Phạm Thu Thủy1
Tóm tắt: Chiến lược Quốc gia về trí tuệ nhân tạo (AI) đã được Chính phủ Hàn Quốc đưa ra năm 2019 với tư cách là kết quả của quá trình hoàn thiện chính sách, chiến lược quốc gia về AI được bắt đầu từ năm 2016. Mục tiêu chiến lược quốc gia của Hàn Quốc trong lĩnh vực AI là vươn lên vị trí dẫn đầu trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Trên cơ sở phân tích khái quát về quá trình xây dựng chiến lược AI, bài viết làm rõ những điểm nổi bật về nội dung chiến lược AI của Hàn Quốc hiện nay, đồng thời bước đầu đưa ra những đánh giá về quá trình triển khai Chiến lược Quốc gia về AI thời gian vừa qua.
Từ khóa: Hàn Quốc, chiến lược AI, thành tựu
T |
ại Hàn Quốc, AI hiện là lĩnh vực đặc biệt được chú trọng và phát triển. Theo số liệu khảo sát của Viện Thông tin và Truyền thông Hàn Quốc (IITP), tổng số bằng sáng chế ở Hàn Quốc trong những năm gần đây được cấp về[1]AI đứng thứ 4 trên thế giới, số lượng hồ sơ đăng ký bằng sáng chế hàng năm đứng thứ 3 trên thế giới, sau Trung Quốc và Mỹ. Tốc độ đăng ký sáng chế hàng năm của Hàn Quốc tăng trưởng gần 8%/năm. Ngoài ra, Hàn Quốc còn dẫn đầu thế giới về sự kết hợp giữa các ngành công nghiệp AI, thiết bị bán dẫn và chip, chiếm 79,9% tổng số bằng sáng chế thiết bị bán dẫn tích hợp AI toàn cầu[2].
Theo thống kê của Viện Khoa học và công nghệ tiên tiến Hàn Quốc (KAIST), mức độ chấp nhận của người tiêu dùng Hàn Quốc đối với các sản phẩm AI đứng trong top đầu thế giới. Năm 2017, doanh thu từ các sản phẩm AI tại Hàn Quốc cũng chỉ đứng sau Mỹ và Trung Quốc. Tính đến nay, Hàn Quốc là quốc gia đứng thứ 5 trên thế giới về phát triển công nghệ AI sau Mỹ, châu Âu, Trung Quốc và Nhật Bản[3]. Có thể thấy, ngành AI ở Hàn Quốc đã đạt tới quy mô lớn, sánh vai với các cường quốc trong lĩnh vực này trên thế giới. Tuy nhiên, đằng sau nó là cả một quá trình “thức tỉnh”, thay đổi nhận thức, tầm nhìn và định hướng chiến lược của Chính phủ Hàn Quốc đối với ngành AI.
1. Quá trình xây dựng chiến lược AI của Hàn Quốc
Nhiều chuyên gia Hàn Quốc nhận định rằng quá trình phát triển AI cũng như những định hướng chính sách AI tại Hàn Quốc chủ yếu nổi bật ở giai đoạn sau khi xảy ra sự kiện “AlphaGo đấu với Lee Sedol” diễn ra vào năm 2016. Đó là một trận đấu cờ vây đặc biệt mang tính lịch sử gồm 5 ván giữa Lee Sedol - người từng 18 lần vô địch thế giới - và AlphaGo, phần mềm cờ vây máy tính được phát triển bởi Google DeepMind, được tổ chức tại Seoul, Hàn Quốc. Việc AlphaGo thắng tất cả trừ ván thứ tư cho thấy một hệ thống AI có thể chiến thắng một tinh hoa trí tuệ con người. Điều này cũng cho thấy máy móc chẳng những có thể làm nhiệm vụ lao động thể chất mà còn có khả năng lao động trí óc thay thế con người. Sự kiện AIphago diễn ra đã cuốn hút sự quan tâm mãnh liệt của công chúng Hàn Quốc và làm thay đổi cách nhìn của Chính phủ Hàn Quốc về AI, khiến các nhà quản lý không thể chậm trễ trong việc đưa ra các chính sách, chiến lược quốc gia về lĩnh vực này.
Chiến lược của Chính phủ Hàn Quốc về AI đã được đánh dấu với sự ra mắt của “Chiến lược Phát triển công nghiệp thông tin thông minh” (2016). Trong chiến lược này, Bộ Khoa học, Công nghệ thông tin và Kế hoạch Tương lai (MSIT) thông báo sẽ đầu tư 1.000 tỷ won cho R&D, mở rộng nguồn nhân lực chất lượng cao, cơ sở hạ tầng dữ liệu, hệ sinh thái công nghiệp và thúc đẩy các ngành công nghiệp hội tụ. Chiến lược tập trung vào năm lĩnh vực bao gồm: ngôn ngữ, thị giác, không gian, cảm xúc, trừu tượng và trí tuệ sáng tạo[4]. Tháng 2/2017, MSIT đã gấp rút công bố kế hoạch chuẩn bị cho Hàn Quốc có những tiến bộ vượt bậc về công nghệ AI với nhiều chính sách mới, thành lập một hội đồng khuyến nghị quốc gia nhằm cải tổ quá trình nghiên cứu và phát triển nâng cao năng suất của lĩnh vực tăng trưởng trọng tâm này. Đáng chú ý là hai trong số những cam kết của chính quyền Tổng thống Moon Jea-in là tạo ra nhiều việc làm và một chính sách kinh tế dựa trên “tăng trưởng đổi mới”.
