc khác. Với Việt Nam, chính đường lối kiên định và cuộc kháng chiến kiên cường đã giúp chúng ta giữ được quyền tự chủ trong quyết sách để đi đến thắng lợi cuối cùng là thống nhất đất nước vào tháng 4/1975. Với Triều Tiên do tính chất phức tạp của bán đảo này ngay từ những ngày đầu đã đưa đến sự chia tách rạch ròi thành hai quốc gia độc lập của cùng một dân tộc trên cùng một lãnh thổ nên diễn tiến thống nhất không giống Việt Nam.
Trong vấn đề tái thống nhất đất nước, Trung Quốc chỉ ủng hộ, viện trợ giúp đỡ một phía là Triều Tiên và Việt Nam Dân chủ cộng hòa; coi đây là những nhà nước có chủ quyền, hợp pháp duy nhất sẽ đảm đương công cuộc thống nhất và dĩ nhiên là chịu ảnh hưởng, chi phối từ phía Trung Quốc. Ngược lại với phía Hàn Quốc và Việt Nam Cộng hòa, Trung Quốc không công nhận tính hợp pháp, không ủng hộ và chỉ có những động thái thúc đẩy quan hệ khi Chiến tranh Lạnh có dấu hiệu tan băng (với trường hợp Hàn Quốc).
Về mặt ngoại giao chính thức, Trung Quốc đều lên tiếng ủng hộ thống nhất đất nước của Bắc Triều Tiên và Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều quan điểm cho rằng Trung Quốc muốn thông qua sự tồn tại của Mỹ ở Hàn Quốc và miền Nam Việt Nam làm nhân tố cân bằng lực lượng nhằm chống lại ảnh hưởng của Liên Xô và quan trọng hơn cả là Trung Quốc không muốn nhìn thấy một bán đảo Triều Tiên, một Việt Nam thống nhất, hùng mạnh có thể xa rời quan hệ đồng minh và chống lại họ. Trung Quốc không muốn có các cường quốc ở Đông Dương cũng như bán đảo Triều Tiên.
Chính sách của Trung Quốc với Triều Tiên được ràng buộc thông qua Hiệp ước phòng thủ chung được ký năm 1961 trong khi với Việt Nam thì không. Vì vậy, mức độ ảnh hưởng và chi phối của Trung Quốc với Triều Tiên khác về mức độ so với Việt Nam. Việt Nam giữ được độc lập tương đối trong chính sách đối ngoại với Trung Quốc; có sự mềm dẻo, tế nhị qua từng giai đoạn và sự việc cụ thể để nhằm hướng đến mục tiêu cao nhất là non sông thu về một mối.
Chính sách của Trung Quốc với Việt Nam là thái độ với một cuộc chiến tranh tiếp nối của một nhà nước độc lập, có chủ quyền từ năm 1945 bị tạm thời chia cắt để đi đến thống nhất, với Triều Tiên là sự có mặt trong cuộc chiến mà trước đó hai nhà nước độc lập đã ra đời và kết thúc với việc đình chỉ chiến sự. Sau đó ý định thống nhất được nung nấu, nuôi dưỡng từ mỗi phía và Trung Quốc đứng về phía Triều Tiên. Thái độ và chính sách của Trung Quốc với vấn đề thống nhất Triều Tiên là thái độ và chính sách với một khát vọng chưa cụ thể, còn với Việt Nam đó là thái độ và chính sách với một cuộc chiến đang diễn ra mà mục tiêu cao nhất là thống nhất đất nước đang được hiện thực hóa từng ngày.
Như chúng ta thấy, kết quả của quá trình đấu tranh cho thống nhất đất nước cũng hoàn toàn khác nhau. Việt Nam đã thống nhất vào năm 1975 nhưng cho đến nay bán đảo Triều Tiên vẫn ở trong tình trạng chia cắt. Thắng lợi của quá trình này đối với Việt Nam là một chặng đường tranh đấu không ngừng nghỉ của một nhà nước độc lập, có chủ quyền được thực hiện từ trước khi lực lượng đồng minh tiến vào giải giáp phát xít Nhật năm 1945. Cuộc chiến tranh của Việt Nam mang tính nhân dân sâu sắc, trong đó miền Nam là chiến trường, miền Bắc là hậu phương và không thừa nhận bất kỳ một chính quyền nào khác. Ngược lại, trên bán đảo Triều Tiên tồn tại cuộc chiến tranh cục bộ của hai nhà nước đã tuyên bố độc lập và có chủ quyền riêng. Vì thế cho đến nay, bán đảo Triều Tiên vẫn được xem là “di sản cuối cùng” của cuộc Chiến tranh Lạnh; là dân tộc duy nhất trong ba dân tộc bị chia cắt sau năm 1945[28] chưa thể thống nhất được.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Đình Bin (chủ biên) (2002), Ngoại giao Việt Nam 1945-2000, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
2. Bộ Ngoại giao (1979), Sự thật về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trong 30 năm qua, Nxb Sự thật, Hà Nội.
3. Hồ An Cương (chủ biên) (2003), Trung Quốc: Những chiến lược lớn, Nxb Thông tấn, Hà Nội.
4. Nguyễn Thị Giang (2001), Quan hệ CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc (1948 đến nay), Luận văn thạc sĩ Sử học, chuyên ngành Lịch sử thế giới, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Hà Nội.
