Trang chủ

Ý nghĩa của việc nghiên cứu về Ando Shoeki (An Đằng Xương Ích) (Phần 1)

Đăng ngày: 23-09-2024, 02:16 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2023, Số 1

Hashimoto Kazutaka1

 

Tóm tắt: Ando Shoeki, nhà tư tưởng độc đáo thời Edo, đã đặt tên cho xã hội với chế độ thân phận là “pháp thế” (Hosei). Ông cho rằng xã hội thời bấy giờ nên phủ nhận điều đó và đề xướng một cộng đồng nông nghiệp dựa trên việc “canh tác trực tiếp”, tức là “thế giới tự nhiên”. Ông cũng định nghĩa “người” được cấu thành từ một cặp nam nữ và nhấn mạnh việc tái sản xuất của tự nhiên và xã hội được hình thành từ sự “tương hỗ” của động thực vật. Bài viết trước hết đưa ra một cách giải thích mới bắt nguồn từ những nghi vấn về cách giải thích hiện thời ở Việt Nam. Kế đến, cùng với việc giới thiệu các nghiên cứu về Shoeki bằng tiếng Việt, tôi cũng chỉ ra những điểm còn thiếu sót trong các nghiên cứu đó. Sau cùng, qua việc chỉ rõ về quan điểm của Shoeki và những tư tưởng, lối sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh cộng hưởng với khái niệm “canh tác trực tiếp” mà Shoeki đã nêu lên, tôi kỳ vọng việc nghiên cứu về Shoeki sẽ phát triển ở Việt Nam.

Từ khóa: Ando Shoeki, nhà tư tưởng độc đáo thời Edo, “thế giới bạo loạn tư pháp”, “canh tác trực tiếp”, “tương hỗ”


1. Mở đầu [1]

Ở Việt Nam, có nhiều công trình nghiên cứu quan tâm đến các học giả Nhật Bản thế kỷ XVII - XIX như Ninomiya Sontoku (1787-1856) hay Fukuzawa Yukichi (1835-1901). Ninomiya Sontoku được biết đến là người đã đóng góp vào việc cải thiện các vùng nông thôn kiệt quệ dưới thể chế Tokugawa Bakuhan và thúc đẩy sự cần cù, tiết kiệm phục vụ cho mục đích đó. Fukuzawa Yukichi được quan tâm vì ông góp phần vào sự nghiệp văn minh khai hóa và hiện đại hóa của Nhật Bản dưới thời Minh Trị duy tân, tiêu biểu trong số đó là công trình nghiên cứu của Nguyễn Tiến Lực. Vậy, trường hợp về Ando Shoeki mà tôi đề cập ở đây thì như thế nào? Ông là người phê phán triệt để thể chế Tokugawa Bakuhan và phủ nhận mọi tôn giáo ở phương Đông ngoại trừ Thần đạo tự nhiên của Nhật Bản. Trên hết, dưới những ràng buộc thời đại của thời kỳ Edo, ông là một “nhà tư tưởng độc đáo” (E.H. Norman) đã ủng hộ bình đẳng nam nữ dù có những giới hạn nhất định. Năm 1990, chương trình truyền hình “Rekishi Tanjo” (Sự ra đời của lịch sử) của Đài NHK đã phát sóng tập “Có một tư tưởng cách mạng trong xã hội thời Genroku: truy dấu - Ando Shoeki”, dù sau đó chương trình có nhận một số phê phán nhưng đây vẫn là một chương trình gây ấn tượng với tôi.

Sự quan tâm về Ando Shoeki không chỉ thấy ở Nhật Bản mà còn ở Liên Xô cũ, Trung Quốc, Mỹ, Pháp, Đức, Hà Lan, Hàn Quốc, Thụy Sĩ và cả lãnh thổ Đài Loan như sẽ trình bày ở phần sau. Có thể kể tên các hội thảo chuyên đề đã được tổ chức ở quy mô quốc tế như: “Thảo luận học thuật chung Nhật Bản - Trung Quốc” vào tháng 9/1992, “Hội thảo Ando Shoeki - Mỹ” tháng 4/1993, “Lễ hội quốc tế Ando Shoeki - Hachinohe” tháng 10/1993, Hội nghị E.H. Norman - Panel Discussion do Đại sứ quán Canada tại Nhật Bản chủ trì vào tháng 5/2001.

