Trang chủ

Chính sách trung hòa khí thải carbon và giảm phát thải khí nhà kính của Hàn Quốc – kinh nghiệm cho Việt Nam (Phần 2)

Đăng ngày: 23-09-2024, 02:12 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2023, Số 1

Nguyễn Hoàng Phước Hạnh, Vũ Đức Nghĩa Hưng


2.2. Chính sách “3+1” trung hòa khí thải carbon và giảm phát khí thải nhà kính của Hàn Quốc

2.2.1. Chính sách 1: Giảm lượng khí thải carbon trong cấu trúc nền kinh tế

Nền kinh tế của Hàn Quốc chủ yếu dựa vào sự phát triển công nghiệp, trong đó nhiên liệu quan trọng là dầu, than đá chiếm tỉ trọng hơn 50%. Chính vì lý do đó, chính sách đầu tiên và quan trọng nhất mà Bộ Môi trường Hàn Quốc đưa ra với mục tiêu trung hòa carbon là “giảm lượng khí thải carbon trong cấu trúc nền kinh tế”, cụ thể bao gồm bốn nhóm hành động:

Thứ nhất, kế hoạch đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng từ hệ thống năng lượng phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch như xăng, dầu, than đá… như hiện tại sang hệ thống năng lượng mới và năng lượng tái tạo. Đối với ngành công nghiệp sản xuất điện từ than đá và LNG[1], có thể hạn chế khí thải carbon thông qua sự phát triển của công nghệ CCUS (công nghệ thu giữ, sử dụng và lưu trữ khí carbon)[2].

Thứ hai, kế hoạch đổi mới cấu trúc công nghiệp carbon cao, ví dụ như các ngành công nghiệp như thép, hóa dầu, lọc dầu, sản xuất xi măng đang thải ra lượng khí carbon cực kỳ cao sẽ được chính phủ hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đối sang công nghệ carbon thấy thông qua công nghệ CCUS và công nghệ hydro xanh[3]. Tuy nhiên, thực tế công nghệ xanh CCUS vẫn chưa được sử dụng rộng rãi tại Hàn Quốc và thế giới. Ước tính đầu tư cho công nghệ CCUS hàng năm chiếm ít hơn 0,5% đầu tư toàn cầu vào các công nghệ hiệu quả và năng lượng sạch. Theo phân tích của các chuyên gia, đại dịch gần như chắc chắn sẽ gây tác động đến nhiều nền kinh tế, giá dầu giảm cũng làm giảm sức cạnh tranh của dầu mỏ, khí đốt đến kế hoạch phục hồi kinh tế trong tương lai. Trong bối cảnh đó, công nghệ CCUS sẽ đóng vai trò và vị thế mạnh mẽ hơn vào quá trình phục hồi kinh tế thế giới sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu với dự đoán sẽ gia tăng gấp đôi việc triển khai, áp dụng CCUS vào năm 2025[4].

Thứ ba, chiến lược của Hàn Quốc cũng bao gồm hỗ trợ các công nghệ tiên tiến khác như hệ thống lưu trữ năng lượng (ESS)[5] trong tương lai trở thành nguồn điện chính cho quốc gia, đồng thời phát triển lĩnh vực pin nhiên liệu hydro trở thành nguồn điện thứ cấp phụ trợ. Thêm vào đó, Hàn Quốc có kế hoạch loại bỏ dần các nhà máy nhiệt điện bằng than đá hoặc chuyển đổi chúng sang thành nhà máy điện khí LNG.

Thứ tư, Hàn Quốc ban hành “Đạo luật khung về Tăng trưởng xanh carbon thấp vào năm 2010”[6] với mục tiêu xây dựng nền tảng cho một xã hội carbon thấp và khai thác công nghệ môi trường và công nghiệp xanh như một động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế quốc gia. Đạo luật quy định việc thiết lập và thực hiện các kế hoạch cơ bản về tăng trưởng xanh (“Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh”), biến đổi khí hậu (“Kế hoạch cơ bản về ứng phó với biến đổi khí hậu”) và các chính sách năng lượng (“Kế hoạch năng lượng cơ bản”)[7].