Bắt đầu từ tháng 5/2017, chính quyền đã từng bước thực thi chính sách định hướng cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với vị trí trọng tâm trong việc đạt được hai mục tiêu này. Điều này được thấy rõ qua việc “Ủy ban Cách mạng công nghiệp 4.0” của Hàn Quốc được thành lập vào tháng 10/2017. “Ủy ban Cách mạng công nghiệp 4.0” ra đời với vai trò như một cơ quan đề xuất và quản lý các chiến lược quốc gia phục vụ cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó lấy việc nghiên cứu và phát triển ứng dụng công nghệ D.N.A (dữ liệu - mạng- AI) làm trọng tâm. Ngay sau đó, MSIT đã ban hành “Các biện pháp toàn diện trung và dài hạn cho xã hội thông tin thông minh” để ứng phó với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0” hướng tới sự chuyển mình của quốc gia, với mục tiêu đưa Hàn Quốc trở thành một xã hội thông minh, tích hợp AI, Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn và nền tảng di động vào mọi mặt đời sống, giành vị trí dẫn đầu trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 trên thế giới. Tháng 5/2018 Ủy ban Cách mạng công nghiệp 4.0 công bố “Chiến lược nghiên cứu và phát triển (R&D) AI”, nhằm mục đích tiến hành phân tích toàn diện về hiện trạng của công nghệ AI, gồm nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng, đồng thời phát triển và thúc đẩy các chiến lược R&D của AI dựa trên khả năng cạnh tranh của các quốc gia trong công nghệ AI. Tháng 8/2018, Chính phủ Hàn Quốc tuyên bố đẩy mạnh các biện pháp liên quan đến kích hoạt và phát triển dữ liệu, kích thích chuyển đổi nền kinh tế Hàn Quốc sang nền kinh tế dữ liệu. Tháng 11 cùng năm, Hàn Quốc đã đệ trình một bản sửa đổi "Đạo luật liên quan đến thông tin cá nhân" nhằm cân bằng giữa việc sử dụng và bảo vệ thông tin cá nhân, việc sửa đổi đạo luật lần này được coi là bước xây dựng bản lề cho những kế hoạch và chiến lược công nghệ trong tương lai. Cũng trong năm 2018, MSIT cùng với Hiệp hội thông tin quốc gia (NIA) ban hành “Hướng dẫn đạo đức cho Xã hội Thông tin Thông minh” nhằm tăng cường trách nhiệm của các nhà phát triển và cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin thông minh, ngăn chặn việc người dùng sử dụng sai mục đích, đồng thời truyền bá nhận thức về các tiêu chuẩn đạo đức cho xã hội thông tin thông minh[5]. Tháng 1/2019, Bộ Khoa học, Công nghệ, Thông tin và Truyền thông Hàn Quốc cùng các ban ngành liên quan đã tổ chức Hội nghị Chiến lược Phát triển đổi mới lần thứ nhất, đồng thời xây dựng và công bố “Kế hoạch Kích hoạt kinh tế dữ liệu và AI” nhằm mục đích thúc đẩy tích hợp dữ liệu và AI, đồng thời là một chiến lược trong lĩnh vực đổi mới và phát triển ở Hàn Quốc.
Bất chấp sự bùng nổ và tăng trưởng của các ngành sản xuất và dịch vụ AI nhờ các chính sách và chiến lược cởi mở của chính phủ theo từng giai đoạn cụ thể, Hàn Quốc vẫn phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt, nhiều công ty trong nước vẫn phải phụ thuộc vào nhập khẩu công nghệ AI cốt lõi. Để thu hẹp khoảng cách về năng lực, khuyến khích các tập đoàn nội địa, đầu tư nghiên cứu và phát triển công nghệ AI, tháng 12/2019, Chính phủ Hàn Quốc đã công bố bản chiến lược lớn “Chiến lược Quốc gia về AI”[6]. Khác với những chiến lược đã đề cập ở trên, là những chiến lược chi tiết, tập trung thúc đẩy vào một khía cạnh cụ thể của AI, được ban hành bởi một cơ quan thuộc chính phủ, “Chiến lược Quốc gia về AI” là chiến lược chủ chốt ở cấp quốc gia, vận hành nhờ có sự phối hợp liên bộ, là tổng hòa và quy trình hóa toàn bộ tầm nhìn, nhiệm vụ và đường lối của chính phủ, với quyết tâm đưa lĩnh vực AI trở thành ngành chiến lược, đưa Hàn Quốc vươn lên “vượt ra khỏi cường quốc công nghệ thông tin để trở thành cường quốc về AI”. Nói đến chiến lược AI của Hàn Quốc nói chung cũng chính là đề cập đến những nội dung căn bản được thể hiện trong trong “Chiến lược Quốc gia về AI” của Hàn Quốc được công bố năm 2019.
