Trang chủ

Sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe của lao động di cư Việt Nam ở Nhật Bản và một số vấn đề đặt ra

Đăng ngày: 5-01-2024, 09:06 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2022, Số 8

Nguyễn Quang Tuấn1

 

Tóm tắt: Nhật Bản là thị trường lao động tiềm năng thu hút số lượng lớn lao động Việt Nam đến làm việc trong khoảng một thập niên trở lại đây. Trong quá trình sinh sống và làm việc ở Nhật Bản, người lao động Việt Nam thường gặp phải một số triệu chứng thông thường về sức khỏe như ốm, ho, sốt, dị ứng da, đau xương khớp và một số bệnh lý liên quan đến đường sinh sản. Mạng lưới xã hội và vốn xã hội đã giúp họ tiếp cận và sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe thuận tiện hơn. Tuy nhiên, trong việc sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở Nhật Bản người lao động Việt Nam cũng gặp một số khó khăn như thiếu thông tin về y tế, chăm sóc sức khỏe, thông tin về cách thức hoạt động của các cơ sở dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Việc sử dụng ngôn ngữ không thành thạo và nhận thức về hoạt động tự chăm sóc sức khỏe còn hạn chế cũng khiến họ đối mặt với nhiều nguy cơ về sức khỏe.

Từ khóa: Dịch vụ chăm sóc sức khỏe, lao động di cư, Nhật Bản

1. Đặt vấn đề

Việt Nam là một quốc gia có dân số đông và có số người lao động đi làm việc ở nước ngoài có xu hướng tăng trong nhiều năm trở lại đây. Theo số liệu của Cục Quản lý lao động ngoài nước, tính đến tháng[1]3/2016 có khoảng 520.000 người lao động[2] và tháng 6/2019 là 540.000 người[3] đi làm việc ở nước ngoài. Nhật Bản là nơi tiếp nhận số lao động Việt Nam lớn nhất. Theo số liệu thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước, năm 2022, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở Nhật Bản là 68.737 người (trong đó có 27.610 lao động nữ)[4].

Đưa người lao động Việt Nam sang nước ngoài làm việc là một trong những chính sách thường niên của Chính phủ Việt Nam nhằm tạo thêm việc làm, tăng cường kỹ năng tay nghề và là một chiến lược xóa đói giảm nghèo. Di cư lao động quốc tế đã có những đóng góp rất lớn vào sự phát triển kinh tế cho Việt Nam thông qua nguồn tiền gửi về gia đình của người lao động di cư[5]. Có thể thấy, di cư có thể mở ra các cơ hội việc làm và thu nhập cho người di cư và gia đình của người di cư, tuy nhiên, người di cư được xác định là nhóm dân số dễ bị tổn thương với những khó khăn trong tiếp cận dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe ở các quốc gia người di cư đến làm việc[6].

Ở cấp độ toàn cầu, đảm bảo sức khỏe của người di cư là một nhiệm vụ mang tính nhân quyền và cũng là trách nhiệm chung của tất cả các quốc gia có liên quan trước các tác động đến sức khỏe của người di cư và cộng đồng. Ở Việt Nam, Bộ Y tế cũng cam kết thực hiện Nghị quyết 70.15 về tăng cường sức khỏe của người tị nạn và người di cư và đã được Hội đồng Y tế Thế giới (WHA) phê duyệt vào tháng 5 năm 2017. Tuy nhiên, các hoạt động nâng cao sức khỏe của người di cư đã gặp phải những khó khăn nhất định do thiếu nguồn dữ liệu về sức khỏe và khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế của người di cư trong nước và nước ngoài[7]. Bài viết nhận diện thực trạng sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe[8] của người lao động di cư Việt Nam ở Nhật Bản[9] cũng như nhận diện các rào cản ảnh hưởng đến việc sử dụng dịch vụ này qua việc sử dụng phương pháp nghiên cứu định lượng[10] và nghiên cứu định tính[11] nhằm cung cấp thêm thông tin trong việc hoạch định và thực hiện các chính sách, chương trình chăm sóc sức khỏe cho người lao động di cư Việt Nam tại Nhật Bản nói riêng và nước ngoài nói chung.