2.2.2. Chính sách 2: Hình thành hệ sinh thái công nghiệp carbon thấp

Chính sách 2 được xây dựng với vai trò là giai đoạn tiếp theo, nâng cấp hơn khi ngoài nhiệm vụ trực tiếp là giảm khí thải carbon, Chính phủ Hàn Quốc nhấn mạnh mục tiêu “hình thành hệ sinh thái công nghiệp carbon thấp”. Hệ sinh thái này bao gồm không chỉ việc hỗ trợ chuyển đổi sâu rộng cơ cấu tổ chức sản xuất của doanh nghiệp, mà còn tạo tiền đề phát triển cho các ngành nghề khác. Trong nỗ lực hình thành nên hệ sinh thái này, Hàn Quốc đã có hành động rõ ràng để ứng phó với khủng hoảng biến đổi khí hậu, cam kết đầu tư các công nghệ hàng đầu thế giới nhằm tạo ra các động cơ tăng trưởng sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ với hiệu quả lớn là giảm phát thải khí nhà kính. Theo số liệu báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ thông tin Hàn Quốc, khoản tài chính hỗ trợ tăng từ 1,024 tỷ won sang 1,038 tỷ won vào năm 2021. Nhiều dự án liên quan đến mục tiêu hình thành hệ sinh thái trung hòa carbon đều tăng cả về số lượng và chất lượng (Bảng 2).


Bảng 2: Ngân sách hàng năm dành cho phát triển công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu (số liệu của Bộ Khoa học và Công nghệ thông tin Hàn Quốc)

Năm

2012

2013

2014

2015

2016

2017

2018

2019

2020

2021

Ngân sách hỗ trợ (tỷ won)

380

457

435

504,6

667,9

789,9

865,8

996

1024

1038

Nguồn: Ministry of Science and ICT of Korea (2021), “Climate environment R&D project 2021 implementation plan”, MSIT, tr. 16.


2.2.3. Chính sách 3: Tái cấu trúc xã hội trung hòa carbon

Chiến lược trung hòa carbon không chỉ diễn ra ở chiều ngang ngành công nghiệp mà còn tác động sâu rộng đến toàn bộ cấu trúc xã hội. Cụ thể qua kế hoạch tăng tốc chuyển đổi xe hơi sử dụng nhiên liệu sạch, thân thiện mới môi trường thông qua mở rộng cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn cung năng lượng sạch cho người dân dễ dàng sử dụng, cụ thể là bộ sạc xe điện hướng đến dân cư (20 triệu hộ gia đình trên toàn quốc), các trạm sạc hydro ở các khu vực trung tâm và một hệ thống sản xuất hydro xanh trong lòng thành phố. Được công bố vào tháng 7 năm 2020, sáng kiến ​​này sẽ đầu tư 54,3 tỷ euro chủ yếu để tạo điều kiện chuyển đổi sang cơ sở hạ tầng xanh, năng lượng carbon thấp và phi tập trung, để thúc đẩy đổi mới trong ngành công nghiệp xanh và tạo 659 000 việc làm[8]. Mặt khác, Chính phủ muốn loại bỏ hệ thống năng lượng tập trung, một chiều thay thế bằng hệ thống lưới điện đa chiều và xây dựng một cơ chế định giá carbon phù hợp với các yếu tố ngoại cảnh về khí hậu và môi trường, đồng thời khuyến khích thành phần kinh tế khác nhau tham gia giảm phát thải khí nhà kính thông qua nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu cùng với cộng đồng địa phương và phối hợp với các chiến lược tài chính xanh. Trường học, các phương tiện truyền thông cũng đóng vai trò cốt yếu trong việc thay đổi ý thức, tăng cường môi trường giáo dục với mục tiêu thiết lập xã hội trung hòa carbon.