2. Những nội dung căn bản trong chiến lược AI Hàn Quốc
“Chiến lược Quốc gia về AI” được Hàn Quốc ban hành như một chiến lược kinh tế và xã hội xuyên suốt, thúc đẩy sự phát triển của một ngành chiến lược, được kỳ vọng sẽ dẫn đầu trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Chiến lược hướng tới ba mục tiêu cốt lõi mà Hàn Quốc cần đạt được vào năm 2030 là: (1) nâng cao năng lực cạnh tranh kỹ thuật số lên vị trí thứ ba thế giới, (2) tạo ra 455 nghìn tỷ won hiệu quả kinh tế thông qua AI, (3) nâng cao chỉ số chất lượng cuộc sống từ thứ 30 lên thứ 10 trên thế giới. Đặc điểm lớn nhất của chiến lược là tập trung vào các lĩnh vực thế mạnh của Hàn Quốc, giúp không chỉ tăng cường khả năng cạnh tranh về công nghệ và ứng dụng AI, mà còn thúc đẩy nhiệm vụ hiện thực hóa công nghệ AI lấy con người làm trọng tâm. Để thúc đẩy hiệu quả của chiến lược, Chính phủ Hàn Quốc cũng đưa ra các cải cách trong hệ thống quản lý và luật pháp để kích thích sự đổi mới và khuyến khích sử dụng AI. Việc triển khai nghiêm túc “Chiến lược Quốc gia về AI” đã và sẽ tiếp tục được thể hiện rõ rệt thông qua kế hoạch cụ thể của các bộ, ngành của Hàn Quốc trong giai đoạn tới. Cùng với việc đề ra mục tiêu, chiến lược xác định 3 nhiệm vụ chính và 9 chiến lược hành động đáp ứng từng nhiệm vụ cụ thể. Ba nhiệm vụ chính bao gồm: (1) xây dựng hệ sinh thái AI hàng đầu thế giới; (2) đưa Hàn Quốc trở thành quốc gia đi đầu trong ứng dụng AI và (3) hiện thực hóa công nghệ AI hướng đến con người.
Để “xây dựng hệ sinh thái AI hàng đầu thế giới”, bản chiến lược đưa ra bốn kế hoạch cốt lõi bao gồm: (1) cải thiện cơ sở hạ tầng AI; (2) làm chủ năng lực cạnh tranh về công nghệ AI; (3) mạnh dạn đổi mới các quy định, điều chỉnh hệ thống pháp luật và (4) nuôi dưỡng các công ty khởi nghiệp AI đẳng cấp thế giới.
Về cải thiện cơ sở hạ tầng AI, cơ sở hạ tầng có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển của lĩnh vực AI, song trong thời gian qua, cơ sở hạ tầng AI tại Hàn Quốc thiếu dữ liệu có thể sử dụng, cấu trúc dữ liệu không đồng nhất, các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) thiếu tài nguyên máy tính hiệu suất cao. Ngoài ra, kinh tế địa phương của Hàn Quốc gặp khó khăn do công nghệ thông tin chủ yếu tập trung ở khu vực đô thị, ít đóng góp vào sự phát triển của địa phương. Trong khi đó, kỳ vọng về AI trở thành động cơ đổi mới cho các ngành công nghiệp địa phương ngày càng lớn. Vì thế, Chính phủ Hàn Quốc đưa ra kế hoạch tăng cường lưu thông dữ liệu, đồng thời mở hoàn toàn dữ liệu công khai vào năm 2021, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp mới như ô tô không người lái, thành phố thông minh... Việc tăng cường kết nối giữa dữ liệu công cộng và dân sự, nhằm hỗ trợ toàn diện cho các lĩnh vực sản xuất, lưu thông, sử dụng dữ liệu và các khía cạnh khác cũng được đặc biệt chú ý.
Về làm chủ năng lực cạnh tranh về công nghệ AI, tính tới thời điểm 2019, AI Hàn Quốc đã phát triển vượt bậc nhưng khoảng cách cạnh tranh với các nước AI tiên tiến là không thể phủ nhận, nhất là so với Mỹ và Trung Quốc là hai quốc gia có hệ sinh thái AI hàng đầu thế giới. Để đảm bảo về năng lực cạnh tranh và rút ngắn khoảng cách về cả công nghệ và sản xuất so với các cường quốc công nghệ, Chính phủ Hàn Quốc đề xuất tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh trong các lĩnh vực lợi thế, cụ thể là chip thông minh. Đây là công nghệ cạnh tranh cốt lõi cần được chú trọng phát triển với mục tiêu sở hữu 5 công nghệ cốt lõi vào năm 2030. Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng quan tâm đầu tư khai phá những lĩnh vực mới mà các quốc gia khác chưa khai thác như nghiên cứu AI thế hệ mới để thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp phần mềm dựa trên AI.