Vậy tình hình nghiên cứu về Ando Shoeki ở Việt Nam như thế nào? Đáng tiếc là qua phương thức trao đổi trực tuyến trong bối cảnh dịch bệnh Corona, tôi không thể biết hết được các nghiên cứu đã được tổng hợp. Trong bài viết này, tôi muốn trình bày ý nghĩa của việc nghiên cứu về Ando Shoeki ở Việt Nam.

2. Cuộc đời và sự nghiệp của Ando Shoeki

Ando Shoeki sinh năm 1703 (năm Genroku 16) trong một gia đình nông dân thượng lưu ở Niida, thành phố Odate, tỉnh Akita hiện nay, mất năm 1762 (năm Horeki 12), thọ 60 tuổi theo cách tính tuổi hưởng thọ Kyonen[2]. Người ta biết rằng ông đã hành nghề thầy thuốc tại địa phương vào năm 1744 (năm Enkyo 1) khi ở thành phố Hachinohe, tỉnh Aomori hiện nay; rồi sau đó quay về làng Niida vào năm 1758 (năm Horeki 8). Năm 1764 (năm Meiwa 1), các môn đệ của ông đã dựng một bia đá gọi là “Shuno Taijin” (守農太神 - Thủ nông Đại thần) ở Niida. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ về quãng thời gian còn lại trong cuộc đời của Shoeki ngoại trừ những điều trên. Theo tài liệu “Judo to no zu” (儒道統之図 - Nho đạo thống chi đồ) được tìm thấy vào năm 1995, giả thuyết cho rằng thời kỳ ông bắt đầu tu học ở Kyoto là từ cuối tuổi thiếu niên đến đầu những năm 20 tuổi[3] là rất thuyết phục. Vấn đề được đặt ra là làm thế nào ông có tiền để lên Kyoto, cũng như làm thế nào ông đã tu học thầy thuốc sơ bộ ở một trong các vùng quê địa phương, đặc biệt là quanh vùng Odate[4]. Tài liệu “Judo to no zu” này được coi là xuất hiện vào khoảng năm Enkyo thứ nhất khi Shoeki đến Hachinohe, thế nhưng cũng có ý kiến ​​phản đối mạnh mẽ[5].

Ta nên xem Shoeki vốn là người theo học Nho học hơn cách vẫn thường viết là Nho đạo. Ngoài ra, cũng có thuyết cho rằng trước đó ông theo học Phật môn Thiền tông hoặc là một nhà sư, nhưng cũng có những ​​phản biện gay gắt. Vào thời Hachinohe, ông nổi tiếng là một thầy thuốc hàng đầu của thị trấn và được biết đến là người đã điều trị khỏi bệnh cho Nakazato Seiuemon (家老中里清右衛門 - Gia Lão Trung Lý Thanh Hữu Vệ Môn). Theo Norman, người có ảnh hưởng lớn trong các nghiên cứu về Shoeki, Shoeki  có hơn 20 môn đệ[6]. Môn đồ của ông không chỉ giới hạn trong vùng Hachinohe mà còn lan rộng đến cả Edo, Kyoto, Osaka và Matsumae.

Từ khoảng năm 1752 (năm Horeki 2), Shoeki bắt đầu viết bộ sách Todo shin den (統道真伝 - Thống đạo chân truyền) và bản thảo bộ Shizen shinei do (自然真営道 - Tự nhiên chân doanh đạo), bản in bộ Shizen shinei do được xuất bản với tên Kakuryudo Ryochu vào năm 1753. Bản thảo Shizen shinei do gồm 101 quyển, 93 tập nhưng hiện còn 15 quyển, 15 tập[7]. Trước đó, ông đã viết các tư liệu lịch sử dưới tên Kakuryudo Anshi Masanobu (確龍堂安氏正信 - Xác Long Đường An Thị Chánh Tín). Thế thì lí do gì khiến ông rời Hachinohe để quay trở về quê hương là làng Niida? Đó là vì ông phải phục hưng ngôi nhà bản gia từ đường do không có người thừa kế: anh trai ông, người thừa kế của gia tộc Ando ở làng Niida, đã mất năm 1756 (năm Horeki 6)[8]. Từ đó, ông tiếp tục các hoạt động y tế ở làng Niida và bắt tay vào việc phục hưng ngôi làng nghèo khó.