2.2.4. Chính sách 3+1: Phát triển nền móng cho Tổ chức trung hòa khí thải carbon

“Quỹ ứng phó biến đổi khí hậu” mới sẽ được thành lập để hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang hệ sinh thái trung tính với carbon. Hệ thống định giá carbon sẽ được xây dựng lại bằng cách xem xét toàn diện các phương thức quy định áp dụng giá carbon, chẳng hạn như thuế, phí, Hệ thống thương mại phát thải (ETS)[9] hay Hệ thống quản lý mục tiêu (TMS)[10].

Đầu tiên, Hệ thống thương mại phát thải (ETS) được định nghĩa là một công cụ chính sách được thiết kế với mục đích cắt giảm lượng khí nhà kính thải ra trong tất cả các ngành công nghiệp. Hệ thống hoạt động trên nguyên tắc hạn mức và mua bán, cho phép người tham gia mua hoặc bán hạn ngạch khí thải để việc cắt giảm có thể đạt được với mức chi phí thấp. Tổng lượng khí thải sẽ bị giới hạn[11]. Năm 2012, Hàn Quốc đã ban hành Đạo luật về Phân bổ và kinh doanh giấy phép phát thải khí nhà kính, làm cơ sở pháp lý cho Hệ thống thương mại phát thải ETS tại Hàn Quốc (K-ETS). Sau giai đoạn thí điểm, giai đoạn 1 của K-ETS (2015-2017) đã được áp dụng cho 252 doanh nghiệp[12] thuộc đối tượng của đề án. Sau khi thiết lập giới hạn phát thải phù hợp với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của quốc gia, tỷ lệ phân bổ và đấu giá tự do được xác định dựa trên đặc điểm của từng loại hình kinh doanh. Việc phân bổ sử dụng phương pháp grandfathering (GF)[13] hoặc benchmarking (BM)[14].

3. Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong việc xây dựng chính sách trung hòa khí thải carbon và giảm phát thải khí nhà kính

Việt Nam là một trong số các quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, đặc biệt là khu vực duyên hải và đồng bằng sông Cửu Long. Thiên tai như ngập úng ngày càng diễn ra thường xuyên và khắc nghiệt hơn, gây nên nhiều tổn thất nghiêm trọng về con người, của cải và cho nền kinh tế quốc gia. Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu nói chung, trung hòa carbon và giảm phát thải khí nhà kính nói riêng. Theo thống kê, ngân sách chi cho ứng phó BĐKH tập trung chủ yếu vào các bộ gồm Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Trong đó, tổng chi tiêu cho các hoạt động trực trực tiếp giảm nhẹ biến đổi khí hậu đang có xu hướng tăng lên từ 2,2% năm 2010 lên 3,7% năm 2013[15].  Điều 91 Luật Bảo vệ môi trường 2021 cũng liệt kê nhiều nội dung thực hiện hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, trong đó quy định không chỉ ràng buộc trách nhiệm cho Bộ Tài nguyên và Môi trường mà còn ghi nhận trách nhiệm của Thủ tướng, ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các cơ sở phát thải khí nhà kính thuộc danh mục phải thực hiện kê khai khí nhà kính. Thêm vào đó, ngày 01/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh thay thế cho Quyết định 1393/QĐ-TTg trước đây. Trong đó, mục tiêu chung của chiến lược là “thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu” căn cứ theo Mục II.1[16].