Về đổi mới các quy định và điều chỉnh hệ thống pháp luật, các quy định hiện hành của Hàn Quốc vẫn còn thiếu các nguyên tắc cơ bản và hệ thống quản lý để thúc đẩy sự phát triển của AI, đặt ra những trở ngại nhất định cho sự đổi mới ở hiện tại và tương lai. Vì thế, cần tạo ra một môi trường thể chế thuận lợi để các công ty và nhà phát triển AI có thể tự do sáng tạo, hợp tác và đương đầu với những thách thức. Để giải quyết được nhiệm vụ này, Hàn Quốc cần phải chuyển đổi cơ bản mô hình quy định hiện tại, mở rộng việc áp dụng hệ thống "hộp cát quy định" và sửa đổi các luật và quy định liên quan. Các nhiệm vụ chiến lược đặt ra là chuyển đổi toàn diện mô hình quản lý trong lĩnh vực AI, phấn đấu xây dựng lộ trình quản lý vào năm 2020 theo hướng cơ bản là cho phép trước rồi mới quy định. Xây dựng luật và quy định đáp ứng nhu cầu phát triển của kỷ nguyên AI bao gồm: thiết lập bộ luật và quy định về AI, định hướng cho các khái niệm, nguyên tắc và biện pháp đối phó để ngăn chặn các tác động tiêu cực trong kỷ nguyên AI. Đồng thời, các luật và quy định trong các lĩnh vực khác nhau như phát triển công nghệ và thay đổi xã hội trong kỷ nguyên AI cần được gắn với các luật và quy định trong lĩnh vực AI toàn cầu. Tiến tới thành lập "Nhóm xây dựng luật phản ứng xã hội tương lai AI".
Về nuôi dưỡng các công ty khởi nghiệp AI đẳng cấp thế giới, so với thị trường toàn cầu, quy mô thị trường AI cũng như mức đầu tư của Hàn Quốc vẫn còn tương đối thấp, do đó để thúc đẩy sự kết hợp giữa ý tưởng đổi mới và công nghệ AI, Hàn Quốc cần tạo ra một môi trường khởi nghiệp tốt và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Năm 2019, mức độ phát triển của các doanh nghiệp đổi mới của Hàn Quốc xếp thứ 37 trên thế giới. Hàn Quốc hướng tới mục tiêu lọt vào top 20 vào năm 2022 và top 10 vào năm 2030. Để mục tiêu này trở thành hiện thực, Chính phủ Hàn Quốc chủ trương hỗ trợ nhằm nâng cao năng lực công nghệ cho các công ty khởi nghiệp, thành lập quỹ đầu tư AI để đầu tư và hỗ trợ tài chính cho các công ty khởi nghiệp về AI tiềm năng, mở rộng quỹ đầu tư vào các lĩnh vực dữ liệu, internet và AI. Ngoài ra, một quỹ AI riêng trị giá 300 tỷ won cùng với “Quỹ ươm tạo công nghệ tương lai” mới sẽ được thành lập để ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo AI. Khám phá và nuôi dưỡng các công ty khởi nghiệp AI xuất sắc thông qua các nền tảng khởi nghiệp dựa trên dữ liệu công khai.
Để “đưa Hàn Quốc trở thành quốc gia đi đầu trong ứng dụng AI”, ba kế hoạch hành động được đưa ra gồm: (1) nuôi dưỡng tài năng và tăng cường giáo dục về AI, (2) sử dụng AI cho tất cả các ngành công nghiệp và (3) xây dựng một chính phủ số hóa.