3. Tư tưởng của Ando Shoeki và Việt Nam

Cho đến năm 1899 (năm Meiji 32),  Ando Shoeki mới được biết đến khi Kano Koukichi phát hiện ra bản thảo bộ Shizen shinei do. Thế nhưng, thực tế rõ ràng là bản in của Shizen shinei do đã được người ta đọc ở Echigo ngay sau khi xuất bản[9]. Ở đây, tôi không thể phác họa bức tranh toàn cảnh về tư tưởng của Shoeki; do đó, tôi chỉ muốn giới thiệu cốt lõi tư tưởng của Shoeki qua những nội dung đã công bố trước đây.

Trước khi trình bày nội dung, tôi muốn giới thiệu một thông tin thú vị là Việt Nam đã được đề cập trong quyển Bankoku kan, 1 trong 5 quyển thuộc bộ Todo shin den. Trong đó có câu: “Ở tận cùng phía bắc của Ấn Độ, có một đất nước có ngọn núi cao tên là Torozan, người ta gọi là đất nước Kochi”. Ngoài ra, còn có câu: ““Nakatenjiku” là chỉ Tonkin, Kochi, Masun, Champa, Kabocha[10]... Ở các nước như Kochi và Masun của Nakatenjiku, có một rừng cây gỗ thơm kyaraboku của Charokkon[11], nơi sản sinh ra rất nhiều gỗ thơm”[12]. Cả hai từ Kochi đều là Cochi của từ Cochinchine, còn Torozan là chỉ Tourane nhưng chính xác đây là Ngũ Hành Sơn. Masun khả năng cao là Ba Xuyên[13], do kyara được sử dụng phổ biến như một loại trầm hương vào thời Edo.

Vậy tại sao Shoeki lại biết đến Việt Nam? Norman chỉ ra rằng Shoeki đã từng lưu lại Nagasaki, còn trong cuốn tiểu thuyết Ando Shoeki[14], Sakurada Tsunehisa cho rằng ông đã đến Nagasaki, nhưng có thể nói đó là một sự nhầm lẫn. Bởi lẽ trong chú thích cuốn Todo shin den bản của Iwanami Bunko, Naramoto Tatsuya chỉ ra rằng phần đó giống như đã được sao chép nội dung từ cuốn Tenjiku Tokubei Monogatari được viết năm 1707 (năm Houei 4)[15].

3.1. Các nghiên cứu đã được tôi công bố

Tôi muốn giới thiệu những điểm chính trong tư tưởng của Shoeki qua các bài viết tôi đã công bố vào năm 1996. Nhìn chung, Herbert Norman đã chỉ ra thái độ của Ando Shoeki đối với các thương nhân và việc giao dịch mua bán có thể sánh ngang với Thomas More, người đã đưa ra những phê phán xã hội sắc sảo, khi Shoeki cho rằng: “Những thương nhân trông mong một cuộc sống mà chỉ cần bỏ ra ngôn từ lưu loát mà không cần tiêu tốn sức lực. Phần lớn đều đòi hỏi danh tiếng và lợi ích, chứ hầu như không có người sống chính trực bằng việc canh tác trực tiếp (direct cultivation). Đời sống dân chúng sa sút và đạo trời (Heaven’s way) bị phá vỡ. Kết quả là, sự đắc thắng lan tràn khắp đất nước khi bất công, bạo lực và đói kém bộc lộ ra bộ mặt đáng ghê tởm”; cũng như nhìn thấy được điểm chung giữa hành vi phản xã hội qua việc kiếm tiền bằng cho vay nặng lãi với tư tưởng của More mà ông đã thấy. Thêm nữa, ông cũng hoài niệm về cộng đồng được lý tưởng hóa và chỉ ra vấn đề đó tương tự như More, chẳng hạn như quan điểm luyến tiếc thời trung đại thực chất, và tư tưởng tự do có được từ sự bất bình đẳng giữa hai yếu tố gồm của cải và địa vị xã hội.