 

Bảng 3: Bảnh so sánh Tăng trưởng xanh ở Hàn Quốc và Việt Nam

Lĩnh vực

Chính sách và biện pháp

Hàn Quốc

Việt Nam

Cung cấp năng lượng

Công nghệ sản xuất điện tiên tiến

 

 

Cải thiện mạng lưới truyền tải điện

 

x

Đóng cửa các nhà máy lạc hậu, không hiệu quả

 

 

Hỗ trợ giá bán điện

x

 

Năng lượng tái tạo

 

x

Hỗ trợ, cấp vốn, viện trợ

x

 

Ưu đãi thuế cho đầu tư năng lượng mới và tái tạo

x

x

Vay ưu đãi và đầu tư công

x

 

Giao thông vận tải

Phương tiện công cộng

x

 

Kiểm soát phương tiện cá nhân

 

 

Hiệu quả nhiên liệu cho phương tiện

 

x

Tiêu chuẩn khí thải cho phương tiện

x

x

Tiêu chuẩn về nhiên liệu sinh học

x

 

Nông nghiệp

Quản lý phân bón

x

 

Thu giữ các-bon từ trồng trọt

x

 

Phát thải khí mê-tan

x

 

Giảm đốt nương rẫy

 

x

Chương trình trồng và tái tạo rừng

x

x

REDD

 

x

R&D

Chương trình năng lượng sạch và hiệu quả

x

x

Chương trình nguồn hấp thụ carbon

x

 

Tài chính

Quỹ khí hậu

 

 

Tăng cường năng lực

Chương trình nâng cao nhận thức cộng đồng

x

x

Năng lực thể chế

x

x

Phát triển nguồn nhân lực

x

x

Các biện pháp cấp thành phố

Nhu cầu năng lượng

x

x

Hệ thống giao thông bền vững

x

 

Thành phố tập trung

 

x

Lối sống carbon thấp

x

 

Chuyển đổi các ngành công nghiệp sử dụng năng lượng cao

 

 

Nguồn: Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường - Quốc hội khóa XIV (2017), “Ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam: Sách chuyên khảo”, Nxb Thanh niên, tr. 193.


Như vậy, vấn đề ứng phó biến đổi khí hậu Việt Nam tương tự như Hàn Quốc, cũng đang được triển khai và nhận được sự quan tâm của các bộ, ban ngành liên quan. Khi so sánh với chính sách 3+1 của Hàn Quốc về giảm khí thải carbon và phát khí thải nhà kính ở phần 2, tác giả đưa ra một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam như sau:

Thứ nhất, Bảng 3 miêu tả số liệu so sánh về chính sách tăng trưởng xanh giữa Việt Nam và Hàn Quốc, qua đó ta thấy Việt Nam đang làm tốt hơn Hàn Quốc ở một số lĩnh vực như năng lượng tái tạo, cải thiện mạng lưới truyền tải điện, giảm đốt rừng nương rẫy… Tuy nhiên đa phần các lĩnh vực khác Việt Nam chưa triển khai tốt và chưa đưa ra những chính sách phù hợp. Vì vậy, tác giả đề xuất trong tình hình hiện nay các chính sách và biện pháp Việt Nam cần tập trung bao gồm: (1) Hỗ trợ, cấp vốn và viện trợ cho doanh nghiệp nhằm xây dựng hệ sinh thái carbon thấp bao gồm cả vay ưu đãi, đầu tư công cho những dự án sử dụng năng lượng sạch, tái tạo cho cả nhóm ngành công nghiệp và nông nghiệp; (2) Đề ra chuẩn quản lý khí nhà kính đối với một số lĩnh vực công nghiệp phát thải cao bao gồm nâng cao hiệu suất và hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm mức tiêu hao năng lượng trong hoạt động sản xuất, vận tải, thương mại; (3) Tuyên truyền, nâng cao và thay đổi ý thức của người dân về lối sống carbon thấp; khuyến khích và hỗ trợ xây dựng xã hội carbon thấp trong tương lai như chính sách 3+1 của Hàn Quốc được phân tích ở trên.