So với các nước phát triển, Hàn Quốc đang thiếu hụt nhân lực AI trầm trọng. Năm 2019, quy mô đào tạo nhân lực và chuyên gia cao cấp về AI của Hàn Quốc là 300 người. Hàn Quốc kỳ vọng chỉ số này đạt 5.000 vào năm 2022 và 10.000 vào năm 2030. Để đạt được mục tiêu nuôi dưỡng tài năng và tăng cường giáo dục về AI, Chính phủ Hàn Quốc chủ trương cải cách toàn diện hệ thống giáo dục lấy phần mềm và AI làm trọng tâm, không ngừng ươm mầm những tài năng AI hàng đầu thế giới. Cụ thể, Chính phủ Hàn Quốc chủ trương thiết lập hệ thống đào tạo tinh hoa nhân lực AI, thành lập hoặc bổ sung các bộ môn về AI từ năm 2020 và đổi mới hệ thống giáo dục đại học. Việc mở rộng các dự án giáo dục và nghiên cứu AI ở trình độ thạc sĩ và tiến sĩ, khuyến khích các dự án nghiên cứu mới trong lĩnh vực AI tại các viện nghiên cứu trọng điểm... cũng được đưa vào kế hoạch. Để thúc đẩy sự tích hợp của AI và các chuyên ngành khác, các quy định liên quan như "Quy chế thành lập và hoạt động của trường đại học" được sửa đổi. Ngoài ra, việc đào tạo công nghệ AI sẽ được cung cấp cho các ngành nghề cụ thể như cung cấp kiến thức cơ bản về AI cho quân đội, thiết lập nền tảng giáo dục quân sự trực tuyến. Các công chức quốc gia mới được tuyển dụng phải được tiến hành phổ cập kiến thức về AI để nâng cao sự nhạy bén với lĩnh vực này. Các trường tiểu học và trung học cũng sẽ được cung cấp các phần mềm đào tạo trực tuyến và ngoại tuyến, tích hợp phần mềm và giáo dục liên quan đến AI vào chương trình giảng dạy…
Việc sử dụng AI trong tất cả các ngành công nghiệp đang đặt ra cấp bách tại Hàn Quốc do khả năng cạnh tranh toàn cầu của các lĩnh vực công nghiệp truyền thống có lợi thế của nước này đang giảm sút. Bởi vậy, để đảm bảo động lực tăng trưởng mới, cần tích hợp AI và các ngành công nghiệp truyền thống. Bằng cách này, Hàn Quốc kỳ vọng sẽ đem lại lợi ích kinh tế 455 nghìn tỷ won vào năm 2030. Chính phủ Hàn Quốc sẽ thúc đẩy mạnh mẽ việc ứng dụng công nghệ AI trong sản xuất, giao thông vận tải, văn hóa và các ngành công nghiệp khác. Các kế hoạch hành động cụ thể để đạt mục tiêu này được đặt ra như sau: thúc đẩy phát triển các dự án tích hợp AI, thúc đẩy tích hợp AI vào các ngành công nghiệp lớn, thúc đẩy các chuyên gia AI thiết lập hệ thống phân công lao động, hợp tác với các doanh nghiệp và tổ chức nhà nước, mang lại cơ hội công nghiệp hóa sớm cho các doanh nghiệp AI trong nước, thúc đẩy AI cho toàn bộ ngành công nghiệp sản xuất.
Việc xây dựng chính phủ số hóa được đặt ra như một kế hoạch hành động trọng tâm trong chiến lược này là do chi phí vận hành và bảo trì của các dự án hệ thống chính phủ điện tử tại Hàn Quốc liên tục tăng, dẫn tới khó đảm bảo nguồn kinh phí phục vụ đầu tư mới. Bên cạnh đó, các công nghệ kỹ thuật số tiên tiến như AI không được ứng dụng hiệu quả dẫn đến tình trạng già hóa hệ thống, không chỉ làm giảm hiệu quả hoạt động của chính phủ điện tử mà còn dẫn đến trì trệ dịch vụ công. Do đó, Chính phủ Hàn Quốc chủ trương nâng cấp và cải thiện hệ thống chính phủ điện tử hiện tại, xây dựng chính phủ kỹ thuật số trên nền tảng AI, đổi mới cách làm việc, đưa các cơ quan chính phủ trở thành những đơn vị tiên phong trong lĩnh vực AI. Các phương án được đưa ra bao gồm: xây dựng chính phủ thông minh thế hệ mới, xây dựng lộ trình chuyển đổi hệ thống chính phủ điện tử và chuyển đổi số, đổi mới cách thức hoạt động của chính phủ và tối ưu hóa môi trường làm việc, chẳng hạn như tạo ra một môi trường làm việc di động thông minh...
Cuối cùng, để ‘hiện thực hóa công nghệ AI hướng tới con người”, hai kế hoạch hành động được đưa ra là: (1) xây dựng mạng lưới an toàn lao động toàn diện và (2) phát triển đạo đức AI để ngăn chặn các tác động tiêu cực.
Ngày nay, việc ứng dụng công nghệ AI trong lĩnh vực công nghiệp sẽ thay thế công việc đơn giản lặp đi lặp lại đã làm gia tăng tình trạng thất nghiệp. Mặt khác, ứng dụng AI có thể cải thiện sự tiện lợi trong cuộc sống, nhưng không thể mang lại lợi ích cho những nhóm yếu thế - nhóm người không có kiến thức cơ bản về AI. Để đối phó với tác động của AI đối với thị trường lao động và tạo điều kiện cho các nhóm yếu thế, Hàn Quốc chủ trương xây dựng một hệ thống đào tạo nghề nghiệp tập trung vào AI. Để xây dựng mạng lưới an toàn lao động toàn diện, bản chiến lược đề ra các nhiệm vụ cụ thể như: xây dựng mạng lưới an toàn việc làm, xây dựng nền tảng thông tin việc làm quốc gia từ năm 2020 và cải thiện các thể chế liên quan, mở rộng đối tượng áp dụng bảo hiểm xã hội, thay đổi đối tượng được bảo hiểm từ “người lao động” thành “người được bảo hiểm”, tăng mức trợ cấp thất nghiệp và kéo dài thời gian chi trả để tăng cường bảo vệ người thất nghiệp, tăng trợ cấp thất nghiệp từ 50% mức lương trung bình ban đầu lên 60%, kéo dài thời gian đóng trợ cấp thất nghiệp từ mức ban đầu tối đa là 8 tháng lên 9 tháng[7]. ..