Tuy nhiên, Shoeki khác biệt với More ở chỗ hệ thống của Shoeki là lý thuyết quy hoạch xã hội sinh thái khi lý giải mối quan hệ của tự nhiên và con người như một thể đồng nhất, trong khi lý thuyết quy hoạch xã hội của More rao giảng về sự phân công lao động xã hội lấy nông nghiệp làm nền tảng như là tiền đề cho sự tồn tại của một quốc gia, tính cần thiết của các ngành nghề đa dạng và các quan chức, cũng như xem đó như là một hệ thống chính trị dựa trên sự tồn tại của “thành thị và nông thôn”. Đặc biệt, khái niệm cốt lõi nằm ở chỗ “canh tác trực tiếp”, vốn có nghĩa trồng trọt là tham gia vào việc đồng áng, “hoạt động tự nhiên và lành mạnh duy nhất của con người”; nhưng không chỉ vậy, nó còn bao gồm ý nghĩa là sự sinh trưởng của vạn vật trên quy mô vũ trụ, và hơn thế nữa, nó còn có hàm ý là một hành vi nhận thức đúng các hoạt động của tổng thể tự nhiên cũng như tiếp cận bản chất của nó.

Tức là, “sự tiến thoái của tứ hành (ngoại trừ Thổ) mà sức sống của đất vô tận có thể tự thân vận động được, cùng bát khí tương hỗ và sự vận động thống nhất của Thông, Hoành, Nghịch chính là trời và biển (vũ trụ thiên địa), nói cách khác đó là toàn bộ sức sống của đất. Nếu nói về trật tự tinh diệu đó thì trời nằm bên ngoài của biển, biển ở bên trong trời. Có biển bên trong của trời nằm phía ngoài, có trời bên trong biển nằm ở trong, tính của trời là biển, tính của biển là trời, trời và biển là Thông - Hoành - Nghịch của bát khí tương hỗ, mặt trời và mặt trăng tương hỗ, các hành tinh và định tinh tương hỗ, vận hành liên tục không ngơi nghỉ, không có điểm dừng để giúp cho vạn vật phát triển. Nên đây là sự canh tác trực tiếp của vũ trụ sinh động. Điều này chính là nam và nữ như một vũ trụ thu nhỏ. Vì vậy, có nữ trong nam theo vẻ bề ngoài, trong nữ bên trong có nam, tính của nam là nữ, tính của nữ là nam, nam và nữ tương hỗ. Tám loại cảm xúc (hỉ, nộ, khủng, bi, phi, ý, lý, chí[16]) vận hành theo Thông - Hoành - Nghịch, trồng trọt ra các loại ngũ cốc, dệt được vải và không ngừng phát triển. Đây là việc canh tác trực tiếp của nam nữ sinh động. Trời và biển là một thể thống nhất, không có trên thì cũng không có dưới. Tất cả đều tương hỗ và không có sự cách biệt giữa chúng. Đó là những hoạt động và cảm xúc giống nhau sinh ra từ việc canh tác trực tiếp theo như lệ thường trên toàn thế giới. Cho nên đây là thế giới của con người trong tự nhiên sinh động, là thế giới của bình yên thật sự không có những tệ nạn như trộm cắp, rối loạn, nghi hoặc, xung đột”[17].

Phần về “canh tác trực tiếp” này là nội dung của “luận về thời kỳ quá độ”, cụ thể, đó là “phương thức giao ước của tự nhiên sinh động trong thế giới bạo loạn tư pháp”, và Shoeki định nghĩa rằng “người” được cấu thành từ một cặp nam và nữ. Quả thật, đây là ý tưởng của một thầy thuốc. Mặc dù Shoeki chủ trương đòi chế độ một vợ một chồng ở thời đại mà các nhà thổ còn tồn tại, nhưng đồng thời, ông cũng bỏ ngỏ câu hỏi liệu những người đàn ông và phụ nữ không thể kết hôn hay những người khuyết tật có phải là “người” hay không bởi chế độ một vợ một chồng được xem là điều đương nhiên trong thế giới của những người nông dân.

Tiếp sau đây, tôi sẽ khái quát tình hình nghiên cứu về Ando Shoeki ở Việt Nam.

 

(Xem tiếp Phần 2 tại link: https://www.inas.gov.vn/1455-y-nghia-cua-viec-nghien-cuu-ve-ando-shoeki-an-dang-xuong-ich-phan-2.html)

 

Người dịch: ThS.NCS. Nguyễn Vũ Kỳ

Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh

 



[1] GS., Đại học Kanto Gakuin Nhật Bản

[2] Kyonen (享年 - hưởng niên) là cách tính tuổi theo năm mất kiểu cũ của Nhật Bản.

[3] Suzuki Hiroshi (1999), ““Nho Đạo Thống Chi Đồ” – Về tư liệu mới liên quan việc tu học của Ando Shoeki ở Kyoto”, Nghiên cứu lịch sử Nhật Bản, số 437 (鈴木宏、1999、「『儒道統之図」ー安藤昌益京都修学に関連する新資料について」『日本史研究』、第437号).