2. Thực trạng sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe của lao động Việt Nam ở Nhật Bản

2.1. Những triệu chứng gặp phải trong quá trình sống và làm việc ở Nhật Bản

Những triệu chứng người lao động Việt Nam gặp phải liên quan đến sức khỏe kể từ khi đi làm việc ở Nhật Bản chủ yếu là ho, sốt, cảm cúm, cảm lạnh (76,7%), tiếp đến là các triệu chứng đau xương, khớp, đau lưng (42,9%), đau mắt (29,2%), những triệu chứng khác (26,6%) và chỉ có một tỷ lệ nhỏ người lao động Việt cho biết kể từ khi sang Nhật Bản làm việc không gặp bất kỳ triệu chứng nào (8,4%). Nguyên nhân dẫn đến tình trạng ho, sốt và các triệu chứng đau xương khớp là do thời tiết và tính chất công việc.

“Nhiều người bị ho, sốt là do chưa thích ứng với thời tiết, rồi những người khác đau lưng, đau chân là do công việc, người thì đứng hoặc người thì làm việc ngồi 8-10 tiếng/ngày nên cũng ảnh hưởng đến sức khỏe” (phỏng vấn sâu, nam, 29 tuổi, nhân viên hỗ trợ của nghiệp đoàn tại Nhật Bản).

Phỏng vấn sâu cũng cho thấy những người lao động Việt Nam mới sang thường gặp các triệu chứng phổ biến khác như bệnh về da, các bệnh liên quan đến phụ khoa và rụng tóc do sự khác biệt về môi trường sống và nguồn nước.

“Những người mới sang Nhật Bản được 1-2 năm thường phổ biến bị các bệnh về da, ngoài ra, con gái thì hay bị bệnh phụ khoa là nhiều, ngoài ra còn cả bị rụng tóc nữa. Ngoài ra nữa các bạn mới sang thì thường bị mụn cóc rất nhiều, thường thường là mọc ở tay và chân. Một phần là do môi trường và nước nên bị vàng da, rồi rụng tóc, rồi mụn…” (phỏng vấn sâu, nam, 29 tuổi, nhân viên hỗ trợ cho nghiệp đoàn tại Nhật Bản).

Trước những triệu chứng/biểu hiện liên quan đến sức ở Nhật Bản gặp phải, người lao động Việt Nam ở Nhật Bản có xu hướng tự mua thuốc uống hoặc đến phòng khám, bệnh viện là hai cách thức phổ biến nhất được lao động Việt ở Nhật Bản thực hiện. Ngoài ra, một bộ phận người lao động khi gặp các triệu chứng thường nhờ người thân, bạn bè, đồng nghiệp trợ giúp như nhờ đi mua thuốc hộ, nhờ chăm sóc (29,0%). Điểm đáng chú ý là các hành động gọi điện đến bệnh viện/trung tâm y tế để hỏi ý kiến chiếm tỷ lệ rất thấp (10,3%) và có một tỷ lệ nhỏ người lao động khi gặp các triệu chứng không làm gì (2,8%). Kết quả phỏng vấn sâu cho thấy, người lao động Việt Nam ít gọi điện đến bệnh viện/trung tâm y tế để hỏi ý kiến là vì đa số họ gặp khó khăn về ngôn ngữ. Tuy nhiên, họ có thể nhờ đến sự trợ giúp và hỗ trợ từ nghiệp đoàn[12] ở Nhật Bản để giải quyết không chỉ các vấn đề gặp phải trong chăm sóc sức khỏe, mà cả các vấn đề trong cuộc sống.

“Như mình thì mình chưa bao giờ gọi điện đến bệnh viện hay các chuyên gia y tế để xin ý kiến tư vấn vì mình tiếng Nhật không thành thạo, mình chỉ giao tiếp được chút ít trong xưởng làm việc của mình. Nếu muốn đi khám thì mình nhờ nhân viên hỗ trợ của nghiệp đoàn, rồi đến đó bác sĩ nói gì thì nhân viên môi giới nói lại với mình” (phỏng vấn sâu, nữ, 31 tuổi, lĩnh vực chế biến thực phẩm).

Đề cập đến việc ra quyết định khám, chữa bệnh, người lao động Việt Nam ở Nhật Bản chủ yếu có xu hướng tham khảo ý kiến bạn bè, đồng nghiệp đang làm việc ở nước ngoài (49%), tiếp đến là tham khảo ý kiến trong các hội, nhóm trên mạng xã hội mà người lao động Việt tham gia (26,9%). Ngoài ra, tham khảo ý kiến người thân trong gia đình (24,8%), tham khảo ý kiến của người tư vấn, bác sĩ (22,1%) và quan sát hành động của những người xung quanh (13,8%) cũng là những kênh lao động Việt tham khảo trước khi ra quyết định khám/chữa bệnh. Đặc biệt, đối tượng tham khảo ý kiến nhân viên tư vấn, bác sĩ ở Nhật Bản chủ yếu là những người lao động có thể giao tiếp thành thạo tiếng Nhật. Mặc dù đa số lao động Việt thường tham khảo ý kiến trước khi đưa ra quyết định khám, chữa bệnh, vẫn có 28,3% người lao động không tham khảo ai để ra quyết định khám, chữa bệnh.