Việc phát triển đạo đức AI để ngăn chặn các tác động tiêu cực là một yêu cầu rất cấp bách. Với việc ứng dụng rộng rãi công nghệ AI và sự phổ biến của các sản phẩm và dịch vụ liên quan đến AI, các mối đe dọa bảo mật liên quan đang dần gia tăng. Để ngăn chặn các tác động tiêu cực này, Chính phủ Hàn Quốc đề xuất cải thiện hệ thống ứng phó với các mối đe dọa mạng dựa trên công nghệ AI, nâng cao mức độ thông minh của bảo mật thông tin, xây dựng hệ thống phân tích và ứng phó sự cố an ninh mạng dựa trên công nghệ AI từ năm 2020. Cụ thể, công nghệ AI được sử dụng trong toàn bộ quá trình tiếp nhận, phân loại, kiểm tra và giải quyết tờ khai; phát triển công nghệ bảo vệ thông tin dựa trên AI để tự động phân tích điểm yếu trong các máy và mạng, xác minh tính bảo mật của mật khẩu; chủ động ngăn chặn các tác động tiêu cực có thể xảy ra, đồng thời phát triển các dịch vụ mới trong lĩnh vực AI... Trong thời gian tới, để bảo vệ người dùng, chiến lược chủ trương phát triển một hệ thống hỗ trợ chính sách trung và dài hạn bảo vệ lợi ích người tiêu dùng AI, xây dựng và phổ biến các khóa học giáo dục đạo đức AI cho mọi đối tượng.
3. Bước đầu đánh giá kết quả chiến lược AI Hàn Quốc
Sau hơn 2 năm được đưa vào thực thi với tầm nhìn và kết hoạch hành động cụ thể, Chiến lược Quốc gia về AI của Hàn Quốc đã đạt được một số kết quả rất đáng khích lệ. Đã có một số nghiên cứu bước đầu tổng kết đánh giá việc thực thi chiến lược trí tuệ nhân tạo của Hàn Quốc dựa trên việc thực hiện ba nhiệm vụ chính mà chiến lược đã đặt ra.
Trong việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng hệ sinh thái AI hàng đầu thế giới, cơ sở hạ tầng AI của Hàn Quốc trong hơn 2 năm qua đã được từng bước mở rộng. Hiện nay có khoảng 2.400 công ty và tổ chức đã tham gia xây dựng “Data Dam”, một dự án cốt lõi của “Thỏa thuận mới kỹ thuật số”, và khoảng 320.000 việc làm mới đã được tạo ra. Với việc mở rộng nền tảng dữ liệu lớn, hơn 2.500 loại dữ liệu đã được mở, sử dụng hơn 50.000 trường hợp và tạo ra nhiều dịch vụ sáng tạo khác nhau; lượng dữ liệu công cộng tích lũy được mở tăng hơn gấp đôi: năm 2019 có 49.000 dữ liệu, đến năm 2020 con số này là 99.000. Nền tảng dữ liệu công cộng mở rộng góp phần kích hoạt các công ty khởi nghiệp.
Năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực công nghệ AI của Hàn Quốc cũng không ngừng tăng. So với 100 nước dẫn đầu trong lĩnh vực AI, trình độ công nghệ của Hàn Quốc đã được cải thiện từ 81,6 từ năm 2018 lên 86 vào năm 2019. Hàn Quốc cũng đã xây dựng “Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn trí tuệ nhân tạo” vào tháng 10 năm 2020, đạt doanh thu 1.000 tỷ won. Nâng trình độ công nghệ so với các nước dẫn đầu (100) lên 90% vào năm 2022 và 95% vào năm 2030[8].
Các văn bản pháp quy liên quan đến ngành AI được đổi mới mạnh mẽ, mang tính hệ thống. Sửa đổi các luật cơ bản để chuẩn bị cho thời đại của trí tuệ nhân tạo, cùng với các cơ sở pháp lý để sử dụng dữ liệu an toàn. Đạo luật bảo vệ thông tin cá nhân, Đạo luật thông tin tín dụng, Đạo luật mạng truyền thông thông tin đã được sửa đổi. Thực hiện dự luật sửa đổi, Ủy ban bảo vệ thông tin cá nhân đã ra mắt ngày 20 tháng 8 năm 2020.