[4] Umihara Ryo (2014), Tu học thầy thuốc thời kỳ Edo, Yoshikawa Kobunkan, Tokyo, tr. 6 (海原亮、2014、『江戸時代の医師修行』、吉川弘文館).

[5] Miura Tadashi (1999), “Việc phát hiện ra tài liệu “Nho Đạo Thống Chi Đồ” về Ando Shoeki và ý nghĩa của nó”, Nghiên cứu Sử học Iwate, số 82 (三浦忠司、1999、「安藤昌益の『儒道統之図』の発見とその意義」『岩手史学研究』第82号). Tôi nhận được bài viết này với tấm thịnh tình của tác giả Miura Tadashi, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn đến tác giả. Ngoài ra, tham khảo thêm Miyake Masahiko (chủ biên, 2001), Nghiên cứu lịch sử tư tưởng của Ando Shoeki, Iwata Shoin, Tokyo (三宅正彦編、2001、『安藤昌益の思想史的研究』岩田書院).

[6] Norman, E. H. (1979), Ando Shoeki and the Anatomy of Japanese Feudalism, University Publications of America, Washington, tr.31; Okubo Genji, dịch (1950), Nhà tư tưởng bị lãng quên - Câu chuyện về Ando Shoeki, Quyển Thượng, Iwanami Shinsho, Tokyo, tr. 38 (大窪愿二訳、1950、『忘れられた思想家-安藤昌益のことー』上巻、岩波新書).

[7] Miura Tadashi (2009), Hachinohe và Ando Shoeki - Guidebook về Ando Shoeki, Ando Shoeki Shiryoukan (三浦忠司、2009、『八戸と安藤昌益-安藤昌益ガイドブック-』安藤昌益資料館).

[8] Miyake Masahiko (1996), Ando Shoeki và truyền thống văn hóa khu vực, Yuzankaku, Tokyo, tr. 29, 76 (三宅正彦、1996、『安藤昌益と地域文化の伝統』雄山閣).

[9] Miyake Masahiko (1996), Tlđd, tr. 389.

[10] Văn bản gốc là イ+沙.

[11] Tôi đề xuất một giả thuyết mới về Charokkon, đó là Shinrokurou thuộc họ Chaya, một thương gia giàu có thời kỳ Edo, đã mang trầm hương từ Cochin về tặng cho Shogun.

[12] Ando Shoeki (1984), “Thống Đạo Chơn Truyền”, Chuko backs: 19 kiệt tác của Nhật Bản, tr. 359 (安藤昌益、1984、「統道真伝」『中公バックス 19 日本の名著』); Thống đạo chơn truyền (1967), Quyển Hạ, Iwanami Bunko, tr. 39-40 (『統道真伝』下巻、岩波文庫).

[13] Có khả năng đây là phát hiện mới của tôi. Về căn cứ của quan điểm này, tham khảo thêm: Trần Thuận (2014), Nam Bộ - Vài nét lịch sử - văn hóa, Nxb Văn hóa - Văn nghệ, TP Hồ Chí Minh, tr. 85.

[14] Sakurada Tsunehisa (1969), Ando Shoeki, Toho Shuppansha, Tokyo (桜田常久、1969、『安藤昌益』東邦出版社).

[15] Naramoto Tatsuya (1967), “Chú thích”, Thống Đạo Chơn Truyền, Quyển Hạ, Iwanami Bunko, tr. 338 (奈良本辰也、1967、「解説」『統道真伝』下巻、岩波文).

[16] Hỉ: vui, Nộ: giận dữ, Khủng: sợ hãi, Bi: buồn bã, Phi: động lực, Ý: chú ý, Lý: quyết tâm, Chí: khát vọng

[17] Hashimoto Kazutaka (1996), Lập kế hoạch xã hội, Toshindo, Tokyo, tr.24-26(橋本和孝、1996、『ソーシャル・プランニング』東信堂); Toshinobu Yasunaga (1992), Tlđd, tr.233-234. Công trình của Norman đã được dịch sang ngôn ngữ hiện đại, cùng với đó có bổ sung thêm các tư liệu từ Ando Shoeki toàn tập (1 kan, Hiệp hội văn hóa nông thôn Nhật Bản, 1986); Ando Shoeki toàn tập (Bekkan, 1987).

0thảo luận