Thứ hai, nhóm tác giả cũng đề xuất Việt Nam xây dựng một diễn đàn công khai nhằm mục đích lắng nghe quan điểm, ý kiến của người dân và khuyến khích họ đóng vai trò chủ động trong công tác ứng phó biến đổi khí hậu. Ngày 17/10/2020, Chính phủ Hàn Quốc đã thiết lập diễn đàn công khai như trên nhằm lấy ý kiến người dân về năm lĩnh vực cốt lõi trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế trung hòa carbon thông qua việc trả lời bảng câu hỏi khảo sát tầm nhìn biến đổi khí hậu của các chuyên gia. Kết quả cho thấy 91% người dân tham gia đồng ý về việc áp dụng chính sách trung hòa carbon 3+1 tầm nhìn 2050 và 81% sẵn sàng đóng góp công sức, tài sản cá nhân cho quá trình này. Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm tổ chức diễn đàn của Chính phủ Hàn Quốc nhằm nâng cao ý thức, khuyến khích người dân chủ động hơn.

Thứ ba, Việt Nam cần thúc đẩy hơn nữa hoạt động hợp tác quốc tế, học hỏi kinh nghiệm của các nước. Trên thực tế Hàn Quốc và Việt Nam đã có sự hỗ trợ, học hỏi lẫn nhau trong nhiều lĩnh vực về môi trường nhưng sự hợp tác này còn chưa được chú trọng và đẩy mạnh. Chẳng hạn như Thỏa thuận khung hợp tác giữa chính phủ hai nước vào ngày 31/5/2021 bao gồm 15 điều khoản với mục đích nhằm tăng cường năng lực của các bên trong quá trình giảm thiểu phát thải khí nhà kính và thích ứng với những tác động bất lợi của biến đổi khí hậu. Quan trọng hơn, Chính phủ Hàn Quốc cam kết hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế carbon thấp, xây dựng mối quan hệ hợp tác toàn diện đôi bên có lợi. Nhìn chung, thỏa thuận này ra đời trong bối cảnh Hàn Quốc đăng cai Hội nghị thượng đỉnh Đối tác tăng trưởng xanh toàn cầu (P4G) và Tuần lễ Tương lai xanh P4G nên thỏa thuận mang nhiều ý nghĩa to lớn về hợp tác, cụ thể các lĩnh vực hợp tác trong Thỏa thuận khung bao gồm: giảm hoặc loại bỏ phát thải khí nhà kính trong các lĩnh vực hợp tác tiềm năng, bao gồm công nghiệp, năng lượng, giao thông vận tải, xây dựng, quản lý chất thải, nông nghiệp và lâm nghiệp[17]; hợp tác trong khoa học và công nghệ liên quan đến khí hậu bao gồm mô hình hóa, dự báo và quan trắc, phát triển và chuyển giao các công nghệ khí hậu[18]. Tuy nhiên, thỏa thuận còn chưa có những quy định hợp tác chi tiết, khung pháp lý còn chưa rõ ràng về mức độ hợp tác, chính sách cụ thể. Vì vậy Việt Nam cần thúc đẩy hơn nữa hoạt động hợp tác quốc tế, học hỏi kinh nghiệp của các nước trong vấn đề trung hòa carbon, giảm phát thải khí nhà kính cũng như nhận hỗ trợ trong vấn đề ứng phó biến đổi khí hậu trong tương lai.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. “2050 Carbon Neutral Strategy of the Republic of Korea toward a sustainable and green society (2020)”, The Government of the Republic of Korea.
  2. Antero Ollila (2019), The Greenhouse Effect Definition, Department of Civil and Environmental Engineering, School of Engineering, Aalto University, Finland.
  3. Báo cáo tổng kết đề xuất khung chính sách kiểm kê khí nhà kính và thực hiện các hành đọng giảm phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện Thành phố Hồ Chí Minh (2017).
  4. Energy technology perspectives (2020), “Special Report on CCUS in clean energy transitions, International Energy Agency (IEA)”.
  5. Mai Văn Tâm, “Nhận thức về khái niệm Biến đổi khí hậu và Ứng phó biến đổi khí hậu”, Phòng Tài nguyên nước, Khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu.
  6. National Institute of Meteorological Sciences (2018), “Climate Change on the Korean Peninsula for the past 100 years”.
  7. Economist Intelligence Unit (2019), “The Cost of Inaction: Recognizing the Value at Risk from Climate Change”, 2015 International Renewable Energy Agency, Global Energy Transformation: A Roadmap to 2050.
  8. Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (2019), “Hệ thống thương mại khí nhà kính Liên minh Châu Âu”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
  9. Ulrich Cubasch (Germany), Yihui Ding (China), Cecilie Mauritzen (Norway), Abdalah Mokssit (Morocco), Thomas Peterson (USA) (2018), Michael Prather (USA), “Historical overview of Climate change science”, The Intergovernmental Panel on Climate Change (IPCC).
  10. Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường - Quốc hội khóa XIV (2017), Ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam, Sách chuyên khảo, Nxb Thanh niên, Hà Nội.