Kết quả trên cho thấy đa số người lao động Việt Nam làm việc ở Nhật Bản đều quan tâm đến việc sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Khi người lao động gặp phải các vấn đề về sức khỏe, họ có xu hướng chữa trị triệu chứng và tham khảo ý kiến, lời khuyên từ nhiều nguồn khác nhau. Rõ ràng, mạng lưới xã hội và vốn xã hội của lao động Việt đang góp phần tích cực vào hoạt động chăm sóc sức khỏe của lao động Việt ở Nhật Bản.

2.2. Thực trạng sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe của lao động Việt Nam ở Nhật Bản

Chăm sóc sức khỏe có rất nhiều khía cạnh khác nhau, trong đó không thể thiếu việc phòng ngừa bệnh tật. Sử dụng các dịch vụ phòng ngừa bệnh tật sẽ giúp con người phát hiện sớm và ngăn ngừa các bệnh tật có thể xảy ra trong quá trình sinh sống và làm việc. Nhìn chung, từ năm 2020 đến nay người lao động Việt Nam ở Nhật Bản đều sử dụng ít nhất một hoạt động trong phòng ngừa bệnh tật, trong đó, hoạt động tiêm phòng vắc xin, đặc biệt là vắc xin Covid-19 chiếm tỷ lệ rất lớn (94,8%). Người lao động Việt Nam ở Nhật Bản cũng quan tâm nhiều đến việc khám sức khỏe tổng quát định kỳ ngay cả khi cảm thấy cơ thể vẫn khỏe mạnh (62,3%). Ngoài ra, các hoạt động như lựa chọn thực phẩm tốt cho sức khỏe cũng được người lao động Việt Nam thực hiện (35,7%), tuy nhiên, hoạt động này vẫn chiếm tỷ lệ thấp.

Một dịch vụ chăm sóc sức khỏe khác là điều trị bệnh tật. Đây là giai đoạn không thể thiếu sau khi phát hiện ra các triệu chứng về sức khỏe. Ở Nhật Bản, bảo hiểm y tế đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với người dân sở tại nói chung và người lao động di cư Việt Nam nói riêng trong điều trị bệnh tật. Kết quả phân tích số liệu đề tài cho thấy, có 84,4% lao động Việt Nam ở Nhật Bản có sử dụng bảo hiểm y tế để khám và chữa bệnh. Sử dụng bảo hiểm y tế của Nhật Bản đem lại lợi ích lớn cho người lao động Việt. Bảo hiểm y tế giúp giảm chi phí khám, chữa bệnh cho người lao động Việt khi tham gia khám, chữa bệnh.

“Khám bệnh bên này đều cần bảo hiểm, không có bảo hiểm là hóa đơn tiền khám, chữa bệnh rất cao” (ý kiến của nữ lao động Việt ở Nhật Bản chia sẻ trên Facebook).

“Có bảo hiểm y tế giúp mình giảm chi phí khám bệnh rất nhiều. Như vừa rồi mình có đi khám ở bệnh viện, đến nơi mình chỉ cần điền vào tờ giấy để cung cấp thông tin thẻ bảo hiểm, sau đó khám, khám xong thì mình vẫn phải thanh toán tiền đầy đủ, tuy nhiên, sau khoảng mấy tháng thì bên bảo hiểm sẽ lại trả mình đầy đủ số tiền mình đã thanh toán cho bệnh viện” (phỏng vấn sâu, nữ, 31 tuổi, lĩnh vực chế biến thực phẩm).

Đề cập đến việc đánh giá mức độ hài lòng về chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh ở Nhật Bản, kết quả phân tích cho thấy hơn 2/3 người lao động đánh giá hài lòng về dịch vụ khám, chữa bệnh, gần 1/3 người lao động Việt cho rằng họ ít hài lòng về dịch vụ khám, chữa bệnh ở Nhật Bản. Một trong những lý do chính khiến người lao động Việt không hài lòng về dịch vụ khám, chữa bệnh ở Nhật Bản là chất lượng chẩn đoán bệnh của bác sĩ. Đa số các bác sĩ trong các bệnh viện hoặc phòng khám chẩn đoán bệnh còn chung chung và không chú trọng vào bệnh, triệu chứng đang gặp phải. Ngoài ra, thời gian chờ đợi để được khám, chữa bệnh cũng là vấn đề khiến người lao động Việt ít hài lòng hoặc không hài lòng về dịch vụ khám, chữa bệnh ở Nhật Bản.

