Trang chủ

Tọa đàm khoa học “Hiện tượng tôn giáo mới ở Nhật Bản sau chiến tranh đến nay”

Đăng ngày: 28-06-2024, 11:40 | Danh mục: Hoạt động khoa học, Hội nghị - Hội thảo

Sáng ngày 26/6/2024, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á tổ chức buổi tọa đàm khoa học “Hiện tượng tôn giáo mới ở Nhật Bản sau chiến tranh đến nay” do PGS.TS Phạm Hồng Thái và TS. Phí Hồng Minh trình bày. Tham dự tọa đàm có PGS.TS Phạm Hồng Thái – Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, TS. Ngô Hương Lan – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, cùng toàn thể cán bộ, viên chức Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á.

Tọa đàm khoa học “Hiện tượng tôn giáo mới ở Nhật Bản sau chiến tranh đến nay”

Toàn cảnh Tọa đàm khoa học

Mở đầu tọa đàm, PGS. TS Phạm Hồng Thái có bài trình bày với chủ đề “Hiện tượng tôn giáo mới ở Nhật Bản từ kết thúc Chiến tranh thế giới II đến nay”. Báo cáo tập trung làm rõ 4 nội dung sau: (i) Khái niệm tôn giáo mới và bối cảnh xã hội Nhật Bản; (ii) Thực trạng, nguyên nhân, đặc điểm và tác động xã hội của hiện tượng tôn giáo mới ở Nhật Bản; (iii) Giáo phái Chân lý Aum và Sokagakkai; (iv) Một vài nhận xét. Tôn giáo mới là một nhóm tôn giáo hoặc tâm linh có nguồn gốc hiện đại và nằm ngoài các tôn giáo truyền thống, chủ lưu. Nếu như giai đoạn 1945-1990, số lượng các tổ chức và tín đồ tôn giáo ở Nhật Bản có sự tăng trưởng nhanh do có sự thay đổi chính sách tôn giáo, do sự phát triển nhanh chóng của quá trình đô thị hóa và sự phát triển nhanh của đời sống kinh tế - xã hội Nhật Bản thì từ năm 1990 đến nay, số lượng pháp nhân và tín đồ ở đất nước mặt trời mọc đã có sự suy giảm rõ rệt. Báo cáo cũng đã chỉ ra và phân tích những đặc điểm chủ yếu của làn sóng các tổ chức tôn giáo mới ở Nhật Bản như: một số giáo phái gắn liền với những trải nghiệm thần bí; nhiều tôn giáo mới nhấn mạnh vào tính tự do của cá nhân tín đồ; không quan tâm nhiều đến giáo lý hay thực hành đạo đức, liên hệ giữa các tín đồ lỏng lẻo… Sự xuất hiện của các tôn giáo mới đã có những tác động nhất định cả tích cực và tiêu cực đến mọi mặt đời sống xã hội ở Nhật Bản. Trên cơ sở khái quát chung về đặc điểm, tác động của tôn giáo mới Nhật Bản, tác giả đã chỉ ra và phân tích sâu hơn về giáo phái Chân lý Aum và Sokagakkai. Từ đó, báo cáo viên đã đưa ra một số nhận xét, đánh giá về hiện tượng tôn giáo mới ở Nhật Bản như: Đây là hiện tượng có tình điển hình cả về sự phát triển bùng phát cũng như thoái trào của tôn giáo mới ở khu vực Đông Bắc Á từ kết thúc Chiến tranh thế giới II đến nay; Nền tảng phát sinh, phát triển, biến đổi của tôn giáo mới là những giai đoạn diễn ra những chuyển lớn của đời sống kinh tế - xã hội, trong đó những thay đổi từ chính sách tôn giáo có ảnh hưởng quan trọng; Tôn giáo mới khác biệt với tôn giáo truyền thống là đề cao tính tự do, tự tại cá nhân; Hiện tượng nở rộ tôn giáo mới có ảnh hưởng hai mặt (tích cực và tiêu cực) đối với đời sống kinh tế, chính trị, an ninh xã hội Nhật Bản; Tự do tôn giáo, mối quan hệ giữa nhà nước và tôn giáo được hiểu đầy đủ và phù hợp với thực tiễn mới thông qua việc bổ sung Luật pháp nhân tôn giáo ở Nhật Bản.