5. Phạm Giảng (2005), Lịch sử quan hệ quốc tế từ Chiến tranh thế giới thứ hai đến Chiến tranh Triều Tiên (giai đoạn 1939-1952), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
6. Nguyễn Thị Mai Hoa (2013), “Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước”, http://lamgiautrithuc. blogspot.com/2013/08/quan-he-viet-nam-trung-quoc-trong-khang.html.
7. Phạm Quang Minh (2014), Quan hệ tam giác Việt Nam, Liên Xô, Trung Quốc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ (1954-1975), Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
8. Vũ Dương Ninh (2015), Quan hệ đối ngoại Việt Nam 1940-2010, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
9. James F. Person (2021), “Quan hệ Trung Quốc – CHDCND Triều Tiên: Những bài học lịch sử”, https://redsvn.net/quan-trung-quoc-chdcnd-trieu-tien-nhung-bai-hoc-lich-su2/.
10. “Quan hệ Trung Quốc – CHDCND Triều Tiên: Những bài học lịch sử” (2021), https://redsvn.net/quan-trung-quoc-chdcnd-trieu-tien-nhung-bai-hoc-lich-su2/.
11. Nguyễn Đăng Song (2014), “Vai trò đen tối của Trung Quốc tại Hội nghị Geneva 1954”, http://dinhvankhai.blogspot.com/2014/07/vai-tro-en-toi-cua-trung-quoc-tai-hoi.html.
12. Trần Thị Tâm (2006), Mỹ và Trung Quốc với vấn đề thống nhất bán đảo Triều Tiên, Khóa luận tốt nghiệp cử nhân Lịch sử, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế.
[1] TS., Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế
[2] Hội đồng Bảo an lên án hành động của Bắc Triều Tiên vì cho rằng nước này đã đem quân tấn công Hàn Quốc vào ngày 25/6/1950 và cho thành lập Bộ chỉ huy Liên Hợp Quốc, đưa lực lượng quân sự quốc tế tới hỗ trợ Hàn Quốc (trong đó chủ yếu quân đội Hoa Kỳ).
[3] Phạm Giảng (2005), Lịch sử quan hệ quốc tế từ Chiến tranh thế giới thứ hai đến Chiến tranh Triều Tiên (giai đoạn 1939-1952), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 374.
[4] Học thuyết tam thế giới của Mao Trạch Đông cho rằng có ba thế giới gồm Hòa Kỳ, Liên Xô là siêu cường thuộc thế giới thứ nhất; các nước “trung gian” như Nhật Bản, châu Âu, Canada là thế giới thứ hai còn Trung Quốc và các nước châu Á (trừ Nhật Bản), châu Phi và Mỹ Latinh là thế giới thứ ba.
[5] Nguyễn Thị Giang (2001), Quan hệ CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc (1948 đến nay), Luận văn thạc sĩ Sử học, chuyên ngành Lịch sử thế giới, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Hà Nội, tr. 58.
[6] Nguyễn Thị Giang (2001), Tlđd, tr. 59.
[7] Hồ An Cương (chủ biên) (2003), Trung Quốc: Những chiến lược lớn, Nxb Thông tấn, Hà Nội, tr. 331.
[8] Trần Thị Tâm (2006), Mỹ và Trung Quốc với vấn đề thống nhất bán đảo Triều Tiên, Khóa luận Tốt nghiệp cử nhân Lịch sử, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế, tr. 83.
[9] James F. Person (2021), “Quan hệ Trung Quốc – CHDCND Triều Tiên: Những bài học lịch sử”, https://redsvn.net/quan-trung-quoc-chdcnd-trieu-tien-nhung-bai-hoc-lich-su2/, khai thác ngày 1/11/2022.
[10] James F. Person (2021), Tlđd.
[11] James F. Person (2021), Tlđd.
[12] Nguyễn Đăng Song (2014), “Vai trò đen tối của Trung Quốc tại Hội nghị Geneva 1954”, http://dinhvankhai. blogspot.com/2014/07/vai-tro-en-toi-cua-trung-quoc-tai-hoi.html, khai thác ngày 3/11/2022.
[13] Bộ Ngoại giao (1979), Sự thật về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trong 30 năm qua, Nxb Sự thật, Hà Nội, tr. 42.
[14] Nguyễn Thị Mai Hoa (2013), “Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước”, http://lamgiautrithuc.blogspot.com/2013/08/quan-he-viet-nam-trung-quoc-trong-khang.html, khai thác ngày 2/11/2022.
[15] Phạm Quang Minh (2014), Quan hệ tam giác Việt Nam, Liên Xô, Trung Quốc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ (1954-1975), Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, tr.94-95.
[16] Phạm Quang Minh (2014), Tlđd, tr. 98.
[17] Phạm Quang Minh (2014), Tlđd, tr. 102.
[18] Vũ Dương Ninh (2015), Quan hệ đối ngoại Việt Nam 1940-2010, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 52-53.
[19] Bộ Ngoại giao (1979), Tlđd, tr. 49.
[20] Nguyễn Đình Bin (chủ biên) (2002), Ngoại giao Việt Nam 1945-2000, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 211-212.
[21] Nguyễn Thị Mai Hoa (2013), Tlđd.
[22] Bộ Ngoại giao (1979), Tlđd, tr. 47.
[23] Phạm Quang Minh (2014), Tlđd, tr. 119.
[24] Nguyễn Thị Mai Hoa (2013), Tlđd.
[25] Bộ Ngoại giao (1979), Tlđd, tr. 53.
[26] Phạm Quang Minh (2014), Tlđd, tr. 120.
[27] Nguyễn Đình Bin (2002), Tlđd, tr. 212.
[28] Bao gồm Việt Nam, Đức và Triều Tiên.