“Cái khâu khám hoài không ra bệnh hoặc uống thuốc hoài không hết là chuyện bình thường ở Nhật. Cũng có thể gặp bác sĩ tào lao thiệt hoặc có thể bên Nhật không kê thuốc như Việt Nam nên uống vào không xi nhê mà kiểu mình cần hết bệnh để đi làm mà uống hoài không hết nên đâm ra cũng mệt mỏi và mất lòng tin với bác sĩ bên này” (ý kiến của nữ lao động Việt ở Nhật Bản chia sẻ trên Facebook).

“Em cũng tiếp xúc nhiều với bác sĩ vì một phần em cũng bị bệnh đau lưng 2 năm nay rồi nên em cũng đi khám ở bệnh viện lớn, cũng khám ở phòng khám rồi nhưng bác sĩ chỉ kết luận chụp X-quang, rồi xét nghiệm các thứ rồi kết luận là xương đẹp, rồi cho thuốc giảm đau và cao dán nhưng mình vẫn bị đau, vẫn khó chịu và không thấy đỡ gì cả. Nói thật là đi khám bên này nó rất là mập mờ, những bệnh kiểu sâu xa hơn như xương khớp, dạ dày hay gì gì thì khó mà đạt hiệu quả” (phỏng vấn sâu, nam, 29 tuổi, nhân viên hỗ trợ của nghiệp đoàn tại Nhật Bản).

Đề cập đến nhóm lao động đánh giá hài lòng về dịch vụ khám, chữa bệnh, họ hài lòng về thái độ của bác sĩ, nhân viên y tế ở tất cả các phòng khám, bệnh viện ở Nhật Bản. Bác sĩ và nhân viên y tế ở Nhật Bản rất nhiệt tình, lịch sự và hướng dẫn rõ ràng cho người lao động Việt Nam đến khám, chữa bệnh.

“Thái độ của bác sĩ và nhân viên y tế ở bên này (Nhật Bản) họ nhiệt tình và lịch sự lắm, như mình đi khám, họ còn quỳ xuống để nói chuyện với mình, tức là họ vẫn theo văn hóa lịch sự của người Nhật” (phỏng vấn sâu, nữ, 31 tuổi, lĩnh vực chế biến thực phẩm, đã từng đi khám, chữa bệnh tại bệnh viện Nhật Bản).

Một dịch vụ chăm sóc sức khỏe quan trọng khác là tư vấn chăm sóc sức khỏe. Dịch vụ này không chỉ giúp con người nói chung và bệnh nhân nói riêng hiểu biết hơn về tình trạng bệnh tật, mà còn giúp họ thay đổi hành vi chăm sóc sức khỏe để đạt được một sức khỏe tốt. Mặc dù vậy, nhiều lao động Việt Nam ở Nhật Bản còn chưa bao giờ sử dụng đến dịch vụ này. Kết quả khảo sát cho thấy, chỉ có 50% trên tổng số 154 người được khảo sát cho biết họ đã từng gọi điện hoặc đến gặp bác sĩ để hỏi các thông tin liên quan đến sức khỏe kể từ khi sang Nhật Bản làm việc.

Liên quan đến việc sử dụng dịch vụ tư vấn, có một số khác biệt giữa các nhóm xã hội khác nhau. Cụ thể là nữ giới sử dụng dịch vụ tư vấn (gọi điện hoặc đến gặp bác sĩ) về chăm sóc sức khỏe cao hơn nam giới, tỷ lệ lần lượt là 53,1% và 46,4%. Độ tuổi cao hơn (trên 30 tuổi) sử dụng dịch vụ tư vấn về chăm sóc sức khỏe cao hơn nhiều so với độ tuổi từ 30 trở xuống, tỷ lệ tương ứng là 64,7% và 38,4%. Đặc biệt, người lao động Việt Nam có trình độ học vấn càng cao càng có xu hướng sử dụng dịch vụ tư vấn về chăm sóc sức khỏe, tương ứng là 61,3% đối với đại học trở lên, 60,4% đối với trung cấp, cao đẳng và 22,7% với trung học phổ thông trở xuống.