Tọa đàm khoa học “Hiện tượng tôn giáo mới ở Nhật Bản sau chiến tranh đến nay”

PGS.TS Phạm Hồng Thái trình bày Báo cáo tại Tọa đàm khoa học

Báo cáo thứ hai với chủ đề “Thay đổi xã hội và tác động đến sự trỗi dậy các phong trào tôn giáo mới ở Nhật Bản sau Chiến tranh thế giới II” do TS. Phí Hồng Minh trình bày. Báo cáo gồm 3 nội dung chính: (i) Mối liên hệ giữa tôn giáo và sức khỏe tâm thần trong xã hội hiện đại; (ii) Biến đổi xã hội ở Nhật Bản sau Chiến tranh thế giới II; (iii) Sự phát triển các phong trào tôn giáo mới ở Nhật Bản sau Chiến tranh thế giới II. Tác giả đã chỉ ra những tác động (tích cực và tiêu cực) của tôn giáo đến sức khỏe tâm thần trong xã hội hiện nay. Sau Chiến tranh thế giới II, Nhật Bản đã trải qua những biến đổi xã hội mạnh mẽ như sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng với xã hội công nghiệp hiện đại đã phá cỡ cấu trúc xã hội truyền thống đặc biệt là các giá trị gia đình; sự mâu thuẫn giữa chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tập thể; xã hội ngày càng già hóa và sự thay đổi các giá trị truyền thống khiến cho con người bị cô lập, dẫn dến nảy sinh các nhu cầu gắn kết… Những biến đổi xã hội đã tạo ra nhiều khoảng trống tâm lý cho người dân, là nguyên nhân quan trọng góp phần thúc đẩy các phong trào tôn giáo mới ở Nhật Bản.

Tọa đàm khoa học “Hiện tượng tôn giáo mới ở Nhật Bản sau chiến tranh đến nay”

TS. Phí Hồng Minh trình bày Báo cáo tại Tọa đàm khoa học

Trong phần thảo luận, các nhà nghiên cứu đã đưa ra nhiều bình luận xoay quanh chủ đề Tọa đàm như: người Nhật Bản có tính khắc kỷ và tính tập thể, kỷ luật rất cao, luôn kìm nén cảm xúc bản thân trước những khó khăn của cuộc sống, cùng với đó là xã hội Nhật Bản biến đổi nhanh chóng, liên kết giữa người và người lỏng lẻo, dần mất đi những mối liên hệ truyền thống, nên họ cần những chỗ dựa tinh thần chính là các tôn giáo mới. Trong giai đoạn COVID-19 do sự giãn cách xã hội, người dân không được tập trung nhiều nên những tôn giáo mới của Nhật Bản hoạt động cầm chừng, nhưng hiện nay các tôn giáo này đang dần khôi phục; tôn giáo truyền thống và tôn giáo mới chỉ có phát triển mạnh mẽ lên hoặc suy giảm đi nhưng không bao giờ biến mất. Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cũng đặt ra nhiều câu hỏi cho hai báo cáo viên để làm rõ hơn về mối quan hệ giữa tôn giáo với chính trị Nhật Bản; ảnh hưởng của của tôn giáo mới đến chính trị xã hội Nhật Bản trong giai đoạn hiện nay; thực trạng xuất hiện và phát triển của các tôn giáo mới ở Việt Nam hiện nay; so sánh với phong trào tôn giáo mới của Nhật Bản…

Tọa đàm khoa học “Hiện tượng tôn giáo mới ở Nhật Bản sau chiến tranh đến nay”

Các nhà nghiên cứu tham dự Tọa đàm thảo luận

Tọa đàm khoa học “Hiện tượng tôn giáo mới ở Nhật Bản sau chiến tranh đến nay”

TS. Ngô Hương Lan tổng kết Tọa đàm khoa học

Tổng kết toạ đàm, TS. Ngô Hương Lan cho rằng, chủ đề của Tọa đàm là vô cùng hấp dẫn, buổi toạ đàm đã mang lại những thông tin mới mẻ, cái nhìn đa chiều về phong trào tôn giáo mới ở Nhật Bản từ sau Chiến tranh Thế giới II. Qua đó, các nhà khoa học tiếp tục trao đổi thông tin và kiến thức, để cùng nhau hiểu rõ hơn và tìm kiếm những giải pháp cho vấn đề này. Tọa đàm cũng đã đặt ra nhiều câu hỏi và gợi mở thêm nhiều hướng nghiên cứu tiếp theo cho hai báo cáo viên cũng như các nhà nghiên cứu quan tâm đến chủ đề này.

 

Phan Huyền

0thảo luận