 

 



[1] LNG là khí thiên nhiên hóa lỏng.

[2] CCUS là viết tắt của cụm từ tiếng Anh “CO2 capture, utilization, storage”.

[3] Energy technology perspectives (2020), “Special Report on CCUS in clean energy transitions, International Energy Agency (IEA)”, tr. 20. https://www.iea. org/reports/ ccus-in-clean-energy-transitions/a-new-era-for-ccus.

[4] Energy technology perspectives (2020), “Special Report on CCUS in clean energy transitions, International Energy Agency (IEA)”, tr. 17.

[5] ESS là viết tắt của cụm từ tiếng Anh “Energy stogare system”.

[6] Framework Act on Low Carbon Green Growth in 2010.

[7] Mục tiêu 2 và 7 của UNESCAP (2012) liên quan đến xóa đói giảm nghèo và phát triển môi trường bền vững.

[8] South Korea's pledge to achieve carbon neutrality by 2050 to European Parliament: https://www.europarl. europa.eu/RegData/etudes/BRIE/2021/690693/EPRS_BRI(2021)690693_EN.pdf.

[9] ETS là viết tắt của cụm từ tiếng Anh “Emissions Trading Scheme”.

[10] TMS là viết tắt của cụm từ tiếng Anh “Target Management System”.

[11] Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (2019), “Hệ thống thương mại khí nhà kính Liên minh Châu Âu”, Bộ Kế hoạch đầu tư: ncif.gov.vn/Pages/ NewsDetail.aspx?newid=21297.

[12] Doanh nghiệp thải ra trên 125.000 tCO2eq/năm hoặc sở hữu một nhà máy thải ra trên 25.000 tCO2eq/năm.

[13] Phương pháp Grandfathering (GF) phân bổ phụ cấp dựa trên mức phát thải trước đây của từng cơ sở lắp đặt riêng lẻ, áp dụng cho quá trình phân bổ đơn giản. Tuy nhiên, phương pháp này bị chỉ trích vì không tính đến hiệu quả giảm phát thải dẫn đến việc phân bổ nhiều phụ cấp hơn cho các đơn vị phát thải lớn.

[14] Phương pháp Benchmarking (BM) phân bổ phụ cấp dựa trên cường độ phát thải của các cơ sở lắp đặt riêng lẻ thuộc cùng một loại hình kinh doanh. Với phương pháp này, nhiều khoản phụ cấp hơn được phân bổ cho các cơ sở lắp đặt có lượng khí thải thấp hơn miễn là sản lượng sản xuất của các cơ sở lắp đặt giống nhau.

[15] Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường - Quốc hội khóa XIV (2017), “Ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam: Sách chuyên khảo”, Nxb Thanh niên, Hà Nội, tr. 234.

[16] Quyết định 1658/QĐ-TTg Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.

[17] Điều 2, 3 và 4 Thoả thuận khung hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc 2021.

[18] Điều 5, 6 Thỏa thuận khung hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc 2021.

0thảo luận