Đề cập đến lý do nhiều lao động không sử dụng dịch vụ tư vấn về chăm sóc sức khỏe, kết quả ở phân tích cho thấy, nguyên nhân mà nhiều lao động Việt Nam ở Nhật Bản không sử dụng dịch vụ tư vấn là do không biết tiếng Nhật (32,9%), bản thân người lao động Việt Nam có thể tự tìm hiểu thông tin trên internet và mạng xã hội (35,5%), không biết thông tin về dịch vụ tư vấn (28,9%) và một số nguyên nhân khác như thấy mức độ bệnh tật không nguy hiểm nên không cần thiết phải gọi hoặc đến gặp bác sĩ và nhân viên tư vấn (22,4%), đa số không gọi và không đến gặp nên người lao động Việt Nam cũng không gọi điện hoặc đến gặp (22,4%). Đặc biệt hơn, có một bộ phận người lao động Việt Nam cho biết họ không có nhu cầu đến dịch vụ tư vấn về chăm sóc sức khỏe (17,1%).

3. Một số rào cản trong việc sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe của lao động Việt Nam ở Nhật Bản

Nhìn chung, việc sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe của lao động Việt Nam ở Nhật Bản tích cực hơn rất nhiều so với các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra. Các nghiên cứu trước đây cho thấy, người lao động di cư quốc tế gặp rất nhiều thách thức và nhiều rào cản trong tiếp cận và sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) (2020) cũng chỉ ra rằng những rào cản về pháp lý, phân biệt chủng tộc và tham nhũng đã ngăn cản khả năng tiếp cận chăm sóc sức khỏe hoặc sử dụng không đầy đủ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và trì hoãn việc tìm kiếm dịch vụ chăm sóc sức khỏe của người lao động di cư[13]. Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cũng cho thấy sự phân biệt đối xử từ các chuyên gia và nhà cung cấp dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe đã gây cản trở cho người lao động di cư đối việc việc sử dụng các dịch vụ y tế[14]. Ngoài ra, những rào cản khác như thủ tục hành chính phức tạp khi sử dụng thẻ bảo hiểm tại các cơ sở y tế, chi phí chăm sóc sức khỏe và tình trạng bảo hiểm y tế; thái độ của nhân viên y tế và nhân viên hành chính cũng đã ảnh hưởng đến việc tiếp cận và sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe của người lao động di cư[15].

Tuy nhiên, thực tiễn khảo sát cho thấy, người lao động Việt Nam ở Nhật Bản không gặp phải những rào cản như các nghiên cứu đã đề cập ở trên, mà chủ yếu gặp ba rào cản chính trong việc sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Một trong những rào cản lớn nhất là thiếu các thông tin về y tế và cách thức hoạt động của các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở các bệnh viện, phòng khám ở Nhật Bản. Rào cản này ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý, thời gian và công việc của người lao động Việt ở Nhật Bản, đặc biệt là những lao động mới đến làm việc.

“Đợt mình đi khám mà thấy mệt mỏi thật sự vì mình xin nghỉ làm để đi khám, đến bệnh viện ở gần chỗ làm của mình thì họ lại bảo lên bệnh viện lớn vì họ không khám bệnh này. Mình đến bệnh viện lớn theo như chỉ dẫn của họ thì lại không được khám vì không đặt lịch khám trước qua trang web của bệnh viện. Mình cứ nghĩ đi khám như ở Việt Nam, chỉ cần đến bệnh viện lúc nào cũng được, rồi bấm số và chờ khám, nhưng ở đây thì khác. Rồi mình lại về để nhờ nhân viên hỗ trợ của công ty môi giới đặt lịch hộ, sau đó mới quay lại khám” (phỏng vấn sâu, nữ, 31 tuổi, lĩnh vực chế biến thực phẩm).

“Cách chữa bệnh ở Việt Nam khác với Nhật Bản. Ở Việt Nam là khám ra bệnh rồi cho thuốc uống trị dứt điểm. Có khả năng liều mạnh hay gì đó, còn ở Nhật thì thường còn xem các vấn đề về an toàn dược tính. Dùng sức đề kháng của con người cộng với hỗ trợ thuốc. Với cả tính trách nhiệm cao nên bác sĩ sẽ không đưa ra những biện pháp điều trị kiểu dứt khoát, mà thường gợi ý, còn lại theo bệnh nhân. Vì vậy nhiều khi bệnh nhân không biết phải làm sao” (ý kiến của nữ lao động Việt ở Nhật Bản chia sẻ trên Facebook).

Liên quan đến vấn đề này, nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (2007) cũng chỉ ra rằng người lao động di cư quốc tế thường thiếu các thông tin y tế về sức khỏe, và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe có sẵn ở nơi đến[16].

Ngôn ngữ cũng là một rào cản lớn đối với việc tiếp cận và sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe của lao động Việt ở Nhật Bản. Levy và cộng sự (2018) cũng chỉ ra rằng, ngôn ngữ là một trong những rào cản phổ biến trong tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe của lao động di cư quốc tế[17]. Như đã phân tích ở trên, nhiều lao động Việt không thể giao tiếp thành thạo tiếng Nhật nên việc sử dụng dịch vụ tư vấn về chăm sóc sức khỏe và tính chủ động trong việc khám, chữa bệnh bị hạn chế.