Đáng chú ý là các công ty khởi nghiệp AI theo định hướng toàn cầu ở Hàn Quốc đang được thúc đẩy mạnh mẽ. Các quỹ chính sách khác nhau và đảm bảo ưu đãi cho các công ty khởi nghiệp AI đầy triển vọng đã được tăng cường, điển hình là Quỹ trí tuệ nhân tạo với quy mô khoảng 580 tỷ won vào năm 2020 đầu tư vào trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và công nghệ thông tin nằm trong số 1,3 nghìn tỷ won của “Quỹ Hàn Quốc thông minh”; Quỹ KIF (Korea Institute of Finance) đã dành cho AI trị giá 509,5 tỷ WON bằng cách sử dụng “Quỹ Nhà cung cấp dịch vụ truyền thông”; Quỹ phát triển công nghệ tương lai đã tạo ra nguồn vốn độc quyền và hỗ trợ ưu đãi (hạn mức cho vay, lãi suất) trị giá 163,7 tỷ won cung cấp cho 558 doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực tăng trưởng đổi mới sáng tạo...
Trong việc thực hiện nhiệm vụ chiến lược đưa Hàn Quốc trở thành quốc gia sử dụng trí tuệ nhân tạo nhiều nhất, trong 2 năm qua, Chính phủ Hàn Quốc đã đạt được nhiều kết quả trong nỗ lực nuôi dưỡng những tài năng trí tuệ nhân tạo tốt nhất thế giới và giáo dục quốc gia về trí tuệ nhân tạo. Nền tảng để nuôi dưỡng nhân lực cốt lõi và chuyên nghiệp đã được mở rộng bằng cách cho phép giáo viên đồng thời đảm nhiệm các vị trí trong các công ty, bộ phận công nghệ cao mới; các cơ sở đào tạo sau đại học về AI cũng được tăng cường; việc sử dụng toàn diện trí tuệ nhân tạo trong các ngành công nghiệp cũng được đẩy mạnh. Đáng chú ý là năng lực cạnh tranh kỹ thuật số (IMD) của Hàn Quốc cũng được thăng hạng từ thứ 10 (2019) lên thứ 8 (2020)[9]. Hàn Quốc đang chuẩn bị kế hoạch thực hiện đổi mới chính phủ kỹ thuật số trong năm nay (2022).
Trong việc thực hiện nhiệm vụ để Hàn Quốc trở thành quốc gia hiện thực hóa trí tuệ nhân tạo lấy con người làm trung tâm, nhiều kết quả đạt được trong việc xây dựng mạng lưới an toàn lao động toàn diện. Cụ thể, mạng lưới an toàn thể chế về việc làm và thất nghiệp để chuẩn bị cho việc thay đổi việc làm nhanh chóng, và mở rộng cơ hội học tập và tìm việc làm mới đã được củng cố. Luật bảo hiểm trợ cấp thất nghiệp thông qua sửa đổi đã được tăng cường với “Luật Bảo hiểm Việc làm” có hiệu lực ngay từ tháng 10/2019. Việc giới thiệu và cung cấp “Thẻ quốc gia về học tập ngày mai” đã tạo ra môi trương mà bất kỳ ai cũng có thể được đào tạo về công nghệ mới (tháng 1/2020). Ngoài ra, việc mở rộng phạm vi bảo hiểm tai nạn lao động/việc làm có tính đến những thay đổi nghề nghiệp (tháng 7/2020) cũng có thể được coi là một trong những kết quả thu được từ việc thực thi Chiến lược Quốc gia về AI của Hàn Quốc.
Rất đáng quan tâm là trong việc ngăn ngừa rối loạn chức năng và chuẩn bị một hệ thống đạo đức trí tuệ nhân tạo, Hàn Quốc đã thiết lập và công bố “Tiêu chuẩn đạo đức về trí tuệ nhân tạo” để sử dụng trí tuệ nhân tạo một cách minh bạch và trung lập về giá trị (tháng 12/2020). Bảng tiêu chuẩn này dựa trên sự phân tích 25 tiêu chuẩn đạo đức trong và ngoài nước thông qua hoạt động của các cơ quan tham vấn và nhóm nghiên cứu (từ năm 2004 đến năm 2020) và thúc đẩy các phiên điều trần công khai (tháng 12 năm 2020). Ngoài ra việc phổ biến và phát triển giáo trình giáo dục đạo đức AI cho từng vòng đời (2021) hay như việc thiết lập bộ quy tắc đạo đức AI cấp độ toàn cầu… cũng là những kết quả đem lại nhiều gợi ý tốt cho các quốc gia tham khảo trong quá trình xây dựng bảng tiêu chuẩn đạo đức về AI phù hợp với bối cảnh cụ thể.