“Nhiều người lao động gọi đến nhờ hỗ trợ đưa đi khám, chữa bệnh, tuy nhiên, công việc của bọn em không phải ngày nào cũng rảnh nên tùy vào mức độ bệnh tật, nếu thực sự nghiêm trọng thì bọn em sẽ hỗ trợ gấp, còn không thì sẽ sắp xếp vào ngày nghỉ của người lao động, ví dụ như bị da liễu chẳng hạn, ngày nào nghỉ thì em đưa đi hoặc tiện lúc em đưa những người khác đi thì em đưa đi một thể. Đấy là nghiệp đoàn của em chỉ phụ trách trong một tỉnh, còn với những bạn mà nghiệp đoàn ở tận Tokyo, cách tận 4-5 tiếng đi tàu thì họ nhiều khi không hỗ trợ được, lúc đó thì người Nhật của công ty sẽ phụ trách đưa đi” (phỏng vấn sâu, nam, 29 tuổi, nhân viên hỗ trợ của nghiệp đoàn tại Nhật Bản).

Nhận thức của lao động Việt Nam về hoạt động tự chăm sóc sức khỏe cũng ảnh hưởng tới tình trạng sức khỏe. Nhiều lao động Việt Nam, đặc biệt là lao động nữ có xu hướng hạn chế ăn uống, chế độ sinh hoạt giờ giấc không khoa học, sử dụng điện thoại nhiều… dẫn đến tình trạng ốm đau, bệnh tật.

“Thời gian sinh hoạt của các bạn thì không khoa học, đi làm về ăn uống rồi như con gái thì kiêng khem, ăn ít, rồi đi làm về mệt, rồi đòi đi khám này khám kia, xong rồi về dùng điện thoại nhiều các thứ thì mắt yếu, mụn nhọt lên nhiều rồi cũng đòi đi khám” (phỏng vấn sâu, nam, 29 tuổi, nhân viên hỗ trợ của nghiệp đoàn tại Nhật Bản).

4. Một số vấn đề đặt ra

Mặc dù việc thực hiện chính sách chăm sóc sức khỏe được đánh giá khá tích cực, song những rào cản người lao động Việt Nam ở Nhật Bản đang gặp phải cũng đặt ra một số vấn đề trong việc giải quyết những rào cản trên nhằm tăng cường khả năng tiếp cận và sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiệu quả cho người lao động Việt Nam ở Nhật Bản. Cụ thể là:

Thứ nhất, cần cung cấp thông tin đầy đủ về các vấn đề liên quan đến chăm sóc sức khỏe ở các quốc gia đến nói chung và Nhật Bản nói riêng cho người lao động Việt Nam trước khi sang làm việc. Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài cần được biết và nắm rõ về thông tin y tế, thông tin về dịch vụ chăm sóc sức khỏe, thông tin về cách thức hoạt động của hệ thống y tế ở quốc gia đến và những lưu ý khi sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở quốc gia mà người lao động lựa chọn đến làm việc.

Thứ hai, cần tăng cường giảng dạy ngoại ngữ (tiếng Nhật) không chỉ về giao tiếp trong công việc, mà còn trong hoạt động chăm sóc sức khỏe để người lao động có thể chủ động hơn trong tiếp cận và sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở quốc gia đến. Điều này rất quan trọng bởi thực tế ở quốc gia đến đã có nhân viên hỗ trợ của nghiệp đoàn, tuy nhiên, người lao động Việt Nam gặp những khó khăn về sức khỏe thường lệ thuộc nhiều vào thời gian và sự sắp xếp lịch hỗ trợ từ nghiệp đoàn. Do đó, việc tăng cường năng lực ngôn ngữ trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe sẽ góp phần giúp người lao động chủ động hơn khi gặp triệu chứng về sức khỏe.

Thứ ba, các công ty môi giới cần có những hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức hơn nữa về tự chăm sóc sức khỏe cho người lao động Việt Nam khi đi làm việc ở nước ngoài nhằm giảm đảm bảo có một sức khỏe tốt nhất trong quá trình sinh sống và làm việc.

5. Kết luận

Trong quá trình sinh sống và làm việc ở Nhật Bản, người lao động Việt Nam ở Nhật Bản nhìn chung rất quan tâm đến sức khỏe khi gặp phải các triệu chứng. Khi gặp các triệu chứng, người lao động Việt có xu hướng tìm cách chữa trị như mua thuốc uống hoặc đến khám tại các bệnh viện, phòng khám và tham khảo ý kiến, lời khuyên từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó, đồng nghiệp, bạn bè và nhân viên hỗ trợ của nghiệp đoàn là nơi người lao động Việt ưu tiên hàng đầu. Kết quả này cho thấy, mạng lưới xã hội và vốn xã hội của lao động Việt đóng vai trò ngày càng quan trọng đối với việc sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở Nhật Bản.

Người lao động Việt Nam ở Nhật Bản tiếp cận và sử dụng tốt các dịch vụ phòng ngừa bệnh tật, đặc biệt là hoạt động tiêm phòng vắc-xin Covid-19 và khám tổng quát định kỳ hàng năm, tuy nhiên, các hoạt động tăng cường vitamin và các thực phẩm tốt cho sức khỏe chưa được nhiều lao động Việt hướng tới.

Đối với các dịch vụ điều trị bệnh tật, đa số người lao động Việt sử dụng bảo hiểm y tế để khám, chữa bệnh khi họ gặp bất kể triệu chứng, bệnh tật nào. Bảo hiểm y tế ở Nhật Bản đã đem lại nhiều lợi ích cho người lao động Việt khi tham gia khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, người lao động Việt Nam, đặc biệt là những người mới đến còn gặp khó khăn về tiếp nhận thông tin y tế, cách thức hoạt động của các cơ sở dịch vụ chăm sóc sức khỏe và về ngôn ngữ. Điều này đã dẫn đến tình trạng người lao động mất nhiều thời gian cho việc lựa chọn đúng cơ sở dịch vụ chăm sóc sức khỏe, bị động và lệ thuộc vào nhân viên hỗ trợ của nghiệp đoàn. Ngoài ra, việc sử dụng dịch vụ tư vấn chăm sóc sức khỏe của lao động Việt Nam còn chưa được phát huy do rào cản về ngôn ngữ.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Lê Quang Cường (2019), “Cơ chế thị trường trong chăm sóc sức khỏe và chính sách y tế”, Nghiên cứu lập pháp, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội. http://www.lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=210310
  2. Quốc hội (2020), Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (Luật số 69/2020/QH14).
  3. ILO (2016), “Triangle II Quarterly Briefing Note”, https://www.ilo.org/wcmsp5/ groups/public/---asia/---ro-bangkok/---ilo-hanoi/documents/publication/wcms_478483.pdf.
  4. ILO (2019), “Triangle in ASEAN Quarterly Briefing Note”, https://www.ilo.org/ wcmsp5/groups/public/---asia/---ro-bangkok/documents/genericdocument/wcms_614384.pdf.
  5. ILO (2017), “Promoting a Rights-based Approach to Migration, Health, and HIV and AIDS: A Framework for Action”, https://www. ilo.org/global/topics/hiv-aids/WCMS_605763/ lang—en/index.htm.
  6. IOM (2020), Phân tích thực trạng sức khỏe người di cư tại Việt Nam, Tổ chức Di cư Quốc tế, Hà Nội.
  7. IOM (2020), World Migration Report 2020, International Organization for Migration. Geneva, Switzerland.
  8. Levy, M., Holmes, C., Mariscal, S. (2018), Engaging Migrant and Seasonal Farmworkers in Identifying Motivators, Facilitators and Barriers to Health Care, University of Kansas School of Social Welfare. https://www.pcori. org/sites/default/files/4430-KUCR-Literature-Review-MSFW-Final.pdf.
  9. World Health Organization (WHO) (2007), “Health of migrants”, Execitive Board, 122nd Session, Provisional agenda item 4.8.  https://www.who.int/hac/techguidance/health_of_migrants/B122_11-en.pdf.
  10. WHO & UNICEF (2018), A vision for primary health care in the 21st century: Towards universal health coverage and the Sustainable and Development Goals.

 

 


[1] ThS., Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

[2] ILO (2016), “Triangle II Quarterly Briefing Note”, https://www.ilo.org/wcmsp5/groups/public/---asia/---ro-bangkok/---ilo-hanoi/documents/publication/wcms_4784 83.pdf.

[3] ILO (2019), “Triangle in ASEAN Quarterly Briefing Note”, https://www.ilo.org/wcmsp5/groups/public/---asia/---ro-bangkok/documents/genericdocument/ wcms_614384. Pdf.

[4] “Vượt qua Đài Loan, Nhật Bản là nước có số lượng lao động Việt đi XKLĐ nhiều nhất”, https://japan.net.vn/vuot-qua-dai-loan-nhat-ban-la-nuoc-co-so-luong-lao-dong-viet-di-xkld-nhieu-nhat-lhm-3430.htm.