Có thể thấy, chiến lược AI của Hàn Quốc năm 2019 là sự đúc kết, thể hiện tập trung chính sách phát triển AI của nước này với mục tiêu đưa Hàn Quốc trở thành một trong số cường quốc AI trong thế kỷ XXI. Việc triển khai chiến lược AI của Hàn Quốc mới bước đầu, song đã cho những kết quả rất đáng ghi nhận và cho thấy triển vọng và tiềm năng to lớn của việc phát triển AI Hàn Quốc trong tương lai. Sự phát triển của AI chắc chắn sẽ góp phần tích cực to lớn cho sự phát triển của nền kinh tế Hàn Quốc, giúp giải quyết được nhiều vấn đề xã hội đang đặt ra, tạo thêm động lực cho nước này tiếp tục phát triển vững chắc trên những chặng đường mới với tư cách là một cường quốc khu vực.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Department for International Trade, July 2018, “Artificial Intelligence South Korea- Market Intelligence Report”, http://www. Intralinkgroup.com/getmedia/7bca58ca-90d0-4c2d-a25f-af23c057b7b3/Korean-Artificial-Intelligence-Final-Report.
2. 한국, 글로벌 AI 지수에서 종합 5위 기 (Hàn Quốc đứng thứ 5 trên thế giới về chỉ số AI), http://www.aitimes.com/news/articleView. html?idxno=141035#:~:text=터스%20인텔리전스%20캡쳐)-,한국이%20'글로벌%20 인공지 능(AI)%20.
3. Ministry of Science and ITC (2016), “Intelligence Industry Development Strategy”, https://www.msit.go.kr/eng/index.doeng/bbs/list.do?sCode=eng&mPid=9&mId=10.
4. “Ethics guidelines for intelligent information society”, https://oecd.ai/en/dash boards/policy-initiatives/http:%2F%2Faipo. oecd.org%2F2021-data-policyInitiatives-24386
5. Ministry of Science and IT (2019), 인공지능국가전략 발표 (Công bố chiến lược quốc gia về AI), https://www.korea.kr/news/ pressReleaseView.do?newsId=156366736.
6. 김송죽 (2021), "인공지능 기반 사회에 대비한 한국의 현황과 전략" (Kim Song-juk (2021), Hiện trạng và chiến lược của Hàn Quốc cho một XH dựa trên AI), http://www.kci.go.kr/ kciportAI/ci/sereArticleSearch/ciSereArtiView.kci?sereArticleSearchBean.artiId=ART00274 6761.
7. 관계부처 합동, 2020.12.23,「인공지능 국가전략」1주년주요 성과 및 향후계 획, (Liên hợp các bộ, 23/12/2020, “Những thành tựu chính và kế hoạch trong tương lai cho lễ kỷ niệm 1 năm của Chiến lược quốc gia về AI”), (보고1)%20201223_인공지능_국가전략_1주년_성과%20(3).pdf.
8. “World Digital Competitiveness Ranking 2021”, https://www.imd.org/centers/world-competitiveness-center/rankings/world-digital-competitiveness/.
[1] ThS., Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
[2] Department for International Trade, July 2018, Artificial Intelligence South Korea- Market Intelligence Report.
[3] 한국, 글로벌 AI 지수에서 종합 5위 기 (Hàn Quốc đứng thứ 5 trên thế giới về chỉ số AI),http://www. aitimes.com/news/articleView.html?idxno=141035#:~:text=터스%인텔리전스%캡쳐)-,한국이%20'글로벌%20 인공지능(AI)%20
[4]Ministry of Science and ITC, (2016), Intelligence Industry Development Strategy, https://www.msit. go.kr/eng/index.doeng/bbs/list.do?sCode=eng&mPid=9&mId=10.
[5]“Ethics guidelines for intelligent information society”, https://oecd.ai/en/dashboards/policy-initiatives/http:% 2F%2Faipo.oecd.org%2F2021-data-policyInitiatives-24386.
[6] Ministry of Science and IT (2019), 인공지능국가전략 발표 (Công bố chiến lược quốc gia về AI), https://www.korea.kr/news/pressReleaseView.do?newsId=156366736.
[7] 김송죽, (2021), "인공지능 기반 사회에 대비한 한국의 현황과 전략" (Kim Song-juk, 2021, Hiện trạng và chiến lược của Hàn Quốc cho một xã hội dựa trên AI), http://www.kci.go.kr/kciportAI/ci/sereArticleSearch/ciSereArtiView.kci?sereArticleSearchBean.artiId=ART0027 46761.
[8] 관계부처 합동, 2020.12.23,「인공지능 국가전략」1주년주요 성과 및 향후계획 (Liên hợp các bộ, 23/12/2020, “Những thành tựu chính và kế hoạch trong tương lai cho lễ kỷ niệm 1 năm của Chiến lược quốc gia về AI”), (보고1)%20201223_인공지능_국가전략_ 1주년_성과%20(3).pdf.
[9] “World Digital Competitiveness Ranking 2021”, https://www.imd.org/centers/world-competitiveness-center/rankings/world-digitAI-competitiveness/.