[5] ILO (2019), “Triangle in ASEAN Quarterly Briefing Note”, Tlđd.

[6] IOM (2020), Phân tích thực trạng sức khỏe người di cư tại Việt Nam, Tổ chức Di cư Quốc tế, Hà Nội, tr. ix.

[7] IOM (2020), Phân tích thực trạng sức khỏe người di cư tại Việt Nam, Tlđd, tr.1

[8] Bài viết sử dụng định nghĩa của Lê Quang Cường (2019), theo đó, chăm sóc sức khỏe là “ngành dịch vụ trong đó, về bản chất, người cung ứng và người sử dụng quan hệ với nhau thông qua giá dịch vụ. Chăm sóc sức khỏe có một số đặc điểm không giống với các dịch vụ khác, đó là nguy cơ mắc bệnh và nhu cầu chăm sóc sức khỏe của mỗi người là khác nhau nên thời điểm mắc bệnh cũng khác nhau nên người bệnh thường gặp khó khăn trong chi trả các chi phí y tế không lường trước được; dịch vụ y tế được xem như loại hàng hóa mà người sử dụng không thể tự mình dễ dàng lựa chọn loại dịch vụ theo ý muốn mà phụ thuộc rất nhiều bên cung ứng (cơ sở y tế)”.

[9] Người lao động di cư Việt Nam ở Nhật Bản, còn được gọi là người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, trong bài viết này được hiểu là những người Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên đang làm việc tại Nhật Bản và có ký kết hợp đồng lao động.

[10] Bài viết là kết quả khảo sát bảng hỏi 154 người lao động Việt đang làm việc ở Nhật Bản. Các câu hỏi khảo sát được soạn trên Google biểu mẫu và thu thập dữ liệu qua mạng xã hội như Facebook, Zalo. Tác giả sử dụng phương pháp chọn mẫu thuận tiện để gửi đường link bảng hỏi tới những người lao động Việt Nam đang làm việc ở Nhật Bản. Nói cách khác, thông qua các mối quan hệ quen biết, tác giả sẽ gửi đường link bảng hỏi tới những người đủ điều kiện tham gia nghiên cứu và sau đó, đường link bảng hỏi sẽ được gửi tới những người lao động khác thông qua mối quan hệ thân quen của những người đã trả lời bảng hỏi.

[11] Bài viết sử dụng kết quả phỏng vấn sâu một số lao động Việt đang làm việc ở Nhật Bản và sử dụng các hội nhóm trên Facebook để thăm dò quan điểm và ý kiến của họ đối với các vấn đề liên quan đến chăm sóc sức khỏe, sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở Nhật Bản. Đối với phỏng vấn sâu, tác giả phỏng vấn trực tuyến người lao động Việt đang làm việc ở Nhật Bản qua mạng xã hội Facebook hoặc Zalo. Đối với việc thăm dò trên các hội nhóm, tác giả giả định là người chuẩn bị đến Nhật Bản làm việc và đưa ra những vấn đề liên quan đến chăm sóc sức khỏe và sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở Nhật Bản và đã thu được rất nhiều ý kiến từ những người lao động Việt đã trải nghiệm việc sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở quốc gia này.

[12] Nghiệp đoàn được hiểu là những tổ chức và đoàn thể được thành lập và là nơi chịu trách nhiệm và bảo vệ lợi ích của người lao động.

[13] IOM (2020), World Migration Report 2020, International Organization for Migration, Geneva, Switzerland, 213-219.

[14] ILO (2017), “Promoting a Rights-based Approach to Migration, Health, and HIV and AIDS: A Framework for Action”, tr. xi, https://www.ilo.org/global/topics/hiv-aids/WCMS_605763/lang--en/index.htm.

[15] IOM (2020), Phân tích thực trạng sức khỏe người di cư tại Việt Nam, Tlđd, tr. 25-40.

[16] World Health Organization (WHO) (2007), “Health of migrants”, Execitive Board, 122nd Session, Provisional agenda item 4.8, p. 2-3,  https://www.who.int/ hac/techguidance/health_of_migrants/B122_11-en.pdf.

[17] Levy, M., Holmes, C., Mariscal, S. (2018), “Engaging Migrant and Seasonal Farmworkers in Identifying Motivators, Facilitators and Barriers to Health Care”, University of Kansas School of Social Welfare, p. 4, https://www.pcori.org/sites/default/files/4430-KUCR-Literature-Review-MSFW-Final.pdf.

0thảo luận